Nữ quân y mang sứ mệnh gìn giữ hòa bình
20/10/2020 - 11:59

TĐKT - Vinh dự là 1 trong 10 nữ quân nhân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp quốc (LHQ) tại Phái bộ Nam Xu-đăng, Trung úy Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục GGHB Việt Nam cùng những đồng đội đã làm tốt sứ mệnh GGHB, để lại hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam và những chiến sĩ QĐND Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và nhân dân Nam Xu-đăng nói riêng.

Trung úy Sa Minh Ngọc phát biểu tham luận tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X

Chia sẻ về cái duyên gắn với hình ảnh chiến sĩ “mũ nồi xanh”, Trung úy Ngọc cho biết: “Tôi biết đến hoạt động GGHB LHQ từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Cùng với mơ ước được trở thành người chiến sĩ trong QĐNDVN anh hùng, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Malaysia về nước, tôi đã viết đơn tình nguyện xin vào phục vụ quân đội và nộp hồ sơ tuyển dụng vào Cục GGHB Việt Nam, chính thức được lựa chọn và tham gia lực lượng GGHB từ năm 2015. Thời điểm đó, Cục GGHB Việt Nam vừa mới được thành lập tròn 1 năm”.

Công tác tại đây đến cuối tháng 10/2016, chị được Thủ trưởng các cấp tin tưởng và giao nhiệm vụ tham gia vào đội hình BVDC2.1 đang tập kết tại Bệnh viện Quân y 175 ở TP Hồ Chí Minh và đảm nhận vị trí trợ lý tham mưu kế hoạch.

Trung úy Ngọc cho biết: “Tính đến thời điểm nhận nhiệm vụ, tôi vừa mới lập gia đình tròn 5 tháng. Đứng trước nhiệm vụ mới, tôi và chồng đã thống nhất, tạm thời gác lại chuyện riêng tư, để lên đường nhận nhiệm vụ mà Tổ quốc, Quân đội giao cho”.

Cũng theo Trung úy Ngọc chia sẻ, các thành viên trong đội BVDC2.1 mỗi người một hoàn cảnh, có những khó khăn, vất vả khác nhau. Có đồng chí thì con nhỏ, bố mẹ lại già yếu, nơi ở chưa ổn định, nhà còn phải thuê mượn; nhiều đồng chí nữ, chồng cũng là bộ đội, lại vắng nhà thường xuyên… Nhưng vớ

i phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, cùng sự quan tâm, động viên sâu sát và tạo điều kiện của Thủ trưởng các cấp, mọi thành viên luôn xác định rõ tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó.

Sau hơn 5 năm chính thức hoạt động, Cục GGHB Việt Nam đã cử 43 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ với hình thức cá nhân; 29 đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc nhiệm kỳ công tác về nước; 100% được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đặc biệt là tháng 10/2018, Việt Nam chính thức triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Ben-tiu, Nam Xu-đăng đã được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp rất thiết thực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ngày 28/11/2019, đơn vị của chị đã hoàn thành nhiệm vụ và chào đón những đồng đội trong BVDC2.2 sang thay thế, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình tại Ben-tiu, Nam Xu-đăng.

Dù nhiệm kỳ công tác của đội BVDC2.1 chưa phải là dài, nhưng những vất vả, khó khăn là những thử thách mà chị cùng đồng đội đã vượt qua. Đặc biệt là nữ quân nhân, thì khó khăn, vất vả đó lại nhân lên gấp bội.

“Có những thời điểm chúng tôi triển khai cũng là đúng giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng sắc tộc và nội chiến giữa các phe phái. Có thời điểm chúng tôi phải đến những nơi không có bất cứ thứ gì ngoài bụi, đất và cây khô, những nơi mà do giao tranh, đường thông tin liên lạc, cung ứng lương thực, thực phẩm bị cắt đứt. Cũng có những lúc vào đỉnh điểm mùa mưa, chúng tôi phải đối mặt với các loại bệnh dịch, có những lúc hệ thống lọc nước gặp trục trặc, chúng tôi thậm chí không có đủ nước ăn, nước sinh hoạt…” - chị Ngọc nhớ lại.

Tuy nhiên, những vất vả, thử thách này không làm chị cùng đồng đội chùn bước, mà ngược lại, càng trong khó khăn, gian khổ, thì ý chí, nghị lực và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ càng được phát huy, tỏa sáng dù ở trong nước hay ở bất cứ nơi xa xôi, gian khổ và khắc nghiệt nào.

Có một kỷ niệm mà chị Ngọc nhớ mãi không quên trong đợt công tác, đó là khi đơn vị triển khai đến Bentiu, Nam Xu-đăng; ở đây có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, nước sạch rất khan hiếm và lúc đó mỗi người trong đơn vị chỉ được cấp 5 lít nước/ngày để phục vụ sinh hoạt. Để sử dụng số lượng nước ít ỏi đó, các thành viên phải tiết kiệm, tái sử dụng nhiều lần, như vừa tắm, vừa giặt, vừa vệ sinh và tưới rau.

Thông cảm cho chị em, nhiều đồng chí quân nhân nam có ngày đã phải nhường cơ bản phần nước sinh hoạt của mình cho chị em, chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ thấm ướt khăn để lau mặt và một phần cơ thể.

“Bên cạnh sự đoàn kết và tinh thần đồng đội, có lẽ chúng tôi cũng rất may mắn khi luôn có hậu phương vững chắc là vợ, chồng, là gia đình, là những người đồng đội ở quê nhà luôn ở phía sau tin tưởng, động viên và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua các khó khăn, thử thách ở nơi tiền tuyến…” - chị Ngọc cho biết.

Chị và các đồng đội của mình đã có 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng và theo chị Ngọc có lẽ đó là những ký ức mà chị sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời quân ngũ của mình.

“Khoảnh khắc khi lá cờ Tổ quốc được tung bay trên bầu trời Nam Xu-đăng, các em nhỏ tại khu vực Bảo vệ thường dân của LHQ chạy đến thi nhau chạm vào Lá cờ Tổ quốc Việt Nam, các em cố gắng đánh vần hai chữ Việt Nam và rồi đồng thanh hô to Việt Nam, Việt Nam. Tất cả những khoảnh khắc đó giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết về tình cảm ấm áp mà người dân địa phương nơi đây dành cho chúng tôi, dành cho “Bộ đội Cụ Hồ” và dành cho dân tộc Việt Nam.” - Trung úy Ngọc chia sẻ với niềm tự hào.

Với những đóng góp của mình, Trung úy Sa Minh Ngọc vinh dự là 1 trong những điển hình được tuyên dương tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X.

Bảo Linh