Điển hình tiên tiến

Bí thư chi bộ, trưởng thôn gương mẫu, tận tụy

TĐKT - “Năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu” là những nhận xét của bà con nhân dân dành cho anh Điểu Phùng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 3 (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Không chỉ hoàn thành trọng trách của một người Bí thư Chi bộ mà trong mọi hoạt động xã hội anh đều tích cực tham gia. Anh Điểu Phùng (áo xanh) nhận giấy khen tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 do Đảng ủy xã Đắk Ơ tổ chức (ảnh- Quang Trung) Theo anh Phùng, thôn 3 có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống của người dân có nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Hơn nữa đường giao thông đi lại rất khó khăn. Chính vì vậy, việc tiếp cận các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước của đồng bào nơi đây còn nhiều hạn chế. Trước tình hình thực tế địa phương, với cương vị là bí thư chi bộ thôn, anh Phùng đã trực tiếp đi đến từng nhà, từng người nhằm vận động, tuyên truyền cho mọi người hiểu biết về pháp luật, tránh xa tệ nạn xã hội, nhất là tránh xa các tà đạo và đồng thời phát giác, đấu tranh mọi biểu hiện vi phạm pháp luật. Những việc làm thiết thực của người Bí thư chi bộ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng của người dân và là chỗ dựa tin cậy để họ gửi gắm niềm tin, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, xích lại gần nhau hơn và tích cực lo toan, đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống. Anh chia sẻ: Công tác vận động quần chúng ở cơ sở muốn đạt hiệu quả cao phải gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân, đúng như Bác Hồ đã căn dặn “lấy dân làm gốc”. Tuy nhiên, làm một mình thì không bao giờ hết việc nên Chi ủy thường xuyên kết hợp với Ban công tác mặt trận thôn, chính quyền thôn để vận động nhân dân chấp hành Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, anh luôn tích cực tuyên truyền để người dân đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó, đời sống của người dân trong thôn ngày càng ổn định, phát triển. Đồng thời, anh cũng thường xuyên động viên nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, bảo vệ môi trường... thực hiện hương ước, quy ước của thôn, hòa giải các mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân. Hàng năm qua bình xét, thôn có hơn 90% hộ đạt gia đình văn hóa, thôn đạt văn hóa 2 năm liền (2017, 2018). Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, anh đã phối hợp với chính quyền vận động nhân dân, các tổ chức ủng hộ tiền, ngày công làm được 4 tuyến đường với chiều dài 4 km với kinh phí hàng trăm triệu đồng; kéo điện chiếu sáng khu dân cư, xây dựng các tuyến đường tự quản... “Hiện, ở thôn 3, một số một số hộ đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững; nhà ở được xây dựng khang trang hơn; vệ sinh môi trường đảm bảo; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; an ninh trật tự địa bàn được giữ gìn, không xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.”- anh Phùng phấn khởi chia sẻ. Với những cố gắng, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là dưới vai trò dẫn dắt, chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Điểu Phùng, liên tục 2 năm qua, chi bộ thôn 3 đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Cá nhân anh Phùng 2 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền các cấp tặng bằng khen, giấy khen; là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuệ Minh  

Hành trình gieo mầm thiện của Đại tá Võ Nhựt Hải

TĐKT - Đối với mỗi người Việt, Tết đến Xuân về là dịp sum họp gia đình sau một năm làm lụng, mưu sinh. Thế nhưng với Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước, Cục C10, Bộ Công an (đóng quân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang), đây là thời điểm khiến anh bộn bề những lo toan, vất vả; luôn tất bật với công tác chăm lo chế độ, chính sách; tổ chức các hoạt động Tết cổ truyền cho hàng trăm cán bộ chiến sĩ, hàng ngàn phạm nhân và đảm bảo tuyệt đối an toàn trại. 27 năm công tác trong ngành Cảnh sát quản lý trại giam, số lần anh được cùng gia đình đón giao thừa chưa quá 10 đầu ngón tay. Thế nhưng, theo Đại tá Võ Nhựt Hải, đã lựa chọn và gắn bó với hành trình “gieo mầm thiện trong con người mỗi phạm nhân” là chọn cho mình một con đường đi không ít chông gai. Anh chưa bao giờ ân hận vì sự lựa chọn của mình mà ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn niềm vinh dự, tự hào của những “người thầy đặc biệt”. Từ đó, không ngừng sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và giáo dục cải tạo phạm nhân. Mới đây, anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân. Cơ duyên với nghề cảnh sát trại giam Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có đông anh em, lại khó khăn ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, từ nhỏ cậu bé Võ Nhựt Hải đã nuôi giấc mơ sẽ trở thành một luật sư giỏi trong tương lai. Nhưng do gia cảnh khó khăn nên dù đậu Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, anh vẫn chọn cho mình con đường binh nghiệp, vào học trường Trung học Cảnh sát nhân dân II, để đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước Sau hai năm theo học chuyên ngành Cảnh sát Bảo vệ - Cơ động, năm 1995, anh ra trường và được phân về làm cán bộ quản giáo tại trại giam Mộc Hóa (sau này là trại giam Thạnh Hòa, tỉnh Long An). “Những ngày đầu mới vào ngành, khi tuổi mới đôi mươi, phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, đơn vị trú đóng ở địa bàn rừng thiêng nước độc, những chuyến về thăm gia đình thực sự thưa thớt, ít ỏi. Thậm chí, vào những ngày Tết, khi mọi nhà được đoàn tụ bên nhau thì chàng chiến sĩ trẻ và đồng đội vẫn phải thức thâu đêm, đi tuần tra kiểm soát từng buồng giam, chỉ lắng nghe và cảm nhận thời khắc giao thừa, mừng năm mới đến bằng trái tim.” - Đại tá Võ Nhựt Hải nhớ lại. Nhưng cứ mỗi lần nhận nhiệm vụ, được tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt lý lịch, hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân phạm tội của các phạm nhân trong trại, chiến sĩ Võ Nhựt Hải càng cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm trả lại đời những công dân lương thiện và có ích của người cảnh sát trại giam. Đặc biệt, sự động viên, dìu dắt của những thế hệ đi trước đã thôi thúc anh thêm quyết tâm theo đuổi con đường mà mình chọn. “Có phạm nhân bị bệnh, gia đình bỏ bê, cả năm chẳng có người thân nào ngó ngàng đến thăm hỏi. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chúng tôi nhận nhiệm vụ thay nhau chăm sóc họ. Ban đầu thì ngại lắm nhưng lâu dần thấy cảm thông và coi họ như người thân của mình” - Đại tá Võ Nhựt Hải bồi hồi. Anh cho rằng, chính những cảm xúc nhân văn ấy đã níu chân những người lính trẻ như anh ở lại rồi gắn bó, xây dựng và phát triển trại giam đến hôm nay. Từ một cán bộ quản giáo, anh tiếp tục phấn đấu và được điều động làm cán bộ Tổ chức, Đội phó Tham mưu, rồi Đội trưởng Đội tham mưu, Phó Giám thị Trại giam Thạnh Hòa và được điều động làm Phó Giám thị trại giam Mỹ Phước, bổ nhiệm làm Giám thị Trại giam Mỹ Phước từ năm 2014 đến nay. Sáng tạo trong xây dựng môi trường trại giam Chính vì lòng quyết tâm gắn bó với nghề phục thiện, nên dù tổ chức phân công nhiệm vụ gì, anh luôn dốc lòng, dốc sức; ở bất kỳ đơn vị nào cũng nỗ lực xây dựng và vun đắp, coi như đó là ngôi nhà thứ hai của mình. Còn nhớ ngày mới nhận công tác tại Trại giam Mỹ Phước, lúc đó mọi thứ rất khó khăn, nơi ăn, chốn ở của CBCS, nơi giam giữ phạm nhân xuống cấp. Đa số đất trại nhiễm phèn nên rất khó canh tác… Đó cũng chính là lý do không có nhiều người mặn mà khi được cử về đây công tác. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Mỹ Phước, Đại tá Võ Nhựt Hải đã nhiều đêm trăn trở, mong muốn mang đến bộ mặt mới cho mảnh đất trại nơi vùng trũng Đồng Tháp Mười. Đích thân anh lặn lội đi “chiêu mộ” những người tài và tâm huyết cùng chung tay với mình. Từ tìm những kỹ sư nông nghiệp giỏi nhất để cải tạo đất phèn nhiễm mặn, rồi thông báo rộng rãi tuyển chọn các y, bác sĩ đến khám, chữa bệnh cho phạm nhân... "Thế nhưng, thực tế đã có nhiều người đến Trại một lần rồi không quay trở lại nữa bởi khi tận mắt chứng kiến những khó khăn, khắc nghiệt nơi đất trại, họ không tin rằng sẽ có được sự thay đổi, phát triển ở đây." - Anh kể. Cán bộ Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn cho các phạm nhân lao động Không nản chí, anh đã tự mày mò sách vở, tận dụng mọi kinh nghiệm có được, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp; sự ủng hộ, đồng lòng của tập thể CBCS và phạm nhân, vùng đất trại giam Mỹ Phước dần được cải tạo và khởi sắc. Những vườn cây ăn quả mọc lên, những trang trại chăn thả gia súc, gia cầm được hình thành, đem lại tiềm năng phát triển kinh tế không hề nhỏ. Nhưng quan trọng hơn hết là đã thổi thêm luồng sinh khí mới đến những phạm nhân, giúp họ tìm được niềm tin và yên tâm cải tạo tốt; giúp CBCS thêm vững tin và gắn bó với nghề. Chỉ đạo bài bản và khoa học Không chỉ tâm huyết với nghề, anh còn thường xuyên nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học, gương mẫu. Đồng thời, dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu tình hình thực tiễn, xây dựng các Nghị quyết, đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục phạm nhân và đảm bảo an toàn trại. Trong đó, tiêu biểu là 2 đề tài: “Xây dựng, sử dụng cộng tác viên bí mật nhằm phòng ngừa phạm nhân phạm tội tại các trại giam khu vực miền Tây Nam bộ” do anh làm chủ nhiệm và “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phạm nhân làm giảm tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy trại giam” do anh cùng các cộng sự thực hiện. Trong những năm gần đây, tình hình phạm nhân đưa vào trại giam Mỹ Phước ngày càng tăng, có thời điểm tăng đột biến so với quy mô giam giữ, trại thường xuyên quản lý, giam giữ gần 2.000 phạm nhân, tính chất tội phạm nguy hiểm, phức tạp. Một số phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, mắc các bệnh hiểm nghèo, cải tạo kém, không nhận tội... Chúng thường tỏ thái độ chống đối, kêu oan không chịu cải tạo, tụ tập đánh nhau, lười lao động, học tập, có âm mưu trốn khỏi nơi giam, vi phạm nội quy. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Trại trú đóng cũng diễn biến phức tạp, tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy, cướp giật tài sản, trộm cắp gần khu vực trại; một số đối tượng thanh niên bên ngoài tụ tập băng nhóm đánh nhau gây thương tích, các đối tượng tù tha về luôn tìm sơ hở câu kết với đối tượng đang quản lý móc nối, đưa vật cấm vào trại. Đội ngũ CBCS tuy đã được đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, nhưng vẫn thiếu so với quy định. Số cán bộ trẻ chưa qua đào tạo nghiệp vụ, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân chỉ tiêu tuyển lại thấp, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân… Đại tá Võ Nhựt Hải đã chỉ đạo triển khai và thực hiện một cách khoa học, hiệu quả công tác quản lý, giam giữ phạm nhân, tập trung quyết liệt làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân; thực hiện có hiệu quả công tác khai thác phạm nhân; xây dựng và sử dụng có hiệu quả mạng lưới cộng tác viên bí mật... Qua đó, đã cung cấp được nhiều nguồn tin có giá trị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc phạm nhân vi phạm nội quy và tố giác tội phạm ngoài xã hội. Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước trao quà và chúc Tết các phạm nhân tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2019 và phát động phong trào thi đua trong phạm nhân năm 2020 Điển hình là, qua các nguồn tin thu được, anh đã kịp thời chỉ đạo đập tan âm mưu vụ phạm nhân Hồ Nguyễn Quốc Hưng, phạm nhân Nguyễn Thanh Tùng, phạm nhân Đỗ Văn To đã bàn tính và rủ 6 phạm nhân khác thực hiện ý định chống đối lao động, gây rối để được chuyển trại giam khác chấp hành án. Hay qua công tác vận động quần chúng trong đấu tranh tố giác tội phạm, bằng sự nhạy bén, quyết đoán, anh đã cùng Ban Giám thị lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành bắt giữ đối tượng Trần Duy Triệu là kẻ bị truy nã trên 20 năm nay, đang sinh sống tại 18 đường Sam Cach Toul Poung - ChamKarMon – PhnomPenh theo đúng thủ tục tố tụng của Việt Nam... Bên cạnh đó, là Bí thư Đảng bộ cơ sở, người đứng đầu đơn vị trại giam, anh luôn thực hiện tốt vai trò đầu tầu, gương mẫu, phát huy trách nhiệm, nêu gương, là hạt nhân trong xây dựng khối đoàn kết, thống nhất toàn đơn vị; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của trại giam… Với những nỗ lực đó, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy bị xử lý kỷ luật hàng năm của Trại luôn giảm (nếu như năm 2014 là 8,97 % thì đến năm 2019 chỉ còn 1,74%), số phạm nhân xếp loại khá, tốt luôn chiếm tỷ lệ từ 85% trở lên. Đặc biệt là hơn 30 năm liên tục (1989 - 2019), trại giam Mỹ Phước không để phạm nhân trốn thoát. Đối tượng truy nã trốn trại từ năm 1988 trở về trước hiện chỉ còn 3 đối tượng. Mỹ Phước liên tục là một trong những đơn vị trại giam tiêu biểu của khu vực miền Tây Nam bộ nhiều năm qua. 27 năm trong ngành cũng là từng ấy năm Đại tá Võ Nhựt Hải trải qua không ít những vất vả, gian truân để hoàn thành tốt sứ mệnh của một “người lái những chuyến đò hoàn lương”. Nhưng anh vẫn luôn trăn trở: Xã hội phát triển, “xã hội trong trại giam” càng phức tạp. Trách nhiệm trả lại cho xã hội những công dân lương thiện là rất nặng nề, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Mỹ Phước không ngừng nỗ lực, tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nâng cao trình độ, chuyên môn và dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn nữa với nghề. Mai Thảo  

Kỹ sư trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

TĐKT - Luôn tự xác định cho mình phương châm “lấy công việc là niềm vui” nên trước bất kỳ công việc khó khăn nào, Thiếu tá Hoàng Văn Thịnh (trợ lý Hóa học, Ban Quân huấn, Phòng Tham mưu, Vùng 1 Hải quân) cũng mang hết khả năng,trí tuệ cùng sự nhiệt huyết, sức trẻ của mình để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và mô hình do anh nghiên cứu, sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao. Với Thịnh, đam mê nghiên cứu khoa học như người đi trên một con đường dài, chông gai, những người bền ý chí, bền lòng sẽ thu hái được quả ngọt cuối đường. Bởi vậy, trong công việc, anh luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng, có khả năng thực hiện được qua từng giai đoạn và không ngừng cố gắng, tìm tòi giải pháp, sáng kiến để hoàn thành mục tiêu ấy. Nhiều sáng kiến của anh đã được ứng dụng trong huấn luyện, mang lại hiệu quả cao Trong quá trình công tác, mặc dù không trực tiếp tham gia huấn luyện nhưng anh hiểu rằng mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện nói chung và huấn luyện khí tài phòng hóa nói riêng là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Qua thực tiễn huấn luyện chuyên môn phòng hóa, số lượng thùng khói Hải quân dùng trong huấn luyện có hạn, chủ yếu để dự trữ sẵn sàng chiến đấu và địa hình sử dụng không đủ rộng, dễ mất an toàn… nên chủ yếu là “huấn luyện chay”. Từ thực trạng đó, Thịnh trăn trở suy nghĩ và mạnh dạn báo cáo, đề xuất ý tưởng chế tạo mô hình huấn luyện thùng khói Hải quân. Sau thời gian vừa làm, vừa suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo, Thịnh chế tạo thành công mô hình thùng khói Hải quân với ưu điểm vượt trội như: Lượng khói sử dụng theo mục đích huấn luyện và điều kiện thực tế huấn luyện, trung bình tiết kiệm được 50-100 lần so với thùng khói thật. Mô hình dễ chế tạo, giá thành rẻ, sử dụng được nhiều lần và dễ thay thế sửa chữa khi hỏng hóc. Mô hình vừa dùng trong huấn luyện chuyên ngành, vừa có thể dùng trong huấn luyện và luyện tập phương án phòng cháy, chữa cháy, rất phù hợp, bảo đảm an toàn khi bố trí ở mọi vị trí (trong nhà kho, trạm xưởng, boong tàu…). Với sáng kiến này, năm 2015, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Văn Thịnh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng và cấp Giấy chứng nhận sáng kiến loại II cấp Bộ; đạt Giải B Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng Hải quân. Thành công ngay từ công trình đầu tiên, năng lực nghiên cứu, sáng tạo, đam mê khoa học của Thịnh tiếp tục được phát huy. Qua thực tế những lần tham gia thực hiện nhiệm vụ trên biển, đảo về sử dụng mục tiêu bay trong huấn luyện đối không cho bộ đội, Thịnh nhận thấy máy khởi động động cơ mục tiêu bay còn nhiều vấn đề hạn chế, đôi khi làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng huấn luyện bộ đội. Tháng 10 năm 2016, Thịnh chủ động đề xuất ý tưởng nghiên cứu, thiết kế ra máy khởi động mới thay thế các máy được trên cấp hiện nay. Với tâm huyết, Thịnh đã tự bỏ kinh phí, tiến hành nghiên cứu, thiết kế, đi tìm kiếm nguyên vật liệu ngoài thị trường, chủ động mua sắm máy móc, tự mình thao tác như cắt, tiện, mài, khoan... các chi tiết sau đó lắp ráp lại, lấy động cơ của mục tiêu hỏng để thử nghiệm. Cuối cùng Thịnh đã chế tạo thành công máy khởi động mới với ưu điểm nổi trội: Máy khởi động mới có nguồn điện thông dụng; động cơ có công suất lớn, chế tạo dễ dàng, giá thành rẻ, độ bền cao, sử dụng được nhiều lần, nhiều lượt; dùng khởi động được cho mục tiêu M96; có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị được biên chế các loại mục tiêu bay cần sử dụng máy khởi động động cơ trong Quân chủng Hải quân và các đơn vị khác trong Quân đội. Trong quá trình học tập, công tác tại Hội trường Bộ Tư lệnh Vùng, Thịnh quan sát thấy có nhiều bóng đèn chiếu sáng bị hỏng, trong khi trần nhà cao quá tầm của các thang chế sẵn, do đó rất khó khăn cho việc thay thế các bóng đèn hỏng. Với lòng đam mê khoa học, Thịnh đã nghiên cứu và tìm cách chế tạo ra các loại đầu tháo khác nhau để tháo lắp các loại bóng có cấu tạo và kích thước khác nhau; dùng các đốt cây bằng nhôm, inox đường kính 19 mm; dùng đầu nối bằng nhựa Tiền Phong Ø21 ren trong, ren ngoài bịt 2 đầu để chế tạo ra cán của thiết bị. Khi hoàn chỉnh, các đốt cây này liên kết được với nhau thành cán dài bảo đảm tính năng nhẹ, không dẫn điện, độ bền cơ học cao, không xoay ngang khi xoáy bóng nhưng tháo lắp dễ dàng, liên kết được với đầu tháo bóng. Kết quả chỉ cần một người sử dụng đứng dưới nền nhà có thể thay thế được bóng điện trần có độ cao 12 m, bảo đảm dễ thao tác, thao tác nhanh, an toàn, độ bền cơ học cao, vận chuyển, bảo quả dễ dàng, dễ chế tạo, giá thành rẻ, sử dụng được nhiều lần. Hiện nay sáng kiến này đã được áp dụng hiệu quả tại cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng. Từ sự nỗ lực phấn đấu, say mê nghiên cứu khoa học, tâm huyết với công việc, trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Văn Thịnh hai năm liền được đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2016, 2017) và là một trong những điển hình tiêu biểu trong 3 năm thực hiện Cuộc Vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” (2014 - 2017). Minh Phương

Cứu người là mệnh lệnh từ trái tim

TĐKT - Với cương vị Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cát Bà, Đồn Biên phòng Cát Bà (TP Hải Phòng), Đại úy Lương Văn Phong luôn xác định “Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình", là mệnh lệnh của lương tâm, cứu dân như cứu thân nhân gia đình mình gặp nạn. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, xung kích, sáng tạo, vượt qua khó khăn, những năm qua, anh đã trực tiếp cùng đồng đội cứu sống 108 người và 3 phương tiện gặp nạn trên biển. Đại úy Lương Văn Phong tuyên truyền các quy định, hướng dẫn về phòng, chống lụt bão cho bà con ngư dân. (Ảnh: Viết Hà)  Đảo Cát Bà là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ, thường xuyên có từ 600 - 800 tàu, thuyền của các địa phương trên cả nước hoạt động khai thác thủy sản. Ngoài ra trên địa bàn còn có gần 500 bè nuôi trồng thủy sản và gần 2000 giàn bè, bãi nuôi nhuyễn thể như ngao, tu hài... Địa hình núi cao, nhiều vụng, vịnh, rất thuận lợi cho tàu, thuyền tránh trú bão. Tuy nhiên, đây là nơi thường có nước triều cường, chịu ảnh hưởng của vùng thời tiết nhiệt đới gió mùa. Đại úy Lương Văn Phong cho biết: Những năm gần đây, do tác động của biến đổi của khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển cũng như trên địa bàn của đơn vị. Bình quân hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển khu vực đơn vị quản lý, ngoài ra có nhiều đợt gió mùa, sóng to, rồi trời mù làm ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của bà con ngư dân khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển. Trong khi đó, lực lượng và phương tiện của đơn vị được trang cấp còn thiếu, không đồng bộ. Nhận thức của nhân dân trên địa bàn đóng quân còn sơ sài, chủ quan về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tác động của khí hậu, môi trường biển. Trước tình hình đó, anh đã triển khai cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cát Bà tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho bà con ngư dân hiểu và tự giác chấp hành quy định trong công tác phòng, chống lụt bão (PCLB). Đồng thời tổ chức, tham gia luyện tập các phương án PCLB, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), thường xuyên nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị các biện pháp PCLB và TKCN đạt hiệu quả. Không chỉ tuyên truyền, anh trực tiếp cùng đồng đội tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCTT, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất là việc kịp thời cứu nạn 7 thuyền viên bị trôi dạt trên vùng biển Hải Phòng do sự cố chìm tàu năm 2018. Vào hồi 19h50’ ngày 24/10/2018, anh nhận được tin báo về việc phát hiện có pháo sáng bắn lên từ 1 tàu vận tải ở khu vực Hòn Bắn cách Cát Bà khoảng 5 hải lý về hướng đông nam. Từ tin báo trên, anh đã tổ chức xác minh, kịp thời báo cáo, đề xuất Đồn trưởng và triển khai phương án tìm kiếm cứu nạn. Sau khi nhận lệnh của Đồn trưởng, anh trực tiếp chỉ huy tổ tìm kiếm cứu nạn gồm 2 xuồng, 10 cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Anh kể: “Do trời mù ảnh hưởng đến việc quan sát, nên phải mất khoảng 30 phút sau chúng tôi mới tìm đến vị trí tàu vận tải gặp nạn. Qua quan sát tôi thấy phương tiện đang chìm dần từ phía mũi tàu, không thấy người trên tàu, tôi đã dùng loa tay để kêu gọi nhưng không thấy ai trả lời. Lo có người bị nạn trên tàu, tôi yêu cầu đồng chí lái xuồng cập mạn cho tôi trực tiếp lên kiểm tra nhưng cũng không thấy ai. Sau khi đó, chúng tôi đã hội ý nhanh, có nhận định khả năng người trên tàu đã được tàu dân cứu. Lúc này trong đầu tôi đặt ra câu hỏi có chắc chắn người trên tàu đã được cứu hay chưa, ai cứu, cứu người chở đi đâu?” Chưa yên tâm, anh quyết định chia tổ thành 2 mũi đi tìm. Do trời mù ảnh hưởng đến tầm quan sát, trong khoảng thời gian nhất định, hai mũi tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy người bị nạn. Từ tình hình đó, anh quyết định hai mũi tìm kiếm trở lại vị trí tàu đang chìm dần và thả trôi để xác định hướng nước chảy. Nhờ đó, các anh đã tìm thấy các thủy thủ đang trôi dạt đến trên biển theo dòng thủy triều. Quan sát phát hiện các nạn nhân đang trong tình trạng đuối sức vì lạnh và hoảng loạn, nếu không kịp thời cứu nạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, anh đã chỉ huy hai mũi tìm kiếm chạy theo dòng nước chảy, đón lõng người bị nạn, dùng phao tròn đã buộc dây, ném xuống biển phía người bị nạn để cứu người. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, các anh đã đưa được 7 người lên xuồng và nhanh chóng hướng về đất liền. Ngay sau đó, anh đã chủ động báo cáo Đồn trưởng về tình hình cứu nạn và sức khỏe của nạn nhân, đề xuất Đồn trưởng cử quân y đơn vị khám và chăm sóc sức khỏe cho họ. Gần đây nhất, lúc 10h ngày 21/4/2019, anh nhận được tin báo của thuyền trưởng tàu cá TH 90143 TS ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đang hành trình từ Thanh Hóa ra Cát Bà để thu mua hải sản đến khu vực biển cách Cát Bà khoảng 18 hải lý bất ngờ bị gãy chân vịt, dẫn đến trôi dạt và đề nghị Trạm Kiểm soát biên phòng Cát Bà cứu nạn. Lúc này trên biển sóng to cấp 7, cấp 8, điều kiện phương tiện của đơn vị không đáp ứng với thực tế, mà việc cứu nạn là cấp bách. Anh đã báo cáo đồn trưởng đề xuất phương án trưng dụng tàu của ngư dân đang neo đậu tại vịnh Cát Bà (đảm bảo chịu được sóng và đủ công suất lai dắt tàu bị nạn trong điều kiện thực tế). Được sự nhất trí của chỉ huy, anh trực tiếp trưng dụng tàu TH 90919 TS/880cv/05TV cùng tổ cứu nạn của Đồn cơ động ra vị trí tàu gặp nạn cứu hộ. Quá trình tàu hành trình đến vị trí cứu hộ, anh thường xuyên liên lạc với thuyền trưởng để nắm tình hình. Đến 15h cùng ngày, các anh đã tiếp cận và cứu hộ, lai dắt tàu bị nạn về đến Cát Bà an toàn cả tàu và 5 thuyền viên trên tàu. Với những đóng góp của Đại úy Lương Văn Phong cùng đồng đội, Đồn Biên phòng Cát Bà trở thành đơn vị đi đầu trong lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Hải Phòng trong công tác PCTT, TKCN trên biển. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Đồn Biên phòng Cát Bà đã tổ chức 51 lượt với 68 phương tiện và 306 CBCS tham gia và cứu sống được 200 người, 13 phương tiện. Trong đó, Đại úy Lương Văn Phong trực tiếp tổ chức TKCN được 26 lượt với 35 phương tiện và 207 CBCS, cứu sống được 108 người và 3 phương tiện trôi dạt trên biển. Bên cạnh đó, mỗi đợt có tin bão, ATNĐ, anh đã chỉ huy CBCS trạm kêu gọi, sắp xếp, kiểm đếm hàng chục nghìn lượt phương tiện, lồng bè với hàng trăm nghìn lượt người vào nơi tránh trú an toàn. Anh chia sẻ: “Sau mỗi lần cứu giúp thành công các phương tiện, đặc biệt là cứu nạn được bà con ngư dân trôi dạt trên biển, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tôi thấy rất tự hào và xúc động vì đã làm được việc tốt vì dân, được chỉ huy các cấp, lãnh đạo địa phương đánh giá ghi nhận và nhân dân tin yêu.” 5 năm qua, anh vinh dự được cấp trên khen thưởng về thành tích trong tìm kiếm cứu nạn. 3 năm liền 2016, 2017, 2018 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, 2 lần được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen, 3 Bằng khen của UBND TP Hải Phòng, 4 giấy khen của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố. Năm 2018, anh được Bộ Tư lệnh BĐBP ghi nhận là gương mặt trẻ tiển vọng, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố ghi nhận là gương mặt trẻ tiêu biểu. Phương Thanh

Người miệt mài với những cây cầu từ thiện

TĐKT - Suốt nhiều năm qua, hình ảnh ông Lê Quan Trưởng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cần mẫn đi bắc cầu, làm từ thiện đã quen thuộc với người dân địa phương và các vùng lân cận xã An Thạnh Trung.   Dù tuổi cao nhưng ông Trưởng vẫn miệt mài xây lên những cây cầu nhân ái Xuất thân là con nhà nông nên suốt ngày ông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng nhờ chịu khó làm lụng nên cuộc sống gia đình ông cũng có của ăn của để. Chia sẻ về ý tưởng đi xây cầu từ thiện, ông Trưởng cho biết: An Thạnh Trung là xã có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Người dân phải đi lại, vận chuyển hàng hóa trên những chiếc cầu tạm bợ nên gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn, nhất là các em học sinh mỗi ngày đến trường. Thấy và hiểu những khó khăn đó nên từ năm 2007, ông bắt đầu đứng ra vận động nhân dân đóng góp cùng với chính quyền địa phương xây những cây cầu chắc chắn, thay thế dần những chiếc cầu tạm bợ, xuống cấp. Dù chỉ là một nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, không được đào tạo bài bản về xây dựng nhưng ông Trưởng đã không ngừng học hỏi, nắm vững kiến thức, kỹ thuật để thiết kế, chỉ đạo thi công, xây lên những cây cầu đẹp, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chắc chắn. Thấy được việc làm ý nghĩa của ông, ngày càng nhiều người nhiệt tình đóng góp tiền và ngày công lao động để cùng ông xây cầu. Hiện đội xây cầu của ông có hơn 40 thành viên và sẵn sàng đi bất cứ đâu khi có yêu cầu. Không chỉ vận động xây cầu trên địa bàn xã, ông Trưởng còn đứng ra vận động các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm góp tiền bắc cầu cho một số xã thuộc huyện Chợ Mới, thậm chí hỗ trợ cả một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nhờ đó, giao thông nông thôn ngày càng được cải thiện, đời sống người dân ngày một phát triển. Riêng năm 2019, ông đã đứng ra vận động, xây dựng 2 cây cầu treo bắc ngang kênh An Bình và kênh An Tịnh, với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng; cất 1 cầu bê-tông trên rạch Trùm Hóa với kinh phí 504 triệu đồng cùng hơn 700 ngày công lao động. Ngoài xây cầu, ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội khác như dặm vá, rải cát đá đường nông thôn, cất nhà tình thương, sửa chữa trường học, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, những gia đình nghèo khó khăn, cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân đóng góp xây dựng nghĩa địa nhân dân… “Trước đó, địa phương có chủ trương xây dựng nghĩa địa nhân dân để giúp đỡ người nghèo có được nơi an nghỉ, thấy đây là việc làm có ý nghĩa, tôi đứng ra vận động người dân quyên góp với số tiền trên 500 triệu đồng, trong đó chi phí mua đất trên 320 triệu đồng để xây dựng…”- ông Trưởng cho biết. Cũng theo ông Trưởng chia sẻ, chính ông là người đã thiết kế và chỉ đạo thi công xây mới Miếu Thần Nông thuộc ấp An Hồng, xã An Thạnh Trung với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Ngôi miếu được xây dựng cách đây hơn 200 năm, gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp suốt lịch sử thành lập miếu. Hàng năm, bà con địa phương đều tổ chức lễ cúng trang trọng cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng no ấm. Không chỉ góp công, góp sức, ông còn tích cực đóng góp tiền vào công tác an sinh xã hội tại địa phương. Mỗi năm ông đóng góp trên dưới 20 triệu đồng để làm từ thiện. Mặc dù đã có tuổi nhưng tinh thần thiện nguyện, sống vì mọi người của ông Lê Quan Trưởng thật đáng biểu dương. Những việc làm ý nghĩa của ông đã được nhiều giấy khen của các cấp chính quyền địa phương, nhưng với ông Trưởng có lẽ phần thưởng lớn nhất chính là niềm vui của những người có hoàn cảnh khó khăn được ông giúp đỡ. Tuệ Minh

Bộ Y tế khen thưởng tập thể, cá nhân nuôi cấy, phân lập thành công Covid – 19

TĐKT - Bộ Y tế đã khen thưởng kịp thời 1 tập thể, 6 cá nhân thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới COVID - 19 ( nCoV). Nhóm nghiên cứu, bao gồm: GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; TS. Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng khoa virus; PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó Trưởng khoa virus; Ths Vương Đức Cường - Khoa virus và Ths Nguyễn Thanh Thủy - Trung tâm nghiên cứu y sinh học. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khen thưởng nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến phức tạp. Trước sự xuất hiện của một loại bệnh mới, loại virus mới, bên cạnh sự quyết tâm lãnh đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh; công tác nghiên cứu khoa học cũng đã được chú trọng và các nhà nghiên cứu đã có những thành tựu nhất định. Đặc biệt việc nghiên cứu nuôi cấy, phân lập thành công chủng mới của virus Corona của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là bước tiến rất quan trọng tạo tiền đề trong việc nghiên cứu vắc xin phòng, chống loại virus này và tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Trước đó, vào ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới trong phòng thí nghiệm, là thành tích đáng nể trong công tác phòng, chống dịch bệnh mới này của Việt Nam. Hồng Thiết  

Báo điện tử Đảng Cộng sản đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Chiều 13/2, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (30/1/2000 – 30/1/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Dự Lễ kỷ niệm, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam; Trần Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Cùng dự có nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo một số tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí; lãnh đạo các đơn vị kết nghĩa và các đồng chí nguyên lãnh đạo Báo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng tác viên của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất phát điểm của Báo điện tử Đảng Cộng sản là cuối năm 1998, lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa và Ban Khoa giáo Trung ương trước đây quyết định cho xây dựng đề án website tư tưởng văn hóa và khoa giáo. Từ đầu năm 1999, trên cơ sở thành công và hiệu quả hoạt động của website tư tưởng văn hóa và khoa giáo, được sự cho phép của Bộ Chính trị, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương phối hợp Ban Khoa giáo Trung ương xây dựng Đề án website Đảng Cộng sản Việt Nam. Và ngày 31/1/2000, Bộ Chính trị đồng ý cho phép bấm nút hòa mạng website Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng internet. Năm 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Giấy phép hoạt động báo điện tử, thay tên “Website Đảng Cộng sản Việt Nam” bằng tên gọi chính thức: “Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Từ năm 2017 đến nay, Báo bắt đầu triển khai Kết luận số 26-KL/TW, ngày 29/12/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trải qua chặng đường hai thập kỷ xây dựng và phát triển, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện và phát huy tốt vai trò của một cơ quan báo chí của trung ương. Qua 20 năm, từ một ban xây dựng Website Đảng Cộng sản Việt Nam với bảy cán bộ kiêm chức, đến nay Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành cơ quan báo chí cấp Tổng cục với 11 đơn vị cấp ban trực thuộc Ban Biên tập, gồm hơn 100 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hơn 200 cộng tác viên. Hiện nay, với bảy ấn phẩm (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, Hệ thống Tư liệu - Văn kiện, Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh, Truyền hình Internet), hằng ngày Báo đăng tải khoảng 200 tin, bài phản ánh toàn diện các mặt hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội trên phạm vi cả nước. Bên cạnh phản ánh, đưa tin kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế của đất nước, Báo đã xây dựng thành công các chuyên mục, chuyên trang có tính chất đặc sắc, riêng có như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Tiêu điểm, Xây dựng Đảng, Nói hay đừng, Cùng bàn luận... góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, chống lại những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khẳng định vai trò chủ lực, góp phần dẫn dắt, chi phối, định hướng thông tin trên mạng internet. Thay mặt lãnh đạo cơ quan chủ quản, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chúc mừng và nhiệt liệt biểu dương những kết quả toàn diện mà Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được trên chặng đường phát triển trong hai thập kỷ qua. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các tập thể, cá nhân. Những thành tựu đạt được là kết quả được tích lũy, bồi đắp qua năm tháng bằng những nỗ lực, sự tận tụy lao động, sáng tạo, cống hiến của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo để xây dựng nên một sắc thái mới sinh động, hiện đại của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay. Vượt qua những ngày đầu còn nhiều khó khăn, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực đi lên để ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam với những kết quả toàn diện. Báo luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ được giao là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân trên mạng Internet; nội dung, hình thức, giao diện, kỹ thuật công nghệ của Báo đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, thu hút được số lượng lớn độc giả. Bước đột phá rất quan trọng của Báo là duy trì ổn định và không ngừng tăng số lượng truy cập. Báo đã đạt cột mốc hơn 3 triệu lượt người/ngày, tương đương với hơn 90 triệu lượt người truy cập/tháng. Điều đó thể hiện uy tín của Báo với xã hội và sự tin cậy của độc giả, đồng thời khẳng định vai trò định hướng, chi phối, dẫn dắt thông tin của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng internet. Đặc biệt, Báo luôn duy trì thế mạnh trong phản ánh công tác xây dựng Đảng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng được thể hiện dưới nhiều hình thức như thi trắc nghiệm, giao lưu, tọa đàm trực tuyến..., góp phần truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách và lịch sử vẻ vang của Đảng... chú trọng tuyên truyền giới thiệu gương người tốt, việc tốt, những điển hình nhân tố mới. Trong nhiều năm qua, Báo luôn được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, giao trọng trách vận hành trang web các Đại hội Đảng toàn quốc: Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII và sắp tới là Đại hội XIII của Đảng. Và gần đây nhất, trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, Báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Cuộc thi tìm hiểu lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng trên mạng VCNET. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Màu cờ tôi yêu” và tổng kết Cuộc thi tìm hiểu về Đảng là một trong những đóng góp thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng. Bên cạnh đó, trong những năm qua Báo có nhiều các chương trình, hoạt động chính trị xã hội như: “Màu hoa đỏ”, “Xuân Trường Sa”... cũng góp phần khẳng định vị trí, tầm vóc thương hiệu của Báo với ý nghĩa xã hội sâu sắc, đầy tính nhân văn, tri ân thiết thực đến các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, đồng thời cũng hứa hẹn nhiều thành tựu mới với những bước đột phá toàn diện, tích cực hơn, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thành cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên theo lộ trình phát triển, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị tập thể Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng và trách nhiệm của những người làm báo Đảng. Tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho tập thể Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng Biên tập Trần Doãn Tiến vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đồng thời, 3 tập thể và 19 cá nhân của Báo cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Mai Thảo

Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đón 30 công dân Việt Nam trở về nước tránh dịch nCoV

TĐKT - Chiều 11/2, tại Hà Nội, nhằm động viên kịp thời các bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV, Bộ Y tế đã trao Bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có thành tích trong việc đón 30 công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước tránh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona gây ra. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 4 tập thể gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Khoa cấp cứu, Khoa nội tổng hợp, Khoa vi rút Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). 3 cá nhân gồm có: Bác sĩ Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một điều dưỡng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một bác sĩ nội trú phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen cho tập thể của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên biểu dương thành tích xuất sắc của các cá nhân và tập thể của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ giao, đã phối hợp tốt cùng Bệnh viện Phụ sản Trung ương để đưa các công dân Việt Nam về nước an toàn. Thứ trưởng đề nghị Bệnh viện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, nêu cao tinh thần quyết tâm, tạo mọi điều kiện thu dung mọi bệnh nhân bị nhiễm nCoV về bệnh viện, đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, làm tốt công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới để cùng ứng phó với dịch bệnh. Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen cho các bác sĩ đang được cách ly sau khi tham gia đoàn công tác đưa các công dân Việt Nam ở Vũ Hán về nước Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong điều kiện thời tiết như hiện nay tạo điều kiện dịch bùng phát và lan rộng. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 15 ca dương tính với nCoV, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc 10 ca. Chia sẻ với các cán bộ, công nhân viên bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, với tinh thần quyết tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện cũng như của các nhân viên y tế, bệnh viện đã rất quyết liệt cùng đơn vị khác, các ngành, các cấp quyết tâm khống chế thành công dịch. Ngay từ đầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị tốt về nhân lực vật lực, cơ sở vật chất, sẵn sàng thu dung, điều trị với khả năng cao nhất kể cả khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể xảy ra. Đồng thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tránh lây từ bệnh nhân sang thầy thuốc. Vào trao Bằng khen tại phòng cách ly cho 3 cán bộ y tế sang Vũ Hán, Hồ Bắc đón công dân Việt Nam về nước, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của 3 y, bác sĩ. Đây là những người điển hình tiêu biểu, bởi trước nguy cơ dịch bệnh phức tạp như nCoV nhưng 3 bác sĩ đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Đây là tấm gương sáng cho nhiều cán bộ y tế noi theo. Hồng Thiết

Quân chủng Hải quân gặp mặt 150 quân nhân chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2020

TĐKT - Sáng 11/2, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Gặp mặt quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Xuân Canh Tý 2020. Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân dự và phát biểu tại buổi gặp mặt. Đây là dịp để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân ghi nhận và biểu dương sự cống hiến của đội ngũ QNCN Hải quân, tôn vinh vai trò và những đóng góp của đội ngũ QNCN Hải quân đối với quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành của Quân chủng Hải quân; khẳng định ý chí, quyết tâm, khát vọng cống hiến của đội ngũ QNCN Hải quân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tặng quà lưu niệm cho các QNCN tiêu biểu Hiện nay, thực hiện chủ trương xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đội ngũ QNCN chiếm tỷ lệ cao, được biên chế ở tất cả các lực lượng trong Quân chủng, giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Các QNCN đã tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, nhanh chóng tiếp cận và làm chủ những trang bị khí tài quân sự mới, hiện đại như tàu ngầm, máy bay, tên lửa, tác chiến điện tử… cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đội ngũ QNCN Hải quân đã đạt được nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh... Nhiều đồng chí đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực học tập nâng cao trình độ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, quản lý, sử dụng, làm chủ và sửa chữa, bảo quản tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật; có trình độ, tay nghề, có tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo cao. 150 QNCN tiêu biểu được biểu dương tại buổi gặp mặt là những tấm gương sáng, có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Hải quân Việt Nam. Đây là những bông hoa tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới. Các đại biểu giao lưu tại buổi gặp mặt Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân chúc mừng và biểu dương những thành tích mà đội ngũ QNCN Hải quân đã đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy kết quả đã được, Tư lệnh Hải quân yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tập trung xây dựng đội ngũ QNCN có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa hồng, vừa chuyên, vừa có trình độ chuyên môn tốt vừa tâm huyết, tận tụy với nghề; có tác phong làm việc khoa học và kỷ luật nghiêm; xây dựng đội ngũ QNCN ổn định, vững chắc trên từng vị trí công tác; từng bước xây dựng QNCN có trình độ cao cấp, cao đẳng, nâng trình độ sơ cấp lên trung cấp, không có sơ cấp trong các đơn vị kỹ thuật… Với mỗi QNCN phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là chuyên môn, theo phương châm “giỏi 1 vị trí, biết nhiều vị trí, sẵn sàng thay thế các vị trí khác”, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều tấm gương sáng, điển hình tiên tiến trong đội ngũ QNCN Hải quân. Vũ Hưởng

Cô giáo mầm non yêu trẻ bằng cả tấm lòng

TĐKT - Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ mầm non, đối với cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Trường Mầm non Sao Sáng, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), điều khiến cô tự hào nhất không phải là những giải thưởng mà chính là tình yêu của học trò. Cô Hạnh luôn cảm thấy hạnh phúc khi may mắn được là người đồng hành với các em từ những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Cô Hạnh luôn yêu trẻ bằng cả tấm lòng Về công tác tại Trường Mầm non Sao Sáng từ năm 2011 đến nay, quãng thời gian công tác tại trường, với cô Hạnh là cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ trong việc nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân về trường, cô Hạnh cho biết: Là giáo viên trẻ, mới ra trường nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy. Điều này khiến tôi gặp nhiều bỡ ngỡ trong công việc. Từ việc chăm sóc các bé, soạn giáo án, làm hồ sơ, sổ sách đến việc làm đồ dùng dạy học, giao tiếp với phụ huynh với tôi đều thật sự mới mẻ… Tuy nhiên, với lòng yêu trẻ, cùng tinh thần ham học hỏi, sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám hiệu cũng như đồng nghiệp đã tạo động lực để cô Hạnh cố gắng phấn đấu, trưởng thành hơn trong công việc. Theo cô Hạnh, ở lứa tuổi mầm non, trẻ thường rất tò mò, ham hiểu biết nên cô luôn lưu tâm xây dựng nhiều hoạt động hướng tới nhu cầu của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, những tiết hoạt động thể chất tưởng chừng như khô khan nhưng cô Hạnh đã lồng ghép nội dung vào những câu chuyện, những chuyến phiêu lưu để trẻ thấy hào hứng hơn khi tham gia. Hay những giờ làm quen tác phẩm văn học, thay vì nghe đi nghe lại câu chuyện, cô Hạnh đã mời trẻ cùng tham gia kể cùng cô, tham gia đóng kịch với cô để từ đó trẻ nhớ nội dung câu chuyện hơn, hiểu được nhân vật trong truyện hơn. Bên cạnh đó, cô Hạnh cũng suy nghĩ để sáng tạo ra nhiều loại đồ dùng, đồ chơi có tính thẩm mĩ và hiệu quả sử dụng cao; thiết kế các góc chơi phù hợp với trẻ dựa trên quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, chơi mà học, Ngoài ra, cô Hạnh còn tổ chức các hoạt động như: Ngày hội trao đổi sách, Ngày hội trồng cây… nhằm giúp trẻ biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh, tăng cường các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, hoạt động trí tuệ, thể chất. Công tác nuôi dạy trẻ vất vả, nhưng cô Hạnh chưa bao giờ nản lòng, luôn cố gắng, tận tụy, gương mẫu trong mọi công việc và không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non. “Được Ban giám hiệu tạo điều kiện, năm 2012, tôi tham gia học đào tạo chương trình mầm non bậc đại học của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2014, tôi đã hoàn thành chương trình này.”- cô Hạnh chia sẻ. Cũng theo cô Hạnh chia sẻ, để có được những tiết dạy học vui tươi, bổ ích, sau giờ dạy trên lớp, cô thường miệt mài bên máy tính để nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp dạy học hay để giúp trẻ phát huy tối đa năng lực, để trẻ đến trường mỗi ngày là một ngày vui và học được nhiều điều bổ ích. Bên cạnh công tác chuyên môn, cô Hạnh còn tích cực tham gia các phong trào do ngành phát động và đạt nhiều thành tích. Năm học 2016 - 2017, cô Hạnh đạt giải nhất Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh; nhiều năm cô Hạnh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Với gần 10 năm trong nghề, cô Hạnh luôn cố gắng, cẩn thận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ, bằng tấm lòng, đạo đức của một giáo viên. Cô tin rằng, nếu tất cả giáo viên đều nỗ lực trong chuyên môn, mẫu mực trong đạo đức thì học sinh, cha mẹ học sinh sẽ luôn ủng hộ và tin yêu. Theo cô, đó chính là con đường bền vững nhất để mỗi nhà giáo nuôi dưỡng tình yêu nghề, yêu trẻ. Bảo Linh  

Trang