TĐKT - Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tập thể khoa học nữ Phòng thí nghiệm cúm Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm. Đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu phát triển vắc xin phòng, chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm; phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp…
Tập thể khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, phòng thí nghiệm Cúm tiền thân là Phòng thí nghiệm các virus hô hấp, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, được Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO) công nhận là Trung tâm Cúm quốc gia vào tháng 3/2000. Với chức năng, nhiệm vụ giám sát, phát hiện, nghiên cứu các tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, PTN là đơn vị đầu tiên thu thập, phân lập và xác định căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại Việt Nam tháng 3/2003 là tác nhân virus lạ.
Hiện tại, PTN Cúm là thành viên của Hệ thống Giám sát cúm toàn cầu (GISRS), thường xuyên cập nhật số liệu virus học cúm hàng tháng vào mạng lưới Flunet của TCYTTG và chia sẻ các chủng cúm mùa đại diện của Việt Nam hàng năm (50 chủng/năm) tới các trung tâm nghiên cứu Cúm chuẩn thức để lựa chọn thành phần vaccine cúm hàng năm.
Ngoài ra, tập thể khoa học nữ cũng chính là đơn vị, tham gia công tác khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm (SARS) năm 2003, phát triển quy trình thực hành An toàn sinh học tại Việt Nam.
Viện đã định hướng nghiên cứu của phòng thí nghiệm (PTN) Cúm đã được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với TCYTTG về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỷ lệ tử vong cao.
Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của PTN Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp (3/2003). Virus SARS-CoV – một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003. Các khái niệm và thực hành về an toàn sinh học (ATSH) lần đầu tiên được cập nhật tại Việt Nam, PTN được giao trách nhiệm phát triển các quy trình đánh giá nguy cơ và quy trình thực hành ATSH trong PTN ở các mức độ khác nhau. Những quy trình kỹ thuật này đã được Bộ Y tế phê duyệt và phổ biến trong toàn bộ hệ thống PTN trên phạm vi toàn quốc vào đầu năm 2005.
Cùng với đó, PTN đã đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003 - 2014).
Với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch SARS năm 2003, nhóm nghiên cứu tiếp tục trực tiếp xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12/2003.
Những kết quả PTN và các vật liệu nghiên cứu (virus cúm A/H5N1, bệnh phẩm lâm sàng) đã được PTN chia sẻ cho các đơn vị nghiên cứu quốc tế: Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật CDC, Mỹ; Viện Quốc gia Nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, Nhật Bản; Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada; Trung tâm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng Hồng Kông; Viện Khoa học Y tế, Đại học Tokyo, Nhật Bản; Trường Thú y, Đại học Wisconsin, Mỹ. Virus cúm A/H5N1 do PTN phân lập được đã được TCYTTG lựa chọn là virus dự tuyển để phát triển vaccine phòng, chống cúm A/H5N1.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhóm nghiên cứu cũng đã tham gia tạo chủng virus cúm A/H5N1 trong sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã tham gia tạo chủng virus rgA/H5N1 không độc lực bằng phương pháp di truyền đảo ngược. Thiết lập được hệ chủng gốc và chủng sản xuất vaccine cúm A/H5N1 với đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của TCYTTG.
Từ những kết quả đã đạt được khi phát triển vaccine cúm A/H5N1, vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch cũng đang được tiến hành phát triển trên tế bào thận khỉ tiên phát (PMKc). Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực và có giá thành hợp lý.
Hiện tại, thuốc kháng virus (Oseltamivir- Taminflu) được đánh giá là thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1) và chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung. Nhóm nghiên cứu đã xác định 1 chủng virus cúm A/H5N1 (2005) xuất hiện đột biến liên quan đến kháng thuốc oseltamivir, 2 virus cúm A/H5N1 cũng xuất hiện đột biến liên quan đến sự giảm độ nhạy của thuốc kháng virus. Các phát hiện này đã thúc đẩy sự phát triển các thuốc kháng virus cúm thế hệ mới và các phương pháp phát hiện đột biến chỉ điểm kháng thuốc của virus cúm A/H5N1. Phát hiện chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1pdm09 nhưng chưa có khả năng lan truyền rộng trong quần thể virus cúm A.
Cùng sự hợp tác của CDC-Hoa Kỳ, nghiên cứu về sự tương tác giữa virus cúm A/H5N1 trên người và trên gia cầm tại miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 2003 - 2010 đã khẳng định giả thuyết các trường hợp người nhiễm virus H5N1 tại Việt Nam là kết quả của việc truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.
PGS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai Phó Viện trưởng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kiêm Trưởng Phòng thí nghiệm Cúm cho biết, PTN đã mở rộng, phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp do căn nguyên virus và miễn dịch cộng đồng với virus cúm
Trong giai đoạn 2006 - 2015, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật – Mỹ và TCYTTG, hệ thống giám sát cúm đã được triển khai trên 15 điểm tại 4 vùng trên toàn quốc: Miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Hệ thống giám sát đã đưa ra bức tranh tổng thể về sự lưu hành của virus cúm mùa tại Việt Nam với đặc điểm di truyền và đặc tính kháng nguyên tương đồng cao với các virus dự tuyển vaccine cho khu vực Nam bán cầu. Tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) rất đa dạng: Virus cúm vẫn là căn nguyên chính gây viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm, ngoài ra các virus khác: Hợp bào đường hô hấp (RSV), viêm phổi (hMPV), á cúm (Parainflueza) cũng đóng vai trò quan trọng.
Hiện tại, việc sử dụng vaccine cúm mùa tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên phát triển các chính sách, chiến lược cho sử dụng vaccine cúm cần rất nhiều các thông tin về dịch tễ, virus, miễn dịch đã có trong cộng đồng. PTN đã cùng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng đại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu thuần tập (Corhot study) tại Hà Nam từ năm 2007 đến nay. Kết quả công bố trên gợi ý cho việc sử dụng để phát triển vaccine cúm mùa tại Việt Nam để làm tăng hiệu quả của vaccine, đồng thời cũng bổ sung thêm minh chứng để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển vaccine cúm phổ rộng (universal vaccine) trong tương lai.
Tuân chỉ mục tiêu nghiên cứu, PTN cúm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nghiên cứu hiện tại tập trung xác định ảnh hưởng của tình trạng miễn dịch đã có sau khi tiêm vaccine cúm mùa đến khả năng dự phòng của vaccine nhắc lại hàng năm, đặc biệt với virus cúm A/H3N2.
Ngoài công tác chuyên môn, các nhà khoa học nữ của PTN Cúm tham gia tích cực vào công tác quản lý, lãnh đạo Viện/Khoa. PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai hiện tại Phó Viện trưởng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ năm 2013, kiêm Trưởng Phòng thí nghiệm Cúm từ năm 2005 đã có 30 năm làm việc tại Viện trong lĩnh vực virus học.
PGS. Lê Thị Quỳnh Mai phụ trách 5 Khoa/Phòng trên tổng số 16 Khoa/Phòng chuyên môn và chức năng trong Viện: Khoa Virus, Khoa HIV, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh, Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Kiểm chuẩn, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất Động vật chuẩn thức. Trong suốt 30 năm công tác, PGS. Mai liên tục duy trì các nghiên cứu thế mạnh cùng với các đồng nghiệp để góp phần chia sẻ thông tin khoa học với cộng đồng các nhà khoa học trong nước và trên thế giới; xây dựng chiến lược dự phòng các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Hiện tại, TS. Hoàng Vũ Mai Phương đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Virus; PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng với vai trò Phó Trưởng khoa Virus, Bí thư Chi bộ Khoa Virus và thành viên Ban chấp hành Công đoàn Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Th.S Ứng Thị Hồng Trang đảm nhận vị trí Bí thư Ban chấp hành Đoàn thanh niên Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Th.S Lê Thị Thanh, CN. Phạm Thị Hiền tham gia Ban chấp hành Công đoàn Khoa Virus.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã trao tặng PTN Huân chương Lao động hạng Ba vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc phòng, chống và khống chế dịch SARS, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Tập thể khoa học nữ Phòng thí nghiệm cúm Khoa Virus được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2019.
Ngoài ra, từ thành công và nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học nữ được tặng nhiều Bằng khen về các hoạt động xuất sắc: Giải thưởng Nữ khoa học trẻ Châu Á năm 2009; Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019; Giấy khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng; Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”; Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” về thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức Đoàn; Giấy khen của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Quận Đoàn Hai Bà Trung đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi...
Các nữ Đảng viên nhiều năm liền đạt Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tham gia tích cực và đi đầu trong các hoạt động công đoàn, đền ơn đáp nghĩa, hiếu hỷ, hiến máu nhân đạo và các đợt vận động ủng hộ cho đồng bào lũ lụt, biển đảo, vùng núi cao.
Hồng Thiết