TĐKT - Chiều 20/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm, họp báo thông báo về Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019. TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức giải thưởng; TS Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm, họp báo thông báo về Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019
TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức giải thưởng cho biết, trong 25 năm qua, giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã được tổ chức rất thành công. Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà công nghệ trong cả nước. Các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đã có khoảng 2.500 công trình tham gia và 900 công trình đoạt giải.
Những công trình đoạt giải được tặng các phần thưởng gồm: Bằng khen và tiền thưởng của Ban Tổ chức; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tác giả đạt giải cao; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Được biết, từ năm 2001 đến năm 2014 đã có 14 doanh nghiệp được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO do áp dụng xuất sắc hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh và 14 tác giả nữ được tặng Huy chương vàng WIPO.
Bên cạnh đó, từ năm 2001 đến năm 2019 đã có 26 công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO cho những công trình xuất sắc nhất.
Riêng giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019, Ban Tổ chức Giải thưởng đã họp và quyết định trao giải cho 40 công trình bao gồm: 5 giải nhất, 8 giải nhì, 8 giải ba và 19 giải khuyến khích.
Năm nay, Ban Tổ chức Giải thưởng sẽ tặng Bằng khen cho 12 đơn vị và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Giải thưởng. Thủ tướng Chính phủ xét và tặng Bằng khen cho 10 tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm các công trình đoạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019.
Cùng với đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xét và trao bằng chứng nhận và Huy chương vàng cho công trình: “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội” của tác giả TS Lê Văn Tri và các cộng sự - Công ty CP phân bón PHITOHOOCMON.
Lễ công bố và trao Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 21/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.
5 giải Nhất được trao cho các công trình : Lĩnh vực cơ khí – tự động hóa : Công trình “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công khoan hạ cọc ống thép phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực đảo Trường Sa” của tác giả Đại tá.TS. Trần Hữu Lý và các cộng sự Viện kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục kỹ thuật – BQP Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới : Công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống qui mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường (gọi tắt là dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng)” của tác giả PGS.TS Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp RIAM (Bộ Công Thương) Lĩnh vực công nghệ vật liệu: Công trình “Nghiên cứu, cải tạo thiết bị điện phân kiểu near gap sang zero gap nhằm gia tăng công suất và giảm chi phí sản xuất xút” của tác giả ThS. Văn Đình Hoan và các cộng sự - Công ty CP Hóa chất Việt trì Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: Công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội.” của tác giả TS Lê Văn Tri và các cộng sự - Công ty CP phân bón PHITOHOOCMON Lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên : Công trình “Hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt và vận hành hồ chứa nước” của tác giả ThS Văn Phú Chính và các cộng sự - Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) |
Hồng Thiết