Điển hình tiên tiến

Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ

TĐKT - Luôn nung nấu những ý tưởng với nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Vũ Linh (ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) đã bắt tay vào thực hiện mô hình khởi nghiệp với các sản phẩm sinh thái thân thiện với môi trường và đã đạt được những thành công bước đầu. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, thi đỗ Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Điện lực TP Hồ Chí Minh, nhưng anh quyết định gác lại việc học và đăng ký nhập ngũ trong quân đội. “Trong 2 năm ở môi trường quân đội, tôi đọc hơn 400 cuốn sách về khởi nghiệp, gương khởi nghiệp thành công của các cá nhân trong và ngoài nước. Từ đó, tôi đúc kết riêng cho bản thân mình những bài học về khởi nghiệp.”- anh Linh chia sẻ. Khi xuất ngũ, anh bắt đầu thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình. Anh xin việc ở công ty chuyên sản xuất bánh dân gian và tạo màu tự nhiên. Vừa làm, vừa học việc, vừa tham gia các lớp học về quản lý doanh nghiệp, học từ bạn bè kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của họ. Sau đó, anh tiếp tục chuyển sang làm quản lý sản xuất cho công ty chuyên xuất nhập khẩu gia vị. Tại đây, với vai trò quản lý sản xuất từ nguồn nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm, anh học được chiến lược về giá sản phẩm, tiếp cận thị trường, quy trình đóng gói sản phẩm… Các sản phẩm sinh thái trong mô hình khởi nghiệp của anh Linh Tuy nhiên, trong những chuyến về thăm nhà, thấy bà con nông dân quê mình quá vất vả làm ra những sản phẩm nông nghiệp, nhưng phải chịu cảnh bấp bênh về giá, anh quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp. Ban đầu, anh lập nghiệp từ các sản phẩm làm bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên tại địa phương như: Sậy, trúc, gáo dừa… Hơn 2.000 chiếc quai treo bằng cây thủy trúc, hơn 3.000 ống hút bằng cây sậy, hơn 1.000 chiếc chén, muỗng bằng gáo dừa đã được bán, mang lại thu nhập đáng kể. Đặc biệt, 500 chiếc chén, muỗng bằng gáo dừa được xuất sang Singapore là động lực rất lớn cho anh tiếp tục phấn đấu. Anh Linh thu hoạch hoa cây sâm Bố Chính Năm 2018, anh bắt tay vào thực hiện mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái hữu cơ, trồng sâm Bố Chính và các loại trà hoa (hoa đậu biếc, hoa hồng, hoa lài) với phương pháp trồng hữu cơ, không sử dụng chất hóa học trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoa, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường. Để đảm bảo giữ nguyên hương vị, các hoạt chất dinh dưỡng của các loại hoa và sâm, anh đầu tư mua máy sấy lạnh. Với diện tích 1,5 ha hoa đậu Biếc, trồng xen canh hoa hồng, hoa lài sinh thái, 3 tháng cho thu hoạch liên tục trong 3 năm, mỗi tháng thu được 1 tấn hoa tươi các loại, sau khi sấy còn lại khoảng 100 kg nguyên liệu hoa khô với giá bán hiện nay khoảng 550.000 đồng/kg. Sản phẩm được phân phối cho các cửa hàng trà, tiệm đông y, dược liệu, các quán cà phê tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn khác trên cả nước. Ngoài ra, anh còn sản xuất các mặt hàng trà hoa đặc trưng riêng, mỗi tháng khoảng 40 đến 50 kg, giá bán 750.000 đồng/kg. Gia công sản xuất miến hoa đậu biếc, mỗi tháng 300 kg, giá bán 170.000 đồng/kg, cao hơn 40% so với giá trị của sản phẩm thông thường cùng loại. Sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận từ các sản phẩm từ hoa mang lại thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/tháng, đã tạo điều kiện cho 15 lao động có việc làm ổn định với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Linh giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kiên Giang lần thứ V Năm 2019, anh quyết định thành lập Công ty TNHH AN MỘC FARM. Hiện tại, với diện tích 15 ha, ngoài việc thu hoạch hoa để làm trà, hàng năm cho thu hoạch 7,5 tấn củ/ha, giá bán 60.000 đồng/kg củ tươi, 1.500.000 đồng/kg củ sấy khô. Anh Linh cho biết: Đối với củ tươi, tôi liên kết với công ty xuất nhập khẩu xuất ra các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ… mỗi năm khoảng 112 tấn. Đối với củ sấy khô, tôi dùng để làm thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm phân phối cho các cơ sở trong nước chung với nguyên liệu hoa thô và trà. Sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận từ các sản phẩm từ sâm bố chính 3,6 tỷ/năm, tạo điều cho 30 lao động ở địa phương có việc làm ổn định với mức lương từ 6 triệu – 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh đang xây dựng mô hình FARMSTAY dịch vụ khách tham quan du lịch sinh thái tạo điều kiện mở lớp dạy thêm tiếng Anh, vi tính cho các em nhỏ ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Có thể khẳng định, mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Vũ Linh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn độc đáo về cách nghĩ, cách làm, mở ra hướng đi mới cho việc giải quyết việc làm ở nông thôn, nhất là cho đoàn viên, thanh niên với mong ước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình. Tuệ Minh

Nhà khoa học nữ luôn đi trước, đón đầu với nhiều sáng kiến phát triển kinh tế miền núi

TĐKT - Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, khô cằn, trong gia đình bố là quân nhân, mẹ là công nhân, chính nhờ những giọt mồ hôi của cha, bàn tay dãi dầm mưa nắng của mẹ đã tiếp thêm ý chí cho PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Với sự mạnh mẽ, khát khao khám phá, nghị lực vươn lên, chị đã vượt qua khó khăn, thành tài để mang nhiều công trình giúp ích cho quê hương, đất nước. PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên say sưa trong công tác chuyên môn PGS. TS Trần Thị Thu Hà là một người phụ nữ thông minh, nhanh nhẹn, gần gũi, thân thương, lúc nào cũng là người năng động, luôn đổi mới, sáng tạo, đi trước, đón đầu các sáng kiến khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế, nhất là kinh tế miền núi. Chị chia sẻ, tuổi thơ đến trường của chị đã có sự gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Là một học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh Nghệ An trong suốt 3 năm THPT nhưng vào đại học, chị lại học chuyên ngành Lâm sinh như một cơ duyên với nghề. Từ vùng quê miền núi, chị thấu hiểu hơn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và môi trường sinh thái, vấn đề sinh kế của người dân gắn liền với rừng. Thu nhập chính của đồng bào miền núi là các sản phẩm phụ từ rừng như các loài rau quả rừng, các cây thuốc quý, mây tre… Tốt nghiệp đại học, chị Hà bắt đầu làm việc với rất nhiều tổ chức quốc tế như CARE, UNDP, GTZ, Ausaid… về các chương trình dự án liên quan đến phát triển sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Với những vị trí làm việc đã qua từ cán bộ hiện trường cho đến chuyên gia quốc gia, chị luôn đau đáu tự hỏi: "Tiến trình đổi mới của đất nước rất thành công ở vùng đồng bằng, sao lại chậm và khó khăn thế đối với vùng cao?". PGS. TS Trần Thị Thu Hà tại mô hình thí nghiệm nghiên cứu Sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My, Quảng Nam Ngay khi học xong tiến sĩ tại Đại học quốc gia Úc, chị bỏ qua hết tất cả các cơ hội tốt đẹp nhất phía trước dành cho minhg với những khoản thu nhập “khủng” từ nước bạn để lựa chọn trở về quê hương, mong muốn đóng góp cho khoa học ứng dụng các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Trong suốt nhiều năm nay, để tìm hiểu chính sách cho phát triển lâm nghiệp và sinh kế vùng cao với các yếu tố đặc thù, chị đã thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày đến vùng cao. Thời gian của chị ở trên đường, đến các tỉnh nhiều hơn là ở nhà. Xe ô tô của chị đi một ngày hàng nghìn km là chuyện bình thường. Càng gặp bà con nông dân, cán bộ và lãnh đạo ở vùng cao, chị càng thấu hiểu được nỗi lòng, mong muốn của họ. Đó chính là lý do thúc đẩy chị có những nghiên cứu sáng tạo có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn cho người dân địa phương và đưa ra các kế sách cho các nhà quản lý nơi đây. Theo đó, việc đột phá đưa giống tốt vào sản xuất được xem là hướng ưu tiên cho nghiên cứu khoa học của chị Hà. PGS. TS Thu Hà hướng dẫn học trò trong phòng thí nghiệm Hơn 30 năm qua, từ khi bước vào trường đại học cho đến nay, việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo luôn là niềm đam mê với PGS.TS Thu Hà. Là học sinh giỏi xuất sắc qua tất cả các bậc từ phổ thông, trung học, đại học và sau đại học nhưng chị luôn nuôi trong mình ước mơ được làm khoa học và luôn tìm cho mình một cách đi riêng mang tính sáng tạo có khả năng ứng dụng được trong thực tiễn. Bản thân chị đã làm được điều đó, biến ước mơ từ khi ngồi trên ghế nhà trường của mình thành hiện thực. Chị vui vẻ kể lại khoảng thời gian nghiên cứu của mình, một chặng đường đầy khó khăn, vất vả, đó là chuyến đi rừng dài ngày, những cơn mưa rừng và vắt cắn, muỗi cắn, ngã xe, đói khát, rét mướt… Chưa kể, chị còn phải thế chấp cả toàn bộ gia sản để phục vụ cho đam mê nghiên cứu của mình. Khó khăn là vậy nhưng chị không hề chùn bước, vẫn luôn miệt mài nghiên cứu và đưa ra nhiều đề tài hóc búa như: Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu có tính ứng dụng cao tập trung vào lĩnh vực chọn giống và nhân giống một số loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng và trong sách đỏ Việt Nam như các loài: Lan kim tuyến, gừng gió, giảo cổ lam, đinh lăng, khôi tía, tam thất, trà hoa vàng, sa nhân tím, hoàng tinh đỏ, thất diệp nhất chi hoa... Rồi các dự án cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao lan kim tuyến, đinh lăng và gừng gió”, thuộc Chương trình 592 (Bộ Khoa học và Công nghệ) năm 2015 - 2016. Kết quả đã chọn tạo được các giống dược liệu quý có hàm lượng dược tính cao, khả năng kháng bệnh tốt. Đồng thời, tạo được vườn giống gốc, hoàn thiện được 3 quy trình công nghệ nhân giống in vitro cho hệ số nhân giống cao, chất lượng ổn định phục vụ sản xuất quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, chị còn là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gien mai cây tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, thuộc Chương trình Quỹ gien quốc gia (2017 - 2020), đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, trồng thâm canh, khai thác và sơ chế măng mai; xây dựng các mô hình vườn sưu tập kết hợp khảo nghiệm giống mai cây và mô hình trồng thâm canh lấy thân và măng. Đề tài của chị đã giúp cho các địa phương khai thác và phát triển được nguồn gien mai cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu ở địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang tạo ra giá trị lớn cho người trồng rừng có thể thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm (măng, lá, giống cây con) ở các vùng núi cao. Đây là một mô hình triển vọng vừa cho thu nhập cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Đặc biệt, hiện nay, PGS. TS Trần Thị Thu Hà tập trung vào ứng dụng sinh học phân tử, hóa sinh trong việc lựa chọn, lai tạo những giống dược liệu quý có hoạt tính cao để tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam. PGS. TS Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ phải qua) nhận giải thưởng Kovalevskaia Tiếp theo đó, chị đã chủ nhiệm thành công đề tài khoa học cấp Quốc gia “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững”; chủ trì 2 đề tài nghiên cứu thuộc Quỹ tài trợ cho các nhà khoa học trẻ quốc tế (IFS) về đánh giá tác động của chính sách “Đổi mới” đến quản lý rừng và cộng đồng vùng cao ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chị đã đưa ra các giải pháp phát triển sinh kế cho người dân như: Trồng rừng, đa dạng các loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, trồng thâm canh và xen canh các loại cây đặc sản tạo thu nhập cao kết hợp tạo nguồn sinh thủy, mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng... Ngoài ra, chị còn là tác giả của nhiều đề tài xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển lâm nông lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững, sinh kế người dân vùng cao cho nhiều địa phương trong cả nước. PGS. Hà đã ứng dụng các công nghệ thông tin giúp ngành, địa phương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành như “Xây dựng cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp ở Việt Nam”. Đã có 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng loài cây gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được áp dụng vào thực tiễn. Các quy trình được ứng dụng thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật vào các dự án tập trung trên các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Trong những năm qua, chị còn là người đỡ đầu định hướng khoa học cho các doanh nghiệp khoa học, giúp hàng trăm tân kỹ sư là dân tộc thiểu số, phụ nữ làm chủ công nghệ về lĩnh vực giống, nông lâm nghiệp. Trong số này có 5 nữ dân tộc thiểu số đã ươm tạo trở thành giám đốc, phó giám đốc công ty, hợp tác xã. Đồng thời chị là trưởng nhóm chuyên gia triển khai hàng trăm hoạt động tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ cho các dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và các tổ chức quốc tế ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh. Dự án tập trung vào đối tượng người nghèo ở 26 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài việc nghiên cứu, chị Hà còn tham gia viết báo, chị đã có 20 bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài; 35 bài được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước. Chị cũng là người tích cực tham gia giảng dạy và hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ… Trong đào tạo, chị cũng có cách suy nghĩ riêng, theo chị, người thầy luôn phải tự thay đổi, không đơn thuần là người dạy từ sách vở, mà phải là người vừa có kiến thức lý thuyết, thực tiễn, khoa học ứng dụng, vận dụng, định hướng để đáp ứng được những cái đích của người học. Trong suốt thời gian công tác, PGS. TS Trần Thị Thu Hà đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành lâm nghiệp, trồng rừng ở Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, chị đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý: Năm 2020, chị được nhận “Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; giải thưởng “Bài báo xuất sắc về Tương lai Lâm nghiệp ở châu Á và Thái Bình Dương” do Tổ chức FAO tặng. Nhiều năm liền chị được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng. Hồng Thiết

Cô giáo của bản làng

TĐKT - Gắn bó với bản làng vùng cao gần hai chục năm nay, chưa lúc nào cô giáo Bùi Thị Thuyên, giáo viên Trường Tiểu học Hồ Thầu (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thôi trăn trở về việc đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học, giúp các em nhỏ người dân tộc thiểu số nơi đây từng bước chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động. Cô giáo Bùi Thị Thuyên, giáo viên Trường Tiểu học Hồ Thầu. Ra trường năm 2002, cô Thuyên được nhận công tác tại Trường Phổ thông Trung học Hồ Thầu; sau đó trường được chia tách và cô được dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hồ Thầu, nay là trường Tiểu học Hồ Thầu. Những ngày đầu mới về trường, cô gặp không ít khó khăn vì khi đó cơ sở vật chất nhà trường còn tạm bợ, nhà tre vách nứa, phải đi bộ, leo dốc, điện không có, buổi tối ở bản phải thắp đèn soạn bài. Cô tâm sự: “Khi đó, cũng có đôi lúc tôi hơi dao động muốn chuyển về xuôi hoặc vùng thuận lợi hơn vì các đồng nghiệp cùng khóa với tôi cũng đã chuyển vùng về quê. Nhưng khi nghĩ đến tình cảm của bà con dân bản và các em học sinh đã dành cho tôi trong những lúc khó khăn nhất, tôi lại cảm thấy như mình có lỗi. Tôi quyết định từ bỏ suy nghĩ đó mà tập trung vào việc tự học, tự nghiên cứu để có phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin với đồng bào.” Với lòng nhiệt huyết ấy, ban ngày cô dạy cho các em kiến thức, buổi tối cô lại cần mẫn dạy lớp xóa mù chữ cho các đối tượng là người lớn không biết chữ ở thôn bản. Vì vậy, có gia đình đến nay cả ba thế hệ đều theo học lớp của cô. Nhiều học sinh của cô sau này đã trở thành cán bộ xã, bí thư, trưởng bản... “Tôi rất mừng vì thấy được các em trưởng thành, đã thay đổi cuộc sống trên chính quê hương mình, bản làng mình, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước.” - Cô xúc động. Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và các cuộc vận động lớn của ngành giáo dục mà trọng tâm là cuộc vận động “Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Thuyên luôn tích cực đổi mới, tìm tòi, học hỏi để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn bài, quản lý hồ sơ… cũng như có những sáng kiến, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Phương pháp dạy học được cô từng bước đổi mới, chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Cô cho biết: “Để đảm bảo được điều đó, mỗi giáo viên phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học, cần bổ sung các chủ đề học tập thích hợp nhằm phát triển năng lực tự giải quyết các vấn đề.” Bên cạnh việc đổi mới, cô thường xuyên quan tâm đến các em, hiểu tính cách của từng học sinh, giúp các em thoải mái trong môi trường học tập, thoải mải trao đổi với thầy cô và bạn bè. Không dừng lại ở đó, cô kết hợp và vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để không gây sự nhàm chán cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và hứng thú, say mê. Qua những năm giảng dạy, tích lũy kinh nghiệm của bản thân cũng như học hỏi những người đi trước, những người có nhiều kinh nghiệm, cô đã đưa ra được một số sáng kiến trong giảng dạy nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh như: Sáng kiến Một số biện pháp nâng cao chất lượng học toán cho học sinh lớp 1A1 - Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu; sáng kiến Một số biện pháp rèn đọc cho học sinh dân tộc Dao - Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu; sáng kiến Một số biện pháp rèn viết đúng chính tả các tiếng có âm đầu t/th cho học sinh dân tộc Dao lớp 1A, Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu, đây là sáng kiến được công nhận cấp tỉnh; sáng kiến Một số biện pháp rèn đọc đúng các tiếng có âm đầu c/kh cho học sinh dân tộc Dao lớp 2A và lớp 2 Tà Chải trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu; sáng kiến Một số biện pháp rèn cho học sinh học tốt buổi 2 môn toán lớp 1A1 Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồ Thầu... Các sáng kiến không chỉ mang lại hiệu quả đối với học sinh trong lớp cô phụ trách mà còn được tất cả các khối trong trường vận dụng. Cô kết hợp và vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để tạo hứng khởi cho học sinh Tâm  niệm, trong phong trào thi đua, mỗi người dù ở vị trí nào cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch giao, là tấm gương để mọi người noi theo, với vị trí là người giáo viên, đảng viên, tổ khối trưởng, cô luôn làm hết trách nhiệm của bản thân. Đối với công việc, thực hiện tốt và vượt kế hoạch được nhà trường giao cho. Đối với đồng nghiệp, cô luôn giúp đỡ, chỉ bảo ân cần như người chị trong gia đình. Với học sinh, cô luôn mẫu mực, giúp đỡ, coi học sinh như con em mình, chỉ bảo tận tình, thấu hiểu tâm tư các em để động viên, khích lệ cũng như dạy bảo hàng ngày. Vì vậy, trong những năm qua, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Hội đồng cấp tỉnh xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 15 năm 2020. Cô trăn trở: “Năm học 2020 - 2021 là năm thực hiện đổi mới sách giáo khoa, là giáo viên công tác trong ngành giáo dục, tôi cùng như các đồng nghiệp cần phải quyết tâm đổi mới trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực giúp cho học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách chủ động, đạt được những yêu cầu cần đạt về kiến thức, năng lực, phẩm chất của con người mới trong thời kỳ mới. Góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng những con người vừa hồng vừa chuyên, những chủ nhân tương lai có đủ năng lực và phẩm chất để xây dựng đất nước giàu đẹp sánh vai với các nước trên thế giới và khu vực.” Nguyệt Hà

“Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su của Nông trường Xa Cam

TĐKT - 22 năm là công nhân cao su, chị Nghiêm Thị Thúy Vân (Nông trường Xa Cam, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long) luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác, tay nghề đạt loại giỏi, được tập thể cán bộ, công nhân, lao động trong đơn vị quý mến, tin yêu. Chị Nghiêm Thị Thúy Vân tại vườn cao su đang khai thác Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, năm 1998, chị Vân theo gia đình vào Bình Phước lập nghiệp và được tuyển dụng vào làm công nhân khai thác mủ cao su ở Nông trường Xa Cam. Nhớ lại quãng thời gian đầu làm việc, chị Vân chia sẻ: Đó là một khoảng thời gian khó khăn với tôi. Công việc khai thác mủ phải làm từ sáng sớm. Ngày thường thì không sao nhưng vào những hôm mưa việc cạo mủ sao su thật sự vất vả. Bởi vậy ngoài tích cực trau dồi kiến thức, kỹ thuật cạo mủ, chị Vân còn phải sắp xếp thời gian hợp lý để khai thác mủ. Mùa mưa phải đi khai thác từ 2 giờ đến 7 giờ sáng và phải linh động theo thời tiết để đảm bảo chỉ tiêu sản lượng. Bên cạnh đó, để khai thác mủ đạt và vượt sản lượng mà không gây tổn thương cho cây chị phải chuẩn bị dụng cụ cạo sắc bén, khi cạo phải đúng kỹ thuật, độ sâu nhất định. Vậy là nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi chị dần vượt qua. Hàng năm, sản lượng khai thác của chị đều vượt kế hoạch từ 10% trở lên; vườn cây luôn đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Với những kinh nghiệm, thành quả đạt được trong công việc chị Vân được chọn tham gia hội thi “Bàn tay vàng khai thác mủ cao su” cấp nông trường, công ty, tập đoàn và đạt nhiều thành tích như: Năm 2012, 2014 chị đạt giải kiện tướng ở công ty; năm 2016 đạt giải nhì Bàn tay vàng cấp công ty và đạt giải kiện tướng cấp tập đoàn; năm 2018 chị đạt giải khuyến khích với 70/70 điểm tuyệt đối. Không chỉ thường xuyên trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề, hàng tháng, chị Vân cùng với tổ trưởng và một số anh chị em công nhân có tay nghề bồi dưỡng thêm cho một số công nhân yếu kém, góp phần giữ vững được quy trình kỹ thuật, giúp tổ hàng tháng đều được xếp loại giỏi. Bên cạnh đó, chị cùng với các anh chị em trong đơn vị tích cực tham gia vào tổ an ninh công nhân, tổ bảo vệ sản phẩm, vườn cây do nông trường thành lập. Song song với nhiệm vụ sản xuất, chị Vân luôn tích cực tham gia tốt các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do tổ, nông trường, công ty tổ chức. Cùng với công nhân trong tổ động viên, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, tham gia đóng góp đầy đủ các khoản do công ty vận động. Với những thành tích đạt được, chị Vân vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Tập đoàn, Công đoàn Cao su Việt Nam. Năm 2018, chị vinh dự là cá nhân duy nhất của công ty được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tuyên dương, khen thưởng về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2019, chị được Công đoàn Cao su Việt Nam tuyên dương, khen thưởng điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019). Tuệ Minh

Đưa cây dược liệu thành cây xóa đói, giảm nghèo

TĐKT- Với ý tưởng ban đầu là trồng và thu hái bền vững các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên để chế biến thành các sản phẩm phục vụ du khách đến thăm cao nguyên đá Đồng Văn, anh Lý Tà Dèn (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) cùng một số thành viên sáng lập ra HTX Cộng đồng Nặm Đăm vào năm 2014. Sau 5 năm hoạt động, HTX đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng; cây dược liệu địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa và giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.   Giám đốc HTX  Lý Tà Dèn với cây dược liệu củ dòm Khi mới thành lập, HTX Cộng đồng Nặm Đăm có tổng số 29 thành viên, đăng ký 22 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chủ yếu là trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu và kinh doanh các dịch vụ như: Tắm lá thuốc, xông hơi, dịch vụ lưu trú, điều hành tour du lịch… Những năm đầu hoạt động, HTX thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong khâu thu hái, chế biến và tiêu thụ; nhiều khi sản phẩm làm ra bán không hết, không có đầu ra tiêu thụ. Hơn nữa, bà con ở đây thấy lợi thì mới làm, nên với điều kiện khó khăn như thế, chỉ nửa năm sau, bà con thành viên dần xin rút hết, chỉ còn vỏn vẹn 7 người. Đã có lúc tưởng như HTX phải đóng cửa. Thế nhưng, với nguồn dược liệu quý và khao khát tận dụng lợi thế của núi rừng để cải thiện đời sống của bà con vùng cao, anh Lý Tà Dèn và những thành viên còn lại vẫn quyết tâm theo đuổi. Bài toán đầu tiên phải giải là cần thiết có công nghệ sản xuất cũng như tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong giai đoạn đó, anh và thành viên HTX đã nỗ lực đổi mới cách nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã cùng vào cuộc hỗ trợ kết nối với các công ty dược để hoàn thiện công nghệ sản xuất và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Để đảm bảo nguồn cung dược liệu và bảo tồn được những loài dược liệu quý bản địa, năm 2016, HTX đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý của người Dao”. HTX Nặm Đăm đã mở rộng được diện tích vườn ươm lên tới 3.000 m2, lưu giữ hơn 100 loài dược liệu quý như: Củ dòm, atiso, kim ngân, đương quy đỏ... Vườn ươm không những đảm bảo đủ cung ứng giống cho HTX và bà con địa phương, mà còn được HTX khuyến khích thành viên phát triển cây dược liệu trên nương, ruộng, vườn của chính gia đình mình theo đúng kỹ thuật và bán lại sản phẩm cho HTX. Có được nguồn nguyên liệu ổn định, HTX Nặm Đăm đã đầu tư xây dựng khu sấy, nhà xưởng chế biến, hệ thống máy móc chưng cất tinh dầu, nấu cao thảo dược để cho ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh, tiện lợi cho người tiêu dùng. Hợp tác xã đã xây dựng được nhà tắm lá thuốc, hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu, diện tích trên 4000 m2 để sản xuất thực phẩm chức năng, đầu tư máy móc thiết bị, nồi chiết suất bằng hơi công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày… Tổng kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm dược liệu truyền thống quý giá ở thị trường trong tỉnh, HTX Nặm Đăm còn trưng bày, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm này tại các điểm dừng chân cho khách du lịch... HTX Nặm Đăm còn xây dựng mã QR code, đồng thời ký hợp đồng với các doanh nghiệp để mở chuỗi cửa hàng thảo dược ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từng bước vực dậy, đến nay HTX Nặm Đăm có 23 hộ đăng ký làm thành viên, hộ góp ít đất thì vài nghìn m2, hộ nhiều thì góp cả héc ta để trồng dược liệu. “Trên cơ sở đóng góp của các thành viên, các doanh nghiệp sẽ tư vấn hỗ trợ về mặt giống, kỹ thuật, đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. Sau khi thu hoạch, nguyên liệu thô sẽ được HTX đứng ra thu mua, sau đó đưa vào chế biến.” - anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cho biết. Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay, HTX đã tạo được thương hiệu về sản phẩm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh khá ổn định. HTX đã đầu tư xây dựng được các hệ thống cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện, doanh thu từ các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến dược liệu ngày càng tăng và đặc biệt các sản phẩm của HTX ngày càng có nhiều khách hàng tin dùng. Mỗi năm, HTX triển khai trồng từ 5 - 10 ha cây dược liệu, như: Đương quy, atiso, huyền sâm, kim ngân hoa, củ hoàng tinh, củ dòm và một số loại cây khác trong bài thuốc cổ chuyển của người Dao... Đồng thời, sơ chế, chế biến được hơn 200 tấn nguyên liệu thô, trong đó có 100 tấn nguyên liệu từ trồng cây atiso, đương quy, 100 tấn nguyên liệu thu hái dược liệu tự nhiên. HTX đã sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao atiso, cao củ dòm, cao mạnh gân hoạt cốt, cao ích não, trà gừng, dầu xoa bóp nặm Đăm, cao hà thủ ô, thuốc sâu răng, xoang mũi, nước tắm thảo dược, sản phẩm ngâm chân thảo dược, tinh dầu re rừng, tinh dầu mang tang... Trong đó có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 là cao atiso và trà gừng Cao nguyên đá. Bên cạnh đó, anh Lý Tà Dèn còn cùng HTX kết hợp triển khai xây dựng và phát triển Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Nặm Đăm. Sau hơn 7 năm triển khai xây dựng thôn văn hóa du lịch tiêu biểu, thôn Nặm Đăm đã nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa cũ làm nơi đón khách, 100% các hộ gia đình luôn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, trong thôn chỉ còn một hộ nghèo, chiếm 5,8%, thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn có 19 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ trên 190 khách du lịch/ngày đêm. Với sự nỗ lực hết mình, doanh thu từ các hoạt động của HTX có sự tăng lên rõ rệt qua các năm: Năm 2015 HTX đạt hơn 400 triệu đồng; năm 2016 đạt 670 triệu đồng; năm 2017 đạt 1 tỷ đồng; năm 2018 đạt 1,5 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1,7 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đạt doanh thu là 398 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 20% (tổng doanh thu các năm), nộp ngân sách nhà nước gần 100 triệu đồng. Tạo việc làm liên tục cho 12 lao động theo mùa vụ và 18 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với những thành tích đạt được, trong những năm qua, anh Lý Tà Dèn và HTX đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều giấy khen của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức khác. Đây cũng là một động lực để anh phấn đấu nhiều hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo. Anh Lý Tà Dèn cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo, HTX sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng vùng trồng dược liệu, mở rộng quy mô sản xuất và tìm đối tác ký hợp đồng thuê gia công sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng vô cùng tốt cho sức khỏe, phấn đấu có 2 sản phẩm được công nhận thực phẩm chức năng vào năm 2021; phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng từ 10 ha lên 30 ha và tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương trong năm 2021; tiếp tục tập huấn cho nhân viên các nghiệp vụ sản xuất ,kinh doanh tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường; tăng doanh thu từ 1,7 tỷ đồng lên 2,5 năm 2020; 3.0 tỷ đồng năm 2021. Nguyệt Hà

Bác sĩ trẻ “bén duyên” với ngành y học hạt nhân

TĐKT – Dù tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học y khoa Odessa (Odessa State Medical University), Ukraine, nhưng Đại úy, bác sĩ Mai Hồng Sơn (sinh năm 1984), Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 lại gặt hái được nhiều thành công ở lĩnh vực mới – chuyên ngành y học hạt nhân. Thành công của anh là minh chứng cho sự nỗ lực của tuổi trẻ trên con đường chinh phục những thử thách mới. Nhiều người vẫn thường nói “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”, có lẽ điều đó rất đúng với bác sĩ Mai Hồng Sơn. Việc anh đến với ngành y học hạt nhân có thể nói là một sự tình cờ. Sau khi tốt nghiệp Đại học y khoa Odessa, chàng trai trẻ Mai Hồng Sơn trở về nước, đầu quân vào làm việc tại Bệnh viện TWQĐ 108 năm 2010, được phân vào làm việc chuyên ngành y học hạt nhân. Lúc đó, chuyên ngành này hoàn toàn mới mẻ đối với nhiều bác sĩ và với cả bản thân anh. Nhưng với mong muốn sẽ tìm thấy thành công ở những thử thách mới, anh quyết định theo đuổi. Sau 3 tháng thử việc, anh thấy mình phù hợp và quyết định chọn y học hạt nhân để gắn bó. Bác sĩ Mai Hồng Sơn (thứ hai từ phải sang) thực tập PET MRI trong ung thư ở đại học Seoul Hàn Quốc Nhớ lại những ngày đầu mới về Khoa, bác sĩ Mai Hồng Sơn cho biết: Vì là chuyên ngành mới nên bản thân luôn cảm thấy nhiều áp lực và khó khăn khi tiếp cận. Trước đây, tôi chỉ có kiến thức cơ bản về chẩn đoán hình ảnh thường quy, trong khi đó, y học hạt nhân lại là hình ảnh chức năng, hình ảnh chuyển hóa nên sự bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Anh Sơn chia sẻ: “Y học hạt nhân là chuyên ngành mới ở Việt Nam và có rất ít người chọn nên mình cũng chưa rõ con đường đi sẽ thế nào. Ban đầu nhìn thấy xạ hình tôi thấy khó mường tượng và có những lúc thấy nản lòng’’. Hơn nữa, Khoa Y học hạt nhân lúc đó đã được trang bị rất nhiều máy móc “mới”, hiện đại của Hoa Kỳ và châu Âu nên việc tiếp cận kỹ thuật mới là vô cùng khó khăn. Vì công việc đòi hỏi phải có trình độ tiếng Anh tốt để đọc tài liệu cũng như làm nghiên cứu nên yêu cầu của lãnh đạo Khoa và Bệnh viện là rất khắt khe đối với bác sĩ trẻ. Khi mới bước vào nghề, bác sĩ Sơn đã phải dành rất nhiều thời gian ngoài giờ cũng như ngày nghỉ để tự học thêm tiếng Anh chuyên ngành trong hai năm liền. Nhưng qua thời gian, với sự giúp đỡ của PGS.TS Lê Ngọc Hà – Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, các đồng nghiệp và nỗ lực của bản thân, anh đã tiến bộ dần và thấy yêu thích chuyên ngành Y học hạt nhân này hơn. Từ đó, anh miệt mài, hăng say làm việc và đã bắt đầu ấp ủ thực hiện các kỹ thuật mới và nghiên cứu khoa học. Sau khi được thực tập và tập huấn ở nhiều nước phát triển như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., bác sĩ Sơn đã tham gia thực hành các kỹ thuật hàng đầu của y học hạt nhân tại Việt Nam đó là: PET/CT, SPECT/CT ứng dụng trong chẩn đoán các bệnh ung thư, thần kinh, tim mạch và nội tiết. Kỹ thuật PET/CT trong ung thư của Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 đã có được sự tin tưởng của đồng nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Cụ thể là kỹ thuật chụp PET/CT có tiêm thuốc cản quang trong ung thư đầu cổ mà bác sĩ Sơn tham gia đã giành được giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2013. Sau đó, công trình này còn được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế. Đây là kỹ thuật cũng chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam vì nó đòi hỏi trang thiết bị hiện đại cùng sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong khi thực hiện. Ở những bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc xạ trị, các mốc giải phẫu đã bị thay đổi và gây khó khăn cho PET/CT toàn thân thông thường để phát hiện tổn thương. Do đó, chụp PET/CT có tiêm thuốc cản quang trong ung thư đầu cổ kết hợp hình ảnh chuyển hóa và CT có tiêm thuốc cản quang đã nâng cao được giá trị chẩn đoán trong phát hiện tái phát tại chỗ, di căn hạch vùng, phục vụ tốt hơn cho chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện TWQĐ 108. Bác sĩ Sơn cho biết, hiện nay anh đang thực hiện kỹ thuật lập kế hoạch điều trị ung thư gan nguyên phát bằng hạt vi cầu gắn Y90 với kinh nghiệm trên 100 bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mũi nhọn của Bệnh viện TWQĐ 108, là một trong những công trình tiêu biểu trong cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Kỹ thuật này còn rất mới ở Việt Nam và cũng chỉ được triển khai ở một số nước trên thế giới trong những năm gần đây. Chia sẻ thêm về kế hoạch này, bác sĩ Sơn cho biết: Lập kế hoạch điều trị trên hình ảnh SPECT/CT đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, sự tỉ mỉ, tìm tòi, kết hợp hình ảnh giải phẫu trên CT và hình ảnh chuyển hóa trên SPECT, cũng như hình ảnh 90Y-PET/CT sau điều trị.  Nhờ đó, kỹ thuật mà bác sĩ Sơn đang triển khai có thể giúp nâng liều điều trị vào tổ chức ác tính cao hơn so với kỹ thuật thông thường, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho cơ quan lành. Kỹ thuật này đã được thực hiện cho nhiều bệnh nhân ung thư gan giai đoạn trung gian và tiến triển từ rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bác sĩ Mai Hồng Sơn – Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 Để phát triển chuyên ngành của mình, bác sĩ Sơn dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Làm việc trong giờ chưa đủ, anh đã dành thêm thời gian để nghiên cứu, hợp tác và đào tạo cùng các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Anh đã có gần 20 bài báo khoa học, trong đó có 1 bài báo được công bố quốc tế “Value of Dedicated Head and Neck 18F-FDG PET/CT Protocol in Detecting Recurrent and Metastatic Lesions in Post-surgical Differentiated Thyroid Carcinoma Patients with High Serum Thyroglobulin Level and Negative 131I Whole-body Scan’’ năm 2016. Bên cạnh đó, anh còn tham gia 3 đề tài cấp nhà nước, chủ trì 4 đề tài cấp cơ sở và đã được nghiệm thu đạt. Trong hợp tác quốc tế, bác sĩ Sơn còn là giảng viên chính của module đào tạo PET/CT trong ung thư thực quản trong dự án hợp tác với đại học Seoul, Hàn Quốc. Ngoài ra, anh còn là thành viên tích cực tham gia hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong dự án PERTAIN và các dự án hợp tác kỹ thuật (Technical Cooperative Project) của IAEA và Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 thông qua Bộ Khoa học Công nghệ để phát triển y học hạt nhân tại Việt Nam. Dự án hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2022 đã được duyệt để phát triển phương pháp y học hạt nhân mới Theranostic trong ung thư tiền liệt tuyến và ung thư gan tại Việt Nam trong những năm tới. Chia sẻ về động lực theo đuổi chuyên ngành mới này, anh Sơn nói: “Mong muốn đưa ngành y học hạt nhân Việt Nam tiếp cận với thế giới, trở thành phương pháp chữa bệnh hữu hiệu cho người Việt, là động lực để mình không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách.” Đại úy, bác sĩ Mai Hồng Sơn đã đạt Giải Nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2013; Giải Nhì Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ Bệnh viện TWQĐ 108 năm 2019; Giải Ba Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2019. Anh được trao tặng 1 Bằng khen của Bộ Quốc phòng, 5 Giấy khen của Bệnh viện TWQĐ 108 và 3 năm liên tiếp nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, anh đang được đề nghị tặng Danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua toàn quân” năm 2020. Mai Hằng  

Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

TĐKT - Ngày 11/9, tại Hà Nội, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (15/9/1945 - 15/9/2020). Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các tổng cục, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương. Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Trình bày diễn văn kỷ niệm, Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nhấn mạnh: Từ những ngày đầu ra đời trong bối cảnh cách mạng vừa thành công, nhà nước công nông non trẻ đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách, chống lại thù trong, giặc ngoài. Với điểm xuất phát hầu như từ con số 0, song với tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành Quân giới đã sản xuất được một khối lượng các vũ khí, chế tạo được một số loại vũ khí có trình độ kỹ thuật cao, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, các xí nghiệp quốc phòng được củng cố để sản xuất các loại vũ khí bộ binh cung cấp cho chiến trường, đồng thời phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài Quân đội cải tiến thành công nhiều loại vũ khí, trang bị của các nước bạn viện trợ và các vũ khí, khí tài phòng không; nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại vũ khí, trang bị cho bộ đội đặc công... Trong cuộc Tổng tấn công và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành Quân giới đã điều động nhiều cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề có kinh nghiệm cùng tiến quân theo các đơn vị chiến đấu để đảm bảo kỹ thuật vũ khí, trang bị, phục vụ cho chiến trường. Trải qua 75 năm xây dựng, trưởng thành của ngành Quân giới Việt Nam, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngày nay tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn trong sửa chữa, sản xuất các sản phẩm quốc phòng; chủ động tập trung nguồn lực, đột phá triển khai các chương trình, dự án phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm. Đến nay, Tổng cục đã làm chủ công nghệ từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân và một số vũ khí trang bị kỹ thuật cho các quân, binh chủng. Song song với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Tổng cục từng bước kết hợp quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh tế. Nhiều sản phẩm kinh tế do các nhà máy sản xuất đã có chỗ đứng vững trên thị trường như: Vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng tàu, cao su kỹ thuật, hàng cơ khí... góp phần nâng cao rõ rệt năng lực, trình độ và hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng quốc gia. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhiệt liệt biểu dương những thành tích to lớn, sự trưởng thành vượt bậc và truyền thống vẻ vang Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được trong 75 năm qua. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Để làm tròn chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng cục cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tiếp tục nghiên cứu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng liên kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bám sát thực tiễn chiến đấu, huấn luyện của các đơn vị trong toàn quân, tích cực ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị bảo đảm phù hợp với điều kiện địa hình, nghệ thuật quân sự và nhiệm vụ tác chiến của từng loại hình đơn vị. Toàn tổng cục cần hết sức coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục phát huy truyền thống; tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật quân sự và bí mật quốc gia, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt; làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân; thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức quân đội đến năm 2021, bảo đảm vũ khí, trang bị đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện nghiêm biểu tổ chức, biên chế; củng cố kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bảo đảm tốt mọi mặt công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho các nhiệm vụ. Chăm lo, cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động… Tại buổi lễ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống. Nguyệt Hà

AHLĐ Trương Văn Hiền - Người góp phần thắp sáng diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân nơi xứ Nghệ

TĐKT - Qua 30 năm điều hành doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An Trương Văn Hiền luôn được những người nông dân nhớ đến như người bạn thân thiết của người nông dân, một doanh nhân xuất thân “chân lấm, tay bùn” đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn và đời sống của người nông dân.   Anh hùng Lao động Trương Văn Hiền – Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trương Văn Hiền về công tác tại Công ty vật tư Nông nghiệp II Đà Nẵng ( tháng 4/1975). Đến tháng 10/1977, ông về nhận công tác tại Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh. Tháng 10 năm 1984, ông được đề bạt giữ chức Phó trưởng phòng kinh doanh Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh. Từ tháng 5 năm 1990, ông được đề bạt làm Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ Tĩnh (đơn vị tiền thân của Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An). Năm 2005, khi Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An chuyển sang mô hình công ty cổ phần, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty. Năm 2008, Công ty nâng cấp sang mô hình Tổng công ty, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty. Có thể thấy, trong suốt sự nghiệp của mình, ông Trương Văn Hiền đã gắn bó thủy chung với ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Từ một nhân viên trở thành người quản lý, lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu đầy tự hào, đong đầy mồ hôi, nước mắt, tâm huyết và trí tuệ, mà nếu không có quyết tâm cao thì khó làm được. Giờ đây, dù năm tháng đã ghi dấu trên mái tóc, gương mặt nhưng ở ông vẫn nguyên vẹn tinh thần xông xáo, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đổi mới trên mặt trận kinh tế.   Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất Đối với Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An, ông luôn là người “thuyền trưởng” tài năng, đã dẫn đắt đơn vị vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trên chặng đường xây dựng và phát triển. Từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn điều lệ khi cổ phần hóa doanh nghiệp là 17,19 tỷ đồng) đã trở thành một tổng công ty lớn của tỉnh, có vốn chủ sở hữu của trên 1.100 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 109.496 tỷ đồng), hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với 18 công ty con, trong đó: 15 công ty con đóng trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với lĩnh vực chính là sản xuất, kinh doanh phân bón, nông sản và giống các loại; 2 công ty con tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk là Công ty Cổ phần Lương thực vật tư nông nghiệp Đắk Lắk với mặt hàng chủ lực là sản xuất, chế biến, xuất khẩu tinh bột sắn và Công ty Cổ phần Khoáng sản Đắk Lắk với mặt hàng chủ lực là khai thác, sản xuất, kinh doanh khí CO2, đá Felfpat, đá Bazan, đá Dory…; 1 công ty con tại địa bàn tỉnh Hà Nam là Công ty Cổ phần lương thực Vật tư nông nghiệp Hà Nam.   Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An lần thứ XVI,nhiệm kỳ 2020 – 2025 Dưới sự “chèo lái” của người thuyền trưởng bản lĩnh, Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An luôn hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã có vai trò tích cực, đóng góp nhiều thành tích quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với vai trò là ngành hậu cần, Tổng công ty đã thực hiện tốt vai trò cung cấp phân bón tốt, giống tốt, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ công nghệ đến với người nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Đây cũng là mô hình Công ty Vật tư Nông nghiệp duy nhất cả nước hiện nay còn có hệ thống chân rết là các công ty con với hơn 117 quầy bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm Tổng công ty cung ứng đầu tư cho nông dân vay vật tư phân bón với chính sách hỗ trợ 100% lãi suất, đến kỳ thu hoạch mới phải thanh toán cho đơn vi. Đồng thời, Tổng công ty cũng là một trong những đơn vị điển hình tại các tỉnh phía Bắc xây dựng thành công nhiều mô hình cánh đồng mẫu, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những thành tích đạt được, Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000) và Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2014); bản thân ông Trương Văn Hiền cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới ( năm 2000) và Huân chương Lao động hạng Nhất ( năm 2015). Là người gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp suốt mấy chục năm qua, xuyên qua bao khó khăn, thử thách, Tổng Giám đốc Trương Văn Hiền đã từng bước rèn luyện cho mình một phẩm chất đáng quý, đó là trong điều hành doanh nghiệp, phải luôn nhìn xa trông rộng, nghĩ trước nghĩ sau để phát triển vững chắc, lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ông luôn tâm niệm phát triển nông nghiệp không thể tách rời khoa học, là phải hướng nông nghiệp đến công nghệ cao trong sản xuất, gắn với việc không ngừng nghiên cứu để cho ra những giống cây, con có chất lượng cao, hiệu quả lớn khi đưa vào thâm canh. Trong điều kiện chung của ngành nông nghiệp hiện nay, việc tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Với trách nhiệm của ngành hậu cần phục vụ sản xuất, với trách nhiệm của đơn vị đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty còn là một doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, đã có nhiều giải pháp tích cực để từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phục vụ nông dân, góp phần từng bước gia tăng hiệu quả kinh tế, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Một số hoạt động tiêu biểu là: Đầu tư kinh phí xây dựng Trại khảo nghiệm Giống tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn trên diện tích 12 ha với hệ thống văn phòng, sân phơi sấy, kho chứa, kho sấy, hệ thống sấy, kho lạnh bảo quản hạt giống... tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Tiếp nhận đội ngũ cán bộ kỹ thuật giống, kỹ thuật trồng trọt có kinh nghiệm, có tâm huyết, có trình độ về làm việc tại Tổng công ty. Hợp tác với các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm như: Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền, Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm sản phẩm giống cây trồng Quốc gia, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm khoa học kỹ thuật của tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, các hợp tác xã... để nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất thử, sản xuất trình diễn nhiều giống lúa nhằm mục đích chọn tạo ra nhiều giống lúa có những ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng. Bản thân ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều giống lúa chất lượng cao được Bộ NN&PTNT công nhận đặc cách là tiến bộ kỹ thuật mới như giống lúa thuần Vật tư NA2, Vật tư NA6… và là tác giả của nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học như: Đề tài: "Du nhập, khảo nghiệm và sản xuất thử giống lúa thuần Vật tư –NA 1" được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen giải ba công trình lao động sáng tạo năm 2009; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2010. Đề tài “Ứng dụng và lai tạo thành công hạt giống Ngô lai F1 trên địa bàn tỉnh Nghệ An” được UBND tỉnh Nghệ An trao tặng giải nhất công trình lao động sáng tạo năm 2010 và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2011. Đề tài: "Du nhập, khảo nghiệm và sản xuất thử giống lúa thuần Vật tư –NA 2 trên địa bàn tỉnh Nghệ An" được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen giải nhì công trình lao động sáng tạo năm 2012; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo...   Trụ sở Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An Trong lĩnh vực sản xuất phân bón, Tổng công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy và lắp đặt dây chuyền sản xuất phân bón với công nghệ tiên tiến hiện đại bậc nhất hiện nay: Công nghệ tự động hóa, nung chảy urê bằng áp suất hơi nước. Với tổng mức đầu tư lên đến 75 tỷ đồng. Dây chuyền này với công nghệ tiên tiến hiện đại, tự động hóa đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sự khác biệt hơn hẳn công nghệ sản xuất bằng thủ công, bán tự động. Người nông dân dễ nhận biết khi sử dụng sản phẩm và tránh được hàng giả, hàng chất lượng kém làm ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng, chất đất và môi trường sống. Ngoài ra, Tổng công ty đã đầu tư dây chuyền xay xát, chế biến gạo với công suất 10 tấn/giờ và hệ thống kho tàng 11.000 m2 đảm bảo sức chứa trên 30.000 tấn thóc, gạo. Đây là hướng đầu tư đúng của Tổng công ty và gắn liền với định hướng khuyến khích người nông dân chủ động phát triển sản xuất theo các mô hình “Cánh đồng mẫu” để làm giàu trên chính đồng ruộng của mình. Việc Tổng công ty cam kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch đã giải được bài toàn khó khăn cho bà con nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Không chỉ xuất sắc với vai trò người “thuyền trưởng” lãnh đạo đơn vị trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, Tổng giám đốc Trương Văn Hiền cùng với tập thể đơn vị Tổng công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An còn là tấm gương điển hình trong công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Với số tiền đóng góp ủng hộ hàng năm cho các hoạt động thiện nguyện, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… đều trên 2,5 tỷ đồng, đặc biệt hoạt động này được duy trì liên tục từ giai đoạn sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa đến nay. Tổng công ty trao tặng 30 tấn gạo trị giá 540 triệu đồng ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 Tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống cùng những thành tích đã đạt được, dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Lao động Trương Văn Hiền, Tổng công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội và luôn là người đồng hành tin cậy của người nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Anh Quân  

Binh chủng Thông tin Liên lạc đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất

TĐKT - Sáng ngày 9/9, Binh chủng Thông tin Liên lạc (TTLL) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Bộ đội TTLL (9/9/1945 - 9/9/2020). Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên BCHTW Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đến dự và phát biểu chúc mừng. Cùng dự có đại biểu Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; Ban Cơ yếu Chính phủ; Cục Tác chiến Điện tử - Bộ Tổng tham mưu; Văn phòng Tổng cục Chính trị; Bộ Tư lệnh 86 và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội. Binh chủng TTLL có Thiếu tướng Trần Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng; Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng; các đồng chí thủ trưởng, nguyên thủ trưởng Bộ Tư lệnh TTLL; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan Bộ tư lệnh; đại biểu các Phòng, Ban trực thuộc cơ quan Bộ tư lệnh. Tham dự trực truyến tại 35 điểm cầu truyền hình có thủ trưởng Bộ Tham mưu; cơ quan chủ nhiệm thông tin toàn quân; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Binh chủng và đơn vị thông tin toàn quân. Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của Binh chủng TTLL Thiếu tướng Trần Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng TTLL đọc diễn văn kỷ niệm. Theo đó, ngày 7/9/1945, Phòng TTLL quân sự trực thuộc Bộ Tổng tham mưu được thành lập. Chỉ sau 2 ngày, ngày 9/9/1945 Phòng TTLL quân sự đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển lực lượng, triển khai thành công mạng vô tuyến điện và mạng liên lạc đặc biệt. Ngày 9/9 đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội TTLL anh hùng. Thiếu tướng Trần Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng TTLL đọc diễn văn kỷ niệm Trải qua 75 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu, chiến đấu và trưởng thành; Bộ đội TTLL đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm TTLL thông suốt, vững chắc phục vụ Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy, chỉ đạo các chiến trường làm nên những chiến công góp phần cùng toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc ngoại xâm và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Binh chủng TTLL được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Hệ thống TTLL quân sự phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá, nhất là về quy mô, công nghệ, phương thức bảo đảm, độ ổn định, tính vững chắc ngang tầm với trình độ công nghệ trong khu vực; phục vụ tốt nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, các hoạt động lớn của Đảng, Nhà nước. Trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội TTLL đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác; trong đó 69 tập thể và 37 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Riêng Binh chủng TTLL đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1976 và năm 2010. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi Lễ Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã biểu dương thành tích, chiến công mà Bộ đội TTLL đạt được trong 75 năm qua. Trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp to lớn của Bộ đội TTLL vào những chiến công và truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam Anh hùng. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết TW8, (khóa XI) “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Làm tốt chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quản lý, chỉ huy, điều hành hệ thống TTLL toàn quân; thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng trong lĩnh vực TTLL; tích cực, chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp tục quy hoạch, phát triển hệ thống thông tin quân sự phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; nâng cao dung lượng, chất lượng dịch vụ, tính ổn định, độ vững chắc, bảo đảm TTLL “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống. Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng phát biểu tại buổi lễ Thay mặt Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng TTLL, Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng TTLL đã quán triệt sâu sắc nội dung phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng thời bày tỏ quyết tâm của Bộ đội TTLL sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội TTLL anh hùng; đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, xây dựng lực lượng thông tin liên lạc quân sự “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân giao phó. Huy Phương, Xuân Quang    

Nữ doanh nhân phát huy truyền thống thi đua yêu nước

TĐKT – Những năm qua, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, người lính Cụ Hồ, nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm không ngừng phấn đấu, sáng tạo, tiếp tục sản xuất, kinh doanh giỏi, làm thay da đổi thịt cho mảnh đất và con người Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và giúp đỡ hàng trăm mảnh đời bất hạnh trên khắp mọi miền đất nước. Năm 2020, bà Hoàng Thị Nhâm vinh dự được bầu là đại biểu của tỉnh Lai Châu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - nơi hội tụ những gương mặt điển hình tiêu biểu của toàn quốc trong các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực giai đoạn 2015 - 2020. Bà Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm chia sẻ: Đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn; đồng thời luôn là động lực, trách nhiệm để bà không ngừng thi đua, phấn đấu xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Từ vạch núi làm đường… Ngắm nhìn những con đường làng nối làng, thôn nối thôn trải nhựa phẳng lì; những ngôi nhà dân xây san sát hai bên đường; những đứa trẻ đang tung tăng cười nói, cắp sách đến trường; cảnh bà con nhộn nhịp mua bán… nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm không giấu nổi niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt: “Đó là niềm hạnh phúc, là thành quả tự hào lớn nhất trong cuộc đời của tôi” – Bà Nhâm chia sẻ. Bà Hoàng Thị Nhâm được tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016 Nhớ lại thời điểm mới đặt chân đến mảnh đất Mường Tè năm 1983, bắt đầu với công việc của một cán bộ thương nghiệp, bà Hoàng Thị Nhâm cho biết, đã sớm được chứng kiến những nỗi vất vả của người dân vùng cao khi giao thông chưa phát triển, thiếu thông tin và vô cùng nghèo khó… “Quanh năm cuộc sống của họ không có thông tin, văn hóa, thậm chí không có cả đèn dầu thắp sáng mà phải đốt củi để lấy ánh sáng vào buổi tối. Muốn mua một viên thuốc cho con lúc ốm, bà con ở đây phải mất cả một ngày đường, vạch rừng, vạch núi để xuống trạm y tế. Có mớ rau ngon mang được đến chợ bán thì cũng đã héo mất rồi…” Chưa kể, nơi đây thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt. Từ miền xuôi lên miền núi công tác, hơn ai hết, bà thấm thía những khó khăn, vất vả của đồng bào ở đây. “Năm 1990, khi làm ăn tích lũy được ít vốn thì một trận lũ đã cuốn trôi toàn bộ tài sản mà gia đình cùng gom góp được trong bảy năm. Bà tiếp tục làm lại kinh tế từ con số không. Nhưng vừa lấy lại được những gì đã mất, năm 1996, lại một trận lũ lịch sử xảy ra tại Lai Châu, một lần nữa cướp đi tất cả công sức của cả gia đình tôi.” – bà Nhâm xúc động nhớ lại. Dù mảnh đất khó Mường Tè đã lấy đi không ít công sức và của cải, khiến bà bao đêm trăn trở nhưng người phụ nữ ấy luôn cảm ơn cuộc đời đã cho bà cơ hội được nếm trải cảnh “trắng tay” và tôi luyện thêm cho mình ý chí “rũ bùn đứng dậy” làm lại cuộc đời. Đặc biệt, đã cho người lính cụ Hồ ấy thêm cơ hội thấu hiểu, cảm thông với bà con nghèo, những mảnh đời sau cơn lũ thiên tai; từ đó có những bước đi mạnh dạn giúp Mường Tè bắt kịp với nhịp sống, hơi thở của cả nước. Năm 2011, Chính phủ có quyết định đầu tư chương trình 500 xã đặc biệt khó khăn làm đường dân sinh, thủy lợi, xây dựng trường học. Với suy nghĩ, mở đường, phá ốc đảo, là cơ hội “chở” nhiều thứ ở thế giới bên ngoài về với bà con, bà Hoàng Thị Nhâm mạnh dạn đứng lên thành lập doanh nghiệp, nhận thi công những con đường. Với phương châm làm đến đâu, chất lượng, hiệu quả đến đó, nên dù một số công trình chưa kịp giải ngân, bà vẫn mạnh dạn vay vốn để công trình được thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ… Nhưng quả thật, làm rồi mới thấy cực thế nào. Thi công 1 km đường đất, đá lởm chởm, trên độ cao hàng nghìn mét thật không đơn giản. Nếu ở đồng bằng, máy móc có thể hỗ trợ được; thì ở đây đa số dựa vào sức người. Nếu không may, vừa đổ rải bê tông xong mà trời mưa thì lại bắt đầu lại từ con số không… Bản thân bà khi đi thị sát tại các công trình, có lúc gặp trận mưa lớn, bị ướt sũng, nhưng cũng chỉ trú tạm nhà người dân trong bản, xin lửa để hong khô quần áo rồi lại tiếp tục lăn xả với công việc. Với sự từng trải và bản lĩnh can trường của người lính Cụ Hồ cùng tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm; cộng với sự chung tay của bà con nhân dân, đặc biệt là sự quyết tâm, động viên của chính quyền địa phương, các con đường dài 2 km, rồi 15 km, 20 km lần lượt được hoàn thiện. 200 km đường nối tới bản, trụ sở trung tâm xã, đường liên xã; hơn 60 trường học được hoàn thiện gắn liền với cái tên của doanh nghiệp Hoàng Nhâm, chở theo cái chữ và sự văn minh đến với đồng bào, giúp cho đời sống của bà con Mường Tè ngày càng được cải thiện rõ rệt. Người phụ nữ Hoàng Thị Nhâm và doanh nghiệp mang tên bà cũng ngày càng gắn liền với nhiều phong trào thi đua khác của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè. Trong tất cả các hoạt động từ thiện nhân đạo, các phong trào: Xóa nhà tranh tre; lập quỹ trẻ thơ, quỹ ủng hộ bão lũ; giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam, các gia đình chính sách, người có công, trẻ em mồ côi… doanh nghiệp Hoàng Nhâm đều tích cực tham gia với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để ghi nhận những đóng góp của bà đối với sự phát triển của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung, trong giai đoạn 2010 - 2015, nữ doanh nhân, người lính cụ Hồ Hoàng Thị Nhâm đã vinh dự được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2014, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khát vọng phát triển du lịch, hỗ trợ cộng đồng Với tinh thần thi đua yêu nước sục sôi ấy, bước sang giai đoạn mới (2015-2020), bà Hoàng Thị Nhâm không ngừng cố gắng, chèo lái con thuyền Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nhâm phát triển ngày càng lớn mạnh, trở thành Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm với 13 kỹ sư, 15 cán bộ quản lý, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động phổ thông tại các địa phương với mức thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, doanh thu Công ty đạt 165 tỷ đồng, tăng 28,95% so năm 2004, thu nhập sau thuế năm 2018 là 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân cán bộ công nhân 9 triệu đồng/người/năm; nộp ngân sách bình quân 14 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, từ thành công trong lĩnh vực xây dựng đã thôi thúc doanh nhân Hoàng Thị Nhâm tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác như: Thương mại, dịch vụ và du lịch. Năm 2019, sau bao nhiêu nỗ lực đầu tư, vun đắp và dựng xây, Khách sạn 5 sao Hoàng Nhâm Luxury, một trong những khách sạn hạng sang đầu tiên của tỉnh Lai Châu chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Đến nay, khách sạn đã tiếp đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước, góp phần thay đổi diện mạo thành phố; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trở thành niềm tự hào của Lai Châu. Với những nỗ lực đó, năm 2018, bà vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Bà Hoàng Thị Nhâm tặng mái ấm cho gia đình nghèo ở huyện Mường Tè Không những điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh nhân Hoàng Thị Nhâm còn hết mình hỗ trợ cộng đồng, luôn đi đầu trong các phong trào do tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè phát động. Từ 2014 - 2018, bà tham gia giúp phụ nữ làm kinh tế gia đình, ủng hộ trẻ em khuyết tật chất độc màu da cam, các em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn; các quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa; ủng hộ chương trình Mùa xuân cho em, chương trình tình nguyện mùa đông tổng trị giá trên 800 triệu đồng; ủng hộ các nơi có thiên tai lũ lụt, ủng hộ giúp đỡ các cựu chiến binh nghèo; ủng hộ thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng trị giá 350 triệu đồng. Năm 2017, bà tham gia ủng hộ 50 triệu đồng cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, bà ủng hộ 300 triệu đồng chương trình “Em không phải bỏ học” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ chương trình xúc tiến việc làm - an sinh xã hội là 200 triệu đồng. Ngoài ra, từ 2016 - 2018, bà tặng 190 triệu đồng quà Tết nguyên đán cho các gia đình nghèo; nhận nuôi đỡ đầu cho 15 cháu học sinh từ 8 tuổi đến 18 tuổi mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các chương trình khác trên 300 triệu đồng. Năm 2018 ủng hộ bà con nhân dân tỉnh Lai Châu bị thiệt hại do mưa lũ trị giá 100 triệu đồng... Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang tàn phá nặng nề nền kinh tế, bà vẫn “vững tay chèo” để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động của mình. Trải qua biết bao nhiêu thử thách, lúc kiên cường, xông pha trên chiến trường bom đạn, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, lúc lại gồng mình, lăn lộn với những thăng trầm trên thương trường khốc liệt, nhưng với nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Tinh thần yêu nước, yêu dân tộc chính là cội nguồn của sự thành công. Thành công sẽ đến với những người biết vượt qua khó khăn để tự đứng lên bằng đôi chân của mình và biết phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Mai Thảo  

Trang