“Kỹ sư” nông dân Nguyễn Kim Hùng
24/11/2020 - 14:31

TĐKT - Là một nông dân chính gốc, chưa hề qua lớp đào tạo nào về kỹ thuật nhưng ông Nguyễn Kim Hùng, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Thiên Long - Hùng Phương ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh được nhiều người trân trọng gọi với biệt danh “kỹ sư” nông dân. Ông đã nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu ích.

Vốn là một người lính, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, với niềm đam mê cơ khí từ thuở bé, ông Nguyễn Kim Hùng đã tự mày mò làm nghề sửa chữa xe đạp rồi đến gò hàn, gia công đồ gia dụng. Thấu hiểu những nỗi cơ cực vất vả trong sản xuất nông nghiệp, ông luôn đau đáu một suy nghĩ là làm sao chế tạo ra được những loại thiết bị để giảm bớt sức lao động trong nông nghiệp.

Nhắc đến cái tên Nguyễn Kim Hùng, nhiều người nghĩ ngay đến những máy bơm nước lưu lượng lớn phục vụ nông nghiệp; máy bơm “siêu chịu mặn” ứng dụng cho nuôi trồng thủy, hải sản vùng nước mặn; “máy hút bùn đa năng” phục vụ dọn đáy ao và cung cấp oxy và bơm nước không cần mồi; máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên. Đó là những sáng chế tuyệt vời và vô cùng thiết thực với bà con nông dân không chỉ ở quê hương Bắc Ninh mà còn khắp cả nước.

 

Ông Nguyễn Kim Hùng bên những chiếc máy bơm do mình chế tạo ra

Chia sẻ về các sáng chế của mình, ông Hùng cho biết: Năm 2003, khi đa số người dân quê ông chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, việc cải tạo ao hồ mất khá nhiều thời gian và công sức. Trăn trở suy nghĩ đến việc tạo ra một sản phẩm hữu ích giúp bà con giải phóng sức lao động, ông Hùng lặn lội ra Công ty Cơ khí Hà Nội để mục sở thị những chiếc máy hiện đại và tìm tòi linh kiện phù hợp.

Sau một thời gian dày công thử nghiệm, chiếc máy bơm đầu tiên mang tên Thiên Long của ông ra đời năm 2004, nhận được sự phản hồi tích cực của người dân trong vùng. Sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt như: Thiết kế nhỏ gọn, phần vỏ động cơ và cụm bơm ly tâm được sản xuất bằng hợp kim nhôm nên máy rất nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển và lắp đặt. Ngoài ra, máy còn được trang bị đồng hồ vol để theo dõi nguồn điện áp và Atomat bảo vệ động cơ trong quá trình hoạt động. Máy có thể hoạt động trong phạm vi điện áp khá rộng từ 170V-240, được xem là một lợi thế tuyệt vời phù hợp với mạng lưới điện tại các vùng nông thôn thường không ổn định, có khả năng ứng dụng rộng rãi cấp thoát nước cho các ao nuôi thủy sản, tưới tiêu ruộng đồng, bơm bùn loãng, nước thải…

Từ chiếc máy bơm nước đầu tiên ấy, ông Kim Hùng liên tục cải tiến, cho ra đời nhiều dòng máy bơm cải tiến, hiện đại hơn. Máy bơm nước của cơ sở sản xuất Thiên Long - Hùng Phương có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc với hơn 100 đại lý lớn nhỏ. Ngoài ra, cơ sở cung cấp hàng vạn linh kiện cho các tỉnh miền Bắc.

Đến năm 2017, ông Hùng lại chế tạo ra một loại máy bơm khác có khả năng chịu mặn cao, giá thành thấp, phù hợp với túi tiền của bà con nông dân. Dòng máy bơm siêu chịu mặn ra đời được ứng dụng rộng rãi tại các vùng nước mặn như: Thái Bình, Nam Định, tại các hộ nuôi hải sản như tôm, san hô nhân tạo… Chỉ trong năm 2018, đã tiêu thụ được 300 chiếc và từ 2018 đến nay, ông cung cấp hơn 400 sản phẩm bơm chịu mặn cho khách hàng. Sáng chế này của ông đạt giải nhất cuộc thi “Nhà nông sáng tạo năm 2017” do Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Trong hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, một vấn đề rất hay gặp phải là việc tích tụ bùn, các loại tạp chất và chất thải dưới đáy ao do thức ăn dư thừa và chất thải của tôm cá, tạo ra các loại vi khuẩn có hại, khí độc có thể gây bệnh, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm cá. Do vậy nhu cầu về các thiết bị phục vụ cho việc dọn và làm sạch đáy ao ngày càng gia tăng. Nhận thấy điều này, ông Hùng tìm tòi, chế tạo ra máy hút bùn đa năng, phục vụ dọn đáy ao và cung cấp oxy và bơm nước không cần mồi. Giải pháp hữu ích này góp phần tiết kiệm chi phí trong quá trình sử dụng nhờ vận hành dễ dàng, ít tốn công lao động và góp phần làm sạch ao nuôi, giúp tôm cá có môi trường sạch để sinh trưởng và phát triển tốt hơn, tăng sản lượng tôm, cá trong cùng 1 diện tích và thời gian nuôi.

Ông Hùng cho biết: Thông thường để tiến hành hút bùn cho ao nuôi rộng 2.000m2 người ta phải bỏ ra chi phí từ 10 - 12 triệu đồng bao gồm máy móc và nhân công, nhưng từ khi có máy hút bùn ao nuôi này người dân sẽ tiết kiệm được số tiền như trên, đồng thời tăng sản lượng tôm cá nuôi trên cùng một diện tích ao do môi trường ao nuôi đã được làm sạch.

 

Ông Nguyễn Kim Hùng luôn say sưa với nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc

Cũng trong năm 2017, sau khi tiến hành nghiên cứu thực tế, phân tích ưu nhược điểm của các loại máy quạt trên thị trường, nhận thấy đa số máy quạt nước Trung Quốc được che đậy bằng chụp che nhựa nên động cơ rất nóng và dễ cháy máy, hiệu suất sử dụng động cơ thấp. Thấy được bất cập đó, ông Hùng đã sáng chế ra máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên, sử dụng chính nguồn nước từ môi trường ao nuôi làm mát phần vỏ động cơ, giúp động cơ luôn mát, giúp tăng hiệu suất động cơ, tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Ông Hùng cho biết: Chiếc máy quạt nước với thiết kế gọn gàng, kiểu dáng công nghiệp, tiết kiệm điện năng, dễ dàng vận hành đã được sử dụng rộng rãi cho nhiều diện tích ao nuôi tại khu vực miền Bắc và Trung Bộ. Với thiết kế làm mát tối ưu, máy quạt nước Thiên Long do tôi sáng chế tiết kiệm điện năng 1kw/h so với các sản phẩm trên thị trường. Trung bình 1 ngày, các hộ nuôi tôm cá chạy máy hết 10h/ngày thì tính ra một năm bà con nông dân tiết kiệm được khoảng 3.650 Kw, nếu tính giá điện bình quân là 2.200đ/kw tức là một năm người nông dân tiết kiệm được khoảng 8.030.000 đ cho 1 máy quạt nước. Với hộ nuôi đầm ao lớn, số lượng máy rất lớn thì đây sẽ là một con số rất lớn.”

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông Hùng không ngừng tăng gia phát triển sản xuất, tìm thị trường. Từ những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn cho các lao động hiểu rõ và say mê với việc làm. Do đó, từ chỗ mới bắt tay vào sản xuất, ban đầu chỉ vỏn vẹn có 3 lao động của gia đình thì đến nay cơ sở sản xuất của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động trong thôn, xóm, địa phương với mức lương ổn định là từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; trong đó có 9 lao động thường xuyên và 13 lao động thuê mướn theo thời vụ tại địa phương.

Từ năm 2012 đến nay, ông Hùng luôn là một trong những người đi đầu ở địa phương trong công tác thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Với những sáng kiến nghiên cứu đó, ông đã đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng và công nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn”; Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016; Giải nhất cuộc thi: Nhà nông sáng tạo tỉnh Bắc Ninh; Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017, Giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 2” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen. Năm 2020, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Để cơ sở đứng vững trên thị trường, ông giao lại sự nghiệp cho con trai Nguyễn Kim Tuyên, vốn là cử nhân cơ khí của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển thương hiệu sản phẩm. Lùi lại phía sau, người lính cụ Hồ năm xưa vẫn chuyên tâm với công việc của mình là nghiên cứu và sáng chế ra các loại tính năng mới cho máy. Ông tâm niệm: “Bác Hồ đã dạy, sự học là suốt đời. Ngày còn trẻ, tôi không có may mắn được học ở trường lớp, nên sau này, tôi vẫn tự học ở trường đời, học từ thực tế sản xuất và chính từ những lần thất bại. Ông bảo, sẽ không ngừng cải tiến ra sản phẩm càng tiện ích hơn, với giá thành phù hợp hơn để giúp nông dân bớt vất vả.

H. Vũ