Người công nhân luôn vượt qua khó khăn, nỗ lực thoát nghèo
25/11/2020 - 15:23

TĐKT - Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, điều kiện làm ăn kinh tế gặp nhiều khó khăn, cuộc sống đói khổ cứ đeo bám mãi gia đình anh Rơ Châm Chyur, công nhân khai thác tổ 11, nông trường Cao su Hòa Phú, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh. Bằng sự nỗ lực không ngừng, gia đình anh vượt qua khó khăn, dần thoát nghèo.

Năm 1997, khi Nông trường Cao su Hòa Phú thuộc Công ty Cao su Chư Păh (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Chư Păh), trồng cao su tại xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, anh và các thanh niên trong làng được tuyển vào làm công nhân tại nông trường này thì cuộc sống mới dần dần được thay đổi, có ăn, có của để dành. Công việc của anh từ đó ổn định và thu nhập hàng tháng đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống gia đình.

Công nhân Rơ Châm Chyur cạo mủ cao su

Anh kể lại, nhớ lại những ngày đầu vào làm công nhân cao su, anh chưa thể nào hình dung công việc, tiền lương và lại còn có tiền thưởng cho một công nhân cao su là như thế nào, vì trước đây, anh đều quen với nương rẫy và công việc làm thuê sáng đi làm, chiều nhận tiền, mua ăn hết trong ngày, không có để dành và bữa no, đói, thiếu thốn tiếp diễn suốt bao năm tháng. Vào làm công nhân cao su, anh được tiếp xúc với nhiều cán bộ quản lý của công ty, nông trường, những người thật lòng muốn giúp anh khỏi cảnh đói nghèo và cách canh tác lạc hậu. Anh biết trồng, chăm sóc cây cao su, biết làm kinh tế gia đình. Tiếp đó, anh được thường xuyên học tập, biết kinh nghiệm làm kinh tế của người Kinh và công ty đã cho anh đi tham quan học tập ở những đơn vị trong, ngoài ngành cao su, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ở một số tỉnh bạn để có thêm hiểu biết cho mình về làm kinh tế tốt hơn.

Khi có đầy đủ kinh nghiệm, gia đình anh đã chăm sóc vườn cao su và có cuộc sống ấm no từ vườn cây nhận khoán, đến khi những dòng nhựa trắng đầu tiên chảy trên mảnh đất Ia Khươl. Những năm đầu khi cây cao su đưa vào khai thác, năng suất vườn cây chưa cao, trong đó một phần do trình độ tay nghề và phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc chưa xóa bỏ được. Nhận thức được vấn đề này qua những lần phổ biến kinh nghiệm của tổ trưởng sản xuất và cán bộ quản lý của đơn vị, anh tích cực tham dự các lớp học văn hóa, tay nghề cạo mủ… do Nông trường tổ chức và hàng ngày tự rèn luyện tay nghề qua những đường dao khai thác. Mỗi lần đặt dao vào cây cao su để cạo là mỗi lần anh tự cố gắng phải làm theo hướng dẫn của tổ trưởng, các cán bộ kỹ thuật để có tay nghề tốt nhất, để có nhiều mủ nhất, cứ như thế anh dần thực hiện và nâng cao dần trình độ tay nghề. Bên cạnh đó, anh luôn lắng nghe sự chỉ bảo của cán bộ kỹ thuật để hiểu biết về mặt lý thuyết, ngày càng hiểu biết nhiều hơn về cây cao su khai thác, để chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, nên nhiều năm liền anh đều vượt kế hoạch sản lượng và được thưởng vượt sản lượng, thưởng tay nghề kỹ thuật.

Bản thân anh luôn tham gia đi đầu, gương mẫu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và năm; các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cũng như các phong trào vì cuộc sống cộng đồng do tổ, nông trường, công ty phát động. Tham gia tốt các hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong tổ, nông trường. Trong Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ Cao su cấp Nông trường, anh đã đạt được giải nhất năm 2016, đạt được giải ba năm 2018. Bên cạnh đó, hàng năm công ty mở các lớp đào tạo tay nghề cho công nhân có tay nghề yếu và gia thuộc, anh được công ty chọn để đào tạo cho công nhân môn thực hành tại vườn cây. 

Không dừng lại ở đó, anh còn thường xuyên tìm hiểu, trao đổi và học tập những cách làm mới, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế phụ để ngày một nâng cao đời sống kinh tế của gia đình. Anh là gương điển hình tiên tiến trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và đã có sáng kiến “Nâng cao kỹ thuật cạo, tận thu tối đa mủ cao su khai thác” đã đem lại sản lượng mủ cao su cho tổ, nông trường, góp phần vào việc hoàn thành sản lượng của tổ nói riêng và của nông trường nói chung.

Năm 2015, anh hoàn thành kế hoạch sản lượng là 112%, năm 2016 là 111%, năm 2017 là 115%, năm 2018 là 120%, năm 2019 là 152% và về trước kế hoạch sản lượng nhận khoán trong năm từ 20 ngày đến 30 ngày. Ngoài việc lo cho cá nhân, anh còn động viên mọi công nhân trong tổ cố gắng rèn luyện, lao động sản xuất tốt, trước hết là để nâng cao thu nhập cho cá nhân, góp phần cùng tổ và nông trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đối với phong trào làm kinh tế phụ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống do Ban Tổng Giám đốc và Công đoàn công ty phát động. Anh luôn là người đi đầu khi dùng tiền vốn của mình và bổ sung thêm tiền vay không tính lãi từ quỹ phúc lợi của công ty, để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh đã có 2 ha bời lời, 1,2 ha cà phê, 3 sào ruộng lúa nước, 15 con bò, heo và một số ít diện tích trồng mỳ.

Nguồn lợi thu nhập từ làm kinh tế phụ hàng năm sau khi trừ chi phí là từ 40 - 60 triệu đồng. Với các khoản tiền lương, thưởng từ làm cao su và kinh tế phụ, anh đã xây được nhà mới, mua xe công nông để sản xuất, xe gắn máy để đi làm, tivi…, để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và cuộc sống của gia đình. Từ khi vào làm công nhân của công ty cho đến nay, từ nguồn thu nhập của công nhân và làm kinh tế phụ, cuộc sống gia đình anh đã có tích lũy, các con được ăn học đầy đủ.

Với những kết quả đạt được, anh đã được các cấp lãnh đạo tặng rất nhiều phần thưởng cao quý như nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bằng khen của Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công đoàn Cao su Việt Nam, tỉnh Đoàn Gia Lai, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều năm liền gia đình anh được địa phương công nhận là Gia đình văn hóa…

Hồng Thiết