TĐKT - Nỗ lực vươn lên từ vùng đất hoang hóa, cựu chiến binh Bùi Văn Thới ở khu phố Tân An (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã tập trung phát triển cây điều phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Hiện nay, ông đang sở hữu 4,3 ha điều với năng suất luôn đạt 3 tấn/ha trở lên, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào trong trồng và chăm sóc, cây điều ra nhiều quả, cho năng suất cao
Sinh ra tại Quảng Ngãi, năm 18 tuổi, ông Thới tham gia lực lượng thanh niên xung phong và làm nhiệm vụ tái thiết tuyến đường sắt Bắc - Nam, khu vực từ tỉnh Quảng Nam vào Quảng Ngãi do bị tàn phá trong chiến tranh.
Trong suốt 8 năm gắn bó với lực lượng thanh niên xung phong, ông luôn phấn đấu và nỗ lực trong mọi công việc. Năm 1983, ông xuất ngũ trở về quê hương sinh sống. Dù rất chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống của gia đình ông vẫn gặp nhiều khó khăn.
“Trong một lần vào Bình Phước thăm bà con, tôi nhận thấy nơi đây đất rộng, màu mỡ. Vốn đam mê sản xuất nông nghiệp, năm 1984, tôi quyết định chuyển gia đình vào Bình Phước lập nghiệp và cư ngụ tại khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú đến nay.”- ông Thới nhớ lại.
Tại vùng đất mới, ban đầu vợ chồng ông đăng ký tham gia hợp tác xã nông nghiệp và được hợp tác xã cấp 1 sào đất ở. Dồn hết vốn, ông mua được 4,3 ha đất.
Những năm đầu ông Thới trồng ngô, đậu, mì, lúa rẫy và một số hoa màu đủ tự cung, tự cấp trong gia đình. Tuy nhiên, để ổn định lâu dài, năm 1987, ông quyết định đầu tư trồng điều.
“Khi đó, trồng điều đơn giản. Để chọn hạt ươm, tôi tìm đến các vườn điều, quan sát cây nào khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, sai quả sẽ mua hạt về ươm trồng. Nếu thời tiết thuận lợi, hạt điều nảy mầm”.- ông Thới chia sẻ.
Tuy nhiên theo ông Thới, cách trồng như vậy tỷ lệ cây chết rất cao, cần phải trồng nhiều năm mới cho thu hoạch. Cộng thêm việc chưa hiểu rõ về quy trình chăm sóc, quá trình sinh trưởng của cây... do đó vườn điều của gia đình ông cho cho năng suất thấp, chỉ vài tạ/ha.
Để vườn điều phát triển tốt và cho năng suất cao, ông Thới đã tích cực tham gia nhiều buổi tập huấn về quy trình chăm sóc cây trồng do Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Ông Thới cho biết: “Hầu hết hộ dân cho rằng điều là loại cây không kỳ công chăm sóc, không nhất thiết phải bón phân... Trong khi cũng như các loại cây trồng khác, cây điều rất cần chất dinh dưỡng để phục hồi và phát triển sau mỗi mùa thu hoạch”.
Vì vậy, sau khi thu hoạch ngoài tạo tán, tỉa cành, làm cỏ và phun thuốc phòng bệnh, ông Thới còn bón phân. Để cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, ông chia làm 2 lần bón. Lần thứ nhất, bón vào đầu mùa mưa và lần thứ 2 vào cuối mùa mưa. Ông còn thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời cho cây điều.
Nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây điều nên vườn cây của gia đình ông luôn cho năng suất từ 2,8 - 3 tấn/ha/năm. Trung bình mỗi năm cây điều mang lại cho gia đình ông trên 200 triệu đồng.
Với hiệu quả trong cách làm kinh tế, năm 2018, 2019, ông Bùi Văn Thới đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông còn được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích trong sản xuất điều.
Tuệ Minh