TĐKT - 20 năm đồng hành cùng bà con Xín Mần (Hà Giang), Công ty TNHH Gia Long đã luôn luôn chủ động liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân trong huyện chế biến và đưa ra thị trường với các sản phẩm nổi tiếng trên thị trường, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Lan Dung (áo đỏ, đứng giữa) nhận Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tại Hội nghị Tổng kết công tác Thi đua - Khen thưởng của Cụm thi đua 7 tỉnh biên giới phía Bắc năm 2018
Lựa chọn mảnh đất Xín Mần, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh để lập nghiệp và gắn bó, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long đã tạo được thành công lớn.
Với uy tín và nhạy bén tiếp cận thị trường, các lĩnh vực công ty đầu tư đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định thương hiệu và đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo doanh thu tăng theo từng năm, các sơ sở sản xuất từng bước được đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, chất lượng sản phẩm thương mại – dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Riêng năm 2019 lĩnh vực thương mại tổng hợp, khách sạn tổng hợp, công ty đã đón 25.000 lượt khách du lịch đến huyện Xín Mần, cung ứng hàng trăm tấn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và lao động sản xuất của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Trên lĩnh vực xăng dầu và chăn nuôi thủy sản nước lạnh, công ty cung cấp ra thị trường 2.012.500 lít xăng, dầu, 12 tấn thủy sản nước lạnh.
Trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Công ty đã bao tiêu củ dong riềng sản phẩm đầu ra của nông dân được 7.000 tấn/năm để chế biến thành sản phẩm miến dong Gia Long.
Nhờ đó công ty đã giúp cho gần 2.600 hộ nông dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời liên kết được mô hình 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) phát triển kinh tế khu vực nông dân, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, giữa nông thôn với thành thị.
Theo bà Dung đánh giá, mặc dù doanh thu hàng năm của công ty không cao bằng doanh thu của các doanh nghiệp đồng bằng, nhưng lợi ích trong việc xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội cho bà con nông dân miền núi công ty đã đóng góp khoảng 700 triệu đồng/năm. Hiện tổng số lao động của công ty là 150 lao động với mức lương ổn định từ 8,5 - 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty cũng luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu đầu tư ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật sản xuất ra một số sản phẩm nông nghiệp, nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân vùng dân tộc thiểu số như: Rượu nếp Quảng Nguyên, rượu mận Xín Mần, gạo già dui Xín Mần nhằm kết nối chuỗi giá trị hàng hóa giữa doanh nghiệp với nông dân.
Cũng theo bà Dung, trong 5 năm tới, công ty sẽ tập trung nghiên cứu sản xuất thêm một số sản phẩm nông nghiệp khô như: Gừng, nghệ, củ cải khô, là những sản phẩm tinh sạch của vùng miền để bán trên thị trường, giúp cho người tiêu dùng có thêm cơ hội được sử dụng sản phẩm sạch.
Đồng thời bên cạnh việc ký thầu các công trình xây dựng cơ bản trong và ngoài tỉnh, công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm khách sạn, khu vui chơi giải trí để thu hút khách du lịch về vùng sâu, vùng xa.
Bảo Linh