Vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
24/11/2020 - 14:29

TĐKT -  Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Linh (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã từng bước vượt khó, phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ được nhiều mảnh đời khó khăn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ông Linh đã sớm quen với những vất vả, nhọc nhằn. Sau khi xây dựng gia đình, ông được bố mẹ cho nhà để mở tiệm bán cà phê nhỏ và 4 công ruộng để canh tác. Dù siêng năng, chăm chỉ làm việc, nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo bám gia đình ông.

Không muốn tương lai của các con vất vả như mình, ông Linh quyết tâm cho con học chữ. Để nuôi dưỡng ước mơ ấy, ngoài việc canh tác 4 công ruộng của cha mẹ cho, 2 vợ chồng ông còn làm thuê và vay ngân hàng tiền ngân hàng để lấy vốn nuôi dê, bò, lợn… Ngoài ra, ông còn nhận cung ứng cà phê cho các đại lý ở các huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận…

Đến năm 2017, thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng của địa phương, ông đã tham quan, học hỏi các mô hình trồng dừa có hiệu quả và quyết định chuyển 4 công đất lúa sang trồng dừa xen ổi và nhãn.

Thời gian đầu bắt tay vào triển khai mô hình, ông Linh gặp không ít khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm nên năng suất đạt được thấp. Tuy nhiên điều này không làm vợ chồng ông nản lòng.

Để có thêm kiến thức về chăm sóc các loại cây này, ông Linh đã tự mày mò, nghiên cứu tìm hiểu qua báo, mạng. Đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân phối hợp tổ chức. Ông được đi thăm quan một số mô hình và học hỏi được nhiều bài học, kinh nghiệm.

Sau thời gian kiên trì với cây trồng mới và tích cực áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, vườn cây của gia đình ông ngày càng cho năng suất cao.  

Cùng với đó, các con vật nuôi bán được giá, kinh tế gia đình ông từ đó khởi sắc. Hiện tại, gia đình ông đã xây lại ngôi nhà khang trang. 3 người con của ông đều ngoan ngoãn, trưởng thành và có việc làm ổn định.

Để mở rộng mô hình, ông Linh còn đầu tư mua thêm hơn 8,5 công đất để canh tác. Dù kinh tế đã khá hơn ngày trước rất nhiều, nhưng vợ chồng ông cần cù lao động.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Linh còn tích cực trong việc làm thiện nguyện. Thấy gia đình nào gặp khó khăn trên địa bàn, vợ chồng ông đều đến để trao những phần gạo nghĩa tình giúp họ vượt qua phần nào khó khăn.

Gia đình ông Linh chính là tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, nuôi dạy các con chăm ngoan, hiếu thảo. Điều đáng học hỏi ở ông là sự cần cù, chịu khó, vươn lên có cuộc sống ổn định.

Tùng Chi