TĐKT - Biểu dương tinh thần mưu trí, dũng cảm của các đơn vị đã lập chiến công xuất sắc trong phòng, chống ma túy, Thừa ủy quyền của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Tĩnh vừa trao thưởng cho Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã có thành tích bắt giữ 52 bánh heroin và 25 kg ma túy đá ngày 17/7/2018.
Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Lương Trường Thọ trao thưởng cho các đơn vị lập chiến công xuất sắc trong phòng, chống ma túy
Theo Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Lương Trường Thọ, đây là vụ án buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy có số lượng lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn. Với trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và bề dày kinh nghiệm sử dụng phương pháp kiểm tra hành lý xuất nhập cảnh qua máy soi chiếu, cán bộ công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu treo và Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn bắt giữ 3 đối tượng và số lượng lớn ma túy.
Trong thời gian tới tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì thế, các lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai các kế hoạch nghiệp vụ. Đồng thời, đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới để bà con tích cực tham gia phòng và tố giác tội phạm, nhất là ma túy.
La Giang
Điển hình tiên tiến
Vinh danh 8 công trình tiêu biểu trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2018
TĐKT – Ngày 28/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Báo Lao động tổ chức chương trình Vinh quang Việt Nam với chủ đề “Dấu ấn những công trình”. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và đại diện một số lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, nhằm động viên, khích lệ phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong suốt hơn 70 năm qua. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường trao thưởng cho đại diện ba công trình Đường Hồ Chí Minh, Đường dây 500kV Bắc - Nam và Thủy điện Hòa Bình Chương trình Vinh quang Việt Nam 2018 tôn vinh 8 công trình xuất sắc tiêu biểu, tạo nên những dấu ấn đậm nét trong từng thời kỳ phát triển của đất nước. Qua đó tôn vinh, ghi nhận những đóng góp, cống hiến xuất sắc của bản lĩnh, trí tuệ lao động Việt, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình Vệ tinh viễn thông của Việt Nam (VINASAT-1, VINASAT- 2) là dấu mốc lịch sử quan trọng, mang tầm vóc quốc gia từ năm 2008. Từ đây, Việt Nam có quyền chính thức trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên không gian vũ trụ, qua đó khẳng định chủ quyền quốc gia trên bản đồ không gian thế giới, nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Công trình Đường dây 500kV Bắc - Nam được coi là kỳ tích của thế kỷ XX. Công trình là một giải pháp cấp thiết, quan trọng để giải quyết bài toán thiếu điện ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, tạo bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế phía nam ở mức cao nhiều năm liên tục. Công trình Thủy điện Hòa Bình với hàng tỷ KW điện mỗi năm, đã giải quyết được tình trạng thiếu điện trầm trọng của đất nước trong những năm 80 của thế kỷ 20, những năm vô cùng khó khăn vì đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt chống giặc ngoại xâm. “Đường Hồ Chí Minh” con đường huyền thoại trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mạch giao thông trục dọc quan trọng thứ hai của đất nước, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, biên giới, Tây Nguyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực phía Tây của Tổ quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải trao thưởng cho 3 công trình Vệ tinh viễn thông Vinasat, Bản đồ địa chất và Từ điển bách khoa “Công trình Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM 6976 và OM 5451” có năng suất và chất lượng cao đã thể hiện năng lực tiếp cận, ứng dụng, làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật để góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Công trình “Từ điển Bách khoa toàn thư” do công lao to lớn của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tạo nên, là một kiệt tác đồ sộ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhiều tập thể, cá nhân có ý chí sắt đá đã vượt qua hàng trăm ngàn km khảo sát thực địa, lấy mẫu với muôn vàn khó khăn để có được công trình Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/200.000. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp nước ta bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ em và phụ nữ không bị mắc bệnh, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến góp phần nâng cao thể lực, trí tuệ con người Việt Nam. “Đó là những công trình tầm vóc thế kỷ, mang dấu ấn thời gian, đã minh chứng cho sự sáng tạo trong lao động, sản xuất của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Việt Nam. Không chỉ làm cho đất nước phát triển cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn là những cái nôi đào tạo ra những đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, sánh vai với khu vực và thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, năng lượng, địa chất, viễn thông, y tế, văn hóa, nông nghiệp.” - Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Chương trình Vinh quang Việt Nam theo các chủ đề thường niên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm tôn vinh các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Đồng chí ghi nhận và biểu dương tinh thần thi đua, sự đóng góp to lớn, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học, công nhân, viên chức, người lao động đã trực tiếp tham gia xây dựng, kiến tạo 8 công trình tiêu biểu, mang đậm dấu ấn được tôn vinh lần này. “Đây chính là biểu tượng chân thực, minh chứng sống động cho sự dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho xã hội của trí tuệ Việt Nam. Tôi mong rằng, các trí tuệ Việt Nam sẽ tiếp tục sáng tạo ra những công trình có ý nghĩa lớn lao, bởi đây là những tấm gương đầy tự hào về ý chí và trí tuệ con người Việt Nam” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Mai ThảoTĐKT – Tối 26/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 năm 2018. Tới dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2018); kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2018) và chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
Tại buổi lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh cho 70 gương mặt tiêu biểu xuất sắc nhất, đại diện cho hơn 10 triệu công nhân, viên chức, lao động cả nước đang ngày đêm lao động, cống hiến cho đất nước.
Họ là những công nhân, kỹ thuật viên đang trực tiếp lao động sản xuất, trong các loại hình doanh nghiệp. Dù ở các lĩnh vực công tác khác nhau, có trình độ học vấn, có tay nghề và điều kiện làm việc khác nhau, song họ có một điểm chung là trình độ chuyên môn tay nghề vững vàng, say mê lao động sáng tạo, mẫu mực trong đạo đức và lối sống, có tinh thần lạc quan, luôn biết vượt qua những khó khăn của bản thân, của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Đồng thời, họ luôn luôn khát khao tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Họ thực sự đã trở thành những người thầy, người anh trong tổ, đội, phân xưởng giúp doanh nghiệp đào tạo, dìu dắt đội ngũ công nhân, lao động trẻ nắm vững tay nghề, kỹ thuật làm việc hiệu quả, nhanh chóng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, thể hiện được tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt lên những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ được giao.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 năm 2018 cho các cá nhân tiêu biểu
“70 cá nhân đạt Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 là 70 bông hoa đẹp trong rừng hoa người tốt, việc tốt của giai cấp công nhân Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” - Đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Buổi lễ cũng gặp gỡ, giao lưu với 3 nhân vật tiêu biểu, có nhiều thành tích trong lao động sản xuất là: Anh Nguyễn Hữu Tùng, kỹ sư xưởng đo lường - tự động hóa Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí; chị Dương Hồng Loan, Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Long An; anh Nguyễn Xuân Hải, kỹ sư điện, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, TP Hải Phòng.
Chương trình giao lưu, gặp gỡ với 3 gương mặt tiêu biểu của Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận và biểu dương 70 cá nhân vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này; đồng thời mong rằng anh, chị, em được nhận giải thưởng tiếp tục phát huy nhiệt huyết và sự năng động, sáng tạo trong lao động, tạo ra nhiều sáng kiến, sáng tạo có hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước. Những tấm gương công nhân, lao động tiêu biểu được trao giải thưởng hôm nay sẽ lan tỏa sâu rộng để mỗi công nhân học tập noi theo, phấn đấu trở thành những công nhân lành nghề có kiến thức, kỹ năng và lối sống đẹp, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh đến vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có tiềm lực về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu tại buổi lễ
Đồng chí đề nghị, thời gian tới: Các cấp ủy Đảng và tổ chức công đoàn cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đồng thời tập trung đào tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công nhân lao động. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để mỗi công nhân thực sự vừa là người giỏi nghề, thạo việc, vừa gương mẫu về đạo đức, lối sống và ngày càng có nhiều hơn nữa công nhân ưu tú được vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.
Các cấp công đoàn cần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nêu gương, nhân rộng điển hình; kịp thời tuyên dương, khen thưởng, tạo điều kiện thuận lợi để các điển hình công nhân, lao động được trao giải tiếp tục phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và đất nước.
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí để giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công nhân lao động.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cần chủ động hơn phối hợp giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của công nhân lao động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chât, tinh thần của công nhân và gia đình họ; xây dựng tốt mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Mai Thảo
TĐKT - Sở hữu 7 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế sản xuất trong giai đoạn 2013 - 2017, mang lại lợi ích kinh tế hàng trăm triệu đồng, anh Nguyễn Văn Trọn, công nhân Tổ treo tháo 2 (Đội Quản lý thiết bị đo đếm) là một trong những gương lao động giỏi, lao động sáng tạo tiêu biểu của Công ty Điện lực Bình Phú (Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh).
Anh Nguyễn Văn Trọn vinh dự nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2017
Chia sẻ về những sáng kiến đã và đang triển khai áp dụng, anh Trọn cho biết, anh nhớ nhất là giải pháp “Cải tiến hộp bảo vệ điện kế có gắn kính cường lực cho điện kế gắn ngoài nhà khách hàng”.
Anh cho biết, năm 2015, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh chủ trương dời điện kế trong nhà dân ra bên ngoài để dễ quản lý, tránh phiền hà khách hàng mỗi khi nhân viên đến đọc và ghi chỉ số điện kế.
Là công nhân làm việc trực tiếp tại hiện trường, anh Trọn nhận thấy các hộp bảo vệ điện kế đang sử dụng có nhược điểm khá lớn. Đó là phần nhựa PC sau một thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời thường bị ố mờ, gây khó khăn cho công nhân trong việc đọc chỉ số điện, dẫn đến sai sót.
Những trường hợp hộp điện bị mờ, công ty lại phải cấp mới, dẫn đến tốn kém. Thêm vào đó khách hàng phản ánh, khiếu nại nhiều do nhân viên ghi điện không chính xác.
Trước thực trạng trên, anh Trọn đã có sáng kiến cải tiến hộp bảo vệ điện kế có nắp bằng nhựa PC thành hộp bảo vệ bằng nhựa có gắn mặt kính cường lực phía trước.
Với cách làm này, tuy chi phí ban đầu cao hơn nhưng sử dụng lâu dài, hiệu quả, kính không bị mờ theo thời gian. Không những vậy, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cố định bằng 4 vít phía trong mặt sau của hộp bảo vệ.
Đặc biệt, sáng kiến đã tiết kiệm chi phí, nhân công khi thay vỏ hộp bị mờ, tạo thuận lợi cho nhân viên ghi chỉ số nhanh và chính xác hơn; tiết kiệm được nhân công đi phúc tra lại chỉ số ghi số điện không chính xác; tạo mỹ quan, giảm phiền hà cho khách hàng trong việc ghi sai chỉ số.
Ngoài ra anh còn nhiều sáng kiến hữu ích như: “Tạo tiếp xúc tốt hơn tại port đấu dây điện kế” đã tiết kiệm được 85 triệu đồng; “Sử dụng khung bảo vệ bằng kim loại để cải tiến thùng đựng TU-TI trung thế” tiết kiệm được 80 triệu đồng; “Thiết kế giàn khung sắt để bảo quản các đoạn cáp ngầm lẻ tại Kho Công ty Điện lực Bình Phú” tiết kiệm được 55 triệu đồng …
Bên cạnh đó, với vai trò là an toàn viên, vệ sinh viên của Tổ, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt công tác được giao. Những hạng mục về biện pháp an toàn, bảo hiểm lao động được thực hiện hàng ngày của anh em công nhân trong tổ được anh quan tâm. Anh còn tổ chức tập huấn cho 15 anh em công nhân trong tổ về phương pháp cấp cứu người bị điện giật, hô hấp nhân tạo; thử dây da an toàn; phổ biến quy trình kỹ thuật an toàn điện và quy trình kinh doanh điện năng cho anh em công nhân trong tổ...
Với những kết quả đạt được, anh Nguyễn Văn Trọn đã được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liên tục (2012 – 2016), được tặng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành, Tổng Công ty và vinh dự đón nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2017 do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh trao tặng. Đặc biệt, vừa qua anh còn vinh dự là 1 trong 700 điển hình được tôn vinh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018).
Tùng Chi
Người nông dân Việt Nam đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ danh dự về y học cổ truyền
TĐKT - Dù tuổi đã cao nhưng thương binh Đoàn Văn Khanh (thường gọi Tư Khanh), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (xã Song Thuận, Châu Thành, Tiền Giang) vẫn đam mê sáng tạo. Bằng nỗ lực và lòng kiên trì, ông đã nghiên cứu, sử dụng trái bưởi, hoa bưởi, dừa sáp để chế biến ra 28 mặt hàng dược phẩm, dược liệu có giá trị, phục vụ tiêu dùng, trị bệnh cho người dân trong và ngoài nước. Ông là nông dân đầu tiên của Việt Nam được Trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Ông Đoàn Văn Khanh (thứ hai từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) Cống hiến tuổi xuân cho quê hương Những năm 1967, Mỹ lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang với mục đích khống chế toàn bộ tài nguyên và an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cậu bé Khanh lúc đó mới khoảng 9, 10 tuổi đã xung phong làm giao liên, rồi gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh giặc khi mới 12 tuổi. Năm 14 tuổi, bị thương ở cánh tay phải trong một trận chiến, Tư Khanh trở về làm xã đội phó rồi làm xã đội trưởng của xã Song Thuận. Năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng. Trải qua nhiều năm công tác, ở nhiều cương vị khác nhau: Bí thư Đảng ủy xã, Huyện ủy viên, Bí thư huyện đoàn, Giám đốc xí nghiệp gỗ, Phó Chủ tịch huyện Châu Thành, Phó Giám đốc Liên hiệp lâm sản Tiền Giang…, ông luôn thể hiện mình là một cán bộ mẫn cán, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về hưu năm 1994 với tỷ lệ mất sức là 61%, xếp hạng thương binh 2/4, lòng nhiệt tình với công tác xã hội lại thôi thúc ông tham gia sinh hoạt đoàn thể tại địa phương. Với tâm niệm: “Là thương binh tàn nhưng không phế, phải biết khiếm khuyết chỗ nào và chỗ nào không khiếm khuyết để tập trung vào phát huy tốt hơn những chỗ không khiếm khuyết”, ông tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương, giúp đỡ người nghèo, bà con lối xóm. Ngày ấy, Song Thuận trở thành một trong những xã thoát nghèo nhanh nhất tỉnh Tiền Giang một phần nhờ công sức và tấm lòng của những mạnh thường quân như ông Tư Khanh. Với nhiều biện pháp thiết thực như vận động hội viên góp vốn xoay vòng, xây dựng quỹ đồng đội và đề ra các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”..., Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận do ông làm Chủ tịch đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Khanh xây dựng các mô hình làm kinh tế, rồi bàn bạc với Ban Chấp hành Hội trích quỹ hội mua dê giống, thỏ giống, nhờ các hội viên khá giả nuôi rồi sau đó thu dê con, thỏ con tặng các hội viên nghèo, giúp nhau thoát nghèo. Từ những phong trào này, nhiều hội viên đã thoát cảnh nhà mái lá, cột xiêu, ổn định nơi ở để phát triển kinh tế gia đình, có hộ mua sắm được nhà cửa, tài sản có giá trị. Không những vậy, nhằm giúp anh em cựu chiến binh có vốn nuôi lợn, ông Tư Khanh đã dùng 6 công đất của mình thế chấp để vay ngân hàng 600 triệu đồng hùn vốn cho họ. Sản xuất thuốc để trị bệnh, giúp người Ông đến với nghề y dược học cổ truyền một cách rất tình cờ. Năm 2006, tin đồn ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Quả bưởi bán không ai mua, chín rụng đầy vườn không ai nhặt. “Nhìn cây bưởi rơi vào tình cảnh đó, tôi thấy xót xa. Muốn chứng minh thông tin đó hoàn toàn sai, lại từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ bưởi, tôi quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người.” - Ông kể. Nghĩ là làm, ông xin từ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận, lên đường “tầm sư”, học nghề y chuyên về thuốc Nam. Qua đây, ông nắm được các dược tính của quả bưởi cũng như cách phối kết hợp bưởi cùng các nguyên liệu khác để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên. Ông Đoàn Văn Khanh và các sản phẩm của mình Trong quá trình nghiên cứu, bào chế ra các sản phẩm từ bưởi, ông vấp phải không ít lời dị nghị vì người dân chưa hiểu hết về tính năng, công dụng của quả bưởi, cho rằng sản phẩm không an toàn với sức khỏe. Không nản lòng, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, quyết tâm bào chế các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa chất. Không phụ sự nỗ lực của ông, các sản phẩm lần lượt ra đời đã chiếm được lòng tin yêu và ưa chuộng của khách hàng. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng ông đã chiết xuất thành công tinh dầu hoa bưởi với nhiều công dụng như trị hói đầu, rụng tóc, tóc thưa, kích thích mọc tóc. Tiếp theo, ông lại cho ra đời sản phẩm nước bưởi ép với công dụng giải độc cơ thể, hạ men gan, hạ huyết áp, tan mỡ bụng, giảm cholesterol… Hai sản phẩm này đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 (2008); đồng thời, giải pháp: "Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc" của ông Khanh được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam" (năm 2008). Tính đến nay, ông đã sản xuất thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi, dừa sáp và một số cây thuốc nam trong vườn nhà. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu sản xuất ra nhiều loại trà, thuốc từ hoa bưởi và thảo dược trị bệnh về bao tử, đại tràng mãn tính, viêm đa khớp, thần kinh tọa, gai thoái hóa cột sống… với tỷ lệ số người điều trị đạt hiệu quả đến 70%. Khu vườn của ông Khanh có diện tích 8.000 m2, chuyên trồng bưởi, hơn 100 cây dừa sáp, một số cây thuốc nam như mật gấu, đinh lăng, sâm đất, thần kỳ, chùm ngây… để cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hàng hóa tiêu thụ ngày một nhiều, ông chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận để phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết khép kín. Trái cây và cây thuốc Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vườn nhà được đưa thẳng vào nhà máy Long Thuận, đảm bảo độ sạch tuyệt đối của nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình trồng và chăm sóc dược liệu, với chủ trương “Nói không với hóa chất, lấy thiên nhiên bảo vệ thiên nhiên”, ông tự nghiên cứu ra một số loại thuốc Nam để trị sâu bệnh cho cây chứ kiên quyết không phun thuốc sâu. Nhờ vậy, trải qua nhiều lần kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm của Doanh nghiệp Long Thuận đều đạt chuẩn và được công nhận không chứa hóa chất, tạo được sự tín nhiệm với người dùng. Hiện nay, nhiều sản phẩm của công ty đã đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền và các tiêu chuẩn quốc tế: CGMP, ISO-HACCP, ORGANIC…. Điều đáng nói là với những loại thuốc dùng để trị bệnh, ông sản xuất ra với mục đích làm từ thiện, để cứu người chứ không mang ra kinh doanh. Ông bảo: “Cách nào cũng là để làm giàu nhưng làm giàu trên con bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được”. Bệnh nhân bị các bệnh mạn tính ở các nơi nghe tiếng thơm đã tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí. Hiện nay, thu nhập từ việc kinh doanh của ông lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm giúp ông chăm lo cuộc sống gia đình, con cháu đều được ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định và hạnh phúc. Trước thành công đó, ông vẫn không quên trích góp phần lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây mộ cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, đồng đội và người nghèo, xây dựng đường điện nông thôn mới, hàng năm ủng hộ phong trào “Bao gạo cho đồng đội”,… Năm 2016, ông được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen đã đạt thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2012 - 2016, góp phần vào việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 2018, ông là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Ngoài ra, ông cũng đã nhận được nhiều huy chương vàng và bằng khen khác. “Tôi được cấp bằng Tiến sĩ danh dự thì hết sức bất ngờ. Vì tôi ráng làm chứ đâu có nghĩ công trình nghiên cứu của mình, chỉ tính là chuyện làm ra để phục vụ sức khỏe, kinh doanh có kinh tế cho gia đình thôi. Nay được cấp bằng thì hết sức phấn khởi, thúc đẩy cho tôi có tinh thần, tiếp tục nghiên cứu thêm để tạo ra các sản phẩm mới nữa để phục vụ cho sức khỏe dân mình và đưa y học cổ truyền của dân mình tiến lên tầm quốc tế” - ông chia sẻ. Ông cho biết thêm: “Trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, tìm thêm thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu thêm các sản phẩm mới phục vụ cho sức khỏe người tiêu dùng, giải quyết việc làm cải thiện thu nhập cho người lao động.” Nguyệt Hà“Người thuyền trưởng” tài năng, tâm huyết của Khoa Điều trị liệt vận động – ngôn ngữ trẻ em
TĐKT - Điều làm nên ấn tượng đối với những ai đã từng đến với Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) là không khí làm việc khẩn trương cùng sự hướng dẫn, chăm sóc tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên. Đây chính là một trong những lý do khiến Khoa luôn nhận được sự tin tưởng, quý mến của đông đảo bệnh nhân, góp phần đưa danh tiếng Bệnh viện Châm cứu Trung ương vươn xa trên bản đồ y học trong nước và thế giới. Đóng góp vào thành công của Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em phải kể đến vai trò của “người thuyền trưởng” tài năng, tâm huyết - Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ, BSCKI, bác sĩ nội trú Dương Văn Tâm. Trên cương vị Trưởng khoa, với tinh thần trách nhiệm cao, sự vững vàng về chuyên môn cùng tầm nhìn chiến lược, bác sĩ Dương Văn Tâm đã tập hợp được sức mạnh tập thể, khắc phục mọi khó khăn, đưa Khoa từng bước phát triển, thực hiện vượt mức kế hoạch được giao. Trong giai đoạn 2013 - 2017, trung bình công suất giường bệnh của Khoa luôn đạt trên 150%; tỷ lệ bệnh nhân khỏi và đỡ đạt 90%. Các bệnh nhi được điều trị tại Khoa Với mong muốn đem tới cho người bệnh phương pháp điều trị hiệu quả, tiên tiến, bác sĩ Dương Văn Tâm đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, làm chủ nhiều kỹ thuật mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa của phương pháp cổ truyền. Trong thời gian qua, anh đã tham gia, thực hiện nhiều đề tài các cấp: “Nghiên cứu tác dụng điện châm phục hồi chức năng nghe cho trẻ bị điếc tiếp nhận”, “Bước đầu nghiên cứu tác dụng châm cứu điều trị hỗ trợ chứng tự kỷ ở trẻ em”, “Nghiên cứu tác dụng điện châm điều trị đau đầu thể Can Thận âm hư”… Anh cũng có nhiều bài báo được đăng phát trong Tạp chí Châm cứu, Tạp chí Nghiên cứu và Thực hành Nhi khoa, website của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Tập san Hội thảo khoa học Thầy thuốc Ưu tú, Vietnamnet.vn, tintuc.vn, VTC9 News, JoyFM,…; tham gia chương trình “Y học phương Đông”, “Sống khỏe mỗi ngày” của VTV2 về liệt vận động - ngôn ngữ, bại não, tự kỷ ở trẻ em. Thạc sĩ, BSCKI, bác sĩ nội trú Dương Văn Tâm còn được biết tới là con người của những sáng kiến được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Trước hết phải kể đến sáng kiến “Xây dựng môi trường trị bệnh thân thiện hướng tới sự hài lòng của người bệnh” với việc mở phòng tập luyện - đồ chơi trị liệu dưới sự hướng dẫn của các nhóm tình nguyện và nhân viên y tế; trang trí buồng bệnh, hành lang sinh động; tạo không gian xanh - sạch - đẹp; lồng ghép kỹ thuật điều trị, chăm sóc với trò chuyện, giao tiếp, sử dụng đồ chơi, tranh ảnh để tạo cảm giác thích thú, giảm sự lo âu, sợ hãi cho bệnh nhi; động viên, tư vấn cho cha mẹ trẻ trong quá trình điều trị. Sau 1 năm triển khai tại Khoa, sáng kiến đã đem lại những tín hiệu khả quan, giúp tỷ lệ khỏi đỡ tăng từ 88% lên 90% đồng thời giúp bác sĩ, điều dưỡng của Khoa nâng cao tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sáng kiến “Phòng tập luyện đồ chơi trị liệu - Âm ngữ trị liệu” với công suất sử dụng đạt trên 100%, đem tới tỷ lệ khỏi, đỡ cho trẻ đạt 90%. Sáng kiến này đã giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho trẻ. Phòng tập luyện đồ chơi trị liệu - Âm ngữ trị liệu giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho trẻ Là giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và Đại học Y Hà Nội, anh cũng có nhiều đóng góp vào công tác đào tạo đội ngũ kế cận. Không chỉ tham gia giảng dạy y lý, bác sĩ Dương Văn Tâm còn hướng dẫn lâm sàng, chuyển giao kỹ thuật cho sinh viên, bác sĩ về học tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương và tại các tỉnh, thành phố. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, anh cùng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Khoa thường xuyên quan tâm, động viên, hỗ trợ người bệnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Bằng uy tín của cá nhân cũng như Khoa và Bệnh viện, Trưởng khoa Dương Văn Tâm đã vận động các cá nhân, tập thể ủng hộ bệnh nhi nghèo tàn tật với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Những cống hiến của Trưởng khoa - Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ, BSCKI, bác sĩ nội trú Dương Văn Tâm đã được vinh danh bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Y tế, Giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông”, Bằng khen của Hội Châm cứu Việt Nam, Bằng khen của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Sự ghi nhận này đã tạo động lực cho anh tiếp tục nỗ lực mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhi. Nguyễn QuânChương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 tôn vinh những thầy, cô giáo dạy trẻ đặc biệt
TĐKT - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Thiên Long tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018, tôn vinh 63 thầy giáo, cô giáo dạy trẻ đặc biệt. “Chia sẻ cùng thầy cô” là hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay. Trong 3 năm qua, chương trình đã tuyên dương 166 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo và các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác giảng dạy, giúp đỡ học sinh đến trường. Họp báo giới thiệu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 Tiếp nối những thành công đó, năm 2018, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức và hướng về những thầy, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Thị Thu Vân khẳng định: Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ, nhưng với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Người thầy phải có một ý chí, nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả thì mới bám trụ được với nghề. Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ, giúp các em khuyết tật tự khẳng định bản thân và cơ hội hòa nhập cộng đồng. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo dạy trẻ khuyết tật xứng đáng được xã hội tôn vinh, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay. Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho biết: "Chúng tôi hy vọng Chia sẻ cùng thầy cô sẽ đến gần với các thầy giáo cô giáo dạy học trò có hoàn cảnh đặc biệt, để hiểu hơn về nỗi vất vả, nghị lực vươn lên và tấm lòng của họ. Đồng thời, tin rằng Chia sẻ cùng thầy cô năm nay sẽ truyền đi những câu chuyện xúc động về tình thầy trò. Ở đó, có thể tình thầy trò không được biểu hiện bằng những giác quan thông thường nhưng vẫn trọn đầy và ấm áp". Trong chương trình, tháng 9/2018 "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo dạy trẻ khuyết tật tại một số tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, chương trình sẽ tổ chức cuộc thi online mang tên "Nghĩ về người giáo viên giáo dục đặc biệt". Thông tin chi tiết xem tại fanpage: www.facebook.com/chiasecungthayco Mỗi thầy giáo,cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương năm nay, sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, ban tổ chức chương trình sẽ đi thăm và tặng quà một số cơ sở giáo dục nơi có các giáo viên dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương. Chương trình sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 25/7 đến hết ngày 25/9. Hồ sơ gửi về Cổng tri thức Thánh Gióng (số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dự kiến lễ tuyên dương Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018 tại Hà Nội. Mai ThảoVinh quang Việt Nam 2018: Tôn vinh 8 công trình tiêu biểu, có dấu ấn đặc biệt
TĐKT – Ngày 28/7, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Báo Lao Động sẽ tổ chức chương trình “Vinh Quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình” , nhằm tôn vinh 8 công trình tiêu biểu, có dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của đất nước. Đây là Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 14 do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, giao báo Lao Động trực tiếp thực hiện. Qua 14 lần tổ chức, có 218 tập thể và cá nhân được tôn vinh. Năm 2018, là lần đầu tiên chương trình Vinh quang Việt Nam thay đổi chủ thể để tôn vinh – những công trình tiêu biểu, mang tầm vóc quốc gia. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật thông tin về chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2018 Phát biểu tại buổi Họp báo chiều 24/7, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết: Năm 2018 đánh dấu nhiều sự kiện chính trị - xã hội quan trọng. Trong đó nổi bật là Lễ kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua của Bác Hồ cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị và trở thành tiền đề vững chắc để công nhân, lao động cả nước tiếp tục hăng say xây dựng những công trình khẳng định tầm vóc Việt Nam. Nhằm ghi nhận và vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc gắn với những công trình tầm vóc; qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo vì sự phát triển của đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…, từ đầu năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất ý tưởng bình chọn công trình đặc biệt tiêu biểu xuất sắc, ghi dấu ấn đậm nét, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm từ 1975 trở lại đây. Đặc biệt, những công trình có giá trị to lớn này đều ghi nhận công sức, trí tuệ của hàng ngàn, hàng vạn công nhân, lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc với nhiều lĩnh vực trọng yếu của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chương trình được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 89 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2018) và Chào mừng Đại hội lần thứ 12 Công đoàn Việt Nam. Thông qua nhiều vòng bình chọn theo đúng quy chế, 8 công trình đã được chọn vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”: Công trình “Đường Hồ Chí Minh”; Đường dây 500kV Bắc – Nam; Vệ tinh viễn thông của Việt Nam (VINASAT-1, VINASAT- 2); Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000”; Công trình “Từ điển Bách khoa Toàn thư”; Công trình: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451” có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu; Chương trình tiêm chủng mở rộng. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật nhận định: Những công trình này được vinh danh lần này là niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của con người Việt Nam. Nó là minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, đóng góp quyết định vào những thành tựu nổi bật của đất nước trong hàng chục năm qua. Chương trình được tổ chức vào ngày 28/7 và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1. Mai ThảoGiải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018: Tôn vinh 70 người lao động tiêu biểu
TĐKT - Chiều 24/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin về lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018. “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” là phần thưởng cao quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam được xét, trao tặng 5 năm một lần cho công nhân, lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc tiêu biểu nhất trong lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tích cực đào tạo, kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Trong 10 năm triển khai thực hiện, với 2 lần xét chọn và trao tặng (lần thứ I năm 2008 và lần thứ II năm 2013), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tôn vinh 239 công nhân, lao động tiêu biểu, xuất sắc. Giải thưởng đã tạo động lực mạnh mẽ, khích lệ đội ngũ công nhân trong cả nước hăng say lao động, sản xuất, say mê sáng tạo, góp phần đưa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” lên tầm cao mới cả bề rộng và chiều sâu. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính chia sẻ tại Họp báo Tiếp nối thành công của hai lần trao giải trước, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 08/KH-TLĐ ngày 23/2/2018 về tổ chức xét chọn và trao tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” lần thứ III, năm 2018. Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: Kể từ khi phát động, đến hết tháng 5/2018, Hội đồng xét chọn đã nhận được tổng số 186 hồ sơ của 50/63 (chiếm 79,3%) LĐLĐ tỉnh, thành phố và 17/20 (chiếm 85%) Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty. Tổng số đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của các cá nhân đạt giải thưởng là 781 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật (31 đề tài, 750 sáng kiến) với tổng giá trị làm lợi trên 74.000 tỷ đồng và có 59 lượt cá nhân được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn. Tuy nhiên, đồng chí Mai Đức Chính cũng chỉ ra rằng: Đa số những công nhân, lao động tham gia xét chọn Giải thưởng là những cá nhân có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến làm lợi nhưng chưa tự viết được báo cáo hoặc kê khai cụ thể giá trị làm lợi của đề tài. Để lựa chọn ra 70 công nhân, lao động xuất sắc tiêu biểu nhất nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Ban tổ chức đã quy định rõ hơn đối tượng (công nhân trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất) và nâng cao hơn tiêu chí, tiêu chuẩn xét chọn, trao tặng Giải thưởng so với 2 lần trước (điểm chấm chủ yếu dành cho sáng kiến, sáng tạo đem lại giá trị làm lợi cao). Đồng thời, bộ phận thường trực thi đua, khen thưởng các cấp công đoàn phải tích cực, chủ động hơn trong hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, lao động viết báo cáo thành tích và kê khai sáng kiến. Dự kiến, nhân dịp trao tặng Giải thưởng lần này, 30 cá nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo, được áp dụng vào thực tiễn, đem lại giá trị làm lợi cao sẽ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018 sẽ được tổ chức vào lúc 19h00 ngày 26/7/2018 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Mai ThảoTrường Đại học Lao động – Xã hội đạt chuẩn chất lượng giáo dục
TĐKT – Sáng 24/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường Đại học Lao động - Xã hội (LĐXH). Trường Đại học Lao động Xã hội đón nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục Năm 2008, Trường Đại học LĐXH bắt đầu triển khai hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo Quyết định số 65/2007/QĐ – BGDĐT ngày 1/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với yêu cầu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở đánh giá đúng những mặt mạnh và hạn chế theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tới nay, nhà trường đã triển khai tự đánh giá 3 lần (theo các giai đoạn: 2001 – 2008, 2008 – 2013, 2010 – 2015) và đánh giá ngoài nhà trường vào năm 2017. Qua quá trình khảo sát từ ngày 28/11 – 5/12/2017, căn cứ báo cáo chính thức của Đoàn đánh giá ngoài (Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), ngày 30/6/2018, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội ký Quyết định số 223/QĐ-KĐCL về việc cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường Đại học LĐXH. Kết quả này ghi nhận sự cống hiến, nhiệt tâm, trách nhiệm của tập thể nhà trường trong suốt những năm qua, đánh dấu trang sử mới trong sự nghiệp phát triển của nhà trường. Trường Đại học Lao động – Xã hội đã và đang từng bước khẳng định vị thế của một trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành lao động - thương binh và xã hội và cho đất nước. Hiện nay, Nhà trường đã có đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động gồm 746 người, trong đó có có 531 giảng viên cơ hữu (Trong số này có: 2 PGS, 73 tiến sĩ, 394 thạc sĩ, 62 cử nhân). Hoạt động đào tạo của nhà trường năm học 2016 - 2017 tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực theo phương châm “Đào tạo gắn liền và đáp ứng được với đòi hỏi, yêu cầu ngày một cao của xã hội”. Nhà trường tiếp tục thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ, ban hành và thực hiện quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên. Công tác giảng dạy và học tập từng bước đi vào nền nếp. Công tác đánh giá, kiểm tra, tổ chức thi được đổi mới, phù hợp hơn; chất lượng đào tạo được cải thiện theo hướng hạn chế tiêu cực, gắn đào tạo với thực tiễn, tăng cường công tác thực hành, thực tập. Năm học 2016 - 2017, tại Trụ sở chính và Cơ sở Sơn Tây đã có 2.072 sinh viên đại học được cấp bằng tốt nghiệp. Trong đó có 5 sinh viên đạt loại xuất sắc, 1.722 sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi chiếm 83.35%, 345 sinh viên xếp loại loại trung bình chiếm 16.65%. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi của sinh viên đại học khóa 9 cao hơn so với sinh viên khóa 8 là trên 30%. Về đào tạo sau đại học, năm học 2016 – 2017, trường đã tổ chức bảo vệ luận văn, xét tốt nghiệp cho 147 học viên cao học, kết quả 100% học viên đạt kết quả tốt. Theo kết quả khảo sát cựu sinh viên tốt nghiệp từ khóa 5 đến khóa 7 có 568 cựu sinh được hỏi có tới 517 sinh viên (91%) đã có việc làm, số còn lại là 51 sinh viên (9,0%) chưa có việc làm. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo của trường được nâng cao và từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nguyệt HàTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 109
- 110
- 111
- 112
- 113
- …
- sau ›
- cuối cùng »