TĐKT - Tối 9/8, tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Ban Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Bóng đá tổ chức Chương trình Giao lưu "Gương sáng vì biển, đảo quê hương".
Các đại biểu giao lưu trong Chương trình
Dự buổi giao lưu có: Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân chủng, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải Quân; Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải Quân; ông Nguyễn Văn Phú, Tổng biên tập Báo Bóng đá; ông Đoàn Mạnh Hùng, Trưởng Ban thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cùng dự có các đại biểu đại diện các cơ quan Cục chính trị Quân chủng Hải quân; Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh vùng 1; đại biểu, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh các vùng Hải quân; Thủ trưởng Học viện Hải quân; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; phóng viên Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Bóng đá, gần 400 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị trực thuộc vùng…
Khai mạc chương trình, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân cho biết: Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân" là bước cụ thể hóa các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói chung, Hải quân Vùng 1 nói riêng. Cuộc vận động đã thực sự trở thành một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng các cơ quan, đơn vị và Vùng 1 Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu cũng đã và đang trở thành một phong trào sâu rộng trong mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Bóng đá thời gian qua.
Trong quá trình thi đua, đã có những điển hình tiên tiến, tiêu biểu, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Chương trình Giao lưu "Gương sáng vì biển, đảo quê hương" là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, nhân rộng, lan tỏa những điển hình tiên tiến đó, thiết thực chào mừng Đại hội thi đua Quyết thắng Vùng 1 Hải quân giai đoạn 2013 - 2018.
Chương trình đã giao lưu với 10 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Ban Thời sự VOV và Báo Bóng đá.
Tiêu biểu trong số đó là Trung tá Lê Anh Tuấn, chính trị viên Hải đội 137, Vùng 1 Hải quân, luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc, gương mẫu trong lối sống, gần gũi, quan tâm, chăm lo cho bộ đội, là chỗ dựa vững chắc cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải đội vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tiễu, quản lý, bảo vệ vùng biển được phân công.
Anh đã được Bộ Tư lệnh Vùng 1 tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 2 năm liên tục (2016, 2017). Năm 2017, anh đạt danh hiệu Chính trị viên Hải đội tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân.
Chị Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp - Biển đảo, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ song đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp báo chí của mình. Chị đạt giải C Báo chí Quốc gia năm 2013, giải A Báo chí Quốc gia năm 2017, 5 lần nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Phòng Nông nghiệp - Biển đảo do chị làm Trưởng phòng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Với suy nghĩ "cứu người là mệnh lệnh trái tim, Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Vỹ, phụ trách kíp xuồng, Hải đội 4, Vùng 1 Hải quân là người luôn tiên phong, bất chấp hiểm nguy, tích cực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khu vực cầu Bính, sông Cấm (TP Hải Phòng).
Từ năm 2013 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Văn Vỹ vinh dự 4 lần được Bộ Tư lệnh Vùng 1 tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong chương trình, các đại biểu còn được giao lưu với các gương điển hình: Nhà báo Nguyễn Hiền Đức, Báo Bóng đá tham gia đoàn công tác số 2 trên con tàu Trường Sa 571 ra thăm và động viên quân và dân ở quần đảo Trường Sa và đã có những loạt bài ấn tượng về đề tài này; Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Tiến Vinh, lái xe Phân đội 5, Đội Hỏa lực, Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân - người vinh dự được nhận danh hiệu "Chiến sĩ lái xe tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân" năm 2016; anh Nguyễn Tuấn Tú, phóng viên Phòng Sản xuất chương trình Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam từng đạt giải C Báo chí Quốc gia năm 2014, Giải Vàng Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2018...
Phương Thanh
Điển hình tiên tiến
TĐKT - Vui vẻ, nhiệt tình, đó là nhận xét của nhiều người về anh Phạm Kim Ngân (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ). Không chỉ là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương, anh Ngân còn là cán bộ đoàn năng động, sáng tạo và luôn là người tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của đoàn thanh niên địa phương.
Anh Ngân tự tay chăm sóc vườn chanh của mình
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh Ngân quanh năm trồng lúa để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, thấy việc trồng lúa vất vả nhưng không đem lại thu nhập cao, anh Ngân nung nấu ý nghĩ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nghĩ là làm, anh Ngân miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu tìm ra mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng quê hương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định cải tạo đất để trồng hoa huệ.
Năm 2007, anh trồng thử nghiệm trên 2 công đất. Từ những hiệu quả ban đầu, anh Ngân dần mở rộng diện tích trồng huệ hết 1 ha trồng lúa trước đó. Các khâu từ nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc cây hoa huệ đều được anh làm kỹ để chuẩn bị cho mùa hoa cuối năm là thời điểm bán hoa được giá nhất.
So sánh việc trồng hoa huệ với cây lúa, anh Ngân cho biết: “Trồng hoa huệ hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa”. Mô hình này mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Thành công với mô hình trồng hoa huệ nhưng theo anh Ngân, trồng hoa huệ có điểm hạn chế. “Cây hoa huệ không thể trồng lâu trên một mảnh đất mà sau vài năm phải trồng ở đất mới. Do đó, người trồng huệ phải thay đổi đất trồng thường xuyên để phát triển loại hoa này. Khi đất đã bắt đầu bạc màu, cần phải thuê hoặc mua đất mới.” - anh Ngân cho biết.
Bởi vậy, anh quyết định tìm hiểu để chuyển sang trồng loại cây khác. Anh tham quan các mô hình trồng trọt hiệu quả ở các địa phương, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông của xã, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường để trồng loại cây gì vừa cho năng suất cao, vừa có đầu ra ổn định.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm, anh Ngân cải tạo lại 1 ha đất sau đó trồng chanh xen đu đủ. Loại chanh anh lựa chọn để trồng là chanh núm tứ quý. Theo anh Ngân, loại chanh này cho quả quanh năm, trung bình mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch khoảng 1,5 tấn chanh.
Cũng theo anh Ngân, chỉ trừ vài tháng rộ mùa, chanh có giá 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg, còn lại chanh có giá cao, đặc biệt là vào mùa nắng, giá chanh thường ở mức trên 20.000 đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình anh Ngân thu nhập từ chanh ở mức trên 150 riệu đồng.
Ngoài ra, anh Ngân còn trồng 300 gốc đu đủ xen với chanh, cứ 5 ngày là thu hoạch một đợt trái, 5 - 7 tháng trồng lại một lứa đu đủ mới. Trung bình một năm anh thu hoạch khoảng 10 tấn đu đủ, trừ chi phí cho lãi khoảng trên 30 triệu đồng.
Từ thành công của mình, anh Ngân tích cực hướng dẫn cho các đoàn viên, thanh niên, nông dân trong xã phát triển kinh tế. Anh còn chiết cành chanh bán cho những nơi có nhu cầu. Với những hộ khó khăn, anh giảm 50% giá hoặc hỗ trợ miễn phí.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh Ngân còn làm tốt công tác xã hội. Với vai trò là ủy viên Ban chấp hành chi đoàn ấp 1, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh thường xuyên tìm tòi, cập nhật thông tin và tuyên truyền, vận động các đoàn viên thanh niên chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài ra, anh chỉ đạo chi đoàn tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp để giúp thanh niên có nhận thức đúng về lao động và việc làm; tăng cường tư vấn, định hướng, khuyến khích thanh niên chủ động tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn liên kết sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, anh Ngân được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND cấp xã và cấp huyện.
Tùng Chi
Nhân viên tàu SE1 trả lại gần 120 triệu cho hành khách để quên
TĐKT - Sáng 7/8, chị Hồ Thị Thúy Diễm (trú tại Tuy Hòa, Phú Yên) – chủ nhân của số tài sản gần 120 triệu đồng để quên trên chuyến tàu SE1 đã nhận lại được tài sản của mình trong niềm vui và xúc động. Số tiền bị bỏ quên đã được trao trả lại cho hành khách Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tàu SE1 xuất phát tại Ga Hà Nội ngày 5/8/2018, đến ga Tuy Hòa tối ngày 6/8 do Tổ tàu thuộc Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội (Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội) phụ trách. Vào lúc 21h ngày 6/8, sau khi tàu SE1 rời ga Tuy Hòa thì anh Phạm Văn Vương - nhân viên toa 8 (Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội) trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện hành khách tại giường số 2 có để quên một ba lô màu xám. Ngay tập tức, anh đã báo với trưởng tàu SE1 Vũ Thanh Minh tiến hành lập biên bản. Vào thời điểm kiểm tra, bên trong balo có số tiền lớn (khoảng gần 120 triệu) cùng một số tư trang cá nhân và thẻ ATM mang tên Hồ Thị Thúy Diễm. Sau khi tàu SE1 đến ga Nha Trang, anh Minh đã tiến hành bàn giao lại cho nhân viên khách vận trực tiếp liên hệ và thông báo với hành khách về sự việc. Mai ThảoTĐKT - Thấy các cháu học sinh và người dân địa phương ngày ngày vất vả, cực nhọc đến trường, vận chuyển hàng hóa, lưu thông trên tuyến đường tỉnh lộ 932 đã bị xuống cấp nghiêm trọng, luôn rình rập nhiều nguy hiểm, anh Trang Minh Trí, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã tự nguyện bỏ hơn 80 triệu đồng cùng nhiều công lao động; đồng thời vận động nhân dân tham gia góp tiền của, công sức để sửa chữa tuyến đường.
Đến xã An Hiệp, hỏi gia đình anh Trang Minh Trí ai cũng biết. Họ cho biết anh là chủ cơ sở bún khô Thanh Đại, một công dân tốt bụng, làm ăn chân chính, có nhiều đóng góp cho quê hương.
Hoạt động sản xuất bún gạo khô của gia đình anh Trang Minh Trí
Làm chủ một cơ sở bún khô, công việc của anh vô cùng vất vả. Hơn 10 năm qua, anh luôn mơ ước sẽ có nhiều vốn liếng để có thể thay thế một số thiết bị, máy móc hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác sản xuất bún khô của gia đình. Bên cạnh một số thiết bị hiện có như lò sấy bún gạo, lò sấy mì nui, máy đóng gói, anh mong muốn có thể đầu tư lò hơi mới. Nhưng sự khó khăn về tài chính khiến cho mong muốn của anh còn gác lại.
Dù kiếm đồng tiền không phải dễ dàng với tiểu thương Trang Minh Trí nhưng khi địa phương phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, anh và gia đình đã tích cực hưởng ứng, đồng thời vận động người dân tại địa phương cùng tham gia với mong muốn góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã An Hiệp nói riêng và trên địa bàn toàn huyện Châu Thành nói chung.
Với tinh thần chung sức xây dựng nông mới nhằm góp phần hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới xã An Hiệp vào năm 2018, anh đã có những việc làm cụ thể.
Trong thời gian qua, địa phương đã được nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn như xây dựng lộ nông thôn, cầu giao thông nông thôn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được nâng cấp do thiếu kinh phí.
Nhận thấy được điều đó, khi tuyến tỉnh lộ 932 nối dài qua ấp Giồng Chùa A về Bưng Tróp bị xuống cấp, hư hỏng nhiều đoạn, gây khó khăn cho học sinh đến trường và ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, anh đã chủ động bỏ ra 80 triệu đồng để mua đá mi, đồng thời đưa công nhân của cơ sở và vận động người dân xung quanh góp công thực hiện sữa chữa tuyến đường.
Đối với các cuộc vận động của Đảng ủy, UBND xã, gia đình anh đã chủ động đóng góp với mong muốn góp một phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người dân địa phương. Cụ thể, anh đã chủ động đóng góp: Hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ quà cho hộ nghèo nhân dịp tết; đóng góp xây dựng cầu giao thông nông thôn; hỗ trợ kinh phí lễ hội đua ghe ngo … với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào do UBND xã phát động về việc “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, anh cùng gia đình dành phần đất trước nhà để trồng hoa và cây xanh, đồng thời vận động bà con xung quanh cùng thực hiện nhằm tạo nét mỹ quan cho bộ mặt nông thôn.
Ngoài ra trong thời gian gần đây, UBND xã tiếp tục tuyên truyền về việc đăng ký thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã. Trên tinh thần đó, gia đình anh đã tiên phong trong việc đăng ký đạt chuẩn hộ văn hóa nông thôn mới đồng thời mạnh dạn vận động bà con trong ấp đăng ký phấn đấu đạt hộ văn hóa nông thôn mới nhằm góp phần cùng địa phương phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2018.
Với vai trò là một cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất bún khô của gia đình anh luôn luôn đảm bảo về an toàn thực phẩm và vấn đề vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động cũng như luôn hoàn thành tốt các nghĩa vụ thuế theo quy định.
Nhằm từng bước hiện đại hóa sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, anh đã không ngừng tìm hiểu, tiếp cận với các loại máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Mới đây, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương, cơ sở làm bún gạo khô Thanh Đại đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, đưa chiếc lò hơi mới vào sử dụng, công suất cao gấp 1,5 lần so với lò hơi cũ lâu nay. Nhờ vậy, cơ sở làm bún gạo khô của gia đình anh đã tiết kiệm được nhiều chi phí, các sản phẩm của cơ sở làm ra có mẫu mã đẹp hơn, sức cạnh tranh trên thị trường lớn hơn.
Trong những năm qua, kinh tế của xã An Hiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, toàn xã có trên 70 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2016 đạt trên 95 tỷ đồng, chiếm trên 13% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện.
Cơ sở cơ sở bún khô của gia đình anh Trang Minh Trí cũng đóng góp không nhỏ vào con số chung đó. Hàng năm, cơ sở bún khô Thanh Đại cung cấp ra thị trường Tây Nam Bộ và một số tỉnh thành lân cận khoảng 200 tấn sản phẩm với tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương.
“Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo các định hướng phát triển kinh tế do các cơ quan địa phương đề ra: Tham gia thực hiện điểm mô hình phát triển sản xuất có tiềm năng phát triển kinh tế tại địa phương, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi từ các phương thức làm ăn kém hiệu quả sang các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống người dân...” - anh Trang Minh Trí chia sẻ.
Với những đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, anh Trang Minh Trí đã nhiều năm liền được tặng Bằng khen UBND tỉnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Giấy khen của UBND huyện. Đặc biệt, năm 2017, anh được tặng Bằng khen là gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hưng Vũ
TĐKT – Ngày 6/8, tại Bến Tre, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, 50 năm ngày Bến Tre được tuyên dương danh hiệu "Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy" và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài và một số cá nhân.
Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là hơn 130 Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cô, các bác trong Đội quân tóc dài năm xưa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội quân tóc dài Bến Tre
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một trong những chiến trường ác liệt, là nơi Mỹ - Ngụy thí điểm áp dụng các chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới với chiêu bài "tố cộng, diệt cộng", "Luật 10/59 đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, biến cả miền Nam thành nhà tù, trại tập trung dưới cái tên "ấp chiến lược".
Trước tình hình vô cùng khó khăn và cấp bách đó, nhằm chuyển tình thế cách mạng, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Quán triệt, vận dụng thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre có nhiều sáng tạo vùng lên với phương châm 2 chân, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ. Đi liền với Đồng khởi là sự ra đời và phát triển của Đội quân tóc dài - một hiện tượng, một sự sáng tạo độc đáo của Bến Tre. Đây chính là lực lượng góp phần làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh du kích trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Từ Bến Tre, ngọn lửa Đồng khởi đã lan ra toàn miền Nam, Đội quân tóc dài từ Bến Tre được nhân rộng và phát triển hầu hết ở các tỉnh Nam bộ, góp phần quan trọng trong việc chuyển tình thế cách mạng từ phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang tiến công địch liên tục giành thắng lợi.
Sau Đồng khởi, phong trào cách mạng miền Nam tiếp tục dâng cao, luôn ở thế tiến công một cách mạnh mẽ. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Với những chiến công xuất sắc đó, Bến Tre được Hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ tư chọn là một trong 3 ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh và được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng quyết định tặng thưởng cờ danh dự mang 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”.
Trong 2 cuộc kháng chiến, phụ nữ Bến Tre đã tổ chức đấu tranh chính trị trên 1.000 cuộc lớn nhỏ với trên 30 vạn lượt người tham gia. Tổ chức 1.820 cơ sở nội tuyến, tiêu diệt 105 đồn tua; nuôi dưỡng hơn 2.561 lượt thương binh, phục vụ chiến đấu 720 trận đánh lớn, nhỏ giành thắng lợi; trực tiếp chống càn, đánh đồn 102 trận, đào 741 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, vót hơn 6 triệu cây chông, vận động hơn 5.000 binh sĩ ngụy đào bỏ ngũ, 1.400 tên mang theo súng đạn quay về với chính quyền cách mạng, vận động 21.000 thanh niên thoát ly tham gia lực lượng vũ trang các cấp, trong đó có hơn 5.000 thanh nữ ...
Phát huy tinh thần “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”, sau hòa bình Bến Tre đã cùng cả nước đoàn kết, tự lực, tự cường chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre đã nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của tỉnh bạn, đưa tỉnh Bến Tre thoát khỏi nghèo đói, từng bước thay da, đổi thịt, ngày càng phát triển.
Trong thành quả chung đó có sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong tỉnh, nối tiếp truyền thống phụ nữ trong kháng chiến, phụ nữ Bến Tre có nhiều phong trào thiết thực: Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, nhiều chị em đã vươn lên trưởng thành trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học… xứng đáng với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 2 cá nhân
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các thế hệ phụ nữ trong tỉnh.
Đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đồng bào trong tỉnh, con em Bến Tre đang công tác, sinh sống ngoài tỉnh, ngoài nước, đoàn kết một lòng, phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường của cha ông, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi phong trào Đồng khởi mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với truyền thống vẻ vang đó, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre sẽ vươn lên mạnh mẽ, vượt qua khó khăn, đưa Bến Tre trở thành tỉnh giàu, cả về vật chất và văn hóa, tinh thần, có mức sống ngang với các tỉnh trong khu vực, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Đội quân tóc dài, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện gia đình hai đồng chí: Huỳnh Minh Lễ, chiến sĩ đặc công, Chính trị viên phó Đại đội, Chủ nhiệm đặc công Tỉnh đội Bến Tre và đồng chí Lê Văn Duyệt, chiến sĩ tình báo, Trưởng ban Trinh sát quân báo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vận động hỗ trợ Bến Tre phần quà trị giá 500 triệu đồng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vận động tặng 500 phần quà; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ủng hộ 2 tỷ đồng để tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tỉnh Bến Tre.
Ngọc Long
TĐKT - “Tuân kết nối”, “Tuân từ thiện”, “Tuân thanh niên” là những cái tên đầy trìu mến mà bà con các dân tộc thiểu số dọc biên giới Lai Châu vẫn thường dùng khi nhắc tới Đại úy Phạm Tuân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu. Công việc tình nguyện cùng những món quà ấm áp nghĩa tình mà anh và đồng đội mang đến thời gian qua đã in đậm trong tâm trí của nhiều người.
Đại úy Phạm Tuân (ngoài cùng bên phải) giao lưu tại Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2017
Về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Dào San từ năm 2011, thấy đời sống của nhân dân còn khó khăn, Tuân không khỏi xót xa và thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ họ.
Đồn Biên phòng Dào San nơi anh công tác được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 18,648 km đường biên giới, quản lý địa bàn 3 xã Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn với 32 bản, có tổng diện tích tự nhiên là 13.486 ha, tổng số 2.406 hộ dân, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 81% dân số.
Đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới còn cao. Hoạt động của tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác như trộm cắp gia súc qua biên giới, sang Trung Quốc làm thuê, lấy chồng trái phép, buôn bán người vẫn xảy ra.
Cùng với đó, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, diễn biến thất thường, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều em học sinh có nguy cơ bỏ học.
“Thực trạng ấy đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San không những phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm mà còn phải đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, giúp đỡ nhân dân, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đồn quản lý.” – Đại úy Phạm Tuân chia sẻ.
Vậy là trong những lần về cơ sở công tác, anh vừa làm công tác dân vận, vừa tìm hiểu những địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mối quan hệ, mạng xã hội, kết nối những tấm lòng thiện nguyện hướng về vùng cao.
Theo anh, để thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội giúp đỡ nhân dân đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nắm chắc, hiểu sâu địa bàn, hiểu được những khó khăn của quần chúng nhân dân, từ đó có công tác tham mưu kịp thời.
Trong quá trình công tác, nắm được hiện nay nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân rất lớn, nguồn nước tại địa bàn có thể đáp ứng được nhưng chưa có sự thống nhất quản lý và chưa có hệ thống bể chứa nên việc sử dụng nước lãng phí, anh và Đồn biên phòng Dào San đã kết nối với Chi đoàn Báo Quân đội nhân dân giúp đỡ bà con xây dựng hệ thống bể nước trên 200 triệu đồng, phục vụ nhu cầu dùng nước của 2000 người dân.
Đại úy Phạm Tuân cùng với Chi đoàn Báo Biên phòng tổ chức Trung thu cho các em học sinh
Chỉ 3 năm là Trợ lý thanh niên, BĐBP Lai Châu, anh đã vận động các tổ chức, cá nhân được gần 7 tỷ đồng ủng hộ thầy trò các trường học trên tuyến biên giới của tỉnh.
Nhờ có sự kết nối của Đại úy Phạm Tuân, thời gian qua, nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đã may mắn được giúp đỡ. Anh đã phối hợp với Đoàn thanh niên Khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu xây dựng 1 nhà Khăn quàng đỏ cho em học sinh Giàng A Tính mồ côi cha mẹ tại bản Xín Chải, xã Mù Sang, Phong Thổ trị giá 80 triệu đồng. Tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của xã Mù Sang trị giá 5 triệu đồng….
Trong giai đoạn thời tiết khí hậu khắc nghiệt, anh đã kêu gọi các nhà hảo tâm tặng 622 áo ấm cho học sinh trường mầm non Dào San và 30 chăn ấm cho học sinh trường THCS Dân tộc bán trú Dào San với tổng trị giá 60 triệu đồng. Tặng 120 suất quà trị giá 70 triệu đồng cho nhân dân bản Sểnh Sảng A, xã Dào San.
Ngoài ra, anh còn duy trì vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt Chương trình “Ngôi nhà 100 đồng”, triển khai thực hiện tốt chương trình Nâng bước em tới trường, nhận đỡ đầu 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 500.000 đồng/em/tháng.
Những món quà không chỉ là những tấm áo ấm, những hộp sữa, túi gạo, thùng mì cho các em qua khó khăn trước mắt, mà anh còn gợi ý cho các đoàn thiện nguyện ủng hộ xây dựng các công trình, góp phần chia sẻ những khó khăn cùng các thầy cô và học sinh trên hành trình giấc mơ con chữ. Anh đã tham mưu, kết nối, vận động các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên cả nước xây dựng 17 phòng bán trú, phòng học, nhà ăn bán trú cho các em học sinh, trị giá 2,7 tỷ đồng.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, anh chủ động tham mưu, tổ chức, vận động các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng Nhà bia ghi tên Liệt sĩ khu vực Dào San trị giá gần 1 tỷ đồng.
Những việc làm của anh cùng đồng đội thời gian qua đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần xây dựng thế trận biên phòng lòng dân, tạo được sự tin cậy, yêu mến của đồng bào các dân tộc trên biên giới. Đồng thời, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống đoàn kết gắn bó với nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Anh chia sẻ: “Thực tiễn triển khai các công trình, phần việc giúp đỡ nhân dân cho thấy, nếu có sự kêu gọi vào cuộc của cộng đồng xã hội thì chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Khi triển khai xây dựng ngôi nhà khăn quàng đỏ cho học sinh mồ côi cha mẹ trên địa bàn xã Mù Sang, tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị giao công việc đó cho tổ chức đoàn làm nòng cốt. Chi đoàn đồn đã làm việc, phối hợp với đoàn xã Mù Sang để thực hiện công trình.
Do khoảng cách xa và ô tô không thể chở vật liệu nên tất cả việc vận chuyển vật liệu đều được đoàn viên, thanh niên xã giúp đỡ, nhân dân trong bản hàng ngày đều phân công 2 người cùng với bộ đội biên phòng hoàn thành công trình. Để thực hiện công trình này, chúng tôi đã giao cho 5 cán bộ chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn, ở tại nhà dân. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, chỉ sau hơn một tháng, công trình đã hoàn thành.”
Phạm Tuân không chỉ là thủ lĩnh đoàn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm mà còn là Đội trưởng Đội vận động quần chúng gương mẫu, hết mình với công việc, được dân tin yêu, quý trọng. Ngoài ra, anh cũng là một trong những cá nhân có duyên với nhiều giải cao tại các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên của lực lượng cũng như của tỉnh tổ chức.
Thành tích, danh hiệu khen thưởng nhiều nhưng với Tuân, phần thưởng quý giá nhất là sự ghi nhận của lãnh đạo đơn vị, những nụ cười, cái bắt tay thật chặt, lời cảm ơn chân thành và những tình cảm nồng ấm của các thầy, cô giáo, học sinh và dân bản vùng cao, biên giới.
Phương Thanh
Sát cánh cùng đồng bào đấu tranh với những phần tử phản động
TĐKT - Hơn 10 năm gắn bó với bà con dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, Đại úy Y Rin Mlô, Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc thiểu số của phòng Phòng, chống phản động và chống khủng bố Công an tỉnh luôn được bà con buôn làng thương yêu, quý trọng. Anh đã cùng đồng đội chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống âm mưu đen tối của những phần tử phản động, giữ gìn sự bình yên cho buôn làng. Đại úy Y Rin Mlô (bên phải) là một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu của Bộ Công an tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc Y Rin Mlô sinh ra và lớn lên ở xã EaBar, huyện Sông Hinh, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tháng 10/2007, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học An ninh nhân dân chuyên ngành An ninh điều tra, anh được phân công về Đội An ninh dân tộc thiểu số, phòng Bảo vệ chính trị IV (nay là phòng Phòng, chống phản động và chống khủng bố), Công an tỉnh Phú Yên với nhiệm vụ là trinh sát an ninh phụ trách địa bàn một số xã miền núi: Xã Ealy, xã Ealâm... Về nhận nhiệm vụ tại những địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, khi các tổ chức phản động Fulro, Tin Lành Đề Ga ráo riết tuyên truyền những luận điệu lừa bịp, mị dân, anh cùng đồng đội thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng buôn làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nỗ lực cảm hóa người lầm lỗi... Để chủ động trong công tác phòng ngừa, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra ở cơ sở, không để phát sinh thành "điểm nóng", anh cùng với lực lượng trinh sát Công an huyện Sông Hinh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập "Dòng họ tự quản". Việc thành lập "Dòng họ tự quản" nhằm phát huy vai trò của các trưởng dòng tộc trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động bà con buôn làng chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Khi về với bản, không chỉ vận dụng linh hoạt những kiến thức nghiệp vụ an ninh đã được đào tạo, anh còn tìm hiểu, trao đổi và học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, đồng thời dành nhiều thời gian tiếp xúc những già làng uy tín để lắng nghe, chia sẻ những trăn trở, suy tư của đồng bào và thu thập thông tin về an ninh, trật tự. Hơn 10 năm gắn bó, Y Rin Mlo đã thông thuộc ngôn ngữ, phong tục, tập quán của đồng bào Ê đê, nắm rõ địa bàn từ mỗi buôn làng, sông suối, nương rẫy… nơi đây. Những năm gần đây, Đại úy Y Rin MLô cùng đồng đội đã phát hiện, đấu tranh ngăn chặn 10 đối tượng “chân rết” của tổ chức phản động thực hiện âm mưu phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, lôi kéo người dân trốn ra nước ngoài; cảm hóa giáo dục hơn 30 đối tượng chuyển đổi nhận thức chính trị, từ bỏ Fulro, Tin Lành Đề Ga để tập trung sản xuất, đổi mới đời sống kinh tế. Anh kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần vận động một đối tượng đang có ý định bán tài sản để trốn ra nước ngoài. Đúng lúc đó, con trai đối tượng bị ốm nặng, Y Rin Mlô đã đến tuyên truyền, vận động để người này không bỏ trốn mà đưa con mình đi bệnh viện. Sau một thời gian đấu tranh, đối tượng đồng ý để cán bộ đưa con mình đi bệnh viện huyện, sau đó phải chuyển lên bệnh viện tỉnh. Y Rin Mlô đã xin nghỉ phép một tuần để đến bệnh viện chăm cháu bé. Khi cháu bé khỏi bệnh, anh cùng với cha cháu đã trở thành những người bạn thân và đã giúp phòng Phòng, chống phản động và chống khủng bố vận động thêm nhiều đối tượng khác từ bỏ nhóm Fulro, trở về với đồng bào. Đại úy Y Rin Mlo chia sẻ: "Mình phải xác định trách nhiệm của mình, mình phải cố gắng, phải thực sự gần gũi với dân, nắm vững tâm tư nguyện vọng của họ, gần gũi họ để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của họ, giúp đỡ bà con, như thế bản thân cũng thấy rất vui". Hiểu rằng muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân thì phải được bà con buôn làng thương yêu, giúp đỡ, anh thường xuyên đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong buôn như Ma Phan, Mí Tường ở buôn Bưng B, xã EaLâm giúp đỡ mọi người gặt lúa, cắt cỏ, làm rẫy… Bên cạnh đó, Y Rin Mlô cùng với lực lượng Công an xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong buôn được vay vốn để sản xuất, chăn nuôi. Lúc ở nhà, khi lên rẫy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số với bà con, Y Rin Mlô đã kết hợp tuyên truyền, vận động bà con buôn làng chấp hành tốt pháp luật, chăm chỉ lao động để cuộc sống ngày càng no đủ. Với những thành tích đã đạt được, ba năm liền (2015-2017), Y Rin Mlô là Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên xuất sắc, được UBND, Giám đốc Công an Phú Yên tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Y Rin Mlô là đại biểu đại diện Công an Phú Yên dự lễ tuyên dương “Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017”, là điển hình tiên tiến tiêu biểu của Bộ Công an tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Phương ThanhViệt Nam giành 3 Huy chương Đồng tại Cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa và Tin học văn phòng thế giới
TĐKT - Ba trong bốn đại diện của Việt Nam tranh tài tại Vòng Chung kết thế giới Cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới (ACAWC 2018) và Vô địch tin học văn phòng thế giới (MOSWC 2018) vừa diễn ra tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ từ ngày 29/7 - 1/8/2018 đã xuất sắc vượt qua hơn 200 thí sinh tài năng đến từ gần 70 quốc gia trên thế giới và mang vinh quang về cho Việt Nam, với 3 Huy chương Đồng. Đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt kỷ lục “bội thu” về số huy chương thế giới đạt được tại sân chơi trí tuệ tầm cỡ quốc tế này. Đây là minh chứng rõ nhất cho sự tiến bộ trong việc dạy và học bộ môn tin học văn phòng trong các trường, khẳng định tài năng thiết kế sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trên các đấu trường trí tuệ quốc tế. Ba thí sinh đạt huy chương đồng tại Vòng Chung kết thế giới của Cuộc thi ACAWC và MOSWC 2018 Đó là em Nguyễn Trần Thảo Nguyên, sinh viên năm thứ 3, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở TP Hồ Chí Minh đạt Huy chương Đồng tại Vòng Chung kết ACAWC 2018; em Đoàn Đức Thanh, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (tỉnh Nam Định) đạt Huy chương Đồng cho nội dung Microsoft Word 2013 và em Nguyễn Bá Trọng Đại, cựu học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa (Hà Nội) đạt Huy chương Đồng cho nội dung Microsoft PowerPoint 2013 tại Vòng Chung kết MOSWC 2018 . Năm nay, cả 2 cuộc thi ACAWC 2018 và MOSWC 2018 đã thu hút hơn 1,3 triệu thí sinh đến từ gần 70 quốc gia tham gia tranh tài. Tại vòng chung kết thế giới vừa diễn ra tại Mỹ, có hơn 200 thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho các đội tuyển quốc gia trên thế giới hội tụ tranh tài về cả kiến thức và kỹ năng làm chủ các phần mềm Adobe trong thiết kế đồ họa và Microsoft Office (Word, Excel, PowerPoint) ở 2 phiên bản 2013 và 2016. Là nữ thí sinh duy nhất đại diện Việt Nam trên sân chơi sáng tạo đẳng cấp quốc tế, Nguyễn Trần Thảo Nguyên đã tạo tiếng vang lớn khi mang về tấm Huy chương Đồng thế giới danh giá tại cuộc thi ACAWC 2018 ngay trong mùa giải đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia. “Em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới BTC cấp Quốc gia của cuộc thi (IIG Việt Nam) đã tạo ra sân chơi trí tuệ, bổ ích này để học sinh – sinh viên Việt Nam được tranh tài trên đấu trường quốc tế. Em hy vọng trong những năm tiếp theo, các Đại sứ ACA sẽ đạt giải cao nhất, viết tiếp những trang vàng thành tích của Đội tuyển ACA Việt Nam.” Vui mừng với kết quả đạt được, Đức Thanh, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khẳng định rằng thế hệ trẻ Việt Nam đang sở hữu trình độ tin học không thua kém bạn bè năm châu. Còn Trọng Đại chia sẻ: “Có rất nhiều thí sinh tài năng hội tụ tại Vòng Chung kết thế giới cuộc thi MOSWC năm nay nên ban đầu em khá lo lắng và áp lực. Tuy nhiên với tâm thế quyết chiến, quyết thắng, luôn nhắm sát mục tiêu và nỗ lực hết mình, cuối cùng em đã nỗ lực đạt được tấm Huy chương Đồng thế giới. Với giải thưởng này, em hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến tin học văn phòng và tự tin chinh phục các đỉnh cao trí tuệ tầm cỡ quốc tế.” Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi rất vui mừng khi năm đầu tiên Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng hành cùng 2 cuộc thi MOSWC và ACAWC đã liên tiếp đón tin vui từ các thí sinh đi thi thế giới. Đây thực sự là niềm tự hào cho trí tuệ Việt Nam và là nguồn động viên, khích lệ giới trẻ Việt không ngừng phấn đấu, vươn xa ra thế giới. Hai cuộc thi thực sự đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập bộ môn tin học văn phòng và thiết kế đồ họa theo chuẩn quốc tế trong học sinh, sinh viên trên cả nước. Tôi tin rằng trong thời gian tới, 2 cuộc thi sẽ tiếp tục là cầu nối cho thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội được tranh tài và chứng minh khả năng của mình, sánh ngang với bạn bè năm châu và giành nhiều thắng lợi hơn nữa trên đấu trường thế giới.” Mai ThảoViện Khoa học pháp lý đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
TĐKT - Chiều 3/8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Khoa học pháp lý (4/8/1983 – 4/8/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tới dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Viện Khoa học pháp lý Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chính thức thành lập ngày 4/8/1983 với tên gọi ban đầu là Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý. Kể từ khi thành lập, Viện đã trở thành địa chỉ tin cậy được lãnh đạo Bộ giao trực tiếp tham gia các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, của bộ và của ngành. Viện Khoa học pháp lý là một trong những tổ chức nghiên cứu của quốc gia trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu phục vụ việc xây dựng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và gần đây là Hiến pháp năm 2013. Viện cũng là một trong những nơi tiến hành các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cấp nhà nước, cấp bộ để cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn, góp phần hình thành đường lối cải cách pháp luật, cải cách tư pháp Việt Nam, thể hiện đậm nét trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đến nay, Viện đã trực tiếp triển khai hoặc tham mưu với lãnh đạo Bộ tổ chức triển khai trên 520 đề tài, nhiệm vụ khoa học. Các cán bộ của Viện cũng đã hoàn thành và xuất bản trên 100 sách chuyên khảo và tham khảo. Các nghiên cứu do Viện trực tiếp triển khai hoặc tham mưu tổ chức triển khai đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng những đạo luật quan trọng: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự... Các nghiên cứu do Viện trực tiếp triển khai hoặc tham mưu tổ chức triển khai cũng góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế về tư pháp và pháp luật, nhất là trong việc triển khai Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cộng đồng ASEAN. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp của tập thể Viện Khoa học pháp lý, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện trong suốt 35 năm qua. Bộ trưởng lưu ý, thời gian tới, bộ, ngành Tư pháp đứng trước nhiều thời cơ, thách thức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước thách thức này, Viện Khoa học pháp lý cần nhận diện tốt hơn về định hướng, cách thức hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ; đề xuất giải pháp cho hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của pháp luật mà quá trình tổ chức thi hành vẫn trục trặc, làm tăng giá thành sản xuất, kinh doanh, tăng chi phí chung cho xã hội. Bên cạnh đó, Viện cần nghiên cứu sâu, tham mưu kịp thời về ảnh hưởng, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề xuất giải pháp phù hợp để ứng phó, cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đánh giá đúng hiện trạng, các yếu tố tác động đến sự phát triển, vai trò, vị thế của bộ, ngành Tư pháp trong tương lai… Nguyệt HàTĐKT – Từ một người nông dân quanh năm chỉ biết làm ruộng, thu nhập bấp bênh đến đi làm công nhân với đồng lương ít ỏi, anh Nguyễn Văn Luật (sinh năm 1976), xã Hải Đông - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định đã mạnh dạn vươn lên, trở thành một trong những tỷ phú, sở hữu trong tay một khối lượng vốn, đất đai và tài sản lớn trị giá hàng mấy chục tỷ đồng.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, anh Luật kể: Trước đây do làm ruộng thu nhập bấp bênh, vợ chồng tôi đi làm công nhân nhưng cũng chỉ đủ ăn, không tiết kiệm được đồng nào. Vợ chồng tôi nghĩ rằng cần phải tìm ra một mô hình kinh tế phù hợp để tập trung phát triển.
Mô hình VAC của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Luật
Qua tìm hiểu, anh thấy mô hình kinh tế tổng hợp có thể mang lại thu nhập cao nên năm 2004, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân đầu tư vào nuôi lợn và cá. Tuy nhiên, do kiến thức còn hạn chế nên lãi ít. Có năm, dịch bệnh “lở mồm, long móng” bùng phát, tuy đàn lợn nhà anh không bị dịch bệnh nhưng nằm trong vùng dịch nên cũng khiến cho gia đình anh điêu đứng vì lợn không được xuất chuồng, mỗi ngày lại phải chịu hàng triệu đồng chi phí thức ăn, vệ sinh chuồng trại...
Đầu năm 2012, xã Hải Đông có chủ trương dồn điền đổi thửa và cho chuyển đổi vùng trũng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, gia đình anh đã quy tụ một số ruộng của các hộ không có khả năng lao động, đầu tư xây dựng 1 trang trại chăn nuôi tổng hợp VAC với diện tích trên 2,2 ha, 1 trại gà với quy mô 8.000 con, 1 trại lợn 200 con, 3 ao để thả cá diêu hồng.
Nhờ sự mạnh dạn, năm đó, mô hình VAC của anh cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập cao, công lương ổn định từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Trong năm, anh đã hướng dẫn cũng như phổ biến các kinh nghiệm, sản xuất, kinh doanh cho trên 70 lượt người đến tham khảo, học tập…
Năm 2013, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất, anh cùng gia đình tiếp tục đầu tư, mở rộng xây tiếp 1 trại gà khép kín với quy mô 6.000 con, nâng tổng đàn gà lên 14.000 con; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đàn lợn lên trên 300 con và 3 ao cá diêu hồng.
Mô hình đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 17 lao động, công lương từ 3,6 - 4,6 triệu đồng/tháng. Đã tiếp đón hàng 100 lượt người trong và ngoài địa bàn đến học hỏi kinh nghiệm và đã hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Doanh thu trong năm tăng gần 2,1 tỷ đồng; lợi nhuận là 1,2 tỷ đồng.
Năm 2014, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng và xây mới 1 trại lợn khép kín 500 con, nâng tổng đàn lợn lên 700 con; tiếp tục đầu tư và duy trì đàn lợn và 3 ao cá; thường xuyên duy trì ổn định từ 17 - 20 lao động, được trả lương từ 3,7 - 4,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi trồng thủy hải sản, anh đã trực tiếp đứng ra cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho 20 - 30 hộ. Đã tiếp đón trên 170 lượt người trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Tổng doanh thu trong năm là 2,32 tỷ đồng; lợi nhuận là 1,3 tỷ đồng.
Mỗi năm đầu tư thêm vào mô hình VAC, khi thì đàn lợn, lúc thì đàn gà…, anh lại thành công, thu lợi nhuận năm sau nhiều hơn năm trước một vài trăm triệu. Bắt đầu từ năm 2016, anh thường xuyên cập nhập thông tin, thời tiết nông vụ, khuyến ngư, trình độ quản lý, nâng cao trình độ tin học, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào nuôi thả. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài tỉnh.
Nhờ sự sáng tạo, học hỏi, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi mà mô hình VAC của anh ngày càng thu lợi nhuận lớn, trở thành điểm tham quan học tập của nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, với 3 trang trại gà, mỗi trại 6.000 con (tổng 1,8 vạn con); 2 trang trại nuôi lợn 700 con; 3 hồ nuôi cá 1,5 vạn con và trồng cây sưa lấy gỗ, kinh doanh thêm thức ăn cho chăn nuôi, thuốc thú y, con giống…, mô hình VAC của gia đình anh vẫn giữ được ổn định, mang lại sự phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã thu hút trên 20 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
Chia sẻ về thành công của mình, anh cho biết: Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất được anh cực kỳ chú trọng trong thực tiễn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để đạt hiệu quả cao nhất. Anh đã linh hoạt chuyển những chuồng nuôi truyền thống, những con giống truyền thống sang nuôi công nghiệp, sang chuồng nuôi khép kín. Đưa công nghệ vào chăn nuôi, để đảm bảo chi phí cho giá thành sản phẩm thì mới đạt được hiệu quả kinh tế.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn tích cực chia sẻ, hướng dẫn phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ khác. Từ lúc chuyển đổi sang trang trại, trang trại luôn tạo điều kiện cho các hộ và rất nhiều lao động ở địa phương, với mức lương ổn định bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng, đã góp phần giảm nghèo cho con em địa phương.
Anh giúp cho trên 20 hộ chăn nuôi theo công nghệ mới: Có chuồng trại chăn nuôi khép kín, ao có sục khí và chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo đầu bờ, hội nghị, nói chuyện chuyên đề về chăn nuôi do bản thân tổ chức.
Bản thân anh đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là đóng góp để xây dựng nông thôn mới; mối tuyến đường ủng hộ từ 5 - 7 triệu đồng. Hằng năm trích một khoản thu nhập để Câu lạc bộ số 01 - Hội Nông dân xã duy trì hoạt động và giúp đỡ các hộ nghèo bằng con giống, thức ăn chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm.
Với những thành tích đạt được trong phát triển sản xuất và tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, anh được UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen năm 2014, 2015. Năm 2016, anh được tặng Giải thưởng Sao Thần nông. Năm 2017, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thục Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 108
- 109
- 110
- 111
- 112
- …
- sau ›
- cuối cùng »