Điển hình tiên tiến

Trao Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam năm 2017

TĐKT - Sáng 6/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 và Giao lưu giữa các nhà khoa học nữ với nữ sinh. Tới dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà. Cùng dự, có: Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia cho 2 cá nhân PGS.TS, Bác sĩ Trần Vân Khánh là người Việt Nam đầu tiên triển khai thành công liệu pháp điều trị Gen sử dụng mô hình tế bào. PGS.TS Đinh Thị Bích Lân là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu, sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao: Các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh ở gia súc, gia cầm; vắc xin thế hệ mới, sản phẩm của công nghệ gen và công nghệ protein tái tổ hợp, có tính an toàn cao trên gia súc... Giải thưởng được mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX - Sophia Kovalevskaia là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm biểu dương và tôn vinh các cá nhân phụ nữ có thành tích xuất sắc có sáng kiến, sáng tạo và có tầm ảnh hưởng, lan tỏa tới cộng đồng. Tại Việt Nam, đây là giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ. Từ năm 1985 đến 2016, Giải thưởng được trao cho 18 tập thể và 45 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin... Chương trình giao lưu giữa các nữ sinh viên với các nhà khoa học nữ đạt giải thưởng Kovalevskaia Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các nhà khoa học nữ từng đạt giải thưởng Kovalevskaia đã giao lưu, chia sẻ cùng với nữ sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, thành công của PGS.TS Trần Khánh Vân, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân là minh chứng cho việc định hướng đúng đắn trong nghiên cứu khoa học của các nhà trường đối với sinh viên từ việc tạo điều kiện, cơ hội học tập nghiên cứu, giao đề tài đúng khả năng của sinh viên, phù hợp với thực tiễn. Từ đó, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, các nhà trường cần tạo môi trường học tập, nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên; đội ngũ thầy cô giáo phải có chuyên môn tốt, tận tâm tận lực, hết lòng vì sinh viên, phải coi sinh viên là bạn trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó là chú trọng đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, nhất là tại các nhà trường khối khoa học tự nhiên. Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý, các nhà trường cần đánh giá đúng năng lực, tạo điều kiện công bằng, khuyến khích nữ học sinh, sinh viên, nữ giảng viên khối ngành khoa học tự nhiên chủ động, tích cực nghiên cứu khoa học; phát huy sự đóng góp của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống, qua đó nâng cao hình ảnh và vị thế của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Chia sẻ với sinh viên tại buổi giao lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo với mục tiêu cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường tiềm lực công nghệ, cần nhiều phát minh sáng chế và có nhiều nhà khoa học để đưa những giải pháp hữu ích vào cuộc sống. Trong bối cảnh thời kỳ khoa học, công nghệ, sinh viên phải chịu khó học tập, rèn luyện; dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đồng thời sẵn sàng dấn thân, vượt qua thất bại để thành công, đưa đất nước ta ngày càng phát triển hơn trong tương lai. Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức công bố 12 công trình khoa học của nữ sinh viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ. Mai Thảo

Báo Phụ nữ Việt Nam đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT - Ngày 5/3 tại Hà Nội, Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 70 năm phục vụ cách mạng, phụng sự Hội, 70 năm đồng hành tới hạnh phúc cùng những người phụ nữ và gia đình Việt, tờ báo khổ nhỏ giản dị thuở ban đầu tại chiến khu Việt Bắc nay đã thành 8 sản phẩm truyền thông được thiết kế tươi trẻ, sinh động, cập nhật nhiều tiện ích hiện đại, tiếp cận hàng chục triệu bạn đọc từ vùng sâu của Tổ quốc đến các quốc gia xa xôi. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải sang) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng tập thể Báo Phụ nữ Việt Nam Đặc biệt, dù ở thời điểm lịch sử và nền tảng công nghệ nào thì Phụ nữ Việt Nam vẫn là tờ báo giàu bản sắc giới, đậm tính nhân văn, sáng tạo và “có nghề” của làng báo cách mạng Việt Nam, cung cấp kiến thức, kỹ năng; phản biện chính sách liên quan đến hơn một nửa dân số; tôn vinh những điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện. Nhiều năm qua, Báo đã tạo được ấn tượng riêng trong lòng bạn đọc, quan tâm tới những mảng đề tài mang dấu ấn nhân văn, về những phận người nhỏ bé, chịu nhiều thiệt thòi. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận, biểu dương thành tựu 70 năm qua của Báo Phụ nữ Việt Nam. 70 năm qua Báo đã hoàn thành tốt sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Việt Nam và là một trong những tờ báo quan trọng của cả nước, thực sự trở thành người bạn thân thiết của mỗi gia đình và là địa chỉ tin cậy để phụ nữ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, là công cụ sắc bén để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, qua đó, góp phần khích lệ phụ nữ tự tin, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên. Giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam luôn mang tính chính luận sâu sắc, nội dung thiết thực và cách thể hiện sinh động. Giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội cùng không ít những thách thức, khó khăn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tin tưởng tập thể những người làm Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang suốt 70 năm qua, bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông để phát triển bền vững. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Báo Phụ nữ Việt Nam vì đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Báo Phụ nữ Việt Nam cũng chính thức ra mắt giao diện mới của Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử ở địa chỉ www.phunuvietnam.vn . Mai Thảo

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC kỷ niệm 22 năm hình thành và phát triển

TĐKT - Chiều 4/3, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức chương trình kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học - MEDLATEC (6/3/1996 - 6/3/2018) và Lễ đón nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao cờ thi đua cho tập thể, cá nhân của MEDLATEC Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC Nguyễn Trí Anh cho biết, học hỏi mô hình phòng xét nghiệm tiên tiến từ Nhật Bản, sau 22 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC lớn mạnh không ngừng, đã khẳng định thương hiệu và vươn xa trong khắp cả nước. Từ chỗ chỉ có 3 cán bộ, đến nay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã có gần 1.000 nhân viên và hàng ngàn cộng tác viên, là Giáo sư, Phó Giáo sư, bác sĩ và chuyên gia đầu ngành. Trong 5 năm (2013 - 2017), MEDLATEC đã phục vụ gần 3 triệu khách hàng, trong đó có 1,4 triệu khách hàng tại nhà, với 9,3 triệu mẫu xét nghiệm. Riêng năm 2017, MEDLATEC phục vụ gần 1 triệu khách hàng, ngày cao điểm lên tới 5.000 bệnh nhân. Đặc biệt, điểm mạnh của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi. Toàn bộ cán bộ đi lấy mẫu đều được trang bị phần mềm nhập liệu từ xa giúp dễ dàng nhập liệu thông tin hành chính của khách hàng tại nơi lấy mẫu và chuyển thông tin ngay về trung tâm. Mẫu xét nghiệm được phân tích ngay khi chuyển về nên rút ngắn tối đa thời gian trả kết quả khách hàng. Ngoài ra, phần mềm còn có chức năng in biên lai thu tiền bảo đảm tính minh mạch tài chính của dịch vụ. Đồng thời, MEDLATEC còn tự hào là đơn vị đi đầu cập nhật hệ thống xét nghiệm đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống Automation tự động hoàn toàn của Abbott (Mỹ) và Roche (Thụy Sĩ) xuất hiện đầu tiên ở Đông Nam Á.  Bên cạnh đó, MEDLATEC còn hướng tới quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Six sigma. Đây là chương trình kiểm tra chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hiện được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, do Trung tâm Quản lý chất lượng Westgard (Hoa Kỳ) đánh giá. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ghi nhận những nỗ lực của Bệnh viện trong thời gian qua và mong muốn bệnh viện nỗ lực trong thời gian tới trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân yêu cầu ngày càng cao, do vậy Bệnh viện cần phải không ngừng sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xét nghiệm để xứng đáng với phương châm dịch vụ tốt, công nghệ cao. Với những thành tích đã đạt được, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 22 năm ngày thành lập, nhiều cá nhân, tập thể Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã vinh dự được nhận Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hồng Thiết

Biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

TĐKT - Chiều 28/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu, đại diện cho gần 3.000 cô đỡ thôn bản từ các vùng, miền khác nhau của cả nước, trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đến dự, có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; Tổng Giám đốc cơ quan tổng bộ về viện trợ toàn cầu của EU (Liên minh Châu Âu) Stefano Manservisi. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các cô đỡ thôn bản tiêu biểu Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục, tập quán, vì vậy họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Kể từ khi những cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh. GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sự khác biệt đáng kể về sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, giữa đồng bằng với vùng sâu, vùng xa, giữa các dân tộc. Nhận thức được những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Đây là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính khiến phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh. Tham dự hội nghị, Tổng giám đốc Tổng bộ cơ quan hợp tác phát triển của EU, ông Stefano Manservisi cho biết: Hợp tác giữa EU và Việt Nam đã mang lại hiệu quả cao, Việt Nam thực hiện thành công việc giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi từ 51 vào năm 1990 xuống còn 24 vào năm 2013, và giảm tử vong bà mẹ từ 140 vào năm 1990 xuống còn 49 (trong 100.000 ca sinh sống) vào năm 2013. Xu hướng này tiếp tục được duy trì vào những năm 2013 - 2015. EU tập trung hỗ trợ các tỉnh nghèo. Trong giai đoạn 2015-2017, cùng với sự hỗ trợ của EU, tỷ lệ các ca sinh do cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tăng lên nhiều, cùng với đó là tử vong trẻ sơ sinh giảm ở tất cả 10 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Đắk Nông). Đại diện của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao vai trò của cô đỡ thôn bản: “Góp phần xóa những thôn, bản “trắng” về chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Hoạt động của cô đỡ thôn bản được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các già làng, trưởng bản và các cấp chính quyền đại phương. Hồng Thiết

Nhà khoa học nữ với nhiều ứng dụng thực tiễn

TĐKT – Ứng dụng được các nghiên cứu khoa học vào trong thực tiễn cuộc sống là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay.  TS. Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được vinh danh là Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 vì những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu nano. Dung dịch nano bạc do TS. Trần Thị Ngọc Dung và nhóm nghiên cứu chế tạo có chất lượng cao, kích thước đều, ổn định, có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính khử khuẩn rất mạnh, và còn có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định. Sản phẩm đã được nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người: E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii, Streptococcus, Vibrio cholerae, Enterococcus feacalis, N. Gonorrhoeae, Candida albicans... Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, Bệnh viện Da liễu Trung ương... cho thấy sản phẩm được chế tạo có thể tiêu diệt tất cả các đối tượng vi sinh vật ở trên. Từ đó, sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công nhiều lĩnh vực và sản phẩm khác nhau. TS. Trần Thị Ngọc Dung Các nghiên cứu của TS. Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn vào các sản phẩm thiết thân và có khả năng thương mại hóa các sản phẩm này trên thị trường. Trong đó có thể kể đến: Băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành; bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình; băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già; khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường; dung dịch vệ sinh phụ nữ. Công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp Hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định nano bạc đã được cấp Bằng độc quyền Sáng chế đã gắn tên tuổi của tiến sĩ với công nghệ tiên tiến này. Ở Việt Nam, những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng lên. Nhiều gương mặt nhà khoa học nữ được phát hiện và tôn vinh, động viên, khích lệ. Nghiên cứu khoa học đang dần trở thành một phong trào thi đua phát triển sôi nổi, hiệu quả trong tầng lớp nữ giới. Tuy vậy, thực tế cũng chỉ ra rằng, nghiên cứu khoa học là một trong những lĩnh vực đòi hỏi sự cống hiến về thời gian, sự chuyên tâm và niềm đam mê sâu sắc. Là phụ nữ, hành trình ấy đặc biệt vất vả, khó nhọc hơn bởi họ còn phải hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Chị Trần Thị Ngọc Dung cũng không ngoại lệ. Nhưng chị Dung vẫn quyết tâm dành thời gian cho lĩnh vực này. Chị cho biết: “Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.” Cũng như tấm gương của TS. Trần Thị Ngọc Dung, vượt lên trên tất cả, bằng đam mê, cùng sự tiếp sức của gia đình, xã hội, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già. Một trong những nghiên cứu nổi bật của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoài là nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pako Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy - hoá, diệt tế bào ung thư. Nghiên cứu này đã tìm ra được 2 cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa tốt. Đây là những dược liệu quý của đồng bào dân tộc, được kiên trì thu thập, phân tích và sàng lọc để chứng minh thành phần khoa học cũng như đặc tính sinh học của cây thuốc, tạo nên tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hóa. PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài nhận học hàm Phó Giáo sư khi mới 35 tuổi, đến nay đã chủ nhiệm 1 đề tài NAFOSTED, 1 đề tài cấp Bộ Y tế, 4 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều đề tài cấp cơ sở khác. Đặc biệt, chị là tác giả và đồng tác giả của 20 bài báo quốc tế, 4 báo cáo tại Hội nghị quốc tế và 60 bài báo khoa học trong nước. Trên cương vị nhà giáo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài hiện là Trưởng khoa Dược, Đại học Y Dược Huế, đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh, 13 đề tài cao học, giảng dạy góp phần đào tạo nguồn nhân lực và truyền lửa cho thế hệ trẻ trong hơn 17 năm qua. Chị Hoài chia sẻ: Thời gian là thứ không bao giờ quay lại được nên phải dành nó để thực hiện những mơ ước, đam mê của mình. Đam mê của tôi chính là nghiên cứu khoa học. Thục Anh

Sáng tạo từ niềm đam mê

TĐKT- Với lòng đam mê, sáng tạo, anh Nguyễn Vũ Đạt, Phó Ban cơ điện Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất đã thường xuyên có các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị. Sinh ra ở miền quê nghèo Quảng Ngãi, từ nhỏ, anh đã thích thú với những món đồ điện tử và thường mày mò, khám phá các kỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp THPT, để hiện thực hóa niềm đam mê, anh đã đăng ký thi vào ngành điều khiển tự động Trường Đại học Tôn Đức Thắng. “Ra trường, tôi từng làm việc cho một công ty ở Cần Thơ. Song, công việc ở đây đơn thuần chỉ là thi công điện công trình, tôi cảm thấy không hứng thú. Cơ hội đã đến khi tôi đầu quân vào Công ty TNHH MTV Cao su Thống nhất năm 2011.”- anh Đạt chia sẻ. Từng là nhân viên tổ điện, làm việc tại nhà máy ở huyện Củ Chi, thường xuyên tiếp xúc với công nhân và máy móc, anh Đạt đã phát hiện nhiều bất cập trong các khâu kỹ thuật. Đa số máy móc ở công ty đều có tuổi đời trên 20 năm, hay hỏng hóc, tốn điện năng, năng suất thấp và không bảo đảm an toàn lao động. Điều này khiến anh trăn trở rất nhiều và suy nghĩ phải tìm giải pháp khắc phục. Bởi vậy, năm 2014, anh đã tự mày mò học hỏi qua sách vở, internet và bắt tay vào việc cải tiến máy dập và khuôn dập cung cấp bán thành phẩm cho 2 khuôn ESP4-5. Trước khi cải tiến, cỗ máy này vận hành bằng khí nén, điều khiển bằng tay, khá nhỏ, mỗi lần chỉ ép được 1 sản phẩm với lực ép dưới 7 kg/m2, cho năng suất thấp và không an toàn cho người lao động. Để khắc phục tình trạng này, anh đã thay thế hệ thống vận hành máy từ khí nén sang thủy lực, có chế độ điều khiển tự động và cảm biến an toàn. Với cải tiến này, năng suất lao động đã tăng lên hơn 30%. Đồng thời, do lực ép của máy được nâng lên 150 kg/m2, máy có thể được dùng để sản xuất nhiều loại sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần một loại như trước. Anh Đạt (trái) kiểm tra sản phẩm bên máy dập lõi Desk vừa cải tiến Nối tiếp những thành công trong phát huy sáng kiến, mỗi năm, anh có 2-3 sáng kiến giá trị, làm lợi cho đơn vị từ 20 triệu đến 1 tỷ đồng. Trong hơn 6 năm công tác tại công ty, anh Đạt đã có 11 sáng kiến với tổng giá trị làm lợi khoảng 2 tỷ 241 triệu đồng cho công ty. Trong đó, đáng chú ý là sáng kiến cải tiến 4 máy lưu hóa cao su cũ thành máy lưu hóa tự động năm 2016. Anh cho biết do đã qua thời gian sử dụng khá lâu, số máy này hay hỏng hóc, chất lượng sản phẩm không cao và công nhân phải làm việc khá vất vả bởi dùng máy nhưng quy trình sản xuất lại rất thủ công: Đổ cao su vào khuôn, nhấn nút, đứng canh sản phẩm, lấy sản phẩm khỏi khuôn… Sau khi thiết kế lại toàn bộ hệ thống điện, thủy lực, thay hệ thống điều khiển bằng PLC, màn hình cảm ứng…, công nhân chỉ cần đổ cao su vào khuôn, chọn chế độ, hẹn giờ. Với những thao tác đơn giản này, thay vì mỗi người phụ trách một máy như trước đây, nay có thể đảm đương 2-3 máy cùng lúc. Với đóng góp của mình, anh Nguyễn Vũ Đạt nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và vinh dự được Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Chia sẻ về vinh dự này, anh Đạt tâm sự: “Tôi cảm thấy vinh dự và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo trong công việc. Theo tôi, tuổi trẻ có nhiều cơ hội để phát triển tài năng trong học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần. Bởi vậy, chúng ta hãy luôn tự tin đi đầu, phát huy vai trò xung kích trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào lao động, sản xuất, kinh doanh và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tích cực, có ý thức trách nhiệm tham gia các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cộng đồng để đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước”. Tùng Chi

Gặp mặt đại biểu tiêu biểu trong phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản

TĐKT - Ngày 28/2, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp Đoàn đại biểu tiêu biểu trong phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản. Dự buổi gặp mặt có đại diện ngành y tế các địa phương và 66 đại biểu là cô đỡ thôn bản tiêu biểu. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm cho các đại biểu. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Mô hình cô đỡ thôn bản đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tiếp cận tốt với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh nở an toàn. Hiện nay có 2.755 cô đỡ thôn bản đang hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn trên cả nước. Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương, có cùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Với sự đóng góp không nhỏ của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ, trẻ sơ sinh ở các vùng sâu, vùng xa, các cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài giữa cơ sở y tế và người dân. Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số là một minh chứng của một mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế tại các huyện vùng cao của tỉnh nghèo, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao nỗ lực trong suốt 63 năm qua của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung, đội ngũ các cô đỡ thôn bản nói riêng đã không quản ngại khó khăn, phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Việc phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình cô đỡ thôn bản tới các bản làng mang ý nghĩa to lớn, cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các vùng dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, ngành y tế tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống, xác định rõ y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng. Trong đó, ưu tiên phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để các cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nguyệt Hà

Bệnh viện K: 49 năm xây dựng và trưởng thành

TĐKT - Ngày 27/2, Bệnh viện K phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện “Blouse trắng, trái tim hồng” với sự tham gia của 200 các cán bộ y tế Bệnh viện K. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc được tổ chức thường niên trong 3 năm qua tại bệnh viện. Chiều cùng ngày, Bệnh viện K tổ chức kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2018). Khen thưởng 160 cá nhân đạt thành tích trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và căn dặn đội ngũ thầy thuốc phải tận tuỵ, chu đáo và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đặc biệt "Lương y phải như từ mẫu". Sự cống hiến đó đã được nhân loại ghi nhận và tôn vinh: Nghề y là nghề cao quý, những người thầy thuốc là những con người rất đáng trân trọng. Suốt chặng đường 63 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, ngành y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó. Những chiến sĩ áo trắng luôn tự hiểu rằng nghề y với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là nghề cao quý, là niềm vinh hạnh to lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm. Biết bao thế hệ thầy thuốc đã vượt qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, có mặt trên khắp các chiến hào để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí, và trong những cuộc chiến khốc liệt đó, nhiều chiến sĩ áo trắng đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ thân yêu. Khi hoà bình lập lại, đội ngũ thầy thuốc lại có mặt trên mọi nẻo đường của Tổ quốc; âm thầm, lặng lẽ, tận tụy cống hiến vì sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc cho mọi gia đình và vì sự tồn vong của nòi giống và dân tộc. Bệnh viện K đã trải qua 49 năm xây dựng và trưởng thành, từ khi Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định số 711/QĐ-BYT ngày 17/07/1969 thành lập Bệnh viện K dựa trên cơ sở Viện Radium Đông Dương. Ngày nay, Bệnh viện đã có cơ sở khang trang, sạch đẹp và nhiều trang thiết bị hiện đại sánh ngang tầm với các quốc gia trong khu vực với 3 cơ sở, 1800 giường bệnh, 1.224 cán bộ nhân viên. Năm 2017, Bệnh viện đã tiếp đón hơn 390.000 lượt khám bệnh, hơn 21.000 bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật tăng 37% so với năm 2016; số ca phẫu thuật loại đặc biệt tăng 51,3% và ca phẫu thuật nội soi tăng 27,9%. Các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được áp dụng thành công trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã có những thay đổi rõ rệt, toàn diện trên các mặt công tác với nhiều giải pháp, cách làm hay và đạt được nhiều thành tựu trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, công tác khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, đồng nghiệp ghi nhận và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh.  Điểm trung bình chung của các tiêu chí chất lượng bệnh viện: 3,56 điểm (năm 2016 là 2,79 điểm). Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh và người nhà người bệnh là 78,9% (năm 2016 là 52%). Bên cạnh đó, Bệnh viện K đã xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 8 bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám, chữa bệnh ung bướu của người dân. Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Hàng trăm cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Huân chương, Huy chương, Bằng khen các cấp. Hồng Thiết

Tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2018

TĐKT - Tối 26/2, tại Nhà Văn hóa học sinh sinh viên TP Hà Nội, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2018), 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018), Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV năm 2018. Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy khen thưởng các thầy thuốc trẻ tiêu biểu xuất sắc nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2018 Với sự tham gia của gần 400 Thầy thuốc trẻ tiêu biểu cùng đoàn viên, hội viên, thanh niên Thủ đô, Lễ tuyên dương được tổ chức nhằm tôn vinh các y, bác sĩ trẻ tiêu biểu, một trong những lực lượng thanh niên có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô. Trong khuôn khổ chương trình, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội đã tổng kết công tác Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội năm 2017; tuyên dương và tặng bằng khen cho 43 thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu; vinh danh 10 thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV. Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội cho biết: Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm qua 3 lần tổ chức ngày càng có sức lan tỏa. Số lượng bác sĩ tham gia Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội và số lượng bác sĩ tiêu biểu được tuyên dương ngày càng tăng, góp phần nhân rộng những hoạt động có ý nghĩa đối với cộng đồng. Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu của Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm là hoạt động thường niên của Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội được tổ chức 2 năm 1 lần. Qua 4 lần tổ chức đã có hơn 200 thầy thuốc trẻ được tuyên dương và 40 thầy thuốc được nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm. Đây cũng là dịp để Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và biểu dương những Thầy thuốc trẻ Thủ đô đã có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi thủ đô, cũng như những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước; đồng thời tạo động lực để các y, bác sỹ trẻ phấn đấu vươn lên trong công tác chuyên môn, trau dồi y đức vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Nguyệt Hà

Người y sĩ hết lòng vì người bệnh

TĐKT - Y sĩ Phan Thị Thanh Cần, Trưởng trạm Y tế xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là người y sĩ hết lòng vì người bệnh. Y sĩ Cần lớn lên tại vùng quê nghèo ven biển Khánh Hòa, nơi mà mọi người gọi là “Đồng khô cỏ cháy”, người dân chủ yếu thuần nông và một số ít đi biển ven bờ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, y sĩ Cần vẫn cố gắng nuôi dưỡng ước mơ để vào ngành y để được phục vụ người dân nghèo. Y sĩ Phan Thị Thanh Cần Y sĩ Cần tâm sự, cuộc sống thời bao cấp ngày ấy vô cùng khó khăn, đặc biệt khi mọi người ốm đau đều không có điều kiện chăm sóc về y tế. Đơn cử như: Nhân lực, trang thiết bị y tế đều thiếu, nhà trạm cũ kỹ dột nát, từ nhà đến bệnh viện hơn 10 km mà nếu đi thì chủ yếu chỉ có đi xe đạp hoặc đi bộ…Trước hoàn cảnh đấy, bà suy nghĩ rất nhiều và quyết định bỏ mơ ước làm nghề giáo viên để theo học trung cấp Y. Là một y sĩ chuyên ngành sản nhi, đến nay y sĩ Phan Thị Thanh Cần đã có thâm niêm 38 năm trong ngành. Niềm vui đối với bà là mỗi khi đỡ đẻ hoàn thành “mẹ tròn, con vuông” hoặc cấp cứu thành công cho bệnh nhân choáng do xuất huyết tiêu hóa, sốt cao co giật, chấn thương do tai nạn… Bà cũng gặp không ít nỗi buồn khi phải chuyển tuyến những ca bệnh vượt quá khả năng tuyến trạm mà hoàn cảnh của họ rất khó khăn. Bản tính thân thiện, yêu đời, nhưng bà Cần từng có lúc muốn ngã quỵ vì tuyệt vọng. Năm 2008, con gái bà đang học lớp 12 thì phát hiện bị ung thư phổi. Con điều trị được 3 tháng thì chồng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Bà  tưởng mình không vượt qua nổi. Tuy biết con cần mình, bệnh nhân cũng cần mình, nhưng mường tượng tương lai đơn độc lạnh lẽo là bà chỉ muốn đổ gục. Cũng may, đồng nghiệp, bạn bè, người thân luôn động viên, thậm chí có bệnh nhân đang đau sốt cũng cố gắng động viên bà. Vì thế, bà đã gắng gượng vượt qua tâm tư riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại địa phượng. Bà vẫn nhớ như in khi kể lại câu chuyện đỡ đẻ, trong khoảng hơn 1.000 ca đẻ, bà không thể quên nổi 9 ca đẻ ngược và một ca sinh đôi khiến bà... thót tim. Trong đó, đáng nhớ nhất, có ca đẻ ngược, sản phụ là người thân của một người cùng làm trong trạm y tế. Khi bệnh nhân vào đẻ, đã chuyển dạ gần sinh nên muốn chuyển đi cũng không chuyển nổi, trong khi ấy bà lại đang bị tổn thương xương bánh chè sau tai nạn giao thông, đứng không nổi nên bà chỉ có thể ngồi ngay bên bàn đẻ, hướng dẫn và nhìn chi tiết thao tác của nữ hộ sinh khi đỡ đẻ đứa trẻ. Đến khi em bé được sinh ra, mặt đã trắng bợt. Lúc ấy bà nghĩ em bé đã không may mắn qua đời, chỉ có cách phải làm sao để cứu mẹ em bé. Thế nhưng khi nữ hộ sinh đặt em bé xuống bàn thấp hơn, ngay trước mắt bà, bà thấy em bé có một nét mặt duyên dáng quá, em bé chỉ như đang ngủ thôi vậy nên bỗng như vô thức, bà cứ thế cúi xuống, đặt một cái gạc qua miệng bé để hô hấp, còn nữ hộ sinh phải lo cho thai phụ. Thời đó không có máy hút đờm dãi, không có oxy, cứ thể bà hà hơi, thổi ngạt, hô hấp khoảng 90 phút thì em bé từ trắng bệch đã dần tím, rồi hồng trở lại, rồi khóc. Bà vỡ òa sung sướng vì đã cứu được bé. Câu chuyện này đã xảy ra cách đây 17 năm nhưng bà vẫn nhớ như in bởi vẫn dõi theo bé hàng ngày, từ giây phút sống lại ấy đến khi biết đi, biết chạy và giờ đã là một cô học trò lớp 11 của trường làng. Đặc biệt, có những ca đẻ ngược, sản phụ cũng chẳng chịu tới viện, khi bà con trong xóm báo bà tới thì chân em bé đã thò ra ngoài. Lúc ấy bà nghĩ làm sao cho em bé ra nhanh nhất để cứu bé mà không nghĩ gì đến rủi ro, tai biến vì có chuyển đi cũng không nổi. May mắn, tất cả 9 ca đẻ ngược đều an toàn, không xảy ra tai biến. Điều bà tâm đắc nhất đấy chính là bà đã cùng nhân viên Trạm Y tế cải thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Trạm Y tế xã Ninh Thọ giờ cũng khác xưa nhiều. Qua 2 lần chuyển trụ sở rồi xây mới, trạm hiện có 14 phòng chức năng với trang thiết bị y tế hiện đại, cho phép xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, đo điện tim… Đội ngũ nhân lực cũng vững tay nghề với 8 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng. Trạm thu hút 70 - 80 lượt người khám/ngày và khoảng 100 - 110 ca sinh/năm. Đặc biệt, trạm luôn thực hiện phương châm “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, không để xảy ra sai sót chuyên môn.  Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, luôn được quan tâm hàng đầu của toàn xã hội”. Vì thế, bà luôn xác định cho nhân viên Trạm y tế xã: Là cán bộ y tế cơ sở luôn gần dân để trực tiếp thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và điều trị một số bệnh thông thường, luôn cố gắng thực hiện tốt các tiêu chuẩn về y đức, quy chế giao tiếp người bệnh. Đồng thời tham mưu cho Trung tâm y tế thị xã, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã. Ngoài ra, bà cũng duy trì được hoạt động y tế thôn, cộng tác viên các chương trình có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân… Với những thành tích trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, y sĩ Phan Thị Thanh Cần đã được nhận Bằng khen của Liên Đoàn lao động Tỉnh Khánh Hòa, 7 Bằng khen của UBND tỉnh, 2 Bằng khen của Bộ Y tế, 1 Bằng khen Tỉnh ủy Khánh Hòa. Bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy Thuốc ưu tú” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hồng Thiết          

Trang