TĐKT - Bị mất đôi bàn tay sau vụ nổ bình oxy nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng thanh niên Dương Hữu Phúc đã kiên cường vượt lên số phận, tiếp tục theo đuổi và hiện thực hóa ước mơ trở thành kiến trúc sư của mình. Hiện Phúc đang là sinh viên năm thứ 3 của Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Cách đây 4 năm, khi Phúc 19 tuổi, trong lúc làm việc tại một xưởng cơ khí ở Lạng Sơn, bất ngờ bình oxy phát nổ. Khi tỉnh dậy, Phúc mới biết rằng mình đã vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay. Với em khi đó, đó là một nỗi đau tưởng như không thể gượng dậy được. Những cơn đau đớn về mặt tinh thần và thể xác vẫn còn kéo dài khi hai bàn tay của em bị nhiễm trùng rồi hoại tử, phải cắt xương lần thứ hai. Bảy tháng sau, vết thương sâu mới lành trở lại.
Thời gian đầu, cũng giống như những người khuyết tật khác, em cảm thấy vô cùng đau đớn, tuyệt vọng, mất hết niềm tin. Em không thể làm được gì vì mất đôi bàn tay là mất hết cả tương lai, mất tất cả mọi thứ, mọi dự định…Mơ ước trở thành một kiến trúc sư cũng tan thành mây khói.
Phúc kể: “Lúc bấy giờ, kinh tế gia đình lại gặp khó khăn. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ cũng đau ốm liên miên. Khi em bị tai nạn như vậy, nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, quả thực lúc đó em thương mẹ vô cùng và hai mẹ con cứ thế ôm nhau mà khóc.”
Không muốn cả đời phải dựa vào mẹ trong mọi sinh hoạt, Phúc cố gắng dùng thử tay giả nhưng em nhận ra rằng các khớp mỏi nhừ, cử động khó khăn và hầu như không có cảm giác gì nên quyết định dùng phần tay cụt để tập luyện. Em bắt đầu học cách cầm nắm, di chuyển đồ vật. Lúc đầu còn phải nhờ sự trợ giúp của cằm hay chân, nhưng dần dần, chỉ cần dùng tay em có thể bê cả nồi cơm hay chiếc ghế vừa tầm.
Khó nhất phải kể đến việc ăn uống. Không còn ngón tay để cầm đũa thìa nên em nhờ mẹ chế ra dụng cụ hỗ trợ là một nửa chai nước, ở đầu gắn cái dĩa - tay đúc vào chai, xúc như tay giả. Những ngày đầu cơm canh, thức ăn vương vãi khắp nhà, phần tay cắm vào hộp nhựa sưng tấy, nhưng em không bỏ cuộc. Chỉ vài ngày sau, em có thể tự xúc ngon lành.
Sau khoảng một năm ở nhà, tình cờ em cầm bút để thử xem có viết được tên em không. Vô cùng vui sướng khi em vẫn viết được, chỉ có điều là chậm hơn trước đây. Nên em quyết định là xin phép mẹ cho em được học tiếp lớp 12 tại một Trung tâm giáo dục thường xuyên gần nhà.
Những năm tháng Phúc tiếp tục theo đuổi bậc THPT là những năm mẹ em rong ruổi đưa đón em khắp các nẻo đường, bất kể ngày mưa cũng như ngày nắng. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2016, em đăng ký vào Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và trúng tuyển.
Nhớ lại những ngày tháng đấy, Phúc nghẹn ngào: “Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, hai mẹ con em vừa mừng vừa lo. Mừng vì em được đi học đại học, lo vì không biết lấy đâu ra tiền để học. Nhưng vì thương em nên mẹ quyết định rời quê nhà, khăn gói lên Hà Nội để em nhập học với tất cả sự nỗ lực. Mẹ em phải làm từ sáng đến tối để có đủ tiền sinh hoạt. Thương mẹ vất vả nên cả năm đi học em không dám nghỉ một ngày nào. Em không muốn những đồng tiền mẹ khó khăn kiếm được trở nên uổng phí.”
Hiện tại, hai mẹ con em đang thuê một căn phòng trọ nhỏ dưới chân đê ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để thuận tiện cho việc học tập của em tại trường. Tuy còn khó khăn nhưng em vui vì mẹ luôn ở bên cạnh động viên em hoàn thành việc học thật tốt.
Hữu Phúc trong một giờ học trên lớp
Người bình thường học những chuyên ngành thiết kế đã khó. Đối với người bị mất đi đôi bàn tay, việc ấy còn khó khăn hơn gấp bội phần. Nhưng theo các thầy cô giáo của Khoa Kiến trúc cho biết, Phúc luôn hoàn thành bài tập sớm nhất và tốt nhất so với các bạn khác, đặc biệt là không để nợ một môn nào.
Phúc tiết lộ: “Có thể khi nhìn em, mọi người sẽ nghĩ rằng một việc đơn giản hay khó, em không thể làm được nhưng thực ra em vẫn có thể làm được, chỉ có điều là phải làm nó một cách chậm rãi hơn. Thời gian đầu mới vào học, do chưa quen sử dụng máy tính trong việc thiết kế, đồ họa, em gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là em được các thầy cô giáo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, động viên em trong suốt quá trình học tập. Cộng với sự chăm sóc, lo lắng quan tâm của mẹ, sự chia sẻ của bạn bè và nỗ lực của bản thân, đến bây giờ những khó khăn đó đã vơi bớt phần nào. Cũng may mà làm bản vẽ trên máy tính, chứ nếu vẽ bằng tay thì em chạy dài cũng không theo kịp các bạn.”
“Em luôn tự ý thức rằng, bản thân mình đã thua thiệt thì phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần người khác mới đạt được thành công, trở thành một Kiến trúc sư giỏi và cũng là để không phụ lòng mong mỏi của những người yêu quý em.” – Phúc nói.
Không chỉ học tập tốt trên lớp, ngoài giờ học, Phúc còn đi làm thêm, phụ giúp cho mẹ. Em tự nhập đồ về để làm những chiếc vòng đội đầu xinh xắn, bán trên phố đi bộ Hồ Gươm từ thứ 6 tới chủ nhật. Cứ có thời gian rảnh là hai mẹ con lại tự kết vòng để cuối tuần em mang đi bán.
Có ngày đi rạc cả chân cũng chỉ bán được vài cái, ngày may mắn hơn kiếm được vài trăm nghìn. Được bao nhiêu em mang về đưa cho mẹ, dặn mẹ mua thuốc, hay mua thêm đồ ăn ngon. Gần đây, căn bệnh hở van tim, suy thận của mẹ tái phát nặng, phải đi bệnh viện nhiều, kinh tế khó khăn nên em đi bán từ chiều tới gần 11 giờ đêm mới về đến nhà.
Tuy nhiên, em cố gắng phân bổ thời gian hợp lý, không để việc làm thêm ảnh hưởng tới việc học. Khi có bài tập hay thi hết môn, em đều sắp xếp và cố gắng hoàn thành, tập trung ôn tập sớm để giành kết quả cao. Thời gian còn lại, em phụ giúp mẹ việc nhà và kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Mơ ước của em là sau khi tốt nghiệp ra trường, em xin được việc làm ngay, có tiền và thuê được một căn nhà trọ rộng rãi hơn, mát mẻ hơn để mẹ có chỗ nghỉ thoải mái khi đi làm về. Xa hơn, em cũng mong ước xây được một ngôi nhà 2 tầng để hai mẹ con ổn định hơn.
Thu Hương