Dân số và Phát triển

Vĩnh Long: Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

TĐKT - Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều mô hình, đề án thiết thực đã được ngành dân số tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai, đặc biệt là Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Nhờ vậy, tỷ lệ mất cân bằng giới tính trên địa bàn tỉnh đã có kết quả khả quan. Khi bắt tay vào triển khai đề án, một trong những nhiệm vụ quan trọng tỉnh đề ra chính là nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, về giới, bình đẳng giới. Tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền những nội dung này trong các buổi sinh hoạt, trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm hoặc tư vấn trực tiếp. Nội dung này cũng được các trường THPT, cao đẳng, đại học… lồng ghép trong chương trình giảng dạy. Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa có nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh... Nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là tâm lý thích con trai Riêng ngành y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái; nam, nữ thanh niên đến tuổi kết hôn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phổ biến rộng các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn và loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ; kiên quyết xử lý các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, các cơ sở in, bán ấn phẩm về lựa chọn giới tính thai nhi... Tỉnh cũng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường đưa nội dung nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước, hương ước để thực hiện... Đồng thời, duy trì sinh hoạt thường xuyên 88 câu lạc bộ tiền hôn nhân tại 22 xã của 8 huyện, thị, thành để tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe hôn nhân nhằm nâng cao kỹ năng ứng xử và giúp thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”. Tổ chức hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh, phân tích rõ những hệ lụy của vấn đề này đối với gia đình, xã hội. Thành lập câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” ở trường học. Qua đó, từng bước thay đổi những định kiến về giới, góp phần phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái... Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nên tình trạng mất cân bằng giới tính trên địa bàn tỉnh giảm. Nếu như năm 2016, tỷ lệ giới tính trên địa bàn tỉnh là 112 bé trai/100 bé gái đến nay, tỷ lệ này còn 109,6 bé trai/100 bé gái, giảm 5,2% so cùng kỳ; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 4,22%, giảm 1,47% so cùng kỳ. Không hề dễ dàng để thay đổi quan điểm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ của một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay. Để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình tại các xã, thị trấn. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Ngành dân số kiến nghị với các cấp, ngành tích cực quan tâm, tham mưu hoàn thiện việc xây dựng hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới khi sinh; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và gia đình có con 1 bề là gái… Hà Anh

Yên Khánh (Ninh Bình) đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

TĐKT - Được triển khai từ năm 2015, mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng” trên địa bàn huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong việc cải thiện thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của NCT trong cộng đồng. Hiện nay, Yên Khánh có trên 17 nghìn NCT, chiếm trên 13% dân số toàn huyện. Tuy chính quyền, các cấp các ngành đã quan tâm đến đối tượng NCT nhưng trong điều kiện hiện nay, công tác chăm sóc, hỗ trợ NCT còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) huyện Yên Khánh đã triển khai Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Mục tiêu chung của đề án nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của NCT với 3 mục tiêu cụ thể: vai trò của NCT được phát huy trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS/ KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống; chất lượng tư vấn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT được cải thiện; phát hiện và xử lý sớm các bệnh thường gặp ở NCT; sức khỏe thể chất và tinh thần của NCT được hỗ trợ chăm sóc thông qua hoạt động của mạng lưới tình nguyện viên tại cộng đồng.       Khám bệnh, cấp phát thuốc cho người già tại xã Khánh Công, huyện Yên Khánh Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Yên Khánh cho biết: ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện Yên Khánh thành lập Ban quản lý Đề án cấp huyện; chỉ đạo xã Khánh Cường thành lập Ban quản lý Đề án xã điểm triển khai đề án. Tại các xã thực hiện đề án, hàng tháng, trong buổi giao ban với cán bộ chuyên trách dân số các xã, thị trấn có kiểm điểm, đánh giá các nội dung hoạt động đề án để rút kinh nghiệm trong cách thức tổ chức và kỹ năng truyền thông, tư vấn. Riêng xã điểm Khánh Cường đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, thể thao: CLB thơ ca, CLB liên thế hệ tự giúp nhau (mỗi CLB có từ 50 -100 thành viên) và hàng chục các CLB ở các chi hội NCT của xóm. Cụ Nguyễn Bền, hội viên Hội NCT Xã Nam Cường cho biết: “Từ khi tham gia vào CLB, tôi thấy mình trẻ khỏe và cởi bỏ hoàn toàn suy nghĩ tuổi già là tuổi vô ích. Thông qua các buổi hội thảo, không chỉ được tìm hiểu về các chính sách mới của Đảng, Nhà nước mà thông qua các đợt khám, truyền thông của ngành y tế, hội viên chúng tôi biết nhiều thông tin về phòng, chống bệnh ở NCT: tiểu đường, hô hấp, tăng huyết áp... CLB chính là nơi để trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nuôi dạy con cháu tránh xa các tệ nạn xã hội.” Ngoài ra, đối với các xã không triển khai Đề án, Trung tâm chỉ đạo cán bộ chuyên trách triển khai các nội dung đề án tới đội ngũ cộng tác viên dân số để nắm bắt tốt và phối hợp với Ban đại diện Hội NCT đưa vào các hoạt động lồng ghép. Cũng theo bà Tuyến, mặc dù khó khăn do thiếu nguồn kinh phí, các hoạt động trong đề án đa phần được lồng ghép trong các hoạt động của Hội NCT, song kết quả bước đầu triển khai đề án đã nhận được sự tham gia tích cực của NCT. Đề án đã nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao sức khỏe NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và khả năng tự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của NCT. Đến nay, Yên Khánh có trên 67% NCT có thẻ BHYT, hơn 16 nghìn NCT được lập sổ theo dõi về sức khỏe và khám bệnh định kỳ; có trên 700 NCT tham gia hoạt động tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; trên 3.600 NCT tham gia hoạt động ở các loại hình CLB; trên 70% NCT tích cực tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, từ thiện nhân đạo… Có thể thấy, Đề án “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” triển khai nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của NCT trong điều kiện hiện nay. Làm thế nào để giúp NCT tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần phù hợp; phòng tránh các nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm; biết tự chăm sóc thông thường đúng cách... là hành động có ý nghĩa nhân văn trong tình hình già hóa dân số có xu hướng gia tăng và rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Hà Anh

Trao giải Cuộc thi ảnh "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi"

TĐKT – Chiều 8/11, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi ảnh "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" trên mạng năm 2017. Tác giả Đỗ Văn Cư (Đồng Nai) đạt giải nhất với bộ ảnh "Chiều thu vẫn sáng" Cuộc thi diễn ra từ ngày 2/10 - 31/10/2017 đã thu hút 53/63 tỉnh, thành phố tham gia với hơn 5.300 bài dự thi; hơn 5 triệu lượt người tiếp cận; hơn 20.000 lượt chia sẻ và like; hơn 18.000 lượt bình chọn cho các bài dự thi. Cuộc thi ảnh "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" trên mạng năm 2017 có chất lượng cao hơn hẳn so với các cuộc thi do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức trước đây. Mỗi bức ảnh thể hiện một nét riêng của nhân vật hoặc việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi... Mỗi bức ảnh, bài viết tham gia dự thi gửi đến cho công chúng một thông điệp về người cao tuổi. Từ đó, nhắc nhở mỗi người cần có trách nhiệm đối với người cao tuổi. Sau một tháng triển khai, Ban Tổ chức đã chọn ra 12 tập thể và 10 cá nhân có bài dự thi xuất sắc nhất để trao giải. Giải nhất tập thể được trao cho Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ninh. Giải nhất cá nhân được trao cho tác giả Đỗ Văn Cư, Đồng Nai với tác phẩm "Chiều thu vẫn sáng". Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải, Phó tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân cho rằng, dân số nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa. Vì vậy, cần có định hướng để đất nước đạt được già hóa tích cực. Già hóa tích cực bao gồm hai mảng công việc: phát huy trí tuệ, tinh thần và sự đóng góp của người cao tuổi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và chăm sóc đầy đủ về tinh thần, vật chất cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Ông Nguyễn Văn Tân bày tỏ mong muốn từ Cuộc thi ảnh "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi", những hoạt động thực hiện theo định hướng của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi sẽ ngày càng lan rộng, đạt được những hiệu quả tích cực để phát huy hơn nữa vai trò và chăm sóc tốt hơn người cao tuổi nước ta. Cuộc thi ảnh "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" trên mạng năm 2017 đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Cuộc thi đã phát huy lợi thế truyền thông hiện đại nhằm tương tác, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng mạng để cùng nhau tham gia chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khẳng định tính đúng đắn về hướng đi mới trong hoạt động truyền thông, giáo dục và tư vấn về dân số, góp phần thực hiện thành công Đề án Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 và thích ứng với giai đoạn già hóa dân số. Bình Nguyên

Hiệu quả từ mô hình “Thực hiện chính sách DS - KHHGĐ” ở Minh Long (Quảng Ngãi)

TĐKT - Minh Long là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi triển khai mô hình “Thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ)”. Sau 4 năm thực hiện, đến nay, mô hình này đã đạt được những kết quả tích cực, được tỉnh Quảng Ngãi coi là điểm sáng cho các huyện khác học tập kinh nghiệm Ở một huyện miền núi, cuộc sống của người dân Minh Long gặp nhiều khó khăn. Công tác DS - KHHGĐ nơi đây còn nhiều bất cập. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng ở một số thôn, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa nhiều, tình trạng mang thai trước tuổi, tảo hôn... vẫn còn diễn ra. Với thực trạng trên, năm 2013, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Công tác DS - KHHGĐ huyện và UBND huyện thành lập mô hình câu lạc bộ (CLB) “Thực hiện chính sách DS - KHHGĐ”. Ông Lê Vũ Lương, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện cho biết: khi mới được triển khai, huyện thành lập 5 CLB ở 5 xã. Đến nay, huyện đã có 24 CLB ở 43 thôn. Đây là mô hình mới, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cán bộ dân số tuyên truyền chính sách DS - KHHGĐ cho người dân xã Thanh An (huyện Minh Long) Để duy trì tốt hoạt động của mô hình, hàng tháng, Trung tâm đều phối hợp với các xã, Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức phổ biến các quy định về công tác DS - KHHGĐ để người dân am hiểu hơn về chính sách dân số. Các mô hình đã duy trì sinh hoạt định kỳ với hơn 2.000 lượt hội viên tham dự. Là một thành viên của CLB, chị Đinh Thị Viên, thôn Làng Ren, xã Long Môn chia sẻ: tôi tham gia CLB được gần 2 năm. Ban đầu, tôi khá ngại khi nói tới những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Nhưng sau một thời gian tham gia, tôi có thể thoải mái trao đổi những thông tin về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, cách đối nhân xử thế trong gia đình… Ngoài việc trao đổi, tuyên truyền về công tác dân số, CLB này còn xây dựng nguồn quỹ để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay mượn để phát triển sản xuất; hỗ trợ đột xuất những gia đình ốm đau, hoạn nạn; khen thưởng các cháu gái trong gia đình sinh con một bề học khá, giỏi... Sau 4 năm, tổng số tiền quỹ của các CLB hiện có gần 11 triệu đồng, đã hỗ trợ cho 6 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho 21 em gái có thành tích học tập khá, giỏi là con của hội viên. Là một cán bộ chuyên trách dân số xã Long Mai, chị Trần Nữ Vương Phương cho biết: lúc đầu, đa số bà con dân tộc thiểu số cho rằng có thêm con để lao động sản xuất, phải sinh con trai... nên công tác tuyên truyền gặp nhiều trở ngại. Từ khi chúng tôi thành lập CLB ở các thôn, người dân tham gia sinh hoạt đầy đủ, nhận thức về công tác dân số được nâng lên. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai tăng, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn xã chỉ có 3 trường hợp sinh con thứ 3. Bên cạnh việc phát triển mô hình “Thực hiện chính sách DS - KHHGĐ”, huyện quan tâm đổi mới công tác truyền thông dân số. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của địa phương giảm còn 8,93%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dưới 6%. Có thể thấy, mô hình “Thực hiện chính sách DS/KHHGĐ”được huyện Minh Long triển khai có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dân số nơi đây. Để nâng cao hiệu quả của mô hình, theo ông Lương, trong thời gian tới,chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động. Bảo Linh

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển

TĐKT – Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII  (Nghị quyết số 21-NQ/TW) khẳng định: dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển đất nước. Công tác dân số là nhiệm vụ có tính chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng được Nghị quyết đưa ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số với các nội dung cụ thể: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết: 25 năm qua, công tác DS - KHHGĐ đã thu được những kết quả đáng kể. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII năm 1993 đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Quy mô dân số năm 2016 gần 93 triệu người, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục có bước đột phá. Việc mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS - KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Chỉ số phát triển con người còn thấp (HDI). Năm 2014, HDI của Việt Nam là 0,666 xếp thứ 116 trong 188 nước so sánh. Những vấn đề dân số nổi bật, mới phát sinh: “cơ cấu dân số vàng”, “dân số già”, “mất cân bằng giới tính khi sinh”, “di cư và tích tụ dân số”, “chất lượng dân số chưa cao”... đang đòi hỏi được giải quyết nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần phát triển bền vững đất nước. Bước ngoặt quan trọng trong chính sách dân số Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ đạo tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hoà giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Trung ương Đảng cho rằng, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Nghị quyết đề ra những mục tiêu cơ bản của công tác dân số đến năm 2030: duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng, 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế. Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số HDI nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc… Để làm được điều này, giải pháp trước mắt được đưa ra là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số, trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.   Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Minh Phương

Phát động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017

TĐKT - Sáng 24/10, tại Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), Bộ Y tế tổ chức Lễ cổ động, diễu hành phát động các hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017 với chủ đề “Hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”. Tới dự, có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc; đại diện sở y tế một số tỉnh, thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo rất cụ thể trong Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây cùng với việc đạt được và duy trì ổn định mức sinh thay thế, công tác dân số phải tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, mặc dù đã được chú trọng chỉ đạo, tăng cường về truyền thông, vận động và can thiệp, song tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có dấu hiệu gia tăng cả về tỉ số cũng như địa bàn, khu vực... diễn ra ở cả thành thị và khu vực nông thôn hiện cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố đang ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này ở nước ta tuy xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh. Lễ cổ động, diễu hành phát động các hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017 Tỷ số giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 112,2 bé trai/100 bé gái. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, những biện pháp can thiệp kịp thời và tích cực, dự tính đến năm 2040-2050, nước ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không có phụ nữ để kết hôn. Điều này, dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc đề nghị các ngành liên quan và các tỉnh, thành phố tăng cường hợp tác, đẩy mạnh việc thực thi và giám sát thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh; tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh một cách bền vững. Hưởng ứng Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho biết: Vĩnh Phúc đã và đang tham gia tích cực các giải pháp kịp thời, nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó phát huy vai trò của các hội đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ trong việc tuyên truyền công tác DS - KHHGĐ, xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; quản lý chặt chẽ các cơ sở phòng khám hành nghề y tế tư nhân trong việc khám, siêu âm giới tính thai nhi. Vĩnh Phúc cam kết và hưởng ứng, chung tay thực hiện, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên toàn quốc. Ngay sau buổi lễ, các đại biểu cùng tham gia ký cam kết chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh; các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tham gia diễu hành hưởng ứng tại các tuyến phố trên địa bàn TP Vĩnh Yên. Bình Nguyên

Nỗ lực thực hiện chính sách dân số ở Mường Bon

TĐKT - Mường Bon là xã miền núi thuộc huyện Mai Sơn (Sơn La). Xã có 1.527 hộ, với 6.719 nhân khẩu, trong đó 1.336 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số. Số người sinh con thứ 3 và tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh gia tăng. Bởi vậy, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo quyết liệt để người dân trong xã thực hiện tốt chính sách dân số. Cán bộ dân số tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình cho người dân Xác định giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hàng năm, xã đều chỉ đạo Trạm Y tế xã tăng cường tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tới người dân. Xã cũng chỉ đạo đưa công tác này vào quy ước, hương ước của các bản để nhân dân thực hiện.  Mặc dù vậy, hiệu quả của các chương trình này chưa cao, nhiều bản thậm chí mức sinh con thứ 3 năm sau cao hơn năm trước. Qua khảo sát cho thấy: 70% cặp vợ chồng mong muốn có con trai, 10% muốn có con gái, 20% thì con trai hay con gái đều được; 51,9% phụ nữ nạo phá thai liên quan đến việc lựa chọn giới tính. Cũng theo số liệu thống kê, năm 2016, xã Mường Bon có 34 trường hợp sinh con thứ 3. Trong 8 tháng năm 2017, có 10 trường hợp sinh con thứ 3, tập trung ở các bản: Xa Căn, bản Bon, bản Ỏ, bản Lẳm... Tỷ lệ giới tính khi sinh trong thời gian này là 32 bé trai/16 bé gái. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Song từ số liệu trên có thể thấy, nguyên nhân chính vẫn là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào tư tưởng mỗi người dân. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí, sự hiểu biết của người dân với các chính sách dân số còn hạn chế; tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm trong giới trẻ còn rất phổ biến; các gia đình muốn sinh nhiều con để có nhân lực lao động. Bên cạnh đó, do đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi nên số cộng tác viên có kinh nghiệm lâu năm không nhiều. Do đó công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Một số bản chưa bổ sung chính sách DS/KHHGD vào quy ước, hương ước của bản để nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, mức thù lao hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên thấp, không bù đắp được công sức của họ trong công việc... Trước thực trạng trên, chính quyền xã Mường Bon đã đề ra một số giải pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 và từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng. Cán bộ dân số và y tế cơ sở đã rà soát đối tượng, phối hợp với trưởng bản, người có uy tín của bản để tuyên truyền, phổ biến các mô hình can thiệp dân số. Xã Mường Bon cũng thành lập Ban chỉ đạo công tác DS/KHHGĐ; các tổ truyền thông trên địa bàn, duy trì giao ban tổ tư vấn và cộng tác viên tình nguyện mỗi tháng một lần để triển khai mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, lồng ghép tuyên truyền công tác dân số vào các buổi sinh hoạt. Đồng thời, xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã thành lập câu lạc bộ “Gia đình không sinh con thứ ba”, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia để chuyển đổi hành vi dân số. Việc thực hiện công tác dân số là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm và cũng là tiêu chuẩn để xét bản, gia đình văn hóa. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã cũng chú trọng xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số. Khuyến khích, động viên đội ngũ cộng tác viên dân số các bản thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm chắc từng gia đình có khả năng sinh con thứ ba để tuyên truyền, vận động họ nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, thực hiện tốt chính sách dân số... Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số. Bảo Linh  

Nâng cao nhận thức về dinh dưỡng cho trẻ

TĐKT - Ngày 21/10, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) phối hợp tổ chức tọa đàm chia sẻ về dinh dưỡng với chủ đề “Con không muốn làm máy nghiền thức ăn” nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và trẻ em về quyền dinh dưỡng của trẻ, về dinh dưỡng đủ chất và đúng cách. Giám đốc VSF Nguyễn Như Trang cho biết, đây là năm đầu tiên VSF đồng hành với MSD để triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng “Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng”. Với sứ mệnh của Quỹ là nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực cho trẻ em Việt Nam, chúng tôi mong rằng thông qua chương trình này sẽ có thể đóng góp được phần nào giúp các bậc cha mẹ, nhà trường thầy cô cũng như chính các em học sinh hiểu biết hơn, tiếp cận được tốt hơn về vấn đề dinh dưỡng, từ đó có những phương pháp chăm sóc con để trẻ em Việt Nam có thể phát triển tốt nhất đạt được tầm vóc, thể lực và trí lực như chúng ta mong đợi. Tọa đàm “Con không muốn làm máy nghiền thức ăn” Dinh dưỡng luôn là vấn đề được cha mẹ chú trọng khi chăm sóc con trẻ. Cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng thể hiện trách nhiệm và tình thương của các bậc phụ huynh đối với thế hệ tương lai. Tuy nhiên, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách cho con cũng không phải là việc dễ dàng đối với cha mẹ. Quan niệm truyền thống về “béo khỏe” đã vô tình tạo nên những thói quen, đôi khi là áp lực cho con ăn càng nhiều càng tốt. Nhưng ép con ăn lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà cha mẹ có thể không lường trước được. Việc trẻ bị ép ăn có thể khiến trẻ sợ hãi, ngày càng biếng ăn hơn, không hứng thú còn làm giảm khả năng hấp thụ của bé, khiến bé còi cọc, chậm lớn. Bị ép ăn còn tạo ra những thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ sau này. Và ngoài ra, “ép con ăn” cũng ở một khía cạnh cũng xâm phạm đến các quyền của trẻ em. PGS.TS Trần Đình Toán cho biết: hiện nay ở Việt Nam đang nổi lên thực trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Song song với thực trạng suy dinh dưỡng thì có một bộ phận trẻ em béo phì. Theo điều tra, có những vùng có trên 20% trẻ em béo phì. Đối với trẻ em thừa cân thì sau này khi các cháu lớn lên thì sẽ khó chữa thừa cân, béo phì hơn. Ví dụ trong cơ thể có 1 triệu tế bào mỡ, nhưng khi trẻ béo phì thì số lượng đó sẽ nhân lên gấp đôi và khi trẻ lớn lên thì lượng tế bào đó càng phồng to hơn và béo phì mà không đủ chất thì vẫn là suy dinh dưỡng. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Ở một khía cạnh khác, tâm lý lo lắng của các mẹ khi con suy dinh dưỡng, thường tìm đến các loại chất bổ sung để các bạn nhỏ tăng chất hấp thụ. Nhưng thực phẩm chức năng không thể thay thế được các thực phẩm tự nhiên, tươi ngon. Để khuyến khích các bé ăn và có cảm hứng với món ăn của mình, MC Minh Trang chia sẻ: “Nếu đưa ra một khay ăn có nhiều màu sắc sẽ tốt hơn rất nhiều việc đưa cho con một nắm thuốc (chất bổ sung) có nhiều màu với nhiều chất. Việc giúp con trải nghiệm nấu ăn, sơ chế các loại thực phẩm cũng giúp các con hào hứng hơn trong các bữa ăn. Bữa ăn gia đình còn là cách để duy trì lửa trong gia đình”. Với kinh nghiệm của mình, Minh Trang khẳng định: “Trẻ trên 5 tuổi hoàn toàn có thể có kiến thức để phân biệt thức ăn nào là tốt cho mình, thức ăn nào là không tốt. Phụ huynh có thể cùng con khám phá các loại thức ăn và cách thức đọc nhãn của các loại thực phẩm để cân nhắc và quyết định thực phẩm tốt và cần thiết cho sự phát triển của trẻ”. Tọa đàm cũng thảo luận rất nhiều các chủ đề và trả lời các câu hỏi liên quan của phụ huynh về vấn đề làm sao để phân biệt nguồn gốc các loại thực phẩm, các nguyên nhân khiến trẻ lười ăn (nguyên nhân bệnh lý và không bệnh lý) và các bí quyết, “chiêu” khuyến khích con ăn đủ chất, đúng cách và tự ý thức và quyết định món ăn của mình. Hưng Vũ – Phương Thanh

Quảng Nam đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

TĐKT -  Nhiều năm trở lại đây, công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được các cấp, các ngành, đơn vị chức năng đặc biệt quan tâm. Đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của NCT từng bước được cải thiện. Từ đó, NCT cũng đã phát huy vai trò trong việc giáo dục con cháu, góp sức xây dựng địa phương, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Hiện Quảng Nam có 179.204 NCT, chiếm 12,19% dân số cả tỉnh. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ NCT sống vui - khoẻ - có ích, ngành Y tế đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sức khoẻ NCT. Triển khai chương trình phối hợp giữa Sở Y tế và Hội NCT tỉnh, các đơn vị y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung rèn luyện thân thể, tăng cường sức khoẻ và phòng các bệnh thường gặp ở NCT. Các đơn vị trong ngành thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt hoặc nói chuyện về sức khoẻ cho bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện; phối hợp cử cán bộ y tế đến tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho NCT tại các chi hội NCT địa phương. Nhân viên y tế tư vấn khám bệnh cho NCT ở huyện Đại Lộc Ngoài các đơn vị y tế tuyến tỉnh, các trạm y tế tuyến xã cũng chủ động điều tra, rà soát, thống kê, lập danh sách NCT trên địa bàn để lập hồ sơ theo dõi và quản lý sức khoẻ; thường xuyên phân công cán bộ trạm y tế và nhân viên y tế thôn nắm bắt thông tin và đến thăm các hộ gia đình có NCT để tư vấn sức khoẻ hoặc khám, chữa bệnh. Cùng với công tác khám, chữa bệnh, ngành còn quan tâm đến công tác y tế dự phòng, triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế: Dự án phòng, chống bệnh cao huyết áp, phòng, chống bệnh đái tháo đường, phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính..., góp phần nâng cao sức khoẻ cho người dân, trong đó có NCT. Hệ thống mạng lưới cơ sở cũng như dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ cho NCT dần được cải thiện, nâng cao về chất lượng và mở rộng độ bao phủ, góp phần giúp NCT dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng ngay tại địa phương. Hiện nay, một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có khoa lão khoa, khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có hơn 100 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa; 57.015 NCT được khám sức khỏe định kỳ; 42.869 NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. 141.000 NCT được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe… Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh đã triển khai phẫu thuật miễn phí cho NCT bị đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt tại thị xã Điện Bàn, tổ chức khám sàng lọc các bệnh về mắt cho NCT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và mổ đục thủy tinh thể theo yêu cầu nguyện vọng của NCT. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 124.320 NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế; một số câu lạc bộ dành cho NCT bị mắc các bệnh mãn tính ra đời, nhiều câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần chăm sóc sức khỏe về mặt tinh thần cho NCT. Có thể thấy, công tác chăm sóc sức khỏe NCT thời gian qua được Quảng Nam thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT. Được quan tâm, chăm lo về mọi mặt, NCT sống vui, sống khỏe và sống có ích. Các cụ đã phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng trong chăm sóc sức khỏe. Việc cung cấp dịch vụ chuyên về lão khoa còn thiếu; trạm y tế xã, phường, thị trấn các nhân viên y tế chưa được đào tạo đầy đủ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe NCT; chưa có nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng… Để khắc phục những hạn chế đó, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành y tế với các cấp, các ngành trong chăm sóc NCT; tăng cường trách nhiệm gia đình trong chăm sóc sức khỏe NCT; tiếp tục đào tạo cán bộ chuyên ngành lão khoa; thành lập các khoa lão khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện; bố trí phòng khám riêng cho NCT; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT tuyến y tế xã, phường, thị trấn. Hà Anh

Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số

TĐKT - Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nước ta có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi (NCT), tương đương khoảng 11% dân số. Riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Già hóa dân số hay tuổi thọ người dân tăng cao phản ánh những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) và an sinh xã hội dành cho NCT. Báo cáo của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) cho thấy, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi, tức trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi lục tuần. Số NCT dự báo sẽ tăng từ 900 triệu người lên 2 tỷ vào năm 2050. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người). Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế… “Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác CSSK NCT. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vì vậy vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”. Quan tâm chăm sóc NCT cả về vật chất lẫn tinh thần Tại nước ta hiện nay, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, CSSK, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là chúng ta có khoảng 10 năm sống không khỏe. NCT Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Đa số NCT gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT... Để có các giải pháp nhằm ứng phó một xã hội già hóa, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”. Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK NCT thích ứng giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án được triển khai trên toàn quốc, tập trung ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ NCT cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; NCT có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn. Đề án "CSSK NCT giai đoạn 2017 - 2025” của Bộ Y tế, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội với NCT. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu chú trọng vào các nội dung: tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia CSSK NCT; xây dựng, phát triển phong trào CSSK NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu, khám, chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình CSSK dài hạn cho NCT; hoàn thiện chính sách pháp luật về CSSK NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia CSSK NCT. Kỷ niệm 27 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi (NCT) 1/10/2017, Liên hợp quốc đã thông báo chủ đề: “Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, huy động sự đóng góp và tham gia của NCT trong xã hội” và chủ đề của Tổng cục DS - KHHGĐ là: “Chủ động với thích ứng già hóa dân số”, với mong đợi các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh/thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia CSSK NCT. Bình Nguyên  

Trang