TĐKT - Mường Bon là xã miền núi thuộc huyện Mai Sơn (Sơn La). Xã có 1.527 hộ, với 6.719 nhân khẩu, trong đó 1.336 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số. Số người sinh con thứ 3 và tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh gia tăng. Bởi vậy, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo quyết liệt để người dân trong xã thực hiện tốt chính sách dân số.
Cán bộ dân số tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình cho người dân
Xác định giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hàng năm, xã đều chỉ đạo Trạm Y tế xã tăng cường tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tới người dân. Xã cũng chỉ đạo đưa công tác này vào quy ước, hương ước của các bản để nhân dân thực hiện.
Mặc dù vậy, hiệu quả của các chương trình này chưa cao, nhiều bản thậm chí mức sinh con thứ 3 năm sau cao hơn năm trước. Qua khảo sát cho thấy: 70% cặp vợ chồng mong muốn có con trai, 10% muốn có con gái, 20% thì con trai hay con gái đều được; 51,9% phụ nữ nạo phá thai liên quan đến việc lựa chọn giới tính. Cũng theo số liệu thống kê, năm 2016, xã Mường Bon có 34 trường hợp sinh con thứ 3. Trong 8 tháng năm 2017, có 10 trường hợp sinh con thứ 3, tập trung ở các bản: Xa Căn, bản Bon, bản Ỏ, bản Lẳm... Tỷ lệ giới tính khi sinh trong thời gian này là 32 bé trai/16 bé gái.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Song từ số liệu trên có thể thấy, nguyên nhân chính vẫn là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào tư tưởng mỗi người dân. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí, sự hiểu biết của người dân với các chính sách dân số còn hạn chế; tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm trong giới trẻ còn rất phổ biến; các gia đình muốn sinh nhiều con để có nhân lực lao động.
Bên cạnh đó, do đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi nên số cộng tác viên có kinh nghiệm lâu năm không nhiều. Do đó công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Một số bản chưa bổ sung chính sách DS/KHHGD vào quy ước, hương ước của bản để nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, mức thù lao hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên thấp, không bù đắp được công sức của họ trong công việc...
Trước thực trạng trên, chính quyền xã Mường Bon đã đề ra một số giải pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 và từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng. Cán bộ dân số và y tế cơ sở đã rà soát đối tượng, phối hợp với trưởng bản, người có uy tín của bản để tuyên truyền, phổ biến các mô hình can thiệp dân số.
Xã Mường Bon cũng thành lập Ban chỉ đạo công tác DS/KHHGĐ; các tổ truyền thông trên địa bàn, duy trì giao ban tổ tư vấn và cộng tác viên tình nguyện mỗi tháng một lần để triển khai mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, lồng ghép tuyên truyền công tác dân số vào các buổi sinh hoạt. Đồng thời, xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã thành lập câu lạc bộ “Gia đình không sinh con thứ ba”, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia để chuyển đổi hành vi dân số. Việc thực hiện công tác dân số là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm và cũng là tiêu chuẩn để xét bản, gia đình văn hóa.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã cũng chú trọng xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân số. Khuyến khích, động viên đội ngũ cộng tác viên dân số các bản thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm chắc từng gia đình có khả năng sinh con thứ ba để tuyên truyền, vận động họ nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, thực hiện tốt chính sách dân số... Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số.
Bảo Linh