Hướng dẫn triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025
TĐKT - Ngày 28/8 - 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2017 - 2025. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ, thảo luận về các nội dung: hướng dẫn xây dựng và triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025; già khỏe mạnh; già hóa và sức khỏe: định hướng hệ thống y tế; thực trạng chăm sóc sức khỏe NCT và hướng dẫn thống kê khám, chữa bệnh cho NCT; định hướng công tác chăm sóc sức khỏe NCT; đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe NCT theo mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến y tế cơ sở; chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các hoạt động chăm sóc NCT của các địa phương… Toàn cảnh Hội thảo Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết: Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn nhiều khó khăn. 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao. Sức khỏe của NCT còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao. Khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT. Trước những thực trạng và thách thức đó, ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thời gian thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2017 - 2020; giai đoạn 2 từ 2020 - 2025. Đề án được triển khai trên toàn quốc gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ưu tiên các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao về NCT, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ cao NCT gặp khó khăn, NCT là dân tộc thiểu số. Các hoạt động chủ yếu của Đề án: tăng cường truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Tăng cường nghiên cứu, hợp tác quốc tế; củng cố, phát triển hệ thống chỉ báo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe NCT. Để triển khai Đề án ở địa phương, ngày 22/3/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1376/BYT-TCDS về hướng dẫn kế hoạch về công tác DS - KHHGĐ năm 2017. Trong đó, giao chỉ tiêu cơ bản: 15% NCT được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế. Tăng thêm 10% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Hiện nay, đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động. Tổng cục DS - KHHGĐ đề nghị các tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án/kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Những tỉnh, thành phố còn lại khẩn trương tham mưu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động để triển khai thực hiện. Tại Hội thảo, Tổng cục DS - KHHGĐ và Trung ương Hội NCT Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2020. Bình NguyênDân số và Phát triển
TĐKT - Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển (Đề án 52) được triển khai tại 10 xã vùng biển, ven biển của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống người dân vùng biển ngày càng được cải thiện. Người dân được chăm sóc toàn diện hơn, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Cũng như nhiều địa phương khác, trước đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ gia tăng dân số và số gia đình sinh con thứ 3 trở lên khá cao.
Nguyên nhân chủ yếu là nhiều gia đình muốn có con trai để nối nghề đi biển, “nối dõi tông đường”, hay tư tưởng “đông con hơn đông của”. Đặc biệt, nhận thức của chị em phụ nữ còn nhiều hạn chế nên rất nhiều người chưa được tư vấn và khám để ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai. Trẻ sơ sinh chưa được phát hiện dị tật bẩm sinh để can thiệp, điều trị sớm nên đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Tuyên truyền chính sách DS/KHHGĐ cho thanh niên
Vì vậy, ngay khi bắt tay vào triển khai Đề án, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đầy trách nhiệm với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương. Xác định công tác truyền thông về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ là vấn đề trọng tâm nhằm giúp cho người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và thực hiện tốt công tác giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, Quỳnh Lưu đã tổ chức vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền qua hệ thống loa đài của xã, pa nô, áp phích, sách báo và tờ rơi về công tác DS - KHHGĐ.
Xác định nam giới và trưởng tộc có vai trò quan trọng về công tác DS - KHHGĐ, huyện chỉ đạo thành lập câu lạc bộ Nam giới để tăng cường công tác tuyên truyền tại 2 xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Thọ, ưu tiên những người trong độ tuổi, đặc biệt là các đối tượng đông con chưa thực hiện các biện pháp tránh thai, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia.
“Đây được coi là cách làm mang lại hiệu quả, bởi từ trước đến nay, đối tượng này hầu như rất ít khi được tuyên truyền về công tác dân số. Phần lớn mọi người đều nghĩ thực hiện chính sách DS - KHHGĐ là việc của phụ nữ. Mô hình các câu lạc bộ này đang được huyện Quỳnh Lưu nhân rộng và thu hút đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.”- Ông Hoàng Đình Tùng, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu nhận định.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ. Thành lập đội tuyên truyền lưu động cung cấp các dịch vụ về công tác DS - KHHGĐ, thường xuyên tổ chức các hoạt động ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu về công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi có nhu cầu sử dụng. Triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai an toàn.
Có thể thấy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng với sự tham gia tích cực của người dân, sau hơn 7 năm triển khai đề án, công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.
Hiện nay, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của huyện giảm còn 0,9%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 2,5%; tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng…Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong công tác kiểm soát dân số ở vùng biển, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng bền vững.
Bảo Linh
TĐKT - Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2017) và Hội thảo tổng kết “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2017”. Chương trình diễn ra nhân kỷ niệm cột mốc 20 năm Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cho phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (19/8/1997 – 19/8/2017).
Hội thảo có sự tham gia các bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nam khoa, sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản và hàng trăm cặp vợ chồng đã và đang hoặc có nhu cầu điều trị hiếm muộn.
Với niềm tự hào là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở miền Bắc được Bộ Y tế cấp phép, tiên phong thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và chung tay cùng cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức của các cặp vợ chồng về vô sinh – hiếm muộn, thời gian qua, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, đầu tư trang thiết bị, nhân lực để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã đón nhận hàng chục nghìn lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh. Trong đó có hàng nghìn cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) với tỷ lệ thành công rất cao (tương đương với tỷ lệ của các trung tâm TTTON lớn trong nước và quốc tế). Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cấp, mở rộng trang thiết bị, cơ sở vật chất như đầu tư kính vi phẫu, máy điều trị rối loạn cương dương Renova cũng như áp dụng công nghệ mới trong nuôi phôi, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều ca khó, tưởng chừng như vô vọng.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ thông tin với các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tại Hội thảo, với vai trò là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, GS.TS. Trần Thị Phương Mai đã cập nhật “Các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay” nhằm giúp các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và các khách mời tham gia chương trình có cái nhìn tổng quát về những tiến bộ y học trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đặc biệt, sau 20 năm Bộ trưởng Bộ Y Tế ký quyết định cho phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước áp dụng, giúp hàng chục ngàn cặp vợ chồng chẳng may mắc vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện mơ ước làm cha, làm mẹ.
Trong đó, trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật giúp đưa lĩnh vực hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới mà Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã áp dụng thành công. Việc trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được gánh nặng về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng mang lại.
Tại Hội thảo, Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền cũng đã trình bày vấn đề này qua báo cáo “Các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung trong chuyển phôi trữ”. Ngoài ra, “Hiệu quả trữ lạnh phôi và noãn tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội” cũng được Ths.Nguyễn Minh Đức báo cáo tại hội thảo.
Nhân dịp này, bệnh viện đã tổng kết chương trình Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2017 với chủ đề “Kết nối yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” (diễn ra từ ngày 5-19/8/2017). Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình.
Sau hai tuần diễn ra, chương trình đã tiếp nhận hơn 2000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Bên cạnh đó, tất cả các cặp vợ chồng đến khám mới trong thời gian này và có nhu cầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm được bệnh viện hỗ trợ trực tiếp 5,000,000 đồng/ca.
Trong buổi hội thảo, các cặp vợ chồng đã tiến hành bốc thăm để nhận các gói hỗ trợ: 1 gói hỗ trợ đặc biệt điều trị TTTON miễn phí tương đương 60 triệu đồng; 2 gói hỗ trợ vàng, trị giá 30 triệu đồng/gói; 10 gói hỗ trợ bạc trị giá 10 triệu đồng/gói; 20 gói hỗ trợ đồng, trị giá 5 triệu đồng/gói; 30 gói hỗ trợ cơ bản, trị giá 2 triệu đồng/gói.
Phương Thanh
TĐKT - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vậy việc nâng cao chất lượng dân số được Lào Cai xác định là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu đời không còn phù hợp để đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Tại Lào Cai, hiện nay, số cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình luôn tăng hàng năm. Quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi tại các huyện vùng cao vốn có quan niệm sinh nhiều con. Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Các vấn đề về chất lượng dân số cả thể chất lẫn tinh thần đang từng bước được cải thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh này.
Mục tiêu cơ bản trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của Lào Cai đến năm 2020 sẽ tập trung duy trì mức sinh hợp lý ở vùng thấp, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Để đạt mục tiêu, Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tranh thủ, phát huy nguồn lực của Đề án về một số chính sách hỗ trợ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đồng thời, khích lệ, động viên, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thôn bản tuyên truyền, triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ công tác dân số ở cơ sở...
Tuyên truyền về các biện pháp tránh thai trong chiến dịch tại xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai
Các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được triển khai lồng ghép thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc họp tại xã, thôn, bản đến các đối tượng là người sắp kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt chú trọng đến đối tượng cặp vợ chồng đã có một hoặc hai con gái.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Điển hình là mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân do Chi cục và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh triển khai khám và tư vấn các vấn đề về: chăm sóc sức khỏe sinh sản, nguy cơ và cách phòng, tránh sinh con khuyết tật, dị tật cho nam, nữ tiền hôn nhân; triển khai các hoạt động ngoại khóa tại các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú để học sinh tìm hiểu kiến thức về giới, sức khỏe sinh sản.
Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được thực hiện tại 10 xã thuộc 5 huyện là Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai. Đến nay, tại địa bàn các xã triển khai mô hình không còn trường hợp hôn nhân cận huyết, tỷ lệ tảo hôn cũng giảm nhanh, chỉ còn 3,38%.
Ngoài ra, các ngành, đơn vị có liên quan cũng đã thực hiện đề án khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho bà mẹ và trẻ em tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên và TP Lào Cai. Triển khai đề án, các bác sĩ tại tuyến tỉnh, huyện được đào tạo nâng cao, trang bị máy siêu âm được đầu tư hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Riêng năm 2016, đã có 1.135 trường hợp được khám sàng lọc và 341 trường hợp được khám sàng lọc sơ sinh.
Đề án truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được duy trì, triển khai các hoạt động sinh hoạt lồng ghép tại 164 câu lạc bộ, tổ chức hơn 600 buổi sinh hoạt, thu hút gần 20.000 người tham gia. Thông qua các chương trình, mô hình, người dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức những nguy cơ suy thoái về giống nòi, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, phụ nữ dân tộc thiểu số được cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh...
Ông Lê Đức Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vốn trước kia khá phổ biến trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Chất lượng dân số được nâng cao đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội phát triển là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc thay đổi nhận thức của người dân trong công tác nâng cao chất lượng dân số.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác nâng cao chất lượng dân số, Lào Cai xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu. Từ đó, tạo bước ngoặt nâng cao chất lượng dân số, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, nhanh bền vững.
Hà Anh
TĐKT - Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề của Hội nghị APEC 2017, ngày 15/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Chính phủ Nhật Bản tổ chức “Diễn đàn đa phương về đầu tư cho tuổi già năng động và khỏe mạnh hướng tới sự phát triển bền vững”.
Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ thông tin và đưa ra các khuyến nghị cho việc giải quyết các vấn đề về già hóa dân số, các mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, tăng cường năng lực cho cán bộ y tế và xây dựng mạng lưới hợp tác trong khu vực.
Diễn đàn thu hút khoảng 200 đại biểu là các nghị sĩ quốc hội của các nước là thành viên của Diễn đàn nghị sĩ về Dân số và Phát triển, các quan chức cao cấp y tế APEC, đại diện các tổ chức Chính phủ (các bộ,ngành liên quan), các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và khối tư nhân.
Diễn đàn gồm 3 nội dung lớn: phương hướng của châu Á hướng tới một xã hội dân số già năng động; vai trò của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đào tạo nguồn nhân lực hộ lý và hoạt động ở nước ngoài.
Theo thống kê, dân số trong độ tuổi trên 60 tuổi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khoảng 550 triệu người, chiếm 60% tổng số dân số trong cùng độ tuổi ở trên toàn thế giới. Đây cũng là khu vực có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, vì vậy, nếu không có các giải pháp hợp lý, tương lai tài chính công của mỗi nước sẽ chịu gánh nặng lớn trước sự gia tăng về chi trả y tế, chi trả bảo hiểm xã hội. Việc tăng cường dự phòng, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sẽ thúc đẩy sự tự lập về kinh tế của người cao tuổi, có sức khỏe và việc xây dựng một xã hội dân số già, năng động là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết.
Minh Phương
TĐKT - Sáng 10/8, tại xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Ban chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS –KHHGĐ) xã Sơn Tân tổ chức Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Chương trình thu hút trên 40 người tham dự, là các thanh niên, vị thành niên trên địa bàn. Qua đó, các đối tượng đã được tiếp cận các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe sinh sản và đặc biệt là phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn.
Đại diện Trung tâm DS – KHHHGĐ huyện Cam Lâm trao quà cho 10 hộ gia đình sinh con đúng chính sách dân số
Nhân dịp này, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Cam Lâm Minh Lưu Thị Thao đã trao số tiền 2 triệu đồng/hộ cho 10 hộ gia đình tại UBND xã Sơn Tân được hỗ trợ theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ.
Tại đây, các hộ gia đình đã ký cam kết không vi phạm chính sách DS – KHHGĐ. Chính quyền địa phương cam kết làm tốt công tác truyền thông về chính sách DS - KHHGĐ đến mọi người dân trong xã nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân nói riêng và toàn xã nói chung.
Bích Liên
Phát động cuộc thi vẽ tranh “Yêu an toàn - Vạn điều hay” trên mạng năm 2017
TĐKT – Chiều 7/8, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Tổ chức DKT International, Inc chính thức phát động cuộc thi vẽ tranh “Yêu an toàn - Vạn điều hay” trên mạng năm 2017 với thông điệp “Sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp là lựa chọn thông minh cho bạn, cho tôi”. Tình trạng phá thai ở Việt Nam hiện nay đang là một nguy cơ tiềm ẩn, nhất là phá thai tuổi vị thành niên/thanh niên. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế năm 2016, tính riêng trong hệ thống các bệnh viện công lập thuộc 63 tỉnh, thành phố đã có đến 265.536 ca nạo phá thai, trong đó phá thai ở độ tuổi vị thành niên/thanh niên đã chiếm đến xấp xỉ 4600 ca. Thực tế số liệu này sẽ còn cao hơn bởi tình trạng phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa được kiểm soát hết và một phần tâm lý ngại tới viện công để phá thai của phần đông các bạn vị thành niên và thanh niên trẻ chưa có gia đình. Phá thai có thể để lại hậu quả nặng nề, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, khả năng sinh sản, thậm chí nhiều trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng của các bạn trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự thiếu hụt thông tin, thiếu hiểu biết về tình dục, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình và các kỹ năng an toàn trong quan hệ tình dục. Để góp phần giảm tình trạng nạo phá thai, mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Tổ chức DKT International, Inc tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Yêu an toàn - Vạn điều hay” trên mạng năm 2017 nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại, huy động toàn xã hội, đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên nhận thức đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc tránh thai từ đó có hoạt động tích cực trong tuyên truyền và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Cuộc thi sẽ chính thức nhận bài dự thi từ 12h00 ngày 12/8/2017 đến 12h00 ngày 15/11/2017. Thời gian bình chọn bắt đầu lúc 12h00 ngày 12/8/2017 và kết thúc vào lúc 12h00 trưa ngày 20/11/2017. Buổi lễ tổng kết và công bố các tác phẩm đạt giải dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 01/12/2017 và được truyền hình trực tuyến trên website chính thức của cuôc thi: www.cpcs.vn ; www.dktvietnam.org; www.goldenchoice.com.vn và fanpage www.facebook.com/cpcs.vn. Các tác phẩm dự thi có thể được vẽ bằng tay hoặc máy tính theo đúng quy định. Tác phẩm dự thi phải đúng chủ đề và thông điệp cuộc thi, mang đậm nội dung giáo dục giới tính, hiểu biết về lợi ích của kế hoạch hoá gia đình, các biện pháp tránh thai và tầm quan trọng của việc sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại với sức khoẻ, hậu quả của nạo phá thai. Các tác phẩm dự thi có thể gửi trực tiếp qua đường bưu điện hoặc gửi file kỹ thuật số đạt kích thước chuẩn theo quy định kèm phiếu đăng ký tham gia dự thi đến địa chỉ: Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ, Tổng cục DS-KHHGĐ, Tầng 10, Ngõ số 8 Tôn Thất Thuyết, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; Email: vetranhyeuantoan2017@cpcs.vn. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và trao giải cho các cá nhân và tập thể. Với cá nhân, sẽ có 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 5 triệu đồng; hai giải ba, trị giá 2 triệu đồng/giải; sáu giải khuyến khích, trị giá 1 triệu đồng/giải. Giải tập thể dành cho Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành phố: 1giải nhất, trị giá 10 triệu đồng; 2 giải nhì, trị giá 5 triệu đồng/giải; ba giải ba, trị giá 2 triệu đồng/giải; sáu giải khuyến khích, trị giá 1 triệu đồng/giải. Bình NguyênTĐKT – Từ ngày 17/7 – 18/7, tại Hà Nội, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số. Đến dự, có: PGS.TS Phạm Lê Tuấn Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có 200 đại biểu là những nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học, doanh nhân, chuyên gia… thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, dân số, lao động - việc làm, an sinh xã hội… đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, người cao tuổi và chủ nhà Việt Nam.
Hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số
Già hoá dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người 60+ tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60+ tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Năm 2015, thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% dân số thế giới. Dự kiến năm 2050, số người cao tuổi sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người, chiếm 22% dân số thế giới.
Dân số của các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới gần 50% tỷ trọng người cao tuổi trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số: Nhật Bản, Australia, Canada, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Peru, Việt Nam… Trong đó, một số nền kinh tế thành viên có số lượng và tỷ trọng người cao tuổi rất lớn: Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Những nền kinh tế còn lại cũng sẽ sớm bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% dân số và năm 2050 là 25%.
Sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động - việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng…
Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, các chuyên gia, các nhà khoa học… của các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác của APEC cùng nhau dựng lên bức tranh toàn cảnh về vấn đề già hóa dân số của APEC bao gồm thực trạng, xu hướng, những thách thức và cơ hội về kinh tế, đầu tư, tiết kiệm, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, lao động - việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Đồng thời là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng.
Hội thảo gồm các chủ đề: tổng quan; già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế; già hóa dân số với an sinh xã hội; già hóa dân số với chăm sóc y tế; các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng.
Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 18/7/2017.
Hồng Thiết – Phương Thanh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- 1
- 2
- 3
- 4