TĐKT - Ngày 21/10, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) phối hợp tổ chức tọa đàm chia sẻ về dinh dưỡng với chủ đề “Con không muốn làm máy nghiền thức ăn” nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và trẻ em về quyền dinh dưỡng của trẻ, về dinh dưỡng đủ chất và đúng cách.
Giám đốc VSF Nguyễn Như Trang cho biết, đây là năm đầu tiên VSF đồng hành với MSD để triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng “Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng”. Với sứ mệnh của Quỹ là nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực cho trẻ em Việt Nam, chúng tôi mong rằng thông qua chương trình này sẽ có thể đóng góp được phần nào giúp các bậc cha mẹ, nhà trường thầy cô cũng như chính các em học sinh hiểu biết hơn, tiếp cận được tốt hơn về vấn đề dinh dưỡng, từ đó có những phương pháp chăm sóc con để trẻ em Việt Nam có thể phát triển tốt nhất đạt được tầm vóc, thể lực và trí lực như chúng ta mong đợi.
Tọa đàm “Con không muốn làm máy nghiền thức ăn”
Dinh dưỡng luôn là vấn đề được cha mẹ chú trọng khi chăm sóc con trẻ. Cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng thể hiện trách nhiệm và tình thương của các bậc phụ huynh đối với thế hệ tương lai. Tuy nhiên, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách cho con cũng không phải là việc dễ dàng đối với cha mẹ.
Quan niệm truyền thống về “béo khỏe” đã vô tình tạo nên những thói quen, đôi khi là áp lực cho con ăn càng nhiều càng tốt. Nhưng ép con ăn lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà cha mẹ có thể không lường trước được. Việc trẻ bị ép ăn có thể khiến trẻ sợ hãi, ngày càng biếng ăn hơn, không hứng thú còn làm giảm khả năng hấp thụ của bé, khiến bé còi cọc, chậm lớn. Bị ép ăn còn tạo ra những thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ sau này. Và ngoài ra, “ép con ăn” cũng ở một khía cạnh cũng xâm phạm đến các quyền của trẻ em.
PGS.TS Trần Đình Toán cho biết: hiện nay ở Việt Nam đang nổi lên thực trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Song song với thực trạng suy dinh dưỡng thì có một bộ phận trẻ em béo phì. Theo điều tra, có những vùng có trên 20% trẻ em béo phì. Đối với trẻ em thừa cân thì sau này khi các cháu lớn lên thì sẽ khó chữa thừa cân, béo phì hơn. Ví dụ trong cơ thể có 1 triệu tế bào mỡ, nhưng khi trẻ béo phì thì số lượng đó sẽ nhân lên gấp đôi và khi trẻ lớn lên thì lượng tế bào đó càng phồng to hơn và béo phì mà không đủ chất thì vẫn là suy dinh dưỡng. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Ở một khía cạnh khác, tâm lý lo lắng của các mẹ khi con suy dinh dưỡng, thường tìm đến các loại chất bổ sung để các bạn nhỏ tăng chất hấp thụ. Nhưng thực phẩm chức năng không thể thay thế được các thực phẩm tự nhiên, tươi ngon.
Để khuyến khích các bé ăn và có cảm hứng với món ăn của mình, MC Minh Trang chia sẻ: “Nếu đưa ra một khay ăn có nhiều màu sắc sẽ tốt hơn rất nhiều việc đưa cho con một nắm thuốc (chất bổ sung) có nhiều màu với nhiều chất. Việc giúp con trải nghiệm nấu ăn, sơ chế các loại thực phẩm cũng giúp các con hào hứng hơn trong các bữa ăn. Bữa ăn gia đình còn là cách để duy trì lửa trong gia đình”.
Với kinh nghiệm của mình, Minh Trang khẳng định: “Trẻ trên 5 tuổi hoàn toàn có thể có kiến thức để phân biệt thức ăn nào là tốt cho mình, thức ăn nào là không tốt. Phụ huynh có thể cùng con khám phá các loại thức ăn và cách thức đọc nhãn của các loại thực phẩm để cân nhắc và quyết định thực phẩm tốt và cần thiết cho sự phát triển của trẻ”.
Tọa đàm cũng thảo luận rất nhiều các chủ đề và trả lời các câu hỏi liên quan của phụ huynh về vấn đề làm sao để phân biệt nguồn gốc các loại thực phẩm, các nguyên nhân khiến trẻ lười ăn (nguyên nhân bệnh lý và không bệnh lý) và các bí quyết, “chiêu” khuyến khích con ăn đủ chất, đúng cách và tự ý thức và quyết định món ăn của mình.
Hưng Vũ – Phương Thanh