Dân số và Phát triển

Phát động chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40"

  TĐKT - Ngày 14/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng", Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40".  Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng hành động phòng, chống ung thư vú thế giới và kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2017). Lễ phát động tháng hành động phòng, chống ung thư vú Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: tại Việt Nam, ung thư vú là 1 trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Năm 2010, cả nước có 12.533 trường hợp mắc ung thư vú và ước tính đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 22.612 trường hợp. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm sẽ mang lại nhiều cơ hội kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi tới hơn 80%; ở giai đoạn 2, tỷ lệ này là 60%; sang giai đoạn 3, khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ nhằm để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn... Trong chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40", Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" sẽ phối hợp với hệ thống các bệnh viện có chuyên khoa ung thư tại 3 thành phố (gồm Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh) triển khai khám sàng lọc miễn phí (gồm: khám lâm sàng, siêu âm vú cho 100% các phụ nữ và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngờ ác tính); phát hiện sớm ung thư vú cho 10.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên; tổ chức các buổi nói chuyện và khám sàng lọc tại một số bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh ung thư vú tại Việt Nam. Chiến dịch sẽ được diễn ra từ ngày 14/10 đến 11/11 tại các bệnh viện: Bệnh viện K cơ sở 1 và cơ sở 3, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); Bệnh viện Trung ương Huế (TP Huế); Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh). Các phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có thể đăng ký tầm soát miễn phí tại website của chương trình www.tamsoatungthuvu.vn hoặc gọi điện thoại đến hotline của chương trình (từ 8 giờ đến 17 giờ từ thứ 2 - thứ 6): 088.664.9599 hoặc 088.684.9599 và cũng có thể đăng ký tại các bệnh viện trên. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ y tế, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng", ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp trên thế giới. Điều trị ung thư vú hiện nay có những bước tiến lớn về phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác (nội tiết tố, liệu pháp sinh học) đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị. Việc tầm soát và phát hiện ung thư vú không chỉ có ý nghĩa cho chính người bệnh mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội. Mặc dù những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh ung thư vú đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ chưa chủ động đi khám sàng lọc phát hiện bệnh. Tại Việt Nam, ung thư vú là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nếu như năm 2010 có khoảng 12.500 trường hợp mắc ung thư vú được phát hiện thì dự báo sẽ tăng lên tới 22.000 trường hợp vào năm 2020. PGS,TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư  “Ngày mai tươi sáng” cho biết: việc tầm soát và phát hiện ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú đạt tới hơn 80%; ở giai đoạn hai, tỷ lệ này giảm xuống 60%; ở giai đoạn ba, khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn bốn thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. La Giang

Đề cao quyền của trẻ em gái trong các hoạt động xã hội

TĐKT - Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2017, ngày 11/10, tại Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng UBND huyện Đông Anh và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) tổ chức Diễn đàn trẻ em 2017: “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và Sự kiện trao quyền cho em gái”. Đây là dịp để nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương, cha mẹ về quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền của em gái, phê phán tình trạng bất bình đẳng hiện nay khi nhiều trẻ em gái chưa thực sự được bảo vệ, được phát triển và được tham gia. Tại Bàn điều hành, mỗi cán bộ lãnh đạo sẽ có một trẻ em gái thay họ việc biểu đạt, trả lời các câu hỏi 150 em nam và nữ thay mặt  23,000 trẻ em tại 26 trường THCS  trên địa bàn huyện đến tham dự Diễn đàn trẻ em và Sự kiện trao quyền cho em gái năm 2017. Tại diễn đàn, 5 em gái, đại diện cho hàng chục nghìn em gái tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã được lãnh đạo HĐND, UBND và các phòng chức năng của huyện trao vai trò lãnh đạo Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Các trẻ em gái đã cùng các lãnh đạo tham gia vào hoạt động đối thoại với trẻ em tại diễn đàn, đưa ra những định hướng, cam kết cho việc thúc đẩy sự an toàn của trẻ em, đặc biệt là em gái tại các không gian công cộng. Diễn đàn trẻ em huyện Đông Anh được phát động từ tháng 8/2017 tới 23,000 học sinh của 26 trường THCS trên địa bàn huyện. Tại các trường học, các em học sinh được cùng tham gia, thảo luận về ba chủ đề chính:  phòng, chống quấy rối, xâm hại và bạo lực trẻ em; an toàn của em gái khi di chuyển ở nơi công cộng; an toàn của trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 11/10 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Đây là nỗ lực rất lớn của chính phủ Canada, Liên minh châu Âu, Tổ chức Plan International và một số tổ chức quốc tế khác nhằm mục tiêu công nhận các quyền của trẻ em gái và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới. Khởi đầu thành công từ năm 2012 đến nay, Ngày Quốc tế Trẻ em gái đã trở thành một sự kiện có tầm ảnh hưởng toàn cầu, là nền tảng cho các hoạt động tuyên truyền, vận động chính sách của nhiều cá nhân, mạng lưới và tổ chức trên thế giới nhằm đem lại một cuộc sống an toàn và công bằng hơn cho trẻ em gái. Từ năm 2012, vào ngày 11/10 hàng năm, Plan International trên khắp thế giới đều cùng đối tác các cấp tổ chức các sự kiện với quy mô khác nhau nhằm tôn vinh trẻ em gái và quyền của trẻ em gái. Trao quyền dẫn dắt, lãnh đạo cho các em gái là một sáng kiến được tổ chức Plan thực hiện từ năm 2016, nhân Ngày quốc tế em gái 11/10. Đây là cơ hội cho trẻ em gái và nữ thanh niên được đóng vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực có ảnh hưởng tới cuộc sống của các em như chính trị, kinh tế, xã hội. Các em gái tại nhiều quốc gia đã được trao quyền đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ như Thủ tướng Nepal, Phó thủ tướng Paraguay, Thị trưởng thủ đô Dublin, Thị trưởng thủ đô Madrid…Tại Việt Nam, em Nguyễn Hương Trà đã đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam tham dự Diễn đàn Thanh niên châu Á lần thứ 4 tại Philippines, và sau đó phối hợp cùng Plan tổ chức sự kiện truyền thông về quyền trẻ em gái thu hút hơn 1.000 học sinh, giáo viên và đại diện phụ huynh tham gia hưởng ứng. Thục Anh  

Vĩnh Phúc tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

TĐKT - Là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước, ngành Dân số Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh, mỗi năm Vĩnh Phúc có từ 18.500 - 19.500 trẻ sơ sinh ra đời, chiếm 70-75% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. 5 năm gần đây, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của tỉnh trung bình 1,2 - 1,4%/năm, tỷ lệ này đảm bảo mức sinh thay thế ổn định và thấp hơn mức trung bình của cả nước từ 0,2 - 0,5%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính và tình trạng sinh con thứ 3 của tỉnh vẫn ở top 10 tỉnh, thành phố cao nhất của cả nước. Năm 2010, có 9/9 huyện, thành, thị xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó, có 6 huyện, thành, thị có tỷ lệ sau sinh là 115 nam/100 nữ. Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS/KHHGĐ, đến năm 2016, toàn tỉnh có 15.951 trẻ, trong đó, số trẻ nam là 8.411 trẻ, số trẻ nữ là 7.540 trẻ, tỷ số giới tính 111,75 nam/100 nữ. Tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ của trẻ mới sinh của tỉnh vẫn đang ở chỉ số “báo động đỏ” và cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 3 - 4%. Nếu tỉnh không có giải pháp phù hợp, kịp thời, đến năm 2025, theo dự báo toàn tỉnh sẽ có gần 60.000 nam thanh niên bước vào độ tuổi xây dựng gia đình mà không có bạn gái để kết hôn, điều này sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội. Tỷ lệ học sinh nam nhiều hơn nữ trong các lớp học là biểu hiện của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh Theo ông Vũ Đức Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính, trong đó nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng này là sự tồn tại tư trưởng trọng nam, khinh nữ. Cùng với đó, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, người già không được hưởng lương hưu dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa về mặt tài chính, con trai sẽ là người chăm sóc cha mẹ khi về già. Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng hoàn thiện đã mang đến chất lượng chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng các kỹ thuật siêu âm, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Trước thực trạng trên, ngành Dân số tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực. Xác định công tác truyền thông là một trong những nội dung quan trọng, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Đài PT-TH Vĩnh Phúc, BáoVĩnh Phúc… xây dựng các phóng sự, tọa đàm, các bài viết tuyên truyền những nội dung cần thiết trong quá trình triển khai. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở siêu âm giới tính thai nhi, các cửa hàng kinh doanh xuất bản phẩm trong nhiều năm qua được tiến hành thường xuyên và xử lý nghiêm khắc. Ông Tiến chia sẻ: chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại Vĩnh Phúc rõ nhất tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các lớp mầm non. Chúng tôi lo lắng vì chênh lệch giới tính sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động, tác động đến tâm sinh lý của các em. Trong những buổi ngoại khóa nói về sức khỏe vị thành niên, chúng tôi cũng phải lồng ghép, khuyến cáo trước để các em hiểu về ảnh hưởng của việc chênh lệch giới tính ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại các địa phương triển khai đề án về giảm thiểu mất cân bằng giới tính, Trung tâm DS/KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình và phối hợp các ban, ngành, tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế địa phương mình. Đồng thời, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động cho các cấp lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trạm y tế, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số... Song song với đó, tổ chức các buổi tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn cho cộng đồng dân cư, cán bộ nhân viên các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cho nam, nữ trước khi kết hôn về các chính sách liên quan đến công tác DS/KHHGĐ, Luật Bình đẳng giới, quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh. Tại các địa phương còn thành lập và duy trì các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ thanh niên không sinh con thứ 3 trở lên, giúp nhau làm kinh tế; nhân rộng CLB “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” nhằm giúp ông bà hiểu được tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó không tạo áp lực cho con cháu về vấn đề “Trọng nam, khinh nữ”. Xây dựng mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước thôn, khu phố, tổ dân phố nhằm duy trì mức sinh hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Thực tế cho thấy, người dân hoàn toàn nhận thức được những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thể thoát ra khỏi suy nghĩ muốn có con trai bằng mọi giá. Chính vì thế, ngoài những biện pháp xử lý quyết liệt, cần có những biện pháp mềm dẻo, cốt để thay đổi tư duy của người dân. Để làm được điều đó, cần rất nhiều thời gian và sự góp sức của cả cộng đồng. Bảo Linh

Phát động cuộc thi ảnh về người cao tuổi tại Việt Nam

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), sáng 2/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức phát động cuộc thi ảnh với chủ đề "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" trên mạng năm 2017. Diễn ra từ ngày 2/10 – 31/10, cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT). Tác phẩm dự thi phải có nội dung đúng với chủ đề và thông điệp của cuộc thi, tạo sự tương tác và lan tỏa tích cực trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT; đề cao vai trò của NCT trong gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội nhằm tạo sự quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe, biết ơn và giúp đỡ ông bà, cha mẹ và những NCT; khuyến khích NCT có suy nghĩ và hành động tích cực, phát huy lợi thế giúp ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của NCT. Bài dự thi chưa được đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào; không vi phạm tranh chấp bản quyền; không vi phạm các quy định của Nhà nước và pháp luật; không trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tác phẩm ảnh tham gia dự thi phải có tên (tiêu đề) rõ ràng, không quá 200 chữ (viết bằng tiếng Việt) nêu nội dung, cảm nhận về ảnh. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam và nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Mỗi tác giả được gửi tối đa 3 bài dự thi (mỗi bài không quá 7 ảnh). Bài dự thi gửi đến email: nguoicaotuoi2017@cpcs.vn của Ban tổ chức và cung cấp các thông tin cơ bản theo yêu cầu. Thời gian công bố và trao giải từ ngày 5/11 – 10/11. Các thông tin sẽ được đăng tải trên website chính thức của cuộc thi: www.cpcs.vn và fanpage "Hạnh phúc gia đình" (www.facebook.com/cpcs.vn). Tổng giá trị giải thưởng gần 60 triệu đồng. Trong đó, ở giải cá nhân, có 1 giải nhất, trị giá 10 triệu đồng; 1 giải nhì, trị giá 5 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 3 triệu đồng/giải; 6 giải khuyến khích, trị giá 500 nghìn đồng/giải. Giải tập thể (dành cho Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, thành phố): 1giải nhất, trị giá 10 triệu đồng; 2 giải nhì, trị giá 5 triệu đồng/giải; 3 giải ba, trị giá 3 triệu đồng/giải; 6 giải khuyến khích, trị giá 1 triệu đồng/giải. Phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11%; riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Tại Việt Nam hiện nay, 65,7% NCT sống ở nông thôn, làm nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Vì vậy để nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi thì rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội. Cuộc thi ảnh "Cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi" là hoạt động hết sức cần thiết trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông thuộc Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025. Bình Nguyên

Thanh Bình từng bước nâng cao chất lượng dân số

TĐKT - Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình, chiến dịch được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Xác định tuyên truyền có vai trò quan trọng trong công tác dân số, Trung tâm Y tế - Dân số huyện phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú: tổ chức nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ, cấp phát tờ rơi, tranh ảnh... Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các trường THCS, THPT lồng ghép hoạt động tư vấn cho  học sinh  tại các buổi học ngoại khóa, các tiết học Giáo dục công dân, giúp các em hiểu rõ hơn về những vấn đề tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu tuổi vị thành niên, thanh niên; sự cần thiết của kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh; phòng, tránh viêm nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc... Riêng tháng 7/2017, từ nguồn kinh phí UBND huyện, địa phương hỗ trợ gần 50 triệu đồng, Trung tâm Y tế - Dân số huyện đã tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các gói kế kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho phụ nữ tại 13 xã, thị trấn. Trong chiến dịch này, ngành dân số huyện đã tổ chức truyền thông, khám phụ khoa, tầm soát các bệnh phụ khoa: ung thư cổ tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung... cho nhiều chị em phụ nữ. Truyền thông CSSKSS- KHHGĐtại huyện Thanh Bình Đặc biệt, Trung tâm Y tế - Dân số huyện còn tổ chức truyền thông nhóm tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện nhiều buổi truyền thông tại cộng đồng, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, cung cấp đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ các gói KHHGĐ, các biện pháp tránh thai hiện đại có hiệu quả hiện nay. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số, các tổ chức đoàn thể trong huyện cũng quan tâm xây dựng các mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế gắn với việc thực hiện công tác dân số, bảo vệ sức khỏe phụ nữ.  Hiện huyện có 15 Câu lạc bộ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho vị thành niên, thanh niên tại 6 xã (Tân Long, Tân Huề, Tân Bình, An Phong, Tân Thạnh, thị trấn Thanh Bình); 5 Câu lạc bộ tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các cặp vợ chồng mới kết hôn, 113 nhóm truyền thông tại các khóm, ấp... duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng. Trong 6 tháng đầu năm đã tư vấn cho 5.168 lượt người, tư vấn vãng gia 3.659 lượt người. Nhờ chú trọng công tác truyền thông sâu, rộng, kịp thời triển khai những chính sách, dự án hỗ trợ đến người dân nên hầu hết những phụ nữ trong độ tuổi sinh trên toàn huyện đều nắm bắt những biện pháp tránh thai. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay huyện đã có tổng số 8.533/9.894 trường hợp áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 96,35% kế hoạch năm, tăng 17,72% so với cùng kỳ năm 2016; tỷ lệ người sinh con thứ 3 đã giảm đáng kể. Bà Lê Thị Phương Thùy, Giám đốc Trung tâm Y tế - Dân số huyện Thanh Bình cho biết: mục tiêu ngành dân số huyện là nỗ lực CSSKSS, phòng, tránh bệnh phụ khoa cho phụ nữ, sắp tới Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao chất lượng truyền thông, vận động CSSKSS cho phụ nữ theo hướng xã hội hóa. Đặc biệt trong chiến dịch đợt này, huyện sẽ cung cấp hơn 6.200 biện pháp tránh thai, khám tầm soát bệnh phụ khoa cho 2.500 phụ nữ. Hy vọng, với những biện pháp đề ra, cùng với sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ làm công tác dân số cơ sở, công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện năm 2017 sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Hà Anh

Tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình

TĐKT – Sáng 26/9, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Công ty TNHH Bayer tổ chức Hội thảo về Lợi ích tránh thai, hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta”. Dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, đại diện 10 bộ, ngành, đoàn thể trung ương, 15 Chi cục DS – KHHGĐ các tỉnh, thành phố gần Hà Nội, Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện đoàn viên, thanh niên, chị em phụ nữ của Hà Nội, các tổ chức quốc tế. Hội thảo về Lợi ích tránh thai, hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai…, đồng thời, kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Ngày 26/9/2007, Ngày tránh thai thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Châu Âu, có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng. Mục tiêu của Ngày tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các BPTT, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày tránh thai thế giới, tại Hội thảo, Tổng cục DS – KHHGĐ, Bộ Y tế cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đưa ra các thông tin hữu tích về tình hình thực hiện KHHGĐ và nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) tại Việt Nam; thực trạng phá thai trên thế giới và tại Việt Nam; lợi ích của việc tránh thai; công tác tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai (PTTT) tại Việt Nam. Hiện nay, dân số Việt Nam là khoảng 93 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2% năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Tỷ lệ sử dụng BPTT năm 2016 là 77,6%, trong đó, tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 66,8%. Tuy nhiên, đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á. Trong đó, vị thành niên, thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng… Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh vào lợi ích của việc phòng, tránh thai. Việc phòng, tránh mang thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình: chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đồng thời, tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, phòng, tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Việc phòng, tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều, từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn; nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản. Nhằm hưởng ứng chủ trương kêu gọi xã hội hóa về dịch vụ và phương tiện tránh thai cộng đồng, tại Hội thảo, ban tổ chức đã ký kết thực hiện “Chương trình truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” giai đoạn 2018 – 2020. Theo kế hoạch, Chương trình sẽ được triển khai với các hoạt động nổi bật: đào tạo nâng cao vốn hiểu biết về các biện pháp và dịch vụ tránh thai hiện đại, xây dựng các ứng dụng điện tử để tạo diễn đàn kết nối và cung cấp thông tin cho cộng đồng, cán bộ dân số và chị em; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền tiêu chuẩn để cung cấp thông tin chuyên môn chính xác và cập nhật nhất cho các cán bộ dân số tại địa phương; tổ chức các ngày hội tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ… Bình Nguyên

Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng

TĐKT - Ngày 25/9, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị "Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10). Dự Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Hội nghị gồm ba phiên toàn thể với các chủ đề: chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi tại cộng đồng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các báo cáo khoa học tại hội nghị tập trung vào vấn đề chính sách và các kinh nghiệm trong triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng: tăng cường sự sẵn sàng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý bệnh mạn tính của người cao tuổi, nâng cao vai trò của bác sĩ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động; khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các tổ chức và cộng đồng xã hội phối hợp đầu tư trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Theo báo cáo của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Việt Nam là nước có tốc già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi...   Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khuyến nghị thời gian tới, ngành Y tế cần tăng cường đầu tư, cải thiện chăm sóc sức khỏe ban đầu; lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho người cao tuổi; chú trọng sức khỏe, dinh dưỡng cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; phát huy vai trò chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng... Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong suốt những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Thời gian qua, tuổi thọ của người cao tuổi Việt Nam đã được tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp. Năm 2016, Việt Nam có 10,1 triệu người cao tuổi chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước điển hình có tốc độ già hóa rất nhanh. Chính vì vậy, chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm. Phó Thủ tướng đề nghị, Việt Nam cần chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Quan trọng hơn, nước ta cần có chính sách phát huy tốt vai trò của người cao tuổi trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất... Hồng Thiết

Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở Kon Tum

TĐKT- Với phương châm “Sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nhiều năm qua, toàn tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện tốt mô hình câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3 trở lên, qua đó góp phần tích cực việc nâng cao chất lượng dân số. Đến nay, Kon Tum có 56 CLB không sinh con thứ 3 trở lên, trong đó mỗi huyện, thành phố có 6 CLB, riêng huyện Sa Thầy và huyện Đăk Hà có 7 CLB. Ông Võ Thành, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Kon Tum cho biết, trước năm 2012 tình trạng mất cân bằng giới khi sinh ở tỉnh tương đối cao. Đây là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến cơ cấu dân số và hệ lụy cho xã hội trong tương lai. Do đó, ngành dân số tập trung triển khai Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, chú trọng xây dựng CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên. Hàng quý, trong những buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm các CLB đã phối hợp với Chi hội phụ nữ tuyên truyền vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, biện pháp KHHGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...Trong 5 năm (2012-2016) các CLB đã tổ chức được 3.360 lượt sinh hoạt với 32.634 lượt người tham dự. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã tổ chức 389 buổi tuyên truyền nhóm, với hơn 6.500 người tham gia; thực hiện vận động 1.027 hộ gia đình, duy trì có hiệu quả hoạt động của các CLB không sinh con thứ 3. Cũng theo ông Thành, tham gia CLB, chị em có thể trao đổi kinh nghiệm cuộc sống gia đình cũng như công việc lao động sản xuất, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho người và đàn gia súc. CLB xây dựng được nguồn quỹ do các thành viên đóng góp để tạo nguồn kinh phí duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời nguồn quỹ này cũng được sử dụng để hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn cần vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.   Một buổi sinh hoạt tuyên truyền tại gia đình hội viên Ngoài ra, ở một số CLB còn có thành viên là nam giới tham gia sinh hoạt. Do đó ngày càng có nhiều nam giới nhận thức tốt hơn về vai trò của mình trong thực hiện KHHGĐ, có thể thoải mái trao đổi những thông tin về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, cách đối nhân xử thế trong gia đình và có cái nhìn đúng đắn về vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ để có thể cảm thông và chia sẻ với vợ mình. Với nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, các CLB đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, từ 945 hội viên năm 2012 tăng lên 2.960 hội viên năm 2016. Thôn Đăk Tăng (Ngọc Tụ, Đăk Tô) là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên. Hiện nay, ở Đăk Tô đã không còn phụ nữ sinh con thứ 3.  Chị Bùi Thị Hằng – cán bộ phụ trách KHHGĐ (Trạm Y tế xã Ngọc Tụ) phấn khởi: “Từ chỗ mỗi người, mỗi gia đình nâng cao ý thức tự giác thực hiện KHHGĐ, góp phần làm nên thành tích chung của thôn –không có người sinh con thứ 3. Điều đáng nói hơn, các cán bộ làm công tác dân số, lãnh đạo thôn không phải đi sâu can thiệp một trường hợp nào có ý định sinh con thứ 3.” Hay như thôn Đăk Ung (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei), toàn thôn có 110 hộ với 450 nhân khẩu nhưng không có hộ nào có người sinh con thứ 3 trở lên. Các cặp vợ chồng trẻ đều tự giác sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Những phụ nữ trẻ ở Đăk Nhoong bây giờ đều rất cởi mở, tự tin khi nói về vấn đề mà trước đây vốn được coi là tế nhị này   Những hoạt động tích cực, hiệu quả của các CLB không sinh con thứ 3 trở lên ở Kon Tum thể hiện rõ qua tỷ lệ giảm sinh, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3. Đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Kon Tum là 20%. Nhiều địa phương nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Với nhiều hoạt động thiết thực, các CLB không sinh con thứ 3 ở Kon Tum đã góp phần thực hiện công tác DS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.   Thu Hoài

TP Bến Tre quan tâm chăm sóc người cao tuổi

TĐKT - TP Bến Tre đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Số người cao tuổi (NCT) trên toàn thành phố đã chiếm hơn 11.02%/tổng số dân. Vì vậy, thành phố rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Sự quan tâm chăm sóc NCT được thể hiện qua những hoạt động: thăm hỏi khi ốm đau, tư vấn, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Hàng năm, nhiều NCT thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người mù có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh phong trên đại bàn TP Bến Tre được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí. Ngoài ra, Ban đại diện Hội NCT thành phố đã phối hợp với Trung tâm y tế thành phố tổ chức tư vấn, khám, chữa các bệnh về mắt cũng như chăm sóc sức khỏe cho cho NCT có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Lãnh đạo thành phố Bến Tre tổ chức đến thăm và tặng quà các cụ cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bến Tre Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP Bến Tre đã thăm hỏi ốm đau 844 NCT với số tiền 56, 41 triệu đồng; viếng tang 231 cụ, số tiền 44, 396 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã, phường thăm hỏi và tặng quà cho trên 2.000 NCT với tổng số tiền 643,25 triệu đồng; xây 24 căn nhà tình thương cho NCT với số tiền trên 800 triệu đồng. Cũng trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống NCT Việt Nam (06/6), thành phố đã tổ chức mừng thọ cho 109 cụ tròn 90 tuổi. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho NCT tham gia, duy trì hoạt động của 37 câu lạc bộ với 688 NCT và 6 nhóm với 279 NCT tham gia. Để tạo nguồn lực cho chăm sóc và phát huy vai trò NCT, thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác bảo trợ xã hội. Hội NCT các quận, huyện đã vận động hội viên đóng góp quỹ hội, đồng thời, tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình xây dựng quỹ “Phụng dưỡng ông bà, cha mẹ”. Được chăm sóc, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để an tâm ổn định cuộc sống, NCT càng tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào xây dựng phường văn minh đô thị, xã nông thôn mới. Từ đầu năm đếnn nay, các cụ đã vận động người thân, gia đình hiến 2.547 m2 đất, 54 cây dừa và 479 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa, mở rộng lộ, hẻm, nạo vét kênh, khai thông cống, rãnh. Vận động con, cháu, cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi; đóng góp trên 120 triệu đồng và 1.000 quyển vở để giúp đỡ cho 432 học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói, công tác chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng, phát huy vai trò của NCT ở thành phố Bến Tre đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT, động viên NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Thu Hòa

Thành công từ mô hình câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ở Vĩnh Long

TĐKT - Với 4 tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh, những năm qua, mô hình câu lạc bộ (CLB) Gia đình hạnh phúc được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đến nay mô hình CLB này được xây dựng phủ kín 100% xã, phường, thị trấn và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ sự nhiệt tình của các thành viên CLB, các hội viên đã trở thành những tuyên truyền viên cơ sở trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng các kiến thức để ứng dụng trong cuộc sống, về kinh nghiệm nuôi dạy con ngoan… Nội dung sinh hoạt CLB thường được chuẩn bị chọn lọc, gần gũi với thực tế, kết hợp hài hòa, hình thức phong phú và đa dạng, từ đó thu hút được các thành viên tham gia. Điển hình là CLB gia đình hạnh phúc của chi hội phụ nữ khóm 5, phường 8, TP Vĩnh Long. Sau hơn 2 năm thành lập, CLB thu hút càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt. Đến nay các thành viên được tiếp cận nhiều kênh thông tin bổ ích về kỹ năng làm vợ, làm mẹ, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, Chủ nhiệm CLB gia đình hạnh phúc khóm 5 cho biết: Khi thành lập mô hình CLB gia đình hạnh phúc, chị em ngày càng gắn kết hơn, trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống để giữ lửa trong gia đình được hạnh phúc. Các thành viên tham gia CLB đều cảm thấy phấn khởi khi có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc vun vén hạnh phúc, kết nối sợi dây yêu thương của gia đình. Tiêu biểu có gia đình của chị Nguyễn Thị Hường và anh Đặng Văn Phi là một trong những thành viên tích cực của CLB.  Chị Hường chia sẻ: khi tham CLB, tôi rất vui vì được học hỏi nhiều kinh nghiệm để ứng xử, vun đắp gia đình mình và nuôi dạy con cái thành tài, biết yêu thương lẫn nhau để gia đình yên ấm hơn, hạnh phúc hơn.   Một buổi sinh hoạt CLB gia đình hạnh phúc ở ấp 5 (xã Long Phú, huyện Tân Bình) Mô hình CLB gia đình hạnh phúc còn lan tỏa đến các vùng nông thôn, nơi các chị em thường bận rộn việc ruộng đồng. Tại CLB Gia đình hạnh phúc ở ấp 5, xã Long Phú, huyện Tân Bình, thông qua các buổi sinh hoạt, các chị em đã nhận ra vai trò của mình trong việc giữ lửa cho gia đình, qua đó truyền đạt kinh nghiệm cho nhau qua việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến nay CLB đã thu hút 13 cặp vợ chồng tham gia. Nhờ vậy tình trạng bạo lực gia đình cũng như các tệ nạn xã hội giảm. Chị Nguyễn Thị Nghê, hội viên chi hội ấp 5 chia sẻ: các anh chị tham gia CLB rất vui vẻ chủ yếu là giao lưu, trao đổi, vợ chồng tôi thấy vui vẻ nên chủ động xin tham gia. Bà Lý Thị Kiệp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long nhận định: những mô hình CLB Gia đình hạnh phúc là nơi để chị em phụ nữ trao đổi những thông tin để rút kinh nghiệm, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, làm sao để các chị em giữ lửa được trong gia đình của mình. Bên cạnh đó, thông qua CLB, chúng tôi thành lập các tổ góp vốn xoay vòng để chị em có thể phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn. Có thể nói, mô hình CLB Gia đình hạnh phúc phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, từ đó xuất hiện càng nhiều nếp nhà kiểu mẫu góp phần phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Bảo Linh

Trang