Văn hóa - Thể thao

Ra mắt cuốn sách " Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)"

TĐKT - Chiều 14/2, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)". Tới dự, có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng,  Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Cuốn sách nhằm tổng kết, đánh giá công cuộc đổi mới trong 30 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Từ đó, đúc kết những vấn đề lý luận và thực tiễn sinh động trong xây dựng, phát triển Thủ đô, mở ra chương mới cho giai đoạn phát triển những năm tiếp theo. Cuốn sách ghi lại dấu ấn của Hà Nội 30 năm đổi mới, đồng thời là một công trình nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng,  Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách. Sau hơn 1 năm triển khai, dưới sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy,  Trưởng ban chỉ đạo,  cuốn sách đã được hoàn thành và ra mắt bạn đọc đúng dịp đầu Xuân 2017, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thời điểm thành phố quyết tâm thực hiện các chương trình đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.  Cuốn sách do TS.  Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và GS. TS.  Phùng Hữu Phú,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng chủ biên.  Tác giả tham gia các chuyên đề, bài viết đều là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà báo am hiểu sâu sắc, gắn bó và có tình yêu tha thiết với Hà Nội. Cuốn sách ghi lại dấu ấn của Hà Nội 30 năm đổi mới, đồng thời là một công trình nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao.  Với 5 chương, 26 chuyên đề, dày gần 700 trang, cuốn sách đã kết tinh, cung cấp những thông tin bổ ích về các thành tựu của Thủ đô trong suốt 30 năm qua. Trong đó, tập trung nêu bật các nội dung về xây dựng Đảng bộ Hà Nội, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đảm bảo an ninh, quốc phòng, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch...  Phần phụ lục của sách có 32 trang ảnh, phản ánh một số hoạt động nổi bật của Thủ đô trước và trong thời kỳ đổi mới, phác họa diện mạo Thủ đô tươi mới từng ngày.  Bên cạnh những thành tựu và những công việc đã làm được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, cuốn sách đã thẳng thắn chỉ ra những công việc chưa làm được, những mặt bất cập, hạn chế cần khắc phục, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm quý.  Cuốn sách cũng phân tích, làm rõ những thời cơ, thách thức, định hướng phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục đổi mới, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững.  Thông qua nội dung sách,  bạn đọc cảm nhận được bầu không khí nóng hổi, hào hùng được lan tỏa từ các hoạt động phong phú và sôi động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Mỗi người dân Hà Nội thấy được ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết và những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng,  Nhà nước trở thành hiện thực sôi động, phong phú, làm nên những thành tựu nổi bật hiện hữu trên địa bàn Thủ đô. Sách còn giúp mọi thế hệ người dân Thủ đô bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu và lòng tự hào về truyền thống văn hiến,  lịch sự vẻ vang, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội, củng cố và tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ,  chính quyền thành phố trong quá trình phát triển Thủ đô.  Mai Thảo

Phát động thi sáng tác biểu trưng và bài hát tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

TĐKT – Chiều 13/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (lô gô) và bài hát (ca khúc) cổ động, tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Cuộc thi nhằm tuyên truyền về vai trò và những đóng góp nổi bật của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ đoàn viên, thanh, thiếu nhi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những đóng góp nổi bật trong giai đoạn đất nước đổi mới; đồng thời truyền tải tinh thần, thông điệp của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI tới đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân cả nước. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức sẽ lựa chọn ca khúc và biểu trưng làm sản phẩm tuyên truyền chính thức cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.     Họp báo phát động thi sáng tác biểu trưng và bài hát tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI Phát biểu tại buổi họp báo phát động cuộc thi, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: năm 2017 có ý nghĩa quan trọng đối với tuổi trẻ cả nước, là năm tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Theo hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó có sử dụng bộ nhận diện để tuyên truyền sâu rộng về tinh thần và nội dung của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; khắc họa rõ hình ảnh, vai trò và sự đóng góp của tổ chức Đoàn, đoàn viên thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Từ đó, tạo sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, các cấp, các ngành trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ và đồng hành với tổ chức Đoàn. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, các tác phẩm được lựa chọn vào vòng trong sẽ được tuyên truyền rộng rãi, nhằm truyền tải thông điệp, khắc họa những giá trị hình mẫu đoàn viên, thanh niên, đội viên thời kỳ mới “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, đồng thời thể hiện được các nhiệm vụ trọng tâm công tác nhiệm kỳ mới. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, văn nghệ sĩ có nhiều gắn bó với công tác Đoàn, Hội: họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; họa sĩ Nguyễn Thủy Liên, người đoạt giải nhất sáng tác lô gô Đại hội Đoàn lần thứ IX và lần thứ X; nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến... Cuộc thi sáng tác lô gô kéo dài từ ngày 15/2 - 15/5/2017 và ca khúc kéo dài từ ngày 15/2 - 15/8/2017. Công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam đều có thể tham gia cuộc thi. Cơ cấu giải thưởng đối với lô gô gồm 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 5 triệu đồng và 1 giải ba trị giá 2 triệu đồng; đối với ca khúc gồm 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 10 triệu đồng, 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng cùng 7 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, tác giả đạt giải nhất sẽ được mời làm đại biểu khách mời dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; tác giả còn trong độ tuổi đoàn viên được mời tham gia hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2018. Địa chỉ nhận bài dự thi sáng tác biểu trưng tại: tòa soạn Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bài dự thi sáng tác ca khúc nhận tại địa chỉ: Ban Văn hóa Nghệ thuật, Báo Thanh niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Thục Anh

Thơ Việt Nam đồng hành và sáng tạo cùng đất nước

TĐKT - Sáng 8/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức họp báo Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV. Với chủ đề "Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước" , Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV sẽ diễn ra tại trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 11/2/2017 (tức rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu), là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957 - 2017). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí Ngày thơ Việt Nam năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú: triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam; khai trương con đường thi nhân; trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh, thành phố, các trường đại học; các nhà xuất bản, nhà thơ phát hành và ký tặng tác phẩm mới; sinh hoạt của các câu lạc bộ thơ trên phố Nghệ thuật tại khu Hồ Văn; chương trình thả thơ. Sau lễ khai mạc, đồng thời trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn sẽ diễn ra các chương trình đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ và hoạt động của các đoàn nghệ thuật. Tại họp báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: điểm mới của Ngày thơ Việt Nam lần này là không tổ chức sân thơ trẻ. Các nhà thơ nhiều thế hệ sẽ cùng hiện diện trên sân thơ trước, bao gồm các nhà thơ đã thành danh và các nhà thơ trẻ mới xuất hiện trên thi đàn. Sân sau sẽ là sân thơ tôn vinh những nhân vật thơ ca tiêu biểu năm 2016, những tác giả đạt giải các cuộc thi thơ lớn trong năm. Nhân dịp này, họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ trưng bày tất cả các cuốn sách thơ ông đã vẽ minh họa và những tác phẩm gốm được ông trang trí  bằng thơ Việt Nam... Nguyệt Hà

Quảng bá tinh hoa văn hóa, tiềm năng, thế mạnh kinh tế Tây Nguyên

TĐKT - Sáng 6/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo giới thiệu về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.  Dự họp báo có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.   Họp báo giới thiệu chương trình Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 8/3 - 13/3 tại TP Buôn Ma Thuột - "thủ phủ cà phê Việt Nam" với chủ đề "Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển".   Lễ hội lần này có nhiều nội dung phong phú, đa dạng với 3 chương trình lớn: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6; Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Lễ khai mạc tổ chức vào lúc 20h ngày 10/3 có chủ đề "Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển", Lễ bế mạc vào lúc 20h ngày 13/3 có chủ đề "Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại". Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và các nghi lễ phục dựng sẽ diễn ra trên nhiều địa điểm của TP Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn. Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên sẽ diễn ra vào 8h ngày 11/3 với sự tham gia, chủ trì của lãnh đạo Chính phủ.    Mục tiêu của việc tổ chức lễ hội lần này nhằm quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa "Cà phê Buôn Ma Thuột", khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Việc tổ chức lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là "Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại"vào năm 2005, được chuyển sang danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" vào năm 2008.    Đồng thời, lễ hội sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch lớn trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên. Lễ hội là hoạt động thiết thực kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột - giải  phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2017), mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phương Thanh - Mai Thảo

Trao giải thi sáng tác biểu tượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

TĐKT - Chiều 28/12, Bộ Công thương tổ chức Lễ công bố các tác phẩm được đánh giá cao tại cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tới dự, có Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Sau hơn 3 tháng triển khai, tính đến hết ngày 9/12/2016, Ban tổ chức đã nhận được 125 tác phẩm dự thi của nhiều tác giả trong cả nước. Qua 3 vòng xét chọn, đã lựa chọn được 7 tác phẩm được đánh giá cao tại cuộc thi. Đây là hoạt động thuộc nhóm Chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng thuộc Danh mục của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các tác giả có tác phẩm được đánh giá cao nhận hoa từ Ban tổ chức Với mong muốn tạo được sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động cho người tiêu dùng Việt Nam, đầu năm 2016, được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công thương đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc thi Sáng tác logo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo tiêu chí cuộc thi, các tác phẩm dự thi phải thể hiện được vị trí, vai trò của cuộc vận động trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay; đảm bảo tính thẩm mỹ, thể hiện quyền lực mạnh mẽ và ý nghĩa chính trị, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay; thể hiện được tính đặc thù về danh tiếng, hình ảnh cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam... Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai gần 10 năm và ngày càng thu hút sự quan tâm của hàng triệu trái tim cũng như tâm, lực của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Việc lựa chọn một biểu tượng cho cuộc vận động là hoạt động ý nghĩa, tạo ra những giá trị truyền thông nhằm góp phần xây dựng bộ hình ảnh nhận diện xuyên suốt chặng đường tuyên truyền cho cuộc vận động cũng như các chương trình gắn với cuộc vận động; nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá trên các phương tiện truyền thông và đưa cuộc vận động đến với đông đảo người dân. Thục Anh - Phương Thanh

Họp báo Giải Xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre lần thứ XIX - Ống nhựa Hoa Sen

TĐKT - Ngày 28/12, tại TP Hồ Chí Minh, được sự ủy nhiệm của Tổng Cục Thể dục Thể thao và UBND tỉnh Bến Tre, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bến Tre phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre và Liên đoàn Xe đạp Mô tô Thể thao Việt Nam tổ chức họp báo về Giải Xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre lần thứ XIX - Ống nhựa Hoa Sen. Đây là sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo các tay đua chuyên nghiệp được tổ chức định kỳ hàng năm. Giải đua xe đạp năm nay là hoạt động chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày Bến Tre đồng khởi và đánh dấu sự kiện 40 năm trưởng thành của Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre.     Họp báo công bố giải Tính đến nay, Giải Xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre đã diễn ra 18 lần, đi qua 11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long. Giải Xe đạp toàn quốc Cup Truyền hình Bến Tre lần thứ XIX - Ống nhựa Hoa Sen năm nay sẽ tranh tài qua 9 chặng đua, xuất phát từ Nam Trung Bộ đến một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, có tổng lộ trình là 1.061 km. Cuộc đua sẽ bắt đầu vào sáng ngày 8/1/2017 tại TP Phan Rang (Ninh Thuận), lần lượt đi qua 10 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận – Phan Thiết – Đồng Nai – Bình Dương – Bình Phước – Tây Ninh – TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang và về đích tại Bến Tre. Giải đua được tổ chức bế mạc, phát thưởng vào trưa ngày 16/1/2017 tại Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Giải quy tụ 80 vận động viên thuộc 16 đội tuyển chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố, các ngành trong cả nước. Đặc biệt, Ban tổ chức phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước truyền hình trực tiếp khi đoàn đua đến hai tỉnh này.. Ban tổ chức công bố giải thưởng của giải đua Phát huy đầy đủ ý nghĩa một sự kiện văn hóa thể thao, Ban tổ chức và các đội đua Giải Xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre lần thứ XIX - Ống nhựa Hoa Sen sẽ đến viếng thăm, dâng hương một số khu di tích lịch sử nơi đoàn đua đi qua, nhằm thể hiện sự tôn kính, tri ân những anh hùng liệt sĩ: khu Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Ninh Thuận; Đài Chiến thắng Đồng Xoài tỉnh Bình Phước; quảng trường Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh,… Tiếp tục đồng hành cùng Giải Xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre năm nay, Tập đoàn Hoa Sen và Thương hiệu Quốc gia Ống nhựa Hoa Sen không chỉ góp phần tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp, hấp dẫn cho các vận động viên tranh tài mà còn chia sẻ cùng cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cụ thể, tại các buổi lễ phát giải chặng được tổ chức ở các tỉnh đoàn đua đi qua, Tập đoàn Hoa Sen sẽ trao tặng 80 chiếc xe đạp cho các em vượt khó học giỏi; chương trình “Mái ấm gia đình Việt – Tết ấm tình thương”, sẽ đến thăm và tặng 600 phần quà cho 600 hộ gia đình khó khăn cùng vui xuân, đón Tết Đinh Dậu 2017 .  Quốc Vận

Trao giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016

TĐKT - Ngày 28/12, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam. Đây là sự kiện được những người làm nghề, các tác giả và bạn đọc cả nước đón nhận hằng năm. Đến dự lễ trao giải có   các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo trung ương Phạm Văn Linh; Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn. Cùng dự có Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm. Tại lễ trao giải, ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá, các tác phẩm đoạt giải năm nay đều là những tác phẩm có giá trị cao về lý luận, nghệ thuật, khoa học và thực tiễn; các trang ruột sách vẫn giữ được truyền thống in đẹp, trình bày bìa trang nhã, hình minh họa rõ ràng, ảnh chụp, kiểu chữ hoặc tranh vẽ phù hợp với nội dung. Các tác giả nhận giải Năm nay có 40 nhà xuất bản tham gia giải với 486 cuốn sách, tập trung nhiều vào các mảng sách: thiếu nhi, giáo dục, văn học, lý luận chính trị, văn hóa – nghệ thuật… Năm 2016, các tiểu ban và Hội đồng giải thưởng Sách Việt Nam thực  hiện xét giải thưởng theo Quy chế điều chỉnh, bổ sung năm 2014. Kết quả, Ban tổ chức đã trao tổng số 47 giải sách hay: 4 giải vàng, 10 giải bạc, 17 giải đồng, 16 giải khuyến khích; 43 giải sách đẹp: 4 giải vàng, 8 giải bạc, 13 giải đồng, 15 giải khuyến khích, 3 giải bìa đẹp. Những cuốn sách tiêu biểu được đề cử Giải Vàng sách hay năm nay được Hội đồng Giải thưởng sách Việt Nam đánh giá cao và người sử dụng yêu thích: cuốn Dược thư Quốc gia Việt Nam; bộ sách Vũ Hạnh tuyển tập; tác phẩm Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường… Đặc biệt, bộ sách văn học thiếu nhi của Vũ Hùng gồm 12 cuốn sách được rất nhiều người đón nhận. Bộ sách viết về muông thú, rừng núi và thiên nhiên tươi đẹp. Với tài năng văn học, học vấn sâu rộng, với tấm lòng yêu quý thiên nhiên hoang sơ trong rừng nguyên sinh Việt Nam, những tác phẩm của ông có giá trị giáo dục trẻ em nhiều thế hệ. La Giang

Tín ngưỡng thờ Mẫu nhìn từ góc độ di sản văn hóa

TĐKT - Ngày 25/12, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phối hợp với tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ tổ chức chương trình Tọa đàm và hầu bóng “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa”. Tại chương trình, người tham dự được lắng nghe các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian trình bày về sự vận dụng khéo léo các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, vũ điệu, kiến trúc sắp đạt, trang phục.... vào trong nghi thức “thực hành tín ngưỡng”. Tham gia tọa đàm còn có các thành viên trong Đoàn Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” trước Hội đồng UNESCO thế giới, tại Ethiopia tháng 12/2016. Đây là cơ hội để cộng đồng được tìm hiểu những tiêu chí của Hội đồng UNESCO thế giới khi xét duyệt hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.   Quang cảnh cuộc tọa đàm Phần thực hành nghi lễ hầu bóng được thực hiện bởi các thanh đồng tận tâm với sự nghiệp văn hóa dân tộc, là những người hiểu về vẻ đẹp nghệ thuật hàm chứa trong hoạt động tín ngưỡng của họ. Cùng với đó là sự tham gia thể hiện của những người nắm giữ tinh hoa làng hát Văn Việt Nam, và nhiều khách mời có uy tín trong cộng đồng đến từ Hà Nội và các địa phương lân cận. Chương trình Tọa đàm và hầu bóng “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa”  là hoạt động ý nghĩa thiết thực, để chúc mừng Di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được thế giới công nhận. Qua đó góp phần vào việc truyền thông, quảng bá đến đông đảo quần chúng nhân dân về những giá trị truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, các phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc có trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.   Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại phủ Tây Hồ, Hà Nội chiều 25/12 - Ảnh: Khải Mông Ngày 1/12/2016, tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Adis Abebas, Ethiopia, hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam Phủ của người Việt” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Sau khi thông tin này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” nhận được sự quan tâm tìm hiểu rất lớn trong nội bộ cộng đồng thực hành tín ngưỡng và người dân Việt Nam thời gian qua. Mai Thảo  

Hiệu quả từ chương trình quảng bá du lịch quốc gia trên mạng xã hội

TĐKT – #WhyVietnam là chương trình quảng bá du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch phối hợp với Công ty TNHH Vntrip.vn tổ chức, nhằm tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và sự bùng nổ của công nghệ thông tin để lan tỏa những vẻ đẹp của Việt Nam từ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người trên mạng xã hội. Chương trình bắt đầu từ 30/11 và kết thúc vào ngày 20/12/2016.   Sau 3 tuần diễn ra chương trình quảng bá du lịch quốc gia trên mạng xã hội, #WhyVietnam đã ghi nhận được những con số ấn tượng của một phong trào yêu Việt Nam được hưởng ứng bởi đông đảo người Việt yêu nước và người nước ngoài yêu Việt Nam.   #WhyVietnam tạo nên một phong trào trong giới trẻ, những người Việt yêu nước, những người nước ngoài yêu thích du lịch và Việt Nam cùng chia sẻ những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam để mời gọi bạn bè quốc tế hãy đến và khám phá Việt Nam với vẻ đẹp bất tận. Chỉ cần tìm kiếm trên google với từ khóa #whyvietnam, kết quả sẽ cho ra hơn 17,700 đường link nói về chương trình. Hàng nghìn bức ảnh đẹp về Việt Nam đã được lan truyền trên mạng xã hội từ người trẻ tới những người đã có tuổi. Hàng triệu con người cùng hưởng ứng chiến lược quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam trên mạng xã hội. Chương trình đã lay động được sức trẻ, những người Việt Nam đam mê yêu du lịch, yêu vẻ đẹp bình dị của quê hương đến những hình ảnh hùng vĩ của giang sơn, gấm vóc để giới thiệu và lan truyền vẻ đẹp của Việt Nam trên mạng xã hội. Đồng thời, #WhyVietnam đã thực sự chạm đến những trái tim yêu Việt Nam của bạn bè thế giới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia đến Đức, Mỹ, Australia… tất cả cùng hòa chung phong trào lan tỏa #WhyVietnam vẻ đẹp bất tận của Việt Nam trên facebook, instagram, twitter, youtube… 3 tuần diễn ra đã ghi nhận những con số ấn tượng về cả truyền thông cùng số lượng chia sẻ phong trào. Hơn 200 bài báo nói về #WhyVietnam trong đó có hơn 20 báo tiếng Anh, 7 kênh truyền hình chính của Việt Nam. Chương trình quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam trên mạng xã hội đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 20 nghệ sĩ nổi tiếng, từ hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Đặng Thu Thảo, Đặng Ngọc Hân, Dương Thùy Linh; đến các dẫn chương trình nổi tiếng: Phan Anh, Hạnh Phúc, Trần Ngọc, Bảo An, Trịnh Quỳnh Anh; nghệ sĩ Chí Trung, Hồng Kỳ, ca sĩ Duy Khoa, ca sĩ Dương Trần Nghĩa, diễn viên Huyền Lizzie, … Một làn sóng yêu nước trên mạng xã hội với hơn hàng  triệu lượt chia sẻ hình ảnh đẹp của Việt Nam kèm hashtag #WhyVietnam và lý do vì sao yêu Việt Nam hay vì sao chọn Việt Nam là điểm đến và hơn 500 bài dự thi ảnh chất lượng gửi về ban tổ chức. Được gửi gắm trong mỗi một bức ảnh chia sẻ là những câu chuyện bình dị, là một góc nhìn của cuộc sống muôn màu, gần gũi, là những khung cảnh hùng vĩ của núi rừng hay một nụ cười tỏa nắng sau một ngày làm việc vất vả. Vẻ đẹp của Việt Nam được khắc họa là vẻ đẹp từ Hà Nội tới Hồ Chí Minh, từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam, từ địa đầu tổ quốc Hà Giang, Lũng Cú tới mũi Cà Mau lịch sử… Tất cả đều được truyền tải trọn vẹn thông qua những lăng kính nhạy bén của những người con Việt hay các vị khách nước ngoài. Chương trình  #WhyVietnam  được Tổng cục Du lịch kỳ vọng tạo cú hích tăng trưởng lượng khách du lịch tới Việt Nam vào cuối năm 2016. Một tin vui đến với chương trình #WhyVietnam, Tổng cục Du lịch và ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu tới Việt Nam vào ngày 25/12/2016 tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đây cũng chính là một trong những thành tựu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra và #WhyVietnam đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công chung của ngành, khép lại năm 2016 nhiều dấu ấn đáng tự hào. Một số hình ảnh đẹp của Việt Nam được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ nhiều trong chương trình.           Mai Thảo

Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn

TĐKT - Sáng 15/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (1/1/1997 - 1/1/2017). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì họp báo. Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh là sự kiện chính trị quan trọng, sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng. Ban Tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất sẽ diễn ra vào 19h ngày 29/12/2016 tại Nhà Văn hóa tỉnh. Hội thảo khoa học cấp tỉnh "Bắc Kạn - 20 năm chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển" sẽ khai mạc sáng 29/12/2016 tại Hội trường lớn, trụ sở các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy Bắc Kạn. Triển lãm ảnh "Bắc Kạn - 20 năm xây dựng và phát triển" diễn ra từ ngày 26/12 - 30/12/2016 tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" diễn ra từ ngày 29/12/2016 - 2/1/2017 tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động: đêm nhạc Nông Văn Nhủng ngày 15/12/2016 tại Rạp Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh; Giải bóng đá Thanh niên tỉnh Bắc Kạn từ ngày 16/12 - 22/12/2016 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Kạn; Giải bóng chuyền hơi Trung - Cao tuổi tỉnh Bắc Kạn từ ngày 23/12 - 26/12/2016 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Trước đó, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng sự kiện này: phát động đợt thi đua cao điểm "200 ngày đêm lao động sáng tạo, thiết thực lập thành tích chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh", Hội chợ "Công nghiệp - Thương mại vùng Đông Bắc năm 2016", Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bắc Kạn lần thứ X, năm 2016; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh...    Các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua lao động, sản xuất, công tác và học tập, góp phần xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng phát triển. Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh khó khăn, kinh tế chậm phát triển, Bắc Kạn đã có sự đổi thay, chuyển mình vươn lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua tăng 11,5%/năm, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 1.280 USD, tăng gần 15 lần so với năm 1997. Thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 19,8%/năm; năm 2016, số thu tăng gấp 31 lần so với năm 2017. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, các hoạt động văn nghệ, thể thao và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình giảm trên 4%. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh. Phương Thanh

Trang