Văn hóa - Thể thao

“Người phán xử”: bức tranh đa chiều mang lại luồng gió mới cho thể loại phim hình sự

TĐKT- Chiều ngày 14/3, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu 46 tập phim hình sự “Người phán xử” sẽ lên sóng vào lúc 21h30 các ngày thứ tư, thứ năm hàng tuần trên VTV3, bắt đầu từ ngày 23/3/2017. Thuộc thể loại hình sự, 46 tập phim Người phán xử lên sóng giờ vàng trên VTV3 cuối tháng 3 sẽ mang tới cho khán giả góc nhìn đa chiều về một thế giới ngầm nhiều góc khuất.    Tiếp tục loạt phim Cảnh sát hình sự đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả truyền hình, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam sẽ gửi tới khán giả 46 tập “Người phán xử”. Phim là một bức tranh đa chiều về hành trình chống tội phạm và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại. Các đạo diễn và dàn diễn viên “Người phán xử” trong buổi họp báo ra mắt phim   “Người phán xử” được Việt hóa từ kịch bản phim của Israel với nhiều tình tiết kịch tính, hấp dẫn, song có sự điều chỉnh nội dung một cách uyển chuyển để phù hợp với đời sống xã hội và thị hiếu khán giả Việt. Với sự kết hợp của 3 đạo diễn: NSƯT Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng, những tình tiết trong “Người phán xử” sẽ gay cấn, bất ngờ và cuốn hút khán giả đến phút cuối cùng. Thế giới ngầm trong “Người phán xử” xoay quanh ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng), một doanh nhân chuyên xét xử, dàn xếp những vụ mâu thuẫn tiền bạc, tình ái, ân oán nhằm phân chia ranh giới làm ăn và kiểm soát quyền lực các băng nhóm xã hội đen. Nhưng rồi đế chế của Phan Quân bắt đầu lung lay trước một bên là đối thủ truyền kiếp - Thế "chột" (nghệ sĩ Chu Hùng), một bên là những mâu thuẫn trong nội bộ. Với lối kể chuyện nhanh, hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, kịch tính, “Người phán xử” đã khéo léo tái hiện thế giới xã hội đen đầy phức tạp thông qua câu chuyện gia đình với những diễn biến đầy bất ngờ. Theo chia sẻ của NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, “Người phán xử” khi lên sóng sẽ mang đến một màu sắc mới trên VTV3.   Hình ảnh phim “người phán xử” “Người phán xử” là bộ phim đánh dấu sự trở lại với phim truyền hình của NSND Hoàng Dũng sau nhiều năm ông dành thời gian cho công tác quản lý tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Chính tính cách đa chiều, nhiều trăn trở giữa tình người và tiền bạc trong vai diễn Phan Quân đã cuốn hút NSND Hoàng Dũng, khiến ông nhận lời tham gia “Người phán xử”. Cùng với Phan Quân, thế giới ngầm trong “Người phán xử” sẽ hiện lên sinh động bởi các nhân vật: Phan Hải (Việt Anh), Lê Thành (Hồng Đăng) - hai con trai của Phan Quân, Lương "bổng" (NSƯT Trung Anh) - kẻ thân tín của ông trùm Phan Quân. Trong khi Phan Hải và Lê Thành đối nghịch như lửa và nước, luôn đẩy mâu thuẫn lên cao thì Lương "bổng" lại khéo léo tạo nên sự cân bằng, góp phần duy trì thế giới ngầm khắc nghiệt. Bên cạnh đó, “Người phán xử” còn quy tụ dàn diễn viên quen mặt của phim Việt: NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Hương Dung, NSƯT Thanh Quý (Hồ Thu - vợ Phan Quân), Đan Lê (Diễm My - vợ Phan Hải), Bảo Anh (Bảo "ngậu” - vệ sĩ của Phan Quân), Quốc Đam (Trần Tú), Lưu Đê Ly (Ngọc - bạn gái của Lê Thành)… Tất cả họ sẽ góp phần làm nên một “Người phán xử” mang màu sắc mới của phim Việt trên sóng VTV. Bởi theo chia sẻ của đạo diễn Khải Anh, các vai diễn trong Người phán xử sẽ rất khác với những gì dàn diễn viên quen thuộc này đã thể hiện ở những bộ phim trước đó. Ghi hình trong 11 tháng ở nhiều bối cảnh khác nhau, mang nhiều tình tiết kịch tính, đan xen các pha hành động và võ thuật, “Người phán xử” khi lên sóng được hy vọng sẽ tạo nên điểm nhấn mới cho phim truyền hình Việt thể loại hình sự. Hồng Thiết

Phát động cuộc thi ảnh “Việt Nam hội nhập, kiến tạo và phát triển bền vững”

TĐKT - Chiều 9/3, tại Hà Nội, Tạp chí Thế giới Ảnh thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam Ngày nay lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam hội nhập, kiến tạo và phát triển bền vững”. Cuộc thi nhằm khuyến khích, tôn vinh đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kì đổi mới và hội nhập, có đóng góp tiêu biểu vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Cuộc thi dành cho các tác giả là các nhà báo, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trên toàn quốc. Lễ phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam Ngày nay lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam hội nhập, kiến tạo và phát triển bền vững” Chủ đề của cuộc thi gồm ba phần: Hội nhập, Kiến tạo và Phát triển bền vững, là những đặc điểm nổi bật về đất nước, con người Việt Nam trong thời kì phát triển kinh tế và hội nhập thế giới mà các tác phẩm dự thi cần thể hiện; các tác phẩm dự thi phản ánh về sự Hội nhập, Kiến tạo và Phát triển bền vững, những nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, thể thao, du lịch, di sản, danh lam, thắng cảnh; và các tác phẩm phản ánh hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước, xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Các tác giả gửi tác phẩm dự thi gồm hai loại ảnh màu và đen trắng, kích thước 20 x 25cm là ảnh đơn hoặc ảnh bộ. Mỗi bộ ảnh gửi dự thi từ 6 đến 7 ảnh về các lĩnh vực: kinh tế, sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân; văn hóa, xã hội, thể thao, du lịch, di sản, danh thắng. BTC nhận ảnh dự thi từ tháng 3 đến tháng 9; chấm giải, công bố kết quả và triển lãm ảnh vào tháng 11-2017, tại Hà Nội. Mai Thảo

Một thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về cuộc sống

TĐKT - Chiều 6/3, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu bộ phim truyền hình “Nơi ẩn nấp bình yên”. Đây là bộ phim truyền hình mang thông điệp ý nghĩa: gia đình luôn là bến đỗ, là chốn bình yên, là nơi quay về của mỗi người... Phim "Nơi ẩn nấp bình yên" giúp khán giả nhìn nhận một sự thật, nhiều khi nhìn bề ngoài tưởng là êm ấm, nhưng bên trong lại chứa những con sóng ngầm, những mâu thuẫn được che đậy, chỉ có người trong cuộc mới hiểu... “Nơi ẩn nấp bình yên” sẽ được phát sóng vào ngày 21/3 Chuyện phim kể về cuộc đời đầy sóng gió, phấn đấu vì sự nghiệp và mối quan hệ tình cảm phức tạp giữa hai anh em ruột Duy Thành, Duy Trung với cô em gái nuôi Nguyệt Cầm.  Bố mất sớm, Duy Thành là anh cả phải thay cha lao động để giúp đỡ gia đình và duy trì nghề gốm truyền thống. Từ khi còn bé, anh đã là một thợ gốm giỏi. Duy Trung và Nguyệt Cầm được mẹ và anh trai chăm sóc tốt, học hành chu đáo. Duy Trung học ngành y, còn Nguyệt Cầm học thiết kế đồ họa trên thành phố. Nguyệt Cầm quyết tâm sau khi tốt nghiệp sẽ quay về làng, cùng với Thành tiếp tục phát triển nghề gia truyền của cha mẹ nuôi, bởi ngoài tình yêu với nghề gốm sứ, Nguyệt Cầm còn có tình cảm với người anh nuôi Duy Thành. Hình ảnh trong phim “Nơi ẩn nấp bình yên” Duy Trung yêu Nguyệt Cầm dù biết cô và anh trai mình đã có tình cảm với nhau. Một lần, do thiếu kiềm chế, Trung đã chiếm đoạt Nguyệt Cầm một cách thô bạo. Chuyện xảy ra chỉ có bà Hạnh, người mẹ biết rõ, bà vô cùng giận Trung, thương xót cô con gái nuôi và Thành. Để giữ được danh dự gia đình, giữ tình anh em, bà Hạnh đề nghị Nguyệt Cầm và Trung làm đám cưới, hứa giữ kín câu chuyện cho đến lúc chết. Như vậy, Nguyệt  Cầm vẫn là con dâu bà, là vợ Trung, bà tin rằng cô sẽ được chăm sóc tốt bởi Trung thực sự yêu cô. Còn Thành, bà mong anh cũng sẽ dần nguôi ngoai, theo thời gian.  Sau gần chục năm, lúc này, Duy Trung đã là trưởng khoa của một bệnh viện, còn Nguyệt Cầm, là trưởng phòng mỹ thuật của một công ty gốm sứ nổi tiếng. Cả hai đều thành đạt, giàu có và có vẻ hạnh phúc. Yên tâm cho rằng thời gian đã xóa mờ mọi chuyện, bà Hạnh quyết định gọi Duy Thành lên thành phố ở với bà. Sự xuất hiện của Thành khiến quan hệ giữa ba người: Thành, Trung và Nguyệt Cầm trở nên phức tạp và một lần nữa giông tố lại xảy ra… Liệu những người trong cuộc sẽ phải làm gì để giữ được hạnh phúc gia đình, giữ được tình nghĩa anh em, và để gia đình mãi là “Nơi ẩn nấp bình yên”? Phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi và nhiều kinh nghiệm được khán giả yêu mến như NSND Ngọc Lan (vai bà Hạnh), Hồng Minh (vai Duy Thành), Mạnh Trường (vai Duy Trung), Thùy Dương (vai Nguyệt Cầm), Thu Quỳnh (vai Thúy Vi)… “Nơi ẩn nấp bình yên” do NSND Khải Hưng biên tập, đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu thực hiện. Phim dài 27 tập, dự kiến phát sóng vào 20h45’ các ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư hàng tuần, trên kênh VTV1, bắt đầu từ 21/3/2017.  Hồng Thiết

Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới

TĐKT – Chiều 6/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo Hội Báo toàn quốc 2017 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới”. Hội Báo toàn quốc 2017 sẽ diễn ra từ ngày 17/3 – 19/3 tại Hà Nội. Chương trình do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội tổ chức . Tại Hội Báo toàn quốc năm 2017 sẽ trưng bày các ấn phẩm báo Xuân, ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2016 và quý I/2017 theo 3 khu vực: khu vực toàn cảnh báo chí Việt Nam năm 2016; khu vực trưng bày báo chí khối trung ương; khu vực trưng bày khối báo chí địa phương. Bên cạnh đó là phần trưng bày hình ảnh về công tác giảng dạy, đào tạo báo chí, một số sản phẩm, thiết bị công nghệ, kỹ thuật báo chí hiện đại. Các hoạt động ý nghĩa về chính trị, xã hội, nghề nghiệp sẽ tạo điểm nhấn, làm nên nét đặc sắc cho Hội Báo. Đó là triển lãm “Trên những nẻo đường đất nước”; diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”; hội thảo về nhà báo Lưu Quý Kỳ; giao lưu giữa các nhà báo, cơ quan báo chí và công chúng, các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội… Trong khuôn khổ của Hội Báo còn có phố sách mini tôn vinh văn hóa đọc, khu vực bán hàng Việt Nam chất lượng cao, khu phố ẩm thực phục vụ khách tham quan. Ban tổ chức chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hội Báo toàn quốc năm 2017 là ngày hội của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước nhằm thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại diễn ra trong năm, chào mừng những thành tựu của đất nước trong tiến trình đổi mới. Đây cũng là dịp tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ, thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước. Qua đó, những người làm báo và công chúng gặp gỡ, giao lưu, khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân. Hội Báo toàn quốc cũng góp phần n âng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống báo chí nói riêng và đời sống xã hội nói chung; biểu dương và động viên những cống hiến lớn lao của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2017, chiều 6/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã khai mạc triển lãm “Báo chí Việt Nam – Một thế kỷ đề tài nữ - tác giả nữ”. Triển lãm trưng bày trên 500 hiện vật, tư liệu với các nội dung, hình ảnh về đề tài nữ và tác giả nữ trên báo chí Việt Nam qua các thời kỳ, nhằm kỷ niệm 100 năm nữ Tổng Biên tập đầu tiên (bà Sương Nguyệt Anh, chủ bút của tờ Nữ giới chung) và 99 năm tờ báo nữ đầu tiên của Việt Nam gia nhập làng báo. Nguyệt Hà

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10/3

TĐKT   - Chiều 1/3, tại Hà Nội, Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã họp báo giới thiệu về Lễ khai mạc hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và triển lãm hoa anh đào sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 10/3 tại khu vực Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ. Tại đây, Ban tổ chức (BTC) sẽ trưng bày, triển lãm khoảng 150 cây và 7.000 cành hoa anh đào và một số loài hoa đặc trưng của Việt Nam. Các cây anh đào có chiều cao trung bình từ 1 m – 3 m, có một số cây cao tới 10 m.   Chương trình triển lãm hoa anh đào tại Hà Nội năm 2016 Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ, do đặc điểm cây và cành hoa anh đào cần bảo quản và chăm sóc đặc biệt, khi tới Hà Nội, các cành hòa anh đào sẽ được đưa đến công viên Thống Nhất và Cung Thiếu nhi Hà Nội để bảo quản tạm thời. Đồng thời, các chuyên gia của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) sẽ chăm sóc, bảo dưỡng để khi đưa ra trưng bày hoa vẫn tươi, đảm bảo chất lượng. Được biết, đến nay công việc chuẩn bị cơ bản đã xong, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch để phối hợp triển khai. Đặc biệt, sự kiện giao lưu văn hóa Nhật Bản và triển lãm hoa anh đào tại Hà Nội sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản đến với nhân dân Thủ đô. Đây cũng là dịp trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và kinh tế giữa Thủ đô Hà Nội và Nhật Bản. Từ đó, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc do các ca sĩ và nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn. Thủ đô Hà Nội sẽ mang tới những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ và mùa xuân. Phía Nhật Bản sẽ trình diễn các tiết mục đặc sắc, đặc biệt là múa  và múa trống. Ngoài việc trưng bày hoa anh đào, các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản cũng sẽ diễn ra: triển lãm ảnh hoa anh đào, biểu diễn nghệ thuật các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc như đàn bầu, hát xẩm, hát ca trù. Hồng Thiết

Họp báo Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang) năm 2017

TĐKT - Chiều 1/3, tại Hà Nội, UBND TP Tuyên Quang tổ chức Họp báo Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang) năm 2017. Dự và chủ trì họp báo có các đồng chí: Tô Hoàng Linh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang; Phạm Quốc Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang; Trương Đức Tiến, Thành ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố.   Họp báo Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang) năm 2017 Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 8/3 - 13/3/2017 tại TP Tuyên Quang với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh: lễ rước nước và thả đèn hoa đăng trên sông Lô (đoạn sông từ cầu Nông Tiến đến trước cửa đền Hạ, phường Tân Quang); lễ tế tại đền Ỷ La và tổ chức rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ; lễ tế tại đền Thượng và tổ chức rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ; Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2017; Hội thi ẩm thực; Triển lãm ảnh chủ đề "Đất và người thành Tuyên"; các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian... Lễ hội được tổ chức nhằm phát huy, tôn vinh tối đa những giá trị văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố, đặc biệt là "tín ngưỡng thờ Mẫu thoải - Mẹ Nước". Bình Nguyên

Giới thiệu cuốn sách: Sức sống “Những việc cần làm ngay”

TĐKT – Chiều 24/2, tại Hà Nội, Ban Biên tập Báo Nhân Dân tổ chức Lễ giới thiệu cuốn sách: Sức sống “Những việc cần làm ngay”. Cuốn sách do Báo Nhân Dân nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản tháng 1/2017 nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thiết thực hưởng ứng và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.   Trang bìa của cuốn sách Cuốn sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất gồm 31 bài báo với đầu đề “Những việc cần làm ngay” do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp viết và gửi đăng trên Báo Nhân Dân. Nội dung các bài báo nhấn mạnh: trên tinh thần lấy dân làm gốc, lời nói đi đôi với việc làm, các cấp, các ngành cần thực hiện tính công khai, tôn trọng những vấn đề, hiện tượng báo chí nêu, quần chúng kêu ca, oán trách lâu ngày, mà lãnh đạo vẫn giữ thái độ “im lặng đáng sợ”. Yêu cầu các cấp, các ngành nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện công khai, dân chủ, tập trung giải quyết những vấn đề do công luận lên tiếng một cách nhanh chóng, chính xác, triệt để. Phần thứ hai “Hưởng ứng những việc cần làm ngay” đã trở thành chương trình hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; thực hiện “Những việc cần làm ngay” với phong cách mới, giải quyết những vấn đề đặt ra một cách dứt điểm theo tinh thần nói thắng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, mở rộng tính công khai, dân chủ. Phần ba “Sức sống “Những việc cần làm ngay” trong giai đoạn hiện nay” đã tập hợp nhiều bài viết của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số phóng viên Báo Nhân Dân. Đây là tài liệu tham khảo bổ ích, cung cấp thêm cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong 30 năm qua về công tác xây dựng Đảng cho các tổ chức Đảng, các cán bộ, Đảng viên khi triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong những dòng “Thay lời tựa” cho cuốn sách, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Mong đồng chí, đồng bào cả nước đón đọc và hưởng ứng mạnh mẽ “Những việc cần làm ngay” trong xây dựng Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII”. Minh Phương

Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017

TĐKT - Chiều ngày 21/2, tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã diễn ra buổi Họp báo thông tin về Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017. Đây là chương trình của UBND TP Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình ra thế giới.   Họp báo giới thiệu chương trình hoà nhạc ngoài trời Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017 diễn ra từ 19h45’ đến 21h30’ (105 phút) ngày 4/3/2017 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Chương trình có sự tham gia của 98 nghệ sĩ tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới thuộc dàn nhạc London Symphony Orchestra với trình độ biểu diễn âm nhạc điêu luyện và nhiệt huyết được điều hành bởi nhạc trưởng Elim Chan - một trong những nhạc trưởng xuất sắc của thế giới. Với Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017, sẽ có 1.000 chỗ ngồi thưởng thức buổi hòa nhạc theo hình thức khách mời, khán giả yêu âm nhạc Thủ đô sẽ được tiếp cận với nghệ thuật đỉnh cao qua sự trình diễn của một trong năm dàn nhạc giao hưởng uy tín nhất trên thế giới. Chương trình được truyền hình ra 3 màn hình lớn tại hai đầu đường Đinh Tiên Hoàng và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để khán giả thưởng thức miễn phí khi tới tham gia hoạt động tại không gian phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Buổi biểu diễn tại Hà Nội nằm trong tour diễn châu Á của London Symphony Orchestra (LSO), vì thế sẽ không có nghệ sĩ khách mời nào của Việt Nam góp mặt trong 105 phút biểu diễn của dàn nhạc. Về nhạc mục chương trình, ngoài bản “Overture” của nhà soạn nhạc người Nga D.Shostakovich, một tác phẩm của nhà soạn nhạc người Anh Benjamin Britten và “Giao hưởng số 2” của S.Rachmaninoff, Dàn nhạc Giao hưởng London sẽ trình diễn bản Quốc ca Việt Nam với một bản phối đặc biệt. Được thành lập năm 1904, LSO được coi là một trong những dàn nhạc uy tín nhất thế giới bởi những tác phẩm dàn dựng đã trở thành kinh điển cũng như sự cộng tác và trình diễn cùng nhiều nhạc trưởng, nghệ sĩ độc tấu huyền thoại trên thế giới. Mỗi năm, dàn nhạc có hơn 70 buổi diễn tại quê nhà và hơn 70 chương trình hòa nhạc lưu diễn quốc tế thường kỳ. Sang Việt Nam lần này, LSO sẽ có 98 nghệ sĩ, nhà quản lý cũng như chuyên viên kỹ thuật cùng 4,5 tấn thiết bị. Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017 là một trong những sự kiện mở màn hợp tác giữa TP Hà Nội với Vietnam Airlines. Vừa qua, TP Hà Nội và Vietnam Airlines đã có thỏa thuận hợp tác trong 5 năm (2017 - 2021) về hoạt động văn hóa; thúc đẩy hợp tác du lịch; hỗ trợ cán bộ Hà Nội đi công tác trên hành trình Vietnam Airlines.  Hồng Thiết

Ra mắt cuốn sách " Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)"

TĐKT - Chiều 14/2, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)". Tới dự, có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng,  Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Cuốn sách nhằm tổng kết, đánh giá công cuộc đổi mới trong 30 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Từ đó, đúc kết những vấn đề lý luận và thực tiễn sinh động trong xây dựng, phát triển Thủ đô, mở ra chương mới cho giai đoạn phát triển những năm tiếp theo. Cuốn sách ghi lại dấu ấn của Hà Nội 30 năm đổi mới, đồng thời là một công trình nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng,  Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách. Sau hơn 1 năm triển khai, dưới sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy,  Trưởng ban chỉ đạo,  cuốn sách đã được hoàn thành và ra mắt bạn đọc đúng dịp đầu Xuân 2017, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thời điểm thành phố quyết tâm thực hiện các chương trình đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.  Cuốn sách do TS.  Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và GS. TS.  Phùng Hữu Phú,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng chủ biên.  Tác giả tham gia các chuyên đề, bài viết đều là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà báo am hiểu sâu sắc, gắn bó và có tình yêu tha thiết với Hà Nội. Cuốn sách ghi lại dấu ấn của Hà Nội 30 năm đổi mới, đồng thời là một công trình nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao.  Với 5 chương, 26 chuyên đề, dày gần 700 trang, cuốn sách đã kết tinh, cung cấp những thông tin bổ ích về các thành tựu của Thủ đô trong suốt 30 năm qua. Trong đó, tập trung nêu bật các nội dung về xây dựng Đảng bộ Hà Nội, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đảm bảo an ninh, quốc phòng, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch...  Phần phụ lục của sách có 32 trang ảnh, phản ánh một số hoạt động nổi bật của Thủ đô trước và trong thời kỳ đổi mới, phác họa diện mạo Thủ đô tươi mới từng ngày.  Bên cạnh những thành tựu và những công việc đã làm được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, cuốn sách đã thẳng thắn chỉ ra những công việc chưa làm được, những mặt bất cập, hạn chế cần khắc phục, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm quý.  Cuốn sách cũng phân tích, làm rõ những thời cơ, thách thức, định hướng phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục đổi mới, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững.  Thông qua nội dung sách,  bạn đọc cảm nhận được bầu không khí nóng hổi, hào hùng được lan tỏa từ các hoạt động phong phú và sôi động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Mỗi người dân Hà Nội thấy được ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết và những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng,  Nhà nước trở thành hiện thực sôi động, phong phú, làm nên những thành tựu nổi bật hiện hữu trên địa bàn Thủ đô. Sách còn giúp mọi thế hệ người dân Thủ đô bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu và lòng tự hào về truyền thống văn hiến,  lịch sự vẻ vang, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội, củng cố và tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ,  chính quyền thành phố trong quá trình phát triển Thủ đô.  Mai Thảo

Phát động thi sáng tác biểu trưng và bài hát tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

TĐKT – Chiều 13/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (lô gô) và bài hát (ca khúc) cổ động, tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Cuộc thi nhằm tuyên truyền về vai trò và những đóng góp nổi bật của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ đoàn viên, thanh, thiếu nhi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những đóng góp nổi bật trong giai đoạn đất nước đổi mới; đồng thời truyền tải tinh thần, thông điệp của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI tới đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân cả nước. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức sẽ lựa chọn ca khúc và biểu trưng làm sản phẩm tuyên truyền chính thức cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.     Họp báo phát động thi sáng tác biểu trưng và bài hát tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI Phát biểu tại buổi họp báo phát động cuộc thi, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: năm 2017 có ý nghĩa quan trọng đối với tuổi trẻ cả nước, là năm tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Theo hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó có sử dụng bộ nhận diện để tuyên truyền sâu rộng về tinh thần và nội dung của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; khắc họa rõ hình ảnh, vai trò và sự đóng góp của tổ chức Đoàn, đoàn viên thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Từ đó, tạo sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, các cấp, các ngành trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ và đồng hành với tổ chức Đoàn. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, các tác phẩm được lựa chọn vào vòng trong sẽ được tuyên truyền rộng rãi, nhằm truyền tải thông điệp, khắc họa những giá trị hình mẫu đoàn viên, thanh niên, đội viên thời kỳ mới “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, đồng thời thể hiện được các nhiệm vụ trọng tâm công tác nhiệm kỳ mới. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, văn nghệ sĩ có nhiều gắn bó với công tác Đoàn, Hội: họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; họa sĩ Nguyễn Thủy Liên, người đoạt giải nhất sáng tác lô gô Đại hội Đoàn lần thứ IX và lần thứ X; nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến... Cuộc thi sáng tác lô gô kéo dài từ ngày 15/2 - 15/5/2017 và ca khúc kéo dài từ ngày 15/2 - 15/8/2017. Công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam đều có thể tham gia cuộc thi. Cơ cấu giải thưởng đối với lô gô gồm 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 5 triệu đồng và 1 giải ba trị giá 2 triệu đồng; đối với ca khúc gồm 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 10 triệu đồng, 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng cùng 7 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, tác giả đạt giải nhất sẽ được mời làm đại biểu khách mời dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; tác giả còn trong độ tuổi đoàn viên được mời tham gia hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2018. Địa chỉ nhận bài dự thi sáng tác biểu trưng tại: tòa soạn Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bài dự thi sáng tác ca khúc nhận tại địa chỉ: Ban Văn hóa Nghệ thuật, Báo Thanh niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Thục Anh

Trang