TĐKT – Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã thi đấu rất thành công, lập được kỳ tích tuyệt vời, trở thành vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng trên đấu trường danh giá nhất thế giới Olympic; thiết lập kỷ lục nội dung 10 m súng ngắn hơi, đoạt Huy chương Bạc nội dung 50 m súng ngắn nam... Có được thành công đó, ngoài sự nỗ lực của cá nhân vận động viên, sự tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, còn phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của người truyền lửa huyền thoại Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1965) - huấn luyện viên đội tuyển Bắn súng Quốc gia Việt Nam.
Cái duyên đã đưa Nhung đến với môn thể thao bắn súng từ khi chị mới 14 tuổi và rồi chị gắn bó với nó từ đó đến nay. Có lẽ, chỉ những ai thực sự có niềm yêu thích với súng đạn thì mới quyết định đi đường dài với bộ môn này, nhất là đối với một nữ nhi.
Huấn luyện viên bộ môn bắn súng Nguyễn Thị Nhung được lựa chọn là 1 trong những cá nhân tiêu biểu tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022)
Chị Nhung chia sẻ: công tác trong một lĩnh vực rất đặc thù là huấn luyện thể thao đỉnh cao, tôi cũng như nhiều huấn luyện viên nữ của ngành thể dục, thể thao, gặp những khó khăn không nhỏ về thể chất cũng như năng lực làm việc so với các đồng nghiệp nam. Đôi khi những đợt tập huấn và thi đấu liên miên khiến chúng tôi rơi vào cảm giác có lỗi với gia đình nhỏ của mình. Nhưng với một tình yêu lớn dành cho thể thao, niềm say mê với công việc, đặc biệt là quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao, tôi và các bạn đồng nghiệp nữ đã được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình nên luôn cố gắng hoàn tốt nhiệm vụ với chất lượng cao nhất.
Có thể nói, trong thể dục, thể thao, thành tích cao với tài năng thiên bẩm của vận động viên là chưa đủ, mà còn cần rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân vận động viên cùng sự hỗ trợ của huấn luyện viên. Chị Nhung đã nỗ lực cùng với chuyên gia Hàn Quốc thường xuyên đưa ra các phương pháp huấn luyện khoa học, hiệu quả giúp cho bộ môn bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Năm 2006, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung chính thức “nắm giữ” xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Để bước lên đỉnh cao nhất của Olympic Rio 2016, hai thầy trò họ đã cùng nhau trải qua một quá trình phấn đấu 10 năm kiên trì và bền bỉ, trải qua những chặng đường đầy chông gai. Họ cùng kham khổ rèn luyện, cùng thăng hoa khi thành công đến và cùng đối mặt, vượt lên trên thất bại.
Đã có những lúc Hoàng Xuân Vinh bị coi như “tội đồ” khi thất bại trong phát súng cuối tại Asian Games 2010, Olympic London 2012 và Asian Games năm 2014. Sau khi tuột mất huy chương ở 3 kỳ Đại hội đó, tinh thần của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bị khủng hoảng, chán nản thực sự.
Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: tôi nhớ nhất, và cũng đau lòng nhất là sau thất bại tại Asian Games 2010, Vinh ngước mắt nhìn tôi hỏi đầy tuyệt vọng: "Theo chị, em có tiếp tục theo bắn súng nữa không? Em có tiếp tục bắn được nữa không?" … Khi ấy tôi đã giấu đi cảm giác yếu đuối của người phụ nữ để nhìn Vinh đầy quả quyết và khẳng định: chắc chắn rằng em sẽ tiếp tục thi đấu, em sẽ là nhà vô địch.
Với tư cách là một huấn luyện viên, chị Nhung luôn dành thời gian ở bên cạnh Vinh, chia sẻ với Vinh nỗi buồn thất bại và động viên, truyền cho Vinh sự tự tin, hy vọng về một ngày Vinh sẽ bước lên ngôi cao nhất.
Đặc biệt, sau nhiều trăn trở, chị đã quyết định áp dụng các phương pháp huấn luyện mới về tâm lý để Vinh khắc phục điểm yếu này của xạ thủ; tôi luyện cho anh tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, đứng lên sau mỗi thất bại.
Cụ thể, huấn luyện viên Nhung yêu cầu Vinh khi bước vào trường bắn chỉ cúi mặt không nhìn khán giả, không để ý đến mọi áp lực xung quanh. Bài tập này sau đó đã giúp Vinh đoạt huy chương vàng tại Cúp bắn súng thế giới.
Ngoài ra, chị còn nghiên cứu thêm phương pháp khác, yêu cầu như trước khi thi đấu, Vinh sẽ nằm và tưởng tượng ra khung cảnh ở trường bắn ngày hôm sau, nhằm có sự chuẩn bị về tâm lý, tránh cho Vinh trạng thái bị khớp khi bước ra trường bắn.
Để truyền tinh thần tự tin cho Vinh và các đồng đội, hàng ngày trước mỗi buổi tập, huấn luyện viên Nhung yêu cầu từng vận động viên phải hô to: "Tôi là nhà vô địch Olympic". Chị Nhung bảo, thời gian đầu, nhiều vận động viên còn ngại ngùng không dám hô nhưng ngày nào cũng thế, mọi việc trở thành quen và Vinh ngày càng tự tin hơn khi hô vang câu đó.
Qua nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thực tế, các băng ghi hình tác phong của xạ thủ khi họ bước vào trường bắn và sau đó bước lên ngôi vô địch Olympic, chị Nhung đã áp dụng chiến thuật tập trận giả trong mỗi buổi tập, yêu cầu các vận động viên đi đúng tác phong của các nhà vô địch, từ ánh mắt, cách nhìn đến từng cử chỉ nhỏ nhất. Hầu hết khán giả đều khen Vinh có tư thế bắn rất đẹp. Điều đó thoạt nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng để có được tư thế ấy, thầy trò Nhung – Vinh đã phải khổ luyện bao nhiêu công. Huấn luyện viên luôn yêu cầu Vinh rèn từng động tác nhỏ, tránh từng động tác thừa khi ngắm bắn. Vì vậy, khi chưa lên ngôi vô địch Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh đã có tác phong bước vào trường bắn của một nhà vô địch đẳng cấp thế giới.
Cùng với Hoàng Xuân Vinh, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những cống hiến xuất sắc cho thành công của bắn súng Việt Nam nói riêng và của thể thao Việt Nam nói chung tại Olympic 2016.
Là một người tâm huyết với sự phát triển thể thao nước nhà, chị Nguyễn Thị Nhung cho rằng: thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Nếu chúng ta làm tốt thể thao quần chúng thì sẽ tạo được chân đế vững chắc cho thể thao thành tích cao, và khi làm tốt thể thao thành tích cao thì sẽ kích thích sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng.
Để phát triển phong trào thể thao quần chúng, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân ý thức được tác dụng của việc rèn luyện thể dục, thể thao. Làm sao để mỗi người dân thay đổi được thói quen từ tự phát sang tự giác tập luyện, làm sao để phong trào thể dục, thể thao thấm vào từng gia đình, từng tổ dân phố, khu dân cư, trường học…, tạo thành phong trào tập luyện thể dục, thể thao đều đặn trong toàn xã hội.
Chị cũng bộc bạch: thông thường tuổi lao động của các vận động viên thể thao rất ngắn, nhất là với phụ nữ. Vì vậy, bản thân chị luôn mong muốn các cấp các ngành tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ các vận động viên, tạo công ăn việc làm cho các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu. Đồng thời cần tăng thu nhập và có chính sách đóng bảo hiểm xã hội cho các vận động viên để họ yên tâm tập luyện và đảm bảo có lương hưu khi về già. Với phụ nữ có con nhỏ, cần có chế độ hỗ trợ riêng để chị em thật sự yên tâm luyện tập, thi đấu. Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu.
Mai Thảo