Văn hóa - Thể thao

Khám phá lịch sử thế giới qua hình ảnh

TĐKT - Sáng 10/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội sách Mùa Thu, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu - trải nghiệm đọc sách "Biên niên sử thế giới bằng hình - Một cách học sử khác" với thầy giáo Nguyễn Quốc Vương, là tác giả, dịch giả một số sách về giáo dục lịch sử. Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương chia sẻ với các em học sinh phương pháp học lịch sử mới Biên niên sử thế giới bằng hình là một công trình đồ sộ của nhóm tác giả người Anh được xuất bản bởi Dorling Kindersley (DK) Limited, nhà xuất bản hàng đầu thế giới về dòng sách tham khảo có minh họa. Xuyên suốt hơn 300 trang sách là một hệ thống hình ảnh và tư liệu đồ sộ, cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh, hiện hữu, dễ dàng nắm bắt được của lịch sử thế giới từ thời tiền sử đến thế kỷ 21. Cuốn sách như một dòng thời gian bất tận, với vô số hình ảnh, kể lại cuộc hành trình của loài người xuyên suốt lịch sử. Quá khứ hiện ra sống động trước mắt người đọc, dù đó là những công cụ thô sơ thời tiền sử hay công nghệ kỹ thuật số những năm gần đây. Tập trung vào các sự kiện lớn trong lịch sử như Cuộc cách mạng Pháp hay phong trào Dân quyền ở Mỹ, cuốn sách giúp độc giả tìm hiểu cuộc sống của trẻ em ở những thời đại khác nhau, chứa đựng hơn 1500 bức ảnh, hình vẽ minh hoạ, bản đồ và sơ đồ. Cuốn sách bao gồm 8 chương: Thời tiền sử, Biên niên sử thời cổ đại, Văn minh lên nhiều, Thời Trung đại kỳ lạ, Khám phá và cải cách, Thời đại đổi thay, Các đế quốc và các cuộc thế chiến, Tiến nhanh về phía trước. Chia sẻ tại buổi giao lưu, thầy Nguyễn Ngọc Vương nhận xét: Biên niên sử thế giới bằng hình ảnh vừa giống như một cuốn sách giáo khoa, vừa giống như một cuốn từ điển để tra cứu. Bởi thế, không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo dạy lịch sử ở phổ thông cũng cần tìm đọc. Minh Phương

Khai mạc Triển lãm Campuchia - Vương quốc Văn hóa

TĐKT – Chiều 8/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Campuchia - Vương quốc Văn hóa. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia (1967 - 2017). Triển lãm giới thiệu sự đa dạng của văn hóa Campuchia qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vẻ đẹp thiên nhiên và sự ấm áp của người dân Campuchia đến nhân dân Việt Nam. Những nét đặc trưng văn hóa này đã làm cho Campuchia trở nên nổi tiếng trên thế giới như một “Vương quốc Văn hóa”. Có thể kể đến: đền Angkor Wat, đền Preah Vihear, Sambo Prei Kok, điệu múa Khơ-me…, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và rất nhiều Di sản Văn hóa Quốc gia nổi tiếng khác. Một nét đẹp văn hóa của nước Campuchia Bên cạnh đó, triển lãm giới thiệu một số hiện vật văn hóa, nghệ thuật: trang phục truyền thống, diều Khơ-me (diều đối xứng, diều mặt khỉ, diều hình khuôn mặt); các nhạc cụ (trống, các loại sáo,…); các bức họa cổ kính và hiện đại minh họa những thành tựu của bốn thủ phủ: Phnôm Pênh, Siep Reap, Battambang, và Sihanoukville - một thành phố Thủ đô với tiềm năng kinh tế lớn, đồng thời cũng là một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2017 là dịp để người dân Việt Nam hiểu biết hơn nữa về đất nước, con người Campuchia, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Ngoài triển lãm, Tuần văn hóa còn nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội và TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 8 -10/11/2017, với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của đoàn Nghệ thuật Quốc gia Campuchia. Thục Anh

Trình diễn vở kịch song ngữ “Bến bờ xa lắc”

TĐKT - Nằm trong chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa chào mừng 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (1992 - 2017), từ ngày 3/11 - 4/11, hai phiên bản của vở kịch “Bến bờ xa lắc” tiếp tục được trình diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, phục vụ công chúng tại Hà Nội và khán giả Hàn Quốc, những người đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Một cảnh trong vở kịch Vở kịch “Bến bờ xa lắc” (tác giả Lê Thu Hạnh; đạo diễn phiên bản tiếng Việt: nghệ sĩ nhân dân Xuân Huyền; đạo diễn phiên bản tiếng Hàn: Lee Eun Son) đã được Nhà hát Tuổi trẻ và Đoàn kịch Jigeum của Hàn Quốc trình diễn với hai phiên bản dàn dựng khác nhau bằng tiếng Hàn và tiếng Việt. Ở phiên bản tiếng Hàn, Đoàn kịch Jigeum Hàn Quốc kết hợp thêm âm nhạc và dàn dựng theo kiểu nhạc kịch. Tuy cùng nội dung nhưng sự dàn dựng khác nhau giữa hai phiên bản đã giúp người xem cảm thấy thú vị hơn. Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh cho biết: vở kịch đã được Nhà hát dàn dựng lại nhiều lần với nhiều kíp diễn khác nhau để các nghệ sĩ, đặc biệt là các diễn viên trẻ được thử sức mình với nhiều vai diễn. Theo Giám đốc Đoàn kịch Jigeum, Hàn Quốc Lee Eun Son, ở Hàn Quốc, phụ nữ trung niên (40 - 50 tuổi) thường ở nhà nội trợ. Lứa tuổi này cũng có nhiều thay đổi trong tâm sinh lý nên hay buồn hơn và rất dễ cảm thấy cô đơn. Vì vậy, khi biên tập lại vở kịch đạo diễn Lee Eun Son, hy vọng gia đình sẽ hiểu và dành nhiều sự quan tâm hơn cho họ. Vở kịch "Bến bờ xa lắc" do Việt Nam dàn dựng là câu chuyện của những người phụ nữ nhiều năm sống chỉ vì gia đình này muốn thực sự trở lại là chính mình và muốn được yêu. Còn phiên bản do Hàn Quốc dàn dựng nhấn mạnh vào nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ gia đình; thứ người phụ nữ cần để giải quyết sự cô đơn chính là tình yêu, sự quan tâm của gia đình. Trước khi trình diễn tại Hà Nội, vở kịch “Bến bờ xa lắc” đã được trình diễn tại TP Incheon - Hàn Quốc (9/2017) trong khuôn khổ Lễ hội Giao lưu Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam năm 2017. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên giữa hai nước nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác nghệ thuật, tăng cường sự đoàn kết và hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Sự kiện trình diễn vở kịch “Bến bờ xa lắc” đánh dấu lần thứ ba Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Đoàn kịch Jigeum cùng dàn dựng và biểu diễn một vở kịch với hai bản diễn khác nhau. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa chào mừng 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 -  2017) Với chủ đề hạnh phúc gia đình, “Bến bờ xa lắc” phản ánh những câu chuyện hết sức gần gũi với đời sống thường nhật, soi rọi tâm tư, ước vọng thầm kín và những cám dỗ đời thường… Tất cả tạo nên một bức tranh đa diện đầy màu sắc mà mọi khán giả đều tìm thấy mình ở trong đó. Vở kịch tâm lý xã hội “Bến bờ xa lắc” được Nhà hát Tuổi trẻ lần đầu tiên ra mắt năm 1995. Ngay lập tức, vở diễn đã trở thành một hiện tượng, gây được tiếng vang lớn trong đời sống sân khấu kịch cả nước. Vở kịch quy tụ những gương mặt diễn viên hàng đầu của sân khấu phía Bắc nói chung và Nhà hát Tuổi trẻ lúc đó nói riêng. “Bến bờ xa lắc” đã xuất sắc giành Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1996 và lưu diễn hàng trăm đêm diễn tại khắp các sân khấu trên cả nước, trở thành một trong những vở diễn ăn khách nhất của Nhà hát Tuổi trẻ.  Hồng Thiết

Lần đầu tiên quảng bá du lịch Seoul tại TP Hồ Chí Minh

TĐKT – Từ 10/11 - 12/11, tại không gian Ka Koncept (số 9 Nguyễn Trãi, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra sự kiện quảng bá du lịch của TP Seoul (Hàn Quốc) mang tên “I Seoul U – Seoul Beauty & Festival Gallery”. Đây là lần đầu tiên một sự kiện quảng bá du lịch của TP Seoul diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, do TP Seoul tổ chức. Một góc thành phố Seoul (Hàn Quốc) Đến với chương trình, khách tham quan sẽ được trải nghiệm những không gian thú vị như đang du lịch trực tiếp tại Seoul. Khách tham quan được vui chơi, trò chuyện trong không gian thoải mái như ở công viên sông Hàn; tham gia tô màu bức tường TP Seoul để nhận những phần quà hấp dẫn. Đặc biệt, các bạn trẻ là fan hâm mộ các chàng trai của Nhóm nhạc BTS có thể chụp ảnh thoả thích tại không gian BTS photozone của chương trình, chia sẻ hình ảnh lên trang cá nhân để nhận quà tặng thú vị của BTS. Khách tham quan còn được tham gia lớp học làm đẹp và phong cách trang điểm đang thịnh hành hiện nay ở Hàn Quốc, với những chia sẻ làm đẹp thú vị cùng ca sĩ Đông Nhi, beauty blogger Liên Anh… cùng nhiều hoạt động thú vị khác. Năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc khi hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2017). Nhân dịp này, Lễ hội văn hóa thế giới TP Hồ Chí Minh - Gyeongju lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, với chủ đề "Sự phồn vinh của cộng đồng Châu Á thông qua giao lưu văn hóa" sẽ kéo dài trong vòng 25 ngày, từ ngày 9/11 tới 3/12. Các sự kiện trên sẽ góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, sự hiểu biết giữa người dân hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác. Lễ khai mạc sự kiện “I Seoul U – Seoul Beauty & Festival Gallery” sẽ diễn ra vào lúc 11h ngày 10/11 tại Ka Koncept TP Hồ Chí Minh. Hồng Thiết

Trao giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Năm APEC Việt Nam 2017

TĐKT - Ngày 3/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về Năm APEC Việt Nam 2017. Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về Năm APEC Việt Nam 2017 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức từ ngày 30/12/2016 đến ngày 28/2/2017. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các tác giả chuyên nghiệp, không chuyên trong cả nước. Logo  APEC 2017 Ngay khi phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 552 tác phẩm của các tác giả trên toàn quốc gửi về tham dự. Trong đó, các trường đại học có khối chuyên ngành mỹ thuật ở khu vực phía Nam đã đạt kết quả tốt cả về số lượng, chất lượng tác phẩm tham dự. Đặc biệt, các tác phẩm tham gia dự thi đã thể hiện đúng chủ đề của cuộc thi thông qua những hình ảnh, màu sắc và ý tưởng sáng tạo nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cả nước hưởng ứng Năm APEC Việt Nam 2017. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao giải cho 20 tác phẩm xuất sắc nhất, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 14 giải khuyến khích. Giải nhất được trao cho tác phẩm “Chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017” của tác giả Đỗ Trung Kiên (Hà Nội). Cuộc thi lần này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nền kinh tế thành viên APEC, đưa hình ảnh hòa bình, ổn định, thân thiện, năng động, giàu tiềm năng, con người và truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội góp phần đề cao thành quả, dấu ấn Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững, liên kết khu vực, từ đó vun đắp tương lai chung là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. La Giang  

Cuốn truyện tranh đầu tiên về Lý Quang Diệu được xuất bản tại Việt Nam

TĐKT- Chiều 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt cuốn truyện tranh đầu tiên về Lý Quang Diệu được xuất bản tại Việt Nam. Cuốn truyện tranh “Lý Quang Diệu - người cha lập quốc” do Nhà sách Tân Việt mua bản quyền xuất bản từ Công ty Shogakukan Asia (Nhật Bản), giúp độc giả tiếp cận một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu về con người vĩ đại của đất nước Singapore. Cuốn truyện diễn giải về các sự kiện lịch sử quan trọng gắn với quá trình làm Thủ tướng Singapore của ông Lý Quang Diệu. Đó là hành trình từ cậu học sinh Harry Lý đến vị Thủ tướng Lý Quang Diệu, cũng là hành trình của đất nước Singapore từ một đảo quốc nhỏ bé trở thành một “con rồng châu Á”. Bìa cuốn truyện tranh “Lý Quang Diệu - người cha lập quốc” Cuốn truyện tranh có rất nhiều điểm khác biệt bởi nó đem đến cho độc giả một cách tiếp cận hết sức nhẹ nhàng, mềm mại từ hình thức đến nội dung. Cuộc đời chính trị gia lỗi lạc Lý Quang Diệu hiện lên sống động như những thước phim tài liệu đen trắng qua những câu chuyện thường nhật của Lý Quang Diệu, từ cuộc đối đáp với ông nội cho đến việc chàng thanh niên phải vật lộn bằng đủ thứ nghề để chia sẻ gánh nặng mưu sinh cho gia đình giai đoạn Đại chiến thế giới thứ 2, hay câu chuyện tình của ông với người bạn gái sau này là vợ... Tác phẩm gây thích thú cho người đọc, nhất là các bạn đọc trẻ. Qua đó, độc giả có thể nhìn thấy và chiêm nghiệm con đường của một con người phấn đấu cho sự phát triển phồn vinh của Tổ quốc mình. Phương Linh  

Khai trương Triển lãm ảnh “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”

TĐKT – Chiều 27/10, tại Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Triển lãm ảnh với chủ đề “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”. Triển lãm ảnh là dịp để các tầng lớp nhân dân có điều kiện hiểu thêm về hoạt động nhân đạo, sự đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, tiếp tục chung tay đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo trong thời gian tới. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2017) và 60 năm ngày gia nhập phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (4/11/1957 – 4/11/2017) của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Triển lãm ảnh “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi” Tại Triển lãm, mỗi bức ảnh đều ghi lại những dấu ấn lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với những hoạt động phong phú, thiết thực, mang màu sắc, đặc trưng riêng, đáp ứng yêu cầu của đất nước mỗi thời kỳ. Những bức ảnh ghi lại là những công việc rất đỗi bình dị, đời thường của những hội viên Chữ thập đỏ, hướng tới mục tiêu “Vì mọi người, ở mọi nơi”, trợ giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 71 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ Việt Nam có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc. Vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định. Tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Công tác chỉ đạo tiếp tục được đổi mới. Việc vận động chính sách được quan tâm hơn. Công tác đối ngoại, tuyên truyền gắn với vận động nguồn lực tiếp tục được duy trì. Các phong trào, các cuộc vận động của Hội được triển khai đạt kết quả thiết thực, có chiều sâu, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các tổ chức, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần giáo dục lòng nhân ái, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Vai trò của tổ chức Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng: Dự án “Ngân hàng bò”, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với với một địa chỉ nhân đạo”, Chương trình “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, vận động hiến máu tình nguyện, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa... Tính đến tháng 6/2017, toàn Hội có gần 8,5 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, hoạt động tại hơn 17.000 tổ chức Hội cơ sở. Trị giá hoạt động toàn Hội năm 2016 đạt 3.367 tỷ 966 triệu đồng (tăng hơn 197 tỷ 586 triệu đồng so với năm 2015), trợ giúp 21.810.705 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận và triển khai trung bình trên dưới 20 dự án/năm do các đối tác quốc tế tài trợ, với tổng kinh phí tính đến tháng 6 năm 2017 đạt hơn 510 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực, xây dựng quỹ, tuyên truyền hình ảnh và giá trị nhân đạo; chăm sóc sức khỏe, nước sạch vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng tích cực ủng hộ các nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai: Nepal, Philippin, Trung Quốc, Triều Tiên, Nga…với trị giá 350.000 USD trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Trung ương Hội và hầu hết các địa phương có chung biên giới với các nước bạn Cam-pu-chia, Lào và một số tỉnh, thành Hội đều tổ chức hoạt động nhân đạo dành cho bà con nghèo ở nước bạn; ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với Hội Chữ thập đỏ Lào, Trung Quốc. Nhờ đó, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Minh Phương

Đơn giản hóa TTHC thuộc 13 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

TĐKT - Theo Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, một số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc 13 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được đơn giản hóa. 13 lĩnh vực trên gồm: Lữ hành; khách sạn; thể dục thể thao; bản quyền tác giả; di sản văn hóa; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa cơ sở; thư viện; gia đình; thi đua, khen thưởng; xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; quản lý sử dụng vũ khí, súng săn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đối với lĩnh vực lữ hành, trong thủ tục cấp giấy phép thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, Nghị quyết đã sửa đổi, bổ dung Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Cụ thể, đối với phần thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nếu người đại diện là công dân Việt Nam thì bỏ phần thông tin: "Quốc tịch của người đại diện theo pháp luật" và thay bằng: "Số định danh cá nhân của người đại diện theo pháp luật". Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không phải là công dân Việt Nam thì giữ nguyên thông tin như mẫu đơn. Đối với phần thông tin về người đứng đầu của chi nhánh/văn phòng đại diện, nếu người đứng đầu chi nhánh/văn phòng đại diện là công dân Việt Nam thì bỏ phần thông tin: quốc tịch, giới tính, số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân của người đứng đầu chi nhánh/văn phòng đại diện và thay bằng số định danh cá nhân của người đứng đầu chi nhánh/văn phòng đại diện. Trong trường hợp người đứng đầu chi nhánh/văn phòng đại diện không phải là công dân Việt Nam thì giữ nguyên thông tin như mẫu đơn. Nghị quyết cho phép khi làm thủ tục cấp thẻ, cấp lại Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan, không phải nộp văn bản đề nghị cấp lại Thẻ Giám định quyền tác giả, quyền liên quan mà thủ tục trên được đưa gộp vào Tờ khai yêu cầu cấp/ cấp lại Thẻ Giám định quyền tác giả, quyền liên quan. Đối với thủ tục cấp giấy phép mang di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ra nước ngoài: thủ tục xác nhận đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập trong Đơn đề nghị kèm theo Nghị định số 1/2012/NĐ-CP ngày 4/1/2012 bỏ các nội dung (ngày tháng năm sinh, nơi sinh, chứng minh thư nhân dân, quốc tịch, địa chỉ) thay thế bằng (số định danh cá nhân). Đặc biệt, Nghị quyết cũng sửa đổi, bổ sung mục 3 Đơn đề nghị cho phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào/ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 6/2015/TT-BVHTTDL ngày 8/7/2015. Theo đó, chỉ quy định cung cấp họ và tên, số định danh cá nhân, không quy định các trường hợp thông tin cá nhân có thể khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồng Thiết  

Phát triển rộng rãi phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong đồng bào dân tộc thiểu số

TĐKT - Sáng 26/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình gặp mặt báo chí thông tin công tác chuẩn bị tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ X - khu vực I tại tỉnh Hòa Bình năm 2017. Ban tổ chức chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí Hội thi sẽ diễn ra từ ngày 2/11 - 10/11/2017, tranh tài ở 8 môn thể thao dân tộc: bóng đá nam (7 người); bóng chuyền; việt dã; đẩy gậy; kéo co; bắn nỏ; tung còn; tu lu. Tham dự Hội thi có khoảng 700 vận động viên đến từ 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Lễ khai mạc được tổ chức vào 8h ngày 4/11 tại sân vận động tỉnh Hòa Bình và sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PTTH tỉnh Hòa Bình. Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số là hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức hai năm một lần, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ, tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên toàn quốc. Đồng thời, đây là dịp để giới thiệu, quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa, thể thao dân tộc, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Thông qua Hội thi, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phát triển rộng rãi phong trào tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân và góp phần gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nguyệt Hà

Không gian văn hoá Hà Giang sẽ được tái hiện tại Hà Nội

TĐKT- Từ ngày 27-29/10, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, không gian văn hoá Hà Giang sẽ được tái hiện tại Hà Nội. Chương trình do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức. Đây là một trong những hoạt  động nhằm thúc đẩy du lịch và mang văn hoá Tây Bắc nói chung, Hà Giang nói riêng đến với công chúng Thủ đô Chương trình nhằm quảng bá hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang cũng như các nét đẹp lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất cao nguyên này đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, nhằm kết nối, thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch, kinh tế… Đến với Không gian văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng các dân tộc Hà Giang tại Hà Nội dịp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và hòa mình vào lễ hội cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Giáy, các làn điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc Mông. Cũng trong chương trình này, du khách còn được tham gia vào các trò chơi dân gian: kéo co, tung còn, đánh cù… đồng thời được chiêm ngưỡng các tác phẩm ảnh nghệ thuật giới thiệu về miền đất và con người Hà Giang. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức một số món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc: bánh tam giác mạch, hồng không hạt, trà Shan tuyết... La Giang    

Trang