Phát huy giá trị của các Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia
29/12/2017 - 12:04

TĐKT - Ngày 28/12, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Gặp mặt báo chí, truyền thông. Đến dự có ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cùng các phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí đã tích cực hợp tác với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong thời gian qua.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, truyền thông

Tại buổi gặp mặt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng điểm lại những hoạt động phát huy giá trị tài liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói chung và các đơn vị thuộc Cục nói riêng trong năm 2017. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả các phóng viên, biên tập viên, nhà báo trong việc đưa những thông tin về các các khối tài liệu lưu trữ có giá trị của quốc gia tới công chúng, cộng đồng.

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cũng thông tin tới các phóng viên, biên tập viên, nhà báo dự kiến Kế hoạch phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong năm 2018 và bày tỏ mong muốn các phóng viên, biên tập viên, các nhà báo tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng như các Trung tâm Lưu trữ quốc gia để làm sâu sắc hơn nữa những giá trị của tài liệu lưu trữ - tài sản vô giá của nhân loại.

Trong năm 2018, Cục sẽ tích cực tổ chức các hoạt động phát huy giá trị của các Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia. Trong đó phải kể đến một số hoạt động như triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn” (tháng 5/2018); Trưng bày di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia “Tổ chức bộ máy Nhà nước qua các thời kỳ” (tháng 8/2018) và Triển lãm di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia “Hà Nội 36 phố phường” (tháng 10/2018).

Với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ tiêu chí về nội dung và hình thức, tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng quốc tế, ngày 30/10/2017, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là 1 trong 78 Di sản tư liệu thế giới năm 2017. Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến Việt Nam và khu vực. Đây là khối tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt trực tiếp của Hoàng đế còn lưu giữ tại Việt Nam và cũng là số ít tài liệu trên thế giới lưu giữ được bút tích của các Hoàng đế trên văn bản. Để công chúng được tiếp cận và hiểu thêm về tư liệu này, tài sản vô giá của nhân loại, đặc biệt, vào tháng 12/2018, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ trưng bày Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn “Các Hoàng đế triều Nguyễn”.

Ngoài ra, Cục cũng sẽ biên soạn một số cuốn sách như "Kiến trúc Pháp ở Hà Nội", "Văn bản quản lý Nhà nước triều Nguyễn qua Châu bản triều Nguyễn", "Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua tài liệu lưu trữ"...

Hồng Thiết