Văn hóa - Thể thao

Họp báo Chung kết Hair Office 2017

TĐKT – Ngày 24/10, tại Hà Nội, đã diễn ra họp báo Chung kết Cuộc thi “Hair Office 2017”. Trải qua 3 vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã tìm ra 23 nghệ sĩ tóc cùng 23 thí sinh  tham dự Chung kết Office 2017.  Lễ vinh danh và trao giải Hair Office 2017 sẽ diễn ra tại Trống Đồng Cảnh Hồ, 173B Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 3/11. Chung kết cuộc thi sẽ tìm ra những nghệ sĩ tóc xuất sắc nhất với tình yêu nghề vẫn đang hàng ngày, hàng giờ chăm chỉ, cần mẫn làm đẹp cho đời. Và hơn ai hết, họ mong muốn tình yêu nghệ thuật ấy lan toả tới tất cả những người yêu tóc - những khách hàng yêu quý của mình. Họp báo Chung kết cuộc thi Hair Office 2017 Toàn bộ hành trình Cuộc thi Hair Office 2017 với chủ đề Hair Artist 2017 (Nghệ sĩ tóc), từ ý tưởng, cảm hứng sáng tạo tới quản lý, tổ chức được Ban tổ chức Tạp chí Hairword, Ban Cố vấn, Ban giám khảo, Tổng đạo diễn Bùi Thúy Hằng… và các cộng sự, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, truyền thông công phu hợp tác xây dựng. Ngoài ra, Cuộc thi còn có sự góp mặt các ca sĩ, diễn viên, doanh nhân… Bên cạnh các danh hiệu Diamond Beauty, Ruby Beauty, Saphia Beauty và  Diamond Artist, Ruby Artist, Saphia Artist, thí sinh và nhà tạo mẫu có cơ hội nhận được những giải thưởng có giá trị. Lần đầu tiên trong một cuộc thi của ngành tóc, giải thưởng dành cho thí sinh và nhà tạo mẫu với tổng trị giá 150 triệu dành cho Diamond Artist và Diamond Beauty (50 triệu đồng tiền mặt và 100 triệu đồng sản phẩm). Ban tổ chức Cuộc thi sẽ chọn trao các danh hiệu khác: Người đẹp trình diễn tóc công sở đẹp nhất, Người đẹp trình diễn tóc trang phục áo dài đẹp nhất... Giải thưởng dành cho thí sinh đạt danh hiệu Diamond Beauty là một chiếc váy dạ hội trị giá 1.500 USD của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam.  Bên cạnh đó, tất cả các nhà tạo mẫu tham gia đồng hành cùng thí sinh (khách hàng của salon) sẽ được nhận những phần quà là một cây kéo 1 sao của thương hiệu đồng hành Kéo Sakura. Họp báo Chung kết Hair Office 2017 với các hoạt động đặc sắc: Chương trình gây quỹ từ thiện Quỹ Nghệ sĩ tóc, học bổng dành cho các bạn có mong muốn theo đuổi ngành tóc nhưng điều kiện kinh tế khó khăn. Với quy mô lớn và tổ chức chuyên nghiệp, xuất phát từ những ý tưởng rất nhân văn, Cuộc thi Chung kết Hair Office 2017 được các chuyên gia trong lĩnh vực tạo mẫu tóc đánh giá mang nhiều ấn tượng, chương trình đặc sắc đan xen giữa truyền thống và hiện đại (trình diễn trang phục công sở, trang phục áo dài) sẽ thu hút hàng triệu người trong nước và quốc tế quan tâm. Đặc biệt thông qua một cuộc thi tôn vinh phụ nữ đẹp với vẻ đẹp truyền thống trong nét hiện đại là mái tóc. Hair Office là một sân chơi đặc biệt của ngành tóc do chính các nhà tạo mẫu tổ chức và thực hiện. Ngay từ mùa giải đầu tiên, năm 2015, cuộc thi đã nhận được sự tham gia hào hứng của hàng trăm salon tóc và các khách hàng của họ trong cả nước. Năm 2017, cuộc thi mang chủ đề mới "Nghệ sĩ tóc - Hair Artist" nhằm ca ngợi tinh thần nghệ sĩ của các nhà tạo mẫu - nét nhân văn vốn có của nghề tóc ngay từ khi nó mới ra đời. Mai Thảo

Giọng ca vàng doanh nhân 2017 – sân chơi nghệ thuật dành cho các doanh nhân

TĐKT – Sáng 25/10, tại Hà Nội, Công ty cổ phần phát triển Công nghệ Giáo dục SMT tổ chức họp báo chung kết Chương trình “Giọng ca vàng doanh nhân” 2017. Ban tổ chức chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí “Giọng ca vàng doanh nhân” 2017 được tổ chức với mong muốn tạo một sân chơi đẳng cấp, trong sạch, lành mạnh giữa các doanh nhân trên toàn quốc, là cơ hội cho các doanh nhân yêu ca hát được thể hiện mình, giao lưu, học hỏi cùng nhau phát triển. Qua đó, tìm kiếm, phát hiện những giọng ca hay để tạo nguồn biểu diễn trong các hoạt động của doanh nhân. Đối tượng dự thi là các thí sinh nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, là nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, có hợp đồng lao động của công ty chủ quản; không có tiền án, tiền sự hay đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có tư cách đạo đức tốt. Thí sinh đã từng đoạt giải các cuộc thi hát khác được miễn vòng thử giọng. Ban tổ chức miễn vòng loại đối với thí sinh đã, đang học tại các trường âm nhạc. Chương trình “Giọng ca vàng doanh nhân” 2017 được tổ chức số đầu tiên tại Hà Nội với hai đêm diễn tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội với thiết kế sân khấu hiện đại, chuyên nghiệp. Đên chung kết các dòng nhạc nhẹ, nhạc dân ca, nhạc bolero được tổ chức vào ngày 19/11, với sự tham gia của 24 thí sinh (mỗi dòng nhạc 8 thí sinh) đã vượt qua vòng sơ loại của chương trình. Đêm chung kết xếp hạng “Sắc màu” được tổ chức vào ngày 25/11 với sự tham gia của 15 thí sinh xuất sắc nhất trong đêm chung kết các dòng nhạc. Thành phần Ban giám khảo trong đêm chung kết là các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà báo nổi tiếng: nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhà báo Ngô Bá Lục, NSND Thu Hiền, nhạc sĩ Giáng Son và ca sĩ Lan Anh. Kết thúc Chương trình, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải quán quân với tiền thưởng 50 triệu đồng. Ở mỗi dòng nhạc sẽ có 3 giải: giải nhất (30 triệu đồng), nhì (20 triệu đồng), ba (mười triệu đồng). Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng Hội đồng Nghệ thuật, giải phong cách, giải khán giả bình chọn nhiều nhất, giải trang phục, giải triển vọng. Hoa Lê

Tôn vinh trí tuệ Việt và sáng tạo của những người làm văn học – nghệ thuật

TĐKT - Ngày 19/10, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật tổ chức họp báo giới thiệu chương trình nghệ thuật “Hương sắc tình yêu” mùa thu năm 2017. Đây là chương trình nhằm tôn vinh trí tuệ Việt và sáng tạo của những người làm văn học - nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Họp báo chương trình nghệ thuật “Hương sắc mùa thu” Mục đích của chương trình nhằm nâng cao giá trị sáng tạo và trí tuệ của các tác giả, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà sáng tác âm nhạc đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Văn học và Nghệ thuật, giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo Ban tổ chức, các chương trình tôn vinh trí tuệ đầy tính nhân văn này không chỉ đem đến niềm vui, niềm tự hào, niềm vinh quang cho hoạt động âm nhạc mà còn là niềm tin, niềm khích lệ, sự động viên thiết thực, lớn lao để thế giới sáng tác sáng tạo ra được nhiều ca khúc, nhiều tác phẩm hợp xướng, thanh xướng kịch, nhạc kịch hay nhiều bản giao hưởng hoành tráng ca ngợi chiến công vĩ đại của Tổ quốc Việt Nam trong chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong xây dựng đất nước ta ngày một giàu đẹp, văn minh hiện đại, sánh vai với bạn bè quốc tế và vươn lên một tầm cao thời đại mới. Trong chương trình này, Ban tổ chức sẽ giới thiệu với khán giả những sáng tác đặc sắc của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp – Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật cùng một số ca khúc của đồng nghiệp: Đoàn Bổng, Đức Hùng, Phạm Hữu Lý… Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp từng là bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong quá trình học tập và hoạt động chuyên ngành về sáng tác âm nhạc, ông đã có nhiều tác phẩm xuất sắc trong nền âm nhạc đất nước. Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy và sáng tác âm nhạc, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc với các thể loại khác nhau: ca khúc cách mạng và ca khúc trữ tình Việt Nam, các tác phẩm âm nhạc dân tộc cổ điển Việt Nam… Những tác phẩm của Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và bạn bè đồng nghiệp in đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng rất hiện đại, tính nhân văn cao. Hương sắc tình yêu trong ca khúc ông và bạn bè không chỉ là tình yêu đôi lứa, con người mà nồng nàn tình yêu thiên nhiên, đất nước tươi đẹp, yêu vạn vật đất trời, yêu biển đảo, yêu rừng xanh, yêu nền văn hóa lịch sử hào hùng… Chương trình nghệ thuật tôn vinh “Hương sắc tình yêu” mùa thu này sẽ được tổ chức vào 20h ngày 28/10/2017 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hồng Thiết

Ra mắt tiểu thuyết Núi Mẹ - cuốn “sử thi” về vùng đất xứ Lạng anh hùng

TĐKT – Sáng 19/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Chi hội Nhà văn Công an, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức buổi gặp mặt giới thiệu cuốn tiểu thuyết Núi Mẹ của tác giả Nguyễn Đức Nguyên. Gặp mặt giới thiệu cuốn tiểu thuyết Núi Mẹ của tác giả Nguyễn Đức Nguyên Là một cựu tử tù hình sự, sau gần 20 năm thi hành án, được Chủ tịch Nước đặc xá năm 2015, với khát vọng tri ân cuộc đời, tác giả Nguyễn Đức Nguyên (quê Nam Trực, Nam Định, lớn lên tại thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã viết cuốn sách tiểu thuyết đầu tay mang tên "Núi Mẹ", có dung lượng hơn 400 trang (khổ sách 16 x 24cm) mang đậm chất sử thi về vùng đất xứ Lạng, giai đoạn trước năm 1945... Nhà văn Đặng Vương Hưng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là người tổ chức bản thảo và giới thiệu cuốn sách này. Tiểu thuyết viết về cuộc sống của những người con dân tộc sống trong các bản làng nơi Núi Mẹ - Mẫu Sơn hùng vĩ, thời kì trước Cách mạng. Họ đã bị bọn quan lại, địa chủ, cường hào ác bá cấu kết với thực dân Pháp bóc lột đến tận xương tủy, cướp hết  ruộng nương, nhà cửa..., dồn họ vào đường cùng, phải trốn lên núi làm cướp. Được những người Cách mạng cảm hóa, giác ngộ, họ đã trở thành những chiến sĩ du kích kiên trung, vùng lên chống lại quan binh, thực dân Pháp và bè lũ tay sai, giành lại cuộc sống độc lập, tự do. Tác phẩm phản ánh tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân, phản ánh cuộc chiến đấu bền bỉ giữa thiện và ác, giữ tốt và xấu, phản ánh cuộc chiến đấu sinh tồn của con người trước thiên nhiên hoang dã. Bìa cuốn tiểu thuyết Núi Mẹ Nói về cuốn tiểu thuyết, Nhà văn Đặng Vương Hưng nhận định: mặc dù là tiểu thuyết đầu tay của một cây bút non trẻ, nhưng Núi Mẹ thấm đẫm chất sử thi về một vùng đất nổi tiếng anh hùng của tỉnh Lạng Sơn… Có thể nhận ra những trang viết thấm đẫm tình yêu con người, thiên nhiên của miền đất Xứ Lạng. Với cảm hứng biết ơn và tri ân vùng đất đã sinh ra nuôi mình trưởng thành, Nguyễn Đức Nguyên đã dày công dựng lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và hào hùng của quân dân vùng biên ải. Điều ấy chứng minh người cựu tử tù hình sự này có tình yêu nồng cháy với mảnh đất biên cương nơi gia đình anh sinh sống. Có thể, những trang viết của anh chưa đạt tới chuẩn mực văn học nghệ thuật, nhưng giá trị của nó, theo tôi, đã vượt qua một cuốn sách thông thường bởi nó chuyển tải thành công một thông điệp nhân văn: dù con người ta có thể gây ra tội lỗi, sai lầm tới đâu, nhưng sau khi đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, được Nhà nước ân xá, thì khi họ trở về, hòa nhập với cộng đồng và xã hội, vẫn có thể đóng góp những điều tốt đẹp, trong khả năng của mỗi người. Tác giả Nguyễn Đức Nguyên được phát hiện trong một cuộc thi viết do Tổng cục VIII (Bộ Công an) tổ chức dành cho phạm nhân có tên là “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”. Dù tác phẩm của anh nộp muộn, không được chấm giải, nhưng trong thư gửi Ban tổ chức, anh đề đạt nguyện vọng viết tiểu thuyết lịch sử. Những trang tiểu thuyết Núi Mẹ của anh được “thai nghén” từ những ngày tháng trong tù. Sau khi Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hiện tác giả này, đã đề xuất Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an để Nguyên tham gia trại viết cuộc thi Cây Bút Vàng lần thứ 2 được tổ chức tại Hải Phòng. Chính những ngày tháng ở trại viết, cùng sự giúp đỡ của Ban Tổ chức, các hội viên là các nhà văn đã thành danh, Nguyên đã hoàn thành tác phẩm Núi Mẹ. Phương Thanh

Khai mạc Triển lãm ảnh: “Dấu ấn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”

TĐKT - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội  khai mạc Triển lãm ảnh “Dấu ấn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi” nhiệm kỳ 2012- 2017. Đến dự triển lãm có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn; Nguyễn Kim Hoàng, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; cùng các đồng chí Thường trực Thành đoàn Hà Nội và đông đảo đại biểu dự Đại hội từ cấp thành phố đến cơ sở. Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Triển lãm ảnh được chia thành chủ đề: công tác tuyên truyền, giáo dục; phong trào Xung kích phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; phong trào Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp; Tôi yêu Hà Nội; công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Đoàn tham gia xây dựng Đảng, đoàn kết tập hợp thanh niên; công tác giao lưu, hợp tác quốc tế thanh niên; công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; giới thiệu về các chương trình, sự kiện và các công trình, phần việc tiêu biểu của Đoàn Thanh niên thành phố giai đoạn 2012 - 2017. Qua gần 200 bức ảnh tiêu biểu, Triển lãm đã tái hiện rõ nét những hoạt động nổi bật, kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô từ cấp cơ sở tới thành phố trong nhiệm kỳ qua. Nguyệt Hà  

Sắp diễn ra đêm nhạc cổ điển Toyota 2017

TĐKT - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Công ty Ô tô Toyota châu Á Thái Bình Dương, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) cùng Trung tâm Tổ chức Biểu diễn nghệ thuật họp báo giới thiệu “Đêm nhạc cổ điển Toyota 2017”. Đến dự, có: Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Dương Duy Biên; Phó Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam Đỗ Thu Hoàng. Quang cảnh họp báo “Đêm nhạc cổ điển Toyota 2017” sẽ có sự tham gia biểu diễn của Dàn nhạc Royal Philharmonic Concert Orchestra - một trong những dàn nhạc nổi tiếng và lâu đời đến từ Anh quốc, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Anthony Weeden và nghệ sỹ vĩ cầm David Juritz. Đặc biệt, trong chương trình còn có sự trở lại của tài năng piano trẻ tuổi Lưu Hồng Quang, chủ nhân của nhiều giải thưởng tại Úc. Với tài năng và sự sáng tạo của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang kết hợp với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp của Dàn nhạc Royal Philharmonic Concert Orchestra, chắc chắn chương trình này sẽ đem đến những giai điệu âm nhạc giàu cảm xúc cho khán thính giả. Với chủ đề “Truly Classics” (Những giai điệu cổ điển truyền thống), chương trình năm nay sẽ là sự tổng hòa giữa màu sắc kịch tính và sự lãng mạn đậm màu chất cổ điển, cùng với những tuyệt phẩm trong các thế kỷ 18,19,20…   Trong đó, có nhiều vở kịch kinh điển như “Bản nhạc nước của Handel”, mang lại hình ảnh hồi tưởng về một đêm nhạc đỉnh cao với những âm điệu quyến rũ hòa với tiếng sóng vỗ rì rào; “Xin chào tình yêu” của Elgar, tác phẩm là lời hẹn ước ngọt ngào đầy cảm xúc mà tác giả dành cho vị hôn thê của đời mình… Phó Tổng Giám đốc TMV Đỗ Thu Hoàng cho biết, với 19 đêm diễn đã được tổ chức, gần 10.000 khán thính giả, đặc biệt là sự góp mặt của nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng trên thế giới đến từ Anh, Hungary, Ba Lan… Đêm nhạc cổ điển Toyota đã tạo cơ hội cho nhiều ca sĩ Việt Nam biểu diễn cùng các dàn nhạc quốc tế. Năm nay, Đêm nhạc cổ điển Toyota tiếp tục đến với khán giả yêu nhạc tại 6 quốc gia trong khu vực, lần lượt là Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia và Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong tour diễn. Ra mắt từ năm 1990 đến nay, Đêm nhạc cổ điển Toyota đã thực hiện gần 200 buổi hòa nhạc, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các nền văn hóa trên thế giới và quảng bá nhạc cổ điển đến với người yêu nhạc châu Á. Tổng số tiền bán vé gần 9,3 triệu USD đã được sử dụng cho các hoạt động từ thiện, góp phần cho sự phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, chương trình thực hiện từ năm 2009, toàn bộ số tiền bán vé được dành cho Quỹ Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam với 730 suất học bổng đã được trao cho các học sinh xuất sắc, trong đó có nhiều em thành công ở các chương trình biểu diễn lớn. Chương trình diễn ra duy nhất một đêm vào 20 giờ ngày 4/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình đánh dấu năm thứ 20 tổ chức tại Việt Nam, đồng thời cũng đánh dấu chặng đường 28 năm “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hồng Thiết

Phát động cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

TĐKT - Chiều 13/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao động  phát động Cuộc thi viết "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”. Họp báo phát động Cuộc thi viết "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế; góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ban tổ chức sẽ lựa chọn, trao giải cho những tác giả có bài báo, tác phẩm truyền thông xuất sắc về du lịch; bài, ảnh và video đạt chất lượng cao, có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, phản ánh trung thực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Theo Ban tổ chức, nội dung các bài viết dự thi bao gồm: chia sẻ cảm nhận về cảnh đẹp, các điểm du lịch của Việt Nam; những kinh nghiệm, thông tin, hướng dẫn độc đáo về các điểm đến, đặc biệt là đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch; những sản phẩm, thương hiệu du lịch; nhận thức và ý nghĩa về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các nội dung liên quan khác đến du lịch… Theo thể lệ cuộc thi, bài và ảnh dự thi phản ánh về người thật, việc thật liên quan đến các hoạt động du lịch, cảnh quan du lịch Việt Nam do chính người dự thi tự viết và chưa từng đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông, website hay cuộc thi nào. Người dự thi tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bài dự thi cũng như các vấn đề về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Về cơ cấu giải thưởng cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trao 2 giải nhất (cho 1 bài viết và 1 video), mỗi giải trị giá 20 triệu đồng và 1 chuyến du lịch, nghỉ dưỡng trong nước dành cho 2 người; trao 2 giải Nhì trị giá 15 triệu đồng/giải; 3 giải Ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 5 giải Khuyến khích trị giá 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành Du lịch viết, 2 giải phụ được like, share và nhiều người đọc nhất. Các giải thưởng còn được tặng kèm nhiều voucher giảm giá vé máy bay, đặt phòng, sử dụng dịch vụ tại các khách sạn/resort hàng đầu trên cả nước… Cuộc thi diễn ra từ ngày 13/10/2017 - 31/5/2018. Lễ trao giải dự kiến vào ngày 9/7/2018, nhân kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2018). Hồng Thiết

Ngày 15/10, Bắc Giang tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII năm 2017

TĐKT - Ngày 10/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo về Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII năm 2017. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban tổ chức Đại hội chủ trì buổi họp báo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban tổ chức Đại hội (TDTT) tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII chủ trì buổi họp báo Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Trần Minh Hà cho biết, Đại hội TDTT tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII năm 2017 là sự kiện thể thao định kỳ 4 năm tổ chức 1 lần. Hiện nay, có 10/10 huyện, thành phố; 229/230 xã, phường, thị trấn tổ chức xong Đại hội TDTT các cấp. Phong trào TDTT quần chúng cũng như thể thao thành tích cao của tỉnh được quan tâm, đạt kết quả nổi bật (xếp thứ nhất trong khu vực miền núi và thứ 20 toàn quốc), toàn tỉnh có 32,5% dân số thường xuyên tham gia luyện tập TDTT. Nét mới của Đại hội lần này, Ban tổ chức đưa vào thi đấu môn bơi lội, Điều lệ Đại hội có một số thay đổi, các môn thể thao đòi hỏi VĐV phải trên 16 tuổi, riêng các môn đối kháng trực tiếp như vật, võ, bóng đá phải trên 18 tuổi. Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII năm 2017 sẽ diễn ra vào sáng ngày 15/10 tại sân vận động tỉnh, với khoảng 8.000 người tham gia. Trong Lễ khai mạc sẽ diễn ra các hoạt động diễu hành biểu dương lực lượng, đồng diễn nghệ thuật và quần chúng nhân dân đến cổ vũ. Sau phần nghi lễ và 32 đoàn diễu rước là chương trình đồng diễn có chủ đề: “Bắc Giang đoàn kết - xây dựng - phát triển” với sự tham gia của 1.200 người. Đến nay, công tác chuẩn bị Lễ khai mạc đang được tích cực triển khai, bảo đảm kế hoạch, tiến độ. Buổi lễ được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang. Yên Giang

Chung kết Giải Sao Mai 2017

TĐKT - Đêm thi Chung kết xếp hạng và trai giải Sao Mai toàn quốc 2017,  diễn ra tối 7/10 tại Trung tâm hội nghị FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá, đã gọi tên 3 quán quân của 3 phong cách nhạc với chiến thắng đầy thuyết phục. Chung cuộc, giải nhất thính phòng thuộc về thí sinh Đỗ Tố Hoa – số báo danh 05. Cô được trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội cử đi du học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc – dự thi tác phẩm Vũ khúc mùa xuân, sáng tác: Hồ Đình Kha, lời việt An Hiếu. Cô là giọng hát soprano (nữ cao), âm sắc đẹp, sang trọng, làm chủ hơi thở tốt. Tố Hoa thể hiện tốt cả các phần legato và staccato. Cùng phong thái trình diễn hấp dẫn, cô khiến khán giả như được đắm chìm vào một cuộc dạo chơi âm nhạc. Phong cách thính phòng là dòng nhạc mà các thí sinh thể hiện rõ nhất sự "ngang tài, ngang sức". Giải nhất dân gian thuộc về thí sinh Sèn Hoàng Mỹ Lam– số báo danh 18 – dự thi ca khúc Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (sáng tác: Trần Ngọc Quang). Sèn Hoàng Mỹ Lam có lợi thế giọng hát trong, sáng. Những nốt luyến láy đặc trưng trong âm sắc Tây bắc được thể hiện tốt trong phần trình diễn của cô. Giải nhất nhạc nhẹ thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thu Thủy - số báo danh 27 – gây ấn tượng với mashup: Rũ cánh - Thăng hoa (Sáng tác: Dominic Nghĩa Đỗ - Hoàng Quân). Thu Thuỷ luôn giữ được phong độ tốt từ vòng ngoài. Cô ấn tượng với giọng hát cá tính, nội lực. Quãng giọng rộng và bản phối đậm chất rock giúp Thu Thuỷ có một phần trình diễn thăng hoa. Được biết, mỗi giải nhất được nhận số tiền 80 triệu đồng và phiếu quà tặng của tập đoàn FLC trị giá 60 triệu đồng. Các giải nhì: dòng nhạc Thính phòng thuộc về thí sinh Vũ Thị Thanh Thanh, Lê Thị Nhung; dòng nhạc dân gian thuộc về thí sinh Phan Ngọc Ánh; dòng nhạc nhẹ thuộc về thí sinh Lâm Bảo Ngọc và Trần Thị Yến Nhi. Mỗi giải nhì được nhận số tiền: 50 triệu đồng và phiếu quà tặng của tập đoàn FLC trị giá 50 triệu đồng. Giọng ca Đỗ Tố Hoa chinh phục khán giả với "Vũ khúc mùa xuân" (sáng tác Hồ Đình Kha, lời việt: An Hiếu) Các giải ba: dòng nhạc thính phòng thuộc về thí sinh Lại Thị Hương Ly; dòng nhạc dân gian thuộc về thí sinh  Lương Hà Mỹ Anh và Mai Thương; dòng nhạc nhẹ thuộc về thí sinh Trần Thị Nhật Linh. Mỗi giải ba được nhận được số tiền là 30 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải phụ: Ngôi sao hy vọng (do Hội nhạc sĩ Việt Nam trao tặng) cho các thí sinh: Đỗ Tố Hoa, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, trị giá mỗi phần thưởng là 20 triệu đồng. Phần thưởng thí sinh được yêu thích do Hội đồng báo chí bình chọn được trao cho thí sinh Đỗ Tố Hoa, trị giá 20 triệu đồng. Thí sinh được nhận bằng khen của Ban Truyền hình tiếng dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam là Sèn Hoàng Mỹ Lam (dân tộc Nùng), Lương Hà Mỹ Anh (dân tộc Thái), mỗi phần thưởng trị giá 15 triệu đồng. Với việc mở rộng cho thí sinh được phép hát tác phẩm nước ngoài (có dịch lời Việt) đã khiến cho đêm thi trở nên hấp dẫn. Phần thi phong cách thính phòng của Sao Mai 2017 thực sự chiếm được cảm tình của khán giả khi các thí sinh đều thể hiện được học thuật, cảm xúc và làm chủ được phần trình diễn. Điều thành công nhất 4 thí sinh phong cách thính phòng  làm được đó là khiến công chúng cảm thấy gần gũi và yêu mến dòng nhạc thính phòng cổ điển mà mình đang theo đuổi. Phần phối khí mới mẻ của Dương Cầm và ban nhạc đã giúp các thí sinh có được đêm thi đầy ấn tượng. Trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã trao bằng khen cho Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam (đơn vị tổ chức cuộc thi) về những đóng góp của Sao Mai cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam suốt 20 năm qua. Mai Thảo  

Thi tìm hiểu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

TĐKT - Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2017), ngày 6/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp cùng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Phòng 9 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an; Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an TP Hà Nội tổ chức chương trình “Thi tìm hiểu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò”. Tiết mục mở màn cuộc thi Tham gia chương trình này, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên của 3 đơn vị và khán giả còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử. Đây là dịp để thế hệ đi sau được nghe những câu chuyện chân thật, xúc động từ các nhân chứng đã từng “vào sinh ra tử”; những người đã chứng kiến thời khắc huy hoàng, hưởng trọn vẹn niềm tự hào khi Thủ đô sạch bóng quân thù. Tại cuộc thi, các đội tham dự lần lượt trải qua 4 phần thi: chào hỏi, giải mã hình ảnh, ai nhanh tay hơn, tài năng. Các phần thi hấp dẫn mở ra cho các bạn trẻ một cách tiếp cận mới về việc tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục lòng yêu nước cho nhiều thế hệ người Việt Nam; điểm tham quan du lịch đặc biệt của Thủ đô Hà Nội. Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò” nhằm góp phần vào việc bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, truyền ngọn lửa yêu nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây cũng là dịp để khẳng định những đóng góp lớn lao của những chiến sĩ cách mạng Hỏa Lò cho Thủ đô Hà Nội. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di tích cách mạng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, nơi từng giam giữ hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam, trong đó có 5 đồng chí từng giữ cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Trong nhà tù thực dân, dưới chế độ giam giữ hà khắc, đọa đày, bị kẻ thù dùng nhiều hình thức đàn áp, nhưng các chiến sĩ luôn một lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí, tinh thần kiên trung và lòng yêu nước. Sau khi thoát khỏi nhà tù, nhiều đồng chí tiếp tục tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ xuất sắc. Một lực lượng cán bộ không nhỏ đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Thủ đô. Họ đã vinh dự có mặt giữa các đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội trong ngày khải hoàn 10/10/1954: Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Vương Thừa Vũ, Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Song Hào, Nguyễn Văn Trân. Hồng Thiết

Trang