TĐKT - Giải đua xe đạp quốc tế VTV - Cup Hoa Sen 2017 đã khởi tranh vào ngày Quốc khánh 2/9. Các tay đua đã hoàn thành chặng đua đầu tiên quanh hồ Hoàn Kiếm trong sự cổ vũ của đông đảo khán giả.
Ông Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen phát biểu khai mạc Giải đua
Sau Lễ dâng hương tại đền thờ Lý Thái Tổ, Thủ đô Hà Nội, Lễ khai mạc Giải đua xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2017 đã được tổ chức long trọng. Đây là sự kiện thể thao đẳng cấp quốc tế, với sự tham dự của 12 đội đua gồm 7 đội trong nước và 5 đội nước ngoài.
Trao 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo Hà Nội
Với lộ trình 30 vòng đua quanh hồ Hoàn Kiếm, các tay đua Việt Nam đã có những bứt phá ngoạn mục. Sau hơn 1 tiếng tranh tài quyết liệt, tay đua Lê Nguyệt Minh, tuyển thủ Quốc gia vừa dự SEA Games, vượt lên giành chiếc áo vàng danh giá trước sự tiếc nuối của 84 tay đua trong và ngoài nước. Và về sau là Lê Văn Duẩn anh trai của Minh giành chiếc áo xanh.
Các cua-rơ xuất sắc đoạt giải chặng 1
Trong chặng đua thứ 2 lộ trình 151 km, các cua-rơ xuất phát từ Cột cờ Hà Nội đi qua Hà Nam và Ninh Bình trước khi kết thúc ở vạch đích tại cổng Thành ủy TP Thanh Hóa. Chặng đua này có 3 đoạn rút tính điểm (sprint) ở km 50, 83 và 117. Sau khi xuất phát chưa lâu thì trời đổ mưa dữ dội làm hạn chế tốc độ và chiến thuật của các cua-rơ.
Với khả năng nước rút của mình, cua-rơ Lê Văn Duẩn đều có tên trong danh sách 3 vận động viên có thành tích tốt nhất tại tại 3 sprint: sprint 1 (Hà Nam), sprint 2 (Ninh Bình) và sprint 3 (Hà Trung, Thanh Hóa). Những cua-rơ đã xuất sắc giành chiến thắng tại các sprint 1, 2, 3 lần lượt là Trần Nguyễn Duy Nhân, Lê Văn Duẩn và Ronald Oranza.
Vượt mưa bứt phá đoạn đầu chặng 2
Tại đích đến cuối cùng ở TP Thanh Hóa, cả 3 cua-rơ về đích đầu tiên đều là những cua rơ nước ngoài. Về nhất là Jan Paul Morales ( Philippine), tiếp theo là Changpad Kristada (Thái Lan) và 3 là cua-rơ Jiung Jang (Hàn Quốc), thứ 4 và 5 là Nguyễn Hữu Đức (Bike Life VDC) và Nguyễn Minh Luận (Premium Cycling Vĩnh Long). Kết thúc chặng 2 cua-rơ Lê Văn Duẩn mặc chiếc áo xanh, cua-rơ Changpad Kristada mặc chiếc áo vàng.
Các cua-rơ xuất sắc chặng 2
Chặng 3 giải xe đạp quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2017 từ TP Thanh Hóa đến thị xã Cửa Lò, Nghệ An dài 144 km. Chặng này có 3 sprint: sprint 1 là Chi nhánh Tôn Hoa Sen ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá; sprint 2: Nhà máy tôn Đông Hồi, Nghệ An và tại Diễn Châu, Nghệ An. Điểm đích là Quảng trường Cửa Lò. Chặng này đã chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục khi tay đua Lê Văn Duẩn của Anh văn Hội Việt Mỹ TP Hồ Chí Minh xé cả áo vàng tổng sắp và áo xanh nước rút.
Chặng đua diễn ra rất hấp dẫn ngay từ khi xuất phát, khi các đội đua quốc tế, đặc biệt là Philipines chủ động tấn công bứt phá mạnh mẽ. Dù đường xa, nắng nóng, nhưng tốc độ đoàn đua được đẩy lên cao, có lúc hơn 45 km/giờ.
Các cua-rơ xuất sắc nhất chặng 3
Qua hơn nửa chặng, đoàn đua chia thành 3 tốp, trong đó khoảng cách giữa gần chục tay đua đi đầu với tốp cuối lên đến hơn 5 phút. Khi gần về đích, tay đua Lê Văn Duẩn cùng đối thủ đội Philippines, Ronald Oranza lại bứt đi, tạo thành cuộc đua song mã tại đích đến. Ronald Oranza đã vượt qua Lê Văn Duẩn để cán đích đầu tiên, thành tích 3 giờ 28 phút 56 giây, tốc độ trung bình 41.353 km/giờ. Lê Văn Duẩn về nhì đáng tiếc vì chỉ trễ hơn đúng 2 giây. Hơn 2 phút sau, một nhóm 5 tay đua mới hoàn tất chặng, còn đoàn đông về đích sau gần 3 phút, trong đó có cả áo vàng Jan Paul Morales và áo xanh Lê Nguyệt Minh.
Với kết quả này, tay đua Lê Văn Duẩn đã vươn lên chiếm áo vàng tổng sắp từ tay Jan Paul Morales của đội Philippines và cả áo xanh từ người em trai Lê Nguyệt Minh. Trong khi đó, tay đua Nguyễn Hữu Đức đội Bike Life VDC vẫn giữ áo trắng dành cho tay đua trẻ xuất sắc.
Nội dung đồng đội, dẫn đầu là đội đua khách mời Philippines, tiếp theo là Primium Cycling Vĩnh Long, hạng ba là Anh văn Hội Việt Mỹ TP Hồ Chí Minh.
Ngày 5/9, các tay đua thi đấu chặng thứ 4, đua 20 vòng quanh Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, cự ly 54 km.
Chương trình cùng em đi học sẽ đồng hành với đoàn đua để trao tặng gần 50,000 phần quà và 200 xe đạp trị giá gần 1,2 tỷ đồng cho các em nghèo hiếu học trên cả nước và nơi các đoàn đua đi qua.
Trần Lê
Văn hóa - Thể thao
TĐKT - Chiều 31/8, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Chung kết toàn quốc Sao Mai 2017.
Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc - Giải Sao Mai là một cuộc thi tuyển chọn các giọng hát trẻ tài năng được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thường xuyên 2 năm một lần nhằm duy trì và thúc đẩy phong trào ca hát trên phạm vi toàn quốc, cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Năm 2017, Sao Mai vừa tròn 20 năm tổ chức và chính thức bước vào kỳ thi thứ 11. Có 30 thí sinh lọt vào Chung kết Sao Mai toàn quốc 2017, trải qua 3 đêm nhạc.
Đêm thi phong cách thính phòng cổ điển có 9 thí sinh, trong đó có 2 thí sinh đang học nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây Trung Quốc và Đại học Tổng hợp tại Liên bang Nga. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 9/9 trên VTV6.
Đêm thi phong cách dân gian có 11 thí sinh là các ca sĩ chuyên nghiệp thuộc các đoàn nghệ thuật và các sinh viên đang theo học tại các trường nghệ thuật trong đó có 1 thí sinh đang theo học tại Nhạc viện Kazan – Nga. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV6 lúc 20h ngày 16/9.
Đêm thi mang phong cách nhạc nhẹ có 10 thí sinh là ca sĩ ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và theo học tại các trường nghệ thuật. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 23/9 trên VTV6.
Mỗi đêm thi sẽ chọn 4 thí sinh lọt vào đêm thi Xếp hạng và Trao giải Sao Mai toàn quốc 2017 được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 07/10/2017 trên VTV6
Giám khảo được chia thành 3 hội đồng độc lập theo 3 phong cách thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Thành viên Hội đồng giám khảo là những nhạc sĩ, ca sĩ đã được khẳng định về trình độ chuyên môn và danh tiếng. Đêm thi Chung kết xếp hạng sẽ có một hội đồng gồm từ 7 đến 9 thành viên được gộp lại từ 3 hội đồng trên.
Các giải thưởng Sao Mai 2017: giải đặc biệt của ban giám khảo; giải triển vọng; và với mỗi một phong cách âm nhạc (thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ) sẽ có các giải nhất, nhì và ba. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt do chất lượng của thí sinh, có thể sẽ không có giải nhất.
Ngoài ra còn có các phần thưởng khác do Ban Tổ chức quyết định tùy thuộc tình hình thực tế kết quả cuộc thi.
NSND Trịnh Lê Văn, Trưởng Ban Tổ chức giải Sao Mai 2017 cho biết: Sao Mai là sân khấu duy nhất hội tụ đầy đủ ba phong cách âm nhạc: thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ trong một cuộc thi. Những tiêu chí khắt khe, nhưng cần thiết ấy là điều vô cùng quan trọng để mỗi ca sĩ trẻ ý thức về trách nhiệm và vai trò của mình khi dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc – Giải Sao Mai là một chương trình uy tín. Không đơn giản chỉ là một cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay mà Sao Mai là bệ phóng, nơi chắp cánh cho những tài năng âm nhạc đích thực của Việt Nam được đến gần hơn với công chúng và tỏa sáng. Cùng với thời gian, những thí sinh được phát hiện đã vững vàng khẳng định con đường nghệ thuật của mình với tư cách là những nghệ sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn được trân trọng với đạo đức nghề nghiệp.”
Giải Sao Mai toàn quốc 2017 được đạo diễn và dàn dựng bởi ekip Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Nhạc sĩ Dương Cầm trong vai trò giám đốc âm nhạc. Ban nhạc Backgroud, nhóm bè VK, dàn kèn BK, dàn dây Northen String cùng dàn nhạc dân tộc Tre Việt sẽ hỗ trợ các thí sinh trong việc luyện tập và biểu diễn trong mỗi đêm thi.
Trong khuôn khổ Sao Mai toàn quốc 2017, đêm nhạc Gala quy tụ các giọng hát hàng đầu, được giải cao qua 11 kỳ Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc , được dàn dựng công phu với ý tưởng xuyên suốt theo hành trình Sao Mai qua 20 năm tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h thứ 7 ngày 30/9 trên kênh VTV6.
Mai Thảo
Gặp gỡ các nữ doanh nhân tranh tài tại Cuộc thi Bông sen Vàng Thủ đô 2017
TĐKT - Chiều 31/8, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi gặp gỡ các nữ doanh nhân tranh tài tại Cuộc thi Bông sen Vàng Thủ đô 2017. Cuộc thi Bông sen Vàng Thủ đô 2017 do Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội - HNEW phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và VCCI đồng tổ chức, Newday Media thực hiện. Cuộc thi dành riêng cho các nữ lãnh đạo toàn khu vực Hà Nội. Buổi gặp gỡ các nữ doanh nhân tranh tài tại Cuộc thi Bông sen Vàng Thủ đô 2017 Bắt đầu từ ngày 15/7, đến nay, cuộc thi đã đi được 1/3 chặng đường để tìm ra những Bông sen Vàng tỏa sáng và nổi bật trong giới doanh nhân Thủ đô. Từ hơn 100 hồ sơ, Ban tổ chức đã chọn ra được hơn 30 thí sinh đủ điều kiện để bước vào vòng bình chọn, diễn ra từ 1/9 - 25/9. Cuộc thi kéo dài trong 3 tháng với 3 vòng thi hấp dẫn và nhiều hoạt động đồng hành thú vị, sẽ là cơ hội quảng bá rất tốt cho các thương hiệu và nhãn hiệu. Đêm chung kết sẽ diễn ra vào ngày 05/10/2017 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ và tường thuật trực tiếp trên VTC3, tiếp sóng trên VOV. Mai ThảoQuỹ Đào Quang Minh hỗ trợ phát triển tài năng âm nhạc Việt Nam
TĐKT – Ngày 31/8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận khung về hợp tác và hỗ trợ tài chính giữa Quỹ Đào Minh Quang (CHLB Đức) và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hai bên thống nhất ký kết thỏa thuận khung về việc hợp tác và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động: tài trợ Giải thưởng Thủ khoa, tài trợ Học bổng Đào Minh Quang, thành lập và hỗ trợ Nhóm biểu diễn dân ca Đức – Việt, hỗ trợ tiếp thị và tìm kiếm các chương trình biểu diễn… Chương trình biểu diễn chào mừng Lễ ký kết Theo đó, hàng năm Quỹ sẽ trao giải thưởng mang tên Giải thưởng Quỹ Đào Minh Quang cho: 1 sinh viên Thủ khoa trường trong kỳ thi đầu ra, giải thưởng trị giá 10 triệu đồng; 8 sinh viên Thủ khoa trong kỳ thi đầu ra của các Khoa (Khoa Nhạc cụ truyền thống, Khoa Thanh nhạc, Khoa Piano, Khoa Dây, Khoa Kèn Gõ, Khoa AGO, Khoa Lý – Sáng – Chỉ, Khoa nhạc Jazz), mỗi giải thưởng trị giá 5 triệu đồng. Hàng năm, Quỹ sẽ cấp 20 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất cho Khoa Nhạc cụ truyền thống và các Khoa: Khoa Thanh nhạc, Khoa Piano, Khoa Dây, Khoa Kèn Gõ, Khoa AGO, Khoa Lý – Sáng – Chỉ, Khoa nhạc Jazz. Việc lựa chọn các sinh viên được nhận học bổng do các Khoa và Học viện tiến hành trên cơ sở các tiêu chí được thống nhất giữa Quỹ, Khoa và Viện. Tiêu chí lựa chọn sinh viên được nhận học bổng sẽ được quy định trong các thỏa thuận chi tiết khác và với tinh thần ưu tiên cho sinh viên có tài năng âm nhạc thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Học viện cùng Quỹ sẽ lựa chọn và thành lập một Nhóm biểu diễn dân ca Đức và dân ca Việt Nam với thành viên là các sinh viên và giảng viên của Khoa nhạc cụ truyền thống và sinh viên của các khoa khác của Học viện, luyện tập và biểu diễn các chương trình dân ca Đức – Việt. Quỹ dự kiến phối hợp Học viện tổ chức Đêm dân ca Đức – Việt và các cuộc thi Hát dân ca cũng như các cuộc thi nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa và dân ca Đức. Trong phạm vi khả năng của mình, Quỹ sẽ hỗ trợ và hợp tác cùng Học viện tiến hành các hoạt động về tiếp thị và tìm kiếm các chương trình biểu diễn tại Việt Nam, ở Đức hoặc ở các nước khác, chủ yếu cho sinh viên của Học viện và giảng viên của Khoa Nhạc cụ truyền thống, nhằm khuyến khích trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa hai nước Việt Nam và Đức. Thời gian hợp tác kéo dài 3 năm, bắt đầu từ năm học 2017 – 2018 đến hết năm học 2019 – 2020. Tổng số tiền hỗ trợ trong thời gian này là 1 tỷ 50 triệu đồng. Quỹ Đào Quang Minh là một Quỹ được thành lập theo Bộ Luật dân sự Đức, có năng lực pháp lý độc lập, chỉ theo đuổi các mục tiêu công ích và từ thiện. Mục tiêu hoạt động của Quỹ là khuyến khích hợp tác phát triển giữa hai quê hương của nhà sáng lập Quỹ, tức là giữa nước Việt Nam và Đức, đặc biệt trên các lĩnh vực giáo dục, phát triển nông nghiệp bền vững, âm nhạc và văn hóa. Bình NguyênTĐKT – Tối 30/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện hòa tấu âm nhạc thính phòng thường niên Cello Fundamento năm thứ hai, do nhà sáng lập – nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân cùng Công ty CHAM Việt Nam hợp tác tổ chức đã diễn ra thành công với sự tham dự của gần 600 khán giả.
Từ đầu đến cuối đêm diễn, không gian cổ kính của Nhà hát Lớn Hà Nội ngập tràn trong thanh âm quyến rũ từ những nhạc cụ cổ điển. Mỗi nhạc cụ, mỗi màu sắc âm thanh khác nhau cùng hòa quyện trọn vẹn trong từng tác phẩm: giai điệu trầm ấm của cello, cao vút của violin, mềm mại của piano và ngân nga của kèn clarinet.
Những thanh âm quyến rũ đêm diễn cuốn hút thính giả
Chương trình có sự góp mặt của 9 nghệ sĩ nổi tiếng đến từ 7 quốc gia (Việt Nam, Ukranie, New Zealand, Mỹ, Đức, Áo, Romanian): Răzvan Gabriel Suma, Đinh Hoài Xuân, Aleksey Shadrin, Amalia Hall, Trịnh Hữu Tuệ, Daniel Goitii, Anton Bashynskyi, Iulian Ochescu và Trần Khánh Quang, trình diễn những tác phẩm âm nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc: Ludwig van Beethoven, Claude Debussy, Pablo de Sarasate, Dmitri Dmitriyevich Shostakovich.
Điểm nhấn trong toàn bộ đêm diễn là tiết mục cửu tấu (một hình thức rất hiếm thấy trong nhạc thính phòng). Tác phẩm được nhạc sĩ Lưu Hà An phối khí lại dành riêng cho các nghệ sĩ của Cello Fundamento. Biss “Gà gáy” được trình diễn bởi 3 cello, 2 violin, 2 bộ gõ, 1 piano, 1 kèn clarinet. Xuất phát là một bài dân ca của dân tộc Cống Khao – Lai Châu, khắc họa công việc hàng ngày của người dân miền núi, thức giấc khi tiếng gà trống gáy vang khắp bản làng, “Gà gáy” mới hơn, màu sắc hơn với sự kết hợp giữa những giai điệu ngân nga của kèn clarinet, hòa cùng nhịp nhàng với tiếng piano và bộ đàn dây, đậm âm hưởng thính phòng.
Người ta thường biết đến âm nhạc cổ điển chỉ dành cho tác phẩm âm nhạc kinh điển, nhưng với sức sáng tạo nghệ thuật, những tác phẩm dân gian cũng có thể được chơi trên nền nhạc cổ điển và được viết cho cả dàn nhạc. Là người sáng lập nên chương trình, điều nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân mong muốn không chỉ là mang nền âm nhạc thính phòng cổ điển thế giới vốn đã không phổ biến tại Việt Nam đến gần hơn với khán giả trong nước, mà còn đưa âm nhạc nước nhà đến với bạn bè thế giới bằng con đường mới lạ và tinh tế.
Phương Thanh
TĐKT - Ngày 3/9, lúc 20h, tại Nhà Hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề “Tháng 9 - Nắng thu”. Đây là chương trình đặc biệt kỷ niệm 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhằm tôn vinh sự nghiệp âm nhạc cách mạng của các thế hệ nhạc sĩ - nghệ sĩ hơn nửa thế kỷ qua nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Cách đây 57 năm, vào ngày 3/9, Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Đại hội Đảng lần thứ III tại vườn Bách thảo, Hà Nội.
Từ năm 2010, ngày 3/9 được chọn làm “Ngày Âm nhạc Việt Nam”. Đây là ngày hội của giới hoạt động âm nhạc Việt Nam trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận, đào tạo và công chúng yêu nhạc cả nước.
Buổi hòa nhạc “Tổ quốc ta” - một trong các hoạt động kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9) lần thứ 4
Chương trình bao gồm những tác phẩm kinh điển do các nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc nước nhà: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Chu Minh, Hoàng Dương, Hồ Bắc, Đỗ Hồng Quân sáng tác
Các nhạc phẩm bao gồm: “Đường chúng ta đi”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Mẹ yêu con”, “Hướng về Hà Nội”, “Du kích sông Thao”, “Người Hà Nội”, “Bài ca xây dựng”, Aria “Cô Sao”, Requiem Linh thiêng hồn dân tộc, Ca ngợi Tổ quốc.
Chương trình do các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Quang Thọ, NSND Ngô Hoàng Quân, NSND Trần Thị Mơ, NSƯT Lê Thị Vành Khuyên; các ca sĩ: Mạnh Dũng, Đào Tố Loan, Hương Diệp, Nguyễn Anh Vũ; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
La Giang
TĐKT – Chiều 30/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm chuyên đề “Nghĩa tình Việt Nam - Lào - Campuchia”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2017), 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2017), 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2017).
Lễ khai mạc Triển lãm
Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, được chia làm 3 phần:
Phần thứ nhất: “Đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)” trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh tình đoàn kết, liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Trong đó, nổi bật là phối hợp tổ chức các chiến dịch tiêu biểu: Chiến dịch Thượng Lào (từ 13/4/1953 – 13/2/1954), Chiến dịch Trung Lào (từ 21/12/1953 – tháng 4/1954), Chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia (từ 30/1/1954 – tháng 4/1954)… nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 của dân tộc Việt Nam đã làm thất bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (7/1954), thừa nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phần thứ hai: “Đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)”, trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nổi bật là việc mở các chiến dịch lớn: Chiến dịch cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào) từ 25/10/1969 – 25/4/1970, Chiến dịch đường 9 Nam Lào từ 30/1 – 23/3/1971, Chiến dịch phản công Đông Bắc Campuchia từ 4/2 – 31/5/1971, làm thất bại âm mưu mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là hình ảnh, hiện vật về tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, một trong những biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương Việt Nam – Lào – Campuchia.
Phần thứ ba: “Phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 – nay)”. Phần này trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh việc Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng và củng cố đất nước; giữ vững và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh.
Minh Phương
Phát động cuộc thi videoclip “Thanh niên với văn hóa giao thông 2017”
TĐKT - Ngày 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Họp báo giới thiệu cuộc thi videoclip Thanh niên với văn hóa giao thông 2017 và chương trình “Vé xe chắp cánh ước mơ giảng đường”. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì buổi họp báo. Cuộc thi nhằm tiếp tục phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn, Hội và thanh, thiếu, nhi trong công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông; biểu dương, tôn vinh các mô hình hay, cách làm sáng tạo của tổ chức Đoàn, Hội và thanh, thiếu, nhi trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; đề xuất các sáng kiến, cải tiến, biện pháp có hiệu quả vào giảm tải áp lực phương tiện tham gia giao thông và giữ gìn trật tự an toàn giao thông, nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Họp báo giới thiệu cuộc thi Thông qua cuộc thi, nhằm nâng cao hiểu biết luật giao thông, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét đẹp trong thanh, thiếu, nhi khi tham gia giao thông; đề xuất những ý tưởng, mô hình và các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội và thanh, thiếu, nhi trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xây dựng mô hình tuyên truyền về văn hóa giao thông… Cuộc thi là hoạt động hiện thực hóa Chỉ thị số 18 – CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông iai đoạn 2012 – 2017; chương trình công tác năm giữa Trung ương Đoàn và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia. Đối tượng tham gia cuộc thi là các tập thể, cá nhân người Việt Nam trong độ tuổi từ 16 – 35 tuổi. Ban tổ chức khuyến khích Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam các cấp tham gia cuộc thi. Nội dung video clip dự thi là các mô hình hay, cách làm sáng tạo của tổ chức Đoàn, Hội và thanh, thiếu, nhi đã và đang được triển khai trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; các sáng kiến, cải tiến, biện pháp có hiệu quả vào giảm tải áp lực phương tiện tham gia giao thông và giữ gìn trật tự an toàn giao thông, nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông; các ý tưởng, mô hình và các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội và thanh, thiếu, nhi trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện Luật giao thông, góp phần phòng, tránh tai nạn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu đông dân cư, nhất là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; các tấm gương, chân dung thanh, thiếu, nhi tiêu biểu tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; những hiện tượng, hành vi không đẹp, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông của thanh, thiếu, nhi; mô hình tuyên truyền có hiệu quả về văn hóa giáo thông có sức thu hút đông đảo thanh, thiếu, nhi. Video clip dự thi phải phản ánh sự việc, sự kiện, nhân vật có thật, xảy ra thực tế (không hư cấu). Thời lượng tác video clip dự thi không quá 5 phút; video phải có định dạng mp4, avi; phải có âm thanh, hình ảnh sắc nét thể hiện sinh động (có thể quay bằng điện thoại di động…). Bài dự thi gửi về địa chỉ: Cổng tri thức Thánh Gióng, tầng 2, Nhà 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.62631997. Email liên hệ: thanhnienvvhgt@gmail.com. Không hạn chế số lượng video clip dự thi đối với mỗi tác giả. Dự kiến, ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất (một xe máy trị giá 20 triệu đồng); 2 giải nhì (trị giá 5 triệu đồng/giải); 3 giải ba (trị giá 3 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (trị giá 2 triệu đồng/giải). Các tác phẩm đạt giải sẽ được nhận Giấy chứng nhận của ban tổ chức Cuộc thi. Ngoài ra, ban tổ chức cuộc thi còn trao giải cho video clip được share và like nhiều nhất trên Fanpage Cuộc thi (trị giá 5 triệu đồng). Dự kiến Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào tháng 11/2017. Dịp này, để hỗ trợ các tân sinh viên nhập học, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty VeXeRe, Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo (Unesco-Cep) tổ chức Chương trình “Vé xe chắp cánh ước mơ giảng đường”, dành tặng 30.000 vé xe cho các bạn, mỗi vé xe với giá 10.000 đồng. Mai ThảoNhiều mô hình hay góp phần chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
TĐKT - Sáng ngày 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra: du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch và thu hút khách du lịch. Năm 2016, ngành du lịch đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp khoảng 6,96% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa ước đạt hơn 14% GDP, tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Du lịch đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương; đồng thời thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội vào các vùng trọng điểm với quy mô lớn, tạo động lực, là đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng nói riêng, của Việt Nam nói chung. Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” Du lịch từ chỗ chỉ được coi là hoạt động phục vụ nghỉ ngơi đơn thuần, đến nay được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông qua sự phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác tích cực của nội khối Asean, đồng thời với xu hướng cạnh tranh thu hút khách, sự biến động liên tục của thị trường và những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ của các quốc gia cho hoạt động du lịch, thì một hệ thống sản phẩm du lịch đầy đủ, hấp dẫn, chất lượng cao, thể hiện tính chuyên nghiệp là những yếu tố cạnh tranh hàng đầu thu hút khách du lịch. Đây được coi là vấn đề cốt lõi để khẳng định năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của du lịch Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái: phát triển du lịch trong thời gian tới phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có bước phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và phát triển lâu dài. Cần tăng cường tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự quyết tâm của ngành du lịch và các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là của ngành du lịch. Tại Hội thảo, nhiều mô hình phát triển du lịch hiệu quả đã được giới thiệu, trở thành những bài học kinh nghiệm cho các đơn vị làm du lịch. Tiêu biểu: mô hình “xây dựng cộng đồng du lịch thân thiện, văn minh tại Đà Nẵng”; mô hình “xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Phú Quốc an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường”; mô hình “đồng bộ hóa sản phẩm du lịch tại Hạ Long”; “Đa dạng hóa sản phẩm và trải nghiệm du lịch của Vietravel”… Mai ThảoTĐKT - Ngày 25/8, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp Công ty Xiếc Happy Dream Circus (Nhật Bản) tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Xiếc quốc tế diễn ra tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội) từ ngày 1/9 - 1/12/2017 và tại các tỉnh, thành phố trong cả nước từ ngày 2/12/2017 - 1/4/2018.
Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018), mừng Quốc khánh 2/9. Chương trình sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Tại Hà Nội, chương trình Xiếc quốc tế biểu diễn tại Rạp xiếc Trung ương, số 67 - 69 Trần Nhân Tông, từ ngày 1/9 - 1/12/2017. Sau đó các nghệ sĩ sẽ lưu diễn tại các tỉnh, thành phố từ ngày 2/12/2017 - 1/4/2018. Chương trình có sự tham gia của 13 nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam biểu diễn kết hợp với các diễn viên, nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Họp báo Chương trình Xiếc quốc tế tại Việt Nam
Điểm nhấn của chương trình xiếc quốc tế lần này là các màn trình diễn đầy kịch tính, mạo hiểm và mang tính nghệ thuật cao: đu bay, nhào lộn trên không, moto bay trong lồng, phun lửa, đu trên cao... Ngoài ra, các tiết mục hài của do những nghệ sĩ quốc tế biểu diễn sẽ mang lại những phút giây thư giãn thoải mái cho khán giả. Những tiết mục này đã chinh phục khán giả của nhiều Festival quốc tế và đã nhận được nhiều giải thưởng lớn.
Tham gia chương trình này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ trình diễn các tiết mục xiếc thú đặc sắc và các tiết mục hài do NSƯT Mạnh Cường, Tiến Hưng biểu diễn.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: dây là hoạt động tham gia vào việc tăng cuờng hiểu biết giao lưu văn hoá giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác, học hỏi lẫn nhau giữa các nghệ sĩ xiếc Việt Nam với các nghệ sĩ Nhật Bản và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khán giả yêu mến nghệ thuật xiếc trong nước.
Các tiết mục xiếc trong chương trình đã được các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài tập luyện từ nhiều ngày nay. Với mong muốn mang đến cho khán giả nước nhà, đặc biệt là công chúng nhỏ tuổi một món quà đặc biệt vào dịp Tết Trung thu nên các nghệ sĩ đã dàn dựng, tập luyện công phu những tiết mục mới, đặc sắc.
Thục Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 53
- 54
- 55
- 56
- 57
- …
- sau ›
- cuối cùng »