Hà Nội thi đua ái quốc

MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp nhận hơn 1,5 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Sáng 9/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì buổi tiếp nhận. Tại lễ tiếp nhận, 8 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, gồm tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Cụ thể: Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội ủng hộ 20 triệu đồng; Đoàn Nghệ thuật Hương sắc Việt ủng hộ 20 thùng găng tay y tế trị giá 18 triệu đồng; Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội T&T ủng hộ 4.800 hộp sữa, 2.000 khẩu trang, 1.000 bánh ngọt.  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan TP Hà Nội ủng hộ 2,5 tấn gạo, 2.000 khẩu trang trị giá 40 triệu đồng; Công ty TNHH Thành Long Lạng Sơn ủng hộ 2.000 thùng bánh quy trị giá 500 triệu đồng; Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà ủng hộ 500 thùng nước; Quỹ Từ thiện và Phát triển cộng đồng - HAPRO ủng hộ 40 triệu đồng; Công ty Cổ phẩn Hanel ủng hộ 10 bộ đèn đặt nội khí quản trị giá 910.429.000 đồng. Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội ủng hộ 20 triệu đồng Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã phát huy trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng thành phố tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt với nhiều biện pháp mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã phòng tránh dịch Covid-19 bước đầu có kết quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận nhiều món quà bằng tiền và hiện vật và kịp thời chuyển tình cảm, tấm lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô tới các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng, chống dịch gồm: Các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh và nhân dân các khu vực cách ly phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị các cán bộ, đảng viên, công nhân nhân viên và các tầng lớp nhân dân cần nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31-CT/TU của Thành ủy và Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố và các quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tùy theo khả năng của mình phát huy trách nhiệm, cùng đồng hành với thành phố trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ủy ban Mặt trận thành phố cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển toàn bộ kinh phí, hiện vật tiếp nhận được để phục vụ cho công tác phòng, chống Covid-19 một cách công khai, minh bạch và kịp thời. Hưng Vũ  

Hà Nội kiểm soát tốt và làm chủ được tình hình dịch bệnh

TĐKT - Hà Nội hiện là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước (102 ca tính đến 14h chiều ngày 8/4), là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất trong cộng đồng. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng lòng, nhất trí vào cuộc chiến chống dịch của tất cả các đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn Thủ đô, đến nay, cơ bản Hà Nội đã kiểm soát tốt và làm chủ được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Kiểm soát tốt ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai Với phương châm “Rà soát càng nhanh càng tốt, xét nghiệm càng nhanh càng tốt” để khoanh vùng kịp thời, đến nay Hà Nội đã kiểm soát tốt ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai. Người dân làm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại trường THCS Đống Đa Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai ở giai đoạn 1 với 15.461/15.461 trường hợp cho kết quả âm tính. “Với thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai rằng “từ ngày 10 - 28/3, các nhân viên công ty Trường Sinh chỉ ở trong khu vực bệnh viện, không ra ngoài” đã phần nào giúp chúng ta thở phào nhẹ nhõm hơn bởi nguy cơ lây nhiễm từ các nhân viên công ty Trường Sinh đã giảm bớt.” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định. Các trường hợp của công ty Trường Sinh cùng cán bộ, bác sĩ và y tá, điều dưỡng viên của Bệnh viện Bạch Mai xuống cơ sở 2 cũng đã được Bệnh viện Bạch Mai cách ly và xét nghiệm và phát hiện ngay vào ngày 27, 28/3. Tương tự, những trường hợp di chuyển lên trên Thái Nguyên cũng được phát hiện ngay. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhóm thứ hai là tất cả các cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai với xấp xỉ 4.000 người cũng đã được xét nghiệm lần thứ 2 và có những trường hợp đến nay đã được xét nghiệm lần thứ 3 và đều có kết quả âm tính. Với nhóm thứ 3 là các sinh viên, học sinh thực tập, học ở Bệnh viện Bạch Mai mà thành phố xác minh là 3.000 người thì đã có 2000 trường hợp xét nghiệm âm tính, 1000 trường hợp đang chờ kết quả. 1.592 bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới và các bệnh viện của Hà Nội cũng đã có xét nghiệm âm tính. Với các trường hợp liên quan như đến thăm bệnh nhân, trông nom và khám ngoại trú tại bệnh viện có 25.000 người, thì đã xét nghiệm được 16.000 người. Các trường hợp là xe ôm, lái xe taxi, bảo vệ đang khẩn trương xác minh. "Ổ dịch Bạch Mai từ 28/3 đến hôm nay, sau 10 ngày, chúng ta có thể nói là yên tâm tương đối. Yên tâm là chúng ta đang kiểm soát tốt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng ta đang phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Bạch Mai kiểm soát tốt tình hình và diễn biến của ổ dịch", Chủ tịch UBND thành phố nói. Tiếp tục chủ động xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dịch Tuy nhiên, theo Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, theo danh sách Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, ngoài số cán bộ y tế tại bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 10 - 28/3, hiện tại vẫn còn gần 5.000 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai ngoài cộng đồng chưa khai báo và chưa lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, đến thời điểm này, xuất hiện một số ca mắc mới, họ đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nên công tác khoanh vùng, xác định đối tượng cách ly, theo dõi ngày càng khó khăn. Điển hình như bệnh nhân 243 ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Qua rà soát, đã phát hiện thêm bệnh nhân 250 dương tính với SARS-CoV-2, là người bán hàng tạp hóa đối diện nhà bệnh nhân 243. Do đó, để kịp thời khoanh vùng dịch, xã Mê Linh đã quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với dân số 10.873 người.  Ngoài ra, qua rà soát các trường hợp F1, F2 có liên quan đến bệnh nhân 243, đến nay, quận Bắc Từ Liêm phát hiện 8 trường hợp F1 nhờ việc trích xuất camera ở chợ hoa Quảng Bá; 64 trường hợp F2 và 197 trường hợp F3. Quận Bắc Từ Liêm cũng đã lập danh sách, theo dõi 250 người kinh doanh bán hoa ở Tây Tựu và Liên Mạc có mối quan hệ với bệnh nhân 243. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, cùng với việc thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng, biện pháp duy nhất để phát hiện chính xác các ca nhiễm Covid-19 là xét nghiệm khẳng định và xét nghiệm nhanh tại cộng đồng. Trong đó, ưu tiên xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ cao, như các trường hợp F1; người tham gia chống dịch, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Những trường hợp có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai chưa được xét nghiệm, chưa cung cấp thông tin cần khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Trước mắt, là triển khai test nhanh tất cả người bán hoa ở các chợ liên quan đến bệnh nhân 243. Mai Thảo  

Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) ủng hộ 100 triệu đồng chống Covid-19

TĐKT - Hưởng ứng tích cực sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội trong việc vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng nhiều hình thức khác nhau cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Trường Trung học phổ thông (THPT) Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội đã trao ủng hộ 100 triệu để cùng chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Sáng 7/4, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã trao 100 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với đặc thù là trường THPT thực hiện tự chủ tài chính, Trường THPT Phan Huy Chú không chỉ nỗ lực vượt lên nhiều khó khăn để duy trì việc học trực tuyến cho học sinh mà còn mong muốn chung tay, chung sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “So với khó khăn và nỗ lực của các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang thì những khó khăn của chúng tôi không thấm tháp gì. Chúng tôi tâm niệm rằng đã là đơn vị làm công tác giáo dục thì những việc làm vì cộng đồng rất có ý nghĩa. Ngoài sự cần thiết của chính hoạt động đó, chúng tôi luôn tự nhủ về sự cần thiết của nội dung giáo dục đối với học trò. Giống như ở mỗi gia đình, cha mẹ sống nhân ái, làm nhiều việc tốt thì con cái sẽ thấm được một cách tự nhiên, để sau này sẽ trở thành những người tốt vậy”. Trường THPT Phan Huy Chú là trường công lập chất lượng cao tự chủ tài chính với mục tiêu “Đào tạo công dân toàn cầu thế kỷ 21”. Những năm qua, nhà trường đã luôn chủ động, tích cực trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trường đã đầu tư mua bản quyền office 365 của Microsoft từ những năm học trước, việc dạy học trực tuyến từ lâu đã đi vào nền nếp, nên trong giai đoạn học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh hiện nay, nhà trường dễ dàng triển khai và bình thường hóa việc học trực tuyến miễn phí nhuần nhuyễn, đảm bảo chất lượng cho học sinh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động chung tay phòng, chống dịch Covid-19 đã thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết, lan tỏa nét đẹp truyền thống dạy tốt, học tốt, tương thân tương ái của thầy - trò Trường Phan Huy Chú. Hưng Vũ

Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn “ổ dịch” ở bệnh viện Bạch Mai

TĐKT - Trước diễn biến mới của dịch bệnh liên quan đến bệnh nhân số 243, chiều 7/4, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống Covid-19 Hà Nội tổ chức phiên họp đột xuất với các quận huyện, phường xã, ngành y tế, giám đốc các bệnh viện về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng BCĐ phòng, chống Covid-19, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay Hà Nội ghi nhận 103 ca dương tính với Covid-19. Trong đó có 48 ca bệnh liên quan đến bệnh viện Bạch Mai; liên quan đến 12 tỉnh và lan ra 13/30 quận huyện của thành phố mà gần đây nhất là ở huyện Mê Linh với ca bệnh 243 có diễn biến vô cùng phức tạp… Đồng chí Nguyễn Đức Chung chỉ đạo rà soát tất các các yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai Chủ tịch UBND thành phố phân tích rõ: “Như ở trường hợp ca bệnh ở huyện Mê Linh. Chúng ta đang có cách hiểu nhầm lẫn. Trong công điện 01, 02 đã yêu cầu xác minh toàn bộ trường hợp có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai và phải có quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 28/3 có công điện, thì quyết định cách ly 24 ngày phải tính từ ngày 29/3, chứ không phải căn cứ vào thời điểm bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 để không quyết định cách ly.” Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, huyện Mê Linh đã hiểu sai cách làm và nếu cách ly đúng 14 ngày từ ngày 29/3 thì không có chuyện bệnh nhân đi lại, tiếp xúc nhiều nơi và nhắc nhở: “Đây là lỗ hổng rất nguy hiểm cần chấn chỉnh ngay lập tức”. Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt nêu rõ, các quận huyện cần tiếp tục rà soát số người liên quan đến bệnh viện Bạch Mai; tổ chức cách ly tính từ ngày phát hiện, không căn cứ vào thời gian vào viện bởi như bệnh nhân 243 ở Mê Linh trong thời gian dài không có biểu hiện gì, nhưng vẫn lây nhiễm cho người khác. “Tôi tin sẽ các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp này mà không đeo khẩu trang khả năng cao sẽ bị lây nhiễm bởi theo các chuyên gia, thời gian ủ bệnh lâu thì lượng vi rút càng cao”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định phong tỏa với thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh với 457 hộ, 1825 nhân khẩu. Xã Mê Linh, huyện Mê Linh phải tổ chức lực lượng phong tỏa theo quy định của Bộ Y tế. Tất cả trường hợp F1, F2 lấy mẫu ngay lập tức, 457 hộ dân ở đây phải ở trong nhà. Huyện và xã tổ chức cung cấp thực phẩm cho nhân dân… Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo huyện và xã Mê Linh làm tốt công tác tuyên truyền để người dân ổn định tâm lý thực hiện cách ly. Từ bệnh nhân 243 và bài học của bệnh nhân 17, 237, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc đến việc đã có nhiều y, bác sĩ phải cách ly vì liên quan đến việc tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 và cho rằng: “Trận tuyến quan trọng mà có sơ hở là rất nguy hiểm. Các bệnh viện phải quán triệt đến tất cả y, bác sĩ không được chủ quan”. Liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tập trung rà soát lại toàn bộ người có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai; các trường hợp F1 phải được đưa đi cách ly kịp thời, tất cả phải được xét nghiệm ngay cả bằng test nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Nhận định, bệnh viện Bạch Mai vẫn là ổ dịch nguy hiểm nhất, nguy cơ lớn nhất, đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ, các trường hợp liên quan đến yếu tố “Bạch Mai” phải được giám sát chặt chẽ quá trình đi lại, tiếp xúc. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, không được chủ quan do nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất lớn; các trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai cần làm triệt để và không bỏ sót; rà đi rà lại; khi có đủ số lượng test nhanh, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm tất cả các trường hợp. Chủ tịch đề nghị, tổ chức tuyên truyền để những người đến thăm khám phải tự giác khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Chủ tịch UBND thành phố giao CDC Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế, công khai tất cả diễn biến đi lại của 26 bệnh nhân của công ty TNHH Trường Sinh và Hoàn Mỹ; phối hợp với Bộ Y tế điều tra dịch tễ của các trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai để biết rõ được nguồn gốc bệnh cũng như tình trạng lây nhiễm chéo giữa các ca và các khoa, phòng. Đồng thời, công bố công khai sơ đồ bệnh để người dân nắm rõ, phòng ngừa và thấy được sự nguy hiểm của ổ dịch; trên cơ sở đó, có các biện pháp phòng, tránh. Hưng Vũ

MTTQ TP Hà Nội tiếp nhận gần 29 tỷ đồng tiền và hàng hóa ủng hộ phòng, chống Covid-19

TĐKT - Sáng 7/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm (lần thứ 6). Theo đó, tại buổi lễ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiếp nhận ủng hộ của của 24 đơn vị, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, với số tiền mặt là 10.837.000.500 đồng và hàng hóa trị giá 282.000.000 đồng, gồm: 10 tấn gạo; 2 tấn lạc; 200 thùng mỳ tôm; 150 thùng nước uống; 26.000 khẩu trang; 5.000 bộ quần áo chống dịch; 150 nhiệt kế hồng ngoại, 1.200 mũ chống dịch; 1.000 đôi găng tay. Trong đó, Công ty Cổ phần BITEXCO ủng hộ 5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O ủng hộ 2 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội ủng hộ 3 tỷ 331 triệu đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu khu vực I - công ty TNHH MTV ủng hộ 500 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Trọng Chinh (địa chỉ C28, ngõ 210, Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) ủng hộ 150 triệu đồng... Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương tiếp nhận ủng hộ từ Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội Trân trọng cảm ơn tình cảm, tấm lòng của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là sự cụ thể hóa việc thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các chỉ thị của Chính phủ và TP Hà Nội về các giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tiếp thêm động lực quan trọng để thành phố cùng cả nước sớm chiến thắng dịch Covid-19. Để tiếp tục có thêm nguồn lực tập trung phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và sức khỏe của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục đồng hành, tham gia ủng hộ trên tinh thần "Ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng" để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Toàn bộ những kinh phí, hiện vật tiếp nhận Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển đến các lực lượng, đơn vị để phục vụ cho công tác phòng, chống Covid-19. Ngay tại buổi tiếp nhận, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trao tặng Sở Y tế Hà Nội 40 máy lọc nước để lắp đặt tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố và hỗ trợ 26 trạm kiểm soát y tế liên ngành 130 triệu đồng, 2.600 chiếc khẩu trang, 26 bình đun siêu tốc và các nhu yếu phẩm, gồm: 78 thùng mỳ tôm, 130 hộp cà phê, 52 thùng bánh, 26 thùng nho, 130 thùng nước suối, 52 thùng nước dừa tươi. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương trao 40 máy lọc nước cho Sở Y tế Hà Nội  Theo thống kê của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, tính đến ngày 7/4/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân với số tiền hơn 15,8 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, thực phẩm trị giá hơn 13 tỷ đồng. Từ số tiền và trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm do các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn, kịp thời đi tặng quà, động viên các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 (như công an, quân đội, y tế...) và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhằm hạn chế sự lây lan và giảm thiểu tác động của dịch bệnh, với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Thục Anh

Phiên dịch viên xung kích trên tuyến đầu chống Covid - 19

TĐKT - Phát huy tinh thần chống dịch như chống giặc, những ngày qua, mỗi người dân trên cả nước đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Nhờ những kinh nghiệm dày dặn trong giao tiếp với người nước ngoài, nhiều hướng dẫn viên du lịch quốc tế trẻ tuổi đã tình nguyện đăng ký trở thành phiên dịch viên xung kích tại các khu cách ly tập trung của TP Hà Nội. Họ là những “chiến binh” dũng cảm, góp phần mang lại những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố. Đào Thị Phương Anh (31 tuổi) đã có 7 năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Với cô, việc tiếp xúc, giao tiếp với người nước ngoài là công việc thường xuyên. Vì vậy, khi nhìn thấy thông báo của Sở Ngoại vụ Hà Nội nói rằng, tại một số khu cách ly và bệnh viện của thành phố đang rất cần những phiên dịch viên cho người nước ngoài, cô đã không ngần ngại đăng ký tham gia. Phiên dịch viên tình nguyện Đào Thị Phương Anh Phương Anh chia sẻ: “Người thân và ngay cả bạn bè khi biết tin tôi xung phong vào khu cách ly, đều tỏ ra ái ngại. Chính bản thân tôi cũng đã nghĩ đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và một số những khó khăn mà mình có thể sẽ phải đối mặt khi ở trong khu cách ly… Tuy nhiên, tôi chỉ nghĩ đơn giản là vì ý thức cộng đồng, góp phần công sức nhỏ bé của mình để phòng, chống dịch bệnh nên xung phong lên đường.” Phương Anh được phân công làm phiên dịch viên tại khu cách ly trường quân sự Sơn Tây. Tại đây, có các công dân đến từ các nước Đức, Anh, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Vì đa số họ đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh tốt nên cô thường xuyên sử dụng tiếng Anh để giải thích rõ ràng về tình huống mà họ đang gặp phải; đồng thời truyền đạt những hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của cán bộ y tế đến họ; các quy định của khu cách ly mà họ cần phải chấp hành cũng như giúp đỡ họ bày tỏ những yêu cầu, nguyện vọng tại khu vực cách ly. Do đó, các đối tượng nước ngoài thực hiện cách ly tại đây đều đánh giá cao cách Việt Nam phòng dịch và vui vẻ hợp tác. Gavin Wheeldon đang thực hiện các ấn phẩm tuyên truyền ngợi ca cách phòng, chống dịch của Việt Nam Phương Anh kể, có một bạn trẻ tên là Gavin Wheeldon (người Anh), bay đến Việt Nam nhưng vô tình trên chuyến bay ấy có người bị nhiễm Covid-19, nên anh phải cách ly 14 ngày ở Trường Quân sự Sơn Tây theo quy định. Ban đầu, anh ấy tỏ ra khá bất ngờ và có chút sợ hãi vì chưa từng biết cách ly là gì. Song, dần dần với sự giải thích của bạn bè và phiên dịch viên, anh đã hiểu ra. Thậm chí, trong thời gian cách ly, với mong muốn người nước ngoài có cái nhìn tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, Gavin đã viết bài cảm ơn Việt Nam và ca ngợi Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời chia sẻ trên các diễn đàn người nước ngoài và nhận được nhiều phản ứng tích cực. “Có hôm, Gavin thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ với đồng chí Phó Chỉ huy khu cách ly, tôi cũng tham gia trợ giúp phiên dịch. Tôi thấy ý nghĩa lắm” – Phương Anh chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có đối tượng đòi hỏi mang tính cá nhân, không phù hợp với điều kiện tại khu cách ly tập trung, Phương Anh phải phối hợp với cán bộ, chiến sĩ giải thích để họ hiểu và chia sẻ. Đến nay, dù 14 ngày làm phiên dịch viên tại khu cách ly Trường Quân sự Sơn Tây đã kết thúc,  Đào Thị Phương Anh đã được trở về nhà sum họp bên gia đình và người thân. Nhưng với cô gái trẻ ấy, những ngày làm nhiệm vụ trong khu cách ly vẫn là quãng thời gian ý nghĩa, đáng nhớ nhất. Cô đã được chứng kiến tận mắt những vất vả, khó khăn của những người trên tuyến đầu chống dịch. Đó là những chú bộ đội sớm hôm vất vả, những y, bác sĩ tận tình chăm sóc, theo dõi sức khỏe, đảm bảo đời sống cho hàng trăm người trong khu cách ly… Để thấy rằng, quyết định của cô thật sự là một việc làm ý nghĩa, đáng trân trọng, đã đóng góp được một phần công sức cùng cả nước đẩy lùi bệnh dịch Covid-19. Phương Anh cho biết, hiện nay, cô đang tham gia kêu gọi, vận động mọi người không sử dụng tiền mặt trong thời kỳ dịch bệnh. Cô cho rằng, tiền mặt là vật thể trung gian truyền nhiễm bệnh do qua tay quá nhiều người và không thể truy nguyên nguồn gốc là đã qua tay những ai. Hơn nữa do thói quen liếm tay đếm tiền và cất tiền mặt trong người nên tiền mặt cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khả năng lây lan bệnh. Chia sẻ về những việc bạn trẻ nên làm trong thời kỳ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Phương Anh cho rằng: Việc mà chúng ta có thể làm được cho đến bây giờ đó chính là theo dõi các chương trình tin tức về dịch bệnh, không chia sẻ những tin đồn nhảm và ở yên trong nhà khi đất nước cần. Phiên dịch viên Đoàn Xuân Hiệp tại khu cách ly Tứ Hiệp Cũng giống như Phương Anh, dù nhận thức được nguy cơ có thể dương tính với Covid-19 nhưng Đoàn Xuân Hiệp (30 tuổi), ở Kim Đường, Ứng Hòa, Hà Nội sẵn sàng trở thành phiên dịch viên tại khu cách ly Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) với mong muốn được chung tay với thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thời gian đầu, khi những người nước ngoài đến khu cách ly, Hiệp giúp họ check-in, nhận phòng cách ly. Còn hiện tại, khi mọi người đã ổn định nơi ở, hàng ngày Hiệp đi cùng đội ngũ y tế để đo nhiệt độ, hỏi thăm tình hình sức khỏe và giải đáp thắc mắc của những người nước ngoài. Đại đa số những người nước ngoài khi vào khu cách ly đều không thoải mái cho lắm. Nhưng sau đó, với sự giải thích của phiên dịch viên, họ đã dần hiểu rõ và tin tưởng vào chính sách cách ly của thành phố; từ đó yên tâm, hợp tác theo những quy định chung. “Có hôm chúng tôi đến phòng để kiểm tra sức khỏe, họ đã nói cảm ơn Việt Nam và bày tỏ rất yên tâm khi ở Việt Nam”, chàng trai chia sẻ. Hiệp kể, có một Việt kiều người Mỹ (khoảng 60 tuổi) về Hà Nội ngày 18/3/2020. Cô này về Việt Nam để thăm bố bị ung thư phổi sắp mất ở Huế nhưng vì đang bị cách ly nên không thể rời khu cách ly trước ngày 2/4/2020. Ngày 20/3/2020 thì bố cô ấy mất. Cô ấy rất buồn nhưng hiểu rõ chính sách cách ly của Việt Nam và vì công tác chống dịch nên chấp nhận phần hy sinh về phía mình. Theo đại diện của Sở Ngọai vụ Hà Nội, ngay từ những ngày giữa tháng 3, khi thành phố bắt đầu triển khai chính sách cách ly tập trung trong 14 ngày đối với toàn bộ đối tượng trở về Việt Nam từ vùng dịch, việc tuyên truyền cho người nước ngoài về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 luôn được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung quan tâm chỉ đạo.  Thấu hiểu, sự bất đồng về ngôn ngữ sẽ là một trong những trở ngại, dễ gây ra sự căng thẳng cho những đối tượng cách ly tập trung là người nước ngoài; cũng như tạo thêm khó khăn, áp lực cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ, nhân viên y tế và người phục vụ làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung, Sở Ngoại vụ Hà Nội đã nỗ lực tìm kiếm những phiên dịch viên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly trên địa bàn. Tuy nhiên, thật không dễ dàng bởi rất nhiều người đã từ chối tham gia với nhiều lý do khác nhau; trong đó nhiều nhất là lý do phải đi công tác 14 ngày tại các khu cách ly. “Tinh thần tình nguyện tham gia trên tuyến đầu chống dịch của các phiên dịch viên như Phương Anh và Hiệp thật đáng trân trọng. Trận chiến chống dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, nhưng chắc chắn sự hy sinh thầm lặng của họ đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ để cùng cả nước chiến thắng đại dịch.” – Đại diện Sở Ngoại vụ khẳng định. Mai Thảo    

Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị, xã hội trong phòng, chống Covid- 19

TĐKT - Sáng 6/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện nay, Hà Nội đã tổ chức cách ly và giám sát sức khỏe đối với 3.501 trường hợp người đi nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 7/3 đến nay, đã lấy được 3.022 mẫu xét nghiệm (2.972 trường hợp có kết quả âm tính; 4 trường hợp có kết quả dương tính; còn lại chưa có kết quả). Hiện tại còn 239 trường hợp còn theo dõi sức khỏe do chưa qua 14 ngày. Liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, đến 5/4/2020, các đơn vị đã rà soát được 25.305 trường hợp tại cộng đồng, đã lấy xét nghiệm được 12.802 trường hợp, kết quả 4.405 âm tính, 4 dương tính, còn lại đang chờ kết quả. Thành phố đã tổ chức vận chuyển và cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của thành phố đối với 631 trường hợp là người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, đã lấy mẫu xét nghiệm được 631 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp dương tính, các trường hợp còn lại âm tính. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kết luận tại Hội nghị Giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố sáng 6/4 Liên quan đến việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật test nhanh (sử dụng bộ kit của Hàn Quốc do Bộ Y tế cung cấp), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến hết ngày 5/4/2020, tổng số mẫu test nhanh thực hiện là 8.909 mẫu; trong đó có 35 trường hợp có kết quả dương tính (còn lại đều âm tính). 35 trường hợp dương tính được lấy mẫu bệnh phẩm ngoáy họng để xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR (trong đó có 34 trường hợp đã có kết quả loại trừ, còn lại 1 trường hợp đang đợi kết quả). Ông Hiền cho biết, số ca mắc bệnh tại Hà Nội trong những ngày qua cơ bản vẫn là những người đi từ nước ngoài về (53 trường hợp chiếm 55,2% số ca mắc). Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ca mắc tại cộng đồng và lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai). Đáng lưu ý là tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai có diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới có thể có nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng. Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ công tác rà soát, Hà Nội đã ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với Covid-19 ở huyện Mê Linh có tiền sử đến khám tại Khoa miễn dịch dị ứng của Bệnh viện Bạch Mai và đề nghị các quận huyện kiểm soát chặt chẽ công tác khai báo tạm trú, tạm vắng, các cơ sở lưu trú; rà soát đầy đủ tất cả các trường hợp có tiền sử dịch tễ liên quan đến bệnh viện Bạch Mai… “Việc rà soát của Hà Nội là rất hiệu quả, đã phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn lây lan vì vậy cần tiếp tục tập trung triển khai”, ông Cảm nói. Tại hội nghị các quận huyện, thị xã đã báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, đa số người dân ủng hộ và chấp hành việc cách ly xã hội để phòng dịch. Quận Thanh Xuân đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị, sắp xếp cho cán bộ làm việc theo khung lịch trực, bình quân đi làm 20-15% tại cơ quan, còn lại làm việc online ở nhà. Quận Long Biên đã thực hiện xong 808 test nhanh các trường hợp có yếu tố Bạch Mai; trong đó có 2 trường hợp gửi CDC Hà Nội kiểm tra có kết quả âm tính; tiếp tục rà soát người nước ngoài trên địa bàn; tập trung điều tra khoanh vùng, cách ly liên quan bệnh nhân 237 (có 34 trường hợp là F1, 90 trường hợp F2, khoanh vùng các phường trọng điểm liên quan). Quận Hai Bà Trưng xử phạt 41 người không thực hiện biện pháp phòng dịch; 1 trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật; xử phạt 5 cá nhân, tổ chức cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo... Liên quan bệnh viện Bạch Mai, quận đã xét nghiệm 804 mẫu (trong đó có 769 mẫu test nhanh), đến giờ đều có kết quả âm tính. Quận Hoàn Kiếm đã xử lý 103 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; phạt 7,5 triệu đồng và đình chỉ 1 cửa hàng kinh doanh không thiết yếu vẫn mở cửa, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Liên quan đến vướng mắc mà các quận huyện phản ánh, Chủ tịch UBND TP nêu rõ theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, lực lượng chức năng các chốt phòng dịch phải tạo điều kiện để tất cả xe chở vật liệu xây dựng đi lại trong thời gian này. Với các công trình xây dựng nhỏ lẻ, dưới 10 công nhân và thi công vào ban đêm, đảm bảo khoảng cách phòng dịch, đầy đủ bảo hộ. Trường hợp không có yếu tố liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, người nước ngoài thì quận, huyện, phường, xã vẫn cho phép thi công nhưng chính quyền phải kiểm tra các biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt công nhân… “Tuyệt đối không được ngăn cấm”, Chủ tịch UBND TP nói rõ. Mai Thảo

Hà Nội: Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thêm nhiều việc làm để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid -19

TĐKT - Với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, UBND TP Hà Nội đã đề ra 3 kịch bản điều hành nhằm giảm thiểu thiệt hại, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của thành phố được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2020 tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%); khách du lịch giảm mạnh; tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%); vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 2% (cùng kỳ tăng 2,61%), tổng dư nợ tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 2,59%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước 7,14 nghìn tỷ đồng (8 dự án mới và tăng vốn). Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Gieo trồng vụ xuân thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày. Đàn trâu, bò tăng nhẹ; đàn gia cầm tăng 17,5%, sản lượng thịt tăng 27,3%. Mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ Kết quả trên có phần lớn nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của thành phố. “Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhất là nhóm thực phẩm…” - ông Quyền nhấn mạnh. Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid -19. Cụ thể: Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt Kế hoạch đề ra.  Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%). Theo ông Quyền, trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020; nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng chi thường xuyên và an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh. Cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên. Trong thời gian tới, để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc. Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. “Thực hiện cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết. Các sở, ngành, quận, huyện cần cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông. Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm… Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trên người, nhất là trong thời gian chuyển mùa, tuyệt đối không để xảy ra dịch chồng dịch… Mai Thảo

Cụ bà 83 tuổi ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19

TĐKT - Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, cụ bà Vương Thị Sinh, thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, Mỹ Đức đã nhờ cháu đèo bằng xe đạp điện đến trụ sở UBND xã, sau đó tự đi bộ lên tầng 3 và ủng hộ số tiền 2 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ Sinh cho biết, cũng từng đi qua hai cuộc chiến tranh, nên rất hiểu thế nào là tinh thần chống dịch như chống giặc. Thời gian gần đây, người dân trên đất nước Việt Nam đều đang phải chịu khổ vì dịch bệnh. Vì thế, nếu không kiên quyết, đồng tâm nhất trí chống giặc thì giặc Covid-19 sẽ xâm lược đất nước chúng ta. “Tôi tuy đã già nhưng vẫn muốn đóng góp cùng đồng bào chống giặc dịch như tinh thần năm xưa giặc tới nhà thì già, trẻ, gái, trai đều đánh”. - Cụ khẳng định. Cụ bà Vương Thị Sinh, thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, Mỹ Đức Cụ Sinh kể, cụ không được học cao, cả đời chỉ gắn bó với cây lúa, ruộng đồng. Thế nhưng, bình thường, cụ vẫn luôn nắm bắt tình hình thời sự diễn ra xung quanh nhất là những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, nhà nước, TP Hà Nội. Những ngày qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ngày nào, cụ cũng chăm chỉ xem ti vi, nghe loa phát thanh, qua tuyên truyền của các cán bộ của hội LHPN xã. Vì thế, cụ hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và luôn tự giác thực hiện cũng như nhắc con cháu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16, sau đó là Chỉ thị 05 của UBND Thành phố về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ Sinh rất tự giác, nghiêm túc chấp hành. Cụ luôn ở trong nhà, không  ra ngoài đường khi không có việc cần thiết, không tiếp xúc với người lạ. Ngày 2 buổi, cụ tập thể dục, ăn uống sinh hoạt điều độ để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cụ cũng làm gương cho con cháu bằng cách thường xuyên rửa tay, xúc họng, đeo khẩu trang theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chị Đồng Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn cho biết: Cụ Sinh vốn được nhiều người trong xã biết đến là người phụ nữ phúc hậu, đức độ. Cụ thường xuyên tham gia công tác nhân đạo từ thiện, bỏ tiền túi mua áo ấm, gạo… giúp đỡ các gia đình người nghèo, quyên góp gạo ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.  Ngày 1/4, cụ Sinh đeo khẩu trang, nhờ cháu đèo bằng xe đạp điện ra trụ sở UBND xã, sau đó tự đi bộ lên tầng 3 để được tự tay ủng hộ tiền qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Cụ nói muốn dùng số tiền này để mua thêm rau, gạo… cho các chiến sĩ, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống giặc Covid-19. Được biết, số tiền đó bà được con cháu biếu để tẩm bổ thêm cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo cụ bà, không có tiền để tẩm bổ, cụ vẫn còn nhiều cách khác giữ sức khỏe, trong khi đất nước đang rất cần kinh phí, vật lực để phòng, chống dịch. Nếu dịch còn kéo dài và cụ còn có tiền, cụ sẽ lại tiếp tục đóng góp. Số tiền 2 triệu đồng tuy không lớn, nhưng là tấm lòng và trách nhiệm của cụ Sinh với đất nước. Đây chính là động lực để những người trên tuyến đầu chống dịch quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Hưng Vũ  

Cô giáo tiểu học “thổi hồn” cho sự sáng tạo, say mê của học trò

TĐKT - Luôn trau dồi đạo đức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên, trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, là tấm gương “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” tiêu biểu năm 2019. Muốn có một lớp học hạnh phúc phải kiến tạo một môi trường học tập - nơi mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hạnh phúc và cảm thấy hài lòng – đó là quan điểm dạy học của cô Thúy Liên. Cũng vì vậy, để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, cô giáo nhiệt tâm luôn cố gắng tạo môi trường thoải mái để các em thấy hạnh phúc. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Nhận thức được điều đó, nên cô Liên cùng các đồng nghiệp trong trường tham gia thi thiết kế bài giảng E-Learning để tạo thêm những sản phẩm hữu ích cho học sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu. Không những thế, cô còn trăn trở tìm hiểu và mạnh dạn thiết kế phần mềm quản lý thư viện, phần mềm quản lý học sinh. Chân dung cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên Kết quả, phần mềm “Giám sát học sinh bằng công nghệ RFID” của cô và đồng nghiệp trong trường đã được ghi nhận tại Ngày hội Công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo TP Hà Nội lần thứ IV năm 2018. Đây là phần mềm được xây dựng trên mã nguồn mở (Apache, PHP và MySQL), sử dụng môi trường web hoặc cài đặt chạy trên server ảo bằng phần mềm xampp. Chia sẻ về sản phẩm của sự tâm huyết, sáng tạo, cô Liên cho biết, hệ thống RFID gồm hai thành phần chính: Thẻ RFID có gắn chip silicon và ăng ten radio. Đầu đọc reader cho phép giao tiếp với thẻ RFID qua sóng radio ở khoảng cách trung bình từ 0,5 - 30 mét, từ đó truyền dữ liệu về hệ thống máy tính trung tâm. “Phần mềm này giúp quản lý học sinh dễ dàng, vì học sinh có thẻ chỉ cần đi qua cổng từ là có thể nhận diện và điểm danh. Tính năng này sẽ khắc phục hiện tượng ùn tắc ở các điểm đặt đầu đọc thẻ vào đầu giờ khi học sinh đến trường. Phần mềm “Giám sát học sinh bằng công nghệ RFID” giúp tự động hóa rất nhiều hoạt động trong môi trường học đường và đảm bảo an ninh tốt nhất cho học sinh”, cô Liên chia sẻ. Với những tính năng và sự ưu việt hơn hẳn so với các phương pháp quản lý học sinh khác như: Sử dụng bảng tính hay “bảng chấm công”, quản lý bằng vân tay, quản lý bằng thẻ…, phần mềm “Giám sát học sinh bằng công nghệ RFID” của cô và đồng nghiệp đã được đánh giá cao và đạt giải nhất cuộc thi thiết kế phần mềm ứng dụng trong Ngày hội công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo Hà Nội. Không chỉ nhiệt huyết trong công tác chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên còn là một nhà giáo tận tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn được phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng. Cô Nguyễn Thị Thúy Liên (ở giữa) tại Ngày hội Công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo TP Hà Nội lần thứ IV năm 2018 Trong những kỷ niệm làm giáo viên chủ nhiệm của mình, cô giáo trẻ nhớ mãi em học sinh Hoàng Công Minh có hoàn cảnh gia đình vô cùng đặc biệt. Bố mẹ Minh bỏ đi biệt tích, em sống với ông bà nội sức khỏe đã yếu, không có thu nhập ngoài tiền trợ cấp của các quỹ bảo trợ xã hội. Cô kể: “Em lớn lên đã thiếu thốn tình cảm, nên tâm sinh lý đôi khi bất ổn, hay hiếu động, nghịch ngợm. Nắm bắt được hoàn cảnh gia đình và tâm sinh lý đang độ tuổi phát triển của em, tôi luôn theo sát bảo ban và hướng dẫn để em vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập”. Trong vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cô Liên đánh giá học sinh đã có hiểu biết nhất định về thế giới quan. Vậy nên nếu chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa thì chưa đủ. Theo đó, trong giờ học, cô luôn khuyến khích các em nói ra suy nghĩ của bản thân về những kiến thức trong bài. “ “Đừng sợ sai, đừng lo các bạn khác cười câu trả lời của mình!” - Đó là câu nói mà tôi thường xuyên nhắc học sinh của mình. Chú ý lắng nghe, tôn trọng câu trả lời hay những chia sẻ của các em, sau đó tôi mới giải thích, dẫn dắt các em đến tri thức.” - cô Liên chia sẻ. Theo cô Liên, để xây dựng được lớp học hạnh phúc, cần sự thay đổi của cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt, giáo viên phải thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của mình; thay đổi bản thân để rút ngắn khoảng cách thầy và trò; thay đổi để vươn tới một môi trường học tập mà có thể khơi dậy tâm huyết của người thầy, sự tự tin, hào hứng, say mê của học trò. Một số thành tích tiêu biểu của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liên - Liên tục đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp quận từ năm học 2008 - 2009 đến nay. - Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” năm học 2016 - 2017, 2017 - 2018. - Giấy khen giải Nhất cuộc thi “Thiết kế phần mềm quản lý thư viện” cấp quận năm học 2017 - 2018. - Giấy khen giải Nhất cuộc thi Phần mềm ứng dụng trong Ngày hội Công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội lần thứ IV, năm 2018. - Giấy khen danh hiệu “Điển hình tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2018 của Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân. - Giấy khen về Công tác Đội và phong trào thiếu nhi quận Thanh Xuân năm học 2017 - 2018. Kim Anh – Thu Ngà  

Trang