TĐKT - Dù cuộc sống gia đình còn nhiều nỗi lo toan, buồn phiền nhưng bà Lương Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) số 9 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội luôn thu xếp mọi việc ổn thỏa, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương; đồng thời sẵn sàng sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Lương Thị Tuyết vào những ngày cuối thu năm 2020. Tuy tiết trời đã trở nên mát mẻ, se lạnh, song trong căn gác nhỏ - nơi bà Tuyết đang là, gấp những bộ quần áo đồng phục học sinh lại oi bức như không khí những ngày đầu hè.
Bà Lương Thị Tuyết đang gấp quần áo đồng phục chuẩn bị cho chuyến từ thiện đến đồng bào miền Trung
Đôi tay bà thoăn thoắt gói những bộ quần áo mới, thơm tho ấy vào những chiếc túi ni - lông, rồi dán ngay ngắn, xếp gọn vào từng thùng các - tông. Cầm vạt áo lau nhanh giọt mồ hôi trên trán, bà Tuyết bảo, 1.000 bộ đồng phục này là bà xin và gom được từ một xưởng may trong suốt nhiều tháng qua. Sắp tới, chúng sẽ theo bà và đội thiện nguyện quận Thanh Xuân lên đường đến với các cháu học sinh vùng rốn lũ miền Trung.
“Thực tế, đây là những bộ quần áo mới may, chưa mặc lần nào nhưng là hàng tồn, hàng dư thừa của xưởng sau khi xuất hàng đến các trường học. Xưởng họ không dùng đến, toàn đánh đống chúng trong kho, nên nhiều bộ bụi, bẩn, thậm chí bị ẩm mốc. Tôi thấy tiếc nên xin đem về giặt giũ, phơi phóng sạch sẽ để ủng hộ cho những cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.” – bà Tuyết chia sẻ.
Bà từng là nữ thanh niên xung phong, một thời từng nếm mật nằm gai, đốn từng gốc cây, phá từng tảng đá để xây cầu, mở đường cho bộ đội Trường Sơn cứu nước. Trải qua những năm tháng mưa bom bão đạn, "tính mạng ngàn cân treo sợi tóc", hơn ai hết, bà thấm thía sự đùm bọc yêu thương giữa người với người lúc hoạn nạn. Vì vậy, dù cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, hai vợ chồng đều không có lương hưu, lại đang phải cưu mang cả cháu và chắt nhưng bà luôn sống bao dung, sẵn sàng giúp đỡ mọi người từ những việc làm giản dị nhất theo khả năng của mình.
Năm nay đã ngấp nghé tuổi 70 nhưng ngày nào bà cũng không ngơi tay. Lo chợ búa, cơm nước, giặt giũ cho cả nhà rồi kiêm thêm cả chăm sóc các cháu và chắt để bố mẹ chúng yên tâm đi làm ăn xa. “Chiều nào cũng dong xe đạp đi đón hai đứa cháu và chắt, đứa bé ngồi trước giỏ xe, đứa lớn hơn ngồi ghế sau. Đêm đến thì mỗi đứa ngủ một bên. Hôm nó ngoan ngoãn, khỏe mạnh thì không sao, nhưng ốm đau thì quấy khóc làm mình cũng mất ngủ theo” – bà kể.
Cáng đáng việc nhà vất vả là vậy nhưng bà vẫn thu xếp ổn thỏa mọi việc, dành thời gian tham gia tích cực hoạt động của các đoàn thể xã hội. Với vai trò là Ủy viên BCH, Trưởng ban công tác nữ Hội Cựu TNXP phường Khương Đình, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi cụm dân cư số 9, bà Tuyết đã góp phần không nhỏ vào xây dựng tổ chức Hội đoàn kết, gương mẫu. Với đặc thù đa số hội viên là những người có công với đất nước, tuổi cao, sức yếu, nhiều người lại có hoàn cảnh khó khăn, bà Tuyết thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, vận động họ chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương phát động. Mỗi một suất quà tặng của Đảng, Nhà nước hay phường, hội dành cho lực lượng TNXP đều được bà mang đến tận nhà trân trọng trao cho các hội viên.
“Sắp tới là Đại hội Hội Cựu TNXP phường, tôi cũng đang rất bận để chuẩn bị cho việc báo cáo kết quả của nhiệm kỳ trước, rồi xem mua quà tặng các đại biểu, tặng ban chấp hành hết nhiệm kỳ… Toàn những việc “không tên” nhưng mà cũng phải nghiêm túc, dành thời gian mới hoàn thành một cách chu đáo được” – Bà Tuyết chia sẻ.
Đặc biệt, bà đã duy trì việc ủng hộ quần áo đồng phục cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa từ nhiều năm nay. Khi thì ủng hộ thông qua Hội Chữ thập đỏ phường, lúc thì đi ủng hộ trực tiếp với đoàn nhà chùa, có khi lại kết hợp với bộ đội biên phòng đến trao cho các trường vùng sâu... Nhiều nhất là năm 2018, bà đã quyên góp quần áo ấm, quần áo đồng phục, chăn ấm, trị giá 42.000.000 đ để ủng hộ: Trường Xà Phìn - Sa Pa - Lào Cai (100 áo khoác; 100 bộ đồng phục học sinh; 10 chăn ấm); trường Suối Quyền - thị trấn Yên Bái (300 áo đồng phục học sinh); trường Sơn Lũng (vùng lũ): 400 bộ quần áo đồng phục.
Năm 2019, bà tiếp tục quyên góp quần áo trị giá 115.000.000 đ để ủng hộ các điểm trường thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu 100 bộ quần áo đồng phục, ủng hộ Hội Chữ thập đỏ phường Khương Đình để làm từ thiện 1.000 bộ quần áo đồng phục…
Chồng của bà Tuyết bảo rằng: “Có thời gian rảnh bà ấy chẳng chịu nghỉ ngơi đâu, toàn tranh thủ làm hết việc hội này đến hội khác; không thì lại đến xưởng nhặt đồ, mang về giặt sạch. Bà còn mua thêm cả nước xả vải để ngâm cho quần áo thơm tho. Có hôm giặt mấy chục bộ một lúc, phơi mỏi tay, kín bưng cả giàn dây phơi của gia đình.”
Bà Tuyết quan niệm rằng: “Mình chịu khó một chút để người được nhận quà họ cảm thấy vui và trân trọng. Tôi thấy, nhiều người tặng quần áo cũ cho đồng bào vùng cao nhưng để lộn xộn đồ mùa đông lẫn mùa hè, nhàu nhĩ nên có nhiều nơi họ cũng không sử dụng, bỏ đi lại càng lãng phí hơn.”
Vừa tranh thủ trò truyện với chúng tôi, bà vừa bồng đứa chắt ngoại mới đi học về, dỗ dành: “Con ngoan uống hết hộp sữa đi, xong việc cụ tắm cho con nhé”. Sau đó lại quay ra sau nhắc đứa cháu ngoại: “Con xem điện thoại thì để xa ra kẻo hỏng mắt đấy nhé”. Nhìn cảnh người phụ nữ ấy tần tảo ấy chúng tôi càng thấy trân quý hơn những việc làm của bà. Không một đồng lương hay trợ cấp, cũng chẳng cầu ai báo đáp, bà bảo: “Chỉ cần được tự tay khoác những bộ quần áo mới, thơm tho do mình chuẩn bị, nâng niu lên người từng cháu và đón nhận những nụ cười tíu tít, hạnh phúc của chúng, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi một lần đi san sẻ những yêu thương, tôi thấy mình hạnh phúc, thanh thản, có thêm động lực để cáng đáng mọi việc.”
Với tấm lòng thơm thảo đó, năm 2020, bà đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”./.
Hưng Vũ