Hà Nội thi đua ái quốc

“Chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Những ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, cứ mỗi tối, khi xóm phố lên đèn, người ta lại thấy bóng dáng ông Bí thư Chi bộ 18 (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) Lương Văn Định cần mẫn đi tuần tra quanh các ngõ ngách của khu dân cư. Là một thành viên mẫn cán của Tổ Covid cộng đồng phường Khương Trung, ông bảo rằng tăng cường kiểm tra, giám sát như vậy để tuyệt đối không cho xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”, góp phần giữ vững “vùng xanh”, đẩy lùi dịch bệnh. Ông Lương Văn Định, Bí thư Chi bộ 18, thành viên Tổ Covid cộng đồng phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội Bắt đầu tham gia công tác tại địa phương từ năm 2003, ông Lương Văn Định cũng gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì công việc chung và được mọi người tin tưởng, yêu mến. Gần 20 năm gắn bó với công tác xã hội, ông là chiếc cầu nối cho chính quyền phường đến gần hơn với bà con nhân dân khu phố, là cánh tay đắc lực giúp người dân tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào của địa phương. Trong đợt dịch Covid-19 này, ông tiếp tục là một “chiến sĩ” tiên phong trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Vừa là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, vừa là Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng Khu dân cư 18, thành viên Tổ Covid cộng đồng phường Khương Trung, ông thường xuyên sâu sát, bám nắm địa bàn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, ai cũng lo lắng, không dám ra khỏi nhà, nhưng người cán bộ tận tụy ấy vẫn ngày đêm không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, xông pha cùng phường, khu phố tham gia chống dịch. Bao nhiêu công việc đè trên vai ông, từ việc nhắc nhở, động viên người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đến việc gửi thư mời tiêm vaccine, đến từng nhà rà soát, lập danh sách hỗ trợ khó khăn, nắm bắt nhu cầu người dân rồi phản ánh thông tin đến UBND phường để kịp thời giúp đỡ người dân nghèo khó... Qua công tác tuyên truyền, ông đã vận động nhân dân hỗ trợ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 số tiền là 31,8 triệu đồng. Riêng bản thân ông và gia đình đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch 1,5 triệu đồng. Ông cho biết: “Từ sáng sớm ngày 24/7/2021, sau khi nhận được Chỉ thị số 17/CT-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, các đoàn thể tại khu dân cư đã họp bàn để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi đó, nhiệm vụ quan trọng cần triển khai ngay là nhanh chóng thiết lập "vùng xanh" trên địa bàn”. Khu dân cư 18 được phường đánh giá là khu có nguy cơ rất cao, bởi nơi đây có hơn 20 công ty hoạt động với lượng người ra vào đông. Để tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch trong thời điểm đó, Khu dân cư số 18 đã thành lập chốt trực "vùng xanh" với sự tham gia của Tổ Covid cộng đồng gồm 31 người, trong đó có 20 đồng chí cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt. Ngoài ra, Khu dân cư số 18 cũng thành lập 1 tổ phản ứng nhanh (có nhiệm vụ nhanh chóng phối hợp với Tổ Covid cộng đồng để tiến hành khoanh vùng, kiểm soát khu vực cách ly khi phát hiện có ca lây nhiễm) với thành viên là 5 đồng chí CCB. Tổ Covid cộng đồng tổ chức phân công trực từ 5h sáng đến 22h đêm, chia thành 4 ca/ngày, mỗi ca trực kéo dài khoảng 4 tiếng. Bất kể trời nắng hay mưa, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng đều có mặt đúng giờ để thực hiện nhiệm vụ. Tới hết đợt giãn cách, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng Khu dân cư 18 đã đóng góp được tổng cộng 500 công gác (1 công tương đương 8 tiếng). Cổng ngách 93/73 Hoàng Văn Thái là một trong những mô hình hiệu quả được ông Định triển khai để bảo vệ vùng xanh và giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư. Không chỉ cùng các thành viên Tổ Covid cộng đồng ứng trực tại các ngõ ngách, ông Định còn luôn nhắc nhở, đôn đốc nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên tổng vệ sinh, mang khẩu trang khi ra đường và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Ông chia sẻ: “Một trong những yếu tố giúp việc kiểm soát dịch thành công là Tổ Covid cộng đồng đã theo dõi sát số người từ các vùng dịch trở về địa phương. Thành viên của tổ đã động viên người dân khai báo y tế và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà theo đúng quy định. Khi nhận được thông tin người dân có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, Tổ Covid cộng đồng đến tận nhà động viên, giúp đỡ các đối tượng thực hiện các biện pháp cách ly để bảo đảm an toàn mọi mặt, ổn định tinh thần cho người dân sống trong khu vực...” Một trong những mô hình hiệu quả đã được ông Định cùng bà con Khu dân cư 18 thực hiện đó là xây dựng cổng ngách để phòng, chống dịch. Ngách 93/73 Hoàng Văn Thái thuộc địa bàn Khu dân cư 18 trước đây được gọi là “ngõ rác”, nhiều người vô ý thức vứt rác bừa bãi đầu ngách, gây mùi hôi thối, mất vệ sinh môi trường. Chi bộ, tổ dân phố đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không ăn thua. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông cùng Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề này, vận động nhân dân đồng thuận xây dựng cổng ra vào đầu ngách, vừa hạn chế người qua lại, bảo vệ vùng xanh, vừa chấm dứt được tình trạng vứt rác bừa bãi. Từ đó tới nay, ngách 93/73 luôn sạch đẹp, xóa bỏ hẳn chân rác tồn tại lâu năm. Ông Lê Văn Huynh, Phó Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu dân cư 18 nhận xét: “Đồng chí Định là một người cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động năng nổ, hoàn thành xuất sắc các công việc, nhiệm vụ được giao. Chúng tôi là đảng viên, nhân dân khu phố rất tin tưởng và tín nhiệm đồng chí.” Với những việc làm thiết thực, ông Lương Văn Định cùng Khu dân cư 18 đã phát huy tốt vai trò của mình góp phần tích cực vào việc ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh trên địa bàn, bảo vệ vững chắc “vùng xanh” an toàn. Những việc làm của ông đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho người dân, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết, sẻ chia, đồng thời cổ vũ, động viên các lực lượng vượt qua khó khăn, cùng nhau cố gắng vượt qua dịch bệnh, đưa đất nước ta trở lại nhịp sống bình thường. Phương Thanh  

Trái tim nhân hậu “không tuổi”

TĐKT - Gần nửa cuộc đời gắn bó với các hoạt động “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Nguyễn Thị Tố Tâm (phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) được bà con lối xóm và những người nghèo khó biết đến với trái tim nhân hậu “không tuổi”. Bà nguyên là Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Chi hội phó Hội Chữ thập đỏ phường Nhân Chính được bà con yêu mến, tin tưởng, nghe theo. Bà Nguyễn Thị Tố Tâm trong căn nhà bà đang sinh sống Dù ở tuổi 83, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Tâm vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và hoạt bát; vẫn đi đến từng góc phố, ngõ hẻm, kêu gọi người dân, những nhà hảo tâm. Bà còn đến các bệnh viện để giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi nghỉ hưu đến nay cũng phải ngót nghét hơn 30 năm, bà liên tục tham gia các hoạt động tổ dân phố rồi sau đó tham gia nồi cháo Đoàn kết. Bà bảo, từ khi còn đang công tác tại Nhà máy Dệt kim Hà Nội, bà đã mê làm từ thiện. Bà vẫn nhớ như in, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính ngày đó, dân cư chủ yếu là làm nông nghiệp, đất chuyển đổi nhiều nên mọi thứ rất phức tạp. Lúc đó, một mình bà đảm đương rất nhiều công việc như: Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ hòa giải; Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ rồi tham gia công tác mặt trận, phụ nữ... Với suy nghĩ đơn giản, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng nhưng muốn mọi người vì mình thì trước tiên mình hãy vì mọi người trước, bà luôn sống với mọi người bằng cái tâm, cái đức, được bà con quen mặt, yêu mến. Bởi thế, khi thành lập Tổ dân phố, bà con đề cử bà làm Tổ trưởng. Bà kể, ngày đó bà vất vả lắm, vì chồng bà sau khi nghỉ hưu lại ốm đau triền miên. Bà vừa đi viện chăm chồng, vừa lo công việc của tổ dân phố. Có nhiều hôm bà mang cả sổ sách vào bệnh viện, vừa chăm chồng, vừa giải quyết công việc của khu phố. Nhưng bà bảo, vẫn may mắn vì chồng bà cũng là người yêu công tác thiện nguyện. “Ngày đó, khi đọc sách báo, thấy có trường hợp nào nghèo khó đăng lên báo, ông ấy lại bảo tôi đến ngay tòa soạn để xin ủng hộ”. Bà Tâm nhớ lại. Có những kỷ niệm khi bà kể tưởng chừng chỉ mới hôm qua, hôm nay thôi bởi bà nhớ rõ từng chi tiết. Những cuộc hòa giải giữa người vợ, người chồng, con và bố về tranh chấp đất đai rồi về tình cảm riêng tư, họ còn kéo nhau lên tận phường, bà vẫn ôn tồn giải thích và tìm mọi cách hóa giải những mâu thuẫn hàng ngày như thế. Có nhiều vụ kéo dài mất vài ngày mới xong. Những công việc tưởng chừng như không tên mà bà ít khi nhắc đến ấy đều được bà làm trơn tru. Vụ nào có bà Tâm hòa giải là nhà đó “êm ru” , “dĩ hòa vi quý”. Sau thời gian chống chọi với bệnh tật năm 2013, chồng bà qua đời. Dù buồn lòng nhưng bà vẫn tích cực trong các hoạt động; đồng thời còn tham gia thêm nồi cháo từ thiện. Hơn 8 năm qua, không kể ngày mưa hay nắng, bà thường xuyên đóng góp cùng những tổ chức thiện nguyện tại đình làng Quan Nhân, trực tiếp điều hành chung các hoạt động của Tổ cháo khu dân cư Đoàn Kết, thường xuyên đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ, để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn trong và ngoài địa bàn. Cụ thể, hàng tuần trực tiếp tham gia nấu 100 lít cháo chay và 100 lít cháo thịt tặng bệnh nhân tại 4 bệnh viện cố định (thứ 7 phát tại Bệnh viện Da Liễu Trung uơng, Bệnh viện Nội Tiết, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; chủ nhật phát tại Bệnh Viện K Tân Triều. Bà còn ủng hộ thường niên cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại khu dân cư, mỗi tháng 500 nghìn đồng và 10kg gạo; ủng hộ thường niên kinh phí nấu cháo và sinh hoạt đến đội cháo Từ Tế 7.000.000 đồng/tháng, nhóm Bát Cơm Vàng 500.000 đồng/tháng, nhóm cháo Thịnh Quang 500.000 đồng/tháng. Năm 2021, do diễn biến Covid-19 phức tạp, không đến được bệnh viện, có trường hợp nào khó khăn bà lại ủng hộ bằng tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Tố Tâm (mặc áo dài trắng đứng giữa) tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2018 Mặc dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà bà vẫn nhớ như in các hoạt động mình đã tham gia. Vừa nói, bà vừa giở từng trang, mở từng cuốn sổ ghi chi tiết các cá nhân, tổ chức ủng hộ một cách cẩn thận như cuốn nhật ký. Bà cho hay, năm 2014, khi mới kêu gọi ủng hộ, tổng kinh phí kêu gọi cũng chỉ lên tới con số 12.200.000 đồng/năm. Còn hiện tại, khi biết đến bà là người gắn với nồi cháo từ thiện thì con số đó đã tăng lên gấp nhiều lần: 84 đến 100 triệu đồng/năm. Cùng với đó, bà cũng luôn nhiệt tình tham gia những hoạt động vệ sinh môi trường, bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép, làm vườn hoa, tường hoa để xóa những tụ điểm rác thải lâu ngày, cùng với những hoạt động thiết thực của chị em phụ nữ. Với bà, những câu chuyện ngày xưa, những kỷ niệm khi kể lại, nhớ lại, giờ vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí. Sâu thẳm trong đôi mắt sáng ấy, là những hoài niệm vui vẻ và đầy tự hào của cuộc đời. Nhìn khuôn mặc phúc hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói từ tốn, bà Nguyễn Thị Tố Tâm giống như người sinh ra mang “Sứ mệnh làm từ thiện”, ở đâu khó lại có bà. Bà tâm niệm “có nhiều, thì mỗi người được một bát cháo, còn có ít, thì mỗi người một thìa cháo, quan trọng là mang được đến tận nơi cho người khó, làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm”... Thầm mong có thêm thật nhiều những tâm hồn cao thượng, những con người bình dị, thật thà, chất phác như bà Tâm để mỗi ngày tỉnh dậy, ta thấy cuộc đời này còn có bao điều tuyệt vời biết bao. Hồng Thiết      

Tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm 2021

TĐKT - Sáng 10/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 15, tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2021. Buổi lễ được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, từ điểm cầu tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô đến hơn 600 điểm cầu của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, với tổng số hơn 3.500 đại biểu. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh dự Lễ kỷ niệm. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành "nhiệm vụ kép": Vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng theo đúng kế hoạch thời gian năm học. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 2,2 triệu học sinh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường xây dựng, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 76,9% (1.695/2.204 trường), 22 trường chất lượng cao. Đáng chú ý, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng với 139 giải học sinh giỏi trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia; 365 giải và 57 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Kết thúc năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc"; 89 tập thể và 222 cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt"… Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Đồng chí nhấn mạnh: Vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhiều nhà giáo đã vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường ngày để luôn tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp "trồng người" của Thủ đô và đất nước. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị: Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, đặc biệt chú trọng thiết kế chương trình giáo dục phù hợp với môi trường số hóa; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản trao danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" cho các nhà giáo Ghi nhận những thành tích đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã tặng hoa chúc mừng tập thể lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 10 tập thể, 4 cá nhân; trao Bằng khen của Chính phủ cho 9 tập thể, 15 cá nhân. Nhân dịp này, lãnh đạo Thành ủy và thành phố đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 8 tập thể; trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 33 nhà giáo; trao Cờ thi đua của thành phố cho 26 tập thể. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng trao Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" cho 40 thầy, cô giáo. Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tại buổi lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã trao 400 máy tính cho 8 huyện có học sinh khó khăn, gồm: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa và Mỹ Đức. Hưng Vũ

Nguyễn Thị Chắt: Nữ tổ trưởng tổ dân phố với tấm lòng thơm thảo

TĐKT -  Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kiện toàn thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Tổ dân phố mới 17 - khu Cơ yếu được thành lập đến nay đã hơn một năm. Với 100% tín nhiệm của bà con khu Cơ yếu, bà Nguyễn Thị Chắt được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố mới. Từ đó đến nay, ngoài tên bố mẹ đặt cho, bà còn được người dân nơi đây tặng thêm tên gọi vô cùng thân thương “Người tổ trưởng thơm thảo”. Ngọc càng mài càng sáng Mặc dù ở tuổi 70 nhưng bà Nguyễn Thị Chắt, Hội viên Chi hội Phụ nữ Cơ Yếu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vẫn trẻ khỏe, nhanh nhẹn, nhiệt tình, hoạt bát. Có lẽ đó là sự hội tụ của phong cách “người của công việc và người hết lòng vì mọi người”. Vốn là kỹ sư xây dựng, bà từng quản lý hơn một ngàn công nhân, quanh năm với nắng, gió ở công trường, nên việc làm Tổ trưởng dân phố đối với bà không có gì là khó khăn. Dù quy mô hộ dân có phần đông hơn, phức tạp hơn, triển khai nhiệm vụ khó khăn hơn nhưng việc gì của phường giao bà đều hoàn thành nhanh, gọn và hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Chắt nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng Bà vẫn tâm niệm, sống cùng dân, làm việc với dân, ngoài cái tâm sáng còn phải có tác phong “miệng nói, tay làm, chân đi” thì bà con mới quý, mới tin, yêu, nể phục và làm theo mình. Vì vậy, khi nghỉ hưu, về sống và làm việc trong lòng nhân dân, bà Chắt như một “viên ngọc” chỉ thêm sáng nhờ công mài giũa, luyện rèn. Nữ tổ trưởng hết mình vì bà con Bà chính là tổ trưởng tổ dân phố gương mẫu, gần gũi bà con và có tấm lòng thơm thảo giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, xây dựng đoàn kết tình làng, nghĩa xóm; mạnh dạn đấu tranh các biểu hiện tiêu cực trong tập thể khu dân cư. Được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 17, thử thách đầu tiên đối với bà là theo dõi, giám sát thi công nâng cấp ngõ 3 phố Nhân Hòa. Theo yêu cầu của UBND phường, thời gian thi công trong vòng 3 tháng. Ngày nào cũng vậy, khi chưa thấy mặt trời mọc, người ta đã nghe thấy tiếng chỉ đạo của bà cùng với tiếng cuốc, xẻng leng keng của anh em công nhân làm ngõ. Bà luôn có mặt từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều động viên họ làm nhanh, làm tốt. Ngoài nhiệm vụ phường giao, bà Chắt cùng chi hội phụ nữ vận động bà con trong Tổ được hơn 2 tạ gạo và gần 3 triệu đồng để giúp đỡ anh em công nhân có thêm niềm vui lao động. Bà cho biết, mặc dù số tiền và gạo chưa phải là nhiều nhưng đó là tấm lòng trân quý, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của bà con Tổ dân phố 17 đối với anh em công nhân. Làm ngõ vừa xong, bà nhận được thông báo của phường: Hộ cận nghèo Nguyễn Thị Ngà của Tổ dân phố 17 - khu Cơ yếu được một công ty trên địa bàn quận Thanh Xuân tặng 30 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường ủng hộ thêm 14 triệu nữa để giúp đỡ chị Ngà sửa chữa lại nhà. Với trách nhiệm phường giao, với kiến thức của người kỹ sư xây dựng, bà Chắt bàn kỹ với chủ nhà cái gì cần làm mới, cái gì cần nâng cấp trong khoản tiền eo hẹp này. Vậy mà khi công trình hoàn thành, số tiền chi hết 69.650.000 đồng, vượt dự toán là 15.650.000 đồng, bà đã báo cáo lãnh đạo phường và xin được ủng hộ chị Ngà số tiền vượt đó.  Thật vui, ngày giao “nhà tình thương”, bà vẫn nhớ như in, hôm ấy là 27/7/2020, gia đình chị Ngà xúc động, vui mừng khôn tả, cả ngõ xóm hôm đó  tràn ngập trong tiếng cười. Bà kể, quý II năm 2020, khi dịch Covid-19 ập đến, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, bà Chắt cùng hệ thống chính trị khu Cơ yếu đã vận động bà con trong Tổ ủng hộ những người bị mất việc làm của Tổ dân phố 17 và gửi lên phường. Tổng số bà đã kêu gọi quyên góp, ủng hộ là 1,5 tấn gạo và gần 30 triệu đồng. Trong đó, gia đình bà ủng hộ 250 kg gạo (tương đương 5 triệu) và 2 triệu đồng tiền mặt.   Bà Nguyễn Thị Chắt (bên trái) tham gia ủng hộ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn Tiếp đó, tháng 10/2020, bão, lũ bất ngờ đổ bộ vào miền Trung. Nhìn cảnh bà con nơi đây bị mất nhà, đói, rét hoành hành, bà không khỏi xót xa. Bà đã cùng hệ thống chính trị khu Cơ yếu tích cực vận động bà con dang tay giúp đỡ, sẻ chia với đồng bào mình. Riêng gia đình bà tiếp tục ủng hộ 2 triệu đồng tiền mặt. Sau đó, khi “Quỹ vắc - xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19” được ra mắt, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nhân Chính, cấp ủy, Ban công tác Mặt trận và các chi hội của khu Cơ yếu đồng loạt “ra quân” vận động bà con tham gia ủng hộ Quỹ. Thật bất ngờ, hơn một tuần bà đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động, ngày 15/6/2021, Tổ dân phố 17 - khu Cơ yếu đã nộp lên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nhân Chính được 37,8 triệu đồng, trong đó gia đình bà Chắt ủng hộ 5 triệu.   Bà tự hào nhớ lại: “Đó là một số tiền lớn ở một tổ dân phố nhỏ chỉ có 300 hộ dân trong phường nơi người dân chủ yếu là nghỉ hưu; lãnh đạo phường Nhân Chính không ngớt lời khen bà con Tổ dân phố 17 - khu Cơ yếu đã mở lòng, tham gia ủng hộ Quỹ sớm và có kết quả cao nhất từ trước đến nay”. Phường đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để hôm nay Tổ dân phố 17 - khu Cơ yếu vẫn luôn là đơn vị tốp đầu của phường về thực hiện các phong trào mà Đảng và chính quyền phường Nhân Chính phát động. Ngoài công việc ở tổ, ở phường, bà còn là người bà, người mẹ mẫu mực luôn động viên các con cháu trong gia đình cùng thực hiện nếp sống văn hóa, thanh lịch, luôn nhắc nhở mọi hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử. Gia đình bà được biểu dương là “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, là gia đình đoàn kết, hòa thuận, vui vẻ, các con cháu chăm ngoan, học giỏi. Các cháu của bà nhiều năm liền đều là học sinh giỏi xuất sắc. Hơn một năm là “cánh tay nối dài của phường Nhân Chính”, bà Nguyễn Thị Chắt đã thể hiện đầy đủ sự nhiệt tình của người cán bộ, đảng viên gương mẫu và tấm lòng thơm thảo, được bà con nơi đây tin yêu và trân quý. La Giang

Nữ Bí thư chi bộ giỏi việc phường, đảm việc nhà

TĐKT - Năm nay đã gần chạm tuổi thất thập, nhưng trông bà trẻ trung và nhanh nhẹn hơn so với tuổi. Đặc biệt, không chỉ hoàn thành trọn vẹn thiên chức của người vợ, người mẹ, người bà trong gia đình; bà còn là một cán bộ “vác tù và hàng tổng” gương mẫu, nhiệt tình và trách nhiệm; là tấm gương sáng về lòng nhân ái, không ngừng san sẻ yêu thương đến cộng đồng. Bà là Lê Thị Ngoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu dân cư số 5, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Chẳng sợ Corona, chỉ sợ sót trường hợp khó khăn Vốn là một người năng nổ, nhiệt tình nên ngay từ khi phường Hạ Đình mới thành lập (năm 1997), bà đã hòa mình vào các hoạt động ở địa phương. Đến nay, gần 25 năm gắn bó, bà đã có thâm niên 10 năm phụ trách công tác phụ nữ; 15 năm liền làm tổ trưởng dân phố; 16 năm là thành viên Tổ bảo vệ dân phố dân phòng, là Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Chi bộ 5; tham gia công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường; là đại biểu HĐND phường liên tiếp 3 khóa (III, IV, V)… Dù ở cương vị nào, đảm nhận phần việc gì, bà Ngoan cũng luôn tràn đầy nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi việc. Bà Ngoan thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương Gần 10 năm nay là hàng xóm của gia đình bà Lê Thị Ngoan, anh Hoàng Hoa Bảo, sống ở nhà số 6, ngõ 111 đường Nguyễn Xiển vẫn luôn dành cho bà sự kính trọng. “Bà Ngoan sống rất hòa đồng và tốt bụng. Bà thường xuyên sâu sát, nắm bắt tới từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn, gia đình chính sách trên địa bàn khu dân cư; từ đó bà kịp thời phản ánh lên các cấp xem xét hỗ trợ hoặc tự mình tìm kiếm, vận động nguồn tài trợ rất kịp thời. Tôi ấn tượng nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, bà chẳng quản ngại cùng với hệ thống chính trị khu dân cư, đã đi đến gõ cửa từng gia đình, từng khu phòng trọ và các công trường xây dựng để rà soát các đối tượng gặp khó khăn để lập danh sách, báo cáo lên phường rồi tổ chức nhận, phát quà hỗ trợ đến tận tay cho người dân” – Anh Bảo chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Toán, một thành viên của Tổ Covid cộng đồng Khu dân cư số 5 cho biết: Dù phụ trách rất nhiều công việc khác nhau ở khu dân cư, ở phường nhưng bà Ngoan luôn sắp xếp công việc theo một kế hoạch khoa học, giải quyết có hiệu quả, hài hòa giữa việc chung và riêng, miệng nói tay làm. Có tuổi nhưng trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, với vai trò là Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng, bà Ngoan thường xuyên quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân về phòng, chống dịch bệnh; vận động nhiều người dân cùng tham gia thực hiện các công việc trong Tổ Covid cộng đồng; phân công mỗi người một vai. Có hôm mưa gió, nhưng đến lịch ứng trực ở chốt vùng xanh của mình, bà vẫn không quản ngại, đội áo mưa làm nhiệm vụ”. Bà Ngoan trao quà hỗ trợ cho những người khó khăn, sinh viên bị kẹt lại trong đợt giãn cách xã hội Trong đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, bà Ngoan đã cùng với hệ thống chính trị khu dân cư vận động được 103 triệu đồng và 1 tấn gạo cùng 26.000 chiếc khẩu trang y tế; vận động xã hội hóa được 800 suất quà hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn cũng như người lao động, sinh viên thuê trọ bị kẹt lại và các hộ gia đình bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn phường, quận. “Nhìn những cháu sinh viên, những người thợ xây hay đôi vợ chồng già đau yếu vui mừng, nâng niu, trân trọng từng bao gạo, thùng mỳ với khay trứng mình trao, tôi vô cùng xúc động và như được tiếp thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn, nỗi sợ bị lây nhiễm vi rút, từ đó đến được với tất cả những hoàn cảnh khó khăn” – Bà Ngoan chia sẻ. Hạt nhân gắn kết Đảng, gắn kết yêu thương Không chỉ khi dịch bệnh Covid -19 xảy ra, mà đã nhiều năm nay, bà luôn là tấm gương sáng về lòng nhân ái, không ngừng san sẻ yêu thương đến cộng đồng. Chị Phan Thị Thủy Tiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hạ Đình cho biết: Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, bà Ngoan thường xuyên phối hợp cùng với Hội Khuyến Học, Hội Phụ nữ phường để vận động các cán bộ, hội viên, các mạnh thường quân ủng hộ từ 300 – 500 triệu đồng/năm để giúp đỡ người nghèo, trẻ em nghèo trong phường và các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình; Mỹ Đức, Quốc Oai (TP Hà Nội)….; đan trên 4.000 khăn, mũ len, quyên góp hàng ngàn sách vở, dày, dép, quần áo tặng các cháu học sinh nghèo một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bà từng được người dân ở Lai Châu trân trọng gọi là “người mang Tết ấm cho trẻ em vùng cao”. Bà Ngoan đến với trẻ em vùng cao Nhớ lại chuyến thiện nguyện tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đợt cuối năm 2018, bà Ngoan không khỏi xúc động: Đó là những ngày cuối cùng của năm, giá rét. Khi mọi người, mọi nhà đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết đoàn viên thì đoàn thiện nguyện gồm các thành viên của Hội Chữ thập đỏ phường Hạ Đình cùng nhóm thiện nguyện “Trao yêu thương Phương Hạnh” lên đường, mang theo 260 suất quà (bao gồm 200 bộ quần áo, 200 khăn len, 400 đôi tất, 40 thùng sữa, 60 chăn bông, 60 màn tuyn, 60 chai dầu ăn, 60 chai nước mắm, 600 kg gạo, 10 thùng bột canh, 20 thùng bánh kẹo và đồ dùng học tập). Thời tiết khắc nghiệt, cộng với đường đi gập ghềnh, nguy hiểm, gian nan nhưng khi đến nơi, nhìn thấy niềm vui, sự hân hoan, phấn khởi trên từng gương mặt của cả cán bộ và bà con dân bản, của các cháu học sinh, cả đoàn thiện nguyện thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Ai cũng phấn khởi vì đã làm được một việc có ý nghĩa trong những ngày cuối cùng của năm để bước sang một năm mới tràn đầy niềm hứng khởi, yêu thương.”. Điều đáng nói là, từ việc làm ý nghĩa của mình, bà Ngoan còn lan tỏa đến tất cả các thành viên khác trong gia đình. Chồng, con và các cháu luôn ủng hộ, đồng hành với bà trong tất cả các hoạt động thiện nguyện; tạo điều kiện để bà dành trọn thời gian và tâm huyết với công việc của phường, của khu dân cư. Hơn 10 năm qua, gia đình bà luôn được công nhận là gia đình Chữ thập đỏ cấp thành phố. Bà được coi là hạt nhân quan trọng, góp phần đưa Hạ Đình trở thành đơn vị dẫn đầu quận Thanh Xuân trong công tác vận động hiến máu tình nguyện nhiều năm liền, đạt từ 200% - 250% kế hoạch giao. Hội Chữ thập đỏ phường Hạ Đình liên tục 7 năm liền được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, bà Ngoan vinh dự được tín nhiệm bầu giữ trọng trách Bí thư Chi bộ số 5. Với tâm huyết, trách nhiệm của người đảng viên, bà đã cùng với tập thể Chi ủy mạnh dạn, chủ động, sáng tạo, đoàn kết nhân dân, xây dựng Khu dân cư số 5 vững mạnh toàn diện. Năm 2020, Khu dân cư số 5 đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng của phường giao; đã vận động xã hội hóa làm trên 100 giá treo cờ, mua cán cờ và cờ; xã hội hóa vẽ bức tranh bích họa 218 m2 tại ngõ 342 đường Khương Đình trị giá gần 100 triệu đồng với tiêu đề bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị. Toàn khu dân cư có 98% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, tổ dân phố là tổ văn hóa tiêu biểu; 99% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh – hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những đóng góp quan trọng đó, bà Lê Thị Ngoan đã được tặng nhiều Giấy khen và các danh hiệu thi đua của quận, phường; được tặng nhiều huy chương, kỷ niệm chương. Năm 2018, 2019, bà được tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” quận Thanh Xuân. Bà là Hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2021, bà được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội. Đó là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để bà tiếp tục hết lòng với tập thể, với nhân dân./. Mai Thảo                            

Dự kiến chi khoảng 200 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động Thủ đô dịp Tết 2022

TĐKT - Dự kiến, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ chi khoảng 200 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai chương trình tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022 do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức chiều 4/11. Theo đó, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ triển khai chương trình “Tết sum vầy” năm 2022 vào ngày 22/01/2022 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô với sự tham gia của 1.000 đoàn viên, người lao động; dự kiến triển khai chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết” vào ngày 28/01/2022 tại Nhà điều hành Khu công nghiệp Thăng Long; trao biển hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” năm 2022; thăm hỏi, trao 10.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến sẽ hỗ trợ với mức 300.000 đồng/người cho người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí Công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán. Kinh phí tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022 được sử dụng từ nguồn tài chính công đoàn, nguồn quỹ xã hội, nguồn xã hội hóa, ngân sách địa phương… Hội nghị triển khai chương trình tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần Theo đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, trước những tác động của dịch Covid-19 đến đời sống, việc làm của người lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, tổ chức Công đoàn Thủ đô càng phải làm tốt hơn công tác chăm lo, hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần cho đoàn viên, người lao động, đảm bảo tính thực chất, hiệu quả, từ đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, LĐLĐ thành phố đã xây dựng và sẽ triển khai tới các cấp Công đoàn các kịch bản, phương án cụ thể, phù hợp với các cấp độ dịch để các đơn vị chủ động tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022. Dựa trên định hướng chung của LĐLĐ thành phố, đồng chí Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô, đặc biệt là Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động, sáng tạo và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động; đồng thời chú trọng làm tốt công tác truyền thông các hoạt động chăm lo Tết để tạo sức lan tỏa và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn… Thục Anh

Huyện Thường Tín đón nhận Huân chương Lao động trong xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Sáng 31/10, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội xưa - thành phố Hà Nội ngày nay (4/11/1831 - 4/11/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Thường Tín Huyện Thường Tín xưa là huyện Thượng Phúc, với vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ của Kinh thành Thăng Long xưa, Thường Tín là nơi hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hóa Sơn Nam, văn hóa đồng bằng sông Hồng đậm đà bản sắc dân tộc. Nơi đây cũng là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ý chí vượt khó thành tài, vun đắp nên nền văn hiến rực rỡ với nhiều danh nhân nổi tiếng. Vì thế, lúc sinh thời danh sĩ Cao Bá Quát (1809 - 1855), được người đương thời tôn là bậc “thánh” đã gọi Thường Tín là “đất danh hương” - nơi có 123 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố; 49 làng nghề truyền thống được thành phố công nhận, đặc biệt là quê hương của 68 nhà khoa bảng trong lịch sử khoa cử phong kiến, trong đó, tiêu biểu là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, người làng Nhị Khê, xã Nhị Khê... Kế thừa và phát huy truyền thống danh hương, khoa bảng, đất trăm nghề, trong kháng chiến, nhân dân Thường Tín luôn kiên cường, bất khuất. Trong thời kỳ đổi mới, nhân dân Thường Tín năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển các làng nghề truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ XXIV đã xác định mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã của huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2030, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của Quận đô thị. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và cá nhân Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy Trong những năm qua, huyện Thường Tín đã có những bước phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 6,8% so với cùng kỳ (cao hơn bình quân chung của thành phố). Thu ngân sách ước đạt gần 880 tỷ đồng, đạt 118% so với dự toán thành phố giao và dự kiến cả năm 2021 sẽ thu hơn 1.000 tỷ đồng. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nhiều chuyển biến, hạ tầng được tập trung đầu tư. Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả quan trọng, ngày 26/4/2021 vừa qua, huyện Thường Tín đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã trang trọng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho Hội Chữ thập đỏ huyện Thường Tín vì thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 - 2020; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thường Tín, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy. Mai Thảo    

Tôn vinh 18 nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2021

TĐKT - Sáng 29/10, Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tôn vinh “Nông dân Thủ đô xuất sắc”, biểu dương “Chi hội nông dân nghề nghiệp tiêu biểu” và thực hiện Chương trình “Nghĩa tình nông dân Thủ đô - Đoàn kết và sẻ chia”. Tại Hội nghị, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tôn vinh 18 Nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2021; biểu dương 18 Chi hội nông dân nghề nghiệp tiêu biểu; tặng quà 18 hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, tặng hoa các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình “Nghĩa tình nông dân Thủ đô - Đoàn kết và sẻ chia”. 10 tháng đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Nhưng với sự đổi mới, sáng tạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, công tác Hội và phong trào nông dân thành phố đã bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, đặc biệt là Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam trao Bằng khen cho 18 Nông dân Thủ đô xuất sắc Đến nay, Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người/năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,0%. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 0,21%. Các cấp Hội đã tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý; làm tốt công tác xã hội, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn... Điển hình là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, là phong trào nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Thủ đô. Từ phong trào đã dần hình thành các vùng sản xuất theo định hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, đã xây dựng 752 mô hình kinh tế tập thể với 19.269 hộ tham gia, phát triển 8.294 mô hình kinh tế hộ với 25.876 lao động. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch. Các cấp Hội đã vận động 3.925 cán bộ, hội viên tham gia trực tại các chốt phòng dịch; 5.232 người tham gia các Tổ Covid cộng đồng; 4.258 người tham gia các tổ tuần tra, giám sát ở các thôn, xóm và 1.612 người tham gia công tác tuyên truyền qua các nhóm zalo, fanpage ở cơ sở.  Cùng với đó, Hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch được 5 tỷ 163 triệu đồng; ủng hộ Quỹ Vắc xin 5 tỷ 895 triệu đồng; ủng hộ các nguồn lực và hiện vật trị giá trên 12 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân các quận nội thành trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hơn 70 tấn nông sản. Ngoài ra, các cấp Hội còn kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ được 1.470 tấn nông sản trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Công tác Hội và phong trào nông dân Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới; diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hàng loạt những đột phá về khoa học và tiến bộ công nghệ, sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động nói chung và nhất là của nông dân nói riêng. Tình hình này sẽ tạo ra cả những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân trong thời gian tới. Từ thực tiễn đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp Hội Nông dân thành phố cần chủ động và tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho cán bộ, hội viên, nông dân. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Tiếp tục ủng hộ các nguồn lực cùng thành phố phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, góp phần từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế, đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường mới. Tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội, đặc biệt là nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn” và cuộc vận động xây dựng người nông dân Hà Nội “thanh lịch - văn minh”. Tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị... Thục Anh  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại doanh nghiệp tiêu biểu Rạng Đông

TĐKT - Chiều 27/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nhằm động viên các cá nhân điển hình tiên tiến là người cao tuổi làm quản lý các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhân Tháng hành động vì Người cao tuổi; kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021) và Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Cùng tham gia đoàn có đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương. Lãnh đạo thành phố Hà Nội có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những lời Bác Hồ dặn dò khi về thăm công ty vào năm 1964, từ bảo vệ sự đoàn kết nội bộ tới bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống công nhân. Chủ tịch nước hoan nghênh công ty trong chặng đường 60 năm đã phát huy tốt lời Bác dạy, trở thành doanh nghiệp điển hình về công nghiệp công nghệ cao; đã có nhiều nhà khoa học đầu ngành làm việc tại đây, có nhiều sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng có tính tự động hóa cao. 32 năm liền doanh thu năm sau cao hơn năm trước, tạo đủ việc làm, người lao động có thu nhập ổn định, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và góp phần vào công tác an sinh xã hội; trở thành một trong 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Rạng Đông luôn luôn đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong gần 2 năm qua, không ai trong công ty bị lây nhiễm, bị cách ly hoặc điều trị, tỷ lệ tiêm vaccine ở mức cao. Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty ấn tượng: Năm 2020, doanh thu vẫn tăng trưởng 15%; 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu vẫn tăng trưởng 12,8%, lợi nhuận tăng 11,5%, xuất khẩu tăng 47% so cùng kỳ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Đặc biệt, Chủ tịch nước ghi nhận và hoan nghênh hoạt động thi đua, khen thưởng trong công ty theo hướng đẩy mạnh việc học tập, noi gương Bác Hồ kính yêu. Chủ tịch nước cho rằng, dù là công ty tư nhân nhưng Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vẫn duy trì tốt tổ chức Đảng; đảm bảo tốt quyền lợi của công nhân, người lao động và là doanh nghiệp điển hình về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao, sản xuất các sản phẩm thông minh, bảo vệ sức khỏe con người. Đây xứng đáng là doanh nghiệp điển hình về ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất giúp tăng năng suất, với lãnh đạo doanh nghiệp là người cao tuổi. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà cho đồng chí Nguyễn Đoàn Thăng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc công ty, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc Dịp này, Chủ tịch nước đã biểu dương và trao tặng quà cho đồng chí Nguyễn Đoàn Thăng – Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong lãnh đạo điều hành doanh nghiệp. Cũng trong chương trình làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi thăm dây chuyền sản xuất, Trung tâm R&D công nghệ số, trải nghiệm các sản phẩm chiếu sáng thông minh của Rạng Đông; đồng thời gặp gỡ, trao tặng quà cho công nhân lao động và các nhà khoa học đang hợp tác nghiên cứu khoa học với công ty. Mai Thảo    

Xét duyệt danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021

TĐKT - Trong thời gian 2 ngày (26 - 27/10), ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021 theo hình thức trực tuyến tới gần 300 điểm cầu các phòng GDĐT và các đơn vị trường học. Vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: Thanh Tùng Năm học 2020 - 2021 là năm thứ 5, ngành GDĐT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Bộ GDĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động nhằm động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện các giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Các trường học, đơn vị giáo dục tiếp tục thực hiện phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, duy trì các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, từ đó tạo cơ hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGV,NV) có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, hỗ trợ thực hiện những giải pháp đổi mới, sáng tạo. Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 được Sở GDĐT Hà Nội và Công đoàn ngành GDĐT Hà Nội tổ chức nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Giải thưởng cũng nhằm khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường. Đồng thời, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng… góp phần xây dựng đơn vị và ngành GDĐT Thủ đô ngày càng vững mạnh. Đặc biệt “Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5, năm học 2020 - 2021 toàn ngành GDĐT Hà Nội đang tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021). Trước đó, từ tháng 2/2021 đến tháng 5/2021, Giải thưởng đã được các phòng GDĐT, các đơn vị trường học triển khai sâu rộng đến các nhà giáo. Nhiều ý tưởng giải pháp đổi mới trong quản lý, chỉ đạo dạy học, đổi mới phương pháp, xây dựng trường học hạnh phúc, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học trực tuyến, công tác giáo viên chủ nhiệm, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng dạy học đã được các nhà giáo khai thác, triển khai hiệu quả. Một số phòng GDĐT tổ chức giải thưởng cấp quận, huyện tốt như quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai, quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, huyện Đan Phượng...  Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, 155 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT đã được đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp ngành. Cô giáo Nguyễn Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai trình bày về sáng tạo xây dựng website học tập ATM hạnh phúc. Ảnh: Thanh Tùng) Tại cấp ngành, Hội đồng xét duyệt đã tổ chức chấm vòng sơ loại để chọn 40 nhà giáo xét duyệt vòng Chung khảo bắt đầu từ ngày 26/10/2021, gồm 10 nhà giáo cấp học mầm non, 10 nhà giáo cấp học tiểu học, 10 nhà giáo cấp học THCS, 10 nhà giáo cấp học THPT và GDTX. Tại vòng Chung khảo, 40 nhà giáo tiêu biểu sẽ trực tiếp báo cáo những đổi mới, sáng tạo trước Hội đồng thẩm định và trả lời một số câu hỏi mà Hội đồng thẩm định đưa ra. Điểm mới của vòng Chung khảo năm nay, đó là Hội đồng thực hiện xét duyệt theo hình thức trực tuyến. Mỗi buổi xét duyệt, theo từng cấp học, Ban Tổ chức sẽ kết nối trực tuyến tới điểm cầu các phòng GDĐT, các đơn vị trường học để Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn các đơn vị cùng tham dự (cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên sẽ kết nối tới hơn 100 điểm cầu/cấp học, riêng cấp THPT kết nối tới 200 điểm cầu). Việc đổi mới này nhằm mục đích lan tỏa những giải pháp ý tưởng đổi mới sáng tạo trong quản lý, trong giảng dạy và chỉ đạo tốt hơn nữa mùa giải thứ 6 năm học 2021 - 2022. Mùa giải thứ 5 hứa hẹn sẽ gặt hái được những thành công và Ban Tổ chức luôn đánh giá sự thành công nhất là giải thưởng không phải đánh giá để kết thúc một quá trình sáng tạo, mà nó luôn nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo không chấp nhận đứng tại chỗ mà luôn phát huy được những điểm mạnh, không ngừng sáng tạo. Bởi cổ nhân có câu: “Sự học như thuyền trôi ngược nước, không tiến, ắt lùi”. Vậy nên khi các thầy, cô giáo nhận giải thưởng vừa là vinh dự song cũng là “nhận trách nhiệm” vừa tiếp tục phát triển bản thân, vừa lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo, các nhà giáo vừa tự nâng bậc, vừa giúp được học sinh và đồng nghiệp cùng sáng trí - ấm lòng. Có ý nghĩa và không phôi phai - đó là giá trị đích thực của một danh hiệu. Dự kiến, lễ tổng kết và trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 diễn ra vào tháng 11/2021. Mai Thảo

Trang