Hà Nội thi đua ái quốc

Hàng nghìn túi “An sinh Công đoàn” đến với công nhân “3 tại chỗ” ở Thủ đô

TĐKT - Sáng 31/8, 2 chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” tiếp tục lăn bánh chở 1.114 túi “An sinh Công đoàn” tới công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Trưởng đoàn của chuyến là đồng chí Phạm Bá Vĩnh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội. Cùng dự có đồng chí Lê Quang Long – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Mỗi túi “An sinh Công đoàn” trị giá 200.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, muối, lạc. Tại Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam và Công ty TNHH HAL Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Phạm Bá Vĩnh đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”; thăm hỏi đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh trao 274 “Túi An sinh Công đoàn” cho đoàn viên, CNLĐ Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam Trực tiếp trao 494 suất quà cho đoàn viên, công nhân, lao động (CNLĐ) 2 doanh nghiệp, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã gửi lời động viên, chia sẻ với người lao động. Những món quà của tổ chức Công đoàn hy vọng sẽ là nguồn động lực để đoàn viên, người lao động khắc phục những khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. 620 suất quà còn lại được cán bộ Công đoàn Hà Nội và Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chuyển tới đoàn viên, CNLĐ của 11 doanh nghiệp “3 tại chỗ” trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam, anh Đặng Vũ Long – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị về giãn cách xã hội, công ty đang duy trì 300 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, chia 5 ca làm việc, bố trí các phòng, trang bị màn, chăn, gối… cho công nhân ăn, ở tại công ty, đảm bảo quy định giãn cách để làm việc. Công ty còn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm của 4 bữa ăn cho công nhân mỗi ngày. Đại diện Công ty TNHH HAL Việt Nam nhận 220 “Túi An sinh Công đoàn” của LĐLĐ TP Hà Nội Đồng thời để sản xuất an toàn, công ty cũng đã phân khu vực làm việc độc lập, xét nghiệm PCR tần suất 3 ngày/lần cho công nhân lao động. Không cho công nhân ra khỏi nhà máy, không tiếp xúc với người ngoài, tuân thủ đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện 5K… “Mặc dù rất nhớ gia đình, người thân vì công nhân phải ở lại, sinh hoạt tại doanh nghiệp trong thời gian khá dài nhưng chúng tôi cùng cố gắng khắc phục khó khăn bởi hiện tại có được việc làm, có thu nhập là điều may mắn. Hôm nay, nhận được  những món quà của tổ chức Công đoàn Thủ đô, CNLĐ cảm thấy an lòng hơn, những phần quà tạo động lực cho người lao động cố gắng lao động sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng dịch” - anh Long chia sẻ. Trước những khó khăn đang gặp phải, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục triển khai mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” chở những “Túi An sinh Công đoàn” đến trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đề nghị Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các công đoàn cơ sở doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để bảo vệ quyền lợi và kịp thời có các hoạt động chăm lo thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đồng chí cũng mong rằng, các doanh nghiệp và bản thân mỗi đoàn viên, người lao động cần cố gắng, luôn lạc quan để vượt qua những khó khăn, trước mắt giữ nhà máy an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống và tin tưởng vào sự đồng hành của tổ chức Công đoàn. Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Phi Thường thăm, tặng quà tại khu cách ly y tế tập trung đóng tại nhà nghỉ công đoàn Chùa Hương. Chiều cùng ngày, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã trao 1.000 suất cho CNLĐ thuộc huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức và thăm, tặng quà các trung tâm y tế trên địa bàn 2 huyện. Được biết, trước đó, ngày 25, 26, 27/8, chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ TP Hà Nội đã chở 2255 “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ đoàn viên và NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mai Thảo

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9/2021

TĐKT - Nhằm giữ vững thành quả, với quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp biểu quyết thống nhất trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến 6h ngày 6/9/2021. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội chiều ngày 20/8. Cuộc họp báo do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại họp báo Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc. Trong đó, 1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, 212 ca ghi nhận trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh. Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó, 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát. Thành phố cũng đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12h ngày 20/8, thành phố còn 99/464 điểm phong tỏa. Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong thời gian qua, thành phố đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của nhân dân, nhiều cơ sở đã chủ động, tự nguyện thiết lập vùng xanh, huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. “Đây là việc làm rất hiệu quả giúp quản lý từ cơ sở và giảm gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu, huy động được sự vào cuộc của nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ. Qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Công an thành phố đã duy trì 23 chốt bảo vệ cửa ngõ, 44 chốt đường ngang, lối mở để kiểm soát lượng người di biến động ra vào Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn trên địa bàn Thủ đô. Cùng với công tác phòng, chống dịch, Hà Nội cũng đẩy mạnh đảm bảo an sinh xã hội, bám sát thực tiễn, hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức có khó khăn. Tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỷ đồng… Các vùng xanh an toàn tại Hà Nội Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá: Nhờ cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các thôn, tổ dân phố đã rất nỗ lực cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn rất cao vì vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được. “Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông. “Việc này thành phố đã giao Công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng, chống dịch của thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ. Ngoài ra, Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của TP Hà Nội sẽ được tổ chức vào đúng 7h30 ngày 5/9/2021, bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tới toàn thể nhân dân Thủ đô. Mai Thảo

“Chuyến xe yêu thương” hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Thủ đô

TĐKT - Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngày 19/8, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội (CĐN) phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức “Chuyến xe yêu thương” đến hỗ trợ các cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) trong ngành gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.  “Chuyến xe yêu thương” đã trao tặng 200 “Túi an sinh công đoàn” của Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô tới 200 đoàn viên của 11 đơn vị trực thuộc bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và kinh phí hỗ trợ cho 138 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn mỗi đoàn viên 1,5 triệu đồng. Đồng thời, trao tặng 4.000 khẩu trang và 40 lít dung dịch khử khuẩn của Sở GDĐT Hà Nội cho hai trường Mẫu giáo Mầm non B và Mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị. Tại các điểm trao quà, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Chính Hữu và Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, việc làm, chia sẻ với những khó khăn của CBGVNV, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Chúc các nhà giáo khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19, chào đón năm học mới 2021 - 2022. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tặng quà cho giáo viên, nhân viên khó khăn tại các điểm trường. Chia sẻ về công tác chăm lo cho CBGVNV bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, việc làm, thu nhập, Công đoàn Ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, quy định của trung ương, thành phố về phòng, chống dịch bệnh, triển khai hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Công đoàn ngành đã tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình các nhà giáo và người lao động trong diện F0, F1, diện bị cách ly, phong tỏa, các nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là nhà giáo ở khối ngoài công lập và công lập tự chủ. “Đến nay, Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội thăm hỏi, động viên, tặng quà tới  320 đoàn viên khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người. Hỗ trợ 38 giáo viên khó khăn khối trực thuộc, mỗi giáo viên 1,5 triệu đồng. Đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ các đoàn viên trong diện F0 mỗi người từ 2 - 4 triệu đồng. Tham mưu Liên đoàn Lao động thành phố tặng quà 100% CBGVNV 2 trường Mầm non B và Mẫu giáo Việt Triều trong Chương trình 4000 gói quà của Liên đoàn Lao động thành phố, mỗi suất quà 500.000 đồng. Thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn trong dịp khai giảng năm học mới 300 suất quà với tổng số tiền 300 triệu đồng” -  Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà cho biết. Phát biểu tại các điểm trao quà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, những ngày này, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang dành sự quan tâm, chăm lo cho người lao động, trong đó có người lao động trong ngành Giáo dục. Thành phố Hà Nội đã có cơ chế đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe, ưu tiên tiêm vắc xin. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cũng như các phòng, ban trực thuộc cũng rất quan tâm đến những cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.  Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh: Những túi quà tuy nhỏ nhưng là tình cảm, sự động viên của Sở và Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô đối với các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thời điểm hiện nay. Lãnh đạo Sở cũng mong muốn, các cán bộ, giáo viên sẽ cùng chung sức vượt qua những khó khăn trong thời điểm này để toàn ngành có thể sớm trở lại trạng thái dạy và học mới. Cũng trong ngày 19/8, “Chuyến xe yêu thương” do Công đoàn Giáo dục Hà Nội phối hợp Sở GDĐT Hà Nội tổ chức đã trao tặng CBGVNV bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các Trường PTCS Xã Đàn, TH Bình Minh, THPT Tây Hồ, THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Hoàng Mai, 2 Công ty CP Sách và Thiết bị Giáo dục Hà Nội, Hà Tây, THPT Hà Đông. Thục Anh

Cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay đẩy lùi dịch bệnh

TĐKT – Ngày 17/8, Công an TP Hà Nội đã tổ chức phát động chiến dịch “Lực lượng Công an Thủ đô – Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố - Chung sức vì cộng đồng” và hành trình “Giọt máu nghĩa tình, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19”. Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội... Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi lễ (ảnh: CAND) Phát động chiến dịch, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, với phương châm "Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô là chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; mỗi đơn vị, tổ chức trong công an thành phố là pháo đài vững chắc, không bị lây nhiễm dịch COVID-19”, từng cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong mọi tình huống, linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trên địa bàn thành phố. Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, những chiến công, thành tích của lực lượng công an Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như bảo đảm an ninh, trật tự thời gian qua đã góp phần lan tỏa xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân trên tuyến đầu phòng, chống dịch và trận tuyến đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như các hoạt động chung tay vì cộng đồng. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu Công an TP Hà Nội cần tiếp tục chủ động và kiên quyết giữ vững “vùng xanh”, “Giữ vững bên trong - Bảo vệ vững chắc lan tỏa ra bên ngoài"; chủ động, sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết về việc tăng cường nguồn nhân lực, vật lực trong phạm vi có thể một cách cao nhất để phục vụ việc bảo vệ “vùng xanh” hoặc phối hợp xóa nhanh “vùng đỏ”… Cùng với đó, phải tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, nghiên cứu chuyên sâu về loại dịch bệnh này, nhằm thống nhất cao về nhận thức, nhận diện, nhận dạng và nhận biết một cách toàn diện về dịch, hậu quả, tác hại do dịch gây nên và tính hệ lụy, phương pháp, biện pháp phòng, chống trên thế giới, khu vực và ở trong nước. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh, nghiêm túc về những chủ trương, định hướng, phương pháp, giải pháp về công tác phòng, chống dịch của trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế và của Bộ Công an. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông và chủ động phản bác những thông tin xấu độc, phản tuyên truyền trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao… Nhân dịp này, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội đã tình nguyện hiến những đơn vị máu đầu tiên hưởng ứng chiến dịch chung sức vì cộng đồng. Qua đó nhân lên hình đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an trong lòng nhân dân, nhất là trong bối cảnh, toàn quân và toàn dân đang chung tay phòng, chống, đẩy lùi đại dịch COVID-19. Minh Phương

Các chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Thủ đô Hà Nội

TĐKT – Để kịp thời hỗ trợ người dân Thủ đô có thêm điều kiện để vững vàng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, TP Hà Nội đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù. * Ngày 13/8/2021, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội, bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại Trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt HĐLĐ do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 21 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký HĐLĐ nhưng phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg. Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo điều kiện: Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt HĐLĐ trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 do cơ sở giáo dục dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ) và không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/chủ cơ sở. Ngoài ra, Nghị quyết của Thường trực HĐND cũng quy định: Hỗ trợ bổ sung cho người lao động quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều này trong các trường hợp sau: Người lao động đang mang thai - mức hỗ trợ bổ sung 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi - mức hỗ trợ bổ sung 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em). Nghị quyết cũng nêu rõ, việc hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên phải đảm bảo các nguyên tắc: Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không để lợi dụng trục lợi chính sách; mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia; mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ nêu từ Khoản 2 đến Khoản 8 Điều 1 (trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất, người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết này); các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này. Phương thức hỗ trợ là chi trả 1 lần trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Nguồn kinh phí hỗ trợ là ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí chi trả cho các đối tượng thụ hưởng do các sở, ngành thực hiện; ngân sách quận, huyện, thị xã sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng; ngân sách thành phố kịp thời bổ sung kinh phí còn thiếu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện chính sách. Để thực hiện, trong Nghị quyết, Thường trực HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; rà soát nguồn và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách các cấp để thực hiện chính sách; chỉ đạo tiếp tục rà soát các đối tượng gặp khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế của thành phố; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết và báo cáo HĐND thành phố tại các kỳ họp. * Cũng trong ngày 13/8, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Cụ thể, hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho các trường hợp: Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố; các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10m3 nước/hộ dân theo giá nước sạch mức sinh hoạt 1 tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội). Hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân (ngoài các đối tượng nêu trên). Thời gian thực hiện gồm các tháng 9, 10, 11, 12/2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố. Phương thức hỗ trợ: Thành phố thực hiện hỗ trợ thông qua các đơn vị cấp nước để giảm trực tiếp tiền nước xác định theo hóa đơn của người sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị. Thường trực HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo việc thực hiện hỗ trợ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo HĐND Thành phố tại các kỳ họp. Mai Thảo

“Túi an sinh công đoàn”: Trao quà hỗ trợ, tiếp thêm niềm tin cho đoàn viên, người lao động

TĐKT - Thời gian qua, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo triển khai đến các cấp công đoàn về đẩy mạnh phòng, chống dịch và chăm lo, bảo vệ đoàn viên, công nhân, lao động. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của các tổ cứu trợ khẩn cấp. Những phần quà từ các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, hàng ngàn “Túi an sinh công đoàn” đã và đang được chuyển đến tận tay hàng ngàn đoàn viên, người lao động khó khăn của Thủ đô. Đây thực sự là điểm tựa của công nhân, giúp người lao động yên tâm “Ai ở đâu ở đấy” trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tri ân đội ngũ tuyến đầu chống dịch Ông Trịnh Tố Tâm - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế Hà Nội từ tuyến y tế cơ sở tới thành phố những ngày qua đã nỗ lực hết mình, chủ động nơi tuyến đầu chống dịch. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường tặng quà các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế phải tăng cường tối đa về thời gian, cường độ làm việc... để triển khai công tác điều tra, truy vết, cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Từ đó, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị của thành phố quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần chăm sóc, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Tại quận Đống Đa, hiện tại công tác rà soát và xét nghiệm diện rộng trên địa bàn được Trung tâm Y tế quận tiến hành khẩn trương theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố với số lượng ban đầu khoảng 55.000 người. Theo đó, đội cán bộ, nhân viên y tế làm việc bằng 200% sức lực, nhanh nhất có thể xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ cư dân, “vét sạch” F0 trong cộng đồng tại khu vực “điểm nóng” như phường Văn Chương. Cùng với đội ngũ y tế dự phòng, lực lượng cán bộ, y, bác sĩ tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố làm nhiệm vụ khám sàng lọc, thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 cũng đã làm việc với sự cố gắng gấp 2, 3 lần bình thường. Mặc dù vất vả, song tất cả đều đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên hàng đầu. Để kịp thời động viên, tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, những ngày qua, công đoàn Thủ đô các cấp đã gửi đến họ những phần quà hỗ trợ cũng như tình cảm đặc biệt. LĐLĐ Huyện Mỹ Đức tặng “Túi an sinh công đoàn” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đến thăm, động viên các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Bệnh viên Đa khoa quận Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã gửi lời cảm ơn và dành những tình cảm biết ơn sâu sắc đến những “chiến sĩ áo trắng” đang làm việc thầm lặng không quản ngại vất vả. Tại đây, Chủ tịch LĐLD TP Hà Nội đã trao mỗi đơn vị 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Nhấn mạnh những khó khăn thử thách vẫn còn hiện hữu khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội đề nghị đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế phải giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình. Đồng thời nêu cao tinh thần “lương y như từ mẫu” khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, bên cạnh việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh Covid-19, LĐLĐ thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh hoạt động quan tâm, chăm lo, tiếp sức, đồng hành với đoàn viên, người lao động ở tuyến đầu chống dịch. Thay mặt đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa quận Đống Đa khẳng định: Sự quan tâm động viên của Công đoàn các cấp là sự động viên hết sức có ý nghĩa, giúp các cán bộ y tế có thêm động lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Điểm tựa cho người lao động khó khăn Không chỉ lực lượng tuyến đầu chống dịch mà những đoàn viên, người lao động gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng được các cấp Công đoàn Thủ đô kịp thời quan tâm, hỗ trợ hàng nghìn suất quà tặng thiết yếu. Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà người lao động gặp khó trên địa bàn thành phố Chỉ tính riêng giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, LĐLĐ TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Cụ thể, thông qua các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã vận chuyển các “Túi an sinh công đoàn” đến các địa bàn đông công nhân để hỗ trợ kịp thời cho 15.800 đoàn viên, người lao động với tổng trị giá hàng hóa 3,16 tỷ đồng đồng. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức 34 “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” để vận chuyển hàng hóa hỗ trợ khẩn cấp 16.526 “Túi an sinh công đoàn” với mức giá trị 200.000 đồng/suất cho 16.526 người lao động với tổng số tiền trên 8,33 tỷ đồng. Trong chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức sáng 13/8, 1000 suất quà “An sinh công đoàn” đã được trao cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín). Dù mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng bao gồm các nhu yếu phẩm như: Gạo, dầu ăn, cá hộp…nhưng đã mang lại những cảm xúc ấm áp, tình người. Ngày 12/8, chuyến Xe buýt Siêu thị 0 đồng của LĐLĐ huyện Phúc Thọ đến với 15 bếp ăn tại các doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ, hỗ trợ các loại rau xanh, thịt, trứng, đậu phụ... và trao 260 túi an sinh công đoàn Đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Động) chia sẻ, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị về giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu đã thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí 9 phòng ký túc xá, trang bị lều bạt, chăn, gối cho công nhân ăn ở tại công ty. Đồng thời, để sản xuất an toàn, công ty cũng đã phân khu vực làm việc độc lập, xét nghiệm PCR tần suất 3 ngày/lần cho công nhân lao động. Không cho công nhân ra khỏi nhà máy, không tiếp xúc với người ngoài, tuân thủ đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện 5K… Đại diện công ty xúc động: Những suất quà của tổ chức Công đoàn Thủ đô không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất thiết yếu cho người lao động, mà đó còn là món quà có ý nghĩa, tạo động lực để đoàn viên, người lao động yên tâm làm việc, chung tay cũng các cấp chính quyền nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm khôi phục lại trạng thái sản xuất bình thường. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn dịch bệnh này đó là cố gắng giữ nhà máy an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống, nhân lên nhiều “vùng xanh trong doanh nghiệp. Công đoàn sẽ luôn là điểm tựa vững chắc cho người lao động. Mai Thảo  

Hà Nội đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT – “Hà Nội đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch Covid-19” – Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi tới thăm, động viên và làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ngày 13/8. Cùng dự có các đại biểu Trung ương: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Đại biểu TP Hà Nội dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Chu Ngọc Anh và một số lãnh đạo khác. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội với vị trí là trung tâm của cả nước về giao thương, kinh tế, văn hóa, xã hội... nên nguy cơ dịch bệnh luôn ở mức cao. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã có nhiều ca bệnh Covid-19, nếu không có quyết sách kịp thời, chắc chắn tình hình dịch bệnh sẽ hết sức phức tạp. Do vậy, ngày 24/7, thành phố thống nhất cao giãn cách xã hội trên toàn thành phố. Trong thời gian giãn cách, số ca trung bình trên 60 ca/ngày, trong đợt giãn cách lần 2 này, số ca mắc trong cộng đồng giảm dần; đến nay, trung bình khoảng 30 ca trong cộng đồng/ngày. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp, vận dụng nhuần nhuyễn các phương châm phòng, chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa, cách ly theo mô hình “3 lớp”, đến nay, là ngày thứ 20 Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình và đang triển khai xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng. Sau 3 ngày triển khai, kết quả cho thấy, tỷ lệ khoảng 1 vạn dân có 1 ca F0 - đây là tỷ lệ thấp và nằm trong dự báo của thành phố. Về công tác tiêm vắc xin, trên cơ sở lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, thành phố đã tiêm được 13,9% số người dân thuộc diện đủ điều kiện tiêm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tặng quà các đơn vị làm nhiệm vụ Song song với các biện pháp phòng, chống dịch, Hà Nội đã cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc triển khai nhanh gói hỗ trợ 12 nhóm người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, đồng thời, có chính sách hỗ trợ riêng cho các nhóm đối tượng khác với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". “Với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Y tế và các Bộ, ngành Trung ương đều ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; nhất là việc Hà Nội luôn nắm thế chủ động, dự báo chính xác tình hình, ra quyết định đúng, trúng, kịp thời và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì; đã huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sức dân tạo thành lá chắn ngày càng vững chắc từ cơ sở. Đoàn công tác của Chủ tịch nước trao 40 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của TP Hà Nội Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hà Nội đang đi đúng hướng trong đợt thứ dịch thứ tư và tin tưởng, dưới sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền thành phố sẽ chèo lái con thuyền vượt qua sóng dữ an toàn. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, có mật độ dân số đông và là đầu mối giao thương của cả nước, do đó nguy cơ lây mắc Covid-19 cao. Chủ tịch nước khẳng định, ưu tiên của Trung ương, Bộ Chính trị là phải nhanh chóng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh ở Hà Nội, đưa Thủ đô trở thành nơi an toàn, hậu phương quan trọng, vững chắc, từ đó có thể chi viện cho các địa phương khác có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chủ tịch nước đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị thành phố, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, đặc biệt sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch nước cho rằng, Hà Nội đã có quyết định kịp thời giãn cách xã hội, tạo nên “một bức tường thành” ngăn chặn đại dịch lây lan; tránh nguy cơ khủng hoảng y tế và các vấn đề xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của thành phố trong thực hiện công tác chuẩn bị với phương châm “4 tại chỗ” tương ứng với các phương án phòng, chống dịch ở mức cao như: Bảo đảm đủ chỗ điều trị cho 30.000 ca F0, đủ chỗ cách ly cho 65.000 ca F1. Đây chính là sự cụ thể hóa tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng hoàn toàn đồng ý với giải pháp xét nghiệm diện rộng mà thành phố đang triển khai. Gợi ý một số biện pháp phòng, chống Covid-19 cho thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến các vấn đề: Giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vắc xin và công nghệ; thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến ở từng khu vực và trên địa bàn trong tiến hành giãn cách. Chủ tịch nước đề nghị không chủ quan trước những biến thể mới của Covid-19; tiếp tục phát huy tinh thần 5K + vắc xin cần nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa “không được để trái tim của cả nước bị dịch bệnh đe dọa”, Chủ tịch nước chỉ đạo. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội thăm,động viên nhân dân tham gia bảo vệ “vùng xanh”, khu  dân cư phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tiếp tục xem xét tăng cường năng lực xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng những khu vực nguy cơ cao. Về điều trị, thành phố nên tăng cường năng lực ở tầng dưới, giảm tải tầng trên, tăng cường tập huấn cho các lực lượng làm nhiệm vụ; tiếp tục phát huy mô hình Tổ Covid-19 cộng đồng. Mỗi người dân có biểu hiện ho, sốt đều phải được xem xét xử lý sớm, kịp thời. Về vắc xin phòng Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là giải pháp cứu cánh giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Do đó, thành phố cần nghiên cứu các quan điểm về vấn đề này như: tập trung cho "vùng đỏ", tiêm cho người già, người nghèo, người có bệnh nền… với chiến lược cụ thể. Chủ tịch nước yêu cầu bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu khác, sớm tiêm 2 mũi để đảm bảo an toàn trong thực thi nhiệm vụ. Thành phố cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong phát hiện, truy vết. Bên cạnh đó là quan tâm đảm bảo dòng chảy hàng hóa vận chuyển an toàn, cung cấp đầy đủ cho người dân; chủ động, sẵn sàng hơn nữa về hậu cần, thuốc, vật tư y tế, bình ô xy ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát mạnh; kiểm soát chặt chẽ các chốt ra vào thành phố… Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội cần tiếp cận công tác phòng, chống dịch theo vùng, liên vùng; luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi chủ trương, chính sách, bảo đảm an sinh xã hội; có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ phù hợp; trước mắt, tập trung phòng, chống dịch; cương quyết giãn cách xã hội nhưng khi an toàn phải là nới phục hồi nhanh nhất, mạnh nhất. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho TP Hà Nội trong phòng, chống dịch; có cơ chế chính sách quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các lực lượng tuyến đầu. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao 40 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với niềm tin nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đồng lòng, chung sức vượt qua đại dịch trong thời gian sớm nhất. Hưng Vũ

Khen thưởng học sinh, cán bộ giáo viên Thủ đô có thành tích xuất sắc tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế

TĐKT - Ngày 11/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký quyết định số 3909/QĐ-UBND về việc khen thưởng thành tích xuất sắc đột xuất cho học sinh đạt giải tại các cuộc thi quốc tế và cán bộ, giáo viên huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đạt giải năm học 2020 - 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh quyết định tặng Bằng khen cho 2 học sinh đạt Huy chương Vàng và 8 cá nhân thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đạt giải tại cuộc thi Olympic quốc tế năm học 2020 - 2021. Mức thưởng cho mỗi học sinh đạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2021 là 20 triệu đồng; mỗi cá nhân có thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đạt giải được thưởng bằng 1 lần mức lương cơ sở. Hai học sinh xuất sắc giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2021 là học sinh Nguyễn Lê Thảo Anh, lớp 12 Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và học sinh Nguyễn Duy Anh, lớp 12 Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hai học sinh Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Lê Thảo Anh chụp ảnh cùng thầy cô giáo Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2021. 8 cán bộ, giáo viên huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đạt giải năm học 2020 - 2021 gồm: ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội; ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội; ông Dương Công Thịnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội; ông Hà Lam Sơn, chuyên viên phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội; ông Bùi Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; ông Nguyễn Trung Tuân, giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; ông Lê Mạnh Cường, giáo viên môn Vật Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và ông Nguyễn Hồng Hải, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm học 2020 - 2021, với sự chỉ đạo sâu sát, khoa học của Sở GDĐT, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng đội tuyển, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm học tập của các em học sinh, học sinh Hà Nội đã giành kết quả xuất sắc tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải với 139 thí sinh đạt giải, trong đó có 11 giải Nhất, 45 giải Nhì, 50 giải Ba và 33 giải Khuyến khích. Đặc biệt Hà Nội có 22 học sinh thuộc các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học được dự thi vòng 2 chọn đội tuyển dự thi quốc tế; 5 học sinh được chọn dự thi quốc tế thuộc các môn Toán học, Vật lý, Hóa học. Tại các kỳ thi quốc tế năm học 2020 - 2021 do Bộ GDĐT thành lập đội tuyển, học sinh Hà Nội đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Cụ thể, tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2021 do Đài Loan (Trung Quốc) đăng cai tổ chức, Hà Nội có 3 học sinh dự thi 3/3 giành Huy chương (2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng). Đặc biệt, em Nguyễn Mạnh Quân, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt điểm cao nhất của kỳ thi và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng Bằng khen. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt được thành tích này khi tham gia dự thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương. Học sinh Đỗ Bách Khoa (đứng giữa) dự thi Olympic Toán học quốc tế 2021 là học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giành Huy chương Vàng đầu tiên của nhà trường kể từ khi thành lập Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2021 lần thứ 62 do Liên bang Nga đăng cai tổ chức diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 19-20/7/2021, học sinh Đỗ Bách Khoa, lớp 12 Toán 1, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc đạt Huy chương Vàng và có điểm số đứng thứ 10 trong số các học sinh tham dự. Với kết quả này, em Đỗ Bách Khoa trở thành học sinh đầu tiên của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt Huy chương Vàng Toán quốc tế kể từ khi thành lập trường năm 1985. Học sinh Nguyễn Mạnh Quân và Trần Quang Vinh dự thi Olympic Vật lý quốc tế 2021 là học sinh lớp 12 Lý 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đều giành Huy chương Vàng Tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2021 (IPhO) 2021 do Lithuania đăng cai tổ chức, hai thí sinh lớp 12 chuyên Lý 1 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là em Nguyễn Mạnh Quân  và em Trần Quang Vinh cùng giành được Huy chương Vàng. Thành tích xuất sắc này đã tạo ra kỳ tích của giáo dục Thủ đô trong quá trình chinh phục đỉnh cao môn Vật lý. Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2021 (IChO 2021), hai học sinh Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Lê Thảo Anh học lớp 12 chuyên Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đã xuất sắc giành được 02 Huy chương Vàng. Với thành tích này, hai em đã góp phần cùng với đội tuyển quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích cao tại Olympic Hóa học quốc tế những năm qua. Do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố, Lãnh đạo Sở GDĐT đã thông tin về hình thức khen thưởng của Chủ tịch UBND Thành phố, đồng thời gửi lời chúc mừng đến cán bộ, giáo viên, nhà trường và các em học sinh. Việc tổ chức trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp. Mai Thảo

Mở rộng mặt trận thứ hai phòng, chống dịch bệnh Covid – 19: Hà Nội xét nghiệm sàng lọc diện rộng toàn thành phố

TĐKT - Nhằm từng bước tấn công, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, cả hệ thống chính trị của Thủ đô đã vào cuộc với những công việc được thần tốc thực hiện, huy động mọi lực lượng cùng sức mạnh đoàn kết của nhân dân để bảo vệ vùng xanh, thực hiện giãn cách xã hội có hiệu quả, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử khi được phân bổ vaccine. Bên cạnh đó, thành phố đặt trọng tâm xét nghiệm nhanh nhằm khoanh đúng, trúng các ổ dịch, tăng cường truy vết, khoanh vùng, bóc tách các ca F0 khỏi cộng đồng. “Thần tốc” xét nghiệm khoanh vùng ổ dịch Trong các đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thành phố luôn chủ động thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc, tăng cường quy mô xét nghiệm đối với các trường hợp ho, sốt... nhằm chủ động tấn công, làm sạch các mầm bệnh không có yếu tố dịch tễ. Với hiệu quả tìm ra một số ca chỉ điểm trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4, thành phố phát hiện thêm những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 không có yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên, trước đà lây lan của dịch bệnh, thành phố tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao (trung bình 60 - 80 ca mắc mới/ngày); đặc biệt đã có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Dịch bệnh đã xuất hiện trong các cơ sở y tế, nhà máy sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... và tiếp tục có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Điểm lấy mẫu xét nghiệm tại phường Hạ Đình, chiều 9/8/2021 Xác định xét nghiệm là yếu tố quan trọng hàng đầu, thành phố lập tức quyết định xét nghiệm khoảng 300.000 mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh, từ đó đánh giá tình hình và có các biện pháp chống dịch kịp thời với phương châm thực hiện chủ động, dự báo chính xác, rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo đời sống nhân dân trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn; bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh và giảm “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), không để phát sinh chùm ca bệnh mới. Đánh giá cao những biện pháp được UBND thành phố chỉ đạo, đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất; huy động các cơ sở, lực lượng y tế của trung ương, công an, quân đội, ngoài công lập và các nguồn lực xã hội cùng nhân dân trên địa bàn tham gia chiến dịch lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng trên toàn địa bàn thành phố (quy mô tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu) đảm bảo nguyên tắc nhanh, chính xác, hiệu quả và đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Ưu tiên “vùng đỏ”, lấy mẫu xác suất “vùng xanh” Trước mắt, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tập trung ưu tiên triển khai tại các khu vực có nguy cơ rất cao (vùng đỏ), khu vực phong tỏa, cách ly, các trường hợp có triệu chứng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (ho, sốt, khó thở…), các trường hợp nguy cơ cao, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người (lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, người giao hàng, người làm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị…). Từ đó, kịp thời, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, phấn đấu kiểm soát tốt hơn dịch bệnh trước ngày 25/8/2021, thành phố lập kế hoạch triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, phân chia từng nhóm đối tượng xét nghiệm cụ thể theo nguy cơ nhóm đỏ, nhóm da cam, nhóm xanh. Chốt trực “vùng xanh” tại tổ 16 phường Kim Giang, quận Thanh Xuân Trong khoảng thời gian từ ngày 9/8/2021 đến 17/8/2021, Thành phố sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR cho toàn bộ người dân trong “vùng đỏ” là khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như: Chuỗi cung ứng, chợ, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác (đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ). Việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt... qua khai báo y tế vẫn được thực hiện thường xuyên theo quy định của thành phố. Xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng, lái xe, shipper, bảo vệ tòa nhà... trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ và xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất (căn cứ theo lịch sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...). Song song với việc thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR cho người dân thuộc “nhóm đỏ”, đối tượng nguy cơ cao và “nhóm xanh” tại các địa bàn có nguy cơ cao, các địa bàn còn lại chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế, dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh. Từ đó, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở Y tế sẽ có đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ định dịch tễ. Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ trì điều phối việc phân luồng xét nghiệm trên toàn địa bàn thành phố; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội điều tra dịch tễ và chỉ định vùng nguy cơ, nhóm nguy cơ, số lượng mẫu xét nghiệm cần thực hiện; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo quy định; bảo đảm đầy đủ điều kiện để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm. Chính quyền địa phương phối hợp trong công tác lập danh sách, lấy mẫu, hỗ trợ lực lượng và huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các lực lượng địa phương như: Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ trưởng dân phố/cụm dân cư, trưởng thôn/xóm, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện yêu cầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19, giám sát việc lấy mẫu đảm bảo an toàn tối đa, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Nhấn mạnh về kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bà Hà cho biết ngành Y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ” (vùng có dịch), không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh như chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố. Mai Thảo

Hỗ trợ người lao động Thủ đô yên tâm “Ở đâu ở đấy”

TĐKT - Trong bối cảnh Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội lần thứ hai, để người lao động Thủ đô yên tâm “Ở đâu ở đấy” góp phần cùng thành phố và cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh Covid-19. Trong đợt thực hiện giãn cách xã hội thứ nhất theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Công đoàn Thủ đô với vai trò, trách nhiệm của mình đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 với nhiều cách làm mới, sáng tạo như tổ chức chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng lưu động 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”..., từ đó đã hỗ trợ kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đến hàng chục nghìn người lao động, vượt qua đại dịch. Công đoàn Thủ đô tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 Theo Công văn số 449/LĐLĐ do Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường ký ngày 9/8/2021, trong đợt giãn cách lần thứ 2 này, các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ ưu tiên nguồn tài chính công đoàn và kêu gọi từ nguồn xã hội hóa tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bằng kinh phí, lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh Covid-19; nhất là người lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp tập trung, công nhân lao động ở các khu nhà trọ đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp dừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19. Mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ tổ chức ít nhất 1“Siêu thị 0 đồng” tại những nơi tập trung đông công nhân (Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của đơn vị) hoặc bố trí ít nhất 1 “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” thường trực hàng ngày để kịp thời tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động. Các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, MTTQ và chính quyền cơ sở, thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát đối tượng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đối tượng công nhân đang thuê trọ tại các địa bàn dân cư, để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Mức hỗ trợ mỗi “Túi an sinh Công đoàn” gồm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu không quá 200.000đ/người lao động (hoặc 1 phòng trọ). Trong công văn, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường chỉ rõ: Kinh phí mua các sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ công nhân lao động chi từ nguồn tài chính công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở 50% và LĐLĐ thành phố hỗ trợ 50% được chuyển khoản về công đoàn cấp trên cơ sở để triển khai thực hiện. Danh sách đoàn viên, người lao động được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ và bản sao chứng từ tài chính kèm theo gửi về LĐLĐ Thành phố (Qua Ban chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động) để thẩm định trình Thường trực LĐLĐ thành phố quyết định hỗ trợ. Tiêu chuẩn hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng, ban hành thực hiện. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn tài chính đề nghị báo cáo về LĐLĐ thành phố (Qua Tổ ứng phó khẩn cấp) để xem xét quyết định cấp hỗ trợ. Trường hợp phát sinh khó khăn trong tổ chức thực hiện, đề nghị các đơn vị phản ánh ngay về LĐLĐ thành phố để được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Trường hợp người lao động bị cách ly tập trung tại doanh nghiệp hoặc nằm trong các khu dân cư bị cách ly, phong tỏa cần hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu; nếu số lượng từ 100 người trở lên thì LĐLĐ thành phố sẽ triển khai hỗ trợ, dưới 100 người công đoàn cấp trên cơ sở tự tổ chức hỗ trợ từ nguồn tài chính của đơn vị và báo cáo kết quả về LĐLĐ thành phố. Dự kiến, dịp này sẽ dành 3500 suất quà hỗ trợ khẩn cấp đến các đối tượng đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại 2 khu công nghiệp: Nội Bài, Quang Minh và 3 cụm công nghiệp: Bắc Từ liêm, Ngọc Hồi, Quất Động. Mai Thảo

Trang