“Nhiệm vụ đặc biệt” của chiến sĩ áo trắng quận Thanh Xuân
28/02/2022 - 14:57

TĐKT - Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Hà Nội một lần nữa bước vào cuộc chạy đua với dịch bệnh khi số ca nhiễm tăng lên. Những nhân viên y tế, trong đó có cán bộ y tế cơ sở đã và đang phải đương đầu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ sự bình an cho nhân dân. Là một trong những người trực tiếp lao vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay, bác sĩ Vũ Đức Cường, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Thanh Xuân là người cảm nhận rõ nhất sự gian truân, vất vả mà lực lượng y tế đang phải trải qua.

Liên tiếp lăn lộn vào ổ dịch

Những ngày tháng qua, có lẽ với bác sĩ Vũ Đức Cường hay bất cứ cán bộ, nhân viên y tế ở quận Thanh Xuân chẳng thể nào quên “nhiệm vụ đặc biệt” ở những ổ dịch, “điểm nóng” trên địa bàn. Ngay từ giai đoạn đầu của đợt dịch lần thứ 4, cán bộ, nhân viên y tế quận Thanh Xuân đã liên tiếp vào cuộc giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý ổ dịch liên quan đến những người trở về từ Đà Nẵng.

Ổ dịch có nhiều ca bệnh trong đợt đầu tiên từ ngày 1/5 đó là ổ dịch tại tòa nhà Central Point, 27 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính. Đợt đó, 6 đội phản ứng nhanh của quận đã luân phiên, tăng cường điều tra, giám sát, xử lý.

“Thực ra đôi khi, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định bởi thông tin từ ca bệnh không được đầy đủ. Có những ca bệnh, chúng tôi liên hệ với đối tượng để lấy thông tin nhưng họ không hợp tác vì lo sợ. Đó là chưa kể, trong công tác đưa người đi cách ly tập trung, TTYT quận Thanh Xuân cũng gặp một số khó khăn nhất định như xe cứu thương của TTYT quận đã hết hạn sử dụng vào tháng 12/2020. Sang năm 2021, quận không có xe cứu thương để vận chuyển người bệnh đến bệnh viện hoặc đưa các trường hợp đi cách ly. May mắn, gần đây có Trung tâm vận chuyển cấp cứu 911, những đơn vị vận chuyển, cấp cứu tư nhân đã chung tay hỗ trợ quận trong công tác chống dịch. Sau những nỗ lực, cố gắng, trong vòng gần một tháng, chúng tôi đã xử lý dứt điểm ổ dịch, không còn ca bệnh phát sinh thêm” - bác sĩ Cường chia sẻ.

Bác sĩ Vũ Đức Cường – Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân

Chưa kịp thở phào, lực lượng y tế nơi đây lại quay cuồng với ổ dịch liên quan đến bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K Tân Triều. Vẫn là công việc hàng ngày lặp đi lặp lại: Lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng, dập dịch… nhưng ở thời điểm đó, các hoạt động ấy tăng lên nhiều hơn, nhanh hơn khiến họ phải lao vào cuộc chiến gấp gáp hơn.

Thời gian qua, dù với bác sĩ Cường hay bất cứ y, bác sĩ nào, thật khó quên những ngày lăn lộn chống dịch tại ổ dịch Thanh Xuân Trung (ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi), ổ dịch lớn nhất Thủ đô. Ngay sau khi địa bàn phát hiện 2 ca cộng đồng từ việc lấy mẫu cho các trường hợp ho sốt, bác sĩ Cường cùng lực lượng y tế nơi đây đã khẩn trương vào cuộc điều tra, khoanh vùng toàn bộ khu vực ngõ 328, 330. Khi triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng gần 2.000 mẫu, lực lượng y tế phát hiện nhiều ca F0. Ngay lập tức, ổ dịch này được triển khai báo động và tập trung các phương tiện, con người để tiến hành xử lý ổ dịch.

Những ngày chống dịch ở ổ dịch Thanh Xuân Trung, hầu như ngày nào lực lượng y tế cũng phải huy động ít nhất 3 đến 4 đội phản ứng nhanh, tập trung vào đó để làm nhiệm vụ. Từ Ban giám đốc, Khoa Kiểm soát bệnh tật cũng như UBND quận, UBND phường đều gần như 24/24h túc trực ở đó, để phát hiện các trường hợp F0, F1, để điều tra, giám sát, xử lý và chuyển đến bệnh viện hoặc đi cách ly tập trung. “Lần cuối cùng chúng tôi tiến hành khử khuẩn, lấy mẫu tại ổ dịch Thanh Xuân được 902 mẫu nhưng không phát hiện có ca nào dương tính. Cho đến thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, ổ dịch Thanh Xuân Trung đã kết thúc” - bác sĩ Cường thở phào nhẹ nhõm.

Làm nhiệm vụ lúc nửa đêm đến gần sáng – chuyện như cơm bữa

Với cương vị là Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, có lẽ áp lực lớn nhất bác sĩ Cường là làm sao điều tra thật kỹ, phát hiện nhanh chóng các ca bệnh. Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Cường bảo: “Trong thời gian bùng phát các ổ dịch, số lượng bệnh nhân rất đông, chúng tôi làm sao phải điều tra được những trường hợp F0, F1 là một vấn đề rất khó. Với số lượng bệnh nhân nhiều như vậy, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế phải chia nhỏ đầu việc cho mỗi đơn vị, cán bộ chuyên trách của các phường hỗ trợ. Chúng tôi phân công trong nhóm, cứ phát hiện một ca F0 sẽ có một cán bộ y tế phụ trách ca đó, điều tra từ đầu đến cuối, từ các trường hợp F1, F2. Hoặc với những trường hợp liên quan, chúng tôi đã phân công cụ thể cho từng người, điều tra dịch tễ, lịch sử đi lại của họ để tránh nhầm lẫn, bỏ sót”.

Bác sĩ Vũ Đức Cường – Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (ảnh giữa) trong những ngày chống dịch

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên ngay từ đầu, cán bộ y tế ở TTYT cũng xác định là cống hiến hết mình cho công tác chống dịch. Dù nhiều cán bộ, nhân viên y tế gia đình ở xa, có con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, nhưng bác sĩ Cường cùng đồng nghiệp luôn quan tâm, giúp đỡ, động viên nhau kịp thời. “Nhìn anh em vất vả, lăn lộn với công việc, tôi thương anh chị em vô cùng. Nhiều khi 1, 2 giờ sáng, lực lượng y tế vẫn đi làm ngoài đường là “chuyện như cơm bữa”. Họ vẫn phải điều tra, truy vết, vận chuyển mẫu xét nghiệm, đưa người đi cách ly hoặc xuống khu cư dân phối hợp với chính quyền mời các trường hợp liên quan đi cách ly, nửa đêm đến gần sáng, bất kể giờ giấc, cứ lúc nào có thông báo là họ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.” – Anh Cường chia sẻ.

Nhưng với anh Cường, may mắn nhất là, sau nhiều đợt chống dịch, các đội phản ứng nhanh của TTYT không có cán bộ, nhân viên nào phải nghỉ làm, không có ai bị nhiễm. Duy nhất có một trường hợp là cán bộ y tế ở Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung trong ổ dịch bị nhiễm Covid-19.

Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, kỷ niệm khó quên với bác sĩ Cường có lẽ đó là vụ tai nạn giao thông của một cán bộ trong khoa. Trong buổi đi làm về đêm muộn, lúc đó khoảng 22h30, trên đường về nhà, bác sĩ Cường nhận được cuộc điện thoại thông báo một nam đồng nghiệp bị tai nạn xe máy, bất tỉnh ngay tại chỗ, đã được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu. “Khi được tin, tôi vô cùng bàng hoàng, vội vàng quay lại cùng anh em vào bệnh viện chăm sóc đồng nghiệp. Sau khi được khám bệnh, chẩn đoán, đồng nghiệp của tôi bị chấn động não, rạn nứt xương nền sọ và vỡ xương gò má. May mắn, sau một thời gian điều trị, đồng nghiệp của tôi cũng đã đi làm trở lại, tham gia công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch.” – bác sĩ Cường kể lại.

Từ khi nhận nhiệm vụ chống dịch, ở lại cơ quan làm việc, xa gia đình, xa vợ con, đằng sau mỗi ca trực, đâu đó, những “người anh hùng áo trắng” cũng thầm lau nước mắt, cũng chợt tranh thủ vài phút ngơi tay để nhớ nhung gia đình. “Chúng tôi nhận nhiệm vụ chống dịch Covid-19 với tinh thần cao nhất, mong muốn dịch bệnh nhanh chóng sẽ được đẩy lùi. Chúng tôi cũng rất cảm động khi nhận được sự động viên hết lòng từ gia đình và đồng nghiệp. Nhiều lúc nghĩ cũng tội cho các con, cứ suốt ngày gọi điện hỏi bao giờ bố về? Bố về sớm với con. Trong lúc ấy, tôi lại động viên các con bảo bố làm xong việc, bố sẽ về… Cũng như biết bao y, bác sĩ khác trên khắp cả nước, chúng tôi đã nguyện làm hết sức mình với mong muốn đất nước, Thủ đô đẩy lùi dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường” – bác sĩ Cường chia sẻ.

Những đôi bàn tay nhăn nhúm, những vết hằn trên khuôn mặt đẫm mồ hôi bởi những bộ đồ bảo hộ kín mít, ngột ngạt, các bác sĩ và nhân viên y tế của TTYT quận Thanh Xuân nói riêng và Hà Nội nói chung đã làm gấp nhiều lần sức của mình, ngày đêm, đồng hành cùng người bệnh chiến đấu lại chủng virus nguy hiểm. Mỗi ca bệnh được phát hiện, mỗi bệnh nhân được đưa đến cơ sở điều trị cũng là lúc những chiến sĩ áo trắng lại thêm căng mình trong cuộc chiến giành sinh mệnh cho bệnh nhân.

 Hà Linh