Hà Nội thi đua ái quốc

Người thắp sáng nghề dệt lụa truyền thống trước nguy cơ mai một

TĐKT - Đến xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, hỏi thăm về gia đình nghệ nhân Phan Thị Thuận (67 tuổi), ai ai cũng thể hiện niềm tự hào về người phụ nữ ấy. Họ bảo, bà Thuận là người có công lớn trong gìn giữ, phát triển và sáng tạo làng nghề dâu tằm tơ truyền thống của địa phương. Bà cũng là người duy nhất trong xã vinh dự được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của TP Hà Nội và vừa được đề cử là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021. Nhọc nhằn hành trình gìn giữ “tổ nghề” Ông Vũ Văn Chùy - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết: Làng nghề dệt truyền thống xã Phùng Xá có từ năm 1929, từ khi mới lập làng. Những năm 70 của thế kỷ trước, nơi đây từng được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các gia đình trong xã đều chuyên tâm với nghề làm tơ tằm. Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của cơ chế thị trường, ngành tơ tằm Việt Nam dần bị mai một, mất đi chỗ đứng. Toàn bộ diện tích trồng dâu trong xã từng bị phá bỏ và chuyển sang trồng các loại cây, hoa màu khác; hàng loạt thợ bỏ nghề. Bà Phan Thị Thuận gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ năm lên 6 tuổi Là người sinh ra và lớn lên ở đất nghề, được gia đình truyền dạy nghề từ năm lên sáu, vì vậy, với bà Thuận, cây dâu, nong tằm, nong kén từ lâu đã trở thành những hình ảnh thân thuộc, gắn bó như máu thịt và hơi thở. Khi chứng kiến nguy cơ “tổ nghề” bị mai một, gia đình bà Thuận không cam chịu, đã bỏ nhiều công sức đi vận động, tổ chức các hộ nuôi tằm để gìn giữ nghề. “Để có lá dâu cho tằm ăn, tôi từng phải đi xin, nhặt nhạnh từng lá dâu ở các bờ rào, có khi rủ bà con trong xã cùng đạp xe hơn 20 cây số xuống tận nông trường Thanh Hà (ở Kim Bôi, Hòa Bình) để lấy lá về cho tằm ăn.” – bà Thuận nhớ lại. Chia sẻ về hành trình vận động gian nan đó, bà Thuận bảo: “Do từ bé đã gắn bó với nghề, lớn lên lại làm kế toán tổng hợp tơ tằm của Hợp tác xã Phùng Xá, nên tôi có cơ hội hiểu rõ và tính toán, lượng hóa cụ thể được năng suất của từng sào dâu sẽ cho người nông dân bao nhiêu ki lô gam lá, nuôi được bao nhiêu con tằm, tạo ra bao nhiêu cân kén, cân tơ, rồi thu được bao nhiêu cân nhộng để bán làm thực phẩm…  Tôi chỉ ra cho người dân thấy rằng, nếu đi làm thì phải hết tháng mới được trả lương, còn nuôi dâu tằm thì chỉ cần 20 ngày họ đã có thu. Đây là một quy trình khép kín, lại thân thiện với môi trường, tạo thu nhập ổn định, lại phù hợp với nhiều lao động các độ tuổi nên đó chắc chắn là hướng phát triển bền vững để người dân duy trì ngành nghề.” Thuyết phục, gieo niềm tin với nghề tơ tằm tới nhiều nông hộ thành công, bà lại vất vả lo tìm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm, bán nguyên liệu cho các nông hộ. Có lúc, bà tìm đến nhà từng người bạn học cũ ở trung tâm TP Hà Nội để gửi gắm sản phẩm cho họ bán. Lúc lặn lội lên tận Lạng Sơn tìm mối thương lái Trung Quốc để tiêu thụ. Có thời điểm, bà chở kén, tơ tằm của địa phương mình gửi các thương lái Việt sang Thái Lan để đổi xe Dream… “Nhưng tất cả đều bấp bênh, phụ thuộc vào các thương lái. Lúc thương lái không nhập xe Dream Thái về nữa thì các mặt hàng tơ tằm cũng dừng bán; Trung Quốc thì cứ 2 năm mua xong lại dừng. Bởi vậy, người nuôi tằm tơ Mỹ Đức lại một lần nữa thêm lao đao.” – Bà chia sẻ. Huấn luyện những người thợ dệt lụa đặc biệt Sau nhiều năm tâm huyết và thăng trầm với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận nhận ra rằng, muốn nghề dâu tằm tơ phát triển bền vững như mong đợi, người làm nghề nhất định phải tìm cho mình một lối đi riêng, phải đầu tư, sáng tạo nên những sản phẩm đặc biệt và chất lượng. Nhiều đêm quên ăn, quên ngủ, bà dày công nghiên cứu, trông coi, quan sát từng lứa tằm rút ruột nhả tơ. Năm 2010, bà quyết định thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức với hướng đi mới. Thay vì chạy theo việc đầu tư máy móc công nghiệp, bà có ý tưởng: Huấn luyện hàng vạn con tằm thành những thợ dệt chuyên nghiệp mà không máy móc hay con rô-bốt hiện đại nào có thể sánh kịp. Bà Thuận đang giới thiệu với du khách mô hình tằm tự dệt của gia đình Bà Thuận cho biết: Bình thường tằm thường kéo kén tròn. Nhưng tôi đem đặt chúng cạnh nhau trên một mặt phẳng. Vì không có tổ nên tằm không thể kéo kén tròn theo lẽ thường. Nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm kén phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên. “Đây là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống. Không chỉ tiết kiệm, cắt giảm được nhiều chi phí mà hơn hết, sản phẩm tằm tự dệt thực sự tinh xảo, không kỹ thuật dệt nào của con người hay chú rô -bốt nào có thể thực hiện thay thế được.” – Bà Thuận khẳng định. Từ những tấm kén phẳng do thợ tằm dệt, trải qua các công đoạn xử lý, trở thành những tấm bông tơ tơi xốp có độ liên kết bền chắc một cách tự nhiên, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Ý tưởng con tằm tự dệt của bà đạt giải nhất “Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6” năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công thương xét chọn. “Sáng chế mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt” của bà Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích năm 2016. Năm 2020, sản phẩm khăn lụa tơ tằm, chăn bông tơ tằm của bà được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của TP Hà Nội. Thương hiệu tằm tơ Mỹ Đức ngày càng vươn xa, vượt qua biên giới, đến với nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, góp phần khẳng định con đường tơ lụa Việt an toàn, thân thiện trên thị trường quốc tế. Dệt lụa tơ sen - khát vọng đưa tơ lụa Việt Nam vươn xa thế giới Không chỉ sáng tạo trong nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống mà bà Phan Thị Thuận còn được biết đến là một nghệ nhân đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Chia sẻ về cái duyên đến với lụa tơ sen, bà Thuận kể, năm 2016, bà được mời tham gia đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cây lá sen”. Nhận thấy đây chính là cơ hội để bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của loài “quốc hoa” vào từng tấm lụa, mang đến khắp năm châu; tuy nhiên, bà cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng vì đây là bài toán khó mà bà chưa từng giải. Nghệ nhân Phan Thị Thuận với những sản phẩm làm từ tơ sen Với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý mang biểu tượng của dân tộc, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đầu tư công sức nghiên cứu, thử nghiệm thành công tơ sen vào dệt lụa. Năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã được ra đời và đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Các sản phẩm làm từ tơ sen lần lượt ra đời, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Năm 2019, những mẫu khăn này đã được đoàn Chính phủ Việt Nam lựa chọn mang tới Hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế. Bà Thuận cho biết, để làm ra được một chiếc khăn quàng cổ dài tầm 1,7m, rộng 0,25m phải cần khoảng 4.800 cuống sen và rất nhiều vất vả. Bà Thuận cùng những nhân công của công ty, ngoài việc thu hái trong vùng trồng sen còn tự tay đi vớt những thân sen bỏ thừa trong các đầm, đem về rửa sạch, để ráo, phân loại cuống sen (cuống lá, cuống hoa, cuống đài sen…) để dễ dàng trong việc rút tơ se sợi. Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi hỏng hoàn toàn. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng. Ông Vũ Văn Chùy - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá đánh giá: Không chỉ nhọc nhằn gìn giữ “tổ nghề”, từ những sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tơ sen giàu tính sáng tạo của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương Phùng Xá. Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của gia đình bà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người). Đặc biệt, với mong muốn những lớp măng non sau này sẽ kế cận và đủ tình yêu với lụa tơ tằm, tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận hàng ngày vẫn dành tất cả tâm huyết và tình yêu để truyền nghề miễn phí. Bà bảo, mong muốn lớn nhất hiện nay của bà đó là huyện Mỹ Đức sẽ sớm tái tạo lại ngành dâu tằm, có thể kết hợp du lịch tâm linh (Chùa Hương) với du lịch làng nghề tơ tằm ở Mỹ Đức, để các thế hệ mai sau tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm tơ lụa đặc sắc, gìn giữ cái hồn tơ lụa Việt ở một tầm cao mới./. Thục Anh

Đại hội thành lập Chi hội Đông y HCD chăm sóc sức khỏe chủ động

TĐKT - Sáng 6/10, tại trụ sở Công ty Cổ phần Công nghệ HCD Việt Nam, Chi hội Đông y HCD đã long trọng tổ chức “Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026”. BS.ThS. TTND Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội dự và chỉ đạo Đại hội. Bà Bùi Thị Phương Hoa được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Đông y HCD thuộc Hội Đông y TP Hà Nội. Dự Đại hội có các y,bác sĩ, thầy thuốc thuộc Hội Đông y TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghệ HCD Việt Nam;đại diện chính quyền và các đoàn thể địa phương cùng các hội viên của Chi hội. BS. ThS. TTND Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Tại Đại hội, BS. ThS. TTND Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nộinhận định: Các hoạt động của Chi hội Đông y HCD lâm thời đã góp một phần công sức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tác động tích cực khiến người dân có góc nhìn tốt và quan tâm nhiều hơn tới nền Đông y Việt Nam. Chi hộilớn mạnh dần về cả quy mô lẫn chất lượng. Việc thành lập Chi hội Đông y HCD chính thức nhiệm kỳ 2021 - 2026 có yếu tố quyết định để Chi hội phát huy mạnh mẽ hơn. Thay mặt Hội Đông y TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Dung đưa ra các nhiệm vụ chính cho Chi hội Đông y HCD: Thứ nhất là tập trung phát triển hội viên về chất lượng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phát triển y học cổ truyền trong tình hình mới, thực hiện điều lệ chính theo điều lệ của Hội Đông y Hà Nội. Thứ hai là phát triển chuyên môn của Chi hội Đông y HCD cùng với sự đồng hành của Hội và sự kết nối hợp tác sâu trong lĩnh vực y học cổ truyền;phát triển nguồn dược liệu có quy mô và chất lượng tốt, đáp ứng việc cung ứng sản phẩm sạch, dược liệu tới người dân trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều tình thành khác trên cả nước. Tại buổi lễ, đại diện Hội Đông y TP Hà Nội đã trao quyết định chính thức thành lập Chi hội Đông y HCD theo Quyết định số 137/QĐ-HĐY ngày 25/6/2021 của Hội Đông y TP Hà Nội về việc cho phép thành lập Chi hội và thời gian tiến hành Đại hội Chi hội Đông y HCD. Đại diện Hội Đông y thành phố Hà Nội trao quyết định thành lập Chi hội Đông y HCD. Buổi lễ đã tổ chức bầu ra Ban chấp hành Chi hội Đông y HCD khoá I, nhiệm kỳ 2021 - 2026đại diện cho hội viên của Chi hội để lãnh đạo Chi hội hoạt động hiệu quả trong tình hình hiện nay dưới sự đồng ý của toàn thể các đại biểu tham dự Đại hội. Bà Bùi Thị Phương Hoa được bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Đông y HCD. Ra mắt Ban chấp hành Chi hội Đông y HCD nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bà Bùi Thị Phương Hoa (áo đỏ) Chi hôi trưởng Chi hội cùng các đồng chí trong Ban chấp hành đón nhận lời chúc đến từ đại biểu cơ quan địa phương. Tại Đại hội, ông Phạm Văn Quang, Chi hội phó Chi hội Đông y HCD đã trình bày nội dung hoạt động và phương hướng nhiệm kỳ 2021 -2026 bao gồm:Bám sát và triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”;tăng cường vai trò của Hội Đông y trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, duy trì và phát triển y học cổ truyền. Đội ngũ cán bộ Y tế của Chi hội Đông y HCD phối hợp sâu hơn với Hội Đông y TP Hà Nội và các Chi hội Đông y trên địa bàn Hà Nội tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe thiện nguyện cho cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh và phát triển công tác khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe chủ động, truyền thông mang lại lợi ích của y học cổ truyền tới cộng đồng; buổi truyền thông chia sẻ trực tiếp về sức khỏe chủ động cho nhân dân. Tham gia xây dựng kế hoạch phát triển về các chương trình liên kết hợp tác đào chuyên môn ngắn hạn, dài hạn theo quy định của Nhà nước. Xây dựng và phát triển khai thác, tìm kiếm nguồn dược liệu sạch. Tham mưu cho lãnh đạo Hội hợp tác, nghiên cứu xây dựng Đề án khai thác nguồn dược liệu sạch, sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe (thuốc Đông y) dựa trên nhu cầu thiết yếu của cộng đồng sau mùa Covid… Đại hội đã thông qua Quy chế làm việc, Nghị quyết Đại hội của Ban Chấp hành Chi hội Đông y HCD khóa I, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chụp hình lưu niệm tại Đại hội. Đại hội được diễn ra hết sức trang trọng, đồng thời Chi hội đã tổ chức chương trình theo chỉ thị của Chính phủ trong việc thực hiện giới hạn số lượng người tham gia. Chi hội đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian diễn ra chương trình Đại hội. Phương Nam

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” đợt 2

TĐKT - Chiều ngày 1/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành GDĐT Hà Nội tổ chức quyên góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và trao hỗ trợ đợt 2, năm học 2021 - 2022 cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang thiếu thiết bị học trực tuyến. Tham gia chương trình có các đồng chí: Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương; Chủ tịch Công đoàn Ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thu Hà; các đồng chí Phó Giám đốc Sở GDĐT; trưởng các phòng thuộc Sở. Tại buổi quyên góp, công đoàn cơ quan Sở GDĐT đã quyên góp được số tiền 52,6 triệu đồng ủng hộ cho chương trình. Ban Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội quyên góp ủng hộ chương trình Sóng và máy tính cho em. (Ảnh: Thanh Tùng) Trước đó, thực hiện lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội ngày 15/9/2021 về việc ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” năm 2021, Kế hoạch số 199/MTTQ-BTT ngày 20/9/2021 của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội về việc triển khai đợt vận động ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở GDĐT đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” và kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT và các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị học trực tuyến như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị thu phát sóng wifi, sim data… Nhân dịp này, ngành GDĐT Hà Nội đã trao quà hỗ trợ đợt 2 năm học 2021 - 2022 cho 40 em học sinh của 11 cơ sở giáo dục có hoàn cảnh khó khăn, đang thiếu thiết bị học trực tuyến. Cụ thể, ngành đã trao hỗ trợ máy tính và thiết bị cho 3 học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, 4 học sinh Trường THPT Quang Trung - Đống Đa, 3 học sinh Trường  THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai, 3 học sinh Trường THPT Đông Đô, 6 học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi - TT, 4 học sinh Trường THPT Hoàng Mai, 6 học sinh Trường THPT Hoàng Cầu, 3 học sinh Trường THPT Lưu Hoàng, 2 học sinh TT GDNN-GDTX Chương Mỹ, 2 học sinh TT GDNN-GDTX Hai Bà Trưng và 4 học sinh TT GDNN-GDTX Thanh Oai. Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương cùng Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Xuân Tiến trao máy tính cho đại diện các cơ sở giáo dục có học sinh nhận hỗ trợ đợt 2. (Ảnh: Phạm Thảo) Tính đến thời điểm này, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của ngành GDĐT Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Tổng số học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã được nhận ủng hộ thiết bị học trực tuyến là gần 4.600 học sinh (các thiết bị học sinh nhận được gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh, ipad…) với tổng số tiền khoảng 14 tỷ đồng. Số học sinh nhận được thẻ sim data là 150 học sinh. Vừa qua, nhiều quận trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc hỗ trợ cho học sinh trên địa bàn thiếu thiết bị học tập trực tuyến còn tích cực hỗ trợ các huyện khó khăn như: Phòng GDĐT Ba Đình tặng máy tính, thiết bị, học bổng cho học sinh khó khăn huyện Phú Xuyên; các trường học quận Hoàn kiếm hỗ trợ học sinh khó khăn huyện Phúc Thọ máy tính va các phương tiện học tập. Trước đó, ngày 15/9, tại đợt 1 năm học 2021 - 2022, ngành GDĐT Hà Nội đã trao máy tính và thiết bị cho 62 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổng Công ty Công nghệ CMC đăng ký tài trợ 3.600 máy tính; VNPT Hà Nội tài trợ 10.000 thẻ sim data. Thục Anh

9 cá nhân được Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021

TĐKT - Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội vừa công bố danh sách tóm tắt thành tích 9 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 để lấy ý kiến nhân dân. Tạp chí Thi đua Khen thưởng trân trọng gửi tới bạn đọc thông tin 9 cá nhân. Tất cả ý kiến phản hồi gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố, số 37 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 1. Bà Phan Thị Bính, công dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; sinh năm 1956: Dù hoàn cảnh còn khó khăn, sức khỏe không được tốt nhưng với tấm lòng nhân ái, hơn 21 năm qua, bà Phan Thị Bính đã gắn bó và giúp đỡ cho rất nhiều cảnh đời cơ cực trong cuộc sống. Bà luôn tích cực tham gia công tác thiện nguyện như thường xuyên nấu cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phóng xạ Ung bướu Quân đội; cứu trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn… và tiền mặt cho bà con tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Đặc biệt năm 2018, cá nhân bà đã tự nguyện bán 1 mảnh đất để ủng hộ gần 1 tỷ đồng và vận động bạn bè, gia đình góp thêm tiền mua xe cấp cứu nhằm tổ chức vận chuyển những bệnh nhân là người nghèo các tỉnh về Hà Nội hoặc từ Hà Nội về quê. Đến nay, bà Bính và nhóm thiện nguyện đã giúp vận chuyển được hơn 300 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Bà và nhóm thiện nguyện còn hỗ trợ miễn phí thay thủy tinh thể cho 400 người tại Bệnh viện Mắt Hà Nội; tài trợ và vận động các nhà hảo tâm triển khai xây dựng các điểm trường vùng cao, khó khăn tại Bố Trạch (Quảng Bình), xây cầu và làm đường ở Bến Tre, An Giang, Cao Bằng… và nhiều hoạt động thiện nguyện khác với giá trị nhiều trăm triệu đồng… Trong năm 2020 và 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt miền Trung diễn ra phức tạp, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, bà đã bàn giao xe cứu thương cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Hoàng Mai mượn để phục vụ đưa đón bệnh nhân và vận chuyển máy móc. Ngoài ra, bà còn đứng ra huy động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, khẩu trang gửi đến các khu cách ly; cùng các nhóm từ thiện ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các vùng dịch phía Nam... 2. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu), Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; sinh năm 1956: Trên cương vị Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm luôn tích cực kêu gọi tăng, ni, Phật tử trên địa bàn thành phố chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết các tôn giáo, cùng nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần xây dựng Thủ đô. Trực tiếp cùng tăng, ni tham gia nhiều chương trình an sinh, từ thiện xã hội như: Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở một số bệnh viện, trao tặng nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh liệt sĩ, người già neo đơn... Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tăng, ni, Phật tử của Thủ đô quyên góp ủng hộ quỹ vắc xin, tặng quà và trang thiết bị y tế cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh… Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm là đại biểu HĐND TP Hà Nội 2 nhiệm kỳ (1999 - 2004, 2004 - 2011); đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV. Hiện nay, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, là Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. 3. Giáo sư Trương Hoàng Chương (bút danh: Hoàng Chương), Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; sinh năm 1934: Với tâm huyết trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, sau khi nghỉ chế độ, Giáo sư Hoàng Chương đã đề nghị sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc và đến năm 2019, chuyển thành Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Giáo sư Hoàng Chương đã chủ trì cùng tập thể Viện hoàn thành xuất sắc 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Nghệ thuật múa rối nước; Tìm về cội nguồn quan họ; Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn; 100 năm nghệ thuật cải lương và nghệ thuật dân ca kịch bài chòi. Cả 5 công trình khoa học này sau khi được nghiệm thu đã được các nhà xuất bản trong nước xuất bản phục vụ bạn đọc, được dư luận đón nhận. Ngoài ra, Giáo sư Hoàng Chương đã phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo khoa học với nhiều đề tài phong phú phục vụ thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc và văn hóa Thủ đô. Giáo sư Hoàng Chương cũng là người có ý tưởng và đề nghị Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thực hiện hai dự án lớn, được triển khai tại Hà Nội và trên địa bàn cả nước trong nhiều năm là dự án “Sân khấu học đường” và dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật”. Cùng với hai dự án lớn trên, năm 2010, Giáo sư Hoàng Chương đã cùng tập thể các nhà khoa học của Viện xây dựng dự án “Phục hồi nghệ thuật bài chòi ở Thủ đô Hà Nội” và đã phục hồi thành công vở bài chòi cổ “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, và được biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cá nhân Giáo sư Hoàng Chương có nhiều công trình khoa học đã xuất bản và được dư luận đánh giá cao như: Đi tìm vẻ đẹp của sân khấu dân tộc; Tuồng và võ thuật dân tộc; Nghệ thuật bài chòi, tuồng, báu vật của văn hóa dân tộc… Giáo sư Hoàng Chương tham gia giảng dạy ở nhiều trường nghệ thuật trong nước và là người duy nhất được mời giảng cho sinh viên Mỹ hằng năm sang thực tập tại Việt Nam về nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong 15 năm liền tại Hà Nội… 4. Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội; sinh năm 1982: Trải qua các vị trí công tác, Trung tá Lê Minh Hải đều nỗ lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, khám phá các vụ trọng án, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, bắt giữ nhanh các đối tượng gây án đảm bảo an toàn, được các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân ghi nhận, góp một phần vào thành tích chung của đơn vị. Quá trình công tác, Trung tá Lê Minh Hải đã tham mưu Công an thành phố, UBND thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng về công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng, trọng án trên địa bàn thành phố nói chung và phòng ngừa trọng án, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng..., góp phần làm giảm phạm pháp hình sự, không để xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Trong điều tra tố tụng, giải quyết đơn thư, Trung tá Lê Minh Hải thực hiện nghiêm chỉnh quy trình điều tra theo tố tụng hình sự, không để lọt tội phạm, không để oan sai. Trong thời gian từ năm 2015 đến nay, Trung tá Lê Minh Hải đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Đội điều tra trọng án phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố, Công an quận, huyện, thị xã điều tra 462 vụ án hình sự, trong đó có 21 vụ án giết người, cướp tài sản; 152 vụ án giết người. 5. PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; sinh năm 1961: Trên 35 năm công tác trong ngành Y tế, trải qua nhiều vị trí công tác, ở cương vị nào, PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh cũng không ngừng nỗ lực học hỏi, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Từ tháng 8/2008 đến 7/2021, trên cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Bộ Y tế, thành phố giao, đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Đề xuất, tham mưu kịp thời cho thành phố trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời triệt để, qua đó đã khống chế thành công một số bệnh dịch nguy hiểm như: Dịch tả (các năm 2007, 2008), các bệnh dịch mới nổi như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Ebola… Đặc biệt năm 2019, ngay từ khi có thông tin về các ca bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc), PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở Y tế tham mưu kịp thời thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Corona theo các cấp độ dịch, các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình dịch phù hợp với thực tiễn của thành phố, góp phần trong công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân Thủ đô. Ngoài ra, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh còn trực tiếp tham mưu thực hiện tốt công tác tiêm chủng, công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhiều năm liền, ngành Y tế Hà Nội được Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là địa phương triển khai có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ngoài công tác chuyên môn, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh còn nghiên cứu và chủ nhiệm 4 đề tài khoa học, đề án cấp thành phố được phê duyệt, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống; 51 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, 3 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học nước ngoài; xuất bản 1 cuốn sách về hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tại cộng đồng và 1 cuốn sách về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được bạn đọc đón nhận… 6. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội; sinh năm 1960: 41 năm công tác, học tập, rèn luyện liên tục tại Hà Nội (từ năm 1980 đến năm 2021), là cán bộ trưởng thành từ cơ sở đến cấp quận và thành phố, là đại biểu HĐND thành phố 4 khóa (khóa XI, XII, XIII, XIV); là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố 4 khóa (khóa XIII, XIV, XV, XVI); là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy 2 khóa (khóa XV, XVI); là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy 2 khóa (khóa XV, XVI); là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. Đặc biệt, trong thời gian gần 20 năm liên tục giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt thành phố, bà đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội (2004 - 2011), với sự tâm huyết và sáng tạo không ngừng, bà đã có những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội trong tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, bà đã trực tiếp tham gia chỉ đạo và điều hành chuỗi hoạt động quy mô lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, góp phần rất xứng đáng vào thành công lớn của Đại lễ, để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc và rất đáng tự hào trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề cử và trực tiếp là Trưởng đoàn công tác của Việt Nam bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới; Lễ hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đúng vào thời điểm tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, bà đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thực hiện thành công Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” - công trình nghiên cứu khoa học công phu, đồ sộ, phản ánh một cách hoàn chỉnh về Thăng Long - Hà Nội. Trên các cương vị công tác, bà đã có nhiều hoạt động phong phú, có sức lan tỏa, đóng góp tích cực trong việc phát triển quan hệ hợp tác gắn bó với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết với Thủ đô và thành phố của nhiều nước trên thế giới. 7. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; sinh năm 1967: Trên 30 năm công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã có nhiều nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới của vi rút, tập trung vào dịch tễ học phân tử miễn dịch và phát triển vắc xin…, qua đó góp phần vào việc phát triển các chiến lược phòng ngừa ở Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin giữa hệ thống giám sát toàn cầu. Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai là người 18 năm trước đây đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thành công vi rút SARS-CoV, vi rút cúm A/H5N1…, góp phần to lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Với kinh nghiệm thành công trong nghiên cứu SARS-CoV (2003) và cúm gia cầm A/H5N1 (2004), GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chỉ đạo trực tiếp nhóm nghiên cứu phân lập vi rút 2019-nCoV từ những mẫu bệnh phẩm dương tính đầu tiên (ngày 30-1-2020), đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công vi rút này vào năm 2020 (sau Trung Quốc, Australia và Singapore). Việc này cũng góp công để Việt Nam sớm sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm nhằm điều trị và chống dịch hiệu quả. Là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, Trưởng đoàn Chỉ đạo xét nghiệm các đợt dịch tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh…, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước... 8. Em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam; sinh năm 2003: Là học sinh nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, đặc biệt trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, em đã đạt nhiều giải cao: Năm học 2018 - 2019, em tham dự kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO 2018) lần thứ 15 tại Nam Phi và giành Huy chương Vàng cá nhân. Với kết quả này, em đã cùng các bạn trong đội tuyển giành Huy chương Đồng toàn đoàn kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO 2018) lần thứ 15. Năm học 2019 - 2020, em tham dự kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế IOAA tại Hungary, em đã giành Huy chương Vàng, đồng thời là thí sinh có điểm cao nhất cuộc thi. Cũng trong năm học này, em tham gia và giành giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm học 2019 - 2020; tham gia và giành Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu 2020, là thí sinh xếp thứ 5 toàn cuộc thi. Năm học 2020 - 2021, em tham gia và giành giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm học 2020 - 2021. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (AphO) năm 2021 do Đài Loan (Trung Quốc) đăng cai tổ chức có 23 đoàn từ các nước và vùng lãnh thổ với 181 thí sinh, trong đó có 5 đoàn khách, với 37 thí sinh, với sự cố gắng nỗ lực, Nguyễn Mạnh Quân đã đạt điểm cao nhất của kỳ thi và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng Bằng khen. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt được thành tích này. Ngoài các thành tích trong học tập, em tích cực tham gia vào các hoạt động của lớp, của trường và các hoạt động xã hội, từ thiện. Năm 2020, em được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương là 1 trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô. 9. Bà Phan Thị Thuận, Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hội viên Hội nông dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức; sinh năm 1954: Là hội viên nông dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, bà đã có nhiều đóng góp cho việc khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống. Bà đã có nhiều ý tưởng và cho ra đời nhiều sản phẩm chăn, gối từ sản phẩm dệt có chất lượng cao như: Nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen, đạt giải Nhất với Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức, được cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng chứng nhận “Đã có công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được công bố trong sách và sáng tạo Việt Nam năm 2016”… Sản phẩm của công ty đã có mặt ở những thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê út…, mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp do bà lãnh đạo đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người)… Mai Thảo

Thủ đô Hà Nội nỗ lực tiến về trạng thái bình thường mới

TĐKT - Với việc lựa chọn biện pháp giãn cách xã hội, cộng với đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng và tăng cường bao phủ tiêm vắc xin cho người dân, đến nay Thủ đô Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, đang tiến dần về trạng thái bình thường mới với số ca bệnh có chiều hướng giảm dần, các điểm phong tỏa cũng được thu hẹp so với thời điểm chưa giãn cách… 4 đợt giãn cách và những tín hiệu tích cực Những ngày chưa giãn cách trước tháng 7, từ ngày 27/4 - 23/7/2021 (88 ngày), Hà Nội bắt đầu xuất hiện trở lại các ca dương tính với SARS-CoV-2, trung bình 10,4 ca/ngày; các ngày sau đó, số ca mắc tăng cao dần, bao gồm cả các ca ngoài cộng đồng. Cùng với đó, từ giữa tháng 7, còn xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp tại cơ sở khám chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư… Nguy cơ bùng phát dịch trở nên lớn hơn bao giờ hết. Từ 12 giờ ngày 16/9, tại các địa bàn quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng các cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng được phép hoạt động trở lại. (ảnh theo Vnexpress) Trước tình hình trên, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố được kích hoạt “chế độ” sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt để các cấp, các ngành vào cuộc triển khai sớm ngăn chặn dịch lây lan…. Trên thực tế, thời điểm này Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 nhưng có nhiều biện pháp trên mức Chỉ thị 15, các ngành, các cấp đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ở các cấp độ khác nhau, đồng thời thành phố đã chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án đó để khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn thì hoàn toàn chủ động được. Vì vậy, từ 06h00 ngày 24/7/2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội lần thứ nhất trong 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, song vẫn linh hoạt trong cách triển khai đã đưa số ca mắc trong đợt giãn cách lần 2 (từ ngày 8/8 - 23/8/2021) giảm hơn 200 ca so với đợt giãn cách lần 1. Không chủ quan với kết quả trong đợt giãn cách lần 2, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách lần 3 (từ ngày 23/8 - 6/9/2021); đồng thời cân nhắc trên mọi phương diện và quyết định triển khai giãn cách lần 4 (từ 6/9 đến 6h00 ngày 21/9/2021). Kết quả, trong lần giãn cách thứ 4, từ 6/9 tính đến ngày 15/9, toàn thành phố chỉ ghi nhận 312 trường hợp dương tính với số ca mắc trung bình/ngày giảm mạnh, còn 28,3 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày). Đáng chú ý, các ca mắc này chủ yếu là trong khu cách ly, khu vực phong tỏa và có những ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng… Không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng thu hẹp lại, còn 15 điểm quy mô thôn, xã tại 10 quận, huyện. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các xã vùng xanh - vàng, giảm vùng đỏ - cam so với thời điểm ngày 6/9/2021. Cụ thể, số xã vùng đỏ còn 3 xã; vùng cam còn 22 xã; vùng vàng tăng 21 xã lên 26 xã; vùng xanh tăng 27 xã lên thành 528 xã… Thần tốc với 2 chiến dịch: Tiêm chủng và xét nghiệm Nếu như giãn cách xã hội được xem là “thời gian vàng” để bóc tách F0 thì chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh và là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại Covid-19. Triển khai nhiệm vụ này, lực lượng y tế của thành phố đã nỗ lực hết sức, không chỉ lấy mẫu và tiêm chủng ban ngày, mà ngay cả tối muộn đến đêm khuya cũng “sáng đèn” tiêm vắc xin cho người dân. Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm nhằm sàng lọc, bóc tách F0 trong cộng đồng được thành phố triển khai nhanh chóng, hiệu quả Trong hai chiến dịch lớn của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 4 nghìn nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”, nhân viên y tế các tỉnh đã tạo thành một hệ thống dây chuyền lấy mẫu, tiêm chủng cùng với cán bộ y tế của Hà Nội thực hiện hoàn thành lấy mẫu cộng đồng và tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân thành phố trong thời gian thần tốc vừa qua với tinh thần hăng hái, quyết tâm nhất cùng Thủ đô khống chế dịch bệnh. Đặc biệt, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã thường xuyên đến nhiều điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra và động viên các lực lượng. Trong những ngày cuối của chiến dịch, tốc độ tiêm vắc xin đã được đẩy lên rất cao, số mũi tiêm ngày sau cao hơn ngày trước, có ngày cao điểm, tiêm được gần 600 nghìn liều. Trực tiếp kiểm tra nhiều lần công tác phòng, chống dịch và lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng ở các địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, thành phố luôn nỗ lực cao nhất, tiếp thu, điều chỉnh kịp thời các giải pháp để đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe người dân, giảm số người mắc và hạn chế ca tử vong. Sự động viên kịp thời của lãnh đạo thành phố đã giúp những cán bộ y tế vững tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, 5.649.581 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 93,8%; tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%. Riêng về xét nghiệm diện rộng, từ ngày 8/9 - 15/9/2021, đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; trong 2 ngày 16/9 và 17/9 các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đạt 57.788 mẫu… Có thể thấy, những con số kể trên là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, người dân Thủ đô cũng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng: Thành phố sẽ từng bước kiểm soát dịch bệnh và bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Mai Thảo

Thành quả của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm

TĐKT – “Triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc những ngày qua, tại Hà Nội, hàng nghìn dây chuyền tiêm vắc xin được đảm bảo; số mũi tiêm liên tục lập kỷ lục mới, cao nhất là ngày 12/9 với hơn 573.000 mũi tiêm vắc xin; một số đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19…Đó là thành quả nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của trung ương, là biểu hiện của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm của Hà Nội cùng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố.” – Đó là thông tin mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ với báo chí ngày 14/9. Khẳng định sự cố gắng vượt bậc Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xét nghiệm và tiêm chủng, Hà Nội đã huy động tổng lực sự tham gia của hệ thống y tế công lập, tư nhân, cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương, bệnh viện ngành công an, quân đội và các tỉnh, thành phố... Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội “Là lực lượng tuyến đầu, các y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế Hà Nội đã nỗ lực vượt bậc trong hơn 1 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay; thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.” – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định. Ngành Y tế Thủ đô đã bảo đảm 1.600 dây chuyền tiêm vắc xin với năng lực tiêm khoảng 500.000 mũi tiêm/ngày; đã kích hoạt phương án 20.000 giường bệnh điều trị F0; đang tiếp tục chuẩn bị cho phương án 30.000 - 40.000 giường với quyết tâm không để phải điều trị F0 tại nhà... Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thực hiện yêu cầu của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã khẩn trương liên lạc, phối hợp với các tỉnh, thành phố để tổ chức đoàn hỗ trợ. Gần 8.000 y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên đã được 12 địa phương, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng cử tới hỗ trợ Thủ đô. “Sự có mặt của các đoàn công tác không chỉ làm cho cán bộ và nhân dân Hà Nội cảm kích, phấn khởi, mà còn giúp thành phố tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho”, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong những ngày qua, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất. Ngành Y tế luôn nhận thức tiêm nhanh nhất, sớm nhất nhưng phải an toàn nhất. Các điểm tiêm chủng đều được bố trí các bác sĩ hồi sức cấp cứu và các tổ cấp cứu lưu động, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Số mũi tiêm liên tục lập kỷ lục mới, cao nhất là ngày 12/9 với hơn 573.000 mũi tiêm vắc xin đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng, nhất là đội ngũ y, bác sĩ. Trong đợt này, Bộ Y tế đã phân bổ kịp thời, đầy đủ lượng vắc xin theo tiến độ. Tính đến 18h30 ngày 13/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 4,7 triệu mũi tiêm, đã sử dụng hơn 4,3 triệu liều vắc xin, đạt 80,6% trong tổng số hơn 5,3 triệu liều vắc xin được cấp. Với tiến độ này, đến ngày 15/9, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cảm ơn sự quan tâm của trung ương, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện ngành công an, quân đội, các cơ sở y tế tư nhân... Đặc biệt, nhấn mạnh sự hỗ trợ quan trọng, kịp thời của 12 tỉnh, thành phố đã cử đoàn công tác đến với Thủ đô, đồng chí Đinh Tiến Dũng thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội trân trọng cảm ơn những nghĩa cử, tình cảm tốt đẹp và tinh thần “đại đoàn kết” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố đã dành cho Thủ đô. Hà Nội sẽ mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu này. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu Mặc dù kết quả đã có bước tiến mới, nhưng theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn. Vì các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Trong khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả khi thành phố đang chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ. Tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Chỉ còn ít thời gian nữa là đến thời hạn hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các đoàn công tác của các tỉnh, thành phố; tận dụng từng phút, từng giờ để về đích mục tiêu tiêm chủng bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Người dân Thủ đô vui mừng và tin tưởng khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 Trong đó, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thường xuyên rà soát, đánh giá các điều kiện phục vụ công tác tiêm chủng trên địa bàn; đặc biệt phải bảo đảm “5K” để phòng dịch ở từng địa điểm. Từ hiện tượng tập trung đông người xảy ra ở một số điểm tiêm vắc xin vừa qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo có phương án an toàn ngay từ khâu tổ chức, sắp xếp, phát giấy hẹn; tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm đi tiêm đúng khung giờ, tự giác thực hiện “5K”; lưu ý không vì được tiêm vắc xin rồi mà chủ quan, coi thường phòng dịch... Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” điều phối công tác tiêm vắc xin nhịp nhàng, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc có vắc xin đến đâu tiêm ngay cho người dân đến đó; khi Bộ Y tế cung cấp đủ vắc xin phải cố gắng cao nhất để trong ngày 15/9, hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên. Nhấn mạnh vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trong phòng, chống Covid-19, đồng chí Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân Hà Nội tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của trung ương và thành phố; nhất là tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh khi đi tiêm vắc xin. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tin tưởng với nội lực và quyết tâm của thành phố cùng sự quan tâm của trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, các địa phương bạn, Hà Nội sẽ đẩy lùi dịch bệnh, sớm bắt đầu trạng thái bình thường mới, cùng mở ra giai đoạn phục hồi, phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm và cả nước. Thục Anh

Hà Nội: Quyên góp được 2345 máy tính và thiết bị ngay tuần đầu tiên của năm học mới

TĐKT - Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và chỉ đạo của TP Hà Nội “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, ngay sau khai giảng năm học mới, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục triển khai trương trình “Máy tính cho em”. Tính đến ngày 12/9/2021, chương trình đã quyên góp được 2345 máy tính và thiết bị, hỗ trợ kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có máy tính, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp bắt buộc khi học sinh không thể đến trường. Đầu năm học 2021 - 2022, Sở GDĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục Hà Nội hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em” nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang thiếu điều kiện học tập trên địa bàn TP Hà Nội. Ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, chương trình “Máy tính cho em” đã được các Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã tích cực triển khai, vận động được 2345 máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện học tập trực tuyến, giúp học sinh khó khăn không có thiết bị phục vụ việc học trực tuyến. Đồng thời, ngành Giáo dục Hà Nội cũng đã trao hỗ trợ cho gần 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 600.000.000 đồng. Ngoài ra Công đoàn ngành cũng trao 700 túi quà “An sinh công đoàn” tới các đoàn viên của các đơn vị trực thuộc có hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê từ các Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã, đến nay nhiều đơn vị đã đủ thiết bị học trực tuyến cho 100% học sinh các trường tiểu học, THCS như Phòng GDĐT Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai... Nhiều đơn vị đã phát động phong trào ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và được đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh tham gia chung tay ủng hộ bằng nhiều hình thức như: Tham gia nấu ăn phục vụ các khu cách ly, làm kính chống giọt bắn, mua nông sản ủng hộ bà con nông dân vùng dịch, giúp đỡ học sinh mượn máy tính... Trước đó, năm học 2020 - 2021, chương trình “Máy tính cho em” đã vận động quyên góp được hơn 2.000 máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện học tập trực tuyến giúp học sinh khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình “Máy tính cho em” nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của chương trình, hướng tới hoàn thành “nhiệm vụ kép”: Bảo đảm an toàn cho học sinh, duy trì dạy tốt, học tốt. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hướng tới cách mạng công nghệ 4.0 số hóa trong toàn ngành. Thục Anh

Hà Nội: "Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất"

TĐKT –Với quan điểm"vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất", Hà Nội đang tiến hành khẩn trương và hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân Thủ đô, được Bộ Y tế đánh giá cao. Thực hiện chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những yêu cầu cụ thể, rõ mục tiêu, tiến độ, giám sát sát sao. Thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu là: Đến 15/9 sẽ hoàn tất “tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vắc xin được đảm bảo); thông qua đó cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trò chuyện, trao đổi với nhân dân Thủ đô tại điểm tiêm quận Đống Đa sáng 10/9 Với sự chủ động của lực lượng y tế Thủ đô và sự vào cuộc tích cực của lực lượng y tế các tỉnh, thành phố bạn (trước hết là của 11 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng đã chung tay cùng Thủ đô thực hiện "thần tốc" tiêm chủng, xét nghiệm); trong những ngày qua, tốc độ tiêm vắc xin trên địa bàn thành phố đã được đẩy lên rất cao. Tiêu biểu như ngày 8/9 thống kê cho thấy trong ngày thành phố tiêm được hơn 300 nghìn liều; ngày 9/9 cũng đạt gần 330 nghìn liều. Tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa là điểm “2 trong 1”: Người dân xét nghiệm nhanh chờ kết quả, nếu âm tính thì vào tiêm. Lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho biết đến hôm qua, quận nhận được gần 86 nghìn liều vắc xin và đến đầu sáng nay đã tiêm được 30% số vắc xin được phân bổ. Quận đã triển khai ngay công tác tiêm chủng từ ngày 8/9 trên 21 điểm tiêm thuộc 21 phường với sự hỗ trợ từ lực lượng y tế tăng cường của tỉnh Phú Thọ; tổ chức tuyên truyền đến nhân dân, trong đó nhấn mạnh phương châm "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất". Tại điểm tiêm chủng ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên cũng vậy, các khâu trong dây chuyền tiêm vắc xin và lực lượng y tế đang làm nhiệm vụ ở đây đều tiến hành khẩn trương, bài bản. Tâm sự với lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Y tế, bà Trần Thị Phương (sinh năm 1964, trú tại phường Phúc Lợi) vui mừng: “Tôi được cán bộ đến tận nhà mời đi tiêm. Vắc xin nào cũng tốt cả. Tiêm sớm thế này rất yên tâm để chống dịch”. Đoàn công tác kiểm tra tại điểm tiêm chủng của quận Long Biên sáng 10/9 Trong buổi kiểm tra công tác xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin diện rộng tại điểm tiêm chủng của quận Đống Đa và quận Long Biên, TP Hà Nội vào sáng 10/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định: “Muốn nới lỏng dần dần giãn cách xã hội, đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng dập dịch một cách triệt để”. Do đó, công tác xét nghiệm rất quan trọng, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới điều triển khai xét nghiệm nhanh, nhiều vòng; kinh nghiệm thực tiễn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, quận 7, Củ Chi(TP Hồ Chí Minh), Cần Thơ là nhưng bài học thực tiễn về mặt khoa học của việc phải bóc tách bằng được F0 không để lây lan ra cộng đồng. “Với biện pháp đó, chúng tôi cho rằng hiện nay Hà Nội đang triển khai rất tích cực”, Bộ trưởng đánh giá. Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, chủ trương “thần tốc” phủ vắc xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội là hoạt động rất quan trọng để tạo ra miễn dịch để bảo vệ những quần thể người dân của Thủ đô. “Qua khảo sát thực địa cho thấy Hà Nội đã triển khai bài bản trong công tác tiêm vắc xin. Với công suất tiêm của Hà Nội, hôm qua (9/9) đạt hơn 300 nghìn liều là con số rất ấn tượng. Chúng tôi mong Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đến ngày 15/9 tiêm chủng mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi. Đây là mục tiêu rất tham vọng, nhiều địa phương khác cũng đang triển khai để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi kỳ vọng,với vị trí là đầu tàu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước, thành phố sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Hai mũi giáp công của Hà Nội là rất đúng đắn” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định. Thục Anh  

Hà Nội: Tiếp thu cầu thị, điều chỉnh cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn

TĐKT - Trao đổi với báo chí về tình hình những ngày đầu tổ chức phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 7/9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn. Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân. Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, lưu động Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội là phải thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19; coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”. Sau 3 đợt giãn cách xã hội, toàn thành phố Hà Nội đã khống chế không để dịch bùng phát mạnh, lây lan rộng. Để giữ vững thành quả này, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp do nguồn cung đang rất khó khăn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng thì thực hiện triệt để giãn cách xã hội ở vùng 1 - nơi nguy cơ cao nhất là biện pháp tốt nhất hiện nay để không cho dịch vượt tầm kiểm soát. Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân. Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến. Cấp ủy, chính quyền các địa phương toàn thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường. Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc. An toàn đến đâu, mở ra đến đấy Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị, quyết tâm đến ngày 15/9: Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: Hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2 - 3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: Hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5 - 7 ngày/lần); đồng thời xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện họ, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành Y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy. Chính quyền phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) động viên kịp thời nhân dân tham gia chốt trực gìn giữ vùng xanh an toàn Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vắc xin để đến ngày 15/9, thành phố đạt tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao. Hà Nội đã chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vắc xin, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày. Đến nay, toàn thành phố đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 3,3 triệu liều; thực tế, số vắc xin về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều. Tính đến 12h ngày 7/9/2021, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt 80,7% số lượng đã tiếp nhận); dự kiến đến ngày 9/9 sẽ hoàn thành 100% lượng vắc xin đã được phân bổ. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, về đối tượng tiêm vắc xin, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục ưu tiên cho tiêm trước đối với người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người vận chuyển hàng (shipper), người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian quy định cần tiêm mũi 2 để bảo đảm hiệu quả của vắc xin, người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn... Với phương châm vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế rà soát, kiểm tra, bảo đảm năng lực tiêm vắc xin trên toàn thành phố, sẵn sàng tổ chức tiêm cả buổi tối khi được phân bổ lượng vắc xin lớn từ nay đến ngày 15/9. Chuẩn bị sẵn kịch bản nâng cao thêm công suất tiêm để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm trong quý IV/2021, khi lượng lớn vắc xin có thể được phân bổ. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo phối hợp với 11 tỉnh, thành phố có kế hoạch, phương án tiếp nhận hỗ trợ về xét nghiệm và tiêm chủng ở một số quận, huyện với tinh thần thần tốc để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, phối hợp chỉ đạo lực lượng y tế địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ trên địa bàn bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mai Thảo

Tấm gương suốt đời học tập và noi gương Bác Hồ

TĐKT - Vinh dự, tự hào vì từng 3 lần được gặp Bác Hồ, bà Đặng Thị Mai Hòa luôn trân quý và ghi nhớ những lời căn dặn của Bác năm xưa. Dù sắp bước sang tuổi 78 nhưng với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư số 1, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, TP Hà Nội), bà vẫn hăng say với việc phường, việc tổ, luôn sống mẫu mực, noi gương Bác từ những công việc bình dị hàng ngày. Vốn nhiều năm công tác trong ngành nghệ thuật nên ở tuổi 78, bà Hòa vẫn rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Bà kể: Khi còn trẻ, tôi từng được gặp Bác Hồ 3 lần (năm 1960, 1962 và 1964). Lần nào gặp Người, tôi đều thấy gần gũi và thân thương vô cùng. Nhớ nhất là năm 1962, khi Bác về nói chuyện với nhân dân tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được tuyển chọn tham gia biểu diễn ở tỉnh và còn được chụp ảnh cùng Người. Khi đó, Người còn đến chào đoàn biểu diễn, rồi ân cần hỏi han, dặn dò: “Các con cần phấn đấu hơn nữa, thực hiện tốt chuyên môn, người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, cần lao động hết mình, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân.”   Một ca trực của bà Hòa tại chốt vùng xanh an toàn tại ngõ 57 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội   Kỷ niệm về những lần được gặp Bác đã in dấu trong lòng bà Hòa suốt nhiều năm tháng sau này. Vì vậy, không chỉ lúc đang công tác trong ngành nghệ thuật mà ngay cả khi về nghỉ hưu, gần 30 năm gắn bó với công tác ở địa phương, giữ nhiều vai trò khác nhau, bà vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, không ngơi nghỉ, luôn hăng say lao động, giữ nếp sống giản dị, trách nhiệm và gần gũi với nhân dân. Bà Nguyễn Thị Bích Lộc, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh số 1, phường Vĩnh Phúc bày tỏ: “Bà Hòa không có gì để chê trách được. Từ vị trí tổ trưởng, hay bí thư chi bộ, bà ấy luôn gương mẫu, tận tụy với công việc, tổ chức tốt các phong trào thi đua ở khu dân cư, được nhân dân chúng tôi tin yêu, quý trọng. Đặc biệt, bà Hòa còn luôn quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn và kịp thời giúp đỡ họ”. Trong những ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách, ngay khi biết được thông tin đối diện với ngõ 57 phố Vĩnh Phúc nơi bà sinh sống, có 28 cháu học sinh, sinh viên và 30 thợ xây dựng bị kẹt lại tại cơ sở Đại học Thủ đô, bà Hòa đã nhanh chóng đến tận nơi để nắm bắt tình hình; đồng thời báo cáo, xin ý kiến đảng ủy phường để phát nhu nhu yếu phẩm; phát phiếu đi chợ cũng như làm thủ tục hỗ trợ theo gói 68 cho những đối tượng này. Vì vậy, đến nay 58 đối tượng đó không ai bị bỏ lại phía sau, ký cam kết với phường ở yên tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của phường và thành phố. Đặc biệt, dù đã ngoài thất thập – độ tuổi luôn được khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc hoặc ra khỏi nhà trong thời kỳ diễn biến phức tạp về dịch Covid-19, nhưng  kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách đến nay, ngày nào bà Hòa cũng hoạt động liên tục 12 tiếng đồng hồ/ngày, bắt đầu từ 6 giờ sáng và chỉ tạm gác lại công việc khi đồng hồ điểm 18 giờ chiều.   Bà Hòa đang vệ sinh đoạn đường trước điểm chốt trực Ông Nguyễn Hữu Mận, một người dân tham gia làm nhiệm vụ rất tích cực tại chốt trực “Vùng xanh an toàn” ở ngõ 57, phố Vĩnh Phúc cho biết: Bà Hòa là người chu đáo, nhiệt tình và cực kỳ trách nhiệm trong công việc. Được phân công phụ trách chính chốt vùng xanh an toàn này, để đảm bảo sức khỏe cũng như nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho tất cả mọi người, bà Hòa đã vận động, phân công mỗi gia đình một đại diện tham gia trực chốt, thay phiên nhau, không kể thứ Bảy hay Chủ nhật. Cũng như mọi người, 1 tuần bà Hòa có 2 buổi trực, mỗi buổi 2 tiếng ở chốt này. Ngoài ra, sáng nào bà cũng dậy rất sớm, đúng 6h sáng đã tự tay cầm chổi quét dọn vệ sinh sạch sẽ các đoạn đường trước chốt, kê bàn ghế, chuẩn bị nước sát khuẩn sẵn sàng để 7h mọi người ra làm nhiệm vụ cảm thấy sảng khoái và hào hứng hơn. Ngoài chốt trực ở ngõ 57, bà Hòa còn kiêm phụ trách trực tại hai chốt “Vùng xanh an toàn” khác trên địa bàn dân cư số 1 đặt ở ngõ 75/36 phố Vĩnh Phúc và  515/3/2 đường Hoàng Hoa Thám. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch tại một số chốt trực cứng, nằm trên các tuyến đường chính, trọng yếu trên địa bàn phường, bà và các thành viên thường xuyên phân công nhau đến thay thế cho lực lượng chính ở đây từ 11h – 13h30 để họ về nghỉ ngơi, ăn trưa. Vì vậy, ngày nào bà Hòa cũng như con thoi, chạy đi, chạy lại thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các chốt. Rồi bà lại tham gia giám sát hoạt động triển khai gói hỗ trợ 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn phường… Anh Hoàng Hùng Sơn, con trai bà Hòa chia sẻ: Mẹ tôi đam mê công việc lắm. Dịch dã, khuyên mẹ ở nhà cho an toàn nhưng mẹ thường nói rằng: Các con yên tâm, ngày nào mẹ cũng theo dõi và lắng nghe cơ thể của mình. Mình là cán bộ, là tiếng nói của dân mà cứ ngồi trong nhà thì làm sao biết được tư tưởng, tâm tư, thực tế cuộc sống của nhân dân mà phản ánh lên cấp trên được. Mẹ đã tự hứa với Bác, làm việc gì cũng phải trách nhiệm, hết mình với dân. Vì vậy, còn khỏe mẹ còn ra sức làm việc.” Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phúc Phạm Thị Thu Hường đánh giá: “Bà Đặng Thị Mai Hòa là cán bộ đã kinh qua nhiều vị trí công tác, rất nhiệt tình, trách nhiệm, đặc biệt có phương pháp làm việc. Dù là đảng viên cao tuổi, nhưng với kinh nghiệm và tâm huyết, bà Hòa luôn tạo được sự gắn bó thống nhất trong cấp ủy, thu hút bồi dưỡng cán bộ địa bàn rất tốt. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn của bà phụ trách luôn đạt 95 - 98%. Bà còn luôn phát huy phẩm chất tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong nuôi dạy con cháu, giáo dục các thành viên trong gia đình biết giữ gìn nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới, đoàn kết, gắn bó, thương yêu lẫn nhau. Nhiều năm liên tục gia đình bà đạt Gia đình văn hóa tiêu biểu. Với gần 30 năm tham gia công tác xã hội, bà Đặng Thị Mai Hòa đã vinh dự được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương của các cấp, ngành. Bà Hòa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2008; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tặng Bằng khen năm 2020. 5 năm liên tục bà đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà cũng là tấm gương phụ nữ học tập, làm theo Bác tiêu biểu của quận Ba Đình. Song, với bà Hòa, việc được nhân dân yêu quý, ủng hộ, chung tay xây dựng khu phố văn hóa mới là phần thưởng đáng quý nhất. Mai Thảo  

Trang