Hà Nội thi đua ái quốc

Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 28/7, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tới dự có các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Phi Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng LĐLĐ quận Thanh Xuân LĐLĐ quận được thành lập ngày 9/12/1997 theo Quyết định số 479/QĐ-LĐLĐ của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, trên cơ sở tách từ quận Đống Đa. Là một đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội, hiện nay, LĐLĐ quận Thanh Xuân quản lý 294 công đoàn cơ sở (CĐCS) với tổng số 14.165 đoàn viên, trong đó có 61 CĐCS khối hành chính sự nghiệp, 233 CĐCS khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong 5 năm qua (2015 - 2020), thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn Quận đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ quận, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV, XVI công đoàn thành phố và Đại hội lần thứ IV, V Công đoàn quận Thanh Xuân đề ra. Hoạt động của Công đoàn quận luôn có sự đổi mới nội dung, hình thức phát huy vai trò đại diện của tổ chức công đoàn, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ; đi đầu và chủ động, sáng tạo trong việc tập trung vào công tác giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống gắn với việc tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể tthao. Công tác tham gia quản lý đạt hiệu quả tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp tốt với chính quyền đồng cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở... Các phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh và đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, các cuộc vận động lớn có tác động tích cực đến nhận thức của CNVCLĐ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của quận. Hoạt động nhân đạo từ thiện tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác chỉ đạo đã có nhiều đổi mới theo hướng sát cơ sở, có nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội công đoàn Quận lần thứ III đề ra đều hoàn thành và nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (giai đoạn 1999 - 2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (giai đoạn 2009 - 2013). Tại buổi lễ, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chúc mừng những nỗ lực và thành tích đạt được của LĐLĐ quận Thanh Xuân. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, đây là phần thưởng cao quý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận thành tích, cống hiến của LĐLĐ quận Thanh Xuân trong 5 năm qua. Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, cán bộ công đoàn quận Thanh Xuân đã đổi mới tư duy, tổ chức hoạt động của tổ chức công đoàn từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ cơ chế thị trường. Trong tổ chức hoạt động, LĐLĐ quận đã luôn tìm tòi, sáng tạo, đề xuất phương thức hoạt động mới phù hợp với thực tiễn, đã định hướng hoạt động công đoàn vào những hoạt động cốt lõi là chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, tuyên truyền thực hiện và phát động các phong trào thi đua. Chỉ ra những yêu cầu mới trong thời gian tới của các cấp công đoàn, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đề nghị LĐLĐ quận Thanh Xuân tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trí tuệ, bản lĩnh, có năng lực dẫn dắt và truyền cảm hứng; tập trung cho nhiệm vụ chăm lo đại điện bảo vệ quyền lợi cho người lao động; quan tâm việc phát động các phong trào thi đua; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền và tương tác với người lao động... đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong tình hình đất nước không ngừng phát triển. Mai Thảo

Liên đoàn Lao động Hà Nội chi trên 1 tỷ đồng tặng quà cho gia đình đoàn viên có công với cách mạng

TĐKT - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội quyết định tặng quà cho 914 gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động có thân nhân là liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn của tổ chức công đoàn, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đối với người có công với cách mạng, LĐLĐ thành phố Hà Nội ra Quyết định số 487/QĐ-LĐLĐ về tặng quà cho gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động có thân nhân là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Theo đó, 914 gia đình được nhận hỗ trợ (mỗi gia đình 1 triệu đồng) từ nguồn kinh phí hoạt động Công đoàn Hà Nội. Việc làm ý nghĩa này góp phần nâng cao lòng tự hào về truyền thống anh hùng, cách mạng của dân tộc Việt Nam, giáo dục ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của mỗi cá nhân với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng; góp phần bồi đắp nét đẹp truyền thống trong đời sống xã hội, trong lối sống và ứng xử của thế hệ tiếp bước cha ông. Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản trao quà cho gia đình đoàn viên có công với cách mạng Trong hai ngày 26 - 27/7, lãnh đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức gặp mặt, trao quà tặng kịp thời tới đoàn viên, người lao động có thân nhân là liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Là một đơn vị có 27 đoàn viên, công nhân lao động thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách, trong buổi chiều 26/7, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản đã trao quà trực tiếp cho 5 công nhân lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nhôm Việt Dũng; Công ty Cổ phần Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu; Công ty TNHH Elentec Việt Nam; Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam. Mỗi suất quà gồm 1 túi quà của Công đoàn các KCN&CX Hà Nội và 1 triệu đồng của LĐLĐ thành phố. Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội mong muốn mỗi đoàn viên, người lao động trong gia đình chính sách luôn phát huy truyền thống cách mạng của gia đình. Từ sự quan tâm của tổ chức công đoàn, mỗi đoàn viên sẽ có thêm động lực phấn đấu, hăng say làm việc, tích cực đóng góp trí tuệ, sức lực, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng công đoàn ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đón nhận tình cảm của tổ chức công đoàn, đoàn viên Trần Thị Nghệ (Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam) bày tỏ sự xúc động “Gia đình tôi có cha là liệt sĩ hi sinh từ những năm 1965. Nhiều năm qua nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn là động lực gia đình vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cống hiến và làm việc đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, đoàn viên Trần Thị Nghệ chia sẻ. Dịp này, lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng tổ chức thăm hỏi, trao 58 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) và một thùng quà cho các thương bệnh binh của Trung tâm thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam); trao hỗ trợ 44 cháu dưới 18 tuổi con đoàn viên, người lao động có bố, mẹ là thương binh, liệt sĩ (1 triệu đồng/cháu). Mai Thảo

Sẽ tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động Thủ đô năm 2022

TĐKT - Nhằm tôn vinh, động viên các doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội Thủ đô và đất nước, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xét chọn, tôn vinh “10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2022. Theo đó, đối tượng được xét chọn là các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội từ 5 năm liên tục trở lên. Tham gia xét giải, các doanh nghiệp cần có đủ các điều kiện: Thứ nhất, là doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc Liên đoàn Lao động thành phố quản lý hoạt động hiệu quả, hàng năm xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; CĐCS và doanh nghiệp đã thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) xếp loại chất lượng từ B trở lên (đang còn hiệu lực). Thứ hai, doanh nghiệp đó thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH-BHYT-BHTN, an toàn vệ sinh lao động và các chính sách, nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước theo quy định. Thứ ba, là doanh nghiệp thường xuyên sử dụng từ 300 lao động trở lên; trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh không để xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng, không có đình công, ngừng việc tập thể xảy ra. Đánh giá các điều kiện đủ sẽ căn cứ vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn 2018 – 2022. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ nhận hồ sơ xét chọn (Qua ban Chính sách pháp luật và QHLĐ) trước ngày 20/8/2022. Hồ sơ xét chọn bao gồm: Tờ trình của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trường hợp do Công đoàn cấp trên cơ sở đề nghị); tóm tắt thành tích của doanh nghiệp đề nghị xét tặng, tôn vinh; danh sách doanh nghiệp do các Ban, Báo Lao động Thủ đô, các đồng chí trưởng các Ban theo dõi các đơn vị lựa chọn, giới thiệu kèm theo trích ngang thành tích gửi về Ban Chính sách pháp luật và QHLĐ để tổng hợp. Dự kiến, Lễ tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất sẽ diễn ra vào ngày 12/10/2022, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô. Tôn vinh “10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2022 là hoạt động ý nghĩa, nhằm tạo sự lan tỏa đến các doanh nghiệp, các cấp, các ngành cùng tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Thục Anh

Hà Nội: Biểu dương người có công tiêu biểu và điển hình trong thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công

TĐKT - Sáng 26/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu; tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/71947-27/7/2022). Dự Hội nghị, có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của các Mẹ Việt Nam Anh hùng và 534 đại biểu là người có công tiêu biểu, tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn TP Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho người có công tiêu biểu Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thay mặt lãnh đạo thành phố, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là 543 đại biểu được biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn, với trên 800.000 người (chiếm gần 10% của cả nước). Trong đó, có hơn 6.500 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 60.000 thương bệnh binh; hơn 80.000 liệt sĩ, hơn 13.000 người hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 500.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 75 năm qua, Hà Nội luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và vận động toàn dân tham gia thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Cùng với đó, thành phố đã ban hành các chế độ, chính sách đặc thù và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện, như: Thực hiện chính sách điều dưỡng, cấp thẻ miễn phí khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, chế độ quà Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9; hỗ trợ hoạt động của Ban Liên lạc tù chính trị trên địa bàn... Hàng năm, thành phố bố trí ngân sách gần 500 tỷ đồng để tặng quà đối với người có công. Qua đó, thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn, sự chăm lo của thành phố đối với người có công và thân nhân người có công. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố rất tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ... Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt gần 450 tỷ đồng. Đã có 15.271 gia đình người có công được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng; 74.565 người được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí trên 70 tỷ đồng; gần 39.000 lượt người được điều dưỡng hằng năm với kinh phí gần 46 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 1.589 lượt công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 904 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Sỹ Thanh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn thành phố về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Coi đây vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đưa phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành nét đẹp và hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Đặc biệt, quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen của UBND thành phố cho người có công tiêu biểu trên địa bàn TP Hà Nội Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, đảm bảo 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ khi đến thăm viếng. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào ủng hộ về công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Kịp thời tôn vinh, biểu dương những tấm gương của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", các hoạt động nghĩa tình, chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống. Dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội biểu dương, khen thưởng 56 người là người có công tiêu biểu; UBND thành phố Hà Nội cũng biểu dương, khen thưởng 234 người là người có công tiêu biểu; đồng thời, biểu dương, khen thưởng 253 tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn thành phố. Hưng Vũ

Công đoàn Thủ đô tri ân người có công

TĐKT - Ngày 19/7, đoàn công tác của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Phát biểu tại chương trình, bà Mã Thị Bích Nhạn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Thương binh Duy Tiên cho biết, Trung tâm được thành lập năm 1957, là đơn vị được thành lập sớm nhất trong hệ thống mô hình nuôi dưỡng thương bệnh binh tập trung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Những năm đầu mới thành lập, Trung tâm nuôi dưỡng từ 700 - 1000 thương bệnh binh. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết chính sách cho 58 thương bệnh binh nặng, có tỷ lệ suy giảm lao động từ 81% trở lên. Thương bệnh binh tại Trung tâm có tới 80% bị liệt cột sống, số còn lại là thương binh tổng hợp: Vết thương sọ não, hỏng hai mắt, cụt hai chi. Gồm thương binh của hai thời kỳ: Kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh Biên giới bảo vệ Tổ quốc. Thương binh có tuổi đời cao nhất là 90 tuổi, thấp nhất là 54 tuổi. Theo Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, hơn 2 năm qua, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều kiện vô cùng khó khăn, tình hình dịch Covid-19 kéo dài, thương bệnh binh tuổi đời ngày càng cao, thương tật, bệnh tật diễn biến phức tạp, thường xuyên phải đi điều trị tại những bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Các đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố và Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố trao quà cho đại diện Trung tâm điều dưỡng Thương binh Duy Tiên Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh đã chia sẻ với những khó khăn mà các thương bệnh binh và cán bộ, nhân viên của Trung tâm đang phải trải qua; đồng thời nhấn mạnh, thế hệ trẻ luôn biết ơn và mãi mãi không thể quên sự hi sinh to lớn của các thế hệ cha anh để cho đất nước được hoà bình, độc lập, tự do. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết, để thể hiện lòng biết ơn và phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, LĐLĐ Thành phố trao 58 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) và một thùng quà cho các thương bệnh binh của Trung tâm. Đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố trao những phần quà ý nghĩa cho các thương bệnh binh Trực tiếp trao những phần quà ý nghĩa cho các thương bệnh binh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh đã ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, điều kiện sinh hoạt và động viên các thương bệnh binh vượt qua khó khăn, chiến đấu và chiến thắng thương tật, giữ gìn và phát huy bản chất anh bộ đội cụ Hồ.  Đón nhận món quà của LĐLĐ thành phố Hà Nội, thay mặt các thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, ông Phạm Minh Liên đã bày tỏ niềm vui, niềm xúc động trước tình cảm, sự quan tâm của LĐLĐ thành phố Hà Nội và cho biết mòn quà này không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần to lớn, giúp các thương bệnh binh của Trung tâm có động lực để vượt qua khó khăn, chiến đấu và chiến thắng thương tật. Thục Anh

Hà Nội: Tập huấn cho gần 300 cán bộ làm thi đua, khen thưởng

TĐKT - Với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn, ngày 19/7, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thi đua, khen thưởng năm 2022 cho gần 300 đại biểu, cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng đến từ các sở, bạn, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc thành phố. Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Đinh Mạnh Hùng chỉ rõ: Tháng 6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV đã thông qua Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Yêu cầu công tác thi đua khen thưởng trong thời kỳ mới đòi hỏi sự và cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, biến công tác TĐKT trở thành một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của nhà nước, là động lực xây dựng con người mới. Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Đinh Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị “Hội nghị tập huấn là hoạt động quan trọng thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn; để công tác TĐKT thực sự là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh; làm đòn bẩy, động viên các tập thể, cá nhân tích cực thi đua lao động sáng tạo góp phần xây dựng Thủ đô vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17.” – Đồng chí Đinh Mạnh Hùng nhấn mạnh. Đây đồng thời là dịp để các cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị thuộc thành phố giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để cùng triển khai thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Đ/c Đỗ Đức Thịnh, Phó Trưởng ban Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội khái quát một số điểm mới của Luật Thi đua, Khen thưởng Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đã tập trung truyền đạt, khái quát một số điểm mới của Luật Thi đua Khen thưởng; các văn bản mới ban hành của Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng; tập huấn kỹ năng tổ chức phát động các phong trào thi đua; xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình, chuyên đề thi đua; công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Ngoài ra, các đại biểu, cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng Thủ đô còn được tập huấn nghiệp vụ về thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền và quy trình, thủ tục hồ sơ trình các cấp khen thưởng; việc xét, công nhận, đánh giá hiệu quả của đề tài, sáng kiến; công tác tổ chức đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định. Gần 300 đại biểu, cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng đến từ các sở, bạn, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc thành phố tham gia tập huấn Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi thảo luận, làm rõ những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng. Trên cơ sở đó đi đến thống nhất về nhận thức, lý luận trong phổ biến kinh nghiệm, cách làm. Ngoài ra, Hội nghị còn khuyến khích các cán bộ tích cực nêu ra những kinh nghiệm hay, hiệu quả tại cơ sở để cùng giải đáp, chia sẻ và học tập. Thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng từ thành phố đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đơn vị đã sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua, tạo động lực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, các đơn vị đã quan tâm đến thực hiện việc phát hiện và khen thưởng kịp thời các tập thể nhỏ, cá nhân là người lao động trực tiếp và người dân có thành tích trong công tác và đời sống. Mai Thảo

LĐLĐ thành phố Hà Nội được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TĐKT – Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khóa XIV tổ chức Hội nghị lần thứ 17 và công bố các quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, góp phần vào công tác phòng chống dịch của thành phố Hà Nội cùng nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động khó khăn do dịch Covid-19, tại hội nghị, LĐLĐ thành phố Hà Nội vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của LĐLĐ thành phố Hà Nội đã thành lập 5 tổ công tác trực tiếp phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kịch bản để ứng phó trong mọi tình huống có công nhân lao động tại doanh nghiệp mắc Covid-19. Chỉ đạo thành lập “Tổ An toàn Covid-19” tại mỗi tổ, mỗi nhóm, mỗi dây chuyền trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn tham gia xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội đại diện cho tập thể nhận Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Ngay khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, LĐLĐ Thành phố đã thành lập Tổ cán bộ biệt phái, trực tiếp xuống làm việc tại Công đoàn các Khu công nghiệp & chế xuất Hà Nội để kịp thời hỗ trợ đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ổn định tình hình quan hệ lao động. Trong giai đoạn cao điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 và Chỉ thị 20 của UBND Thành phố, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã quyết định thành lập “Tổ Ứng phó khẩn cấp" nhằm hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, mắc kẹt trong các khu nhà trọ, khu nhà ở công nhân. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo đã được LĐLĐ thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai, thực hiện thí điểm, sau đó được nhân rộng và áp dụng trong toàn hệ thống với mục đích chăm lo tốt nhất, kịp thời nhất cho đoàn viên, lao động khó khăn. Thống kê trong đợt dịch, LĐLĐ Thành phố đã chi 29 tỷ 889,202 triệu đồng hỗ trợ cho 102.952 lao động và 1.936 đơn vị đã thành lập “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp. Trong đó, chi hỗ trợ theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam là 27,4 tỷ (gồm: hỗ trợ 2.098 “Tổ An toàn Covid-19”; 249 F0; 259 F1; 365 F2; 1.109 nữ mang thai, lao động trong khu vực phong tỏa; lực lượng y tế tuyến đầu 1.950 người, tại 46 đơn vị; hỗ trợ các trường hợp khó khăn khác: 5.650 người; hỗ trợ khẩn cấp “Túi An sinh Công đoàn”: 46.027 người). Đặc biệt, đã triển khai 95 chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” với 46.027 “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho hơn 46.027 đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng trị giá hàng hóa hơn 9 tỷ 205,4 triệu đồng…. Ông Ngô Văn Tuyến nhận Huân chương Lao động hạng Ba Cũng trong dịp này, ông Ngô Văn Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2021, trên cương vị Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, ông Ngô Văn Tuyến đã cùng tập thể Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố chủ động, sáng tạo trong tham mưu với cấp ủy; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ, sát với cơ sở, đưa ra các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, với chức trách là Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của LĐLĐ Thành phố, tham gia Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU của Thành ủy, ông luôn bám sát nhiệm vụ Nghị quyết 09/NQ-TU, bám sát nhiệm vụ do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, công tác chỉ đạo được tập trung, phân công, phân nhiệm cụ thể rõ ràng từng thành viên Ban chỉ đạo. Tăng cường công tác tham mưu, đôn đốc, theo dõi việc tổ chức thực hiện, bám sát cơ sở, hiến kế, tham mưu, giúp đỡ các đơn vị tháo gỡ khó khăn. Trong quá trình công tác, ông đã có nhiều sáng kiến hay, cách làm mới để nâng cao hiệu quả công tác… Những sáng kiến, mô hình đó đã và đang được triển khai thực hiện, áp dụng có hiệu quả. Đặc biệt công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS của LĐLĐ thành phố Hà Nội liên tục đạt và vượt chỉ tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thành ủy Hà Nội và Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, được Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội đánh giá cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của LĐLĐ thành phố Hà Nội. Với vai trò là ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Tuyến đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh trong việc thực hiện Nghị quyết Công đoàn các cấp, việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động đối với Công đoàn cấp dưới, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Cũng tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã trao Quyết định công nhận kết quả bầu cử bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ và chức danh Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2018-2023, đối với đồng chí Nguyễn Huy Khánh, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây kể từ ngày 6/7/2022./. Mai Thảo  

Huyện Thường Tín (Hà Nội) biểu dương người có công tiêu biểu

TĐKT - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), ngày 18/7, huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhân dịp này, huyện Thường Tín đã biểu dương, khen thưởng cho 45 tập thể, 108 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn từ năm 2017 - 2022 và người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất. Phát huy truyền thống cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thường Tín luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, giữ vững truyền thống đoàn kết, yêu thương, chịu đựng gian khổ hy sinh, bám đất, giữ làng, chiến đấu kiên cường đóng góp sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Những người có công tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị Sau chiến tranh, toàn huyện có 3.000 liệt sĩ, gần 2.000 thương binh và bệnh binh; 227 chiến sĩ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 2.239 thanh niên xung phong; 252 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 10.788 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại vì đã có thành tích trong 2 cuộc kháng chiến; 680 người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gần 200 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp. Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cảm ơn những tình cảm, tấm lòng ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, của các tầng lớp nhân dân trong huyện bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa mang tính nhân văn, đạo lý sâu sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công đã phần nào xoa dịu những nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại. Theo Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, trong thời gian tới khi thực hiện công tác chính sách người có công, đền ơn đáp nghĩa, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội đối với người có công. Khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước, Nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu", làm cho mỗi gia đình người có công "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội", như Bác Hồ đã từng căn dặn. Các cấp ủy Đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở phải thường xuyên quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ… Mai Thảo

Huyện Sóc Sơn đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Sau 45 năm xây dựng, phát triển và hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội, cùng tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong lịch sử dân tộc, vùng đất Sóc Sơn xưa là khu vực nằm giữa 2 cố đô Phong Châu và Cổ Loa thuộc cương vực Hà Nội thời tiền Thăng Long, nổi tiếng bởi sự tích Thánh Gióng về trời tại núi Sóc. Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 178/QĐ-CP hợp nhất các huyện theo vùng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phú; trong đó, hai huyện Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất thành huyện Sóc Sơn. Qua nhiều lần sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh và Thủ đô Hà Nội, hiện nay, Sóc Sơn là một huyện thuộc TP Hà Nội với 26 xã, thị trấn, diện tích lớn thứ 2 và dân số đứng thứ 5 của Thủ đô. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn. Trong những năm qua, huyện Sóc Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa kinh tế xã hội huyện liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn (2015 - 2020) tăng 9,64%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Sóc Sơn vẫn đạt 4,96% (cao hơn 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với TP Hà Nội). Đặc biệt, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương, thành phố, với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn (2015 - 2020) của huyện tăng 9,64%/năm. Với đặc thù là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp và còn nhiều khó khăn: Chưa có quy hoạch, hạ tầng thiếu và không đồng bộ, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí xây dựng chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 15,04%…, do vậy, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ hàng đầu của huyện, đặt ra cho huyện nhiệm vụ lớn, bao trùm và hoàn chỉnh với các tiêu chí do trung ương quy định. Kết quả đến nay, 25/25 xã của huyện đều đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa; trạm y tế xã, thị trấn bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân đều đạt 100%... Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%, đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020. Huyện cũng đã xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm, 10 thương hiệu hàng nông sản do hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, trên 100 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Đến hết năm 2021, huyện Sóc Sơn có 76 sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận (trong đó, có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao). Đặc biệt, huyện đã huy động được nguồn lực lớn trong xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn từ năm 2010 - 2020, tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.419 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp là 1.286,4 tỷ đồng (chiếm 29,1%). Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được chú trọng… Với những nỗ lực vượt bậc đó, tại buổi lễ kỷ niệm 45 năm thành lập huyện (1977 - 2022) và đón Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, được tổ chức vào sáng 15/7/2022, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, đây là thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực đạt được trong nhiều năm qua. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: “Những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn sẽ là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.” Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, huyện Sóc Sơn cần xác định, xây dựng nông thôn mới có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg năm 2011, huyện Sóc Sơn được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội; bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, những định hướng quan trọng nêu trên sẽ mở ra cho huyện Sóc Sơn những thời cơ thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; song cũng đòi hỏi huyện Sóc Sơn nói riêng và TP Hà Nội nói chung cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động; khắc phục những khó khăn; với khát vọng phát triển, cố gắng, nỗ lực, phấn đấu để xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại. Mai Thảo    

Chàng trai trẻ say mê với các hoạt động nhân đạo vì cộng đồng

TĐKT - Khác với nhiều bạn bè cùng lớp, tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, chàng thanh niên Đỗ Hữu Nam (sinh năm 1996) ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không chọn cho mình con đường kinh doanh lập nghiệp mà lựa chọn đầu quân về làm một nhân viên chữ thập đỏ ở địa phương bởi niềm đam mê, nhiệt huyết với các phong trào nhân đạo, giúp ích cho cộng đồng xã hội. Dù còn trẻ tuổi, anh đã có tới 61 lần hiến máu tình nguyện. Đáng nói là, không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, Nam còn dành nhiều tâm huyết đi tuyên truyền, vận động được đông đảo cán bộ, sinh viên và nhân dân trên địa bàn quận cùng tham gia hiến máu tình nguyện và các hoạt động nhân đạo, giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Nam cho biết, bén duyên với hoạt động hiến máu tình nguyện từ khi còn đang là học sinh lớp 12. Lúc đó, anh được một người bạn đang là tình nguyện viên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội (Hội Máu) rủ tham gia cùng. Nhưng vì chưa đủ tuổi cũng như chưa đủ hiểu biết về hiến máu nên phải sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2014, Nam mới chính thức đăng ký hiến máu.   Anh Nam tham gia hiến máu khai xuân vào mùng 3 Tết hằng năm tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nhớ lại lần đầu đi hiến máu, Nam cho biết: “Dù tâm lý rất sợ kim tiêm, nhưng sau lần hiến đầu tiên ấy, tôi thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh và biết được rằng vẫn còn rất nhiều người bệnh đang cần máu để truyền. Nên sau đó, cứ đủ ngày là tôi lại tiếp tục tham gia hiến máu. Đồng thời, tự nhắc lòng mình phải vận động, lan tỏa việc làm ý nghĩa này đến với nhiều người khác nữa.” Nam trở thành một trong những tình nguyện viên tham gia đầy đủ và tích cực tất cả các chương trình “Giọt hồng tri ân” do Hội Máu tổ chức; các đợt phát động phong trào hiến máu nhân đạo trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hay các chương trình hiến máu nhân đạo tổ chức ở trường đại học. Càng tham gia, cậu sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội Đỗ Hữu Nam càng cảm nhận rõ ràng hơn mỗi giọt máu mà mình cho đi chứa đựng thật nhiều ý nghĩa, mang lại cơ hội sống cho nhiều người nên càng say mê và dành nhiều nhiệt huyết với phong trào hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Từ năm 2018, vừa học, Nam vừa đảm nhận vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 01/12, phụ trách công tác vận động hiến máu tại địa bàn quận Nam – Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng. Để phong trào hiến máu tình nguyện được phát triển rộng hơn, không chỉ lan tỏa đến các tầng lớp sinh viên các trường đại học mà cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Nam thường xuyên phối hợp, hỗ trợ Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các phường trên địa bàn các quận, tổ chức hiến máu tại các nhà văn hóa, đi tuyên truyền tới từng hộ dân, từng phòng trọ để mọi người ai cũng được tiếp cận với hoạt động hiến máu tình nguyện. Nam từng không quản ngại đường sá xa xôi, sẵn sàng phóng xe máy cùng bạn bè, vượt gần 100 cây số để kịp thời hiến máu cấp cứu và vận động hiến máu tại các bệnh viện bị khan hiếm, thiếu hụt máu. Đặc biệt, thời điểm tháng 3 - 4/2020, dịch bệnh covid -19 diễn biến phức tạp, anh đã xung phong làm tình nguyện viên trực tổ chức hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tất cả các ngày trong tuần để chăm sóc, hướng dẫn người hiến máu đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch. Có thời điểm khan hiến máu do Covid-19, anh nhiều lần tham gia hiến máu đột xuất để cứu người.   Nam (người mặc áo trắng) luôn truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ về lối sống trách nhiệm và nhân ái Anh chia sẻ: “Khi Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương gọi điện kêu gọi hiến thành phần máu để cứu người trong thời điểm thiếu máu do dịch Covid-19, mặc dù mỗi lần gạn thành phần máu mất rất nhiều thời gian nhưng lúc đó mình không suy nghĩ gì chỉ biết rằng người bệnh cần máu nên mình đến hiến với hi vọng những giọt máu của mình sẽ giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo.” Với tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm Nam đều đặn tham gia hiến máu và hiến thành phần máu cho người bệnh, tích cực tham gia vận động sinh viên và nhân dân đi hiến máu từ 500 – 1.000 người/năm. Bạn Nguyễn Thị Quỳnh, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Chi hội phó Chi hội 01/12 cho biết: Sự nhiệt tình, năng nổ, tích cực của anh đã truyền nhiệt huyết rất lớn để cho đoàn viên, thanh niên như em tiếp tục con đường vận động hiến máu tình nguyện, giúp cho người bệnh thêm cơ hội sống. Ngoài hiến máu tình nguyện, Nam cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động hướng về cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ. Tiêu biểu, trong công tác vận động ủng hộ mưa lũ miền Trung, anh đã vận động bạn bè, các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh ở huyện Nam Đàn – tỉnh Nghệ An. Bản thân Nam cũng đã ủng hộ 1.000 chiếc bút cho học sinh, trị giá 5 triệu đồng. Nhân dịp Trung thu, Nam đã vận động trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn tặng 10 suất quà trị giá 5 triệu đồng cho các cháu học sinh nghèo của trên địa bàn quận. Nam tích cực tham gia hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ quận tặng quà cứu trợ cho nhân dân tại các điểm cách ly, vận động gia đình làm 200 cái kính chắn giọt bắn để tặng cho các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch của Trung tâm Y tế quận; hỗ trợ giải cứu rau củ, trứng gà, dưa hấu, vải thiều cho nông dân, trị giá trên 200 triệu đồng… Những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của Nam đã góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mọi người với xã hội. Trong những năm qua, Nam đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội LHTN thành phố, BCĐ vận động hiến máu tình nguyện thành phố và UBND quận Bắc Từ Liêm về những thành tích nổi bật trong hoạt động hiến máu tình nguyện nói riêng cũng như đóng góp cho hoạt động chữ thập đỏ nói chung. “Hy vọng sẽ có thêm thật nhiều người có tấm lòng nhiệt huyết như Nam để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào nhân đạo, vì cộng đồng xã hội” - Ông Nguyễn Duy Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm tin tưởng. Mai Thảo            

Trang