TĐKT - “Bốn cùng” với người dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô luôn trăn trở làm sao cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra một hướng đi mới, một mô hình sản xuất phù hợp để người dân phát triển kinh tế. Sau gần 2 năm triển khai, mô hình trồng dứa tại bản đã cho thu hoạch năm 2020 với sản lượng hơn 20 tấn quả, mang lại số tiền 86 triệu đồng.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đưa những chồi dứa đầu tiên về trồng tại bản Chân Trôộng.
Bản Chân Trôộng nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Trước đây, nhiều gia đình trong bản làm nhà ở rải rác theo những sườn núi cao tít tận trong rừng sâu. Khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, các gia đình được gom về đây sinh sống để thuận tiện cho việc học tập, lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, địa hình phức tạp, đất sản xuất ít, hệ thống giao thương không thuận lợi nên cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Việc thoát nghèo của người dân bản Chân Trôộng vô cùng nan giải bởi tỷ lệ người bị mù chữ, tái mù chữ rất cao, nhất là chị em phụ nữ, họ thiếu nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, tính toán trong việc chi tiêu kinh tế cho gia đình.
Trưởng bản Chân Trôộng Hồ Văn Tiến cho biết: Việc định hình về giống cây, giống con làm chủ lực để phát triển kinh tế vẫn là bài toán chưa có lời giải. Cả bản có 59 hộ gia đình với 232 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều canh tác trên 39 ha ruộng nước, song mỗi năm cũng chỉ sản xuất được một vụ vì lũ lụt. Vì thế, sản lượng rất bấp bênh.
Xác định trồng cây gì để vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng chống xói mòn, tăng cường độ che phủ đất, bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề luôn được các cấp, các ngành tại địa phương quan tâm.
Trong một lần dự Hội nghị tổng kết công tác tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 đóng trên địa bàn xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô đã nhìn thấy bà con dân tộc ở xã Ngân Thủy đang chăm sóc cây dứa trên rẫy. Sau khi tìm hiểu, được biết đây là giống dứa do Đoàn 79 triển khai cung cấp để người dân trồng theo mô hình sản xuất tập trung, anh nghĩ ngay tới việc đưa mô hình này về bản Chân Trôộng. Không đắn đo, Thượng tá Lê Đình Huân gặp ngay lãnh đạo Đoàn 79 liên hệ mua 100 chồi dứa, trực tiếp chỉ đạo Đội Vận động quần chúng tham mưu lãnh đạo địa phương động viên người dân ở bản Chân Trôộng trồng thử nghiệm.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với UBND xã Trường Sơn và Đoàn 79 tiến hành khảo sát, chọn quỹ đất để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trồng dứa. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, đã có 18 hộ gia đình tại bản Chân Trôộng đăng ký tham gia mô hình. Toàn bộ kinh phí mua giống và phân bón do cán bộ, chiến sĩ vận động và đóng góp. Từ quá trình làm đất, trồng cây đến chăm sóc đều do các chiến sĩ biên phòng trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ người dân.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô giúp dân thu hoạch dứa
Sau 2 tháng, cây dứa đã nảy thêm chồi lá mới và phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Thấy thuận lợi, anh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục mua thêm cây giống, cùng với người dân cải tạo đất sườn đồi để trồng thêm với diện tích hơn 1 ha. Cũng từ đó, mô hình trồng dứa cho năng suất cao đã và đang dần bám rễ trên vùng đất khó khăn của bản Chân Trôộng.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn khẳng định: “Mô hình trồng cây dứa ở bản Chân Trôộng do cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Làng Mô khởi tạo là giấc mơ, là nụ cười, là niềm tin của bà con người dân tộc Bru - Vân Kiều vào một tương lai tươi sáng. Rồi đây, khi cây dứa phát triển tốt, chúng tôi sẽ triển khai cho toàn bộ các thôn, bản cùng làm”.
Bà con dân tộc Bru – Vân Kiều tại bản Chân Trôộng thu hoạch vụ dứa năm 2020
Không phụ công người chăm bón, mô hình trồng dứa bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Mỗi trái dứa ngọt, mát, thơm ngon ghi dấu cả một chặng đường dài gần 2 năm với nhiều gian truân vất vả, chứa đựng tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đối với bà con đồng bào Bru - Vân Kiều. Vụ mùa năm 2020, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã Trường Sơn kêu gọi các cấp, các ngành và mọi người ủng hộ nhằm tiêu thụ hơn 20 tấn dứa quả cho bà con. Số tiền thu được 86 triệu đồng tuy còn khiêm tốn, nhưng là nguồn động viên vô giá đối với bà con nơi đây.
Ông Hồ Bằng, đại diện cho các hộ gia đình được chọn thí điểm trồng dứa bản Chân Trôộng chia sẻ: “Bà con bản Chân Trôộng rất biết ơn các anh bộ đội biên phòng ở Đồn Biên phòng Làng Mô đã đem mô hình sản xuất mới hiệu quả về cho chúng tôi. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình này tiếp tục được duy trì và mở rộng thêm diện tích để bà con chúng tôi phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình”.
“Đây là mô hình có thể nhân rộng tại các bản trên địa bàn xã Trường Sơn, bởi trồng dứa không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chi phí thấp lại rất dễ chăm sóc. Ngoài mô hình trồng dứa, đơn vị cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, tìm vùng đất phù hợp để xây dựng mô hình trồng na trong thời gian tới”, Trung tá Đinh Như Triêm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết.
Nguyệt Hà