TĐKT - Tôi may mắn được biết anh Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lâu, cũng đã từng chứng kiến anh làm việc qua nhiều vị trí trong ngành Dự trữ. Ấn tượng của tôi về anh như một người anh lớn trong gia đình, đĩnh đạc và khiêm tốn. Có lẽ những phẩm chất ấy đã được hình thành trong con người anh từ những ngày thơ bé, khi cha hy sinh, anh phải đứng lên gánh vác gia đình.
Mang ấm no đến mọi miền Tổ quốc
Chính thức gia nhập ngành Dự trữ nhà nước từ tháng 7/1987, anh vui mừng được chứng kiến quá trình ngành Dự trữ nhà nước từng bước “thay da đổi thịt”, từ một đơn vị nhỏ bé đối diện muôn vàn khó khăn những ngày đầu đổi mới, hàng hóa dự trữ tồn kho thấp, lương thực trong nước còn chưa đủ ăn; tới hôm nay đã trở thành một Tổng cục lớn quản lý hàng trăm kho hàng cũng như số lượng hàng hóa dự trữ lớn mạnh. Hơn ai hết, anh tự hào vì bản thân mình được đóng góp một phần nhỏ bé trong những thay đổi đó.
Một vài con số anh chia sẻ đã giúp tôi mường tượng được sự lớn ấy của ngành Dự trữ. Anh cho biết, trong 5 năm trở lại đây, theo Quyết định của các cấp, ngành Dự trữ đã xuất cấp lương thực, vật tư cứu hộ, cứu nạn, vật tư phục vụ nông nghiệp, hàng phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, y tế… với tổng trị giá lên tới hơn 8.830 tỷ đồng. Việc xuất cấp hàng dự trữ đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát sinh, góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh; góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng; tăng cường nhiệm vụ quan hệ quốc tế và thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhắc đến những thay đổi, anh Lê Văn Thời tâm sự: “Điều không chỉ tôi mà lãnh đạo các cấp qua các thời kỳ của ngành Dự trữ đều rất trăn trở chính là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về quản lý Dự trữ Quốc gia cho ngành.”
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước Lê Văn Thời (ở giữa) đi kiểm tra chất lượng gạo dự trữ quốc gia của Chính phủ trao cho người dân nghèo
Sau khi Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua vào năm 2012 và các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ đến hết năm 2019, hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia và mô hình tổ chức lúc này trở nên tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý và là cơ sở quan trọng để ngành Dự trữ Nhà nước ổn định và phát triển. Đây là một bước tiến lớn nhằm khẳng định vai trò quan trọng của Dự trữ Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực sự là một trong những công cụ quản lý quan trọng giúp Chính phủ trong công tác điều tiết vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó là sự tiến bộ trong công tác quản lý chất lượng và bảo quản hàng dự trữ. “Hàng hóa luôn được bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, khi xuất ra đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Việc áp dụng công nghệ bảo quản mới, tiên tiến, hiện đại trong nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia đã được triển khai ngày càng rộng, với ưu điểm vượt trội như: Kéo dài được thời gian lưu kho, giảm sức lao động, không sử dụng hóa chất, không ảnh hưởng đến môi trường, giảm chi phí bảo quản và đặc biệt giảm tỷ lệ hao hụt...” - vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước hào hứng kể.
Nhắc đến anh Lê Văn Thời, tôi luôn nhớ tới một việc rất nhân văn. Ngoài việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, anh đã chỉ đạo các đơn vị xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và hỗ trợ nhân dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng theo các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số lượng gạo xuất cấp hàng năm trên 85.000 tấn.
Chính sách này nhân văn là bởi đã góp phần khuyến khích, động viên các em học sinh đến trường, tỷ lệ học sinh đến trường và số lượng học sinh chuyên cần tại các trường ngày càng tăng cao; giúp các em học sinh sử dụng ngôn ngữ dân tộc tiếp xúc với tiếng Kinh sớm hơn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa văn hóa và điều kiện phát triển giữa các vùng, miền. Có gạo đủ ăn, việc sinh hoạt tập thể giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt là việc nâng cao thể trạng của các em học sinh thông qua các bữa ăn no tại trường.
Ở khía cạnh khác, có gạo sẽ giảm áp lực đáng kể cho nhà trường và các thầy cô giáo trong việc huy động học sinh đến trường và an tâm giảng dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh; gián tiếp xóa đói giảm nghèo, giảm bớt khó khăn cho gia đình và các cấp chính quyền địa phương trong công tác ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn và góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương trong tương lai.
Một số cán bộ của ngành kể lại khi được theo đoàn lãnh đạo Tổng cục đi đến rất nhiều nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc để kiểm tra chất lượng gạo dự trữ quốc gia của Chính phủ trao cho người dân nghèo và các em học sinh. Những nơi đoàn đến thường là vùng cao, vùng xa, đầy khó khăn, vất vả, nhưng lãnh đạo Tổng cục, đặc biệt là anh Lê Văn Thời đã không quản ngại đường sá xa xôi, cheo leo, vất vả, không quản ngại thời tiết, tận tay trao gạo cho người dân nghèo.
Mùa đông năm 2018 khắc nghiệt, rét đậm rét hại kéo dài, băng giá và sương muối xuất hiện nhiều nơi như đỉnh đèo Khau Phạ, đỉnh Kháu Nha thuộc huyện Mù Cang Chải và một số đỉnh núi cao khác của tỉnh Yên Bái, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Xã Yên Hưng, huyện Văn Yên là điểm đến đầu tiên của đoàn công tác. Trong cái lạnh tái tê của miền sơn cước, mọi người trong đoàn công tác không khỏi xúc động khi chứng kiến niềm vui của người dân khi được nhận gạo. Hòa cùng niềm vui của đồng bào, anh Lê Văn Thời, Trưởng đoàn công tác đã không quản ngại tham gia bê từng bao gạo của Chính phủ trao tận tay bà con. Những cử chỉ, sự quan tâm thiết thực của anh dành cho đồng bào nơi đây thật ấm áp, nghĩa tình.
“Chứng kiến hình ảnh những cháu bé cùng bố mẹ chở gạo về nhà xen lẫn nụ cười của những người mẹ trẻ địu con trên vai, hai tay mang gạo, thấy lòng mình rộn vui như Tết đã đến bên kia đồi. Vất vả của chúng tôi nào có thấm thía so với khó khăn của bà con, nỗ lực nào quý giá bằng việc mang tới niềm hạnh phúc, đoàn viên, thấm đượm tình thân bên bữa cơm sum họp ấm nóng ngày Tết cổ truyền cho các hộ gia đình nghèo” - anh Thời nói.
Và Yên Bái chỉ là một trong những điểm đến của rất nhiều điểm mà anh và đồng nghiệp đã trực tiếp đến với dân.
Sự nỗ lực không ngơi nghỉ của một cán bộ mẫn cán
Khi tôi hỏi anh: “Điều gì giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong suốt hơn 30 năm qua?”, anh từ tốn đáp: “Trong suốt những tháng năm học tập, rèn luyện và phấn đấu, tôi không bao giờ quên công ơn của cha mẹ đã giúp tôi trưởng thành. Tấm gương anh hùng của người cha liệt sĩ đã là ý chí và nghị lực cùng niềm tự hào. Hình ảnh người mẹ tần tảo hy sinh thờ chồng, nuôi con luôn là chỗ dựa ấm áp cho tôi. Cùng với đó là niềm tin, sự chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên; pháp huy sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ”.
Anh Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước
Sau đó, anh Thời cho rằng bản thân cần luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiên cứu kỹ để tận dụng ý kiến của các chuyên gia theo từng lĩnh vực và sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị, các ngành liên quan và các địa phương. Anh cũng luôn tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, chế độ liên quan đến lĩnh vực của mình phụ trách, nhằm cập nhật kịp thời các thông tin phục vụ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời học hỏi các kinh nghiệm của những người đi trước, của đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Điều quan trọng nhất là phải biết lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến của mọi người và làm tốt sự đoàn kết thống nhất trong các đơn vị, tạo bầu không khí phấn khởi làm việc, khơi nguồn sáng tạo, biết chăn lo tạo cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc để cán bộ, công chức an tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Có những điều anh nói rất nhẹ nhàng nhưng tôi hiểu được trong đó chất chứa lòng yêu ngành, yêu nghề và sự nỗ lực không ngơi nghỉ của một người cán bộ mẫn cán.
Nhắc đến những trăn trở đối với ngành, anh chia sẻ đã dồn hết tâm huyết của mình, cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức trong ngành nghiên cứu định hướng Chiến lược dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 với mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia có quy mô đủ mạnh, danh mục mặt hàng thiết yếu, chiến lược để sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các yêu cầu về ổn định sản xuất và đời sống theo sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các định hướng về tổng mức, quy mô và mức dự trữ quốc gia từng mặt hàng đề xuất trong đề tài được nghiên cứu sử dụng để xây dựng quy mô, công suất, mức đầu tư và định hướng bố trí các điểm kho dự trữ trên các vùng chiến lược của cả nước trong Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030.
Anh kỳ vọng rằng, những trăn trở mà anh cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục gửi gắm trong bản Chiến lược này sẽ giúp cho ngành Dự trữ Nhà nước tiến thêm nhiều bước lớn, không chỉ là “chiếc van an toàn” của nền kinh tế mà thực sự trở thành một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước.
Không thể kể hết những đóng góp của anh trong hơn 30 năm công tác và cống hiến cho ngành Dự trữ. Bảng thành tích mỗi năm một dày thêm, cũng dày thêm bao ân nghĩa với bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị và cả với người vợ hiền luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác.
Hơn 30 năm gắn bó với ngành Dự trữ Nhà nước, anh Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức. Anh luôn là tấm gương về sự mẫu mực không chỉ trong công việc, mà cả trong lối sống và cách ứng xử với gia đình, anh em, đồng chí. Mãi mãi tự hào về anh, về những gì anh đã cống hiến và cả những chặng đường anh đã đi qua.
Thành Công