Điển hình tiên tiến

Vươn tới thành công từ niềm đam mê sáng tạo của chàng kỹ sư trẻ

TĐKT - Là người trẻ tuổi nhất trong 10 gương mặt nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019, anh Nguyễn Ngọc Chiến, nhân viên phòng kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé đã có thành tích đáng nể với 10 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong vòng 7 năm, góp phần mang lại lợi ích hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Chiến là 1 trong 10 điển hình được vinh danh tại Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 19 Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chuyên ngành Điện tự động năm 2012, anh Chiến vào làm việc tại Công ty Cảng Bến Nghé với vị  trí kỹ sư điện phụ trách các thiết bị xếp dỡ. Anh được lãnh đạo giao phụ trách 2 cẩu QC và 4 cẩu RTG, có tải trọng nâng từ 40 tấn. Đây đều là các thiết bị, phương tiện chủ lực, lớn nhất cảng. “Được lãnh đạo tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng như vậy, với một kỹ sư trẻ mới ra trường như tôi vừa là niềm vinh dự mà cũng rất nhiều áp lực. Do chưa có kinh nghiệm thực tế nên để có thể làm tốt công việc, tôi đã phải học hỏi rất nhiều. Không những tự học, nghiên cứu về hoạt động của các loại cần cẩu mà tôi còn tích cực học hỏi kinh nghiệm của các bậc đàn anh trong công ty .” - anh Chiến chia sẻ. Vậy mà cũng phải mất thời gian 2 năm anh mới làm quen và nắm bắt được công việc. Trong quá trình làm việc, anh Chiến nhận thấy xe nâng container ở Cảng Bến Nghé là phương tiện chủ lực trong việc xếp dỡ. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, hệ thống điện điều khiển xe nâng container PPM đều bị xuống cấp, dây điện lão hóa dễ gây chạm chập, cháy, nổ. Hơn nữa, việc sửa chữa nhiều lần cũng khiến hệ thống này không còn như ban đầu, dẫn đến tình trạng nhiều xe nâng hoạt động không ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ xếp dỡ hàng hóa. Cộng thêm chi phí sửa chữa khá tốn kém (khoảng hơn 500 triệu đồng). Là người ham mê sáng tạo, anh Chiến đã quyết tâm tìm giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Sau một thời gian tự tìm tòi, nghiên cứu, anh đã đưa ra sáng kiến “Nâng cấp hệ thống điện xe nâng container PPM sử dụng bộ xử lý trung tâm PLC S7-200 hãng Siemens”. Với sáng kiến này, anh Chiến đã tiến hành thay mới toàn bộ hệ thống điện xe nâng container PPM với bộ xử lý trung tâm PLC S7-200 của hãng Siemens. Theo anh, đây là bộ xử lý được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là giá thành rẻ so với hãng khác nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Sáng kiến được đưa vào áp dụng đã giúp việc theo dõi, sửa chữa lỗi cho xe nâng container được thực hiện nhanh do PLC được kết nối với máy tính. Nhờ vậy, rút ngắn thời gian sửa chữa khi xe có sự cố. Xe hoạt động ổn định hơn đã góp phần nâng cao năng suất bốc xếp và tiết kiệm cho công ty hơn 1 tỷ đồng/năm. Ngoài sáng kiến trên, anh Chiến còn nhiều sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả cao như sáng kiến lắp đặt bộ đo dòng điện Motor Hoist để phân biệt được container rỗng hoặc container chứa hàng. Giải pháp này giúp cảng tránh nhầm lẫn container không tải và có tải, từ đó dùng phương án xếp dỡ hợp lý. Hay sáng kiến, thiết kế hệ thống chiếu sáng tự động cho cẩu QC; nâng cấp hệ thống xe điện nâng container PPM. Nhờ vậy, năng suất xếp dỡ của các thiết bị này tăng cao, chỉ số khả năng sẵn sàng luôn duy trì ở mức cao trên 90%... Không chỉ là người giỏi công tác chuyên môn, anh Chiến còn là người thân thiện, gần gũi, tích cực truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho anh em đồng nghiệp cũng như những kỹ sư trẻ của công ty. Sức trẻ đầy nhiệt huyết cùng với sự trải nghiệm nhiều năm và tinh thần nỗ lực, sáng tạo, những người như anh Chiến đang là ngọn lửa truyền tinh thần lao động giỏi, lao động sáng tạo cho các đồng nghiệp của mình. Với những thành tích đạt được, anh Nguyễn Ngọc Chiến đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cảng Bến Nghé liên tục từ năm 2013 - 2018; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh liên tục các năm từ 2013 – 2018; anh giành giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2016; là 1 trong 9 công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2018; là 1 trong 65 người thợ trẻ giỏi toàn quốc được vinh danh hồi tháng 5/2018 và là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu tại giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019… Tuệ Minh

Người nặng lòng với công tác từ thiện

TĐKT - Hơn 10 năm nay, chị Lê Thị Ngọc Mai (ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) vẫn miệt mài trồng và chăm sóc vườn thuốc nam để phục vụ miễn phí cho người nghèo. Chị Mai cùng các chị em phụ nữ chăm sóc vườn thuốc nam Chia sẻ về cái duyên với trồng thuốc nam, chị Mai cho biết: Bản thân tôi luôn mong muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2009, trong lần xem thông tin trên báo, đài về các mô hình trồng thuốc nam từ thiện, tôi thấy rất tâm đắc và quyết định chọn công việc này làm công tác thiện nguyện. Bắt tay vào ý tưởng này, chị đã đầu tư 1000 m2 đất để trồng thuốc nam với mục tiêu cung cấp cho bà con trong tỉnh. Càng ngày, nhu cầu về thuốc nam càng lớn, chị đã tranh thủ sự hỗ trợ đất trồng của chùa Hội Phước, mạnh thường quân để mở rộng diện tích trồng thuốc. “Khi đó, khu đất của chùa chỉ là vùng đất bỏ hoang. Tôi đã vận động các chị em hội viên phụ nữ ấp bỏ gần 30 ngày công lao động để khai hoang, cải tạo và xin giống cây từ chùa Phước Thiện (Hưng Hội Tự) để trồng.” - chị Mai cho biết.  Ban đầu, do chưa hiểu biết nhiều về cây giống, kỹ thuật chăm sóc, cách làm… nên chị chỉ trồng một số ít loại cây thuốc. Vườn thuốc này một năm có thể cung cấp cho các chùa làm từ thiện khoảng 7 tấn thuốc tươi và 200 kg đã phơi khô. Sau đó, chị đã tự tìm hiểu, tham khảo sách, báo, kinh nghiệm thực tế và đến tận nơi một số cơ sở thuốc nam để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Cùng sự ủng hộ của các mạnh thường quân, hội viên phụ nữ tham gia đóng góp công lao động, kinh phí, chị đã nhân rộng vườn thuốc với nhiều chủng loại cây. Hiện nay, chị đã thành lập được 7 vườn thuốc nam, mỗi vườn có diện tích trên 2000 m2, ước tính hàng năm đáp ứng cho các chùa làm từ thiện được khoảng 24 tấn thuốc tươi và 1 tấn thuốc đã phơi khô với chi phí trên 70 triệu đồng/năm (chi phí ăn uống, bồi dưỡng lao động, phân bón, trừ sâu…) Không chỉ vậy, nhằm phát huy hiệu quả công tác từ thiện nói chung và công tác khám, chữa bệnh nói riêng, chị đã vận động chị em phụ nữ, các mạnh thường quân đóng góp tiền mặt gây quỹ nhà thuốc với số tiền 40 triệu đồng/năm để giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe mọi người ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Nam Chánh, chị cùng các chị em trong ấp thành lập Quỹ heo đất “Đập Đá” để góp vốn giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo không nơi nương tựa. Số tiền mà các thành viên đóng góp vào quỹ ít hay nhiều tùy theo mỗi người. Với cách làm đầy ý nghĩa đó, đến nay, Quỹ heo đất “Đập Đá” có hơn 200 thành viên tham gia. Hàng năm, Quỹ heo đất “Đập Đá” đều tham gia các hoạt động từ thiện trong và ngoài tỉnh như: Tham gia cùng Hội chữ thập đỏ tỉnh trong chương trình “Trao niềm hy vọng” với số tiền 51,5 triệu đồng/năm; tham gia phối hợp cùng đoàn Nhịp cầu nhân ái với số tiền 110 triệu đồng/năm; tham gia phối hợp cùng câu lạc bộ Tâm Sen với số tiền 18 triệu đồng/năm. Chị cũng vận động các thành viên của Hội đóng góp tiền mặt và ngày công lao động cùng với Chùa Hội Phước ủng hộ Nồi cơm từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện Trần Đề với số tiền khoảng 16 triệu/năm. Quỹ heo đất “Đập Đá” còn phối hợp cùng các mạnh thường quân, vận động hỗ trợ xây nhà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã trên 40 triệu/năm. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chị đã tích cực tham gia bằng nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa: Thực hiện tốt các hoạt động tặng quà, trao tiền mặt, thuốc miễn phí, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn… “Cứ định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tôi cùng các chị em hội viên phụ nữ ấp Nam Chánh đều cố gắng sắp xếp công việc gia đình để tham gia vận động từ thiện trên địa bàn sinh sống và tham gia cùng các đoàn khác trong và ngoài tỉnh đến những nơi có hoàn cảnh khó khăn…” - chị Mai chia sẻ. Chị còn vận động thành viên của hội tham gia xây dựng nông thôn mới như phát hoang các tuyến đường, phối hợp triển khai các hoạt động từ thiện trong và ngoài tỉnh. Những việc làm chị Lê Thị Ngọc Mai thật giản dị và gần gũi, nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Với những đóng góp cho công tác từ thiện, chị đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Nhưng có lẽ, với chị Mai, phần thưởng lớn nhất chính là niềm vui có được từ việc sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, là tình cảm yêu mến, cảm phục mà mọi người dành cho chị. Bảo Linh  

Kiên trì ươm mầm xanh hy vọng nơi vùng cao

TĐKT - Lớn lên trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ phải sống chung với cái đói, cái nghèo, chứng kiến nhiều đứa trẻ không được học hành, thầy giáo người Mông Lý A Phông, giáo viên Trường Tiểu học Trung Sơn B, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, luôn mong ước mình sẽ đưa cái chữ trở lại bản làng, đến với các em học sinh vùng cao. Bởi theo anh, muốn phát triển kinh tế, thoát khỏi cái đói, cái nghèo thì điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải học để tăng sự hiểu biết, từ đó mới có thể thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy và hành động. Vượt khó đi tìm cái chữ Thôn Nhồi, nơi Phông sinh ra và lớn lên, nằm cách trung tâm xã Trung Sơn khoảng 16 km. Trong số hơn 400 nhân khẩu đang sinh sống tại đây, đồng bào dân tộc Mông chiếm quá nửa. Mặc dù nhà nghèo nhưng Phông vẫn kiên trì tới trường, theo đuổi ước mơ học chữ. Phông chia sẻ: “Là người sinh ra và lớn lên tại đây, tôi thấu hiểu được những hoàn cảnh của người dân cũng như những khó khăn trong cuộc sống của gia đình mình. Chính vì điều đó, tôi đã nỗ lực đi học. Ngay trên ghế nhà trường, tôi đã xác định mục tiêu là đi học để đem cái chữ về bản, giúp các em học sinh có một tương lai tươi sáng hơn.” Thầy giáo Lý A Phông cùng các em học sinh Trường tiểu học Trung Sơn B. Những năm học phổ thông xa nhà vất vả, vừa phải đi gánh gạo để có tiền trọ học, anh vẫn nỗ lực học tập và tiếp tục thi đỗ vào Trường Đại học Hùng Vương. Sau khi tốt nghiệp đại học, Lý A Phông được phân công về Trường tiểu học Trung Sơn B dạy lớp cắm bản tại thôn Nhồi. Phông cho biết: Trước năm 2013, nhiều học sinh ở thôn Nhồi, nhất là những em người dân tộc Mông thường xuyên nghỉ học để theo gia đình lên nương làm rẫy. Đa số các em học hết lớp 5 là nghỉ ở nhà. Tỷ lệ học lên THCS rất ít và gần như không có học sinh học THPT chứ chưa nói đến học trung cấp, cao đẳng, đại học. Phụ huynh thì bận rộn với việc nương rẫy, không quan tâm đến việc học hành của con em mình. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, không cho con gái đến trường còn phổ biến. Đặc biệt, các em học sinh là người Mông và bố mẹ các em đều không thạo tiếng Việt, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy, giao tiếp đối với giáo viên, nhất là giáo viên vùng xuôi lên đây công tác. Năm 2013 - thời điểm Lý A Phông về làm thầy giáo, thôn Nhồi không có đường, không điện, không trường học. “Lớp tôi dạy chỉ có từ 7 - 10 em, đều là con em đồng bào Mông. Là trẻ em vùng sâu, vùng xa, các em chưa hiểu, chưa nói thạo tiếng phổ thông nên việc dạy dỗ không đơn giản. Nhiều khi nhìn học trò nhỏ xíu, đến lớp với cái bụng đói, nhút nhát, tự ti… mà thương các em ứa nước mắt” - Lý A Phông tâm sự. Thương các em, bằng tấm lòng của người thầy, người cha, thầy giáo Phông đã tìm mọi cách khắc phục, giảng dạy để các em dễ hiểu nhất. Nhờ thông thạo tiếng dân tộc, thầy dễ dàng tiếp xúc và trao đổi cởi mở với các em. Trong quá trình giảng dạy, nếu học sinh không hiểu thì thầy lại dạy song ngữ, vừa dùng tiếng Việt, vừa sử dụng tiếng Mông. Không chỉ dạy kiến thức, thầy giáo Phông còn rèn cho các em thói quen sinh hoạt sạch sẽ, vệ sinh, vun đắp cho các em ước mơ tốt đẹp. “Thầy dạy em học toán và tiếng Việt, dạy em hát. Em rất thích học thầy Phông” - Em Vàng Thị Hà Ly, học sinh lớp 1C, Trường tiểu học Trung Sơn B, hồ hởi nói về người thầy đáng mến của mình. Mỗi khi có học sinh nghỉ học giữa chừng, thầy Phông lại lặn lội đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường. Những ngày mùa đông thời tiết giá rét, sương mù dày đặc che hết cả đường đi cũng không làm chùn bước chân người thầy giáo trẻ. Nhờ sự kiên trì và trái tim yêu nghề của thầy Phông cùng các thầy cô giáo cắm bản ở thôn Nhồi, từ năm học 2013 - 2014 đến nay, các em học sinh đã đi học đông đủ và thường xuyên đảm bảo sĩ số. Học sinh tự tin, hiểu biết hơn, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt việc học tập và rèn luyện ngày càng tăng. Đặc biệt, hiện thôn Nhồi có 9 học sinh người Mông có trình độ văn hóa 12/12, trong đó có 5 người trình độ đại học, 1 học viên đang thực tập sinh tại nước ngoài, 2 người có trình độ cao đẳng, 1 người có trình độ trung cấp. Hết mình vì thôn, bản Không chỉ dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho công việc giảng dạy, thầy giáo Lý A Phông còn là một “cây dân vận khéo” của xã Trung Sơn. Cùng là người Mông và là một tấm gương sáng của thôn nên anh được bà con tin yêu, quý mến. Ông Đinh Văn Lúa, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, huyện Yên Lập cho biết: Là một đảng viên trẻ, ngoài việc dạy học, đồng chí Phông còn cùng với khu dân cư vận động bà con nhân dân phát triển kinh tế xã hội, giúp đồng bào dân tộc Mông định canh, định cư. Tại các buổi sinh hoạt, các buổi họp thôn, Lý A Phông luôn mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến, tuyên truyền cho bà con về việc ổn định nơi cư trú, không di cư tự do để có thời gian phát triển kinh tế cho gia đình; tuyên truyền bà con giữ mối quan hệ đoàn kết trong thôn cũng như với các anh em dân tộc khác trong vùng 6 khe của xã Trung Sơn, cùng nhau học hỏi và phát triển kinh tế theo hướng đổi mới… Với đặc thù 100% hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nhồi theo đạo Thiên Chúa, Phông còn chủ động phối hợp với Ban hành giáo vận động, hướng dẫn các hộ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hiện tốt phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước”. Anh thường xuyên vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ các hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, anh thường xuyên vận động nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ các hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn. Ở khu Thành Xuân, xã Trung Sơn có gia đình ông Phùng Xuân Khánh và vợ là bà Dương Thị Lứu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Khánh là bộ đội xuất ngũ. Sau này ông đi lao động không may bị thương ở tay rồi bị nhiễm trùng. Ông bà chỉ có một con gái lập gia đình xa quê. Hai ông bà sống trong một căn nhà lụp xụp, không thể che được những cơn gió, những tháng ngày giá rét của mùa đông. Cảm thương trước gia cảnh của ông, tháng 10 vừa qua, thầy giáo Phông đã liên hệ với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, quyên góp tiền, ngày công lao động để xây dựng cho ông bà một căn nhà ấm cúng… Giờ đây, thôn Nhồi đã có nhiều đổi thay. Những con đường bê tông trải dài khắp thôn xóm, trường học kiên cố, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại đã về tới tận thôn bản. 100% số hộ đồng bào Mông đã định cư ổn định, biết thâm canh lúa nước, trẻ em đến tuổi đều được đến trường. Trong niềm vui chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Lý A Phông. Nhờ những nỗ lực, cống hiến trong những năm qua, thầy Phông đã được Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc huyện Yên Lập giai đoạn 2014 - 2019. Năm 2016, anh được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chứng nhận là giáo viên trẻ cắm bản tiêu biểu; năm 2018 vinh dự là 1 trong 170 đoàn viên thanh niên tiên tiến của tỉnh làm theo lời Bác. Năm 2019 tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Yên Lập, anh vinh dự được tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình hành động và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện lần thứ II năm 2014. Phương Thanh  

Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ

TĐKT - Thấm nhuần lời dạy của Bác, cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng, giáo viên Trường Mầm non Sao Sáng, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang luôn tiên phong trong mọi công tác, gương mẫu với đồng nghiệp, nhiệt huyết với công việc và là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác. Các em học sinh luôn say mê, hứng thú với tiết học của cô giáo Hằng Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non tại Trường Đại học Tiền Giang năm 2008, cô Hằng nhận công tác tại Trường Mầm non Sao Sáng. Hơn 10 năm công tác tại trường, hiểu được công việc nuôi dạy trẻ rất khó khăn, vất vả nhưng với niềm đam mê nghề, cô đã nỗ lực không ngừng. Ngay từ những ngày mới vào nghề, cô giáo Hằng đã chú ý tìm hiểu, đọc sách báo, sưu tầm những mẩu chuyện, chi tiết… thể hiện tình cảm, tình thương yêu, chăm lo của Bác với trẻ em, thanh thiếu niên. Sau khi đã có vốn tư liệu dày dặn, cô lồng ghép vào các chủ đề dạy học trong lớp. Dần dần, những mẩu chuyện nhỏ về sự quan tâm, chuyện Bác chia kẹo cho thiếu nhi, viết thư động viên, ân cần dạy bảo thanh thiếu niên của Bác khiến trẻ rất yêu thích. Xác định việc học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, hàng ngày gắn với hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ, cô Hằng đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Trong các giờ dạy, cô luôn lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi như: Cho trẻ trải nghiệm nặn bánh, nhặt rau, chăm sóc vườn rau cùng cô… để thu hút trẻ cùng tham gia. Cô cũng thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng, qua việc trình chiếu hình ảnh, video, giúp trẻ được quan sát trực quan, sinh động; sưu tầm và làm những đồ dùng học tập phù hợp với nội dung, chủ đề trong từng tiết học, kích thích sự sáng tạo và tư duy của trẻ như: Làm quả dứa, quả bưởi, khâu con rối, làm búp bê… Quá trình chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ gặp nhiều khó khăn do các cháu còn nhỏ, lại hiếu động, cô Hằng thường xuyên quan sát, gần gũi trẻ, hướng dẫn cho trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân, khuyến khích trẻ giúp cô làm đồ dùng, đồ chơi, tìm hiểu tâm lý trẻ để biết trẻ thích gì. Cô ân cần, chăm sóc cẩn thận, chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, uốn nắn cho trẻ từ những việc làm nhỏ nhất, dạy cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi.  “Giáo viên mầm non phải kiêm nhiều vai trò khác nhau mới có thể chăm sóc tốt cho các con, là cô giáo nhưng có lúc lại như là một diễn viên, nghệ sĩ, lúc khác lại trở thành họa sĩ, nhà thơ... Chỉ mong muốn tạo cho các con có một hành trình vui vẻ khi đến lớp để mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. – cô Hằng chia sẻ. Nhờ đó mà lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số trẻ từ đầu năm học đến cuối năm học đạt 100%. Tất cả các cháu đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo, ngoan ngoãn, lễ phép, biết chào hỏi, biết cảm ơn… Không chỉ yêu nghề, mến trẻ, có năng lực chuyên môn tốt mà cô Hằng còn là người sống giản dị, hòa đồng và tận tụy vì công việc chung của trường. Cô luôn tích cực đi đầu tham gia vào các phong trào thi đua và các hoạt động do nhà trường và ngành giáo dục tổ chức như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”… Ngoài công tác chuyên môn, cô Hằng còn là bí thư chi đoàn của trường. Với cương vị này, cô luôn vận dụng, thực hiện tốt lời dặn dò của Bác Hồ với thanh, thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, cô chủ động triển khai các chương trình, hoạt động tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên của trường đẩy mạnh học tập và làm theo Bác cũng như những bài học trong Di chúc của Bác Hồ; đồng thời, động viên các giáo viên trẻ không ngừng rèn luyện tay nghề, chuyên môn trong hoạt động giảng dạy và chăm sóc trẻ. Bác Hồ đã từng nói: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ, muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu còn nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Nhìn nụ cười hiền hậu, ánh mắt trìu mến của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hằng, tin rằng cô sẽ làm tốt vai trò là người mẹ hiền thứ hai luôn yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ đàn con thơ của mình. Tuệ Minh

Biểu dương 90 cấp ủy viên là Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

TĐKT - Tối 12/1, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai cấp công nhân Việt Nam dưới cờ Đảng quang vinh” và biểu dương 90 cấp ủy viên là Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước. Đến dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao Bằng khen của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam cho các chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu. (Ảnh TTXVN) 90 cấp ủy viên là Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) là những điển hình cho những đảng viên “một gánh hai vai”, đội ngũ trung kiên, lực lượng nòng cốt của Đảng, góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Trong 90 cấp ủy viên được biểu dương lần này, có 39 đồng chí là bí thư, 27 đồng chí là phó bí thư và 34 đồng chí là ủy viên thường vụ, đảng ủy viên, chi ủy viên. Những địa phương có nhiều cấp ủy viên là Chủ tịch CĐCS DN tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài được biểu dương gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Phát biểu ý kiến tại Lễ biểu dương, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam, Báo Nhân Dân đã tôn vinh, biểu dương các đồng chí cấp ủy viên là Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu. Hoạt động này không chỉ ghi nhận, động viên, khích lệ mà còn khẳng định vai trò của tổ chức đảng cơ sở qua những cán bộ công đoàn tiêu biểu là bí thư, phó bí thư, chi ủy viên. Hình ảnh và kết quả hoạt động của các đồng chí là sự thuyết phục đối với người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) và xã hội. Trưởng Ban Dân vận nhấn mạnh: Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các cam kết quốc tế và tham gia theo lộ trình 8/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa mang đến cơ hội, vừa đặt ra những thách thức mới, những yêu cầu mới đối với tổ chức Công đoàn. Do đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị: Công đoàn tiếp tục là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, là sự lựa chọn đầu tiên của NLĐ. Đồng thời, Công đoàn phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới NLĐ; khuyến khích NLĐ trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, lao động có trách nhiệm, góp phần phát triển DN, cũng chính là nâng cao cuộc sống của chính mình. Trên cơ sở đó, phát triển tổ chức, phát triển đoàn viên, tạo nguồn để bồi dưỡng và giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Tổ chức công đoàn cần tiếp tục quan tâm, cổ vũ để có thêm nhiều cấp ủy viên - chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu, có sức lan tỏa mạnh mẽ và quan trọng hơn đó là tạo được sự tin yêu, ủng hộ của NLĐ trong DN, góp phần đưa phong trào công nhân, viên chức, NLĐ và hoạt động công đoàn có bước phát triển mới. Nhân dịp này, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh; nhiều đoàn viên công đoàn ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các loại hình DN ngoài khu vực Nhà nước, nhất là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, tổ chức công đoàn trong các loại hình DN này đã được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần phát triển bền vững, củng cố khối đại đoàn kết. Công tác giới thiệu, phát triển đảng trong công nhân, viên chức, lao động được quan tâm. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các cấp công đoàn đã tập trung chăm lo công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, đoàn viên. Nhiệm kỳ Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng 387.380 đoàn viên công đoàn ưu tú, trong đó có 276.192 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp Đảng. Năm 2019, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã giới thiệu 119.603 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Thục Anh  

Những suất cơm đầy ắp yêu thương

TĐKT - Gần 8 năm hoạt động, nhóm nấu ăn Bếp cơm từ thiện Mỹ Long (đường Nguyễn Trãi, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều sinh viên, học sinh và những người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Đây chính là nơi gắn kết những tấm lòng thiện nguyện, mỗi người một việc làm nhỏ cùng nhau góp thành hoạt động mang ý nghĩa lớn trao đến những người có hoàn cảnh khó khăn.   Bếp cơm từ thiện Mỹ Long đã thật sự tiếp thêm sức mạnh giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống Ông Hồ Mong Thọ, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo phường Mỹ Long cho biết: Thành thị là nơi tập trung nhiều tầng lớp, nhất là sinh viên và người lao động. Nhiều người có cuộc sống rất khó khăn. Để kiếm được một bữa cơm no bụng, với nhiều người không phải là điều dễ dàng. Xuất phát từ thực tế đó, cùng với sự ủng hộ của những mạnh thường quân, năm 2012, chúng tôi đã thành lập Bếp cơm từ thiện Mỹ Long phục vụ cơm trưa, nhằm chia sẻ một phần gánh nặng với những người có hoàn cảnh khó khăn. Bếp cơm từ thiện Mỹ Long thành lập 10 tổ nấu ăn, mỗi tổ từ 10-15 thành viên, luân phiên đảm nhiệm mọi công việc của bếp cơm. Ngoài ra, còn có hàng chục sinh viên tình nguyện chuyên phục vụ việc dọn dẹp, vệ sinh quán. Cứ từ 9 giờ đến 14 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, bếp cơm luôn tất bật. Mỗi người có một điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng ở họ có điểm chung đáng trân trọng là lòng yêu thương, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người nghèo. Với họ, đó là niềm vui mỗi ngày. Bà Võ Thị Nhị, Tổ trưởng Tổ nấu ăn chia sẻ: Tôi gắn bó với bếp cơm chỉ bởi một suy nghĩ giản đơn muốn đem lại niềm vui cho mọi người, giúp cho các em học sinh, sinh viên, người lao động có bữa cơm no đủ để đủ sức khỏe học tập và lao động tốt. 800 - 1200 suất cơm ăn tại chỗ và mang về mỗi ngày là tấm lòng thơm thảo, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Tuy chỉ là cơm chay nhưng đã phần nào giảm bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền cho những ai có hoàn cảnh khó khăn. Cũng theo bà Nhị, trong mỗi suất ăn đều có đầy đủ các món gồm: Canh, món xào, món mặn được các thành viên bếp cơm chuẩn bị sẵn trong các khay cơm bằng inox có nắp đậy. Khi mọi người đến ăn chỉ cần nhận khay cơm và nước uống đã chuẩn bị sẵn rồi đến bàn ăn. Thức ăn đều đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tổ nấu ăn cũng thường xuyên thay đổi món ăn để mọi người đến ăn thấy ngon miệng hơn. Em Võ Đức Minh, sinh viên Đại học An Giang chia sẻ: Cơm từ thiện ở đây ngon, các bác phát cơm cũng rất vui vẻ, niềm nở. Nhờ những phần cơm miễn phí, em đỡ được một khoản chi phí sinh hoạt. “Không có bếp ăn từ thiện chắc tôi không còn sống đến giờ. Các anh chị ở đây không chỉ phát cơm từ thiện cho tôi mà còn thường xuyên hỏi thăm, động viên, giúp đỡ tôi khiến tôi rất cảm động”- Cụ bà Huỳnh Thị Sanh, 82 tuổi, không có người thân, chia sẻ. Để có thể nấu được những suất ăn như vậy, ngoài sự ủng hộ của chính quyền địa phương là sự đóng góp tích cực của mạnh thường quân. Người góp công, người góp của. Ngoài số tiền lúc đầu Ban điều hành bếp cơm vận động được, các đơn vị, cá nhân còn ủng hộ gạo, gia vị, nguyên liệu chế biến thức ăn, khay đựng cơm, lò nấu cơm bằng điện có công suất lớn, mỗi ngày nấu hơn 120 kg gạo cùng nhiều trang thiết bị nhà bếp hiện đại…  Ông Thọ cho biết: Ngoài việc chăm lo bữa ăn trưa, Bếp cơm từ thiện Mỹ Long còn tổ chức phát cơm lưu động đến những người nghèo, hoàn cảnh neo đơn ở khu vực chợ Long Xuyên, người nhà và bệnh nhân khó khăn ở bệnh viện thành phố, các em sinh viên ở ký túc xá Trường Đại học An Giang... Chúng tôi điều phối rau, củ, quả tiếp nhận được từ mọi người quanh chợ trong ngày và phân phát cho những bếp cơm từ thiện khác. Có thể thấy, tuy việc làm nhỏ nhưng nếu dốc hết lòng, đặt hết tâm và tình yêu thương vào đó thì sẽ mang ý nghĩa rất thiết thực. Những suất cơm ấm áp tình người của Bếp cơm từ thiện Mỹ Long đã thật sự tiếp thêm sức mạnh giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tùng Chi

Thành công nhờ đam mê sáng tạo

TĐKT - Với sự cố gắng học hỏi cùng niềm đam mê, sáng tạo, anh Nguyễn Chánh Thi, nhân viên cơ điện, Phòng Kỹ thuật, bộ phận quản lý bảo trì dây chuyền túi, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã có nhiều sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động cho công nhân. Anh Nguyễn Chánh Thi là 1 trong 10 gương mặt đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019 Tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng năm 2011, anh Nguyễn Chánh Thi về đầu quân cho Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. “Năm đầu tiên về công ty, tôi chủ yếu đi theo các bậc đàn anh trong phòng kỹ thuật làm quen với dây chuyền sản xuất, phụ sửa chữa máy móc khi bị hư hỏng. May mắn cho tôi, phòng kỹ thuật có nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, tay nghề giỏi và truyền thống sáng tạo, nên tôi nhanh chóng học được những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế sản xuất và được động viên mạnh dạn sáng tạo, cải tiến kỹ thuật.”- anh Thi chia sẻ. Sau 1 năm, khi đã quen với công việc, anh Thi đã có những đề xuất cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Một trong những sáng kiến nổi bật của anh Thi là sáng kiến “Zero hư hỏng cụm truyền động xích máy Mespack 2”  được thực hiện vào năm 2013. Chia sẻ về ý tưởng cho sáng kiến này, anh Thi cho biết: Trong quá trình theo dõi vận hành máy, tôi nhận thấy cụm truyền động xích máy Mespack 2 thường xuyên hư hỏng. Không chỉ vậy, cứ chu kỳ 3 tuần/lần đều phải tiến hành thay thế thiết bị. Mỗi lần thay thế phải tạm dừng máy khoảng 1 giờ. Điều này không chỉ gây tốn kém chi phí mua thiết bị mà còn ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của nhà máy. Bởi vậy, anh đã suy nghĩ để tìm ra cách khắc phục trên. Qua nghiên cứu, anh Thi phát hiện nguyên nhân gây hỏng thường xuyên của máy là do sai sót từ thiết kế ban đầu. Theo anh Thi, nhà sản xuất đã dùng Teflon để dẫn hướng xích truyền động. Với thời gian hoạt động liên tục, Teflon sẽ mòn, làm dây xích chùng, dẫn đến máy báo lỗi và dừng thiết bị. Để khắc phục khiếm khuyết này, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh đã tìm ra biện pháp là thay thế Teflon bằng bánh nhông. Sáng kiến được công ty đưa vào áp dụng và nhanh chóng phát huy hiệu năng. Tình trạng hư hỏng của máy được khắc phục, tuổi thọ thiết bị dài hơn. Thay vì 3 lần/tuần phải thay thế như ban đầu, với sáng kiến này, sau thời gian 4 năm, công ty mới phải thay thế bánh nhông một lần. Sáng kiến này của anh Thi đã làm lợi cho doanh nghiệp 450 triệu đồng/năm.  Thành công ban đầu đã giúp cho anh Thi tự tin hơn khi thực hiện các sáng kiến cải tiến sau này. Một trong những sáng kiến phải kể đến đó là “Cải tiến trên dây chuyền đóng gói tự động Leepack để sản xuất túi Omo 4 kg mới”. Anh Thi cho biết năm 2017, công ty có kế hoạch tung ra thị trường loại sản phẩm Omo túi 4 kg. Tuy nhiên, do dây chuyền đóng gói tự động Leepack hiện có của nhà máy chỉ chạy được các loại sản phẩm từ 2,7 kg nên muốn sản xuất được túi 4 kg phải mua máy mới và công ty phải tốn một khoản đầu tư rất lớn. Qua nghiên cứu kỹ cấu tạo và cách vận hành máy, anh đã cải tiến giảm bớt số lượng tay kẹp túi từ 10 bộ xuống còn 5 bộ để tăng thêm độ rộng tay kẹp. Theo anh Thi cho biết, với sáng kiến này, máy có thể đóng gói được các loại túi có kích cỡ khác nhau với công suất không giảm, giúp dự án đưa vào thực hiện sớm 4 tháng, góp phần làm lợi cho công ty 1,7 tỷ đồng/năm. Cũng trong quá trình áp dụng sáng kiến trên, phát hiện trung bình phải mất 12 giây để máy rót đầy một túi sản phẩm 4 kg và sự hạn chế nằm ở cụm vòi chiết rót, anh đã đề xuất cải tiến tăng số lỗ trong vòi rót sản phẩm (từ 19 lên 37 lỗ), giúp dây chuyền đóng gói tăng 60% công suất. Hiện tại, anh Thi phụ trách 4 dây chuyền trong xưởng Home care của công ty, chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình như: Nước giặt, nước rửa chén, nước xả vải, nước lau nhà… Đây là xưởng có sản lượng cao nhất trong 4 xưởng của Unilever đặt tại Củ Chi. Công việc của anh chính là đảm bảo 4 dây chuyền hoạt động tốt, giảm tổn thất, đạt hiệu suất cao nhất. Gần 9 năm gắn bó với công ty, anh Thi đã sở hữu bảng thành tích đáng nể với 10 sáng kiến có tổng giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Chia sẻ về những thành công trong công việc của mình, anh Thi cho biết, anh luôn quan niệm rằng đã đi làm, phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Mỗi nỗ lực, mỗi đóng góp của mình góp phần giảm sức lao động cho con người, đóng góp vào sự phát triển chung của công ty nên cần cố gắng hết sức. Bảo Linh

Người thắp lửa ước mơ cho trẻ em nơi đảo xa

TĐKT - Gần 10 năm gắn bó với người dân trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau), tới nay, điều mà Đại úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động Quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối thấy tâm đắc nhất chính là đã làm thay đổi được nhận thức của bà con trên đảo về việc học. Giờ đây, họ đã ý thức được rằng học tập là một việc quan trọng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời con em họ. Thầy giáo trẻ và lớp học đặc biệt trên đảo Hòn Chuối là một hòn đảo cách đất liền khoảng 18 hải lý. Ở đây có 54 hộ/173 khẩu, trong đó có 8 hộ/20 khẩu là người dân tộc Khmer sinh sống; có 3 lực lượng đứng chân đó là: Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Trạm Ra đa 615 Hải Quân và Trạm Hải Đăng. Trên đảo không có điện, đường, trường, trạm và nước ngọt sinh hoạt; đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là trẻ em không được đến trường tiếp cận với con chữ. Từ thực trạng trên, thực hiện chủ trương của Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chỉ huy đơn vị về việc nâng cao chất lượng trường lớp, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo trên đảo, Đại úy Trần Bình Phục đã xung phong tổ chức thực hiện và đứng lớp giảng dạy. Kỷ niệm của những ngày đầu đứng lớp vẫn còn in đậm trong tâm trí người thầy mang quân hàm xanh. Anh kể: “Ngày đầu tiên đứng lớp, thầy bỡ ngỡ, trò lại càng bỡ ngỡ hơn; từ viên phấn đến cây thước kẻ, bút chì…tất cả đều lạ lẫm với những đứa trẻ chỉ quen đầu trần, chân đất. Ban đầu, lớp học chỉ có vài em theo học, tôi cùng đồng đội phải mất gần một năm kiên trì mới vận động được hết tất cả các em trong độ tuổi đến trường trên đảo theo lớp học.” Cơ sở vật chất thiếu thốn. Phòng học tạm bợ, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Mùa khô thì nắng nóng như đổ lửa, mùa mưa thì trong lớp cũng như ngoài trời do bị dột nát. Đại đa số các em đều không biết đọc, biết viết, độ tuổi, nhận thức không đồng đều… Vượt lên tất cả, bằng niềm tin, ý chí, nghị lực và trách nhiệm của một người lính, được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, anh càng thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.   Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục cùng học trò đến lớp học tình thương. (Ảnh: Lê Khoa) “Tôi xác định rằng việc dạy chữ phải gắn liền với việc xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, để tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với lực lượng bộ đội biên phòng. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn, trước hết tập trung điều chỉnh, chia lớp học thành nhiều nhóm khác nhau trong cùng một gian phòng, soạn giáo án giảng dạy và lớp học ghép cũng được bắt đầu hình thành từ đó.” – Đại úy Trần Bình Phục chia sẻ. Năm đầu, anh vừa dạy chữ vừa tập trung khắc phục, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất trong lớp và dần dần lớp học đi vào nền nếp ổn định hơn. Anh cho biết, để đến được lớp học, hàng ngày, các em nhỏ phải leo 303 bậc thang dốc thẳng đứng; điều kiện địa hình thời tiết khắc nghiệt, các em đi lại không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa. Chính vì vậy, anh phải chủ động đến tận nhà ở để đón các em đi học và đưa về sau những buổi tan trường. Điều khó khăn nhất là đi vận động, nói cho bọn trẻ hiểu rồi còn thuyết phục cả gia đình các em. Ở đây, trẻ nhỏ xíu đã là lao động trong gia đình, cha mẹ mang theo khi ra khơi. Để nó tới trường là trẻ đói, gia đình người ta cũng đói. Trần Bình Phục nghĩ ra cách nói với tiệm tạp hóa ở trên đảo, nếu có trẻ nhỏ đói quá, tiệm cứ bán chịu mì gói, bánh kẹo, nước ngọt cho chúng. Tới kỳ lĩnh lương, anh sẽ gửi trả cho tiệm. Để các em có điều kiện tham gia học tập, anh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập trị giá hàng chục triệu đồng. Đến năm 2016, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí vận động của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau và sự giúp sức của lực lượng thanh niên tình nguyện, ngôi trường trị giá 500 triệu đồng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết cơ bản trường và lớp học trên đảo. Nhiều năm qua, lớp học được duy trì đều đặn, hiệu quả, các em theo học tăng từng năm. Hiện tại còn 23 em với nhiều lớp khác nhau: 1 em lớp 7; 2 em lớp 6; 4 em lớp 5; 2 em lớp 4; 2 em lớp 3; 1 em lớp 2; số còn lại là lớp 1 và tập làm quen với chữ cái. Đến nay có 100% các em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, biết đọc, biết viết. Cũng từ lớp học nơi đảo xa này, đã có 21 em được chuyển vào đất liền để tiếp tục học tập, đặc biệt có 4 em đã tốt nghiệp đại học ra trường và có việc làm ổn định, đó là những tấm gương để các em còn lại noi theo. Đồng thời, đó cũng là những hạt nhân tương lai góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức, cuộc sống của bà con nhân dân trên đảo, là nền tảng bền vững cùng lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của Tổ quốc. Giúp dân an tâm bám đảo Không chỉ dạy học, Đại úy Trần Bình Phục còn trực tiếp tham mưu cho cấp ủy - chỉ huy đơn vị tìm kiếm mô hình làm kinh tế mới phù hợp với điều kiện tự nhiên đảo Hòn Chuối. Mô hình nuôi cá bóp lồng bè được đưa vào thực nghiệm và thành công ngoài mong đợi. Người dân rất vui mừng, phấn khởi. Sau gần 10 năm áp dụng mô hình, hiện nay trên đảo có 28 hộ nuôi cá bóp, hơn 128 lồng bè và gần 50.000 con cá giống. Hàng năm xuất ra thị trường gần 300 tấn cá thương phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân đảo Hòn Chuối dần được thoát nghèo an tâm bám đảo, chăm lo làm ăn, sản xuất.   Đại úy Trần Bình Phục chia sẻ tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến kỷ niệm70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bên cạnh đó, anh còn tham gia kêu gọi, di dời hơn 8500 lượt tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới an toàn, làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Giúp dân hàng trăm ngày công sữa chữa nhà, chuyển ghềnh chạy sóng (2 lần/năm), khắc phục hậu quả sau thiên tai, vệ sinh môi trường ổn định cuộc sống. Anh trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là Nghị định số 71/2015/NĐ-CP và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; không đánh bắt hải sản vi phạm chủ quyền vũng biển nước ngoài; vận động nhân dân nói không với tệ nạn xã hội … được 25 buổi/1.050 lượt người tham. Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên đảo. Anh cùng Ban Chấp hành chi đoàn lãnh đạo tốt mọi hoạt động công tác Đoàn với nhiều mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả như: Mô hình sáng kiến “lò đốt rác tự hủy” thu gom, xử lý rác thải các loại lên đến hàng trăm mét khối, góp phần giải quyết căn bản vệ sinh môi trường xung quanh khu vực đảo; mô hình “nâng bước em tới trường” cũng được phát huy góp phần tích cực trong việc giải quyết một số khó khăn cho các cháu hiếu học có cơ hội tiếp tục đến trường; hay mô hình “tay kéo biên phòng”; mô hình “tổ tàu thuyền tự quản”…. Trong thực hiện nhiệm vụ, anh luôn tìm tòi học hỏi, trao đổi kiến thức với chỉ huy đơn vị, đồng chí đồng đội để từng bước hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tích cực trong công tác xây dựng chính quy, đơn vị vững mạnh toàn diện và xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn năng nổ đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao; quyết tâm tham gia xây dựng đơn vị ngày càng chính quy xanh, sạch, đẹp. Chấp hành nghiêm quy định của đơn vị, phát huy tính tiền phong gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi, Đại úy Trần Bình Phục luôn được đồng chí, đồng đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân tin yêu, tín nhiệm. Nguyệt Hà  

Đảng viên người dân tộc Dao nêu gương sáng

TĐKT - Đã nhiều năm từ ngày nghỉ hưu, đảng viên Ly Cồ Lìn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vẫn luôn giữ mối quan hệ gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Với suy nghĩ còn sức khỏe thì còn cống hiến, ông trở thành người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Cốc Râm B, xã Nậm Chảy, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đảng viên Ly Cồ Lìn (thứ ba từ trái sang) tới từng nhà tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Đảng viên đi trước, làng nước theo sau Từ năm 2013 trở về trước, khi còn trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã, đảng viên Ly Cồ Lìn đã nhận được sự tin yêu, đồng thuận của nhân dân, bởi ông luôn lắng nghe, thấu hiểu, gần gũi với bà con, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Bằng sự gương mẫu, tiên phong đi đầu, luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Ly Cồ Lìn đã xây dựng được một tập thể đoàn kết. Nhiều năm liền, Đảng ủy xã Nậm Chảy đạt đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế được Đảng ủy xã đưa ra đã góp phần thay đổi và cải thiện đời sống của nhân dân. Điển hình là việc đưa cây chuối về trồng trên đất đồi Nậm Chảy. Người dân nghèo Nậm Chảy vốn bao đời chỉ biết trông chờ vào cây ngô và cây lúa, bữa no, bữa đói. Từ ngày có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ vài diện tích chuối ban đầu, đến nay xã Nậm Chảy đã quy hoạch được vùng trồng chuối, với diện tích hơn 260 ha. Cây chuối đã giúp nhiều hộ có thu nhập khá từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Số hộ khá, giàu ngày một tăng. Năm 2015, ông nghỉ hưu, trở về với đời thường, nhưng trong lòng vẫn đau đáu tâm tư muốn cống hiến hết sức mình xây dựng quê hương. Việc xóm, việc thôn, đảng viên Ly Cồ Lìn đều xung phong làm trước. Bởi thế, bà con trong thôn đều tín nhiệm, yêu mến, bầu ông là người có uy tín ở khu dân cư. Cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân Thôn Cốc Râm B là một thôn giáp biên, có đường biên giới dài 4,6 km, có cột mốc 128. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh biên giới, đảng viên Ly Cồ Lìn nhiệt tình tới từng nhà tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy, mua bán người; xây dựng điểm sáng về biên giới; xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Ông chia sẻ: Việc tuyên truyền đến với bà con không cứng nhắc, không nhất thiết phải họp thôn, bản mà gặp bà con ở bất cứ nơi đâu là tôi tuyên truyền tới đó, mưa dầm thấm lâu. Nội dung tuyên truyền cũng phải ngắn gọn, hướng vào trọng tâm, tập trung đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của địa phương. Không quản ngại khó khăn, vất vả, ông miệt mài cùng cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Nậm Chảy đi tuần tra đường biên, cột mốc, phát quang bụi rậm, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai bên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời, ông tích cực vận động các hộ gia đình có nương, rẫy giáp biên giới tự quản cột mốc, đoạn biên giới thuộc phần đất mình canh tác, sử dụng; tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư trở về cuộc sống lương thiện; cung cấp các tin có giá trị cho ngành chức năng, phục vụ kịp thời cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Được sự vận động của ông, đến nay, đã có 12 hộ có đất sản xuất giáp biên đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho nhân dân. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông đã tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia, hưởng ứng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Để bà con tin tưởng, làm theo, đảng viên Ly Cồ Lìn luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động. Ông đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp bằng trồng cây ngô, cây lúa, kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Ông Ly Cồ Lìn tiên phong trồng cây sa nhân cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy cây sa nhân là cây trồng mới, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của thôn, gia đình ông đã trồng hơn 3 ha loại cây này. Sau 4 năm trồng, cây đã cho thu hoạch quả. Riêng từ bán quả và cây sa nhân tươi, gia đình ông thu từ 60 đến 70 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại cho gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả của cây sa nhân, ông đã tuyên truyền đến bà con trong thôn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng đến những người muốn học hỏi. Kết quả ông đã vận động được 20/20 hộ dân chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng sa nhân. Đến nay, toàn thôn trồng được 38 ha sa nhân đã cho thu hoạch. Hằng năm, mỗi gia đình trong thôn trung bình có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng từ trồng sa nhân. Tỷ lệ hộ đói nghèo trong thôn đã giảm hẳn. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đảng viên Ly Cồ Lìn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Cốc Râm B thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Phương Thanh

Nông dân Việt Nam tiêu biểu Vy Thị Thanh: “Tôi yêu nông nghiệp bằng tất cả con tim”

TĐKT - Vốn là hộ nghèo ngoài Bắc di cư vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, vượt qua muôn vàn thử thách, sau 10 năm, nhờ chăm chỉ làm lụng và khéo léo áp dụng mô hình đa canh, giờ đây, gia đình chị Vy Thị Thanh (trú tại Bon Rơ Sông xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Chị vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”. Chị Vy Thị Thanh tự hào giới thiệu vườn tiêu của mình Thu tiền tỷ từ sản xuất đa canh Rời quê hương Thanh Hóa vào Đắk Nông với hai bàn tay trắng, chị quyết định chọn  độc canh cây cà phê để khởi nghiệp. Tuy nhiên, thiếu đất sản xuất, chưa nắm rõ các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, những năm đầu tiên, gia đình chị phải đối mặt với không ít khó khăn, thường xuyên thiếu ăn trong thời gian giáp hạt, nhà cửa tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn... Nhưng tất cả những điều ấy không làm chị Vy Thị Thanh nản lòng, bởi với chị, nông nghiệp chính là tình yêu lớn trong đời. Chị tâm sự: “Tôi yêu nông nghiệp bằng tất cả con tim. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng, tuy có nhiều nỗi khó khăn, nhọc nhằn, mồ hôi thấm đẫm trên lưng cứ thế và cứ thế bao lần khô rồi lại ướt. Tôi tự hào là một người nông dân và cảm thấy hạnh phúc biết bao được ngắm nhìn, vuốt ve sản phẩm của mình khi chúng trưởng thành.” Chị trồng thêm sầu riêng trong vườn cà phê Để tiếp tục theo đuổi đam mê, cùng với việc nương rẫy, chị tham gia tất cả các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật canh tác, học tập kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, chị đã tìm ra hướng đi cho gia đình trong phát triển kinh tế. Thay vì chỉ độc canh cây cà phê, gia đình chị đã gom góp, vay mượn tiền để trồng thêm 1 ha tiêu và áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ các lớp tập huấn, hội thảo vào việc canh tác. Nhờ vậy, vườn tiêu của chị xanh tốt, không sâu bệnh. Sau 4 năm vườn tiêu này đã mang lại lợi nhuận hơn 320 triệu đồng cho gia đình chị. Ngoài ra, chị trồng thêm bơ booth, cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Trong vườn cà phê, chị cho trồng thêm khoảng 100 cây sầu riêng. Mới đây, chị tập nuôi gà. Trang trại gà thịt lai chọi và gà Ai Cập đẻ trứng rộng 300 m2 đã mang lại cho gia đình chị thu nhập gần 900 triệu đồng chỉ sau 1 năm.   Thay đổi tư duy, phát triển bền vững Chị chia sẻ: “Điều may mắn nhất trong đời tôi đó là được cùng một số hộ dân tham gia vào dự án của Oxfarm nhằm nâng cao vị thế và tiếng nói cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, tôi đã được gặp gỡ, quen biết với nhiều người, là những người cùng đồng hành với chúng tôi trong suốt chặng đường thay đổi tư duy. Tất cả đều có tấm lòng đầy nhiệt huyết, gần gũi và thân thiện, sáng tạo và bền bỉ, đã khơi dậy trong mỗi chúng tôi niềm tự hào, tự tin. Khoảng thời gian 5 năm thực hiện dự án trải qua biết bao thăng trầm. Từ những bước chập chững đầu tiên, chúng tôi đã cùng nhau học, cùng nhau thử nghiệm và cùng nhau khám phá những kiến thức mới. Điều chúng tôi có được trong dự án này không chỉ là sự thay đổi về mặt đời sống kinh tế mà còn có những cái nhìn mới về nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống và đặc biệt là tình đoàn kết, bình đẳng và khoan dung. Kiến thức là chìa khóa mở ra cánh cổng để chúng tôi bước tiếp.” Chị cùng đại diện các tổ, nhóm nông dân trên địa bàn huyện Đắk Glong họp định kỳ và tổ chức tham quan mô hình của nhau. Từ kiến thức được học, chị nhận thấy việc canh tác theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Lợi ích trước tiên đó chính là bản thân không tiếp xúc với quá nhiều hóa chất độc hại và sản phẩm nông nghiệp làm ra luôn an toàn đối với người sử dụng. Ở vườn cà phê, mấy năm trước cứ vài lần một năm chị phải xịt thuốc diệt rệp sáp. Xịt xong nó chết được một thời gian ngắn sau đó lại phát sinh ra nhiều hơn. Chị cứ tiếp tục đi mua về xịt, vừa mất tiền mua thuốc, vừa mất công, vừa hại sức khỏe và ô nhiễm môi trường. Sau này, chị mày mò được việc nuôi kiến. Kiến cuốn lá làm tổ ngay trên cây, thích ăn sâu, rệp vô cùng. Khi đàn kiến đã phát triển, xịt thuốc là kiến sẽ chết hết. Vườn cà phê của chị 3 năm không còn xịt thuốc trừ sâu gì nữa, chỉ nhờ có kiến. Còn khu đất nhà trồng tiêu vốn rất cằn cỗi, chị cải tạo nó bằng cách trồng cây cỏ lạc dại vào giữa các lô. Lạc dại mọc thành thảm, giúp cân bằng sinh thái, chống xói mòn đất, trôi màu đất vào mùa mưa, giữ ẩm đất vào mùa khô, cung cấp độ đạm tự nhiên cho đất. Khi cỏ mọc cao, chị dùng máy quất gọn để chúng phân hủy thành phân. Đất trồng tiêu giờ tơi xốp lại có rất nhiều giun, phân giun lại tốt cho đất. Không chỉ áp dụng phương pháp hữu cơ cho trồng trọt, trong nuôi gà, chị dùng bồ kết để đốt hun khói trị sổ mũi khò khè và dùng tỏi xay nhuyễn pha nước cho gà uống trị cảm cúm, tiêu chảy. Chị gặp gỡ các cộng đồng người Mơ Nông, vốn là người bản địa tại đây, mời họ trồng trọt các thức ăn rau củ cho gà. Chị mua lại sản phẩm của họ và dùng máy nghiền tự chế biến thức ăn, bớt được một khoản cho thức ăn công nghiệp. Thấm thía lợi ích của việc sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu năm 2018, chị Thanh đã thành lập một nhóm sản xuất theo hướng này. Hiện 15 hộ trong tổ hợp tác mang tên Đại Đồng Thành do chị làm tổ trưởng đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực sau khi áp dụng phương pháp canh tác mới. Phương Thanh

Trang