TĐKT - “Gương mẫu, năng động trong phát triển kinh tế; đam mê học hỏi, nhiệt tình trong công việc; gần gũi, quan tâm đến thành viên, tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới áp dụng vào thực tế sản xuất của địa phương, đưa nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt như sầu riêng, bưởi da xanh vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân” - đó là nhận xét của các thành viên về ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tâm Sầu Riêng (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).
Ông Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu sản phẩm của HTX với đoàn Liên minh HTX tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm
Theo ông Tâm chia sẻ, từ khi tỉnh Bình Phước được chia tách năm 1997, nắm được thế mạnh của vùng đất miền Đông Nam bộ rất phù hợp với các loại cây ăn trái và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, ông đã mở rộng đầu tư mua gần 20 ha đất canh tác tại phường Tân Xuân để mở trang trại trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là sầu riêng kết hợp với chăn nuôi gia súc như dê, bò, trồng tiêu.
Bước đầu sản xuất, ông gặp một số khó khăn khi sản phẩm làm ra giá không ổn định, cây ăn quả thường xuyên gặp dịch bệnh, đặc biệt là cây sầu riêng mắc bệnh nấm Phitoptora. Thời điểm đó, giá hạt tiêu cũng xuống thấp khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Trước tình hình đó, được tổ chức Hội Nông dân cho đi tham gia các chương trình hội thảo, các lớp chuyển giao khoa học công nghệ mới áp dụng cho sản xuất, ông đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng (12 ha) từ trồng sầu riêng sang trồng cam xoàn, chôm chôm, bưởi da xanh.
Hiện nay, tổng diện tích cây ăn trái gần 20 ha, giải quyết cho 12 - 15 lao động thường xuyên, hàng tháng thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra gia đình ông đã có 12 ha cao su, một nhà hàng. Tổng thu nhập của gia đình hiện nay sau khi trừ chi phí đạt khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng/năm.
Năm 2018, diện tích bưởi da xanh của gia đình ông đã được cấp có thẩm quyền công nhận mô hình trồng bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với suy nghĩ “làm giàu cho mình rồi làm giàu cho bà con nhân dân”, năm 2019 ông đã vận động các hội viên tiến hành mở rộng liên kết tham gia thành lập HTX Nông nghiệp Thương mai dịch vụ Tâm Sầu Riêng và ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX.
Theo ông Tâm cho biết, HTX có 8 hộ tham gia là thành viên với tổng diện tích 55 ha, giải quyết việc làm thường xuyên 70 lao động với thu nhập bình quân đã trừ chi phí 1,5 tỷ/thành viên/năm.
Mặc dù rất bận rộn với công việc của HTX và công việc trang trại của gia đình nhưng ông luôn dành thời gian để hướng dẫn, giúp đỡ cho các hội viên trong HTX, các hộ nông nghiệp và bà con hàng xóm về quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bón phân, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời hướng dẫn công tác phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả nhằm tăng năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích.
Chia sẻ về thành công của mô hình HTX, ông Tâm cho biết: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Tôi đã phối hợp với các ngành chức năng các cấp Hội Nông dân trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên nông dân trong xã và trên địa bàn huyện áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng. Việc sản xuất thực phẩm sạch luôn cần gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.
Không chỉ phát triển kinh tế, ông Tâm còn tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội của địa phương. Nhằm tạo điều kiện giúp đỡ những hộ còn khó khăn ở địa phương, ông đã cho vay vốn sản xuất, tạo việc làm để họ có thu nhập ổn định và vươn lên làm ăn khá giàu. Từ năm 2015 đến nay, đã có 23 hộ được ông hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất không lấy lãi với số tiền gần 200 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động. Từ năm 2016 - 2019, ông đã ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân phường Tân Xuân (thành phố Đồng Xoài) với số tiền là 20 triệu đồng.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hàng năm ông tham gia tích cực vào các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, các phong trào tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong địa bàn dân cư như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn… Riêng năm 2011 ông đã đóng góp hơn 100 triệu đồng làm con đường tại khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân; năm 2017 ông ủng hộ xây 1 căn nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng.
Với những đóng góp của mình cho quê hương, ông Tâm nhận được nhiều tình cảm yêu thương, quý trọng của người dân địa phương. Ghi nhận những đóng góp tích cực của ông Tâm trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, năm 2015 và 2016, ông vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước; năm 2017 ông được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tuệ Minh