Người giữ lửa văn hóa dân tộc Bố Y
27/08/2020 - 10:03

TĐKT - 25 năm qua, nghệ nhân Lồ Lài Sửu ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, đã dành trọn tâm huyết sưu tầm những làn điệu dân ca Bố Y, thơ ca dân gian, tự sáng tác những bài ca, điệu múa để truyền dạy cho phụ nữ và các em học sinh trong thôn. Qua đó, góp phần khơi dậy tình yêu của lớp trẻ đối với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Bà Lồ Lài Sửu

Là người con của dân tộc Bố Y, sống trong môi trường văn hóa truyền thống ngay từ khi còn nhỏ, bà Lồ Lài Sửu đã đam mê những câu hát của dân tộc mình bởi theo bà, nội dung của chúng rất sâu sắc và ý nghĩa, giai điệu và lời hát chan chứa tình người, tình yêu quê hương, đất nước. Niềm đam mê ấy thôi thúc bà bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Từng bài hát dân ca Bố Y được bà sưu tầm, phiên âm lại bằng tiếng Việt rồi ghi chép tỉ mỉ trong sổ tay. Người cao tuổi trong thôn như ông Dì Sí Sần và bà Vàng Sú Chấn là những người thầy đầu tiên truyền dạy cho bà kỹ năng hát và cảm thụ dân ca. Ban đầu là các bài dân ca vốn có được lưu truyền qua nhiều thế hệ như hát ru con, đồng dao, giao duyên đối đáp nam nữ… Về sau, bà còn đặt lời mới cho các làm điệu dân ca và biên đạo các điệu múa truyền thống cho phù hợp với các bạn trẻ, thổi thêm luồng gió mới mẻ, làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Bố Y. Khi địa phương tổ chức các chương trình văn nghệ hoặc đi giao lưu ở địa phương khác, bà thường hát, múa để cho bà con nghe, thưởng thức, được mọi người đón nhận, yêu mến.

Hiện nay, bà Lồ Lài Sửu hát được khoảng 60 bài bài hát dân ca Bố Y phổ thông nhất như: Hát núi, hát hoa, hát với cô tiên, hát mở con mương, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài) tháng giêng, tháng hai đến tháng 12. Bà cũng sáng tác được 15 bài: Bài hát múa mừng Đảng, bài hát múa mừng ông trăng, bài hát múa đoàn kết dân tộc, bài hát múa trò chơi cờ, trò đan chân, bài hát trồng cây thuốc thơm, bài hát nhớ ơn Đảng và Bác Hồ…

Các bài ca do bà đặt lời mới không chỉ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân tộc Bố Y, mà còn lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục cao về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bà Lồ Lài Sửu dạy múa cho các cháu học sinh trong thôn

Trăn trở vì những nét đẹp truyền thống đang dần bị mai một và lãng quên, bà nghĩ tới việc mở lớp dạy múa, hát để truyền lại các giá trị văn hóa quý báu cho phụ nữ và các em học sinh trong thôn. Có nhiều lúc bận rộn với công tác xã hội của địa phương và mùa màng, gia đình, nhưng bà vẫn dành thời gian để tìm tòi, sáng tác và truyền dạy. Buổi tối là thời gian chủ yếu để chị em phụ nữ, các cháu học sinh tập hợp tại nhà bà để nghe và học hát. Những lúc như vậy, ngoài dạy hát, bà còn tuyên truyền đến các học viên cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay 13 chị em và 12 học sinh trong thôn đã biết hát, múa điệu múa truyền thống của dân tộc Bố Y.

Không chỉ truyền dạy các điệu múa, bài hát dân ca cho thế hệ trẻ, bà Sửu còn hướng dẫn bà con các công đoạn làm nên bộ trang phục của dân tộc mình, đồng thời, vận động bà con phát huy những nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của người Bố Y, từ bỏ những phong tục lạc hậu. Từ năm 2004 đến nay, bà thường xuyên cung cấp các thông tin về phong tục tập quán, lễ hội, lễ tết, văn hóa ẩm thực, tri thức canh tác nông nghiệp, lễ ma khô, đám cưới, bài thuốc dân gian của người Bố Y cho các cán bộ nghiên cứu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các viện nghiên cứu ở Hà Nội. Trong đó  phải kể đến việc phục dựng và bảo tồn lễ tết hội “Tết mồng 8 tháng 4”, Lễ tạ ơn trâu của người Bố Y năm 2013 để quay phim, chụp ảnh, cung cấp thông tin cho cán bộ viết báo cáo chuyên đề.

Bà Lồ Lài Sửu cùng các thành viên trong lớp học múa hát

Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bà còn là tấm gương làm kinh tế giỏi tại địa phương, gánh vác việc thôn bản và tham gia các hoạt động xã hội như cộng tác viên dân số, công tác Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ.

Trên những rẻo đất ven đồi, bà Sửu mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác mới, chuyển sang trồng quýt, mía xương gà. Hằng năm gia đình thu nhập từ trồng ngô lai, mía được hơn 170 triệu đồng, ngoài ra còn có thêm thu nhập từ trồng chè và nuôi ngựa, kinh doanh vận tải hàng hóa, thu mua và bán nông sản, cung ứng phân bón cho người dân. Trừ chi phí, gia đình bà Sửu thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Bà Sửu còn chủ động chia sẻ với đồng bào ở địa phương kinh nghiệm làm giàu, chăm sóc cây trồng cũng như vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Mỗi năm, nghệ nhân Lồ Lài Sửu còn cho nhiều hộ nghèo trong thôn vay vốn không tính lãi từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, giúp nhiều gia đình có điều kiện thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Với những nỗ lực và sự nhiệt tình, năng động của mình, bà Lồ Lài Sửu đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Bà được UBND huyện Mường Khương tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số của huyện; Bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai trong chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đến các vùng khó khăn tỉnh Lào Cai và về thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai; Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu Phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Năm 2013, bà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc và Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Năm 2013, bà vinh dự được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Nguyệt Hà