Cha đẻ của giống tiêu Bầu Mây tại Việt Nam
26/10/2020 - 11:07

TĐKT - Khởi nghiệp nơi đất khách quê người, anh Lâm Ngọc Nhâm (dân tộc Hoa), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, thất bại và thành công đan xen. Nhưng với niềm tin, khát vọng cháy bỏng và sự đam mê trong công việc cùng ý chí kiên trì, anh đã xây dựng thành công mô hình trồng tiêu Bầu Mây mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX của anh trở thành nhà cung cấp tiêu Bầu Mây số 1 của Việt Nam cho các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như: Nhật Bản, Dubai, Mỹ...

Anh Lâm Ngọc Nhâm tại vườn ươm tiêu giống Bầu Mây

Rời mảnh đất quê hương Tuyên Quang, theo gia đình tới Bà Rịa - Vũng Tàu để lập nghiệp, anh Nhâm đã trải nghiệm nhiều mô hình trồng trọt với các loại cây trồng như: Cà phê, điều, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, mít... Tuy nhiên, do làm theo phương thức truyền thống nên năng suất không cao, giá bán bấp bênh, bị tư thương ép giá. Bởi vậy, anh luôn trăn trở suy nghĩ phải tìm ra loại cây trồng để phát triển ổn định cho bản thân gia đình và cộng đồng.

Nhận thấy Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi trời ban cho khí hậu ổn định và thổ nhưỡng phù hợp với cây hồ tiêu, anh quyết định trồng loại cây này trong vườn nhà mình với nhiều loại giống khác nhau.

Kể về quá trình “thai nghén” ra giống tiêu Bầu Mây, anh hồ hởi: “May mắn phát hiện, chọn lọc được một dây tiêu khác thường trong vườn năm nào cũng cho năng suất cao, khỏe mạnh, tôi bèn cắt toàn bộ dây này ra nhân giống và theo dõi quá trình phát triển thấy rất khác biệt so với các giống khác. Cây tiêu có bộ rễ cái rất to khỏe gấp 10 lần giống khác, cắt dây giống ở đâu ra rễ ở đó. Tiêu trưởng thành phân bổ mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, năng suất rất cao từ 10 đến 12 tấn/ha, ổn định qua các năm. Sau hơn 20 năm thực nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Tôi đặt tên cho cây tiêu là tiêu Bầu Mây và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tiêu Bầu Mây tại Cục Sở hữu trí tuệ.”

Anh Lâm Ngọc Nhâm giới thiệu về cây giống tiêu Bầu Mây

Nhận thấy tiêu Bầu Mây rất khỏe mạnh, sinh trưởng và kháng bệnh tốt, chất lượng và năng suất cao ổn định, anh bắt đầu triển khai nhân rộng từ năm 2014. Với bản chất ham học hỏi và biết vận dụng cái hay, cái mới, anh thường xuyên tìm đến Hội nông dân xã Hòa Hiệp, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, tìm hiểu các thông tin khuyến nông trên các phương tiện thông tin, nhất là khai thác ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào mảnh vườn nhỏ của mình. Đến năm 2019, sản phẩm tiêu Bầu Mây đã được HTX Nông nghiệp - Thương mại – Du lịch Bầu Mây canh tác với diện tích 15 ha được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP.

Tiêu Bầu Mây nhanh chóng trở thành sản phẩm cây trồng địa phương đặc sản có giá trị cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu, được sản xuất, chế biến, xuất bán ra thị trường toàn quốc cũng như hướng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Dubai. Từ hồ tiêu Bầu Mây tạo ra các sản phẩm chất lượng khác biệt có giá trị rất cao như: Tiêu đỏ Bầu Mây có giá 1.100.000 đồng/kg, tiêu đen Bầu Mây 800.000 đồng/kg.

Để phát triển mô hình, anh đưa ra giải pháp “Trồng vườn hồ tiêu ra hoa theo ý muốn”, đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017. Giải pháp giúp nông dân chủ động điều chỉnh tiêu ra hoa theo ý muốn và chống lại bệnh chết nhanh, chết chậm vào mùa mưa, hạn chế được các loại nấm gây hại cho cây hồ tiêu, chống được xói mòn và bạc màu của đất, đồng thời tiết kiệm nước tưới và giảm sự thoát hơi nước vào mùa khô; giúp tiêu tăng chất lượng đậu quả, tăng sản lượng và nâng cao chất lượng.

Dự án cung cấp sản phẩm tiêu xanh quanh năm, tạo ra các sản phẩm cao cấp dùng ăn ngay, ăn liền trực tiếp giá trị cao như: Tiêu không hạt Bầu Mây 15 triệu đồng/kg, tiêu xanh muối 900.000 đồng/kg, tiêu sữa 2,2 triệu/kg, tiêu một nắng 2 triệu/kg, tiêu tươi muối 950.000 đồng/kg…

Anh Nhâm cùng bà con thu hoạch tiêu tại vườn

Cùng năm 2017, mô hình Bầu Mây “Tấc đất tấc vàng nhà nông thu ngay bạc tỷ (Hồ tiêu Bầu Mây cộng sinh củ hoài sơn)” của anh đạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc kết hợp hài hòa, bổ trợ cho nhau, xen canh, cộng sinh giữa hai loại cây trồng tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch bền vững, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Cùng lúc trên một diện tích đất tạo ra được nhiều sản phẩm giá trị cao siêu lợi nhuận. Trồng cộng sinh giúp tạo thảm thực vật chống xói mòn, không phải làm cỏ, như một mái nhà cho các vi sinh vật có ích trú ngụ, tạo hệ thống thoát nước ngầm khi hoài sơn tạo củ sâu từ 60 cm - 1,2 m.

Mô hình trồng tiêu cộng sinh xen củ hoài sơn (còn gọi củ mài) vào vườn tiêu là giải pháp tốt nhất giữ cho cây hồ tiêu phát triển vững bền, không sợ được mùa mất giá, được giá mất mùa, tránh tình trạng trồng rồi lại chặt và chặt rồi lại trồng, nhất là trong giai đoạn hiện nay giá tiêu sụt giảm mạnh. Triển khai mô hình thành công đem lại siêu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm: 1 ha trồng 20.000 mầm đem về lợi nhuận cho nông dân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Năm 2019, anh Nhâm đã triển khai mô hình 200 ha trồng củ hoài sơn cho sản lượng thu hoạch là 10.000 tấn.

Sản phẩm tiêu Bầu Mây được giới thiệu tại nhiều hội chợ

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lâm Ngọc Nhâm còn hỗ trợ và hướng dẫn giúp 10 gia đình nông dân vượt lên hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bằng việc tài trợ phân bón, tài trợ giống cây trồng và trực tiếp chỉ dẫn họ cách làm vườn tăng năng suất và tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tới nay, anh đã triển khai nhân rộng được gần 500 ha diện tích trồng tiêu Bầu Mây cho nông dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Thành lập câu lạc bộ nông dân trồng tiêu Bầu Mây; trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối và hướng dẫn bà con nông dân trên toàn quốc cách chăm sóc, trồng trọt vườn tiêu cho năng suất cao, bền vững.

Ngoài ra, anh tự lập Quỹ từ thiện Bầu Mây, trích 50 triệu đồng/năm từ nguồn tiền thu nhập của mình để giúp đỡ những người già neo đơn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, hộ nghèo đặc biệt, gia đình khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, trao quà cho các hộ nông dân nghèo vào các dịp lễ tết tại địa phương.

Được sự đồng ý của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh chủ động tổ chức tài trợ và cùng với Nhóm thiện nguyện Phước Tuệ Viên là các bác sĩ y học cổ truyền triển khai chương trình từ thiện “Khám bệnh và phát thuốc miễn phí” và dạy cách trồng sử dụng cây thuốc nam tại nhà cho bà con nông dân nghèo tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc mỗi tháng 1 lần từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019. Số tiền tổ chức chương trình là 840 triệu đồng/12 tháng, mỗi tháng là 70 triệu đồng/tháng, số lượng người dân nghèo, gia đình chính sách và hoàn cảnh khó khăn được khám bệnh và phát thuốc miễn phí một tháng là 100 người/lần/tháng.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Lâm mong muốn đưa mô hình Bầu Mây trồng cộng sinh xen củ hoài sơn triển khai trên diện rộng, để mang lại cho người nông dân có thu nhập và kinh tế ổn định, có cuộc sống ngày càng thịnh vượng hơn.

Phương Thanh