TĐKT - Nhờ sự động viên và hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ khuyến nông, anh Châu Văn Hồng, ấp Cầu Dừa (xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) quyết định đầu tư, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học.
Anh Hồng kiểm tra lươn nuôi của gia đình trong các bể xi măng không bùn
Xuất ngũ trở về quê hương năm 2000, anh Hồng lập gia đình. Khi đó, anh được bố mẹ cho 1.000 m2 đất canh tác, sản xuất. “Thời gian đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi làm đủ nghề để mưu sinh như: Khuân vác, đi phơi lúa thuê cho lò sấy lúa… Công việc vất vả là vậy nhưng cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình.” - anh Hồng nhớ lại.
Không cam chịu cảnh đói, nghèo, anh quyết tâm tìm ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Sau khi tìm hiểu thị trường, nhận thấy giá lươn thịt luôn ở mức cao và ổn định, anh đã quyết định thực hiện mô hình này.
Anh cho biết: “Thời gian đầu, tôi thu gom lươn tự nhiên về nuôi dưỡng rồi mày mò tự cho đẻ nhưng qua nhiều lần đều không thành công. Không bỏ cuộc, tôi đi Cần Thơ mua lươn giống về nuôi nhưng cũng thất bại. Đến năm 2014, có lớp dạy nghề về sản xuất lươn giống do Phòng Kinh tế thị xã Cai Lậy tổ chức, tôi đã tham gia và học hỏi được nhiều kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật. Tuy nhiên do nguồn lươn bố mẹ không tốt nên hiệu quả mang lại không cao.”
Những thất bại đó không làm nản chí mà càng là động lực để anh quyết tâm thực hiện. Năm 2017, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 500 con lươn giống để xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học, anh Hồng đã bắt tay vào triển khai thực hiện mô hình này.
Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh Hồng đã thiết kế 8 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 1,5 x 1,8m, có hệ thống cấp thoát nước tốt, giá thể là dây ni-lông buộc thành chùm thả xuống bể, mực nước trong bể từ 10 - 30cm, tùy theo trọng lượng lươn lớn hay nhỏ. Mỗi bể thả 500 con, mật độ nuôi 200 con/m2. Thức ăn cho lươn là thức ăn viên 1 – 3mm, loại 44% đạm hiệu UP.
Qua 1 năm nuôi 4.000 con lươn, anh đã thu hoạch được gần 500kg lươn thịt, bán giá bình quân 180 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Từ thành công bước đầu đó, năm 2019 anh Hồng mở rộng sản xuất thêm lươn giống được hơn 80.000 lươn giống và 800 kg lươn thịt, thu lợi nhuận 200 triệu đồng. Năm 2020 anh Hồng dự kiến thu hoạch 80.000 con lươn giống và 800 kg lươn thịt lợi nhuận ước đạt 250 triệu đồng.
Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi như: Chọn con giống khỏe, khẩu phần ăn hợp lý, vệ sinh bể nuôi tốt, mô hình lươn thịt và thương phẩm của anh luôn đạt hiệu quả cao, đàn lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp nên lợi nhuận cao.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học, anh Hồng cho biết: Muốn lươn giống được khỏe mạnh, cần sử dụng lươn thương phẩm tự nuôi để làm lươn bố mẹ, theo dõi vớt trứng và lươn con ra ương riêng, thay hệ thống nước 2 - 3 lần/ngày, tháng thứ nhất cho lươn con ăn trùn chỉ, sau đó cho thức ăn viên loại 40% đạm.
Cũng theo anh Hồng, nuôi lươn thương phẩm phải làm mái che. Sau 3 tháng nuôi nên phân cỡ ra nuôi riêng bể, tránh con lớn ăn con nhỏ. Thức ăn lươn thịt phải phù hợp từng giai đoạn phát triển nhưng đạm càng cao càng tốt, tốt nhất là 40 - 44% đạm, mỗi ngày ăn từ 2 - 3 lần. Nên thay 100% nước trước hoặc sau khi cho ăn, tùy theo điều kiện, trong quá trình thay nước nên vệ sinh bạt nuôi.
Từ 1 bể nuôi lươn thịt ban đầu, đến nay, anh Hồng mở rộng lên 15 bể ươm và nuôi lươn thịt, 3 bể nuôi lươn đẻ.
Hơn 10 năm đeo đuổi con lươn, anh Hồng thấu hiểu những khó khăn sau những lần thất bại. Bởi vậy, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho mọi người có tâm huyết muốn nuôi lươn. Những hộ trong xã chưa có vốn, anh Hồng vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng vừa hỗ trợ con giống. Đến nay, anh đã bán và nhân rộng mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học cho 25 hộ ở các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung và Nhị Quý.
Bảo Linh