TĐKT - Vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống và công tác, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Vân (dân tộc Nùng), giáo viên trường Mầm non Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên vẫn cố gắng vươn lên, là hạt nhân tiên phong trong mọi công việc chuyên môn, gia đình và xã hội. Bằng tất cả nỗ lực và niềm đam mê, chị đã dành trọn tâm huyết với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, chỉ có 2 chị em nương tựa vào nhau, hàng ngày Vân phải tự trồng trọt, đi làm thuê để nuôi bản thân và nuôi em ăn học. Sớm phải gánh vác việc gia đình nhưng chị vẫn luôn theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo mầm non, được gần gũi và dạy học cho các em nhỏ.
Tốt nghiệp ra trường năm 2011, Vân xin làm giáo viên hợp đồng tại trường Mầm non Cây Thị, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ ngôi trường đầu tiên ấy, chị bắt đầu trải nghiệm những tháng ngày làm cô nuôi dạy trẻ với biết bao bỡ ngỡ. Mặc dù vậy, nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cô, các chị em đồng nghiệp, Vân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Do điều kiện và hoàn cảnh, chị lại chuyển công tác về chính quê hương của mình để tiện chăm sóc cho gia đình. Chị xây dựng gia đình, gia đình nhà chồng cũng làm nông, chồng làm lao động tự do, cuộc sống rất khó khăn. Là giáo viên hợp đồng với mức lương ít ỏi, chị phải chăm lo cho một gia đình lớn với 4 thế hệ và cả em trai mình đang đi học.
Chị tâm sự: “Nhà ở tạm bợ, xiêu vẹo, những ngày mưa gió, tôi rất sợ, lo cho con nhỏ, lo cho gia đình mà với mức lương hợp đồng và công việc của chồng không ổn định thì không thể thay đổi được gì cả. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đến việc an toàn ngày mưa bão cho gia đình của mình thôi. Vì thế, tôi phải vay mượn rất nhiều để làm nhà, mua vật dụng trả góp. Khó khăn nối tiếp nhau, lại những ngày con ốm đau, nhiều khi cũng thấy nhụt chí muốn buông tay tất cả, nhưng nhìn thấy gia đình mình đó, con bé nhỏ, ước mơ dang dở của mình đó rồi những lời bố mẹ dạy: “Làm việc gì cần phải có sự kiên trì và niềm đam mê, chỉ cần có tâm huyết thì sẽ thành công thôi”, tôi đã không cho phép mình buông bỏ.”
Gia đình ủng hộ và yêu thương, động viên đã tiếp thêm động lực để Vân làm tốt nhiệm vụ của mình. Chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian cân đối vừa cho gia đình, chăm sóc con cái, vừa dành thời gian cho công việc, thức khuya dậy sớm tập trung cho chuyên môn, luôn tìm tòi, học hỏi để có chất lượng bài dạy hay nhất, sinh động nhất, lấy trẻ làm động lực để làm việc.
Cô và trò tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời
Một năm trôi qua, hai năm trôi qua, với sự nỗ lực và kiên trì của mình, năm 2013, chị chính thức được tuyển dụng vào ngành, trở thành cô giáo dạy trẻ trường Mầm non Trúc Mai như mơ ước. Càng xác định hơn được vai trò, trách nhiệm của mình, chị luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và những kiến thức đã học, đặc biệt là những trải nghiệm thực tế, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, không ngừng học tập, học hỏi những kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Trong những năm công tác, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên, được phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng, giúp đỡ, chị Vân đã tham gia thi các cấp, đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; nhiều năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cùng với niềm đam mê, mơ ước giúp đỡ những em nhỏ vùng cao, năm 2018, khi con gái nhỏ đã 6 tuổi vào học lớp 1, chị tình nguyện đến công tác tại trường Mầm non Thượng Nung, xã Thượng Nung, là một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai.
Năm học 2018 - 2019, chị được phân công dạy lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi A, với tổng số 27 trẻ. Chị đã cố gắng hết mình nuôi dạy các con, được các bậc phụ huynh tin yêu. Cuối năm học, trẻ đạt kết quả rất tốt, nhận thức tốt về chữ cái và số; các bé chăm ngoan, khỏe mạnh; có kỹ năng giao tiếp, văn hóa, văn nghệ; biết tự vệ sinh cá nhân…
Đến năm học 2019 - 2020, chị được phân công giảng dạy lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi tại điểm trường Lũng Hoài, tại bản trên núi cách trường chính 5 km đường rừng. Nhà xa trường, con nhỏ, chị vẫn đều đặn đi và về 100 km mỗi ngày. Để vận động các em nhỏ người Mông tới lớp, chị không quản ngại đi bộ nhiều lần, vượt qua những dãy núi đá gập ghềnh để đến từng nhà gặp gia đình các em.
Chị kể: “Khó khăn vô vàn, không chỉ là quãng đường xa, mà còn là bất đồng ngôn ngữ, cô và trẻ không giao tiếp được để hiểu nhau; trẻ nhút nhát, không biết vệ sinh cá nhân, không biết, không nói được tiếng Việt… Để các con hiểu được cô muốn gì thì tại sao cô không thử hiểu ngôn ngữ của trẻ, xem các con muốn gì, tôi đã bắt tay vào việc học tiếng dân tộc của trẻ, để làm thân với từng trẻ, biết được nhu cầu của trẻ, của gia đình trẻ… Khi hiểu được rồi, tôi bắt đầu tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ, để trẻ có khả năng nói tiếng Việt nhiều hơn, giao tiếp được nhiều hơn, giúp các con mạnh dạn hơn khi đến lớp học, việc học chữ cái dễ dàng hơn.”
Với khả năng, tâm huyết, tình yêu thương của cô giáo Vân, sau 3 tháng, các con trong lớp đã đi học chăm chỉ, đúng giờ, vẫn đến lớp đều vào những ngày mưa, rét. 5 tuổi các con đã tự đi bộ băng qua những dãy núi đến lớp cùng anh chị học cấp tiểu học. Thấy được sự khó khăn vất vả đó, chị càng không dám để bản thân mình nản chí, ngược lại thật sự càng yêu thương, coi các con như con ruột của mình, gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống; tăng cường tiếng Việt cho trẻ; chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các con vui chơi, khám phá đến việc vệ sinh cá nhân, rửa tay, tắm, giặt quần áo…; luôn kết hợp với từng cha mẹ trẻ để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất…
“Tôi yêu công việc của mình và yêu các em nhỏ nơi đây.” - Chị nói về công việc của mình một cách đầy tự hào - “Đồng nghiệp, phụ huynh và mọi người xung quanh tin tưởng và yêu thương tôi, đó là động lực giúp tôi luôn phấn đấu vươn lên trong công việc và cuộc sống… Cho dù cuộc sống khó khăn đến đâu thì tôi càng phải nỗ lực hơn nữa, tâm huyết, say sưa hơn nữa, xứng đáng là người mẹ hiền thứ hai của các con, người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà.”
Nguyệt Hà