Điển hình tiên tiến

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: Nơi thực hiện tốt công tác vận động nguồn lực và hỗ trợ trẻ em

TĐKT - Với nhiệm vụ chính thực hiện công tác vận động nguồn lực và hỗ trợ trẻ em, trong những năm qua, cấp ủy, Ban giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là động lực phát triển. Gặp gỡ các doanh nghiệp vì trẻ em Việt Nam Trong công tác vận động nguồn lực, ngoài những hình thức truyền thống đã được xây dựng, tích lũy từ nhiều năm qua, Quỹ BTTEVN đã không ngừng đổi mới, sáng tạo các hình thức vận động để tạo được niềm tin để các nhà tài trợ cùng đồng hành trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Để làm được điều đó, quỹ đã thực hiện nhiều giải pháp vận động nguồn lực, cụ thể: Duy trì, chăm sóc các nhà tài trợ truyền thống và có đóng góp đều đặn, hàng năm với nguồn kinh phí lớn như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Cty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty TNHH BHNT AIA Việt Nam, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Hiền Lê, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Bệnh viện Tim Hà Nội… Hằng năm, tổ chức chương trình tri ân các nhà tài trợ tại Phủ Chủ tịch do Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ chủ trì. Đơn cử các hoạt động như: Tổ chức Chương trình “Mùa Xuân cho em”, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam mỗi năm một lần. Trong mỗi chương trình, các nhà tài trợ tham dự đã cam kết tài trợ với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tại các khu vực Bắc, Trung, Nam trên toàn quốc, mỗi năm từ 2 đến 3 lần. Mỗi sự kiện diễn ra đã vận động tiền mặt và hiện vật với tổng kinh phí trung bình trên 10 tỷ đồng. Với những nỗ lực ấy, Quỹ BTTEVN đã vận động được hơn 424 tỷ đồng và hỗ trợ cho 589.786 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Giám đốc Quỹ BTTEVN Hoàng Văn Tiến cho biết, để đạt được kết quả như hiện nay, quỹ đã liên hệ với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, cử cán bộ Quỹ BTTEVN đến để khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Phẫu thuật dị tật về môi; phẫu thuật tim; hỗ trợ phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (tặng sữa); hỗ trợ và bảo trợ dài hạn; hỗ trợ học bổng; hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ; hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ dị tật vận động; hỗ trợ phẫu thuật mắt cho trẻ em; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trường, lớp học; hỗ trợ xây dựng nhà nội trú; dụng cụ học tập; xe đạp; khu vui chơi; công trình nước sạch; xây cầu đến lớp và hỗ trợ xe lăn… 5 năm qua, kể từ giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ đã hỗ trợ trẻ em các chương trình như: Chương trình nụ cười trẻ thơ, hỗ trợ phẫu thuật cho 4.123 trẻ em bị dị tật về môi (khe hở môi, vòm miệng). Riêng chương trình “Vì trái tim trẻ thơ” đã phẫu thuật cho gần 500 trẻ em dị tật tim bẩm sinh. Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đã hỗ trợ tặng 15 triệu ly sữa cho 150.000 trẻ em ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chương trình bảo trợ dài hạn đã có 394 lượt trẻ em nhận hỗ trợ và bảo trợ dài hạn. Chương trình học bổng cùng em đến trường đã có hơn 35.874 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong toàn quốc nhận học bổng. Chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ đã hỗ trợ phục hồi chức năng cho 348 trẻ em tự kỷ tại các trung tâm can thiệp có kết quả tích cực. Chương trình phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ em là nạn nhân chất độc da cam đã có 23.883 lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam hưởng lợi từ chương trình. Chương trình phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ dị tật vận động đã có gần 1.000 trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật. Chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” (phẫu thuật và điều trị dị tật mắt) đã hỗ trợ phẫu thuật cho 878 ca mắt. Chương trình hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trường, lớp học đã hỗ trợ xây dựng 37 trường học và 360 lớp học, mỗi công trình có giá trị từ 1 đến 5 tỷ đồng (55.695 trẻ em được hưởng lợi từ chương trình). Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà nội trú đã xây dựng được 6 công trình nhà ở nội trú (Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An, Lai Châu), mỗi công trình có giá trị từ 2,5 đến 5 tỷ đồng, tổng trị giá hỗ trợ gần 20 tỷ đồng với gần 1.000 lượt trẻ em được hưởng lợi. Chương trình hỗ trợ dụng cụ học tập: Đã có 24.183 em tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng bộ đồ dùng học tập. Chương trình hỗ trợ xe đạp đã trao tặng 19.046 xe đạp cho trẻ em trên toàn quốc. Quỹ BTTEVN phối hợp với Tổ chức Sunny Korea đưa 2 trẻ em đi phẫu thuật tim tại Hàn Quốc Để có được kết quả trên, các hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam luôn gắn liền với  phương châm “Tận tâm - Minh bạch - Kịp thời - Cùng tham gia”. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tạo được niềm tin để các nhà tài trợ cùng đồng hành trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam mang tính chuyên nghiệp cao, cán bộ luôn nhiệt tình trong công việc, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn,nghiệp vụ. Nguồn kinh phí của nhà tài trợ hỗ trợ trẻ em thông qua Quỹ đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý tài chính, công khai trên website của Quỹ. Các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em luôn được triển khai kịp thời để giải quyết, khắc phục những khó khăn cho đối tượng. Trong những năm qua, có rất nhiều nhà tài trợ, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị liên quan cùng với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đến gặp gỡ, động viên, trao quà cho trẻ em, trực tiếp kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án tại địa phương. Qua việc trực tiếp tham gia các hoạt động của Quỹ, hiểu được các hoạt động của Quỹ, các nhà tài trợ tin tưởng và tiếp tục đồng hành với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng, quỹ đã đạt các danh hiệu: Cờ thi đua xuất sắc cấp Bộ; Cờ thi đua của Chính phủ; Tập thể Lao động xuất sắc. Cùng các hình thức khen thưởng: Huân chương Lao động Hạng Nhất; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang; Bằng khen của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Hồng Thiết

Vững vàng biên cương nơi cực Bắc Tổ quốc

TĐKT - Đóng quân nơi tuyến đầu cực BắcTổ quốc, những năm qua mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã không quản ngại gian khó bám bản, bám biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị phối hợp với lực lượng dân quân xã Lũng Cú tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới Đóng chân trên địa bàn xã Má Lé (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), Đồn Biên phòng Lũng Cú được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 26,343 km đường biên giới với tổng số 26 cột mốc, tiếp giáp với trấn Đổng Cán, huyện MaLyPho và trấn Mộng Ương, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Địa bàn đơn vị quản lý gồm 2 xã biên giới là xã Má Lé và xã Lũng Cú huyện Đồng Văn với 21 thôn (bản), trong đó có 13 thôn giáp biên; dân số 1.795 hộ/ 9.016 khẩu. Để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và giữ bình yên biên giới, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bảo vệ biên giới sát yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp với các lực lượng tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý, bảo vệ biên giới. Cùng với đó, đơn vị chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lực lượng vào các địa bàn trọng điểm, xử lý, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Trong năm 2019, đơn vị đã xử lý hành chính 2 vụ tái trồng cây thuốc phiện, 5 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, bàn giao cho công an huyện khởi tố 2 vụ/3 đối tượng/619kg pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới; phối hợp với dân quân ở 2 xã tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, tuần tra bảo vệ địa bàn được 61 buổi/529 lượt người tham gia. Cán bộ đơn vị dạy các em học sinh trên địa bàn học tập Để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đơn vị đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã Má Lé, Lũng Cú xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ địa bàn, biên giới; củng cố, kiện toàn các “Tổ an ninh tự quản” ở các thôn bản; phối hợp triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho cán bộ xã, thôn (bản); củng cố 21 tổ an ninh tự quản, đổi mới nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự. Đơn vị cũng đã bàn giao cho 5 tập thể và 16 hộ gia đình có ruộng nương giáp biên giới để tham gia bảo vệ. Các vụ việc xảy ra trên biên giới và địa bàn được phát hiện kịp thời và xử lý theo đúng pháp luật, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới đánh giá cao. Đi đôi với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh trật tự, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của cấp trên về phòng, chống ma túy, phòng, chống buôn lậu - gian lận thương mại và hàng giả..., phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ/1 đối tượng vận chuyển trái phép 130kg lợn từ Trung Quốc vào Việt Nam; trao đổi 16 tin, phối hợp điều tra, xử lý 2 vụ/3 đối tượng theo Quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân sự, biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú kiểm soát, cấp phát khẩu trang và tuyên truyền cho nhân dân phòng, chống dịch bệnh covid-19 Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh cũng được đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đơn vị đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, xuất nhập cảnh vùng biên giới; quản lý tạm trú, tạm vắng cho các đối tượng ra vào khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung các khu vực đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đã đăng ký xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho 4526 lượt người Việt Nam; 97 lượt người Trung Quốc; phối hợp kiểm tra tạm trú, tạm vắng trong địa bàn cho 149 lượt người tạm trú, 696 lượt người tạm vắng. Để xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nhiều văn kiện về quản lý và bảo vệ biên giới . Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã duy trì có hiệu quả chất lượng hoạt động chi bộ thôn (bản); đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, từng đảng viên, từng b­ước đư­a chế độ sinh hoạt công tác của các tổ chức Đảng đi vào nền nếp. Nhờ vậy, đến nay, 21/21 chi bộ thôn của Đảng bộ 2 xã Lũng Cú, Má Lé đã được kiện toàn đầy đủ cả về số lượng, chất lượng đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh những nhiệm vụ chính trị, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tích cực hỗ trợ người dân vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Đơn vị đã phối hợp với các ngành theo dõi dự án chăn nuôi bò, dê sinh sản luân chuyển tại xã Lũng Cú. Hiện nay tổng số hộ thực hiện dự án là 80 hộ tại 9/9 thôn.  Đơn vị cũng vận động các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng chục triệu đồng; tham gia 193 ngày công xây dựng nhà cho các hộ nghèo, xóa nhà tạm theo phong trào hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở; thực hiện tốt chương trình quân dân y kết hợp khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, trị giá hàng chục triệu đồng. Với những kết quả đạt được, 5 năm qua đã có 23 lượt tập thể, 87 lượt cá nhân được khen thưởng, đơn vị 5 năm liền được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh Hà Giang tặng thưởng nhiều Bằng khen. Tuệ Minh

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 7/11, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương. Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục – Nhạc – Họa Trung ương, được thành lập ngày 7/11/1970. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh trí tuệ, tâm huyết, tận tụy với công việc, cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo ngày càng đa dạng và nâng cao. Trường đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế và uy tín một trường đại học sư phạm hàng đầu về giáo dục nghệ thuật, trở thành cơ sở đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của nước nhà. Đến nay Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương có 8 khoa: Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Khoa Sư phạm Âm nhạc, Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Khoa Sau đại học, Khoa Piano và Thanh nhạc, Khoa Thiết kế Đồ họa, Khoa Thiết kế Thời trang & Công nghệ May, Khoa Giáo dục đại cương. Các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, thông tin gồm 3 trung tâm, 2 ban biên tập. Từ mái trường này đã có hàng vạn học viên, sinh viên tốt nghiệp; trong đó có rất nhiều người đã trở thành những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục nghệ thuật, các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, các nhà thiết kế… nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương hiện có quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa, biểu diễn với các đơn vị đào tạo nghệ thuật danh tiếng như: Đại học Brigham Young (Mỹ), Plymouth State University (Mỹ), Đại học South - Wordingborg (Đan Mạch), Viện đại học Kent (Hoa Kỳ), Cao đẳng Nghệ thuật Hokaido (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Queensland (Úc), trao đổi hợp tác với Trường Đại học Messina (Italy)... Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả đóng góp của nhà trường trong công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục đại học. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện sứ mệnh của mình, trước hết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật; chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành Giáo dục đang triển khai. Để làm được điều này, nhà trường cần tập trung thực hiện tốt việc xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, tập trung xây dựng nhà trường trở thành trường đại học trọng điểm về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật của cả nước, có chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam. Nhà trường cần sớm xây dựng đề án thành lập Trường phổ thông Thực nghiệm Sư phạm Nghệ thuật trực thuộc trường để ươm mầm tài năng, tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao năng lực, đổi mới quản trị đại học. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Có chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn, thực sự là động lực để các thầy cô đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nhà trường. Nhà trường có thể nghiên cứu, đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm thu hút các giảng viên, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước đến làm việc tại trường. Cùng đó, cần rà soát, quy hoạch lại các ngành đào tạo trên cơ sở nghiên cứu, dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật. Xác định những ngành truyền thống thế mạnh để đầu tư theo hướng chất lượng cao, đặc biệt là các ngành sư phạm nghệ thuật. Trường cần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để phát triển nhà trường trong những năm tới đây. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo để qua đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng thực nghiệm, tăng thời lượng thực hành. Trong nghiên cứu khoa học, nhà trường cần chú trọng tới khoa học sư phạm và các nghiên cứu ứng dụng phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa và giáo dục nghệ thuật của nhà trường. Nhà trường cũng cần tăng cường kiểm định chất lượng và hội nhập quốc tế; mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghệ thuật có uy tín của nước ngoài. Đẩy mạnh kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có truyền thống và bản sắc riêng, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm tạo dựng các mối quan hệ hợp tác gắn bó, hiệu quả với các địa phương, với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp thông qua việc đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên văn hóa, nghệ thuật cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương và trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của nhà trường giai đoạn 1970 - 2020. Nguyệt Hà

Hơn 3 thập kỷ sát cánh cùng “tam nông” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

TĐKT - 36 năm gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), anh Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Long An luôn tự hào bởi đã dành nhiều tâm sức, góp phần làm thay da đổi thịt từng miền quê ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các chương trình tín dụng ưu đãi và chương trình an sinh xã hội do Agribank chi nhánh Long An triển khai trong thời gian qua đã trao cơ hội thoát nghèo đến hàng trăm, nghìn hộ nông dân khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Với anh, được chia sẻ nỗi vất vả, gian truân cùng bà con, được làm “bệ đỡ” cho nền nông nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Từ ước mơ được sẻ chia… Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thuần nông huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, từ thuở nhỏ, chàng trai Nguyễn Kim Thài đã nuôi ước mơ lớn lên sẽ giúp được những người nông dân lam lũ thoát nghèo.   Anh Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Long An Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngân hàng năm 1984, anh đầu quân về Ngân hàng Nông nghiệp huyện nhà, với nhiệm vụ ban đầu được giao là cán bộ tín dụng. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và sức sáng tạo không ngừng, bước chân của anh không quản ngại vươn đến với mọi thôn, ấp, tìm đến hỗ trợ đắc lực cho nhiều đối tượng khó khăn, đặc biệt là những người nông dân chân lấm tay bùn trên địa bàn huyện Đức Hòa. Với sự tận tâm và suy nghĩ luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, trong thời gian 3 năm làm cán bộ tín dụng, 8 năm làm Trưởng phòng tín dụng rồi Giám đốc Agribank huyện Đức Hòa, anh đã đưa đơn vị này từ khó khăn về tài chính vươn lên trở thành lá cờ đầu trong các phong trào thi đua. Mang theo những kinh nghiệm tích lũy được từ cơ sở, anh về Agribank chi nhánh tỉnh Long An công tác. Lần lượt trải qua các vị trí: Trưởng phòng Kế toán và Ngân quỹ, Phó Giám đốc, rồi Giám đốc chi nhánh, dù ở vị trí nào, anh luôn gương mẫu, xây dựng tập thể đoàn kết và phát triển. Đặc biệt, tranh thủ sự chỉ đạo của Agribank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An, cũng như bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, anh Nguyễn Kim Thài cùng Ban Giám đốc đã tìm tòi, nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp thực sự hiệu quả nhằm phát triển cho vay kinh tế hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Giữ vai trò chủ lực trên thị trường vốn, tín dụng “tam nông” Nhắc đến cái tên Nguyễn Kim Thài, bà Lê Thị Thủy ở ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ,  huyện Đức Hòa vẫn luôn dành sự biết ơn sâu sắc. Bà kể: Năm 1997 khi mới vào Long An lập nghiệp, cả nhà chỉ trông chờ vào cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ lẻ. Năm 2008, tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, thị trường bất động sản trong nước đóng băng, ngành nghề vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, đình trệ. Kinh doanh thua lỗ, chi phí phát sinh tăng cao, nợ nần nhiều nơi..., gia đình bà tưởng chừng như không thể chống chọi nổi.   Agribank chi nhánh tỉnh Long An đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Đúng thời điểm đó, được sự tư vấn, trợ giúp tận tình của anh Nguyễn Kim Thài và các cán bộ Agribank chi nhánh huyện Đức Hòa, bà Thủy đặt quan hệ tín dụng vay vốn tại đây với số tiền vay ban đầu 1 tỷ đồng, để bổ sung vốn kinh doanh, đa dạng mặt hàng, tăng sức cạnh tranh và tái thiết lại hoạt động của hộ kinh doanh.  Từ lúc vay vốn, tình hình kinh doanh của cửa hàng dần khởi sắc qua từng năm, không chỉ trả hết nợ nần bên ngoài, gia đình bà còn mở thêm nhiều cơ sở trên địa bàn. Năm 2017, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trung Chương được thành lập với vốn điều lệ 9.500.000.000 đồng, do bà là Chủ tịch kiêm Giám đốc. Bà Thủy cho biết: Với vốn vay ban đầu là 10 tỷ đồng, hiện nay công ty đang được Agribank chi nhánh huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cấp hạn mức tín dụng 40 tỷ đồng để phục vụ vốn lưu động sản xuất, kinh doanh. Công ty hiện đang có rất nhiều đối tác cùng các hợp đồng lớn và không ngừng mở rộng quy mô. Công ty đang thuê kiểm toán độc lập nhằm tư vấn và nâng cao mô hình chuyên nghiệp trong hoạt động. Bà Thủy xúc động: Thành quả có được hôm nay của gia đình tôi có được là từ những tháng ngày đồng cam cộng khổ của Agribank Đức Hòa, Long An; là tấm lòng sẻ chia, tận tâm với người nông dân của anh Nguyễn Kim Thài. Họ thực sự là “bệ đỡ” vững chắc trong hành trình vươn xa hơn của những nông hộ Việt. Không chỉ bà Thủy mà nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành sáng tạo của anh Nguyễn Kim Thài, đã có hàng trăm nghìn hộ gia đình nông dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Agribank để phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế; bộ mặt nông thôn được đổi mới và thay đổi đáng kể; góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Để có những “trái ngọt” đó, trong suốt những năm qua, người chèo lái con thuyền Agribank chi nhánh tỉnh Long An đã không ngừng đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành: Chỉ đạo thực hiện đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng theo hướng có lợi nhất cho người dân. Minh chứng rõ ràng nhất là, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55 ngày 9/6/2015 về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, anh Nguyễn Kim Thài đã chủ động tham mưu với tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An triển khai thực hiện Nghị định này từ tỉnh đến các xã, huyện, thị, thành phố bằng các hoạt động cụ thể: Tổ chức phổ biến, tập huấn về Nghị định tới các tổ chức Hội; ký kết văn bản liên ngành giữa Agribank với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Long An về cho vay theo Nghị định; chỉ đạo quyết liệt cho vay qua tổ nhóm, quy định cụ thể về mức chi hoa hồng tổ vay vốn… Anh đã phối hợp chặt chẽ cùng với chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện, xã triển khai các gói tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.  Một trong những mô hình được đánh giá rất thành công đó là tổ vay vốn như cánh tay nối dài, thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng với khách hàng. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ nhóm đạt gần 1.500 tỷ đồng, đã triển khai trên 300 tổ vay vốn với gần 6.000 thành viên. Bên cạnh đó, anh đã chỉ đạo Agribank chi nhánh tỉnh Long An triển khai an toàn các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 400 phiên giao dịch, phục vụ khách hàng tại các xã, thôn, ấp, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng. Anh Thài cùng Agribank chi nhánh tỉnh Long An cũng đã triển khai phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, tinh giản các thủ tục vay vốn cho khách hàng theo hướng nhanh gọn. Đồng thời, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi theo cơ chế quy định hiện hành; thực hiện việc giảm dần lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Agribank từng thời kỳ. Để giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả, anh chỉ đạo Agribank chi nhánh tỉnh Long An phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An hỗ trợ về kỹ thuật canh nông, công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị cho nông dân. Qua đó, định hướng, tư vấn khách hàng phát triển sản xuất, sử dụng vốn để phát triển kinh tế gia đình theo các mô hình trọng tâm, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương. Với những cách làm ấy, đồng vốn tín dụng của Agribank chi nhánh tỉnh Long An đã giúp nhiều nông hộ - những người bạn đồng hành của Agribank ngày càng trưởng thành, biết tự vượt lên nghèo đói và vươn tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Cùng xã hội ngăn chặn tín dụng đen và đứng vững trước dịch bệnh Covid – 19   Agribank chi nhánh tỉnh Long An được tặng Cờ thi đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018 Nắm bắt được thực trạng: Nhu cầu vay chủ yếu của nông dân là để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các nhu yếu phẩm và một số hộ vay để trang trải cuộc sống như ốm đau… Tuy nhiên, nhiều trong số đó thường lựa chọn vay bên ngoài (tín dụng đen) để dễ dàng và thuận tiện hơn do không cần thế chấp tài sản. Do vậy, không ít hộ gia đình nông dân vướng vào các vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Anh Nguyễn Kim Thài đã chỉ đạo Agribank chi nhánh tỉnh Long An triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay đối với khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, chi nhánh còn điều chỉnh tăng hạn mức tối đa phù hợp về cho vay đảm bảo bằng tiền lương đối với khách hàng cá nhân, bao gồm thấu chi, phát hành thẻ tín dụng và các nhu cầu tiêu dùng khác phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn vốn. Anh Thài cho biết: “Hiện nay, việc cho vay của ngân hàng đã được thực hiện thông qua tổ vay vốn, tổ liên kết tại các xã, huyện nên rất thuận lợi cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Lãi suất đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi theo Nghị định 55 của Chính phủ. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho nông dân, ngân hàng cũng đã triển khai chương trình cho vay tín chấp qua tài khoản thấu chi. Hình thức cho vay này đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của người dân trong lúc thiếu vốn như mua phân bón, giống... phục vụ sản xuất trong vụ mới, góp phần hạn chế sử dụng tín dụng đen.” Đặc biệt, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và bùng phát tại một số địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong cả nước; nhất là sản xuất, kinh doanh liên tiếp gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh Long An, hàng chục nghìn tấn nông sản của nông dân rất khó tiêu thụ, giá bán sụt giảm mạnh. Trong xu thế phát triển hiện nay, có ngày càng nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhiều sự lựa chọn cho người làm nông nghiệp. Agribank chi nhánh tỉnh Long An cũng gặp không ít khó khăn. Song anh Nguyễn Kim Thài cùng Agribank chi nhánh tỉnh Long An chủ động ứng phó; tập trung tối đa mọi nguồn lực để khắc phục, đồng thời luôn sẵn sàng, chủ động nguồn vốn cho nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp… trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh kéo dài vẫn được tiếp cận và vay vốn từ Agribank để phục hồi và sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Agribank chi nhánh tỉnh Long An đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay vốn đầu tư với số dư nợ trên 57 tỷ đồng, số dư nợ được miễn giảm lãi hơn 15 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai gói cho vay mới với lãi suất từ 6% - 7% tùy theo đối tượng khách hàng. Anh Nguyễn Kim Thài cho biết, dẫu phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Agribank chi nhánh tỉnh Long An sẽ không ngừng nỗ lực, đoàn kết, phục vụ khách hàng bằng cả trái tim và nhiệt huyết; quyết tâm giữ vững vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”./. Mai Thảo              

Làm giàu từ nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học

TĐKT - Nhờ sự động viên và hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ khuyến nông, anh Châu Văn Hồng, ấp Cầu Dừa (xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) quyết định đầu tư, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học. Anh Hồng kiểm tra lươn nuôi của gia đình trong các bể xi măng không bùn Xuất ngũ trở về quê hương năm 2000, anh Hồng lập gia đình. Khi đó, anh được bố mẹ cho 1.000 m2 đất canh tác, sản xuất. “Thời gian đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi làm đủ nghề để mưu sinh như: Khuân vác, đi phơi lúa thuê cho lò sấy lúa… Công việc vất vả là vậy nhưng cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình.” - anh Hồng nhớ lại. Không cam chịu cảnh đói, nghèo, anh quyết tâm tìm ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Sau khi tìm hiểu thị trường, nhận thấy giá lươn thịt luôn ở mức cao và ổn định, anh đã quyết định thực hiện mô hình này. Anh cho biết: “Thời gian đầu, tôi thu gom lươn tự nhiên về nuôi dưỡng rồi mày mò tự cho đẻ nhưng qua nhiều lần đều không thành công. Không bỏ cuộc, tôi đi Cần Thơ mua lươn giống về nuôi nhưng cũng thất bại. Đến năm 2014, có lớp dạy nghề về sản xuất lươn giống do Phòng Kinh tế thị xã Cai Lậy tổ chức, tôi đã tham gia và học hỏi được nhiều kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật. Tuy nhiên do nguồn lươn bố mẹ không tốt nên hiệu quả mang lại không cao.” Những thất bại đó không làm nản chí mà càng là động lực để anh quyết tâm thực hiện. Năm 2017, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 500 con lươn giống để xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học, anh Hồng đã bắt tay vào triển khai thực hiện mô hình này. Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh Hồng đã thiết kế 8 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 1,5 x 1,8m, có hệ thống cấp thoát nước tốt, giá thể là dây ni-lông buộc thành chùm thả xuống bể, mực nước trong bể từ 10 - 30cm, tùy theo trọng lượng lươn lớn hay nhỏ. Mỗi bể thả 500 con, mật độ nuôi 200 con/m2. Thức ăn cho lươn là thức ăn viên 1 – 3mm, loại 44% đạm hiệu UP. Qua 1 năm nuôi 4.000 con lươn, anh đã thu hoạch được gần 500kg lươn thịt, bán giá bình quân 180 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí thu lãi hơn 30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu đó, năm 2019 anh Hồng mở rộng sản xuất thêm lươn giống được hơn 80.000 lươn giống và 800 kg lươn thịt, thu lợi nhuận 200 triệu đồng. Năm 2020 anh Hồng dự kiến thu hoạch 80.000 con lươn giống và 800 kg lươn thịt lợi nhuận ước đạt 250 triệu đồng. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi như: Chọn con giống khỏe, khẩu phần ăn hợp lý, vệ sinh bể nuôi tốt, mô hình lươn thịt và thương phẩm của anh luôn đạt hiệu quả cao, đàn lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp nên lợi nhuận cao. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học, anh Hồng cho biết: Muốn lươn giống được khỏe mạnh, cần sử dụng lươn thương phẩm tự nuôi để làm lươn bố mẹ, theo dõi vớt trứng và lươn con ra ương riêng, thay hệ thống nước 2 - 3 lần/ngày, tháng thứ nhất cho lươn con ăn trùn chỉ, sau đó cho thức ăn viên loại 40% đạm. Cũng theo anh Hồng, nuôi lươn thương phẩm phải làm mái che. Sau 3 tháng nuôi nên phân cỡ ra nuôi riêng bể, tránh con lớn ăn con nhỏ. Thức ăn lươn thịt phải phù hợp từng giai đoạn phát triển nhưng đạm càng cao càng tốt, tốt nhất là 40 - 44% đạm, mỗi ngày ăn từ 2 - 3 lần. Nên thay 100% nước trước hoặc sau khi cho ăn, tùy theo điều kiện, trong quá trình thay nước nên vệ sinh bạt nuôi. Từ 1 bể nuôi lươn thịt ban đầu, đến nay, anh Hồng mở rộng lên 15 bể ươm và nuôi lươn thịt, 3 bể nuôi lươn đẻ. Hơn 10 năm đeo đuổi con lươn, anh Hồng thấu hiểu những khó khăn sau những lần thất bại. Bởi vậy, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho mọi người có tâm huyết muốn nuôi lươn. Những hộ trong xã chưa có vốn, anh Hồng vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng vừa hỗ trợ con giống. Đến nay, anh đã bán và nhân rộng mô hình nuôi lươn thương phẩm an toàn sinh học cho 25 hộ ở các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung và Nhị Quý. Bảo Linh

Cô giáo trẻ vùng cao vượt khó, tâm huyết với nghề nuôi dạy trẻ

TĐKT - Vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống và công tác, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Vân (dân tộc Nùng), giáo viên trường Mầm non Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên vẫn cố gắng vươn lên, là hạt nhân tiên phong trong mọi công việc chuyên môn, gia đình và xã hội. Bằng tất cả nỗ lực và niềm đam mê, chị đã dành trọn tâm huyết với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao. Cô giáo Nguyễn Thị Vân tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, chỉ có 2 chị em nương tựa vào nhau, hàng ngày Vân phải tự trồng trọt, đi làm thuê để nuôi bản thân và nuôi em ăn học. Sớm phải gánh vác việc gia đình nhưng chị vẫn luôn theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo mầm non, được gần gũi và dạy học cho các em nhỏ. Tốt nghiệp ra trường năm 2011, Vân xin làm giáo viên hợp đồng tại trường Mầm non Cây Thị, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ ngôi trường đầu tiên ấy, chị bắt đầu trải nghiệm những tháng ngày làm cô nuôi dạy trẻ với biết bao bỡ ngỡ. Mặc dù vậy, nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cô, các chị em đồng nghiệp, Vân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Do điều kiện và hoàn cảnh, chị lại chuyển công tác về chính quê hương của mình để tiện chăm sóc cho gia đình. Chị xây dựng gia đình, gia đình nhà chồng cũng làm nông, chồng làm lao động tự do, cuộc sống rất khó khăn. Là giáo viên hợp đồng với mức lương ít ỏi, chị phải chăm lo cho một gia đình lớn với 4 thế hệ và cả em trai mình đang đi học. Chị tâm sự: “Nhà ở tạm bợ, xiêu vẹo, những ngày mưa gió, tôi rất sợ, lo cho con nhỏ, lo cho gia đình mà với mức lương hợp đồng và công việc của chồng không ổn định thì không thể thay đổi được gì cả. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đến việc an toàn ngày mưa bão cho gia đình của mình thôi. Vì thế, tôi phải vay mượn rất nhiều để làm nhà, mua vật dụng trả góp. Khó khăn nối tiếp nhau, lại những ngày con ốm đau, nhiều khi cũng thấy nhụt chí muốn buông tay tất cả, nhưng nhìn thấy gia đình mình đó, con bé nhỏ, ước mơ dang dở của mình đó rồi những lời bố mẹ dạy: “Làm việc gì cần phải có sự kiên trì và niềm đam mê, chỉ cần có tâm huyết thì sẽ thành công thôi”, tôi đã không cho phép mình buông bỏ.”  Gia đình ủng hộ và yêu thương, động viên đã tiếp thêm động lực để Vân làm tốt nhiệm vụ của mình. Chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian cân đối vừa cho gia đình, chăm sóc con cái, vừa dành thời gian cho công việc, thức khuya dậy sớm tập trung cho chuyên môn, luôn tìm tòi, học hỏi để có chất lượng bài dạy hay nhất, sinh động nhất, lấy trẻ làm động lực để làm việc. Cô và trò tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời Một năm trôi qua, hai năm trôi qua, với sự nỗ lực và kiên trì của mình, năm 2013, chị chính thức được tuyển dụng vào ngành, trở thành cô giáo dạy trẻ trường Mầm non Trúc Mai như mơ ước. Càng xác định hơn được vai trò, trách nhiệm của mình, chị luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và những kiến thức đã học, đặc biệt là những trải nghiệm thực tế, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, không ngừng học tập, học hỏi những kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong những năm công tác, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên, được phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng, giúp đỡ, chị Vân đã tham gia thi các cấp, đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; nhiều năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với niềm đam mê, mơ ước giúp đỡ những em nhỏ vùng cao, năm 2018, khi con gái nhỏ đã 6 tuổi vào học lớp 1, chị tình nguyện đến công tác tại trường Mầm non Thượng Nung, xã Thượng Nung, là một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai. Năm học 2018 - 2019, chị được phân công dạy lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi A, với tổng số 27 trẻ. Chị đã cố gắng hết mình nuôi dạy các con, được các bậc phụ huynh tin yêu. Cuối năm học, trẻ đạt kết quả rất tốt, nhận thức tốt về chữ cái và số; các bé chăm ngoan, khỏe mạnh; có kỹ năng giao tiếp, văn hóa, văn nghệ; biết tự vệ sinh cá nhân… Đến năm học 2019 - 2020, chị được phân công giảng dạy lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi tại điểm trường Lũng Hoài, tại bản trên núi cách trường chính 5 km đường rừng. Nhà xa trường, con nhỏ, chị vẫn đều đặn đi và về 100 km mỗi ngày. Để vận động các em nhỏ người Mông tới lớp, chị không quản ngại đi bộ nhiều lần, vượt qua những dãy núi đá gập ghềnh để đến từng nhà gặp gia đình các em. Chị kể: “Khó khăn vô vàn, không chỉ là quãng đường xa, mà còn là bất đồng ngôn ngữ, cô và trẻ không giao tiếp được để hiểu nhau; trẻ nhút nhát, không biết vệ sinh cá nhân, không biết, không nói được tiếng Việt… Để các con hiểu được cô muốn gì thì tại sao cô không thử hiểu ngôn ngữ của trẻ, xem các con muốn gì, tôi đã bắt tay vào việc học tiếng dân tộc của trẻ, để làm thân với từng trẻ, biết được nhu cầu của trẻ, của gia đình trẻ… Khi hiểu được rồi, tôi bắt đầu tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ, để trẻ có khả năng nói tiếng Việt nhiều hơn, giao tiếp được nhiều hơn, giúp các con mạnh dạn hơn khi đến lớp học, việc học chữ cái dễ dàng hơn.” Với khả năng, tâm huyết, tình yêu thương của cô giáo Vân, sau 3 tháng, các con trong lớp đã đi học chăm chỉ, đúng giờ, vẫn đến lớp đều vào những ngày mưa, rét. 5 tuổi các con đã tự đi bộ băng qua những dãy núi đến lớp cùng anh chị học cấp tiểu học. Thấy được sự khó khăn vất vả đó, chị càng không dám để bản thân mình nản chí, ngược lại thật sự càng yêu thương, coi các con như con ruột của mình, gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống; tăng cường tiếng Việt cho trẻ; chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các con vui chơi, khám phá đến việc vệ sinh cá nhân, rửa tay, tắm, giặt quần áo…; luôn kết hợp với từng cha mẹ trẻ để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất… “Tôi yêu công việc của mình và yêu các em nhỏ nơi đây.” - Chị nói về công việc của mình một cách đầy tự hào - “Đồng nghiệp, phụ huynh và mọi người xung quanh tin tưởng và yêu thương tôi, đó là động lực giúp tôi luôn phấn đấu vươn lên trong công việc và cuộc sống… Cho dù cuộc sống khó khăn đến đâu thì tôi càng phải nỗ lực hơn nữa, tâm huyết, say sưa hơn nữa, xứng đáng là người mẹ hiền thứ hai của các con, người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà.” Nguyệt Hà

Hành trình thiêng liêng tìm và đưa đồng đội trở về với đất mẹ

TĐKT - Gần 20 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đội K93 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) vẫn ngày đêm âm thầm, lặng lẽ, khắc phục mọi khó khăn, băng rừng vượt núi tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong nước và trên đất bạn Campuchia để đưa các cô, chú, các anh về an nghỉ trên quê hương. Những năm qua, nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo 515 UBND tỉnh, trong đó Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh là cơ quan thường trực; cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng, Đội luôn giữ được mối quan hệ đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với lực lượng, chính quyền và nhân dân bạn trên các địa bàn đơn vị làm nhiệm vụ (2 tỉnh Takeo và Kompongspeu, Vương quốc Campuchia). Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đội K93 vẫn ngày đêm âm thầm, lặng lẽ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ Đại tá Nguyễn Quốc Thông, Đội trưởng Đội K93 cho biết: Thuận lợi cơ bản nhất, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ, đó là ý thức trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đối với các chú, các anh đã hy sinh còn nằm lại trên các chiến trường. Chúng tôi thấu hiểu được những nỗi đau, niềm hy vọng của gia đình mong muốn có một ngày được gặp lại, được đưa người thân của mình trở về quê hương an nghỉ, dẫu đó chỉ là một ít hài cốt còn lại nhưng rất thiêng liêng. Cũng theo Đại tá Thông, trong quá trình thực hiện, dù việc đào tìm có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng khi phát hiện được hài cốt liệt sĩ thì mọi mệt nhọc hầu như tan biến, ai cũng phấn khởi. Có những trường hợp mặc dù hy sinh đã lâu, nhưng do chất đất, do điều kiện an táng khi quy tập, hài cốt chưa phân hủy hết, lại nằm sâu, nằm lẫn trong bùn nhưng cán bộ, chiến sĩ không bao giờ quản ngại. Cũng có những trường hợp do bom đạn hy sinh, hài cốt không còn nguyên vẹn, anh em phải lần từng nắm đất, để tìm kiếm nhặt cho hết những gì còn lại của các chú, các anh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội K93 cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Lý do bởi vì địa bàn tìm kiếm thường là các vùng đồi, núi rộng lớn; địa bàn chiến tranh ác liệt, vật liệu nổ còn sót lại nhiều, nếu không tổ chức rà tìm cẩn thận thì rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn. Địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, nhất là phải cơ động sớm, xuyên rừng hàng giờ; mang vác lương thực, phương tiện đào tìm trên 20 kg, đi bộ vài cây số đường rừng, núi, qua các dòng suối sâu, nước chảy siết. Đội phải ăn nghỉ trong rừng, núi với điều kiện nước sinh hoạt thiếu thốn suốt 8 tháng/năm làm nhiệm vụ ở Campuchia. Thời gian chiến tranh đã lùi xa, với việc phát triển kinh tế - xã hội và địa hình thay đổi rất nhiều. Thông tin về liệt sĩ hiếm hoi, ngày một ít dần, thông tin chủ yếu từ các nguồn: Từ tài liệu sơ đồ của đơn vị, từ đồng đội, cựu chiến binh, từ nhân dân địa phương phát hiện... Tuy nhiên, những người trực tiếp biết thông tin tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe về lại chiến trường xưa, trí nhớ không còn minh mẫn. Do đó, việc khảo sát, thu thập thông tin ngày một khó khăn; có những lúc đào tìm hàng tháng trời không có kết quả. Để đảm bảo độ chính xác cao, khi tiếp nhận được thông tin về mộ liệt sĩ, dù ở nơi rừng núi hẻo lánh, xa xôi, Ban Chỉ huy đội và thành viên tổ công tác của nước bạn phải tranh thủ đến tận nơi để rà soát, đối chiếu, kiểm chứng thông tin đảm bảo cho công tác tìm kiếm đạt hiệu quả. Đó là những khó khăn cơ bản, thường xuyên, tuy nhiên nhờ sự đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, những khó khăn đó đã trở nên bình thường, như những việc làm hàng ngày, quen thuộc và không còn là những khó khăn ảnh hưởng đến nhiệm vụ của đơn vị. Kết quả trong 5 năm qua Đội đã tổ chức hơn 15 đợt tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh ở Campuchia và liệt sĩ trong nước, tìm kiếm trên địa bàn của 1.960 ấp thuộc 157 xã, phường của các tỉnh Tà Keo, KomPongSpeu và các huyện, thị, thành trong tỉnh; đào tìm trên 38.170 vị trí (hố), với hơn 156.110 m3 đất đá; tìm, cất bốc và quy tập được 641 hài cốt liệt sĩ (xác định được tên là 18 trường hợp); tiếp nhận và trả lời trên 1000 thư liên quan đến thông tin hài cốt liệt sĩ thông qua các cơ quan báo, đài và chương trình đi tìm đồng đội; bàn giao hàng trăm sinh phẩm cho các cơ quan chức năng thực hiện thử ADN. Thực hiện tốt công tác đón nhận, bàn giao và tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ đúng quy định, chặt chẽ, chu đáo, nghiêm trang để tri ân các liệt sĩ và góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước. Đội K93 tổ chức khám, chữa bệnh, thăm hỏi tặng quà các chùa, các gia đình nghèo Bên cạnh nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội đã thực hiện tốt công tác dân vận; thường xuyên giao lưu, trao đổi, thăm hỏi, tặng quà chính quyền, các lực lượng đơn vị nước bạn trong dịp lễ, tết; tổ chức khám, chữa bệnh, thăm hỏi tặng quà các chùa, các gia đình nghèo bằng mì gói, gạo và các nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết khác với hơn 500 suất quà, trị giá trên 300 triệu đồng. Hàng năm, Đội đã tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 3.950 lượt người, số tiền trên 50 triệu đồng. Đặc biệt, Đội đã phối hợp với lực lượng và chính quyền 2 tỉnh Tà Keo và KomPongSpeu tuyên truyền, giải thích trong nhân dân phát hiện và cung cấp thông tin các khu vực có mộ chí. Với những việc làm cụ thể đó vừa thể hiện được phẩm chất trong sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa tạo được lòng tin với chính quyền và nhân dân các địa phương nơi đơn vị đến hoạt động, qua đó nhân dân nước bạn đã tự nguyện, tích cực tham gia giúp đơn vị phát hiện và đào tìm hài cốt liệt sĩ. Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, Đội K93 thường xuyên duy trì thực hiện nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, làm lực lượng cơ động xử lý các tình huống theo mệnh lệnh của Bộ CHQS tỉnh; phối hợp cùng các lực lượng địa phương nơi đóng quân, tuần tra, canh gác, phòng, chống cháy nổ, tham gia 4 đợt chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Tịnh Biên. Với kết quả đạt được trong 5 năm qua, Đội đã được các cấp khen thưởng: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 10 Bằng khen của Quân Khu; 5 Bằng khen của UBND tỉnh, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Tuệ Minh

Bảo hiểm TP Hồ Chí Minh: Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao

TĐKT - Kế thừa những truyền thống quý báu của thành phố anh hùng, trong thời gian qua BHXH TP Hồ Chí Minh đã luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo và hành động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Mến Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Mến cho biết, ngay khi nhận nhiệm vụ, ông cùng tập thể lãnh đạo và Ban Chấp hành Đảng ủy sắp xếp lại tổ chức bộ máy, kiện toàn công tác cán bộ đầy đủ số lượng theo quy định từ đó phát huy được tối đa sức mạnh nội tại, quy tụ được đội ngũ công chức, viên chức hết lòng với công việc. Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Bên cạnh không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, thì việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của BHXH thành phố. Khối lượng công việc hằng năm không ngừng gia tăng, nhiều nhiệm vụ mới phát sinh, biên chế không tăng mà giảm do nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác…. Vì vậy, tất cả công chức, viên chức, người lao động phải chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào các nghiệp vụ chuyên môn để kịp thời điều chỉnh các trường hợp đồng bộ mã định danh chưa đúng, các trường hợp gộp nhiều sổ BHXH để giải quyết chế độ. Đặc biệt, BHXH thành phố đã khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm của BHXH Việt Nam; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe... Đồng thời kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Để hệ thống mạng máy tính và các phần mềm hoạt động thông suốt, nâng cao hiệu suất hoạt động, BHXH thành phố thường xuyên kiểm tra, nâng cấp, phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin - BHXH Việt Nam thiết lập kết nối VPN hỗ trợ phần mềm kế toán làm việc từ xa, phối hợp thực hiện chuyển đổi mô hình hệ thống mạng internet, thiết lập và triển khai hội nghị truyền hình nội tỉnh. Cùng với đó là phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông kết nối qua trục phần mềm liên thông văn bản của UBND thành phố; kết nối với Cổng thông tin liên thông của Bộ Tư pháp để triển khai thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, BHXH thành phố có nhiều mô hình, cách làm mới được triển khai để nâng cao chất lượng phục vụ như: Cá nhân, đơn vị có thể nộp hồ sơ ở bất cứ BHXH quận, huyện nào hoặc người chỉ tham gia BHYT được cấp, đổi thẻ BHYT bất kỳ nơi nào trên địa bàn thành phố. Các trường hợp nằm viện, hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người lao động ở tỉnh khác đến thì được xem xét tiếp nhận, giải quyết ngay trong ngày. Hơn hết là thực hiện chi trả các chế độ BHXH tận nhà cho các trường hợp già yếu, ốm đau, đi lại khó khăn... Hàng quý phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn. Trên cơ sở khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ thì tỷ lệ hài lòng được ghi nhận trên 95%, đem lại hiệu quả tích cực. Năm 2019, BHXH thành phố vinh dự được Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen về lĩnh vực này. Song song với đó, với số lượng hồ sơ hưởng các chế độ BHXH phát sinh hàng tháng trên 160.000 lượt người và gần 320.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, lương hưu hàng tháng, BHXH Thành phố đã tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp, phối hợp về hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và hỗ trợ học nghề. Đơn cử: Phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện việc tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy chứng sinh và chuyển toàn bộ dữ liệu hưởng BHXH trên Cổng tiếp nhận giám định BHYT. Thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận hồ sơ hưởng các chế độ ngắn hạn đạt trên 99%. Viên chức, người lao động phải tăng cường hiệu suất làm việc tại cơ quan và ngoài giờ làm việc để kịp thời điều chỉnh trượt giá hàng năm cho các đối tượng chính sách, điều chỉnh trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu theo quy định của Chính phủ, thu thập và cập nhật hoàn thiện dữ liệu thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận bằng tiền mặt vào phần mềm nghiệp vụ. Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền chi trả các chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam và của Thủ tướng Chính phủ. Bảo hiểm Xã hội thường xuyên phối hợp với các ngân hàng, bưu điện kiểm soát chi trả cho người lao động đảm bảo đơn giản, kịp thời, đầy đủ. Hiện nay chi trả được thông qua 3 hình thức: Qua tài khoản của người hưởng, qua người sử dụng lao động, chi tiền mặt qua bưu điện. Kết quả, đối với chi trợ cấp thất nghiệp: Người lao động nhận qua tài khoản cá nhân đạt 95%. Đối với chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng người lao động nhận qua tài khoản cá nhân đạt 55%. Đối với chi BHXH 1 lần, người lao động nhận qua tài khoản cá nhân đạt 82%.   Qua đó, BHXH thành phố cũng đã chỉ đạo phối hợp với Sở Y tế, cơ sở khám, chữa bệnh chăm lo tốt sức khỏe của người dân. Hàng năm giải quyết hơn 20 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số tiền chi trả hàng chục ngàn tỷ đồng. Kể từ khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ 1/1/2015 đến nay, quỹ BHYT luôn đảm bảo cân đối và có kết dư. Trong 3 năm (2016 - 2018), thành phố đã mua 271.588 thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo với tổng số tiền 49,2 tỷ đồng từ nguồn quỹ BHYT kết dư. Ngoài ra, BHXH thành phố luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt vai trò quản lý của cơ quan BHXH cũng như việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, đơn vị sử dụng lao động. Nếu năm 2015 thực hiện thanh kiểm tra 2.572 đơn vị, 20 cơ sở khám, chữa bệnh, 512 đại lý thu thì đến năm 2019 số đơn vị thanh kiểm tra là 4.685 đơn vị, đối chiếu truy thu 1.063 đơn vị. Qua công tác thanh kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT, các trường hợp có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận, làm giả hồ sơ để trục lợi. BHXH thành phố cũng đã thu hồi về quỹ hàng năm hàng trăm tỷ đồng; phối hợp cơ quan công an xác minh, điều tra và đề nghị xử lý hình sự 5 trường hợp trục lợi quỹ BHXH và tính đến 30/6/2020 đã lập hồ sơ kiến nghị khởi tố 71 đơn vị, trong đó có 34 đơn vị cơ quan cảnh sát điều tra quận, huyện đã phản hồi tiếp nhận và có văn bản đề nghị cung cấp hồ sơ để phục vụ công tác điều tra. Có thể nói, hiệu quả thu hồi nợ sau công tác thanh kiểm tra rất tốt, đạt trên 50%, góp phần tác động tích cực trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Những kết quả đạt được thời gian qua là sự nỗ lực không ngừng của tập thể viên chức, người lao động, mang lại hiệu quả thiết thực trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Hồng Thiết

Cha đẻ của giống tiêu Bầu Mây tại Việt Nam

TĐKT - Khởi nghiệp nơi đất khách quê người, anh Lâm Ngọc Nhâm (dân tộc Hoa), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, thất bại và thành công đan xen. Nhưng với niềm tin, khát vọng cháy bỏng và sự đam mê trong công việc cùng ý chí kiên trì, anh đã xây dựng thành công mô hình trồng tiêu Bầu Mây mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX của anh trở thành nhà cung cấp tiêu Bầu Mây số 1 của Việt Nam cho các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như: Nhật Bản, Dubai, Mỹ... Anh Lâm Ngọc Nhâm tại vườn ươm tiêu giống Bầu Mây Rời mảnh đất quê hương Tuyên Quang, theo gia đình tới Bà Rịa - Vũng Tàu để lập nghiệp, anh Nhâm đã trải nghiệm nhiều mô hình trồng trọt với các loại cây trồng như: Cà phê, điều, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, mít... Tuy nhiên, do làm theo phương thức truyền thống nên năng suất không cao, giá bán bấp bênh, bị tư thương ép giá. Bởi vậy, anh luôn trăn trở suy nghĩ phải tìm ra loại cây trồng để phát triển ổn định cho bản thân gia đình và cộng đồng. Nhận thấy Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi trời ban cho khí hậu ổn định và thổ nhưỡng phù hợp với cây hồ tiêu, anh quyết định trồng loại cây này trong vườn nhà mình với nhiều loại giống khác nhau. Kể về quá trình “thai nghén” ra giống tiêu Bầu Mây, anh hồ hởi: “May mắn phát hiện, chọn lọc được một dây tiêu khác thường trong vườn năm nào cũng cho năng suất cao, khỏe mạnh, tôi bèn cắt toàn bộ dây này ra nhân giống và theo dõi quá trình phát triển thấy rất khác biệt so với các giống khác. Cây tiêu có bộ rễ cái rất to khỏe gấp 10 lần giống khác, cắt dây giống ở đâu ra rễ ở đó. Tiêu trưởng thành phân bổ mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, năng suất rất cao từ 10 đến 12 tấn/ha, ổn định qua các năm. Sau hơn 20 năm thực nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Tôi đặt tên cho cây tiêu là tiêu Bầu Mây và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tiêu Bầu Mây tại Cục Sở hữu trí tuệ.” Anh Lâm Ngọc Nhâm giới thiệu về cây giống tiêu Bầu Mây Nhận thấy tiêu Bầu Mây rất khỏe mạnh, sinh trưởng và kháng bệnh tốt, chất lượng và năng suất cao ổn định, anh bắt đầu triển khai nhân rộng từ năm 2014. Với bản chất ham học hỏi và biết vận dụng cái hay, cái mới, anh thường xuyên tìm đến Hội nông dân xã Hòa Hiệp, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, tìm hiểu các thông tin khuyến nông trên các phương tiện thông tin, nhất là khai thác ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào mảnh vườn nhỏ của mình. Đến năm 2019, sản phẩm tiêu Bầu Mây đã được HTX Nông nghiệp - Thương mại – Du lịch Bầu Mây canh tác với diện tích 15 ha được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP. Tiêu Bầu Mây nhanh chóng trở thành sản phẩm cây trồng địa phương đặc sản có giá trị cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu, được sản xuất, chế biến, xuất bán ra thị trường toàn quốc cũng như hướng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Dubai. Từ hồ tiêu Bầu Mây tạo ra các sản phẩm chất lượng khác biệt có giá trị rất cao như: Tiêu đỏ Bầu Mây có giá 1.100.000 đồng/kg, tiêu đen Bầu Mây 800.000 đồng/kg. Để phát triển mô hình, anh đưa ra giải pháp “Trồng vườn hồ tiêu ra hoa theo ý muốn”, đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017. Giải pháp giúp nông dân chủ động điều chỉnh tiêu ra hoa theo ý muốn và chống lại bệnh chết nhanh, chết chậm vào mùa mưa, hạn chế được các loại nấm gây hại cho cây hồ tiêu, chống được xói mòn và bạc màu của đất, đồng thời tiết kiệm nước tưới và giảm sự thoát hơi nước vào mùa khô; giúp tiêu tăng chất lượng đậu quả, tăng sản lượng và nâng cao chất lượng. Dự án cung cấp sản phẩm tiêu xanh quanh năm, tạo ra các sản phẩm cao cấp dùng ăn ngay, ăn liền trực tiếp giá trị cao như: Tiêu không hạt Bầu Mây 15 triệu đồng/kg, tiêu xanh muối 900.000 đồng/kg, tiêu sữa 2,2 triệu/kg, tiêu một nắng 2 triệu/kg, tiêu tươi muối 950.000 đồng/kg… Anh Nhâm cùng bà con thu hoạch tiêu tại vườn Cùng năm 2017, mô hình Bầu Mây “Tấc đất tấc vàng nhà nông thu ngay bạc tỷ (Hồ tiêu Bầu Mây cộng sinh củ hoài sơn)” của anh đạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc kết hợp hài hòa, bổ trợ cho nhau, xen canh, cộng sinh giữa hai loại cây trồng tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch bền vững, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Cùng lúc trên một diện tích đất tạo ra được nhiều sản phẩm giá trị cao siêu lợi nhuận. Trồng cộng sinh giúp tạo thảm thực vật chống xói mòn, không phải làm cỏ, như một mái nhà cho các vi sinh vật có ích trú ngụ, tạo hệ thống thoát nước ngầm khi hoài sơn tạo củ sâu từ 60 cm - 1,2 m. Mô hình trồng tiêu cộng sinh xen củ hoài sơn (còn gọi củ mài) vào vườn tiêu là giải pháp tốt nhất giữ cho cây hồ tiêu phát triển vững bền, không sợ được mùa mất giá, được giá mất mùa, tránh tình trạng trồng rồi lại chặt và chặt rồi lại trồng, nhất là trong giai đoạn hiện nay giá tiêu sụt giảm mạnh. Triển khai mô hình thành công đem lại siêu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm: 1 ha trồng 20.000 mầm đem về lợi nhuận cho nông dân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Năm 2019, anh Nhâm đã triển khai mô hình 200 ha trồng củ hoài sơn cho sản lượng thu hoạch là 10.000 tấn. Sản phẩm tiêu Bầu Mây được giới thiệu tại nhiều hội chợ Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lâm Ngọc Nhâm còn hỗ trợ và hướng dẫn giúp 10 gia đình nông dân vượt lên hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bằng việc tài trợ phân bón, tài trợ giống cây trồng và trực tiếp chỉ dẫn họ cách làm vườn tăng năng suất và tăng thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tới nay, anh đã triển khai nhân rộng được gần 500 ha diện tích trồng tiêu Bầu Mây cho nông dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Thành lập câu lạc bộ nông dân trồng tiêu Bầu Mây; trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối và hướng dẫn bà con nông dân trên toàn quốc cách chăm sóc, trồng trọt vườn tiêu cho năng suất cao, bền vững. Ngoài ra, anh tự lập Quỹ từ thiện Bầu Mây, trích 50 triệu đồng/năm từ nguồn tiền thu nhập của mình để giúp đỡ những người già neo đơn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, hộ nghèo đặc biệt, gia đình khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, trao quà cho các hộ nông dân nghèo vào các dịp lễ tết tại địa phương. Được sự đồng ý của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh chủ động tổ chức tài trợ và cùng với Nhóm thiện nguyện Phước Tuệ Viên là các bác sĩ y học cổ truyền triển khai chương trình từ thiện “Khám bệnh và phát thuốc miễn phí” và dạy cách trồng sử dụng cây thuốc nam tại nhà cho bà con nông dân nghèo tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc mỗi tháng 1 lần từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019. Số tiền tổ chức chương trình là 840 triệu đồng/12 tháng, mỗi tháng là 70 triệu đồng/tháng, số lượng người dân nghèo, gia đình chính sách và hoàn cảnh khó khăn được khám bệnh và phát thuốc miễn phí một tháng là 100 người/lần/tháng. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Lâm mong muốn đưa mô hình Bầu Mây trồng cộng sinh xen củ hoài sơn triển khai trên diện rộng, để mang lại cho người nông dân có thu nhập và kinh tế ổn định, có cuộc sống ngày càng thịnh vượng hơn. Phương Thanh

Người “thắp lửa” tại Lũng Vài

TĐKT - Gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực vận động người dân địa phương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Vài (xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) Sùng A Lầu là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy của người cán bộ, đảng viên. Dân bản bảo rằng họ biết ơn Sùng A Lầu lắm, nếu không có anh đưa chủ trương của Đảng, vận động bà con làm theo thì họ chắc chưa hết khổ được. Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu thăm mô hình trồng chanh leo của bà con Thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang từ những năm 1990 trở về trước chỉ là bãi đất hoang để chăn thả trâu, bò. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp về triển khai thực hiện chính sách định canh, định cư, các hộ người Dao được “hạ sơn” từ bản Nà Nọi, hợp với số hộ người Mông tại Khâu Phấu thuộc xã Côn Lôn lập thành thôn Lũng Vài. Sau ngày thành lập thôn, có thêm một số người Mông ở xã Sinh Long và ít hộ người Tày trong xã chuyển đến cùng sinh sống. Đến nay, thôn Lũng Vài có 71 hộ với 353 khẩu (trong đó, có 47 hộ người Mông, 20 hộ người Dao và 4 hộ người Tày). Từ những năm đầu ổn định dân cư, đời sống của bà con trong thôn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ đói, nghèo; tình trạng thả rông gia súc, trẻ em bỏ học, sinh nhiều con… vẫn còn xảy ra; bà con thôn Lũng Vài vẫn quen với tập quán sản xuất cũ, chủ yếu là cây trồng cạn, do ít đất ruộng, trình độ dân trí không đồng đều, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm. Người dân chưa biết đến các giống lúa lai, ngô lai có năng suất cao, vì vậy, nhiều hộ gia đình không đủ lương thực để ăn. Đứng trước những khó khăn trên, nhiều câu hỏi đặt ra cho chi bộ thôn Lũng Vài và chính quyền xã Côn Lôn, phải làm sao để giữ gìn sự đoàn kết giữa ba dân tộc Mông, Dao, Tày và thay đổi tập quán sản xuất của bà con nhân dân để đưa thôn vươn lên thoát khỏi đói, nghèo, lạc hậu. Anh Sùng A Lầu động viên bà con phát triển chăn nuôi Là người Mông sinh ra, lớn lên trong gia đình có 7 anh, chị em, cuộc sống rất khó khăn, là con cả, anh Sùng A Lầu luôn đau đáu suy nghĩ phải làm gì để thoát cảnh nghèo khó. May mắn năm 2002, anh được đi học Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp I Trung ương tại Hữu Lũng – Lạng Sơn. Đến năm 2004, ra trường nhưng không tìm được việc làm, anh tiếp tục đi học tại Trường Công nhân kỹ thuật cơ khí xây dựng tại Hà Nội đến năm 2006 ra trường, về làm việc tại thôn Lũng Vài. Sau đó, anh làm cán bộ khuyến nông tại xã Sinh Long từ năm 2008 – 2012. Trong thời gian này, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2009. Lúc này, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, lo lắng không hoàn thành công việc, anh đã xin nghỉ công tác khuyến nông để tập trung phát triển kinh tế gia đình, trở về tham gia sản xuất tại thôn bản. Từ đó, anh đã tập trung khai phá chuyển đổi khoảng 1 mẫu đất màu đồi thành đất ruộng; khơi nguồn, bắt nước từ các khe núi để trồng lúa nước và đây cũng là bước mở đầu để bà con Lũng Vài làm theo. Với cách làm này, diện tích lúa nước của Lũng Vài đã tăng từ 8 ha lên 15 ha. Với kiến thức có được từ công tác khuyến nông trước đây, anh là người đầu tiên đưa giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, lương thực sản xuất ra không chỉ đủ để ăn và chăn nuôi mà còn dư thừa để bán. Anh cũng là người đầu tiên đã trồng ngô lai vụ hè thu mang lại hiệu quả, điều mà trước đây chưa từng có ở Lũng Vài. Từ những hiệu quả nhìn thấy được bằng mắt thường, bà con trong thôn đã làm theo. Đến nay, toàn bộ 15 ha đất ruộng và 33 ha đất màu trong thôn đều trồng lúa, ngô lai cho năng suất cao. Anh trực tiếp đứng ra liên hệ cung ứng giống, vật tư, phân bón và thu mua thóc, ngô hạt cho bà con. Đời sống người dân Lũng Vài đã cơ bản thoát khỏi khó khăn thiếu lương thực trước đây; chăn nuôi vì thế mà phát triển. Thông qua những việc làm ở thôn bản, năm 2013, anh vinh dự được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Hiện nay, anh là Ủy viên BCH Đảng bộ xã Côn Lôn, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Vài. Anh chia sẻ: “Được chi bộ, thôn bản và nhân dân tín nhiệm, là người cán bộ, đảng viên, tôi luôn ý thức được rằng muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo thì mọi công việc phải đi trước, làm trước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người bí thư chi bộ trong mọi lúc, mọi nơi, nói đi đôi với làm.” Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM mới, được sự vận động của Bí thư Chi bộ, bà con thôn Lũng Vài tích cực làm đường giao thông nông thôn Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, cùng với sự quyết tâm của chi bộ, sự cần cù lao động, nỗ lực phấn đấu vươn lên, không cam chịu đói nghèo của bà con nhân dân, thôn Lũng Vài từ bãi đất hoang năm nào giờ đây đã trở thành thôn bản trù phú, ấm no. Bà con đã áp dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho năng suất, thu nhập cao. Số hộ nghèo của thôn từ 36 hộ năm 2015, nay đã giảm xuống chỉ còn 9 hộ. Chăn nuôi phát triển, đến nay, thôn có trên 180 con trâu, bò, trên 500 con lợn và trên 2000 con gia cầm. Đặc biệt, năm 2016, hưởng ứng phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, thôn đã góp phần thực hiện các tiêu chí như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo; 100% số hộ có nhà đạt chuẩn, trong đó có nhà xây kiên cố, có nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động nhân dân hiến đất làm được bê tông nông thôn, có 4 hộ hiến từ 100 m2 trở lên; 100% số họ có xe máy làm phương tiện đi lại; trên 90% số hộ có ti vi; có 69/71 hộ có máy cày bừa đa năng, máy cắt cỏ. Thôn đã có lớp mầm non và 3 phòng học tiểu học, duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học, không có tình trạng học sinh bỏ học; các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch; thôn có sân thể thao, nhà văn hóa; thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm. Gia đình anh Sùng A Lầu là một trong những hộ hiến đất nhiều nhất cho xây dựng nông thôn mới (gần 400 m2 đất ruộng 1 vụ lúa), cũng là hộ đầu tiên xây dựng hầm bể bioga. Về phần mình, anh luôn nêu cao tính tự phê bình và phê bình, trung thực, thẳng thắn, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong chi bộ, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh tại thôn bản. “Là người Bí thư chi bộ dân tộc Mông, để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tôi quyết tâm cùng với đảng viên trong chi bộ sẽ tập trung lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, xây dựng thôn Lũng Vài ngày càng phát triển.” - Sùng A Lầu khẳng định. Bằng những việc làm thiết thực của mình, Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu đã thắp lên ngọn lửa niềm tin của bà con thôn Lũng Vài vào một tươi lai tương sáng hơn. Phương Thanh

Trang