Cô gái có “Bàn tay vàng” trong ngành Dệt May
06/04/2021 - 12:30

TĐKT - Nỗ lực và kiên trì học tập, chị Hoàng Thị Hải, công nhân Nhà máy Sợi - Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đã vượt khó đi lên bằng chính khả năng của mình. Với chị, những thử thách trong cuộc sống và công việc sẽ là bải học để vươn lên khẳng định bản thân mình.

Chị Hải tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007, sau đó chị được nhận về làm công nhân tại Nhà máy Sợi – Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định cho tới nay. Trong công việc, chị được mệnh danh là người thợ trẻ có “Bàn tay vàng” và gặt hái được nhiều thành công. Vinh dự ấy tạo động lực cho chị và những công nhân lao động (CNLĐ) trẻ ngành Dệt có thêm niềm tin, mong muốn tiếp tục được gắn bó với nghề.

Nhờ sự cần cù, vượt khó và thường xuyên quan sát, sau gần 10 năm tích lũy kinh nghiệm, cô thợ trẻ Hoàng Thị Hải đã có 2 sáng kiến mang lại hiệu quả trên 200.000.000 đồng mỗi năm cho nhà máy. Đặc biệt các sáng kiến này đã có sức lan tỏa trong đội ngũ CNLĐ ngành Sợi của đơn vị nói riêng và ngành Dệt May nói chung.

Tiếp đó là sáng kiến mối nối nhanh đã đạt 20 mối/phút (tăng 4 mối/phút so với phương pháp cũ). Sáng kiến nối mối nhanh đã giúp cho năng suất, chất lượng của mỗi máy con tăng thêm từ 15-20%; giúp một công nhân đứng thêm được 4 máy (tức 18 máy), thay cho 8 máy con như trước đó. Chính sáng kiến này đã giúp chị Hoàng Thị Hải đạt danh hiệu Giải vàng ngành Sợi tại Hội thi thợ giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2015.

Chị Hoàng Thị Hải - Bàn tay vàng ngành Sợi tại Hội thi thợ giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2015 (ảnh Natexco)

Nối tiếp thành công trước đó, năm 2017, chị Hoàng Thị Hải đã cho ra sáng kiến “Thao tác máy nhanh” tức là đi tua xử lý máy linh hoạt theo phương trâm “Dễ trước, khó sau”, “Đơn giản trước, phức tạp sau” đi từ phải sang trái, mặt máy phải xử lý chính, mặt máy trái chủ yếu nối mối đơn giản hết đường tua đích đi ngược lại. Mục đích rút ngắn đường tua, tiết kiệm tiêu hao nguyên liệu, hạn chế sợi sai quy cách và hạn chế mối quấn. Sáng kiến này không những tiết kiệm được thời gian mà còn tiết kiệm được nguyên vật liệu. Các vật tư của máy sợi con như suốt, vòng da được kéo dài thời gian sử dụng…

Chị chia sẻ, đã là sáng kiến phải được ứng dụng và thực sự ý nghĩa khi nó có sự lan tỏa, ảnh hưởng trong hệ thống ngành nghề. Do vậy khi sáng kiến được áp dụng, chị Hoàng Thị Hải đã chia sẻ kinh nghiệm và trực tiếp hướng dẫn thao tác kỹ thuật cho đồng nghiệp. Chị động viên, khuyến khích bạn bè đồng nghiệp nỗ lực, cố gắng tìm ra những giải pháp, sáng kiến hơn mình nhằm góp phần hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do công ty phát động. Chính vì lẽ đó, đại đa số CNLĐ trong tổ sản xuất của chị mới vào nghề khi được tiếp cận những sáng kiến nhanh chóng trưởng thành. Một bộ phận CNLĐ tay nghề yếu được nâng cao, thế hệ người lao động lớn tuổi tích lũy thêm kinh nghiệm. Có được kết quả đó là sự cố gắng, đóng góp không nhỏ của cả tập thể người lao động nơi đây trong đó có cá nhân chị Hoàng Thị Hải.

Hoàng Thị Hải nhận giải thưởng “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhân tổng kết “Tháng công nhân” năm 2018 (ảnh Natexco)

Đặc biệt, chị đã không ngần ngại đảm nhận những trọng trách khó khăn mà thường ai cũng ngại như: Hết giờ làm việc ở lại thực hiện thử nghiệm các thao tác mối nối; tự nguyện xin được làm ca khi dây chuyền sản xuất thiếu thợ đứng máy; bố trí sắp xếp thời gian công việc gia đình sẵn sàng lên đường đến Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài (TX Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) và Công ty Dệt Phú Thọ (TP Việt Trì, Phú Thọ) tiếp cận và học hỏi chuyển giao công nghệ .

Sự cố gắng của chị Hoàng Thị Hải đã được ghi nhận với nhiều thành tích, danh hiệu cao quý như: “Bàn tay vàng” năm 2015; Người lao động Dệt May tiêu biểu giai đoạn 2011 - 2016; Người thợ giỏi toàn quốc, Bằng Lao động sáng tạo năm 2017; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018… Đặc biệt, năm 2017, chị Hoàng Thị Hải được vinh danh là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu nhất của chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” và được tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2022. Năm 2018, chị vinh dự là đại biểu điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc; năm 2019, được Công đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Thị Sen, giải thưởng dành riêng cho lao động nữ ngành Dệt May… cùng nhiều thành tích cao quý khác.

La Giang