Mệnh lệnh của trái tim nhà báo nhân ái
31/03/2021 - 10:49

TĐKT - Sinh ra và lớn lên ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, từ năm lên sáu tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Lực đã theo mẹ đi phát gạo, phát muối, phát mì tôm cho người nghèo. Năm 1969, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Hồng thập tự Đà Lạt khi tròn 16 tuổi, được tham gia nhiều hoạt động trợ giúp những mảnh đời bất hạnh, chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, giúp trẻ mồ côi và người khuyết tật. Sau năm 1975, anh làm công tác báo chí, phát thanh truyền hình rồi về làm lãnh đạo chuyên trách công tác Hội Nhà báo và là Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo Lâm Đồng. Cuộc đời cứ đưa đẩy anh làm hết việc này đến việc khác, nhưng có một việc chẳng ai phân công, chẳng ai “bổ nhiệm” vậy mà nó cứ cuốn hút và thôi thúc người đàn ông ấy hơn 50 năm qua, đó là công việc từ thiện.

Tâm sự với chúng tôi anh bảo rằng: Những năm làm báo, được đi nhiều, thấy nhiều, hiểu nhiều, anh càng cảm nhận rõ hơn và thấu hiểu được nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh. Ngòi bút của anh viết về hoàn cảnh của những người bị bệnh hiểm nghèo, về cái chết luôn rình rập cướp đi sinh mạng của những cháu bé bị bệnh tim, về sự trống trải, cô đơn của những đứa trẻ mồ côi, của những cụ già không nơi nương tựa… đã chạm đến trái tim của hàng triệu độc giả. Hàng trăm nghìn nhà hảo tâm trong số hàng triệu độc giả ấy đã chủ động tìm đến anh để tìm hiểu và trao đổi cách thức để giúp cho những đối tượng này.

Anh Nguyễn Văn Lực cùng các nhà hảo tâm đến trao hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn

10 năm qua, từ ngày được bầu làm Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đến nay, anh đã vận động hơn 500 tỷ đồng để giúp đỡ hơn 1.300 trẻ em và bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim, giúp đem lại ánh sáng đôi mắt cho gần 10.000 người cao tuổi; tặng 4.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt. Hơn 1.500 xe đạp và 1.200 suất học bổng đã được trao cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo, gần 100 ngôi nhà tình thương được xây dựng. Đã có 421 cháu bé bị dị tật bẩm sinh được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hơn 4.000 lượt học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tài trợ nâng cao thể trạng từ những bữa ăn dinh dưỡng; 5.000 thẻ bảo hiểm y tế được tặng cho những gia đình khó khăn; hơn 100 hoàn cảnh được hỗ trợ từ các chương trình Tiếp sức hồi sinh, Vượt lên chính mình, Mở cửa tương lai, Khát vọng sống, Thắp sáng ước mơ Xanh, Nhịp tim Việt Nam, Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, Phẫu thuật đem lại nụ cười, Trợ vốn khởi nghiệp… Nhiều gia đình được hỗ trợ từ 100 - 500 triệu đồng. Nhiều công trình công cộng như giếng khoan, hệ thống nước sạch, thư viện trường học, cầu giao thông, bếp ăn tình thương được xây dựng để phục vụ đồng bào, bệnh nhân và học sinh vùng sâu, vùng xa...

Đó thực sự là những con số “biết nói”, cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết của một con người hết lòng vì cộng đồng. Ấy vậy mà khi được vinh danh là Tấm gương sáng vì cộng đồng, được Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và tặng Bằng Khen, được phóng viên báo chí quan tâm phỏng vấn, đề nghị chia sẻ về những việc mình làm... anh khiêm tốn nói: “Người ta nói, khi đã giúp gì đó cho ai thì đừng nhớ việc mình đã giúp, khi đã cho người ta cái gì thì đừng kể và khi đã hết lòng để ai đó giành lại mạng sống thì đừng nhắc. Cho nên khi viết những dòng báo cáo, nói ra những việc mình đã làm như thế nào, tôi thấy khó vô cùng”.                

Song thực tế 10 năm qua, được làm việc, hợp tác với anh, chưa ngày nào người ta thấy anh ngơi nghỉ. Với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Hội, có lúc anh phải làm việc 30 ngày một tháng và có khi suốt nhiều tuần lễ phải di chuyển liên tục, đến với đồng bào nghèo vùng xa, đến với những hoàn cảnh khó khăn vùng sâu. Cũng có thể do công việc cuốn đi nên sức khỏe của anh có phần giảm sút.

Nhưng với anh, được sẻ chia nỗi đau với những người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, góp phần lau đi những giọt nước mắt của những người cha, người mẹ khi con mình không có tiền mổ tim, khi mạng sống của các cháu mong manh... mới là niềm vui, là hạnh phúc thực sự. Đó không chỉ là trách nhiệm của người làm công việc bảo trợ mà đó còn là mệnh lệnh của trái tim, là trách nhiệm xã hội của một nhà báo chân chính.

Nhà báo Nguyễn Văn Lực đến thăm bệnh nhân Lý Trung Tấn sau khi mổ  tim thành công

Anh Lý Trung Tấn, ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một người bán vé số dạo. Hàng ngày, anh đi bán vé số để kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng thỉnh thoảng bị khó thở, không đi nổi nên có ngày chẳng bán được tờ vé số nào. Anh đến trung tâm y tế huyện khám và được chuyển lên tuyến tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán tim của anh Tấn hở van 3 lá, 2 lá và hẹp động mạch chủ phải vào TP Hồ Chí Minh mổ gấp.

Gia đình quá nghèo nên anh Tấn không thể xoay sở số tiền 133.760.000 đồng để mổ tim theo giấy báo của Bệnh viện Tim TP Hồ Chí Minh. Người ta chỉ anh tìm đến Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng để xin tài trợ mổ. Nhưng các nhà tài trợ chỉ hỗ trợ chi phí mổ tim cho đối tượng từ sơ sinh đến 21 tuổi, trong khi thời điểm đó anh Tấn đã 37 tuổi.

Không đành nhìn một người trụ cột của gia đình phải đầu hàng trước bệnh tật, anh Lực đã xoay sở mọi cách, nhắn tin nhờ bạn bè hỗ trợ. Trong 1 tuần, anh đã giúp bệnh nhân Tấn có đủ số tiền 133,76 triệu đồng để thực hiện ca mổ thành công. 3 năm sau, đến lượt con gái của anh Tấn nhập viện mổ tim, cũng với chi phí gần 100 triệu đồng và đã được Hội Bảo trợ Lâm Đồng lo toàn bộ chi phí phẫu thuật.

Một trường hợp khác là chị Trương Đan Vân, 37 tuổi, cư trú tại 30/1, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, thành phố Đà Lạt, mang trong mình 2 căn bệnh hiểm nghèo: Suy thận mạn và Lupus ban đỏ, lại phải nuôi 2 con nhỏ trong độ tuổi ăn học. Chồng của người phụ nữ này là Nguyễn Phi On, 39 tuổi, quanh năm làm thuê, làm mướn để kiếm tiền cho vợ chạy thận nhân tạo. Bốn người trong gia đình nghèo đó ở trong căn nhà dột nát bên cánh rừng thông ở ngoại ô thành phố. Biết được hoàn cảnh éo le đó, anh Lực đã tự hứa phải cứu người phụ nữ này, phải giúp họ sửa lại căn nhà và phải tìm cách lo cho 2 đứa bé nghèo được ăn học. Chỉ trong một buổi vận động, anh Lực và các tấm lòng nhân ái đã mang đến cho gia đình 177.270.000 đồng từ chương trình Khát Vọng Sống. Đó là một số tiền không lớn nhưng đã giúp chị Vân có tiền chữa bệnh, gia đình có tiền sửa lại ngôi nhà, các con của Vân có tiền để yên tâm học hành và tìm cơ hội đổi đời.

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn trường hợp nhận được sự trợ giúp từ nhà báo Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng.

Thấy anh mê mẩn với công việc bảo trợ, có người hỏi anh rằng: Có phải vì anh có “khẩu khiếu” và vì anh là nhà báo nên mới dễ thuyết phục người khác “rút túi tiền” giúp cho người nghèo, xây trường học, dựng nhà tình thương... Anh đã thẳng thắn trả lời rằng: Không hẳn là như vậy, bởi vì trong mỗi con người đều có trái tim nhân ái, một khi chúng ta khơi dậy được lòng nhân ái trong họ thì ai cũng sẵn lòng. Bớt đi gói thuốc lá để bệnh nhân nghèo có thêm ký gạo, bớt đi ly rượu, chai bia để người bệnh có được viên thuốc đặc trị, bớt đi tô phở để các cháu mồ côi có bát cơm đầy... việc đó ai cũng làm được. Vấn đề là sự giúp đỡ của họ phải đến đúng đối tượng, người được giúp phải tự vươn lên, các công trình do các nhà hảo tâm giúp đỡ phải được sử dụng có hiệu quả. Rồi bằng mọi cách, hãy mời những mạnh thường quân, những tấm lòng vàng đến tận nhà những người cần giúp, đến bên giường bệnh nhân nghèo để trao tận tay những đồng tiền nhân ái; cùng nhà tài trợ trao cho người tàn tật chiếc xe lăn, tặng cho các cháu mồ côi hộp sữa, chiếc cặp, cây bút… Chính những việc đó đã giúp các nhà hảo tâm không chỉ “tai nghe” mà còn “mắt thấy”, không chỉ hỗ trợ mà còn cảm thông.

Anh Nguyễn Văn Lực (ở giữa) đưa các cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh nhập viện phẫu thuật tại Bệnh viện Tim Tâm Đức TP Hồ Chí Minh

Nhiều người gọi anh với cái tên đặc biệt là “Kẻ đi xin có thương hiệu” – một chức danh chưa từng ghi trong thang bảng lương cán bộ, viên chức nhà nước nhưng anh lại thấy vui vô cùng. Anh bảo: Càng nhiều “Kẻ đi xin có thương hiệu” thì càng có nhiều bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi được giúp đỡ, cưu mang. Điều quan trọng là tiền của các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, cho trẻ mồ côi hoặc người khuyết tật phải được chuyển ngay đến đúng địa chỉ.

Những nỗ lực của anh Nguyễn Văn Lực đã góp phần thắp lên niềm tin về lòng nhân ái, khơi dậy cái tâm, cái thiện trong cộng đồng và thu hút ngày càng nhiều người tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện. Năm 2018, anh được tỉnh Lâm Đồng tuyên dương và tặng danh hiệu “Gương sáng đời thường”; năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được vinh danh Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.

Mai Thảo