TĐKT - 21 năm qua, ông Cao Việt Đức, thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, Bắc Giang không quản ngại khó khăn, vất vả, đã phối hợp với các đơn vị tìm kiếm được 1.646 mộ liệt sĩ; đã đưa về quê nhà 1.191 hài cốt liệt sĩ; tự đi lấy mẫu ADN cho trên 200 mộ liệt sĩ, tìm kiếm được hàng vạn thông tin liệt sĩ do các đơn vị tin tưởng cung cấp; cung cấp hàng chục ngàn thông tin mộ liệt sĩ trên chương trình Những người con hi sinh vì Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam... Năm 2020, ông được tôn vinh là “Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Là người lính may mắn trở về sau chiến tranh, ông Đức luôn mong mỏi có cơ hội trở lại chiến trường xưa để tìm và đón đưa các đồng đội của mình về đoàn tụ với gia đình, quê hương. Năm 2000, sau khi đã xây dựng cho gia đình một cơ ngơi vườn đồi trang trại ổn định, ông lấy 10 triệu đồng, nói với vợ con là về thăm quê nội, nhưng thực tế đến thành phố Vĩnh Yên, gửi xe máy vào nhà người quen rồi bắt xe khách đến huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Sau 8 ngày rong ruổi cùng đội quy tập địa phương và phòng Lao động - Thương binh Xã hội huyện Châu Thành, họ đã tìm được 12/18 phần mộ liệt sĩ của đơn vị. Ngay sau đó, ông đã trực tiếp cùng 12 gia đình trên tổ chức đưa đón 12 phần mộ liệt sĩ đó về nơi quê nhà trong 2 năm 2000 và 2001.
Cựu chiến binh Cao Việt Đức hy sinh mọi nhu cầu cá nhân để đi tìm mộ liệt sĩ (nguồn ảnh internet)
Sau chuyến đi ấy trở về, không đêm nào người cựu chiến binh ấy ngủ yên bởi vẫn vương vấn nghĩa tình đồng đội, khiến ông đứng ngồi không yên. Đặc biệt, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình đã liên hệ tới ông để nhờ tìm kiếm giúp phần mộ liệt sĩ của gia đình họ. Đáng nói là, từ năm 2004 trở lại đây, số lượng thân nhân liệt sĩ gửi hồ sơ về nhờ tìm mộ liệt sĩ mỗi năm một tăng nhiều.
“Từ đó, tôi như hoàn toàn tách mình khỏi gia đình, toàn tâm toàn ý dành hết thời gian, công sức và một phần tiền bạc của mình, ngày đêm miệt mài bên những trang hồ sơ liệt sĩ; sau đó là những hành trình tiếp nối hành trình không ngơi nghỉ cho đến ngày hôm nay và cả sau này.” – ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cho biết, phương pháp tìm kiếm của ông hoàn toàn mang tính khoa học, suy luận logic, chứ không tìm mộ bằng ngoại cảm hay bói toán.
“Căn cứ vào mã hiệu, ký hiệu, số hiệu trong giấy báo tử liệt sĩ và ký hiệu hòm thư chiến trường, tôi đã giải mã ra các mã hiệu - số hiệu - ký hiệu; từ đó phân định ra chính xác vùng, đơn vị mà liệt sĩ đó đã chiến đấu hi sinh; sau đó lập hồ sơ đề nghị cung cấp thông tin liệt sĩ, gửi vào các quân khu - quân đoàn - sư đoàn các bộ tư lệnh, quân binh chủng toàn quân...” – ông Đức cho biết.
Sau khi được các đơn vị trả lời bằng văn bản, căn cứ vào các thông tin quý báu đó, ông tiếp tục lập hồ sơ gửi vào các đơn vị từ tỉnh đội đến quân sự địa phương, nơi thông tin liệt sĩ đó hi sinh và an táng, để yêu cầu xác minh tìm kiếm phần mộ liệt sĩ đó đã quy tập chưa, nếu đã quy tập rồi thì quy tập về đâu, phần mộ có thông tin như thế nào (hàng, lô, số mộ ra sao...).
Khi các đơn vị quy tập này thông báo những phần mộ đó đã được quy tập vào nghĩa trang, ông Đức hướng dẫn cho thân nhân lập hồ sơ thăm viếng và di chuyển về quê nhà.
Đối với những phần mộ trên bia mộ và hồ sơ có thông tin chưa đầy đủ hoặc thông tin sai lệch, ông gửi hồ sơ xác minh thông tin liệt sĩ về các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh nơi quê hương liệt sĩ. Nếu có đủ yếu tố trùng khớp, ông tiếp tục lập hồ sơ có xác nhận của cơ quan Thương binh và Xã hội địa phương gửi đề nghị Cục Người có công và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ cho phép bổ sung, điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ.
Đối với những mộ hoặc cùng nhóm mộ mà đội quy tập hoặc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nơi các liệt sĩ hi sinh kết luận trả lời rằng đã được quy tập vào nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính hàng – lô – số mộ, ông hướng dẫn các nhân thân nhóm mộ đó làm hồ sơ về Cục Người có công cho phép lấy mẫu sinh phẩm hài cốt mộ đó, nhóm mộ đó.
Đối với những hồ sơ mà ông đề nghị tìm kiếm quy tập, nhưng được các đơn vị trả lời chưa được quy tập, thì ông tiếp tục cùng thân nhân tìm thêm các cựu chiến binh nhân chứng người chôn cất, khi đã đủ độ thông tin tin cậy, ông cùng thân nhân liệt sĩ lên đường đến nơi đó đề nghị đội quy tập địa phương và nhân dân tiếp tục phối hợp tìm kiếm và quy tập, từ căn cứ sơ đồ mộ do đơn vị cung cấp và tọa độ vật chuẩn khi an táng.
Xuất phát từ phương pháp liên ngành mà ông và các đơn vị cùng nhân dân địa phương đã tìm được một số mộ liệt sĩ ngoài trận địa. Đặc biệt có những mộ còn nằm lại trên non cao của đỉnh Trường Sơn đã được ông cùng đội quy tập chèo đèo, lội suối rừng cả ngày đường, leo lên tìm kiếm và đưa các anh xuống núi trở về trong nước mắt.
Trong 10 năm trở lại đây, ông đã đi sâu vào phương pháp giám định ADN các nhóm mộ lớn và giám định tổng thể một số nghĩa trang. Phương pháp này là phương pháp khoa học tìm mộ liệt sĩ bằng nguồn gen tế bào đòi hỏi phải hết sức chính xác về nguồn tin, nguồn gien liệt sĩ và nguồn gien thân nhân. Bởi vậy, đối với những nhóm mộ lớn hoặc tổng thể một nghĩa trang, trước tiên ông phải đến địa phương nơi có nghĩa trang đó để cùng các đơn vị và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, lão thành cách mạng và nhân dân tìm hiểu địa bàn đó gồm những đơn vị nào chiến đấu hi sinh ở đó, những bệnh viện trạm phẫu nào hoạt động ở đó, được quy tập về... Sau đó, ông tiếp tục đeo ba lô tới những đơn vị đó đề nghị cung cấp danh sách những liệt sĩ có thông tin hi sinh và an táng ở những địa điểm khu vực nghĩa trang đó. Khi có được những thông tin chính xác ấy, ông lập thông báo cùng các bản mẫu hướng dẫn hồ sơ gửi về các Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh địa phương của các liệt sĩ trong danh sách ấy, đề nghị các Hội CCB tới tận nhà hướng dẫn họ làm hồ sơ xin lấy mẫu ADN. Ông Đức sẽ là người tổng hợp và thay mặt các thân nhân làm chủ đơn đề nghị Cục Người có công xây dựng kế hoạch lấy mẫu ADN ở những nhóm mộ lớn đó và tổng thể nghĩa trang đó.
Ông Cao Việt Đức đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Ái từ nghĩa trang biên giới Việt - Lào về gia đình ở Yên Thế, Bắc Giang ( nguồn ảnh internet)
Với những cách làm khoa học và đầy tâm huyết ấy, trong 21 năm qua, ông đã phối hợp tìm kiếm được 1646 mộ liệt sĩ; đã đưa về quê nhà 1191 hài cốt liệt sĩ; phối hợp tìm được ngoài trận địa cũ 11 liệt sĩ. Ông đồng thời là chủ đơn xác minh hướng dẫn và cấp mẫu được trên 3000 mẫu sinh phẩm thân nhân cho 5 nghĩa trang đã lấy mẫu ADN tổng thể. Ông là chủ đơn xác minh hướng dẫn và lập hồ sơ đề nghị và được lấy mẫu ADN cho 1859 mộ liệt sĩ thông qua phương pháp giải mã hồ sơ. Ngoài ra, ông còn tự mình đi lấy mẫu ADN cho trên 200 mộ liệt sĩ nhóm nhỏ, đơn mộ trong các nghĩa trang cả nước từ Cần Thơ đến Điện Biên, Lào Cai; tìm kiếm được hàng vạn thông tin liệt sĩ do các đơn vị tin tưởng cung cấp. Đồng thời, ông còn cung cấp hàng chục ngàn thông tin mộ liệt sĩ công bố trên chương trình thông tin về những người con hi sinh vì Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Ông cho biết, trong thời gian tới, ông vẫn đang tiếp tục giải mã để phối hợp với các đơn vị cung cấp thông tin và lập hồ sơ đề nghị Cục Người có công xây dựng kế hoạch, lấy mẫu ADN tại 3 nghĩa trang, đó là: 2 nghĩa trang cấp xã ở Quảng Trị và nghĩa trang Công Khao, Điện Biên. Đồng thời, tiếp tục xử lý hơn 700 hồ sơ liệt sĩ đang tồn đọng; tổ chức đưa đón hơn 600 liệt sĩ về quê nhà trong năm 2021.
Với những nỗ lực đó, nhiều năm qua, ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Cựu chiến binh; Ban Liên lạc Cựu chiến binh đặc công tỉnh Bắc Giang và của các huyện, xã trên địa bàn cả nước. Nhưng tâm sự với chúng tôi, ông Đức bảo rằng, phần thưởng cao quý nhất mà ông nhận được đó chính là những giọt nước mắt hạnh phúc của những người mẹ, người vợ, người con trong mỗi lần ông đưa được đồng đội trở về.
Ông Đức cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp, tạo điều kiện để ông có cơ hội đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ chung thiêng liêng của Đảng và Nhà nước. Điều ông mong mỏi nhất hiện nay chính là các cấp, các ngành cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng ngân hàng ADN của các nghĩa trang để các liệt sĩ chưa xác định được danh tính được “trả lại tên”. Ông cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều cựu chiến binh tham gia hỗ trợ, cung cấp thông tin giúp các đồng đội đã hy sinh được trở về.
Mai Thảo