Điểm tựa vùng biên
01/04/2021 - 09:24

TĐKT - Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, với tinh thần tận tụy với dân, những năm qua, bên cạnh việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Giàng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đã góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Giúp dân ổn định cuộc sống

Đồn biên phòng Bản Giàng quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 19,3 km thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội 3 xã biên phòng (Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh). Điều kiện kinh tế, xã hội các xã trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. “Làm thế nào để nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia luôn là vấn đề trăn trở của cấp ủy, chỉ huy đơn vị.” - Anh Nguyễn Tiến Khánh, chính trị viên Đồn biên phòng Bản Giàng cho biết.

Đồn Biên phòng Bản Giàng phối hợp với nhà trường trao học bổng trong chương trình “Nâng bước em tới trường”

Khó có thể thống kê hết những việc làm xuất phát từ tình thương và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Bản Giàng dành cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới trong nhiều năm qua. Những người lính quân hàm xanh đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cho nhân dân nắm và thực hiện. Cùng với đó, đơn vị thực hiện tốt mô hình an sinh xã hội như nhận 4 cháu “con nuôi đồn biên phòng”; nuôi dạy các cháu tại đơn vị, “nâng bước em tới trường” 5 cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, hỗ trợ mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ giúp đỡ phụ nữ nghèo biên giới 15 mô hình sinh kế trị giá trên 150 triệu đồng. Cử hàng trăm lượt cán bộ kịp thời ứng cứu giúp nhân dân khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn huyện Hương Khê.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng giúp nhân dân xây dựng nhà mới

Đặc biệt, trên địa bàn có đồng bào dân tộc Chứt với 41 hộ, 146 khẩu, là dân tộc có nguy cơ bị tuyệt chủng, được đơn vị phát hiện đưa về định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Dân tộc Chứt trước đây sống du canh, du cư, đói khổ quanh năm, trình độ nhận thức lạc hậu, có nhiều hủ tục, cả bản không ai biết chữ, 50% người dân trong bản mắc bệnh lao và các dị tật của nạn hôn nhân cận huyết thống. Bằng tình cảm, trách nhiệm và ý chí quyết tâm của người lính Cụ Hồ, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Giàng đã triển khai nhiều biện pháp, nhiều cách làm đưa người dân tộc Chứt tái hòa nhập cộng đồng, vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.

“Thắp sáng” Rào Tre

Cuộc sống của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre đang không ngừng đổi thay, tiến bộ theo thời gian. Từ cuộc sống du canh, du cư, phải trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và bộ đội biên phòng, giờ đây bà con đã biết cách làm ăn, dần đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu. Nhiều hộ còn xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả. Có người đã mạnh dạn đi làm ăn xa, những hủ tục lạc hậu cũng đã được đẩy lùi…

Để có được điều đó, các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã không quản ngại gian khó, quyết tâm bám bản, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới.

Chính trị viên Nguyễn Tiến Khánh kể: “Giúp người Chứt trồng lúa nước, câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng đối với người Chứt thì vô cùng khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ phải làm mẫu trước, hướng dẫn họ từng bước làm quen từ cày bừa, gieo mạ, cấy lúa và chăm sóc, thu hoạch. Chúng tôi phải kiên trì mất 10 năm, người Chứt mới có thể bắt đầu tự làm được.” Nhờ sự giúp đỡ của các anh, đến nay, người Chứt đã có trên 3 ha lúa nước, 1 ha hoa màu, 5 hộ gia đình có mô hình trồng rừng và 6 hộ có mô hình chăn nuôi lợn, gà. Cuộc sống của họ từng bước tự lập, tách dần sự lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước.

Ngoài ra, đơn vị cũng tích cực giúp người Chứt khám, chữa bệnh. Với tỷ lệ 50% người mang các mầm bệnh khác nhau trong người, tuổi thọ của người Chứt trung bình không vượt quá 45 tuổi. Đơn vị đã cử một tổ quân y thường xuyên bám sát dân bản khám và điều trị, cấp thuốc miễn phí cho bà con, phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế để điều trị loại bỏ bệnh lao trong bản Rào Tre. Đến nay, việc loại bỏ bệnh lao cơ bản đã hoàn thành; tuổi thọ người Chứt ngày một nâng lên.

Hôn nhân cận huyết thống là một trong những vấn đề nhức nhối ở bản Rào Tre, nó đã từng gây ra những hệ lụy rất đau lòng. Nhiều đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, khiếm khuyết cơ thể khi có bố mẹ cùng dòng máu. Để giải quyết tình trạng này, các cán bộ, chiến sĩ vừa làm công tác tuyên truyền, giải thích tác hại của hôn nhân cận huyết, đồng thời xây dựng mô hình “cầu nối se duyên”, trực tiếp làm “ông tơ, bà nguyệt”, mai mối, cưới hỏi, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cho thanh niên người Chứt gặp gỡ với các thanh niên ngoài bản. Kết quả, các anh đã se duyên cho 6 cặp đôi người Chứt lấy người ngoài bản Rào Tre, đã có 4 cặp sinh con, những cháu bé khỏe mạnh, thông minh, hứa hẹn một thế hệ người Chứt mới giúp bản Rào Tre ngày càng phát triển.

Một trong những kết quả nổi bật khác của Đồn biên phòng Bản Giàng đó là thành công trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở bản Rào Tre. Trước đây, bản Rào Tre chỉ có 2 đảng viên, không có chi bộ, phải sinh hoạt ghép, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động kém hiệu quả, việc triển khai các chủ trương, chính sách đến với người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính trị viên Nguyễn Tiến Khánh cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bồi dưỡng, tập huấn nguồn cán bộ, nguồn phát triển đảng, như bồi dưỡng học văn hóa, học cảm tình đảng. Quá trình rèn luyện, bồi dưỡng rất công phu và mất nhiều thời gian, đòi hỏi cán bộ biên phòng phải kiên trì, nhẫn nại mới có thể tạo được nguồn quần chúng kết nạp Đảng. Từ năm 2015 đến nay, Rào Tre đã phát triển được 5 đảng viên và đã thành lập được chi bộ Đảng, các đảng viên giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị - xã hội của bản.”

“Không có bội đội biên phòng thì dân bản mình không được như hôm nay đâu. Dân bản mình nhớ ơn bộ đội nhiều lắm.” - Chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre tâm sự.

Với sự kiên trì, bền bỉ của các thế hệ cán bộ tại Đồn biên phòng Bản Giàng, cuộc sống đồng bào Chứt nói riêng và đồng bào vùng biên huyện Hương Khê đang có những sự tiến bộ trông thấy. Bức tranh của bản làng biên giới đang thực sự khởi sắc, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trong lòng nhân dân.

Phương Thanh