Người lãnh đạo nhiệt huyết, nhiều sáng tạo trong ngành Nội vụ
09/04/2021 - 16:07

TĐKT - Nét mặt thân thiện, vui tươi, cởi mở nhưng không kém phần cương nghị là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc và làm việc với ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. Ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chính mảnh đất nơi đây đã nuôi dưỡng ông, một người con có chí lớn.

Chánh Văn phòng Vũ Đăng Minh

Trải qua nhiều vị trí công tác, ở vị trí nào ông cũng làm tốt công tác chuyên môn với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đạt nhiều thành tích cao. Từ năm 2015 đến tháng 5/2018 với trách nhiệm là Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, ông đã lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Chủ trì xây dựng, tham mưu giúp Bộ trưởng trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản về trực tiếp tham mưu ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị. Chủ trì tổ chức xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Dự án đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020.

Ngoài ra, ông còn trực tiếp tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên tại Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg  ngày 16/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn quốc làm cơ sở để các cấp bộ đoàn, xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Song song với đó, ông trực tiếp tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành bộ chỉ số đánh giá sự phát triển của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm cơ sở để thu thập, thống kê số liệu về thanh niên. Từ đó, để đánh giá sự phát triển của thanh niên; làm căn cứ phục vụ công tác hoạch định chính sách, pháp luật cho thanh niên; là cơ sở để giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên.

Tiếp đó, ông trực tiếp tham mưu xây dựng Thông tư số 11/2018/TT-BNV ngày 14/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định và hướng dẫn thực hiện Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam.

Trong quá trình công tác, ông vẫn ấn tượng nhất với dự án ông tham mưu trực tiếp trình Chính phủ - Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo) gọi tắt là Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án. Thông qua đó đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được tôi luyện và trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở bổ sung vào đội ngũ cán bộ của các huyện nghèo trong cả nước. Cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện thành công Dự án 600 Phó Chủ tịch xã từ khâu xây dựng văn bản hướng dẫn đến tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng, bố trí đội viên về xã công tác. Dự án đã tuyển chọn và bố trí được 580 đội viên về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 580 xã. Song song với đó, ông chủ động phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tổ chức cho 5 đoàn với tổng số 203 đội viên thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và công chức đi học tập, trao đổi kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại Hàn Quốc. Mặt khác, hằng năm, ông tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước cho đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã.

Sau hơn 5 năm công tác, đến nay hầu hết các đội viên đều có tư tưởng vững vàng, xác định rõ nhiệm vụ, yên tâm công tác, nắm bắt và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhiều đội viên đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. 

Ông Vũ Văn Minh tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Sau đó, ông đã liên tục tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013. Thông qua đó, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ cho địa phương.

Mặc dù công việc bận rộn nhưng ông luôn là người quan tâm, chu đáo trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu thanh niên xung phong. Ông luôn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thẩm định hồ sơ và giải quyết kịp thời những phát sinh liên quan đến giải quyết chế độ đối với TNXP theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, toàn quốc đã có 63/63 (đạt 100%) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện chế độ đối với cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến và đã giải quyết được 56.070 hồ sơ còn tồn đọng trước đây với tổng số kinh phí đã chi trả trợ cấp là 162.260.500 đồng.

Trên cơ sở đó, ông tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch sơ kết 03 năm việc thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg (Kế hoạch số 3513/KH-BNV ngày 29/8/2014). Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai việc sơ kết và gửi báo cáo về Bộ Nội vụ để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách này vào Quý III năm 2015. Theo đó, ông đã trực tiếp tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách này. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nội vụ từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp góp phần hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chính sách phát triển thanh niên.

Ông cho biết thêm, từ tháng 5/2018 đến nay, với trách nhiệm là Chánh Văn phòng Bộ, ông đã lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung xây dựng để trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt Đề án Hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử tại Bộ Nội vụ và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt việc gửi, nhận văn bản, chữ ký số theo đúng Quyết định số 28/2018/QĐ-BNV ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Sau 3 tháng thực hiện (kể từ ngày 01/10/2018), Bộ Nội vụ đã hoàn thành 100% việc gửi, nhận văn bản điện tử bảo đảm việc xử lý văn bản đến của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị được thực hiện trên môi trường mạng; sau 6 tháng thực hiện quyết liệt chỉ đạo thực hiện tiếp theo, Bộ Nội vụ đã hoàn thành 100% việc ký số văn bản và tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ là một trong 5 Bộ được Văn phòng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc gửi, nhận văn bản điện tử và ký số văn bản.

Không dừng lại ở đó, ông còn quyết liệt việc triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại Văn phòng Bộ. Tuy có nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức và quan điểm khác nhau, song sau 6 tháng xây dựng phần mềm, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, quy chế, chế độ làm việc và các văn bản hướng dẫn liên quan, Bộ Nội vụ đã tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động Bộ phận Một cửa điện tử từ tháng 3/2019 (Bộ Nội vụ là một trong 3 bộ đầu tiên triên khai mô hình một cửa điện tử). Kết quả, Bộ phận Một cửa điện tử của Bộ Nội vụ đã vận hành thông suốt, việc giải quyết thủ tục hành chính trước đây thường bị chậm nhiều tháng, tổ chức và công dân đi lại nhiều lần, phát sinh tiêu cực,... đến nay đã được khắc phục và được Bộ trưởng đánh giá cao và đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung thủ tục giao biên chế công chức hằng năm của các bộ, ngành và địa phương vào Bộ phận Một cửa của Bộ.

Trên cương vị của mình, ông quyết liệt chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của Văn phòng Bộ bảo đảm hoàn thành tiến độ và chất lượng theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ. Đặc biệt là công tác tham mưu, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị. Đến nay sau nhiều năm, Bộ Nội vụ không còn tình trạng nợ đọng văn bản với cấp có thẩm quyền; công tác thi đua khen thưởng được đổi mới phương pháp, cách thức và lề lối làm việc nên chất lượng tham mưu, đề xuất được nâng lên. Kết quả đã trình Bộ trưởng cho tổ chức 7 cụm thi đua tại các địa phương, được cán bộ, công chức các địa phương hoan nghênh và đánh giá cao. Việc bình xét khen thưởng cuối năm được thực hiện ngay trong năm kế hoạch, khắc phục tình trạng để nợ đọng 2 đến 3 năm như trước đây.

Không chỉ tham gia, chỉ đạo trong công tác chuyên môn, ông còn là người tham gia rất nhiều trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cụ thể: Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Nghiên cứu thí điểm thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy nhà nước”. Đề tài đã bảo vệ tháng 10/2011. Tiếp đó là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Cơ sở khoa học nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Đề tài đã bảo vệ năm 2015, kết quả 2 đề tài của ông đều đạt loại khá.

Là một người năng động, thời gian rảnh ông viết thêm bài đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành với tổng 30 bài viết. Tích cực giảng dạy kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính của Học viện Chính trị Quốc gia và các bộ, ngành địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức.

Hơn hết, ông trực tiếp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên do Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức; một số chuyên đề cho đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã của 64 huyện nghèo và Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi của 34 tỉnh thuộc phạm vi Đề án. Làm giảng viên kiêm nhiệm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện Hành chính Quốc gia; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và trực tiếp hướng dẫn một số học viên cao học.

Dù ở vai trò nào ông cũng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức, hoạt động của đơn vị từ khâu xây dựng thể chế, chính sách, Chiến lược phát triển thanh niên đến việc xây dựng, hình thành đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh niên của các bộ, ngành và địa phương; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này nắm bắt và triển khai công việc, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về thanh niên đi vào nền nếp; tổ chức xây dựng trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển thanh niên và tổ chức thành công các nhiệm vụ này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước công việc được giao, ông luôn cố gắng tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để nâng cao kiến thức và kỹ năng nhằm từng bước đưa hoạt động của đơn vị đi vào nền nếp đúng với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Chủ động phân công công việc cho cấp phó, người đứng đầu các phòng, đội.

Với đặc thù của Văn phòng là số lượng người đông chiếm gần 1/3 số lượng người làm việc của khối cơ quan Bộ, song số lượng công chức có năng lực tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn quan trọng của Văn phòng lại ít hơn so với số người lao động hợp đồng theo quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ. Là người nhanh nhạy nên ông đã chủ động tiếp cận công việc của các phòng, đội nhanh chóng nắm bắt được năng lực thực tế, điểm mạnh, điểm yếu và những đề xuất, kiến nghị của công chức, người lao động trong đơn vị để có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp và phân công công việc cho phù hợp với năng lực, sở trường của từng người. Qua đó, tình hình nội bộ của Văn phòng dần ổn định và đi vào nền nếp, nội bộ đoàn kết, thống nhất, mọi người phấn khởi, hăng hái thi đua làm việc để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bằng khen của Đảng ủy cơ quan Bộ Nội vụ; Bằng khen của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp Bộ.

Hồng Thiết