Điển hình tiên tiến

Sinh viên Đại học Điện lực Vũ Huy Cảng nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”

TĐKT – Với hành động đẹp “trả lại 320 triệu đồng cho hành khách để quên khi đi xe ôm”, sinh viên Vũ Huy Cảng - Đại học Điện lực vừa được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” Thủ đô. Chiều 30/10, tại Trường Đại học Điện lực, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao tặng danh hiệu “người tốt, việc tốt” cho sinh viên Vũ Huy Cảng. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn trao tặng Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho sinh viên Vũ Huy Cảng. Được biết, Cảng là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ cơ khí, Trường Đại học Điện lực; sinh ra trong gia đình có 4 anh em trai, bố mẹ đều làm nông nghiệp ở Nam Định. Để giúp bố mẹ đỡ gánh nặng, vào mỗi sáng sớm Cảng thường tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.   Sáng 20/10 vừa qua, Cảng nhận chở một vị khách từ khu vực Đình Thôn đến cầu Vĩnh Tuy. Sau khi về đến nhà, em phát hiện vị khách đó đã bỏ quên số tiền lớn 320 triệu đồng mà trước đó đã gửi trong cốp xe của mình. “Lúc đó, tâm trạng em rối bời vì không biết làm thế nào để tìm được người khách để trả lại tiền cho anh ấy” – Cảng tâm sự. Sau đó, Cảng đã đem toàn bộ số tiền đó tới cơ quan Công an để trình báo, trả lại cho chủ nhân. “Nhờ lực lượng công an, em có cơ hội tận tay trao số tiền cho chủ nhân của nó, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng như chính mình tìm lại được của rơi vậy” – Cảng tâm sự. Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn khẳng định: trong những năm qua, TP Hà Nội đã chú trọng đến việc kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; qua đó đã động viên, cổ vũ được đông đảo người dân ở các tầng lớp xã hội, trên mọi lĩnh vực tham gia thực hiện những việc làm ý nghĩa, lối sống nhân văn, đạo đức.  “Dù là sinh viên ngoại tỉnh đến Hà Nội học tập, phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống nơi đô thị phồn hoa nhưng bằng ý chí tự lực và bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ về vật chất, sinh viên Vũ Huy Cảng đã luôn nỗ lực sống trung thực, tốt bụng, có hành động đẹp, góp phần xây dựng hình ảnh một Thủ đô đẹp, văn minh. Hành động đẹp trả lại 320 triệu đồng cho hành khách để quên khi đi xe ôm của em xứng đáng để xã hội học tập, noi theo.” - Đồng chí Phùng Minh Sơn nhấn mạnh. Đồng chí tin tưởng, Trường Đại học Điện lực sẽ tiếp tục trở thành môi trường văn hóa đào tạo, giáo dục được thêm nhiều sinh viên có những nghĩa cử cao đẹp. TS Trương Huy Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: ngay sau khi em Cảng có việc làm tốt, nhà trường đã có hình thức tuyên dương em kịp thời trước toàn thể giáo viên, sinh viên, để tấm gương tốt lan tỏa rộng rãi. Được Chủ tịch UBND TP khen thưởng lần này là vinh dự không chỉ của riêng sinh viên Vũ Huy Cảng  mà còn là của cả tập thể nhà trường, là động lực để tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn trường phát triển phong trào thi đua Người tốt, việc tốt. Bày tỏ sự xúc động được nhận Bằng khen và phần thưởng của UBND thành phố, sinh viên Vũ Huy Cảng chia sẻ: “Em không nghĩ việc làm của mình lại được nhiều người biết đến như vậy, vì trong cuộc sống, em đã được biết rất nhiều hành động, tấm gương tốt hơn em nhiều. Họ làm việc tốt nhưng thực sự không mong được trả ơn. Em xin hứa thời gian tới cố gắng học tập và làm nhiều việc tốt hơn nữa để góp phần xây dựng nhà trường, Thủ đô và xã hội phát triển”. Mai Thảo

Hội Cựu chiến binh PVN đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT- Ngày 27/10, Hội Cựu chiến binh (Hội CCB) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam phát biểu tại Đại hội Đại hội Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022 được tổ chức với tinh thần: “Phát huy bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ, Hội CCB PVN: Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Nghĩa tình, xây dựng hội trong sạch vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”. Dưới sự chủ trì của Đoàn chủ tịch, Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và nhất trí cao thông qua các văn kiện: Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2012 - 2017 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II (2017 – 2022)… Tính đến tháng 10/2017, Hội CCB Tập đoàn có 23 hội cơ sở trực thuộc, với 2.980 hội viên, đang sinh hoạt trong 172 chi hội trực thuộc hội cơ sở. Nhiệm kỳ 2012-2017 của Hội CCB Tập đoàn diễn ra trong bối cảnh rất phức tạp như khủng hoảng chính trị, kinh tế thế giới, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, giá dầu giảm mạnh... đã tác động không nhỏ đến kinh tế - quốc phòng - an ninh nước ta nói chung và mọi mặt hoạt động của ngành Dầu khí nói riêng. Trong bối cảnh đó, Hội CCB Tập đoàn đã có những đóng góp đáng kể mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, tham gia tích cực, đóng góp cụ thể vào các chương trình an sinh xã hội, xây dựng, bảo vệ biển đảo cũng như chăm lo đời sống của các CCB trong Tập đoàn. Đồng thời, các CCB là những tấm gương sáng dẫn dắt thế hệ trẻ của Tập đoàn trong lao động, sản xuất, các phong trào sáng kiến, sáng chế... Hội CCB Tập đoàn đã động viên các cấp trực thuộc và hội viên tập trung xây dựng hội trong sạch, vững mạnh, phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, góp phần khẳng định chủ quyền trên biển. Tham gia giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ trong toàn Tập đoàn. Đặc biệt, Hội đã chú trọng chăm lo các CCB về tinh thần và vật chất, quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình đồng đội, an sinh xã hội, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên. Trong cả nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã chi cho hoạt động nghĩa tình đồng đội và an sinh xã hội với số tiền 67,602 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội CCB Tập đoàn sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: đoàn kết CCB trong cơ quan, đơn vị phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, trên mọi cương vị công tác, phấn đấu 100% hội viên kiên định về chính trị tư tưởng. Tiếp tục tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, gắn nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng hội vững mạnh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, chăm lo giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho hội viên. Vận động các CCB chưa là đảng viên và quần chúng phấn đấu vào Đảng. Tại Đại hội, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã trân trọng gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên Cờ truyền thống của Hội CCB Tập đoàn. Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã biểu dương những nỗ lực của Hội nhiệm kỳ qua và mong rằng: Hội CCB Tập đoàn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Hội, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; tiếp tục đi đầu trong công tác xây dựng và bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền; giáo dục tuyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tại đơn vị, đồng thời tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa và nghĩa tình đồng đội. Cũng tại Đại hội, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Thành viên Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN đã trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung “Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” - Đoàn kết – Kỷ cương – Gương mẫu – Nghĩa tình” vừa là mong muốn, vừa là lời chúc gửi tới toàn thể các CCB đang công tác trong Tập đoàn. Thượng tướng Nguyễn Văn Được – Chủ tịch Hội CCB Việt Nam đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội CCB PVN Với những thành tích đã đạt được, nhân dịp này, Hội CCB PVN vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 tập thể và 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Phan Đình Đức, Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn khóa I được trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động – Thương Binh & Xã hội” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhiều tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc được trao Bằng khen của của Trung ương Hội CCB Việt Nam. Chiều cùng ngày, Hội CCB PVN đã tổ chức họp Hội nghị Ban chấp hành lần thứ I (Khóa II, nhiệm kỳ 2017 – 2022), đồng chí Phan Đình Đức đã được tín nhiệm, tái đắc cử làm Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn nhiệm kỳ 2017 - 2022... Hồng Thiết

Chàng thanh niên sống trách nhiệm với cộng đồng

TĐKT - Khởi xướng, triển khai thành công nhiều dự án, hoạt động mang tính cộng đồng trên địa bàn Thủ đô: “ Vì nạn nhân chất độc màu da cam”, “Chủ nhật xanh”, những việc làm của anh Phạm Văn Tới (sinh năm 1987), chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) từ thiện quốc gia (NCC)  đang lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ hướng đến một xã hội nhân văn và tốt đẹp. San sẻ với những mảnh đời kém may mắn Thấu hiểu được những nỗi đau hiện hữu từ di chứng chất độc màu da cam để lại trong cuộc sống gia đình người Việt Nam, lúc nào trong sâu thẳm tâm hồn của Phạm Văn Tới cũng mong muốn được làm từ thiện, giúp đỡ thật nhiều những hoàn cảnh khó khăn. Bắt đầu năm 2009, anh tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Sau đó, tự mình thành lập CLB từ thiện quốc gia NCC, kêu gọi hàng nghìn bạn trẻ cùng nhau xây dựng và thực hiện hàng loạt chương trình vì nạn nhân chất độc màu da cam. Phạm Văn Tới vớt bèo, giúp xây chùa tại Ba Vì Anh tâm sự, với anh, nạn nhân da cam là những người khổ nhất trong những người khổ, cần được xã quan tâm, san sẻ và bù đắp. Từ ngày thành lập NCC đến nay, hàng loạt hoạt động gây quỹ: đi bộ, đạp xe… vì nạn nhân chất độc màu da cam đã được anh Tới cùng các nhà hảo tâm và hàng nghìn tình nguyện viên tham gia, mang lại những hiệu quả thiết thực, nhằm lan tỏa thông điệp “xoa dịu nỗi đau da cam đến với cộng đồng”. Hơn 1.000 phần quà với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng đã được trao đến tay những người thiếu may mắn. “Đây là những chương trình, hành động không chỉ huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân, hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam mà còn góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới về thảm họa da cam ở Việt Nam” - anh Tới cho biết. Ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường Giữ Hà Nội xanh, sạch, đẹp là mục tiêu lớn đã và đang được cộng đồng chung tay cùng chính quyền thành phố thực hiện bằng những công việc cụ thể. Trước những thực trạng, những vấn nạn về ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, anh Tới đau đáu về những trọng trách của mình dành cho cộng đồng, cho môi trường.  Cuối tháng 2/2017, anh cùng các tình nguyện viên cho ra đời dự án “Chủ nhật xanh” với mục đích giải quyết triệt để những bãi rác tự phát trên địa bàn Thủ đô và tuyên truyền đến từng hộ gia đình về việc xả rác đúng nơi quy định. Cứ hai tuần một lần, anh cùng hơn 200 hội viên của NCC lại huy động mọi người để cùng nhau dọn rác. Từ đó đến nay, với 8 lần ra quân, NCC đã xử lý, dọn sạch 21 bãi rác lớn tại Hà Nội: Phạm Văn Đồng, Trung Kính, công viên Thống Nhất…. Sông Nhuệ, sông Tô Lịch được các anh thường xuyên tổ chức dọn rác sạch lòng sông và hai bên bờ. Dự án Chủ nhật xanh do “người anh cả” Phạm Văn Tới tổ chức thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia. Trong những lần dọn rác ấy, anh và NCC như được tiếp thêm sức mạnh khi có sự chung tay giúp sức của chính quyền, người dân, đặc biệt là “ông tây dọn rác James Joseph Kendall - người nổi tiếng vì hành động lội mương dọn rác”. Ban đầu, công việc dọn rác của anh và NCC đã gặp không ít trở ngại do sự hiểu lầm từ một số cán bộ quản lý ở khu vực. Nhưng sau đó, khi hiểu được thiện ý của NCC, chính quyền và người dân khu vực đã giúp đỡ việc dọn dẹp vệ sinh trên địa bàn. Những buổi dọn rác của NCC dần dần được nhiều bạn trẻ biết đến liên hệ và muốn được tham gia khi có thời gian rảnh. Theo anh Tới, hành động dọn rác của NCC không chỉ mong muốn mang đến cho các bạn trẻ những việc làm thiện nguyện ý nghĩa, có ý thức bảo vệ môi trường hơn, đồng thời truyền tải một thông điệp với người dân: hạn chế vứt rác bừa bãi, bảo vệ môi trường trước nguy cơ đang chết dần vì ô nhiễm.  Cho đến bây giờ, điều anh trăn trở và mong muốn nhất là cùng NCC chung tay góp sức trong việc làm sạch môi trường, cắt cỏ, tỉa cây trên con đường hiện đại nhất Việt Nam - đại lộ Thăng Long. “Tôi làm vì cộng đồng vì muốn một Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn. Tôi muốn từng bạn trẻ đều ý thức được việc bảo vệ môi trường sống là bảo vệ cho chính bản thân mình và con em chúng ta sau này” - anh Tới chia sẻ. Trách nhiệm với mọi vấn đề nổi cộm của xã hội Với sức trẻ tràn nhiệt huyết, Phạm Văn Tới cùng NCC còn có mặt ở nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa khác. Nhận thấy nhiều bạn sinh viên khi ra trường không xin được việc làm, anh muốn tặng các bạn một món quà ý nghĩa bằng việc đào tạo bổ sung kỹ năng. Đến tháng 9/2015, anh xúc tiến hoạt động CLB Hỗ trợ sinh viên Việt Nam - hỗ trợ các bạn sinh viên trong thời gian đang học trên ghế nhà trường; hỗ trợ, đào tạo các bạn các kỹ năng mềm và định hướng lập nghiệp miễn phí. “Mong muốn của chúng tôi là mỗi năm hỗ trợ được 1.000 sinh viên ra trường có việc làm và hỗ trợ cho các bạn đó sang Nhật học tập và làm việc ở đó. Các bạn nào có mong muốn học lên cao học, chúng tôi sẽ hỗ trợ liên kết với các trường để  cho các bạn có cơ hội để học tập” - anh Tới cho biết. Đến nay, CLB đã đào tạo, giúp hàng trăm sinh viên thuần thục kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, khởi đầu thuận lợi, dễ dàng hòa nhập cuộc sống. Được biết, mới đây, anh cùng NCC vừa thực hiện thành công chương trình đi bộ “Chống bạo hành phụ nữ”  - một chương trình ấn tượng với số lượng người tham gia lớn nhất đầu tiên tại Việt Nam. Tin rằng, với đôi chân không mỏi, Phạm Văn Tới sẽ tiếp tục hiện thực hóa phương châm "lời nói đi đôi với hành động" với những việc lan tỏa và truyền cảm hứng cho những người trẻ hướng đến một xã hội nhân văn và tốt đẹp. Thục Anh

Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc

TĐKT - Ngày 26/10, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) tổ chức Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc. Đây là hoạt động thường niên của Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức từ năm 2007, nhằm tri ân người hiến giác mạc và biểu dương phong trào vận động người hiến giác mạc. Hiện nay tại Việt Nam đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra và mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế. Khi đó họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại buổi lễ Kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam, kỹ thuật có dụng cụ cũng như trang thiết bị đầy đủ nhưng cái thiếu duy nhất đối với kỹ thuật này lại chính là làm sao có được giác mạc để ghép. Đó cũng là khó khăn chung trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam – nơi từ ngàn đời nay tư tưởng định kiến “chết toàn thây” đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng. Những năm qua, phong trào hiến giác mạc được nhiều người dân ở các địa phương trên cả nước tích cực hưởng ứng. Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và tiến hành ghép thành công, mang lại nguồn sáng cho nhiều người bệnh. Từ ngọn cờ đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước là huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), đến nay đã lan tỏa những hành động, nghĩa cử cao đẹp đến các địa bàn khác, trong đó phải kể đến tỉnh Nam Định. Từ năm 2014 đến nay, riêng tại tỉnh Nam Định, đã có 38 người hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời, trong đó huyện Hải Hậu có 28 người đã hiến tặng giác mạc. Trao tặng “Bằng ghi nhận Nghĩa cử cao đẹp” cho đại diện 23 gia đình những người hiến giác mạc huyện Hải Hậu Tại buổi lễ, Bệnh viện Mắt Trung ương đã trân trọng trao tặng “Bằng ghi nhận Nghĩa cử cao đẹp” cho đại diện 23 gia đình những người hiến giác mạc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đồng thời, khen thưởng 8 tình nguyện viên, cộng tác viên tiêu biểu trong công tác vận động hiến tặng giác mạc ở địa phương. Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương gửi lời cảm ơn tới những người hiến giác mạc và gia đình đã đóng góp một phần cơ thể của mình, góp phần đem lại ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho những người không may bị mù lòa. Ông Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định: đây là việc làm nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc, luôn được Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành Y tế và toàn thể xã hội đánh giá cao, ghi nhận, trân trọng và coi đây như những món quà vô giá để lại cho những người còn sống. Tại buổi lễ, đại diễn lãnh đạo bệnh viện Mắt Trung ương cùng chính quyền địa phương đã phát động đến toàn thể nhân dân địa phương phong trào hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đem lại ánh sáng cho những người bị mù. Từ năm 2007 đến năm 2017, cả nước có trên 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 391 người hiến sau khi qua đời tại 14 tỉnh thành trong cả nước. Ngân hàng mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do bệnh lý giác mạc.  Hưng Vũ

Yên Mô (Ninh Bình) sôi nổi với phong trào thanh niên lập nghiệp

TĐKT - Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường khởi nghiệp để làm giàu chính đáng bằng tài năng, trí tuệ của mình. Nhiều tấm gương đoàn viên, thanh viên bước đầu khởi nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực rất cần được nhân rộng. Vươn lên làm giàu bằng nghề thủ công mỹ nghệ Khởi nghiệp từ lòng đam mê với ngành thủ công mỹ nghệ, sau hơn 10 năm gắn bó, hiện anh Dương Tiến Dũng đã trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng (Yên Lâm, Yên Mô). Ý tưởng phát triển nghề thủ công đến với anh Dũng khi anh nhận thấy mặt hàng thủ công mỹ nghệ hiện còn mới lạ trên thị trường, cho thu nhập khá. Bởi vậy, anh quyết tâm tìm hiểu để phát triển kinh lĩnh vực này. Anh Dương Tiến Dũng bên các sản phẩm mỹ nghệ Năm 2006, anh mạnh dạn gom góp và vay mượn được số tiền 30 triệu đồng để đầu tư mở cơ sở sản xuất mặt hàng bèo bồng. Khi bắt tay vào thực hiện, anh gặp không ít khó khăn. “Khó khăn lớn nhất lúc đó là tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ. Vì vậy, tôi chủ động liên hệ với các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành để đàm phán, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất mới thành lập, chưa tạo được niềm tin với các đối tác trong nước, do đó hàng hóa chủ yếu phải xuất đi Trung Quốc.”- anh Dũng chia sẻ. Khi xuất sang Trung Quốc, mặt hàng của anh được bày bán ở các khu chợ, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt, doanh thu lại không ổn định. Bởi vậy, sau gần 3 năm cơ sở đi vào hoạt động, lợi nhuận thu về chỉ đủ quay vòng, không mở rộng được quy mô sản xuất. Chính khó khăn đó khiến anh quyết định tìm hướng đi mới cho cơ sở sản xuất của mình. Với tinh thần ham học hỏi, cùng với sự linh hoạt trong kinh doanh, năm 2008, anh quyết định đầu tư thêm vốn, đổi mới mặt hàng kinh doanh từ bèo bòng sang cói xiên. Theo anh, sản phẩm làm từ cói xiên thường sử dụng để trưng bày, trang trí trong gia đình hoặc phục vụ du lịch nên thị trường tiêu thụ rộng lớn. Trong 2 năm đầu anh nhận gia công sản phẩm từ các công ty khác để có thời gian quan sát, trao đổi kinh nghiệm. Sau đó, với kiến thức tích lũy được, anh đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, cải thiện năng suất lao động. Nhờ đó, cơ sở sản xuất của anh đã có những thay đổi tích cực, doanh thu hàng năm đạt khoảng 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động trên địa bàn. Đến năm 2010, anh ký hợp đồng thành công với các đối tác lớn ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Từ đó, anh ngừng gia công hàng hóa mà tập trung sản xuất. Sau 10 năm miệt mài phấn đấu, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Dũng chính thức được thành lập vào tháng 1/2016. Từ đó đến nay, doanh thu của Công ty luôn đạt mức 22 đến 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao với mẫu mã đa dạng, phong phú: thùng ô van, khay đựng rượu, đĩa ăn, thảm, lẵng hoa... Để mở rộng quy mô kinh doanh, anh đã xây dựng thêm cơ sở sản xuất tại các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Phát triển kinh tế từ nuôi cá chạch sụn Sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia năm 2012, anh Hoàng Văn Cảnh (thôn Thổ Hoàng, Yên Hòa, Yên Mô) về công tác tại UBND xã Yên Hòa. Bên cạnh công việc tại cơ quan, anh Cảnh luôn ấp ủ xây dựng mô hình kinh tế mới cho riêng mình. Năm 2015, hưởng ứng phong trào thanh niên lập nghiệp trên toàn tỉnh, anh Cảnh đăng ký tham gia. Gia đình anh là một trong 5 hộ tham gia thí điểm mô hình. Anh được Công ty cổ phần Vinceo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật xử lý ao hồ, chăm sóc cá.   Anh Hoàng Văn Cảnh chăm sóc ao cá chạch sụn Theo anh Cảnh, cá chạch sụn là vật nuôi còn rất mới trên địa bàn, anh được biết đến chúng khi tìm hiểu qua mạng Internet. Để tìm hiểu kỹ và đi sâu vào thực hiện mô hình này, anh đã chủ động liên hệ về thăm quan và học hỏi mô hình tại thị trấn Quỹ (Nam Định). Sau khi đã nắm bắt được đặc điểm và cách nuôi, đầu năm 2016, anh đầu tư 50 triệu đồng để cải tạo diện tích 1.800 m2 ao và mua con giống. Anh Cảnh cho biết: Cá chạch sụn là loài tương đối dễ tính và kỹ thuật nuôi không quá khó. Điều quan trọng là nguồn nước nuôi thả phải đảm bảo vệ sinh bởi chạch sụn là loài cá da trơn, có tập tính ăn nổi, nên nước ao nuôi phải sạch, thông thoáng mới đảm bảo để cá phát triển. Thông thường cứ 10-15 ngày lại thay nước cho ao nuôi hoặc bể nuôi để phòng, tránh dịch bệnh và không được nuôi thả ở mật độ quá dày. Mực nước tốt nhất để chạch sinh trưởng và phát triển đảm bảo là từ 60 đến 70 cm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi cá, cộng với chăm sóc tốt, mô hình cá chạch sụn của anh Cảnh đã cho năng suất cao. Ngay năm đầu tiên, anh thu về gần 4 tạ chạch và bán với giá là 90 nghìn đồng/kg. Anh còn cung cấp con giống cho thị trường với mức giá dao động từ 300 - 700 đồng/con. Cùng với 20 vạn con giống được bán ra, uớc tính thu nhập bình quân cả năm đạt mức trên 70 triệu đồng. “Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng diện tích nuôi chạch sụn, chú trọng vào phát triển con giống, đồng thời hướng dẫn bà con địa phương cùng nhân rộng mô hình, giúp nhau phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống người dân trong xã.”- anh Cảnh chia sẻ. Tùng Chi

Hiện thực hóa ước mơ định vị thương hiệu dược liệu Việt

TĐKT – Sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, một tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, chị Hoàng Thị Thạo, Giám đốc Công ty Cổ phần Solavina chi nhánh Đắk Lắk đã ấp ủ ước mơ kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Chị đã lựa chọn cây dược liệu là hướng phát triển ưu tiên của doanh nghiệp mình. Bởi theo chị, phát triển cây dược liệu là con đường mang đến cho người Việt những sản phẩm Việt chất lượng, đảm bảo sức khỏe, con đường để làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp, và tiếp sức giúp bà con miền núi xóa đói, giảm nghèo. Nữ doanh nhân Hoàng Thị Thạo Theo thống kê của Viện Dược liệu - Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật và nấm, hơn 400 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay, hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 80% dược liệu được sử dụng, trong đó 70% - 80% không rõ nguồn gốc. Việc quản lý chưa chặt chẽ khiến nhiều dược liệu đang bị làm giả, nhuộm và bảo quản bằng hóa chất độc hại… đe dọa sức khỏe người bệnh. Trước thực tế đó, nữ doanh nhân Hoàng Thị Thạo cùng Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Solavina đã dồn mọi tâm huyết trong công cuộc xây dựng vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP –WHO, định vị thương hiệu dược liệu Việt trên toàn quốc cũng như các quốc gia trên thế giới. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đầu tư và phát triển cây dược liệu ở Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần Solavina đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất thành công 15 loại cây dược liệu phù hợp với các vùng thổ nhưỡng và khí hậu trong cả nước. Trong đó nổi bật là cây cà gai leo và cây nghệ. Chị Thạo cho biết: “Khi vào đến Tây Nguyên để khảo sát, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng có khả năng đáp ứng được yêu cầu cao về trồng và phát triển cây dược liệu, chúng tôi quyết định đầu tư giống, phân bón, quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.” Solavina coi Tây Nguyên là địa bàn chiến lược để sản xuất cây dược liệu, trước hết là cây nghệ. Tuy nhiên, thay vì đi thu mua sản phẩm có sẵn sau mỗi mùa vụ, Solavina đang xây dựng những vườn nghệ riêng của mình, nhằm có được nghệ nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Khi việc mở rộng vùng trồng đã ổn định, công ty tiếp tục xây dựng thêm các xưởng sơ chế phục vụ cho nhà máy chiết suất Curcumin từ nghệ, loại tinh chất có nhiều tác dụng chữa trị bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư và một số bệnh hiểm nghèo khác. Hiện công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đi Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ… Phát triển vùng dược liệu tại Tây Nguyên sẽ góp phần giúp người dân các xã nghèo nơi đây chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế mới, giải quyết công ăn, việc làm. “Một nhà máy sản xuất, sơ chế nghệ 100 tấn/ngày cần khoảng 25 nhân lực. Công ty sẽ xây dựng tại mỗi một huyện 3 xưởng sơ chế như vậy, từ đó, có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Đến năm 2018, công ty đăng ký triển khai khoảng 3000 ha vùng trồng nghệ tại Đắk Lắk, cùng với đó bao tiêu sản phẩm, bao tiêu đầu ra, hướng dẫn quy trình trồng dược liệu sạch cho bà con.” – Chị Thạo nhấn mạnh. Với những bước đi vững chắc, ước mơ định vị thương hiệu dược liệu Việt, và mong muốn giúp bà con miền núi xóa đói, giảm nghèo của Solavina nói chung và nữ doanh nhân Hoàng Thị Thạo nói riêng đang dần hiện thực hóa. Con đường phía trước tuy còn nhiều chông gai, nhưng với bản lĩnh mạnh mẽ, chị Hoàng Thị Thạo luôn tự tin, sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Chị chia sẻ: “Doanh nghiệp ở đâu cũng thế, có nhiều lúc bế tắc trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường... Tuy nhiên, mình xác định phải chủ động trong mọi công việc, như thế mới có thể sẵn sàng đương đầu với thử thách và vượt qua khó khăn. Rất may mắn, trong sự nghiệp của mình, con đường đi khá thuận lợi, có những đối tác, bạn bè anh em luôn sát cánh, cố vấn nên mình rất tự tin.” Nguyệt Hà

Tiên phong đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngành than

TĐKT - Sáng 23/10, tại Hà Nội, Viện Khoa học Công nghệ (KHCN) Mỏ - Vinacomin tổ chức Gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ngày 24/10/1972, Viện KHCN Mỏ - Vinacomin được thành lập (tiền thân là Phân viện Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật than), đánh dấu sự ra đời của một tổ chức KHCN chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ mỏ. Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng và triển khai thực hiện những công trình đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Viện đã phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn Vinacomin, từng bước nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ và phát triển vững chắc ở hầu hết các lĩnh vực: công nghệ khai thác; tuyển, chế biến, sử dụng than và khoáng sản; phát triển điện, năng lượng; vật liệu mới; kỹ thuật tự động hóa; chế tạo máy móc; thiết bị, an toàn; bảo vệ môi trường…, tạo ra nhiều sản phẩm nguyên liệu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện 45 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã và đang ngày càng khẳng định vai trò cầu nối trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong lĩnh vực than, điện, khoáng sản: khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, cơ điện, tự động hóa mỏ, tiết kiệm năng lượng... Trong những năm qua, Viện đã đề xuất và được tuyển chọn thực hiện nhiều dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN các cấp. Trong đó, có những đề tài thuộc "Chương trình KHCN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn 2025", Dự án KHCN cấp Nhà nước "Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng, ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo", các đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ, thuộc các chương trình "Ứng phó biến đổi khí hậu", "Tiết kiệm năng lượng"... đến các đề tài cấp Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước nâng cao mặt bằng KHCN trong ngành. Những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển của Viện trong 45 năm qua được Nhà nước đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1992), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1997), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2002), Huân chương Độc lập hạng Ba (2007)… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học được trao Giải thưởng “Sáng tạo KHCN Việt Nam”, Giải thưởng Nhà nước về KHCN và nhiều giải thưởng khác. Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Bằng khen của Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Phương Thanh

Tuyên dương 141 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm 2017

TĐKT - Sáng 22/10, Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2017. Tới dự, có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương. Các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương tại buổi lễ Tại Lễ tuyên dương, có 141 em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu trong năm học 2016 - 2017 đã được khen thưởng, chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao… và một số dân tộc thiểu số khác. Trong đó, có 15 em là sinh viên học giỏi ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội được Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen, 8 em học sinh đạt giải cấp Quốc gia, cấp thành phố được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen. Còn lại là các em được nhận giấy khen của Ban Dân tộc TP Hà Nội. Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, sự quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc miền núi của Hà Nội đã tác động trực tiếp tới nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của các cấp, ban ngành, của các dòng họ, trong mỗi gia đình, từ đó khơi dậy ý thức vươn lên trong học tập của các em. Ông Vinh mong muốn các em học sinh, sinh viên sẽ “không tự bằng lòng”. Thay vào đó, cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phấn đầu học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, những công dân tốt của Thủ đô. Những năm qua, công tác dân tộc, trong đó có lĩnh vực giáo dục được TP đặc biệt quan tâm. Thành phố đã dành hơn 600 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố dự kiến bố trí  328 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 35 dự án trường học. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng dân tộc miền núi luôn được coi trọng. Hiện nay trên địa 14 xã vùng dân tộc miền núi có 200 giáo viên đang công tác là người dân tộc thiểu số. Các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số và giáo viên được thực hiện đầy đủ. 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1, tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm 2017 đạt 90%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt gần 82%. Việc tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 6 và lớp 10 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội được xét tuyển công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chế độ cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số được đảm bảo. Hằng năm học sinh dân tộc thiểu số được vào học tại các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề… Nguyệt Hà

Vinacontrol – khẳng định vị thế đơn vị giám định độc lập hàng đầu Việt Nam

TĐKT – Sáng 21/10, tại Hà Nội, Tập đoàn Vinacontrol long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (24/10/1957 - 24/10/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tiền thân của Vinacontrol là Cục Kiểm nghiệm hàng hóa xuất, nhập khẩu kiêm Sở Giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công thương), được thành lập ngày 24/10/1957. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Vinacontrol đã phát triển không ngừng, mang đến khách hàng những dịch vụ đạt chất lượng tốt nhất, là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành giám định, phân tích, chứng nhận và kiểm định tại Việt Nam. Cán bộ Chi nhánh Vinacontrol Quảng Ninh lấy mẫu sản phẩm dầu thực vật để giám định Song song với việc giữ vững thế mạnh và uy tín của dịch vụ giám định truyền thống, Vinacontrol không ngừng nghiên cứu, phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ khoa học - kỹ thuật cao cũng như những gói dịch vụ trọn gói nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng và phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, giám định viên, phân tích viên, thẩm định viên… giàu kinh nghiệm, thạo nghề và luôn hết mình vì công việc, sẵn sàng có mặt mọi lúc mọi nơi để thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, mạng lưới Vinacontrol đã phát triển trên khắp cả nước với 28 đơn vị trực thuộc cùng với 6 phòng thí nghiệm được đánh giá và công nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Bên cạnh việc hợp tác với các tổ chức giám định trên toàn thế giới, năm 2017, Vinacontrol chính thức thành lập văn phòng đại diện đầu tiên tại châu Phi. Trong thời gian gần đây, Vinacontrol tham gia cung cấp dịch vụ cho các dự án đặc biệt quan trọng: Nhà máy thủy điện Sơn La; Nhà máy phân đạm Hà Bắc; Thủy điện Huội Quảng, Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2, Nhà máy điện Cà Mau 1, 2; Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Thăng Long, Hạ Long... Tất cả đều ghi đậm dấu ấn của những giám định viên mẫn cán vì mục tiêu hoạt động: Độc lập, trung lập và khách quan, cho sự phát triển của công trình và phát triển chung của đất nước. Nhờ có được những định hướng đúng đắn, sự đồng lòng và quyết tâm của lãnh đạo và người lao động ở tất cả các đơn vị, Vinacontrol đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Doanh thu năm 2016 đạt trên 499 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt trên 28 tỷ đồng. Những nỗ lực của Vinacontrol đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận qua những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Công thương… Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Tập đoàn vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phương Thanh

Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu ứng dụng xây dựng công trình quân sự

TĐKT - Sáng 21/10, tại Hà Nội, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật quân sự) kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (21/10/1967 – 21/10/2017). Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt là đơn vị thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật quân sự bậc đại học và sau đại học các chuyên ngành: xây dựng công trình quốc phòng, cầu đường, sân bay, công trình đặc biệt, trắc địa bản đồ, địa tin học, xây dựng dân dụng và công nghiệp; nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng công trình quân sự; tư vấn dịch vụ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng. Trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành, Viện không ngừng lớn mạnh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, Viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn kỹ sư, cán bộ khoa học kỹ thuật cho toàn quân, kỹ sư dân sự phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cho quân đội nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật được Viện đào tạo đều có trình độ chuyên môn cao, là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng các công trình quân sự, góp phần bảo đảm cho Quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện là tập thể khoa học mạnh, lực lượng tiên phong của Học viện. Đến nay, Viện đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 12 đề tài, chương trình cấp nhà nước; 27 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; 54 đề tài cấp học viện; đã công bố 10 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số ISI, Scopus; 46 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế; 368 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước; 39 báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế; 82 báo cáo tại hội nghị khoa học trong nước; xuất bản 48 đầu tài liệu, sách, giáo trình. Viện chủ trì và tham gia nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Trong đó, nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học - kỹ thuật quân sự, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho nhu cầu quân sự, quốc phòng và kinh tế - xã hội... Ghi nhận những thành tích của cán bộ, giảng viên, nhân viên trong những năm qua, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen và Cờ của Thủ tướng Chính phủ 3 năm liên tục 2014, 2015, 2016; nhiều cá nhân, tập thể được Học viện và Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, Giấy khen... Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Viện được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Đại tá, PGS,TS. Vũ Ngọc Quang, Bí thư Đảng ủy Viện cho biết: thời gian tới, Viện sẽ đẩy mạnh quy hoạch, tham mưu, đề xuất với Học viện và Bộ Quốc phòng đầu tư, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ, tạo nền tảng kỹ thuật để nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhất là phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Minh Phương

Trang