TĐKT - PGS.TS Nguyễn Kim Đường sinh năm 1950 tại xã Nam Lạc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là nhà khoa học luôn gắn bó tri kỉ với người nông dân. Mặc dù tuổi đã cao nhưng PGS.TS Nguyễn Kim Đường luôn cháy bỏng trong mình nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học và truyền đạt những kiến thức vốn có để chia sẻ với các em sinh viên, những người nông dân chân lấm tay bùn.
PGS.TS Nguyễn Kim Đường
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ ông dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng con cái vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Lên 8 tuổi, ông đã phải ra đồng làm việc, cho nên lúc 12 tuổi tất cả những công việc của người nông dân như cày, bừa, cấy, gặt ông đều làm thành thạo.
Mặc dù gia đình nghèo khó phải lo ăn từng bữa nhưng bố mẹ ông vẫn quyết tâm cho con đến trường, không phụ lòng bố mẹ, PGS.TS Đường luôn đứng đầu trong các kỳ thi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ông được cử đi học ngành chăn nuôi tại Cuba.
Mặc dù đã hơn 40 năm nhưng khi nhớ lại cái ngày nghe tin được ra nước ngoài học, PGS.TS Nguyễn Kim Đường không giấu được niềm vui. Với ông, đó là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời. Ngày ấy, nghe tin vui, ông đã đi bộ hai ngày hai đêm để đến điểm tập trung mà không hề thấy mệt mỏi gì.
Cuối năm 1974, tốt nghiệp Đại học Cuba ngành chăn nuôi về nước, nguyện vọng đầu tiên của ông là được về Nghệ An công tác. Tuy nhiên, ngày đó, do sự phân công của tổ chức nên đầu năm 1975, ông nhận quyết định về làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc.
Những năm đầu, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngoài việc giảng dạy Nguyễn Kim Đường còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Ông đã nghiên cứu các chương trình “Nghiên cứu tái tạo lợn lai giữa các giống lợn nội và lợn ngoại”, “Nghiên cứu tái tạo bò lai giữa bò vàng và bò Sind”, nghiên cứu của ông đã được ứng dụng và giúp cho nhiều người nông dân xóa đói, thoát nghèo.
Đến năm 1979, ông Nguyễn Kim Đường đã bảo vệ xuất sắc đề tài khoa học cấp I (tương đương luận văn thạc sĩ bây giờ) về đề tài: “Đa hình di truyền protein huyết thanh của lợn thuần Lang Hồng, Đại Bạch, Landrace, DE và con lai F1 giữa lợn Đại Bạch, Landrace, DE với lợn Lang Hồng”.
Năm 1983, ông Nguyễn Kim Đường được cử sang Hungary làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tại Hungary, ông tiếp tục đi sâu vào hướng nghiên cứu di truyền với đề tài “Đa hình di truyền nhóm máu và kiểu transferring ở bò Holstien, bò địa phương Hungary và con lai F1 của chúng” và đến năm 1987, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Về nước, ông được cử vào công tác tại trường Đại học Nông nghiệp II – Huế (nay là trường Đại học nông lâm Huế). Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, ông còn tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu lai tạo lợn lai có tỷ lệ nạc cao ở khu vực miền Trung”; “Nghiên cứu thay thế lợn đen Cornwall bằng lợn trắng Đại Bạch tại Thừa Thiên Huế”…
Năm 1996, ông được phong học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành chăn nuôi và tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp II đến năm 2001.
Trải qua nhiều cương vị công tác và gặt hái được nhiều thành công trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, dù ở đâu, PGS.TS Nguyễn Kim Đường vẫn mong muốn có ngày được trở về quê hương xứ Nghệ sống và làm việc. Mỗi lần nghĩ đến những hình ảnh người nông dân ở quê quanh năm chân lam lũ, vất vả, chân lấm, tay bùn, vẫn không đủ ăn, ông lại muốn về quê, đem những kiến thức mình học được để chia sẻ, giúp đỡ bà con. Nghĩ là làm nên ông đã xin về công tác tại trường Đại học Vinh năm 2001.
Về quê, nhận thấy Nghệ An có thế mạnh về chăn nuôi bò, ông liền bắt tay vào nghiên cứu. Năm 2003, ông đã đề xuất và được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ chấp nhận cho triển khai đề tài “Đánh giá khả năng thích ứng và khả năng sản xuất của bò nuôi trong điều kiện Nghệ An”. Đề tài được nghiệm thu năm 2005 và đánh giá đạt loại xuất sắc.
Đến năm 2007, ông lại tiếp tục đề xuất và được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ chấp nhận cho triển khai đề tài “Nghiên cứu hiện trạng tiềm năng và đề xuất giải pháp triển chăn nuôi bò hàng hóa bền vững tại Nghệ An”. Đề tài đã được nghiệm thu năm 2009 và được công nhận xuất sắc.
Các nghiên cứu của ông đã góp phần không nhỏ để xây dựng khu vực thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn trở thành trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất Việt Nam với những trang trại hiện đại bậc nhất thế giới của Vinamilk và của Tập đoàn TH. Ngoài nghiên cứu phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, hiện tại ông đang tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lợn Sao Va, một giống lợn quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở khu vực miền Tây Nghệ An.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng đam mê được làm việc, được cống hiến luôn cháy trong con người PGS Nguyễn Kim Đường. Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông tham gia chủ biên, biên soạn nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, tiêu biểu: Giáo trình “Chọn giống và nhân giống gia súc” NXB Nông nghiệp 1992; “Di truyền học động vật” NXB Nông nghiệp 2000; “Chuyên khảo Di truyền quần thể” NXB Nông nghiệp 2008; sách tham khảo “Đa hình di truyền ở động vật” NXB Đại học Vinh, 2012; “Chăn nuôi cơ bản” NXB Đại học Vinh 2013; chuyên khảo “Chăn nuôi ở khu vực miền Trung” NXB Đại học Huế 2013 và giáo trình “Cơ sở di truyền chọn giống động vật thủy sản, NXB Đại học Vinh 2013.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong hơn 40 năm làm công tác đào tạo, ông có tới 23 năm được công nhận là giảng viên dạy giỏi và Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. 1 lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
Ngoài ra, ông còn gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, với 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 2 đề tài nhánh thuộc chương trình của Nhà nước về Bảo tồn Quỹ gien Vật nuôi và nhiều đề tài khoa học khác.
La Giang