Người tự bỏ tiền xây cầu phao cho dân
02/02/2018 - 15:15

TĐKT - Đến thôn Phú Lộc (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hỏi ông Lê Tất Dũng là ai cũng biết đến. Ông chính là người đã dùng số tiền dành dụm hơn 20 năm của mình để tự thiết kế và thi công cây cầu phao bắc qua sông Vu Gia, giúp người dân trong các thôn thuận lợi lưu thông qua khu vực này. Không những vậy, ông còn là người sáng chế ra nhiều nông cụ giúp bà con tăng năng xuất lao động.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống của ông Dũng đã sớm phải bôn ba. Thấy dân làng cứ mãi vất vả chờ những chuyến đò để qua sông canh tác, các cháu học sinh ngày ngày vượt đò tạm nguy hiểm đến trường, ám ảnh vì những cái chết đau thương trên sông, ông đã ấp ủ trong lòng ước nguyện xây cầu này.

“Trăn trở là thế, nhưng để đi đến hiện thực quả là vô cùng khó khăn. Nếu chờ tiền ngân sách địa phương xây cầu thì chưa biết đến bao giờ. Vận động bà con nhân dân đóng góp tiền thì cũng rất khó, bởi với người dân miếng cơm còn phải chạy ăn từng bữa nói gì có tiền mà đóng góp. Suy nghĩ nhiều, cuối cùng tôi cũng quyết tâm xây bằng được cây cầu phao để phục vụ người dân”, ông Dũng tâm sự.

Cây cầu đã giúp người dân đi lại thuận lợi hơn

Ông mời người dân trong thôn đến họp xin ý kiến về việc tự nguyện bỏ tiền làm cầu. Được người dân hưởng ứng, ông lên kế hoạch ra Đà Nẵng mua 147 thùng phi, 1,8 tấn sắt thép và 2 tạ dây cáp cùng các dụng cụ cần thiết rồi miệt mài ngày đêm lắp ráp và tạo thành cây cầu dài 78 m, rộng 1 m, trọng tải 750 kg trong suốt 3 tháng ròng rã. Thế là số tiền hơn 300 triệu đồng tiết kiệm bấy lâu ông dồn hết cho việc xây cầu.

Cây cầu phao do ông Dũng làm khá đặc biệt. Hai đầu cầu, ông đổ các trụ bê - tông vững chắc để nối hệ thống dây cáp kéo căng khiến cầu không bị uốn cong bởi dòng nước. Phía dưới mỗi hàng ngang, thay vì thông thường chỉ làm 2 thùng phuy, ông Dũng dùng tới 4 thùng được hàn chặt với nhau để giữ cầu cân đối. Ngoài ra, ông còn thiết kế lan can bằng dây cáp để tránh tai nạn mà theo ông rất ít cầu phao hiện giờ làm như vậy.

Không giấu được niềm vui khi cây cầu được hoàn thành,  bà Trương Thị Sáu (thôn Phú Lộc, xã Đại An) phấn khởi: "Nhà tôi có 2 sào ruộng bên kia sông, mấy chục năm nay tôi đi làm phải qua cầu tre hay đò rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Nay có cây cầu phao của anh Dũng làm đã hoàn thành, bà con tôi vui lắm!”.

Ông Dũng kiểm tra, bảo dưỡng cây cầu

Từ khi ông Dũng làm cầu cho dân làng, không còn vụ tai nạn nào xảy ra. Cây cầu không chỉ giúp bà con quanh vùng đi làm đồng thuận lợi mà việc buôn bán nông sản cũng dễ dàng vì thương lái đến tận nơi, đời sống bà con vì thế mà khá lên.

Đặc biệt, cây cầu còn giúp hàng trăm học sinh của thôn 10 xã Đại Cường đi học được an toàn. Vốn là thôn xa xôi nhất của xã Đại Cường, thôn 10 chỉ cách xã Đại An con sông Vu Gia nên hàng ngày người dân vẫn qua đây đi chợ, đến trường. Nhiều học sinh phải ở lại trọ học vì không dám qua sông bằng đò mỗi ngày.

Dù cây cầu mang lại nhiều lợi ích vậy, tuy nhiên ông Dũng vẫn có nhiều trăn trở: Nhiều thuyền bè bị chặn bởi cây cầu nên hàng ngày phải đến gọi ông tháo ra để qua lại trong khi đó nhiều lúc tôi không có ở nhà. Bên cạnh đó, cây cầu phao cũng có hạn chế là mỗi mùa mưa bão phải gỡ ra neo lại, nếu không sẽ bị lũ cuốn làm lại rất tốn kém. Bởi vậy, tôi mong chính quyền thuê người hàng tháng làm quản lý cây cầu để phục vụ dân làng tốt hơn.

Bảo Linh